Văn hóa Islam giáo ở Trung Đông
Nguyễn Thu Hằng
Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Bài viết này đề cập đến văn hóa Islam giáo Trung Đông ở ba chiều cạnh: Cơ sở lí luận, đặc điểm và thuộc tính.
1. Cơ sở lí luận
Nghiên cứu về văn hóa Islam giáo, dù là văn hóa Islam giáo nói chung hay văn hóa Islam giáo ở Trung Đông không thể không bắt đầu từ việc nghiên cứu mối quan hệ của tôn giáo thần học với văn hóa, để rồi từ đó soi rọi vào bình diện cụ thể là văn hóa tôn giáo.
P. Tillich, nhà nghiên cứu thần học tôn giáo hiện đại theo trường phái chức năng đã đưa ra nhận định: “Tôn giáo là mối quan tâm cao nhất của con người” và “tôn giáo là nội dung thiết yếu của văn hóa”1 Cũng với suy nghĩ như vậy, nhà sử học vĩ đại của thế kỉ XX Toynbee trong tác phẩm nổi tiếng Nghiên cứu về lịch sử đã chia các nền văn minh của loài người theo những tiêu chí lớn, trong đó tiêu chí yếu tố tín ngưỡng tôn giáo có vị trí quyết định phổ biến bậc nhất2.
Niềm tin tôn giáo, cảm xúc tôn giáo, đạo đức tôn giáo, một khi được hình thành và nâng cao, có thể trở thành một động lực rất mạnh, thúc đẩy con người biểu lộ lòng nhiệt thành của mình bằng hành động cụ thể, được thể hiện trong các công trình kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thơ văn, nghệ thuật… trác tuyệt, những di sản văn hóa không thua kém những công trình văn hóa xuất phát từ nhu cầu phục vụ đời thường.
Phong tục tập quán, tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo, đạo đức tôn giáo cũng là những yếu tố cấu thành nên lối sống của một cộng đồng người, phân biệt nó với lối sống của những tộc người theo những truyền thống tôn giáo khác.
Theo cách nhìn của trường phái nhân học về tôn giáo và văn hóa (xuất hiện ở Mỹ trong thế kỉ XX) thì văn hóa được xem như là cái khung nguyên lí đem đến trật tự và cơ chế kiểm soát các hành vi xã hội mà nếu không có nó thì con người sẽ không có hình dáng. Văn hóa “được xem như một tổng thể đã được hội nhập và hội nhập cái khác”3. Tôn giáo cũng được xem như cái chiều sâu của văn hóa và phù hợp với khái niệm nhân học về văn hóa, là một tổng thể đã hội nhập và đang hội nhập với mọi yếu tố tạo thành của nó vốn có quan hệ qua lại với nhau và bao hàm nhau, nói lên một chủ đề, một phong cách hay một mục đích hoạt động theo quy luật hay những cấu trúc nền tảng và có chức năng duy trì trật tự xã hội. Robert Schreiter đã từng nhắc rằng, khái niệm văn hóa được xem như một hệ thống hội nhập các tín ngưỡng, các giá trị và các tiêu chuẩn hành vi4...
Tôn giáo nói lên được “sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật; sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật”. Vậy, bản chất của văn hóa tôn giáo là đạo đức, mà điểm cao nhất của văn hóa đạo đức là khẳng định được mối tương quan giữa Trời-Người-Vạn vật. Trong mối tương quan đó, nếu đứng trên cương vị “Người” làm chủ thể phát huy văn hóa thì hệ quả tại thế gian là nối kết giữa người với người trong “bản thể đại đồng nhân loại”; và hệ quả xuất thế gian là nối kết được người với Trời trong bản thể vũ trụ vạn vật. Con người trở nên một tuyệt tác, cuộc đời là bức tranh tuyệt mĩ. Tác giả kết luận rằng: “Sứ mạng văn hóa của tôn giáo sẽ đưa con người đến tầm kích vũ trụ… Văn hóa đích thực sẽ làm cho con người thực sự tiến hóa. Dưới cái nhìn văn hóa, tôn giáo chân chính sẽ thực hiện được sứ mạng văn hóa đích thực”5.
