Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

LÀN SÓNG NỔI DẬY TẠI BẮC PHI VÀ TRUNG ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN, TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

LÀN SÓNG NỔI DẬY TẠI BẮC PHI VÀ TRUNG ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN, TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM


PGS.TS. Đỗ Đức Định
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

1. Lược điểm lại những diễn biến chính của làn sóng nổi dậy tại Bắc Phi - Trung Đông và thực chất của làn sóng nổi dậy tại đó

Bắt đầu từ vụ một thanh niên thất nghiệp tự thiêu, ngọn lửa căm phẫn đã bùng lên thành một cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra tại Tunisia ngày 17 tháng 12 năm 2010 dẫn đến cuộc ra đi tị nạn của Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali tại Arập Xêút ngày 14-1-2011 sau gần 30 năm cầm quyền và gần một tháng chống đỡ không nổi; tiếp đến áp lực của quần chúng nhân dân đã buộc vị của Tổng thống lâu năm của Ai Cập Hosni Mubarak không muốn nhượng quyền cũng phải thoái vị vào ngày 11-2-2011, chuyển quyền quản lý đất nước cho quân đội sau 30 năm tại vị; kế nữa là hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi khác như Algeria, Jordan, Yemen, Quốc đảo Bahraihn, Libya, Moritani, Arập Xêút, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Marocco, thậm chí lan sang cả các nước ngoài thế giới Arập như Anbani, Bangladesh, Bolivia, Cyrus, Gabong và Cộng hoà Hồi giáo Iran... Đến nay các điểm nóng ban đầu là Tunisia và Ai Cập đã dịu bớt, nhưng các điểm nóng mới lại xuất hiện và ngày càng trở nên nóng hơn, đó là Libya và Iran. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã thực sự trở thành một làn sóng nổi dậy của dân chúng, nó không những lan nhanh, lan rộng, mà còn có thể kéo dài, dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng và cơ bản ở các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi vốn tồn đọng nhiều bất trắc tiềm ẩn kéo dài đã từ lâu.
Có người gọi những biến động trên đây là cách mạng hay “cách mạng đường phố” nhưng thực chất đây không phải là cách mạng vì nó không bắt đầu từ sự giác ngộ, từ các đảng phái lãnh đạo, khởi đầu là tự phát, không có tổ chức.
Đối với những người cầm quyền ở các nước nổ ra biểu tình, kể cả một số người đứng đầu các thánh đường Hồi giáo, thì những cuộc biểu tình này là các cuộc bạo loạn, nhưng đối với đa số dân chúng ở các nước sở tại thì đây là những cuộc nổi dậy đòi chấm dứt các chế độ độc tài, xây dựng các xã hội dân chủ, nâng cao đời sống và phúc lợi của nhân dân. Yêu sách cụ thể mà những người biểu tình đòi hỏi là phải có sự thay đổi chính phủ, phải tổ chức bầu cử có sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, thực thi các cuộc cải cách kinh tế - xã hội theo hướng kinh tế thị trường đi đôi với giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, chống tham nhũng... Chính vì đó là những cuộc nổi dậy của dân chúng nên các chính phủ dù không muốn, thậm chí tìm cách đáp lại bằng những biện pháp cứng rắn, kể cả dùng bạo lực đàn áp, cuối cùng cũng phải nhượng quyền, nếu không muốn bị lật đổ.
Xét về thời điểm và diễn biến đột ngột cùng mức độ lan toả nhanh chóng khiến chính phủ nhiều nước không kịp trở tay thì những cuộc xuống đường này là một sự bất ngờ; nhưng xét về những cội nguồn, nguyên căn âm ỉ từ lâu thì đây là những kết quả của những sai lầm có tính hệ thống. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về những cội nguồn, nguyên căn chính của những cuộc biểu tình nổi dậy đó.
2. Nguyên nhân của các cuộc biểu tình nổi dậy
Có hai loại nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông thời gian qua, đó là những nguyên nhân xuất phát từ bên trong và những yếu tố tác động từ bên ngoài, trong đó các nguyên nhân bên trong là cơ bản, đóng vai trò quyết định.
Nguyên nhân thứ nhất và cơ bản nhất là sự bất cập của thể chế, bao gồm cả thể chế chính trị và thể chế kinh tế. 
Bây giờ nhìn lại, ai cũng thấy rõ là phần lớn các chế độ chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đều đã được thiết lập từ cách đây trên dưới 30 năm, và từ đó đến nay hầu như không có thay đổi gì đáng kể, thậm chí một số nhà nước do một người, một dòng họ, một nhóm thân hữu, một thế lực, hay một giáo phái trị vì quá lâu. Điển hình là là Nhà nước Ai Cập do Tổng thống Hosni Mubarak, năm nay 82 tuổi, một sỹ quan không quân lên nắm quyền thay thế hai sỹ quan quân đội trước đó là Nasser và Sadat; Nhà nước Tunisia do Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali nắm quyền gần 30 năm; Nhà nước Lybi do Tổng thống Gadhafi lãnh đạo suốt 42 năm liền kể từ năm 1969 đến nay; và Nhà nước Iran do Giáo chủ Khômêni cùng với một chế độ liên kết các giáo lý đạo Hồi cố hữu với chính quyền chuyên chế kéo dài dai dẳng 30 năm, bất chấp những thay đổi diễn ra nhanh chóng trên thế giới trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức được trang bị bởi công nghệ thông tin hiện đại khó kiểm soát. 
Nhìn rộng ra, người ta thấy không chỉ ở Bắc Phi và Trung Đông, mà cả ở một số nơi khác cũng diễn ra tình hình tương tự như vậy: Không thay đổi kịp thời thì rơi vào khủng hoảng; thay đổi kịp thời thì vừa tránh được khủng hoảng, vừa đạt được các mục tiêu phát triển mong muốn. Như ở Zimbabwe chẳng hạn, Tổng thống Mugabe nắm quyền binh hơn 30 năm, đến 85 tuổi vẫn còn thách thức đối thủ 45 tuổi và thách thức công luận bức xúc lúc đó rằng “chúa còn cho tôi sống, tôi còn trị vì”! Ý chí quyết tâm cầm quyền đến hơi thở cuối cùng đó của vị Tổng thống già nua Mugabe đã đẩy đất nước Zimbabwe từ một trong những tấm gương sáng ở châu Phi trở thành một nước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng nhất cách đây không lâu (năm 2010) với tỷ lệ lạm phát lên tới hàng triệu phần trăm mỗi năm, chỉ riêng chi phí in đồng tiền có mệnh giá thay đổi thường xuyên đã trở thành một gánh nặng trong các khoản chi công của đất nước, và đến đỉnh điểm đồng tiền mệnh giá 100 tỷ đôla Zimbabwe chỉ mua được 3 quả trứng! Kết cục thảm hại trên đây khác hẳn so với tình hình diễn ra tại những quốc gia đẩy mạnh cải cách, kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của dân chúng như ở Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Một trong những ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy nhất trong thế giới Hồi giáo đã đặt tôn giáo nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, và tôn giáo mà họ lựa chọn là đạo Hồi ôn hoà, chứ không phải đạo Hồi cực đoan. Tại những nước thực thi các cuộc cải cách kịp thời này không những không xảy ra tình trạng nổi dậy đòi lật đổ chính quyền, trái lại nhà nước còn được dân chúng ủng hộ, bảo vệ.
Nói vậy không có nghĩa là tại các nước Bắc Phi và Trung Đông không có thay đổi. Trong thực tế, họ đã tiến hành một số cải cách, nhưng những cải cách đó không căn bản và không đồng bộ, chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của tầng lớp cầm quyền hơn là quyền lợi của dân chúng. Từ thập niên 1990, các nước Bắc Phi và Trung Đông đã triển khai một số cải cách, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, kết quả đã mang lại một số thành công đáng kể như tăng trưởng kinh tế tới 5-6%/năm ở Ai Cập, Libya, Iran. Nhưng đáng tiếc, những thành quả của cải cách kinh tế không được hoặc chỉ được sử dụng rất ít cho mục tiêu giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như nghèo đói, bệnh dịch, giáo dục, y tế... Nói cách khác, rất ít những lợi ích của cải cách kinh tế đến được tay đa số dân chúng, trái lại phần lớn lọt vào tay các quan chức cầm quyền tham nhũng.
Một bất cập nữa là sự thiếu đồng bộ giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Trong số các nước Bắc Phi và Trung Đông mà dân chúng đã nổi dậy đòi lật đổ chính quyền, một số cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do đã được triển khai, nhờ đó một tầng lớp những người giàu có đã hình thành, họ đòi hỏi phải có tiếng nói chính trị tương xứng, nhưng sự đè nén, kìm hãm về chính trị đã không đáp ứng được những nhu cầu của họ, vì thế họ ủng hộ những cuộc đấu tranh đòi thay đổi hệ thống chính trị cho phù hợp với những thay đổi về kinh tế.
Nguyên nhân lớn thứ hai là sự cách biệt giữa tầng lớp quan chức thống trị và người dân bị trị, giữa các thế hệ và các luồng tư tưởng, giữa các ý thức hệ khác nhau
Có người gọi loại nguyên nhân thứ hai này là những nguyên nhân về xã hội và nhân chủng học. Bằng chứng họ đưa ra là một thế hệ của những người dân trẻ ở các nước này có nguy cơ bị bỏ rơi, cho nên họ phải đứng lên đấu tranh đòi quyền phát triển. Như ở Ai Cập chẳng hạn, gần 65% dân số ở độ tuổi dưới 30, trong số đó 25% những người ở độ tuổi 18-29 bị thất nghiệp, chỉ 1% thanh niên tham gia các đảng phái chính trị, 99% thờ ơ với giới lãnh đạo vì lãnh đạo không quan tâm đến họ thì đáp lại họ cũng không quan tâm đến lãnh đạo, họ hầu như không biết về chiến tích của ông Mubarak khi ông nổi lên như một nhà lãnh đạo không quân tài ba trong cuộc chiến chống Israel năm 1973, mà chỉ biết qua các nguồn thông tin đại chúng giờ đây bản thân ông, gia đình ông và dòng họ của ông nắm quyền tối thượng ở đất nước, hầu như không ai ngoài những người thân cận và phe cánh của ông toàn quyền thống trị đất nước, tha hồ vơ vét của cải và trở nên cực kỳ giàu có với số tài sản của gia đình ông trị giá hơn 70 tỷ USD.  
Mẫu thuẫn ở Ai Cập dâng lên thành cao trào vì đó là sự xung đột giữa hai luồng tư tưởng, một bên là dân chúng muốn thoát khỏi chế độ độc đoán kìm kẹp họ quá lâu, đòi xây dựng một xã hội dân chủ, bên kia là chế độ chuyên quyền do Tổng thống Mubarak lập nên chỉ quan tâm tới việc xây dựng quyền lực, sản phẩm của cái mà nhiều người gọi là sự “ám ảnh về ổn định và an ninh”, họ tưởng duy trì được ổn định là kiểm soát được đất nước, nhưng họ đã lầm, ổn định mà không quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng, bỏ lỡ nhiều cơ hội thực hiện các cuộc cải cách dân chủ và hiện đại hoá đất nước, thì đó là một sự ổn định trong sóng ngầm. Chính những luồng sóng ngầm đó giờ đây đã góp lại thành những cơn sóng thần nhấn chìm họ.