Nói tóm lại, tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đã có mối quan hệ gắn bó qua lại từ lâu đời, thậm chí ngay từ buổi đầu hình thành thì những hình thái ý thức tín ngưỡng tôn giáo đã song song với hệ giá trị “văn hóa” của loài người.
Văn hóa tôn giáo là một địa hạt văn hóa có nhiều nét khác biệt so với cách hiểu văn hóa thông thường (một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kì năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là thành viên của xã hội). Với các nền văn hóa độc thần mang tính phổ quát toàn thế giới như văn hóa Islam giáo thì điều này càng rõ rệt. Lí do rất đơn giản, khái niệm “văn hóa tôn giáo” ở đây, theo ý nghĩa của thần học là sự hiện hữu, khách thể hóa của Thiên Chúa Toàn Năng trong nền văn hóa ấy. Triết lí về Thiên Chúa Toàn Năng trong Islam giáo (độc nhất, vô cùng, vô tận, vượt trên mọi quyền lực khác cả trên trời lẫn dưới đất) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện nhiều khác biệt khi so sánh với văn hóa Kitô giáo và các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tôn giáo độc thần khác. Cụ thể hơn, Islam giáo không chỉ ảnh hưởng đến văn hóa của cộng đồng người Islam giáo, mà bản thân tôn giáo ấy là tinh túy, cốt lõi của nền văn hóa ấy, hay nói cách khác không ở đâu như ở cộng đồng người Islam giáo Trung Đông, văn hóa Islam giáo đã bao trùm lên toàn bộ nền văn hóa ở nghĩa rộng nhất của nó. Nó là hiện thân của một hệ thống những quy định và định hướng hành vi của một cộng đồng tín đồ đông đảo, cho đến nay đã chiếm hơn 1/5 dân số thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập và xung đột văn hóa hiện nay, văn hóa Islam giáo, cũng như các nền văn hóa khác đều đang có những biến chuyển không ngừng. Các phong trào Islam giáo bùng phát mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến tình hình chính trị khu vực và thế giới, khiến văn hóa Islam giáo trở thành một yếu tố quan trọng trên bản đồ chính trị quốc tế.
Nghiên cứu văn hóa Islam giáo trở thành đối tượng của nhiều ngành khoa học khác nhau, hình thành nên những cách tiếp cận khác nhau về Islam giáo trong thế giới đương đại với nền tảng lí thuyết chủ yếu đến từ các học giả phương Tây: một là dựa trên cơ sở của Truyền thống Phương Đông chủ nghĩa; hai là trên cơ sở của Chức năng luận. Các công trình khoa học về Islam giáo và văn hóa Islam giáo, vì vậy, ít nhiều đều thể hiện quan điểm lí thuyết của hai xu hướng này.
Truyền thống phương Đông chủ nghĩa ám chỉ xu hướng mà học giả phương Tây nhìn thế giới phương Đông qua lăng kính phương Tây. Trong số đó có thể kể đến các những tên tuổi nổi tiếng như S. Huntington, Jacques Derrida, Michel Foucault, Edward Said … với một số lí thuyết điển hình về thế giới văn hóa Islam giáo mà chúng ta đã biết như lí thuyết về chuỗi phản ứng sau cuộc cách mạng Iran, "mối đe dọa Islam giáo" và " sự đụng độ của các nền văn minh" sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các tác giả thuộc trường phái này thường nhìn văn hóa Islam giáo như một thực thể nguyên khối, tĩnh và tuyệt đối khi kiếm tìm câu trả lời cho các hiện tượng văn hóa Islam giáo hiện đại thông qua cách diễn giải khác nhau của các văn bản Islam giáo. Họ có xu hướng cho rằng, mọi hiện tượng cực đoan của Islam giáo đều có liên quan đến sự lạc hậu và bảo thủ của Islam giáo, một tôn giáo thực sự đã tụt hậu so với những yêu cầu của thế giới hiện đại.