Còn ở Iran thì giới trẻ và dân thường cho rằng tôn giáo và chính quyền phải làm theo nguyện vọng của dân, không chỉ dựa vào quyền lực mà bất chấp lòng dân.
Tại Libya cũng vậy, chủ thuyết Gadhafi chỉ có ảnh hưởng lớn trong giới cầm quyền, thậm chí còn nhằm xây dựng một xã hội cha truyền con nối, quản lý bằng quân đội, song không được lòng dân.
Trong các trường hợp trên thì Tổng thống Mubarak của Ai Cập và Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia không được quân đội ủng hộ nên đành phải từ chức và nhượng quyền, mặc dù không muốn, còn Tổng thống Gadhafi của Libya và phính phủ Iran được quân đội hỗ trợ nên đã đáp trả lại các lực lượng nổi dậy bằng những biện pháp cứng rắn, kể cả dùng vũ lực gây đổ máu. Như vậy, trong sự cách biệt giữa chính quyền và dân chúng có vai trò rất quan trọng của quân đội: Nếu quân đội ủng hộ dân thì chính quyền phải nhượng bộ, tránh được bạo lực và đổ máu; ngược lại, nếu quân đội ủng hộ chính quyền thì cuộc đấu tranh trở nên gay go, ác liệt, có thể dẫn đến bạo lực, đổ máu, và trong thực tế đã diễn ra bạo lực, đàn áp đẫm máu ở Libya và Iran làm hàng vạn người phải li tán và hàng ngàn người bị tiêu diệt (riêng tại Libya tính đến 25 tháng 2 năm 2011 đã có hơn 1000 người bị giết chết).
Đi liền với sự cách biệt về thế hệ còn là sự cách biệt về tư tưởng. Tại các nước Bắc Phi và Trung Đông người ta thấy rất rõ những xung đột giữa một bên là các tư tưởng thần học của Hồi giáo, nhất là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điển hình là chủ nghĩa dân tộc Nasser (Nasserism) hình thành từ các thập kỷ 1950-1960 gắn kết tôn giáo với chủ nghĩa dân tộc để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp cầm quyền mà cho đến nay hầu như không có thay đổi cho phù hợp với tình hình mới của toàn cầu hoá, tin học hoá và kinh tế tri thức, với bên kia là những trào lưu tư tưởng mới về tự do, dân chủ, nhân quyền ngày càng phát triển rộng rãi và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Tất cả những khác biệt và đối lập này được phản ánh hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiên thông tin đại chúng được công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ, và được giới trẻ tiếp cận nhanh chóng, cập nhật thường xuyên. Hiện nay ở các nước Ảrập có trên 700 kênh vệ tinh, trong đó gần 70% số kênh không do chính phủ các nước Arập quản lý. Đối với các nhà lãnh đạo Arập, đây là một lỗ hổng lớn nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ, đến mức như ở Ai Cập, chính quyền đã coi “lớp trẻ facebook không phải là lớp trẻ người Ai Cập thực sự”!
Thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới từ năm 2008 đến 2010 đã đổ thêm dầu vào lửa, làm cho những bức súc âm ỉ lâu nay có cơ hội bùng phát, biến thành biểu tình, bạo động lan toả khắp nơi
Cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới từ năm 2008 đến 2010 làm cho những vấn đề xã hội như tình trạng nghèo đói, lạm phát, bệnh dịch, phân biệt đối xử, thất học, tham nhũng, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp đã cao càng tăng nhanh, lên đến trên 30% ở Libya và 50% ở Ai Cập. Những vấn đề này ở các nước Trung Đông - Bắc Phi vốn đã rất bức xúc và nhức nhối từ lâu nay trở nên căng thẳng, chuyển hoá từ những vấn đề đời sống dân sinh thông thường thành những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng, từ những cuộc đấu tranh về quyền lợi cụ thể thành một phong trào đấu tranh đòi lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ. Ngược lại, những xung đột này càng làm cho những thành quả kinh tế bị mất dần đi, đời sống người dân càng thêm khốn khó, cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, cái vòng luẩn quẩn càng trở nên luẩn quẩn, muốn cải thiện mà không được, tình hình càng ngày trở nên xấu đi.
Thứ tư, sự tác động của các lực lượng từ bên ngoài và bên trong khu vực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Iran... góp phần khuấy động tình hình, làm cho tình trạng rối ren càng trở nên rối ren, phức tạp hơn.
Tác động từ bên ngoài thường rất phức tạp do mỗi nước, nhất là các siêu cường, đều có những lợi ích riêng, bất chấp lợi ích của nước sở tại. Trước những diễn biến xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông, thái độ và cách ứng xử của các nước trong và ngoài khu vực có những điểm giống nhau, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác nhau. Giống nhau là về cơ bản cho đến nay các nước đều ủng hộ phong trào dân chủ, đòi chính quyền các nước sở tại chuyển giao quyền lực. Khác nhau là mỗi nước có cách ứng xử riêng nhằm đảm bảo lợi ích và khu vực ảnh hưởng riêng của mình. Điều này thể hiện rất rõ khi nhìn vào cách ứng xử của các nước và nhóm nước cụ thể, nhất là những nước và nhóm nước lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc... thậm chí cả nước không lớn như Iran.
EU ngay từ đầu đã ủng hộ các cuộc nổi dậy, đòi chính quyền nước sở tại chuyển giao quyền lực. Điều này là phù hợp với lợi ích của EU vì lâu nay các nước Trung Đông và Bắc Phi ít thực hiện những cải cách về dân chủ và nhân quyền là những thứ EU luôn nêu điều kiện mỗi khi cung cấp viện trợ. 
Cách ứng xử của Mỹ lúc đầu không dứt khoát như EU, mà tỏ ra lúng túng, vì Mỹ gặp khó khăn khi phải lựa chọn giữa một bên là đồng minh tin cậy và bên kia là phong trào dân chủ, một mẫu hình phát triển mà Mỹ luôn theo đuổi. Cái khó của Mỹ là nếu chấp thuận yêu sách của dân chúng về dân chủ thì phải loại bỏ đồng minh tin cậy là Tổng thống Mubarak; ngược lại nếu Mỹ quyết tâm bảo vệ Tổng thống Mubarak thì sẽ mất phong trào dân chủ ở Ai Cập, thậm chí mất cả thế giới Arập, đó chính là lý do đằng sau sự lúng túng của Mỹ. Cuối cùng, xét vẻ bề ngoài, Mỹ đã phải công khai lựa chọn giải pháp đánh đổi: Hy sinh Tổng thống - đồng minh Mubarak, ủng hộ phong trào dân chủ đòi chuyển giao quyền lực; nhưng bên trong Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn tới giới quân nhân do lực lượng quân đội hàng năm nhận tới 1,3 tỷ trong tổng số 1,5 tỷ USD viện trợ của Mỹ cho Ai Cập. Đối với Libya thì Mỹ đã chính thức tuyên bố cấm vận và trừng phạt, đồng thời tiếp tục trừng phạt Iran.
Giải pháp của Trung Quốc khác hẳn so với cả Mỹ và EU. Trung Quốc tỏ ra không nghiêng hẳn về bên nào, không hoàn toàn ủng hộ chính quyền đương nhiệm, cũng không ủng hộ mạnh phong trào nổi dây, mà tuyên bố theo đuổi chính sách “cân bằng hoà bình”, thực hiện đối sách ngoại giao mềm dẻo được giới bình luận gọi là “chiến lược cân bằng mềm”, lựa chiều hưởng lợi. Trước đây Trung Quốc đã gây được ảnh hưởng lớn đối với Iran thông qua những biện pháp nhẹ tay với Iran trong vấn đề hạt nhân, không phản đối, cung như không tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc do phương Tây chi phối để trừng phạt nặng Iran, nhờ đó đã dành được phần lớn thị trường thương mại, nguồn dầu lửa và thị trường vũ khí lớn của Iran (Trung Quốc đã bán cho Iran khoảng trên 4 tỷ USD vũ khí). Nay Trung Quốc tiếp tục chính sách ngoại giao mềm dẻo này để dành ảnh hưởng và kiếm lời ở các nước có phong trào dân chúng nổi dậy. Nhờ chính sách cân bằng mềm đó, Trung Quốc tranh thủ được niềm tin của cả hai bên, từ đó dù bên nào thắng thì Trung Quốc vẫn mở rộng được ảnh hưởng, vẫn giành được lợi ích lớn. Đây chính là con đường để Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quan hệ với các nước châu Phi và Trung Đông trong hai thập kỷ qua.
Không chỉ các nước ngoài Bắc Phi và Trung Đông, mà cả các nước trong khu vực cũng có những cách ứng xử riêng đối với các cuộc nổi dậy. Nếu như Israel luôn luôn dựa vào Mỹ, thực hiện những chính sách giống như Mỹ, thì ngược lại Iran là một ví dụ điển hình về cách làm đối nghịc với Mỹ, nhưng đáng tiếc trong vụ việc này đã theo đuổi một cách làm “dùng gậy ông tự đập lưng ông”. Điều này xảy ra khi lúc đầu chính phủ Iran ủng hộ phong trào biểu tình của người dân Iran chống lại chính quyền Ai Cập, nhưng chớ trêu thay ngay sau đó chính những người Iran biểu tình chống chính phủ Ai Cập được chính phủ Iran cổ vũ lại quay sang chống chính phủ Iran, dẫn đến đàn áp, xung đột,  đổ máu. 
3. Dự báo tình hình Bắc Phi và Trung Đông trong thời gian tới
Từ cuộc nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ diễn ra mấy khả năng sau đây:
Về thời gian, có ba khả năng. 1- Nếu các chính quyền chấp nhận thoái vị và chuyển giao quyền lực thì các cuộc nổi dậy có thể tiếp diễn từ nay đến giữa hoặc cuối năm 2011. Cho đến nay, đây mới là giai đoạn khởi đầu, mang nặng tính tự phát, chưa có thời gian chuẩn bị, kể cả đối với các lực lượng trong nước và các lực lượng bên ngoài, do các lực lượng đó cũng bị bất ngờ nên chưa kịp tính toán các kịch bản riêng của họ. 2- Nếu không có chuyển giao quyền lực mà xảy ra nội chiến thì thời gian xung đột có thể kéo dài vài năm. 3- Khi các nước chấp nhận chuyển giao quyền lực, nhưng để có đủ thời gian cho việc hình thành những thể chế mới đòi hỏi phải mất vài năm.
Về không gian, cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục lan rộng ở các vùng trong nước của những quốc gia không chịu đáp ứng nguyện vọng dân chúng, và có thể lan sang một số nước khác có tình hình tương tự như các nước Trung Đông - Bắc Phi ít có thay đổi phù hợp với trào lưu dân chủ, toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Sự lan rộng này có khả năng tràn sang cả một số nước khác ngoài khu vực Trung Đông - Bắc Phi có nhiều yếu tố tiểm ẩn tương tự như ở các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Về giải pháp, có thể sẽ diễn ra 3 loại kịch bản. Một là tại một số nước sẽ diễn ra tiến trình dân chủ, kể cả dân chủ trong khuôn khổ của chủ nghĩa dân tộc và giáo lý đạo Hồi, nhưng là chủ nghĩa dân tộc đã có cải cách, mở cửa hội nhập quốc tế, và Hồi giáo ôn hoà. Thứ hai, có thể sẽ tiếp tục diễn ra một số cuộc bạo lực đẫm máu ở một số nước thiếu dân chủ, độc tài và Hồi giáo cực đoan. Thứ ba, có thể sẽ diễn ra thêm một số cuộc nổi dậy ở một số nước khác trong và ngoài khu vực Trung Đông - Bắc Phi, nhất là ở những nước lâu nay ít có thay đổi, cải cách, đời sống dân chúng bị o ép, cơ cực.
4. Đánh giá ảnh hưởng của tình hình nổi dậy tại Bắc Phi - Trung Đông tới Việt Nam và đối sách của Việt Nam 
Ảnh hưởng của tình hình nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông đối với Việt Nam có thể diễn ra dưới hai loại ngắn hạn và dài hạn, vì thế trong cách ứng xử chúng ta cũng cần có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. 
- Xét ngắn hạn, sẽ có tác động trực tiếp tới những hoạt động hợp tác của nước ta với các nước trong khu vực này, trước hết là những tác động tới hoạt động xuất khẩu lao động, đầu tư của Việt Nam vào nước họ và đầu tư của họ vào nước ta, hợp tác khai thác, mua bán dầu khí, quan hệ thương mại... Ngoài những tác động trực tiếp đó, còn có những tác động gián tiếp thông qua việc tăng giá dầu lửa thế giới, giảm nguồn tiền thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa, tăng nguồn tiền nhập khẩu các sản phẩm từ dầu lửa, làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng... 
Về thị trường của các nước đang rơi vào khủng hoảng, do biến động xã hội, kinh tế sa sút, chắc chắn quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng giảm. Chẳng hạn như Ai Cập, trong năm nay mức tăng trưởng GDP dự báo có thể giảm từ 5,3% xuống 3,7%, các nguồn thu chính từ du lịch (13 tỷ USD), thị trường chứng khoán (12 tỷ USD), cước phí cho thuê vận tải qua kênh đào Suez (4,7 tỷ USD), tất cả đều sẽ giảm, sự giảm sút đó chắc chắn có tác động bất lợi đến quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam. Các thị trường lao động của Việt Nam ở Libya, Qatar và các nơi khác trong khu vực cũng sẽ giảm mạnh, thậm chí bị dừng hẳn trong một thời gian không ngắn.
Về dầu lửa, trong các nước xảy ra xung đột, Libya tuy không nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng cũng xếp thứ 12 và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi với lượng dầu xuất khẩu 1,6 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 2% tổng lượng dầu xuất khẩu trên thế giới. Thêm vào đó lượng dầu sản xuất tại Ai Cập chiếm khoảng 0,8% sản lượng dầu thế giới với 740.000 thùng/ngày năm 2010. Tổng lượng dầu xuất khẩu của cả hai nước Ai Cập và Libya chiếm gần 3% tổng lượng dầu xuất khẩu của thế giới. Nếu sản xuất và xuất khẩu dầu của hai nước này đình trệ, cùng với kênh đào Suez không lưu thông được làm cho việc vận chuyển dầu phải đi vòng xa kéo theo giá cước vận chuyển tăng lên, cộng thêm tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường dầu thế giới sẽ không nhỏ, chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá dầu giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu và tăng chi ngoại tệ cho nhập khẩu dầu và sản phẩm từ dầu. Không những thế, nếu xung đột lan sang các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn khác ở Trung Đông như Arập Xêút thì tác động tiêu cực sẽ còn lớn hơn nhiều.
Xét dài hạn, cần chú ý tới những ảnh hưởng do thay đổi chính quyền, hoạt động tôn giáo, đấu tranh sắc tộc, tình trạng di dân... Trước những yếu sách thiết thân và chính đáng của các lực lượng dân chúng nổi dậy đòi dân chủ, nhân quyền, cải thiện đời sống, chính quyền các nước sở tại không thể làm ngơ, dù muốn hay không họ cũng phải quan tâm hơn tới việc đáp ứng nguyện vọng của dân chúng, vì thế xu hướng dân chủ, cải cách ở châu Phi và Trung Đông chắn chắn sẽ được tăng cường, mức độ độc đoán, chuyên quyền, quân phiệt sẽ giảm bớt. Các hoạt động tôn giáo có thể cũng sẽ có sự điều chỉnh, hai xu hướng đối lập giữa ôn hoà và cực đoan trong đạo Hồi có thể sẽ đều hoạt động mạnh hơn, số người theo xu hướng ôn hoà sẽ tăng lên, nhưng những người theo xu hướng cực đoan tuy không tăng nhiều về số lượng, nhưng hoạt động có thể sẽ cực đoan hơn. Trong thực tế, có nhiều nước đạo Hồi theo xu hướng ôn hoà, nhưng cũng có những nước, như Iran chẳng hạn, suốt hơn 3 thập kỷ qua kể từ cuộc cách mạng năm 1979 đã theo đuổi đường lối của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Cuối năm 2010 trong một cuộc Hội thảo về hợp tác vùng vịnh Persian tổ chức tại Iran, một giáo sư người Indonesia đã đề xuất thành lập môt liên minh các quốc gia Hồi giáo. Theo ông, đạo Hồi là một tôn giáo lớn, chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới và có một khối lượng tiền của lớn thu hút được nhờ bán dầu lửa và các nguồn thu khác, nếu thành lập liên minh, đây sẽ là một lực lượng lớn trên thế giới. Liên minh này đến nay chưa được thành lập, nhưng đề xuất đó là một lời kêu gọi rất đáng chú ý. Bên cạnh các quốc gia theo đạo Hồi ở Trung Đông và Bắc Phi, tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á, số lượng các tín đồ theo đạo Hồi hiện nay cũng rất đông, nhất là ở những quốc gia đông dân lấy đạo Hồi làm quốc giáo như Indonesia, Malaysia, Pakistan và Afganistan, đây là những nước có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam. Nếu nhóm đạo Hồi cực đoan hoạt động mạnh lên thì mặc dù số lượng của họ không đông, nhưng những hoạt động khủng bố và chống khủng bố sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Trước những tác động ngắn hạn và dài hạn trên đây chúng ta cần có những giải pháp vừa cấp thiết, trước mắt, vừa lâu dài. 
Về giải pháp cấp thiết trước mắt, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa người lao động Việt Nam về nước an toàn, việc này chúng ta đã và đang làm rất tích cực và đã hoàn thành tốt trong những ngày qua. Ngoài ra, chúng ta cũng cần rà soạt lại và có phương án để khắc phục những tác động tiêu cực đối với các hoạt động đầu tư, khai thác, mua bán dầu khí, trao đổi thương mại và các quan hệ hợp tác khác với các nước châu Phi - Trung Đông. 
Về lâu dài, chúng ta cần xem xét lại quan hệ với các nước đối tác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói riêng, trên toàn bộ lục địa châu Phi và Trung Đông nói chung, trong đó cần ưu tiên trước hết phát triển quan hệ với những nước đã có những thay đổi thể chế theo hướng cải cách dân chủ, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập quốc tế và khu vực, giảm bớt các chính sách và tư tưởng cực đoan, cố hữu. Trong số các nước đã có những thay đổi theo xu hướng tiến bộ và tích cực đó có thể kể tới Nam Phi, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ... Thực tiễn thời kỳ vừa qua cho thấy hợp tác với những nước này có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội và mang lại hiệu quả cao hơn. Đối với những nước khác, vẫn có thể phát triển quan hệ hợp tác, nhưng rủi ro nhiều hơn, do đó cần thận trọng hơn. 
Trong các quan hệ quốc tế, bên cạnh những nguyên tắc độc lập, tự chủ, có lẽ tuân thủ nghị quyết của các cơ quan quốc tế phổ biến như Liên hợp quốc là hợp lý nhất đối với nước ta, tránh nghiêng theo một cường quốc hay nhóm nước riêng lẻ nào, vì mỗi nhóm hoặc cường quốc đó đều có những mục đích và lợi ích riêng của họ, nếu ta nghiêng theo họ, rất có thể ta sẽ mắc sai lầm, dễ bị bài bác, cô lập bởi đa số các nước khác trong cộng đồng quốc tế.
Trong tiến trình hợp tác, bên cạnh việc giành các điều kiện ưu tiên về thuế, tín dụng, cần lập một quỹ chung hoặc các quỹ riêng hoạt động trong các lĩnh vực như hỗ trợ hợp tác, xúc tiến thương mại và dự phòng rủi ro cho các công ty, cơ quan và các cá nhân người Việt Nam tham gia phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và Trung Đông.
Điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là làn sóng nổi dậy cùng những hiệu ứng lan toả dây truyền của nó đang diễn ra hiện nay ở các nước Trung Đông và Bắc Phi, giống như những gì đã xảy ra trước đây khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ vào thập niên 1990, một lần nữa cảnh báo và khẳng định một sự thật là những nước cố hữu không chịu thay đổi, ít thay đổi, hoặc chỉ thay đổi một cách hình thức, giả hiệu, nửa vời, chắc chắn sẽ phải trả giá cho những sự cố hữu đó. 
Riêng đối với Việt Nam, chúng ta cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời đưa vào thực thi những chính sách đổi mới phù hợp, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tế mới đang diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hoá, kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ thông tin. Hơn 20 năm qua Việt Nam đã triển khai thực hiện một số chính sách đổi mới mang lại một số thành quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng những đổi mới đó chưa đủ. Khi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những thập niên 1970-1980 đã lùi về phía sau, những khó khăn nặng nề kinh tế đã giảm bớt, Việt Nam đã rút được tên ra khỏi danh sách những nước thu nhập thấp, đặt chân lên được nấc thang đầu tiên của nước thu nhập trung bình, đời sống vật chất được cải thiện phần nào, thì người ta sẽ có những đòi hỏi cao hơn về tinh thần. Trong bối cảnh mới đó, ổn định là chưa đủ nếu trong sự ổn định còn hàm chứa nhiều sự trì trệ cố hữu. Ổn định đi đôi với năng động sẽ tốt hơn rất nhiều so với ổn định mà trì trệ.
Tài liệu tham khảo
1. Các trang web trên mạng bằng tiếng Anh và tiếng Việt liên quan đến châu Phi và Trung Đông từ tháng 12 năm 2010 đến nay.
2. Các bản tin TTXVN từ tháng 12 năm 2010 đến nay.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Số tháng 3. 2011