Cơ sở lí luận của xu hướng này gồm ba điểm: 1- Nhấn mạnh tính chất chính trị trong mô hình nhà nước - thần quyền; tính dễ nảy sinh của độc tài toàn trị trong mô hình nhà nước đó; sự dễ dàng sa vào bẫy cuồng tín tôn giáo của các nhà lãnh đạo một mô hình nhà nước thần quyền độc tài Islam giáo. 2- Nhấn mạnh khả năng giải quyết xung đột bằng vũ khí của các mô hình nhà nước - thần quyền Islam giáo xuất phát từ quan niệm triết học Islam giáo chia thế giới thành hai phần rõ rệt là Dar al- Islam (hòa bình) và Dar al- Harb (chiến tranh). Phong trào Thánh chiến Jihad được thúc đẩy bởi các cảm xúc tôn giáo trong cuộc chiến chống phương Tây là một điển hình; 3- Những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan Islam giáo (hyper-nationalisme)và tư tưởng quốc gia dân tộc (nation states, bao hàm ý nghĩa văn hóa và dân tộc) có nguồn gốc từ châu Âu.
Lối tư duy này, dường như đã bỏ qua tính chất đa dạng của các diễn giải Qur'an và Hadith, dẫn đến những tranh luận chưa có hồi kết đối với cách nhìn của học giả phương Tây về văn hóa Islam giáo và những hiện tượng Islam giáo đương đại. Điển hình là trường hợp của S. Huntington với thuyết “Đụng độ giữa các nền văn minh”, đang ngày càng bộc lộ những điểm gây tranh cãi trong tình hình biến động ở Trung Đông hiện nay khi ông “đem bỏ chung vào một rọ một số thiểu số thế lực tôn giáo cuồng tín cực đoan với đại đa số tín đồ chân chính của mọi tôn giáo mà bản chất của họ luôn luôn là hướng thiện và khoan dung6.
Trường phái chức năng luận trong nghiên cứu Islam giáo và văn hóa Islam giáo, thực chất cũng chịu ảnh hưởng chủ nghĩa phương Đông nhưng theo đuổi một phương pháp khác, đặt trọng tâm vào chức năng xã hội của tôn giáo. Các học giả có xu hướng coi văn hóa Islam giáo chỉ như một hiện tượng đơn thuần có mối liên kết với các cấu trúc thượng tầng như chính trị và kinh tế. Chủ nghĩa Islam giáo (tích cực và tiêu cực) được mô tả trong những diễn biến chức năng của phát triển xã hội hiện đại như là hệ tư tưởng của một tầng lớp tư sản thiểu số và cuồng tín. Xu hướng này không tìm được sự đồng thuận của đông đảo giới học giả từ Đông sang Tây khi trong những công trình quá sa đà vào chủ nghĩa duy lí hiện đại mang thiên hướng chống phương Đông(7).
Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, văn hóa Islam giáo ngày nay đã không còn giữ nguyên hình dạng của nó như khi nó còn là nền văn hóa thuộc bán đảo Arrab. Thứ nhất, ở chừng mực nhất định, nó đã chịu những tác động của hiện đại và toàn cầu hóa về văn hóa (trong đó bao gồm cả tính khu vực hóa khi đề cập đến văn hóa vùng Trung Đông). Trong quá trình đó, một số đặc điểm không thích ứng đã mất đi hoặc biến đổi về ý nghĩa và nội dung để thích ứng, hình thành nên những giá trị mới phù hợp với việc diễn giải các Hadith và Qur'an ở những thời điểm lịch sử khác nhau và các khu vực địa lí khác nhau, tạo nên sắc thái bản địa của văn hóa Islam giáo. Thứ hai, mặc dù giá trị của văn hóa Islam giáo đã