Tương quan quyền lực: Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang điều chỉnh quan điểm trong bối cảnh thế giới mới

Tương quan quyền lực: Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang điều chỉnh quan điểm trong bối cảnh thế giới mới



Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo điều kiện cho sự hình thành một thế giới mới với những thỏa thuận mới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thực tế đó lại trở nên khá mơ hồ khi chúng ta xét đến quan điểm của Mỹ về mối quan hệ giữa quốc gia này với Thổ Nhĩ Kỳ .Cùng với sự xuất hiện của những sự kiện quốc tế thu hút nhiều chú ý của dư luận liên quan đến những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn gần đây, những người đứng về phía Mỹ đã đặt một câu hỏi khá thẳng thừng về tình hình quan hệ hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ: Có phải Thổ Nhĩ Kỳ đã trở mặt ?
Nói cách khác, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đang quay lưng lại với phương Tây theo cái cách mà quốc gia này đã từ bỏ vai trò là đồng minh tin cậy của Mỹ hay không?
Một loạt các sự kiện đã làm nổi bật quan ngại này. Trước tiên là việc Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Mỹ thiết lập căn cứ quân sự tại đây nhằm phục vụ cho cuộc chiến tại Iraq. Hai là, Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ mối quan hệ khá tốt với Iran và luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân tại quốc gia này. Ba là, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2009 ở Davos, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ sự không đồng tình với những tuyên bố của Tổng thống Israel Shimon Peres về những hành động của Isreal tại dải Gaza. Điều này như đã báo trước cho sự kiện “Freedom Flotilla” ngoài bờ biển của Israel vào tháng 5 năm 2010. Những sự việc này phần nào nói lên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là đồng minh của Israel và đã gia nhập các lực lượng thù địch với Israel tại thế giới Hồi giáo và Arập. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang cải thiện quan hệ với Syria sau vài thập kỷ quan hệ hai bên đi vào bế tắc, và tập trung vào giải quyết vấn đề quan trọng của người Kurd. Thậm chí, từ năm 2007, hai bên đã có những thỏa thuận hợp tác tự do thương mại và có những cuộc tập trận chung dọc theo biên giới.
Bên cạnh những sự kiện mang tính quốc tế này, những vấn đề bên trong Thổ Nhĩ Kỳ cũng dấy lên nhiều quan ngại cho phương Tây. Việc bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ đeo khăn trùm đầu gần đây, theo quan điểm của một số người, là một bước tiến tới xã hội Hồi giáo chuẩn mực và cấp tiến hơn. Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là đảng xuất thân từ Hồi giáo, đã nắm quyền và duy trì quyền cai trị cho đến tận bây giờ và nhận được sự ủng hộ rất rộng lớn của dân chúng. Cuối cùng, hành động bỏ phiếu tán thành Hiến pháp mới trong đó thông qua việc giảm quyền lực của quân đội, lực lượng then chốt chống lại thuyết cấp tiến tôn giáo và là người bảo vệ cho mô hình chính phủ thế tục theo chủ nghĩa Kemal được thành lập vào những năm 20 của thế kỷ trước tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những vấn đề lớn hiện nay.
Những sự kiện kết hợp này đã khiến nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lưng lại với phương Tây và Mỹ sau gần một thế kỷ duy trì sự ủng hộ tuyệt đối và mối quan hệ đồng minh thân thiết. Một vài nhà phân tích phân vân phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng về phương Đông.
“Lợi ích” hơn là “trung thành”
Có thể khái niệm về sự “trung thành”, tàn dư của quan niệm thời chiến tranh Lạnh đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chiến tranh Lạnh diễn ra, thế giới được chia làm hai phe đối lập, gồm hai siêu cường quốc là Mỹ và Liên Xô; các quốc gia khác buộc phải lựa chọn và gắn lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của siêu cường mà họ đã chọn. Mọi quan hệ ngoại giao và kinh tế đều tồn tại trong cái được gọi là “sự trung thành”, và nếu các quốc gia khác vi phạm điều đó đồng nghĩa với việc họ đi theo phe còn lại. Chiến tranh Lạnh là thời gian của những quan hệ quyền lực tương đối đơn giản giữa Mỹ và Liên Xô; nhưng  đối với các quốc gia khác, đó là thời gian của sự phụ thuộc, sự lúng túng và sự trung thành với một trong hai siêu cường.
Chiến tranh Lạnh chấm dứt, nhưng một số quan niệm từ thời đó vẫn tồn tại, và nó được gán vào câu hỏi Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của phương Tây hay là của phương Đông. Và theo những quan niệm từ thời chiến
tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn một trong hai bên và trung thành với bên đó. Thổ Nhĩ Kỳ có thể về hướng về phương Tây và tiếp tục trung thành với Mỹ ( siêu cường duy nhất còn tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô), hoặc có thể theo “phe còn lại” bao gồm các quốc gia mà cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush gọi là “Trục ma quỷ”.
Tất nhiên, các mối quan hệ quốc tế trong giai đoạn chiến tranh Lạnh chưa bao giờ là đơn giản; nếu không muốn nói chúng phức tạp hơn rất nhiều vào thời điểm này, khi kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Tổng thống Barack Obama, tại hội nghị G-20 tổ chức ở Seoul tháng 11 năm 2010 đã nhấn mạnh tình hình thế giới khá xác đáng: “ Các bạn đang nhìn thấy một thế giới nơi mà rất nhiều quốc gia đang thể hiện tốt trong việc đưa ra các quyết định quyết đoán hơn với những vấn đề liên quan đến lợi ích của chính họ.”
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia như thế, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Chile và vài quốc gia khác. Những quốc gia này có nền kinh tế lớn mạnh, tăng trưởng không ngừng, chính trị ổn định và đang mở rộng ảnh hưởng của họ không chỉ tại khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Họ không còn ở trong mối quan hệ phụ thuộc với bất cứ siêu cường nào. Nói cách khác, các quốc gia này đủ mạnh để có thể hành động vì lợi ích, vì tầm nhìn cho tương lai của chính họ. Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc đang lên tại khu vực, và mỗi sự kiện quốc tế được đề cập đến ở trên đều cho thấy rằng quốc gia này đã hành động vì lợi ích của chính họ chứ không theo sau Mỹ hay phương Tây một cách thụ động.
Chính sách đối ngoại thân thiện với mục tiêu củng cố mối quan hệ láng giềng với các quốc gia trong khu vực của Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan giải thích rất nhiều hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Thông qua chính sách này, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang cố gắng tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia láng giềng, bao gồm Iran, Syria, Iraq, Armenia, Georgia, Hy Lạp, Bulgaria và đảo Cyprus. Căn cứ quân sự của Mỹ tại biên giới của Thổ và Iraq là mong muốn của Mỹ chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi quốc gia này phải giải quyết các vấn đề liên quan đến người Kurd và Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Với Iran, quốc gia cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động sản xuất kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì việc duy trì mối quan hệ ngoại giao thân thiện với Iran và chống lại những lệnh trừng phạt quốc gia này là hết sức hợp lý. Còn về phần Syria, đây là quốc gia có đường biên giới chung dài nhất với Thổ Nhĩ Kỳ, vì thế việc biến mối quan hệ thù địch trước đây thành mối quan hệ hợp tác kinh tế sẽ đảm bảo không những cho tình hình an ninh, kinh tế mà còn củng cố vai trò trung gian chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực.
Quả thực, Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động vì lợi ích của chính họ hơn là vì lợi ích của Mỹ hay của phương Tây. Và quốc gia này đang thể hiện vai trò trung gian trong các mối quan hệ vốn đã có lịch sử mâu thuẫn giữa các khu vực và các quốc gia, bao gồm mối quan hệ giữa Syria và Israel, cũng như giữa Mỹ và Iran.
Đối thoại nội bộ
Những vấn đề đối nội gây chấn động như vấn đề về sử dụng khăn trùm đầu với phụ nữ hay vấn đề Hiến pháp là những ví dụ điển hình về các cuộc tranh luận mạnh mẽ và sôi động đang diễn ra tại quốc gia này. Các tranh luận như vậy đều phổ biến và thực sự cần thiết cho các dân tộc đi theo thể chế tư bản và dân chủ như Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, những vấn đề này lại xuất hiện tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử của mỗi quốc gia, thường là thời điểm bắt đầu của một quốc gia hay trong thời điểm bắt đầu một thời kỳ mới của quốc gia. Những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tương tự như những gì Mỹ gặp phải sau khi mới giành lại độc lập từ tay Anh sau cuộc cách mạng vũ trang, bao gồm những tranh luận, những sự khác biệt và mâu thuẫn sâu sắc về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước trong nền dân chủ thế tục, vai trò của quân đội đối với các lực lượng vũ trang khác của chính phủ và những giới hạn trong quyền tự do cá nhân. Trong khi những nguyên tắc cơ bản của một quốc gia về các vấn đề này có thể được giữ nguyên qua hàng thế kỷ thì việc áp dụng chúng lại thay đổi qua từng thời kỳ và hoàn cảnh cụ thể. Chính vì vậy, luôn cần có sự suy xét và phân tích, nhất là với những vấn đề còn nhiều mâu thuẫn và chưa thể đi đến thống nhất.
Vì vậy, về mặt này những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm đều giống với những gì các quốc gia dân chủ khác phải làm. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của phương Tây, những vấn đề như vậy được coi đơn giản là sự cạnh tranh giữa hai chính thể: tôn giáo và thế tục. Cách nhìn nhận như vậy không thể giải thích cho sự phức tạp từ cả hai phía – những người theo chủ nghĩa thế tục có lý khi lo lắng về thuyết cấp tiến tôn giáo thuộc mọi hình thức ( đặc biệt tại một quốc gia như Thổ nơi mà hơn 90% dân số đi theo một tôn giáo), và rằng khi là người Hồi giáo thì không có nghĩa là nhất thiết họ muốn mang kinh Koran đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phân định đơn giản như vậy chính là kiểu tư duy trong thời kỳ chiến tranh Lạnh khi mọi thứ đều đơn giản được phân ra thành hai loại và mọi quốc gia buộc phải lựa chọn một trong hai; cách tư duy như thế thực sự không còn phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay.
Khởi đầu mới cho mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có một lịch sử quan hệ rất tích cực, giống tất cả các mối quan hệ hữu nghị họ từng có. Do vậy, cần có một sự tự nhận thức ở cả hai bên rằng họ đang sống trong một thời kỳ mới, trong một thế giới mới, và những hình thái quan hệ cũ là không còn phù hợp nữa; mối quan hệ mới phải được tạo dựng trên những điều kiện và hoàn cảnh mới. Giống như trong kinh Tân Ước có viết, không thể đổ rượu mới vào một cái bình đựng rượu đã cũ.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nên lưu tâm tới một vài điều khi tiến đến mối quan hệ mới này để tránh được những nguy cơ khó lường hơn trên con đường tới tương lai.
Thứ nhất, về phía Mỹ, đây luôn được coi là quốc gia tự do nhất trên thế giới, do vậy là hợp lý khi Mỹ ủng hộ quyền lợi hợp pháp của những nhóm thiểu số ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các nhóm tôn giáo thiểu số. Thổ Nhĩ Kỳ nên có những chính sách và hành động phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhóm thiểu số (Alevis, Cơ Đốc và các nhóm khác) tại đất nước mình, tiếp tục hoàn thiện chế độ dân chủ trong một nhà nước mà đạo Hồi chiếm ưu thế giống như cách mà Mỹ đã làm trong hơn 200 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến rõ rệt trong vấn đề này; Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục tiến về phía trước, nhất là khi xu hướng về tự do tôn giáo cá nhân và tự do ngôn luận đang là một xu thế phổ biến. Chính nguyên tắc tương tự về quyền của phụ nữ trong việc sử dụng khăn trùm đầu cũng khẳng định sự tự do và cơ hội bình đẳng trong việc thể hiện bản thân của người dân thuộc mọi tôn giáo mà không cần quan tâm tới vị thế đa số hay thiểu số của họ.
Thứ hai, trong những năm gần đây quan điểm đạo đức của Mỹ cũng đã có sự thỏa hiệp và đấy là điều có thể hiểu được. Do vậy, Mỹ cần dừng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỹ về việc nước này không coi vụ thảm sát những người Armenia hai thế hệ trước trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1915 đến 1917 là một vụ “diệt chủng”. Mỹ ủng hộ cộng đồng Do Thái người Armenia tại Mỹ, nhưng chủ yếu vì các mục đích chính trị trong thời gian bầu cử, và cuối cùng lại cản trở việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai cộng đồng vốn có các liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến lớn trong việc tạo ra một thời kỳ mới cho các mối quan hệ với người láng giềng Armenia như một phần của chính sách đối ngoại thân thiện. Vấn đề Armenia, vấn đề đảo Cyprus không nên là trở ngại trong quá trình phát triển nói chung của Thổ Nhĩ Kỳ trong hiện tại và tương lai. Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ điều này và đã bắt đầu hành động. Sẽ thuận lợi hơn nếu Mỹ ngừng các hoạt động can thiệp và để Thổ Nhĩ Kỳ tự giải quyết những vấn đề này.
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ nên nhận thức rằng việc Mỹ bị đẩy vào hoàn cảnh phải lựa chọn giữa họ và Israel – một đặc trưng cho lối tư duy thời chiến tranh Lạnh – không  làm ảnh hưởng đến tính đa chiều của các mối quan hệ trên mọi mặt. Quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Israel đã hình thành từ việc Mỹ thả hàng chục ngàn người Do Thái từ các trại tập trung nơi mà 6 triệu người đã bị giết hại trong cuộc thảm sát mang tính diệt chủng tồi tệ nhất của lịch sử hiện đại. Việc hình thành nhà nước Israel hiện đại là sự phản ứng với hành vi diệt chủng đó và Mỹ cảm thấy có trách nhiệm với nhà nước này. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đều nhận thức được vấn đề trong chính sách và mối quan hệ đối ngoại với Israel, họ đều cho rằng Mỹ phải có những kế hoạch và lộ trình rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề này. Nếu phải lựa chọn giữa Thổ và Israel, Mỹ sẽ chọn Israel. Có thể thấy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nỗi ám ảnh về đạo Hồi tại châu Âu chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập khu vực này, do đó Thổ Nhĩ Kỳ cần có những đồng minh phương Tây. Trong hoàn cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải trở thành chiếc cầu nối chứ không được thiêu rụi chiếc cầu đó.
Quả thực, để có thể đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên phạm vi lớn hơn ( như quan hệ giữa Mỹ với Iran hay giữa Israel và Syria), Thổ Nhĩ Kỳ phải đứng một chân ở phương Đông và chân kia ở phương Tây. Nói một cách hình ảnh, Thổ Nhĩ Kỳ phải giống như một chiếc cầu nối giữa hai châu như quốc gia này đã từng làm trong quá khứ. Với chế độ tư bản hùng mạnh, một nền dân chủ sôi động và với những bước tiến vững chắc trong tiến trình gia nhập thị trường chung châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quốc gia này vẫn hướng về phương Tây. Mặt khác, chính sách ngoại giao thân thiện đối với các quốc gia láng giềng và những cố gắng trong việc trở thành một quốc gia Hồi giáo có vị trí quan trọng tại khu vực lại thể hiện rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không quay lưng lại với phương Đông. Việc duy trì sự cân bằng này và loại bỏ tư duy lạc hậu của thời chiến tranh Lạnh phải lựa chọn một bên sẽ khẳng định tính lịch sử vốn có của quốc gia này. Cùng với đó, việc thực hiện thành công mô hình đa phương hóa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điển hình đáng để các quốc gia khác trong khu vực học hỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, đang hành động theo cách mà đa số các quốc gia khác phải làm trong bối cảnh hiện nay: tạo dựng và thích ứng với những điều kiện thực tế mới cho chính bản thân họ và cho những quốc gia khác khi bắt đầu bước vào thế kỷ XXI. Theo một cách nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở lại vai trò lịch sử truyền thống của họ dưới thời Ottoman, khi quốc gia này là trung tâm không chỉ của một đế chế hùng mạnh, mà còn của cả một nền văn minh Hồi giáo tiến bộ. Thổ Nhĩ Kỳ không còn là “đối tác yếu thế” trong quan hệ với bất kỳ quốc gia nào khi bàn đến những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế. Đối với Mỹ, tuy không có lịch sử phát triển dài và rực rỡ như Thổ Nhĩ Kỳ để “quay lại” với quá khứ, nhưng Mỹ là siêu cường mạnh nhất sau chiến tranh Lạnh và là sức mạnh cơ bản trong các quan hệ quốc tế trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, thậm chí Mỹ cũng phải thay đổi trong hoàn cảnh mới, sự thay đổi mà Tổng thống Obama đã đề cập đến tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không phải quay trở lại thời kỳ các siêu cường trước đây mà cần phải tiến vào kỷ nguyên mới của các mối quan hệ quyền lực – một thế giới phẳng của những quyền lực đa khu vực trong những mối quan hệ phức tạp – và mỗi quốc gia sẽ theo đuổi các mục tiêu về kinh tế, an ninh, năng lượng và đối ngoại của riêng mình.
Có thể nói, thế giới của chỉ một hay hai siêu cường mà đằng sau đó các quốc gia khác buộc phải trung thành với một bên như trong thời kỳ chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Đó là kỷ nguyên quyền lực cũ. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mới, một trang mới của lịch sử thế giới. Do đó, cả Thổ và Mỹ phải tự tìm chỗ đứng của mình trong thế giới mới với mục tiêu đạt được những quan điểm đồng thuận và những lợi ích chung nhằm đem lại sự tự do, dân chủ và thịnh vượng hơn cho toàn thế giớ
Dịch: Trần Anh Đức 
Nguồn:
 Turkish Review

BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI Ở BẮC PHI VÀ TRUNG ĐÔNG NHÌN TỪ “ĐỀ ÁN ĐẠI TRUNG ĐÔNG” CỦA MỸ

BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI Ở BẮC PHI VÀ TRUNG ĐÔNG NHÌN TỪ “ĐỀ ÁN ĐẠI TRUNG ĐÔNG” CỦA MỸ




Đại tá Lê Thế Mẫu
Viện Chiến lược Quân Sự, Bộ Quốc phòng

Các cuộc biểu tình rầm rộ từ đầu năm 2011 đã làm nền kinh tế một số nước A Rập thiệt hại nặng.
     Từ cuối năm 2010 tới nay, dư luận quốc tế bị bất ngờ trước những biến động chính trị-xã hội diễn ra liên tiếp tại một số nước châu Phi và Trung Đông, bắt nguồn từ vụ tự thiêu của một người bán hàng rong ở Tunisia phẫn uất vì xe chở hàng của mình bị cảnh sát đập phá. Sự việc này ngay lập tức được lan truyền rộng khắp trên các mạng xã hội và châm ngòi cho “đám cháy lớn” xuất phát từ tâm trạng bất mãn đối với chính quyền của Tổng thống Ben Ali đã từng âm ỷ lâu nay trong đại bộ phận dân chúng Tunisia. Ông Ben Ali, người đã 23 năm tại vị ở ghế tổng thống Tunisia, đã buộc phải bỏ chạy sang cư trú chính trị tại Arập Xêut (Saudi Arabia).
“Hội chứng Tunisia” ngay lập tức bùng phát ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông như Jordan, Bahrain, Yemen, Lybia, Arập Xêut v.v, đặc biệt tại Ai Cập, buộc Tổng thống H.Mubarak đã phải từ chức sau 34 năm cầm quyền. Tiếp sau sự kiện Ai Cập, dân chúng Lybia xuống đường chống lại nhà lãnh đạo  Gaddafi- người từng cầm quyền từ năm 1969 đến nay và đã từng ra lệnh thiết lập tình trạng khẩn cấp ở Lybia trong nhiều năm qua. Hiện chưa ai có thể dự báo trước được những gì sẽ xảy ra tại nhiều nước châu Phi và Trung Đông như Bahrain, Iran, Yemen, Algeria, Sudan, Jordan v.v. Điều khiến dư luận quốc tế ngạc nhiên là, dường như tất cả các cuộc biểu tình của dân chúng một số nước Bắc Phi và Trung Đông là “tự phát” và “không có ai lãnh đạo”.
Trước tình hình này, một số vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu làm rõ là nguyên nhân nào dẫn tới các cuộc bạo động chính trị đó? Các sự kiện chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông vừa qua có thực sự là những “cuộc cách mạng xã hội” hay chỉ là những thủ đoạn chính trị của một số thế lực nào đó? Liệu các sự kiện chính trị đó có mang tính quy luật hay là do các thế lực nào đó lợi dụng các mâu thuẫn mang tính chất kinh tế-xã hội và chính trị ở một số nước để dàn dựng và kích động làn sóng “cách mạng” nhằm theo đuổi các mục đích chiến lược riêng của họ? Từ đó mới có thể làm rõ tác động của các biến động chính trị-xã hội ở các nước Bắc Phi và Trung Đông tới tình hình kinh tế-xã hội, chính trị và quân sự ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Nguyên nhân dẫn tới các cuộc bạo động chính trị ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông
Nghiên cứu các sự kiện chính trị ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông, mở đầu từ Tunisia vào cuối năm 2010 tới nay có thể thấy, các biến động chính trị-xã hội đó xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa.
Về nguyên nhân trực tiếp: Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các biến động chính trị-xã hội ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông, mở đầu từ Tunisia, xuất phát từ chính tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị ở các nước đó như nạn thất nghiệp gia tăng; sự bất bình đẳng trong xã hội; sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo; chính quyền ở các nước đó bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm (Tổng thống Tunisia Ben Ali cầm quyền sau cuộc đảo chính cung đình vào năm 1987 và kéo dài  trong suốt 24 năm; Tổng thống Ai Cập H.Mubarak cầm quyền sau vụ đảo chính vào tháng 10-1981, trong 30 năm; nhà lãnh đạo Lybia Gaddafi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1969, trong 42 năm; Thủ tướng Bahrain Khalifa Ibn Salman Al Khalifa cầm quyền 40 năm và là thủ tướng lâu đời nhất trên thế giới; Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cầm quyền năm 1978 trong suốt 33 năm). Tình trạng khủng hoảng này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng phát từ Mỹ năm 2008 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.  
Bản thân chính phủ các nước châu Phi và Trung Đông trong những năm gần đây cũng đã từng nhận thấy tình trạng khủng hoảng này và chính họ đã đề ra “Sáng kiến của các nước châu Phi và Trung Đông về dân chủ hoá” với 6 nội dung cơ bản. Một là, cải cách dân chủ ở các nước châu Phi và Trung Đông cần phải được thực hiện từ bên trong các nước đó mà không được áp đặt từ bên ngoài. Hai là, quá trình cải cách dân chủ cần phải được thực hiện từng bước để không làm tổn hại đến an ninh và sự ổn định. Ba là, quá trình cải cách cần phải phục vụ lợi ích của khu vực chứ không phải các “kẻ thù” từ bên ngoài. Bốn là, việc giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arập và Israel là điều kiện tiên quyết để tiến hành thắng lợi cuộc cải cách chính trị. Năm là, khi tiến hành cải cách dân chủ cần phải tính đến đặc điểm của từng nước trong khu vực chứ không thực hiện theo một công thức cố định.Sáu là, không cho phép các tổ chức Hồi giáo cực đoan sử dụng thành quả của các cuộc cải cách và mở cửa. Xem xét 6 nội dung chủ yếu của Sáng kiến dân chủ hoá trên đây có thể thấy, sáng kiến này chỉ mang tính hình thức mà chưa đề cập đến nội dung và bản chất. Ngoài ra, khó có thể đáp ứng tất cả 6 điều kiện, hoặc điều kiện thứ tư là giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arập và Israel. Do đó, sẽ khó có thể diễn ra cuộc cải cách dân chủ ở các nước châu Phi và Trung Đông.
Từ những năm 1980-1990, một số nước trong khu vực châu Phi và Trung Đông đã có những nỗ lực cải cách dân chủ nhất định dưới tác động của các quá trình toàn cầu hoá. Chương trình cải cách do các nước Arập đề xuất đã từng được trình bày tại Hội nghị lần thứ XVI của Liên đoàn các nước Arập ở Tunisia vào ngày 22 và ngày 23-5-2004. Khi chuẩn bị Hội nghị  này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arập bị chia rẽ thành hai phe. Những ai nỗ lực kết nối quan điểm của họ với Mỹ kết thành một phe, còn phe khác phản đối chính sách của Mỹ và Israel ở Trung Đông. Trong khi đó, đại diện của phe thân Mỹ bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong chủ trương cải cách Trung Đông, còn phe chống đối tuyên bố rằng “Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ là sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arập. Hội nghị các nước Arập ở Tunisia còn chứng tỏ các nước trong khu vực này không có khả năng đạt được sự đồng thuận ngay cả về những vấn đề cấp bách nhất (1).
Đến năm 2010, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, những mâu thuẫn do khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị ở các nước châu Phi và Trung Đông trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, chỉ cần có tác động kích động châm ngòi là có thể bùng phát thành các cuộc bạo động chính trị. Trong điều kiện đó, các mạng xã hội như Twitter, Facebook, đặc biệt là trang web của Wikileaks, đã có tác động châm ngòi rất quan trọng. Chính thủ tướng của Tunisia đã tuyên bố, mạng Internet đã châm ngòi cho các biến chuyển chính trị ở quốc gia này (2).
Về nguyên nhân sâu xa. Có hai nguyên nhân sâu xa dẫn tới các biến động chính trị-xã hội ở các nước Bắc Phi và Trung Đông từ cuối năm 2010 tới nay. Một là, các nước trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông vừa đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị, vừa đang bị tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga,Ấn Độ, Nhật Bản, các nước EU, trước hết là nhằm sở hữu quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, nguyên tố đất hiếm, quặng kim loại và thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như thị trường đầu tư. Trong đó, Trung Quốc đang tỏ ra có ảnh hưởng “lấn lướt” các nước khác, kể cả Mỹ. Đây là điều mà Washington không thể chấp nhận được trong bối cảnh Mỹ đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu (5,6,7). Hai là, các mâu thuẫn nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị ở các nước trong khu vực này đã bị một số thế lực bên ngoài, trước hết là ở Mỹ, lợi dụng để kích động nhằm nhanh chóng thay đổi chế độ cầm quyền, tạo cơ hội để thiết lập ảnh hưởng trong thời kỳ “hậu cách mạng”. Theo Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, kịch bản các cuộc bạo động chính trị đã và đang diễn ra ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông được thực hiện theo cái gọi là “Đề án Đại Trung Đông” mà nhiều đời tổng thống ở Mỹ đã từng ấp ủ. Do đó, Mỹ quyết định thực hiện giai đoạn mới trong chiến lược của họ ở châu Phi và Trung Đông là “phá cũ để xây mới” (2,3).
“Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ ở châu Phi và Trung Đông
“Đề án Đại Trung Đông” đã từng được nhiều đời tổng thống Mỹ đề xuất sáng kiến xây dựng. Năm 1957, Tổng thống Mỹ Eisenhower đề xuất “Đề án về Trung Đông” nhằm lấp khoảng trống chiến lược ở khu vực này sau khi thực dân Anh và thực dân Pháp bắt đầu rút lui dần ảnh hưởng của họ tại đây trước phong trào giải phóng dân tộc bùng phát ở nhiều quốc gia trong khu vực này.
Năm 1970, Tổng thống Mỹ Nixon đề xuất “Đề án thứ hai của Mỹ về Trung Đông” dựa trên cơ sở “Học thuyết Guam” hoặc “Học thuyết Nixon” nhằm Trung Đông hoá sự hiện diện của Mỹ. Năm 1980, Tổng thống Mỹ Carter đề xuất “Đề án thứ ba của Mỹ về Trung Đông” dựa trên cơ sở  “Học thuyết Carter”, mở đầu giai đoạn Mỹ tranh giành quyết liệt ảnh hưởng với Liên Xô ở khu vực này. “Đề án thứ tư của Mỹ về Trung Đông” do Tổng thống Mỹ Reagan đề xuất nhằm thiết lập chuỗi các khu vực chiến lược trên khắp thế giới gắn bó với nhau, trong đó Trung Đông có vị trí hết sức quan trọng.
“Đề án Đại Trung Đông” như phiên bản hiện nay của Mỹ được một nhóm bảo thủ mới ở Mỹ soạn thảo năm 1996, dựa trên cơ sở kết quả các cuộc “cách mạng Nhung” làm  thay đổi chế độ ở các nước cộng sản Đông Âu trước đây. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, “Đề án Đại Trung Đông” là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng “trật tự thế giớimới” của Mỹ dựa trên cơ sở văn kiện mang tên “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11-9-2001”. Đề án này nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Morocco tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu.
Tổng thống Mỹ G.W.Bush ưu tiên nỗ lực cao nhất để thực hiện "Đề án Đại Trung Đông". Ông đã từng trình bày nội dung của “Đề án Đại Trung Đông” dưới dạng đầy đủ nhất trong bài phát biểu vào ngày 6-11-2003 tại “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” (“National Endowment for Democracy”). Theo đề án này, việc chiếm đóng Afghanistan và Iraq sau sự kiện 11/9/2001 là giai đoạn đầu tiên trong một cuộc thập tự chinh lâu dài của Mỹ nhằm “thiết lập dân chủ” trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn. Tổng thống G.W.Bush nhận xét: "Nền dân chủ ở Iraq sẽ chiến thắng và thành quả đó sẽ chứng tỏ cho tất cả các nước, từ Syria đến Iran rằng, tự do là số phận của mỗi dân tộc". Tháng 06-2004, "Đề án Đại Trung Đông" được Tổng thống Mỹ G.W.Bush trình bày tại hội nghị G-8 ở Sea Island (Mỹ) và được đánh giá như Định ước Helsinki năm 1975 do Mỹ và các đồng minh NATO ký kết để “phổ biến dân chủ”, “bảo đảm quyền con người” và thực hiện các cải cách kinh tế căn bản ở Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Việc Tổng thống G.W.Bush nhắc tới chức năng đặc biệt của Mỹ là “phổ biến tự do” và “xúc tiến dân chủ” trên toàn thế giới không phải là ý tưởng mới. Ông đã từng so sánh “Đề án Đại Trung Đông” của mình với "Cương lĩnh 14 điểm" của Tổng thống Mỹ W.Wilson và "Cương lĩnh bốn tự do" của Tổng thống Mỹ D.Roosevelt.
“Đề án Đại Trung Đông” có mấy đặc điểm rất đáng chú ý. Một là, các nước Arập không được nhắc đến như là những quốc gia-dân tộc có tính đặc thù về mặt địa lý cũng như đặc điểm phân loại. Hai là, đề án này bao quát một khu vực địa lý rộng lớn và hết sức đa dạng, trong đó có thế giới Arập và thế giới Hồi giáo với tất cả những yếu tố cấu thành cực kỳ phức tạp. Theo nhiều nhà quan sát, mục đích của việc nhào nặn văn hóa này chính là nhằm tạo ra ưu thế dẫn đầu cho Israel, biến quốc gia-dân tộc này trở thành đầu tàu lôi kéo các nước khác trong khu vực. Ba là, đề án hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arập với Israel. Điều này có nghĩa là chiến lược của Mỹ không nhằm giải quyết những vấn đề đích thực của khu vực đầy bất ổn này. Bốn là, đề án nhằm tạo cho Mỹ thế độc quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực, còn các nước châu Âu sẽ phải có trách nhiệm đầu tư tiền của cho những cải cách sẽ diễn ra ở khu vực này, nghĩa là sẽ tiếp tục những gì mà cuộc chiến tranh Iraq đã khởi đầu. Năm là, đề án này giải thích những hiện tượng tiêu cực trong thế giới Arập như nghèo đói, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố v.v là do xuất phát từ các nguyên nhân nội bộ như “thiếu dân chủ” và “mất công bằng xã hội”.
Như vậy, cái gọi là "dân chủ hóa" và "chống lại các chế độ cầm quyền độc đoán” chỉ là lớp vỏ che đậy sự xâm nhập về kinh tế, chiếm đóng và tạo ra các chế độ bù nhìn ở các nước trong Trung Đông Lớn. Từ đó có thể thấy, “Đề án Đại Trung Đông” tuy bề ngoài là chủ trương “cải cách căn bản các nước Arập”, nhưng trên thực tế đã loại bỏ quyền tự do của họ, làm tê liệt ý chí và làm cho họ hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định sẽ được thông qua tại Washington theo quan điểm chiến lược của các lực lượng bảo thủ mới. Đây là chương trình hành động kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế và văn hóa không chỉ liên quan đến sáng kiến của Tổng thống Mỹ G.W.Bush mà là một chương trình nhằm mục tiêu dài hạn (4,5).
Trong những năm gần đây, Washington xúc tiến chiến dịch nhằm giải thích đề án “tái cấu trúc” Đại Trung Đông. Đầu năm 2004, lãnh đạo các nước Trung Đông và các đối tác của Mỹ tại G-8 và NATO đã được tiếp xúc nội dung của đề án “tái cấu trúc” Đại Trung Đông của Mỹ. Đầu tháng 3-2008, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Grôxman đã đến thăm các nước hàng đầu trong thế giới Arập và Thổ Nhĩ Kỳ, gặp Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU tại Brussels để giải thích ý tưởng xây dựng đề án Đại Trung Đông. Khi bắt đầu thảo luận về đề án của Mỹ, đa số các nước Arập coi đó như là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Nguyên thủ các nước Arập đều thống nhất cho rằng cải cách dân chủ phải là kết quả quá trình phát triển của các xã hội Arập chứ không thể áp đặt được từ bên ngoài. Họ cũng chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng kế hoạch của Washington không nhắc tới việc phải giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arập và Israel mà đây lại là tiền đề để tiến hành cải cách dân chủ trong khu vực.
Đa số lãnh đạo các nước Arập đều có cách nhìn nhận tiêu cực về “Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ. Theo họ, quá trình dân chủ hoá và tái cơ cấu trong các xã hội Arập tuy đã chín muồi nhưng cần phải được thực hiện bằng nỗ lực của chính các nước trong khu vực chứ không thể do Mỹ áp đặt dễ dàng theo công thức từ bên ngoài và không tính đến đặc điểm của toàn bộ Trung Đông cũng như từng nước riêng lẻ. Tổng thống Syria, ông B.Axat, tuyên bố rằng không thể phát triển dân chủ và cải cách trong điều kiện chiến tranh và còn tồn tại các vấn đề chính trị. Vì thế, không ai ở Syria cũng như trên toàn bộ khu vực này tin tưởng vào các sáng kiến của Mỹ. Nhà lãnh đạo Lybia, ông Gaddafi, gọi sáng kiến của Mỹ là "phân biệt chủng tộc". Thủ tướng Kuwait, ông Sabát Ansabat, tuyên bố rằng ông không chấp nhận các nỗ lực của Mỹ xây dựng “Trung Đông Mới” theo lối áp đặt các cải cách dân chủ và xã hội. Một số giới phê bình ở các nước Arập cáo buộc ý tưởng của Mỹ về “tái cấu trúc” Trung Đông chỉ là nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ và Israel ở khu vực này (6).
Để thực hiện “Đề án Đại Trung Đông” ở châu Phi và Trung Đông, Mỹ sử dụng kết hợp “sức mạnh cứng” (quân sự) và “sức mạnh mềm”. Sử dụng “sức mạnh cứng”, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh ở Afganistan (2001), Iraq (2003) và hiện nay có sự can dự vào cuộc chiến tranh ở Lybia. Sử dụng “sức mạnh mềm”, Mỹ đã triển khai chương trình ngoại giao nhân dân rộng khắp và đầu tư xây dựng các mạng xã hội làm công cụ tiến hành “cách mạng Nhung” từ mạng Internet (2).
Nhiều chuyên gia dự báo, các cuộc bạo động chính trị tương tự như ở Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ bùng phát ở Balkan, Trung Á và một số khu vực khác trên thế giới trong một cuộc cạnh tranh về địa-chính trị kéo dài và gay gắt trong những thập kỷ tớí, liên quan tới cuộc chiến tranh giành giật tài nguyên và năng lượng trên phạm vi toàn cầu. Ông Brrezinski, cố vấn của Tổng thống Mỹ Barak Obama, đã từng dự báo trong những năm 1990 rằng, đó sẽ là “Bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI (7).
Tài liệu tham khảo
1. Thay đổi Trung Đông Lớn . http://www.imperiya.by/club4-9258.html
2.Yếu tố Mỹ trong các cuộc cách mạng ở các nước Arập. Trung tâm nghiên cứu Trung Đông hiện đại. Xanh Pê-tec-bua. Năm 2011.
3. Uyliam Ăngđan. Cuộc “cách mạng” ở Ai Cập phải chăng là “phá để xây” Trung Đông Lớn? http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/vprint/55198/)
4. Đề án Trung Đông Lớn của Mỹ và vai trò của NATO.
http://inforos.ru/ru/?module=news&action=view&id=21626
5. Trung Đông trong chiến lược của Mỹ. http://www.humanities.edu.ru/db/msg/87657
6. Dân chủ hoá kiểu Mỹ đối với Trung Đông: điều đó có nghĩa là gì?
7. Z. Brêdinxki. Bàn cờ lớn. NXB Chính trị quốc gia. Năm 1999.

Biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Bắc Phi - Trung Đông: Một số suy nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới

Biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Bắc Phi - Trung Đông: Một số suy nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới




Nguyễn Hồng Quân(1)
TS. Viện Chiến lược Quốc phòng
(1) Những quan điểm nêu trong bài là của người viết, không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác
 


     Bắt nguồn từ Tunisia tháng 12 năm 2010, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia Trung Đông – Bắc Phi (Ai Cập, Libya, Syria, Yemen…), gây nên biến động chính trị mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong khu vực từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Sau hơn một năm, biến động chính trị đã làm cho bốn Tổng thống (Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen) phải lần lượt ra đi; các Thủ tướng Jordan, Palestine và Syria phải từ chức; chính phủ nhiều nước phải nhượng bộ, thỏa hiệp với phe đối lập. Mỹ và NATO đã tiến hành chiến tranh, lật đổ chính quyền Gaddafi tại Libya. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong mấy thập niên qua, khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đình công phản đối chính phủ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phong trào phản kháng diễn ra quyết liệt trên diện rộng với quy mô lớn.
Bài viết này tìm hiểu những đặc điểm biến động chính trị và xung đột vũ trang trong hơn một năm qua,  những hệ lụy ngắn hạn và dài hạn, trên cơ sở đó nêu lên một số suy nghĩ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong những năm tới.
1. Đặc điểm biến động chính trị ở Bắc Phi – Trung Đông
Biến động chính trị ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi vừa qua có một số đặc điểm  khác với những biến động chính trị ở Liên Xô, Đông Âu trước đây hoặc ở những khu vực khác trong thời gian qua.
Thứ nhấtlực lượng phát động, tham gia biểu tình chủ yếu là thanh niên, sinh viên, dân nghèo thành thị. Đa số những người này được đào tạo và có ý thức chính trị trong xã hội, đồng thời chính họ cũng là những người bị tước bỏ nhiều quyền lợi kinh tế - chính trị trong xã hội, phần đông trong số họ không có việc làm, lại chịu đựng nhiều bức xúc xã hội.
Thứ hai, các cuộc biểu tình ban đầu mang tính tự phát, chưa có các tổ chức, chính đảng đối lập đứng ra chỉ đạo, tổ chức, nhưng diễn ra khá nhanh chóng, bất ngờ, tốc độ lây lan rộng, có tính dây chuyền (thông qua sử dụng internet và người biểu tình sử dụng hiệu quả các mạng xã hội để tập hợp lực lượng). Tuy vậy, khi làn sóng đòi dân chủ, chống độc tài lan nhanh tại khu vực, Mỹ và phương Tây đã nắm lấy thời cơ, tích cực can dự vào nội tình Libya, Yemen hoặc Syria hiện nay, nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của họ.
Thứ ba, phản ứng của quốc tế khá bị động, chia rẽ, tùy theo diễn biến tình hình để điều chỉnh thái độ. Mỹ và phương Tây giữ thái độ thực dụng; lúc đầu, họ chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, tránh bạo lực, tìm giải pháp hòa bình, sau chuyển dần sang ủng hộ lực lượng biểu tình. Trong xử lý khủng hoảng, Mỹ gây sức ép lên các chính phủ trong khu vực này, đòi cải cách, thực thi dân chủ. Nhưng khi Mỹ công khai ủng hộ lực lượng biểu tình, kêu gọi chuyển giao quyền lực thì đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho biểu tình, chống đối lan nhanh ra khu vực. Dù là đồng minh lâu năm của chính phủ Ai Cập và Tunisia, nhưng từ lâu Mỹ và phương Tây vẫn tài trợ cho các lực lượng dân chủ đối lập thân Mỹ tại các nước này, nhằm hướng đến xây dựng một xã hội dân sự theo mô hình dân chủ phương Tây. Mỹ và phương Tây cũng sẵn sàng hy sinh “đồng minh” khi cần thiết, để bảo đảm việc chuyển sang “chế độ dân chủ”, tránh cho khu vực rơi vào tình trạng vô chính phủ hoặc chính quyền rơi vào tay các lực lượng cực đoan.
Đối với các nước không “thân thiện” với Mỹ như Libya, Syria…, làn sóng đòi dân chủ càng lên cao thì lại càng tạo cớ cho Mỹ, phương Tây kích động, cổ súy, hỗ trợ phe đối lập, công nhận lực lượng đối lập là “đại diện” cho nhân dân, tiến tới tìm cách giúp đỡ chuyên gia, cố vấn, thậm chí can thiệp vũ trang, tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm”, nhằm lật đổ các chính quyền đương nhiệm như đã diễn ra ở Libya. Ngoài ra không thể không tính đến lý do khiến Mỹ và phương Tây lợi dụng làn sóng chống đối, để “một mũi tên đạt hai đích” là ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chính trị và phân chia lợi ích tại khu vực có tầm quan trọng địa – chính trị, địa - kinh tế này.
Các nước Nga, Trung Quốc lúc đầu giữ lập trường không can thiệp, phản đối mọi áp đặt từ bên ngoài, đề cao việc giữ ổn định chính trị và trật tự xã hội tại Trung Đông – Bắc Phi để bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực; tuy nhiên khi bị sức ép, hai nước này sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết; kết cục là Hội đồng Bảo an ra nghị quyết cho phép can thiệp vũ trang vào Libya. Thế giới Arab phản ứng khá thận trọng, đôi khi thiếu nhất quán, vì lo ngại tác động tới nội bộ.
2. Những hệ lụy
Với vị trí địa –chính trị, địa – kinh tế quan trọng trên thế giới, những biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Trung Đông – Bắc Phi gây không ít hệ lụy cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Thứ nhất, cục diện Trung Đông - Bắc Phi đang thay đổi sâu sắc, khó có thể quay lại như thời kỳ trước biến động chính trị và xung đột vũ trang. Mô hình cũ đã và đang sụp đổ trong khi mô hình mới đang định hình và chịu chi phối của cả yếu tố bên trong lẫn yếu tố bên ngoài. Việc ổn định tình hình tại Ai Cập, Tunisia, Libya và nhiều nước khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài trong những năm tới.
Thứ hai, trong bối cảnh trên, việc giải quyết các điểm nóng tại khu vực, trong đó có tiến trình hòa bình Trung Đông, tiếp tục bị ngưng trệ. Tình hình tại một số điểm nóng như Yemen, Syria…tiếp tục căng thẳng, bạo lực có dấu hiệu gia tăng, trong khi phong trào đấu tranh tại các quốc gia khác như Bahrain, Morocco, Kuwait…tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn có khả năng tái phát. Trong khi đó, Israel lợi dụng bất ổn tại khu vực để tăng cường chính sách cứng rắn, tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái tại các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nội bộ khối Arab bị chia rẽ sâu sắc, tình trạng nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau giữa các nước khu vực sẽ kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang. Các nước lớn, nhất là Mỹ, sẽ điều chỉnh chính sách đối với khu vực, xác định các ưu tiên, tập hợp lại lực lượng sau khi các nhà lãnh đạo thân Mỹ phải ra đi. Mỹ và phương Tây ngày càng công khai và mạnh mẽ can thiệp vào tình hình khu vực. Đồng thời Nga, Trung Quốc phải có những tính toán nhất định để bảo vệ lợi ích và đồng minh truyền thống tại khu vực như Syria, Iran. Trong bối cảnh đó, va chạm lợi ích chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và phương Tây với Nga và Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ với phương Tây nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực là khó tránh khỏi và sẽ làm tăng thêm các nhân tố phức tạp.
Thứ ba, kinh tế thế giới chịu tác động nhất định, do giá dầu tăng cao, quá trình hồi phục sau khủng hoảng và tăng trưởng sẽ chậm lại. Kinh nghiệm cho thấy, trước 5 cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra vào các năm 1974, 1980, 1990, 2011 và 2008, đều có các “cú sốc” dầu lửa lớn. Thời gian qua, có lúc giá dầu tăng cao, tới 120 USD/thùng. Nếu khủng hoảng lan sang các nước xuất khẩu dầu lửa chủ yếu (Saudi Arabia, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất…), quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động tiêu cực; dòng người tỵ nạn sẽ tràn sang các nước phát triển nhiều hơn, tạo thêm gánh nặng cho các nước phương Tây. Các luồng đầu tư, kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu vào Trung Đông – Bắc Phi cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Do lợi ích an ninh và kinh tế to lớn trong khu vực, các nước lớn có thể sẽ cố gắng hạn chế để biến động chính trị không lan sang các quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu (Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất…) và sẽ hạn chế khả năng biến động chính trị biến thành các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn tại một số điểm nóng (như Syria, Yemen…). Nhưng những thiệt hại kinh tế, suy giảm uy tín chính trị của các nước chịu khủng hoảng trực tiếp có thể làm chậm lại tiến trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Theo ước tính, Libya thiệt hại hơn 50 tỷ USD, hoạt động khai thác dầu khí bị ngưng trệ; Tunisia thiệt hại hơn 3,5 tỷ USD, 40% nhà máy ngừng hoạt động, tăng trưởng kinh tế giảm từ 3% xuống còn 1%; trong khi đó Ai Cập bị thiệt hại 17 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế giảm từ 6% xuống 4%.
Việc tăng mạnh giá dầu mỏ, kéo theo đó là giá vàng, lương thực và một số loại nguyên vật liệu cơ bản, lạm phát tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam phần nào ảnh hưởng tới kinh tế nước ta: tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, trong khi giá cả, lạm phát tăng… ảnh hưởng bất lợi không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Có thể nói, sau nhiều thập kỷ bị đè nén cả về chính trị, lẫn kinh tế, xã hội, các biến động và xung đột vũ trang tại Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua đã bùng phát thành biến động chính trị mạnh mẽ nhất trong vòng gần 7 thập kỷ qua, không chỉ làm biến đổi cục diện, cán cân quyền lực, mà còn để lại những hệ lụy chưa thể đánh giá hết đối với đời sống chính trị, xã hội ở một khu vực địa-chính trị, địa-kinh tế quan trọng của thế giới, nơi tồn tại nhiều vấn đề tôn giáo, sắc tộc phức tạp, nơi tranh giành quyền lực, lợi ích của các nước lớn.
Thứ tư, Mỹ và NATO đã áp dụng thành công phương thức chiến tranh mới trong chiến tranh ở Libya với chi phí thấp và đặc biệt không tổn thất về binh lính của họ. Mỹ không cần trực tiếp tham chiến, nhưng vẫn giữ vai trò chỉ huy, thông qua “chiến tranh ủy nhiệm” mà lật đổ được chính quyền Gaddafi; Mỹ huy động được các đồng minh và tổ chức khu vực vào cuộc và không bị sa lầy như ở Iraq hoặc Afghanistan, do không phải giải quyết hậu quả chiến tranh. Hơn nữa, nhờ thỏa hiệp được với Nga, Trung Quốc, nên Mỹ và đồng minh NATO tiến hành chiến tranh dưới “đèn xanh” của  Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được tiếng là “bảo vệ dân thường”, “chống độc tài”.
Trên đà thắng lợi này, không ngoại trừ Mỹ và NATO sẽ lấn tới, phát động chiến tranh ở những nước không thân thiện hoặc có “thù hận” với Mỹ, nhất là những nơi có nguy cơ bất ổn cao về chính trị - xã hội.
3. Một số vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới
Hệ lụy từ biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Trung Đông – Bắc Phi; sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực Đông Á, nhất là việc Mỹ tăng cường hiện diện tại Đông Á; cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; những yếu kém, khuyết điểm, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ta, cùng với việc các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường chống phá mối quan hệ gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân ta… đang đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm trước mắt, chúng ta đứng trước hai nguy cơ lớn: nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh trên hướng biển, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và nguy cơ xảy ra mất ổn định chính trị, có sự can dự của nước lớn, đe dọa sự tồn vong của chế độ chính trị. Hai nguy cơ trên có thể diễn tiến riêng rẽ, nhưng có liên hệ hữu cơ với nhau và càng nghiêm trọng hơn nếu các nước lớn thỏa hiệp với nhau. Nhiệm vụ của quốc phòng Việt Nam là luôn sẵn sàng để ngăn chặn, đẩy lùi cả hai nguy cơ ấy, đồng thời ứng phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề ấy, trước tiên, cần tập trung giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ; củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, trên cơ sở xây dựng chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân; thực sự dân chủ hóa sinh hoạt xã hội, thực hiện công bằng xã hội, kiên quyết thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, hạn chế tối đa tác hại của các “nhóm lợi ích”, lạm quyền, tham nhũng, giải tỏa những bức xúc xã hội đang tích tụ nhiều năm qua, giữ vững khối đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là nền tảng để xây dựng “thế trận lòng dân”, nền tảng cho quốc phòng – an ninh. Đổi mới các chính sách dân tộc, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, tìm các biện pháp hợp lý để tăng cường quản lý các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là internet, tránh để một số phần tử bất mãn hoặc bị kích động sử dụng các mạng xã hội nhằm tập hợp lực lượng; vô hiệu hóa các lực lượng chống đối, không để chúng kịp dựng “ngọn cờ”, kêu gọi can thiệp quân sự từ bên ngoài. 
Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững. Chú trọng phát huy nội lực nền kinh tế, từ đó giải quyết tốt mối quan hệ hội nhập quốc tế với độc lập, tự chủ về kinh tế; không để nền kinh tế quá lệ thuộc vào một nền kinh tế lớn nào; không để xảy ra những rối loạn lớn trong xã hội, làm triệt tiêu âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về kinh tế của ta để kích động gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh việc dân sự hóa các hoạt động hành chính, kinh tế… trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thứ ba, phát triển đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, củng cố quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới. Nghiên cứu, xác định phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự phù hợp với xung đột vũ trang và chiến tranh biển, đảo cũng như “chiến tranh ủy nhiệm”, trong đó, địch sẽ tiến công hỏa lực đường không sử dụng vũ khí công nghệ cao, kết hợp với bạo loạn, nổi dậy từ bên trong. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức, biên chế quân đội theo hướng tinh gọn, mạnh, cơ động nhanh; trang bị vũ khí hiện đại theo hướng ưu tiên cho hải quân, không quân, đồng thời chú trọng thích đáng tăng cường khả năng hỏa lực, trình độ tác chiến hiệp đồng của lục quân; từng bước thực hiện “tin học hóa” quân đội; đồng thời nâng cao chất lượng quân dự bị, xây dựng dân quân tự vệ phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thứ tư, tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của khu vực và quốc tế, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Cần chú trọng giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, coi đây là yếu tố then chốt bên ngoài nhằm bảo đảm vững chắc quốc phòng của đất nước; không để bị hiểu lầm là đi với nước này để chống nước kia, không vì quan hệ với nước lớn này mà hạ thấp quan hệ với các nước lớn khác. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; chủ động hội nhập và giữ vai trò quan trọng trong ASEAN, giữ vững đoàn kết và liên kết chặt chẽ, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN ở khu vực, tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác, không để các nước lớn lợi dụng, sử dụng ASEAN như một công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; tăng cường đối thoại, hợp tác quốc phòng song phương với các nước và trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), tạo sự tin cậy lẫn nhau để hậu thuẫn cho việc giải quyết các vấn đề quốc phòng có liên quan. Xử lý đúng đắn mối quan hệ “đối tác’, “đối tượng” theo tinh thần Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX), trên từng vấn đề cụ thể và luôn chú ý theo dõi sự chuyển hóa quan hệ giữa “đối tượng” và “đối tác”, không để bị bất ngờ về chiến lược.Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông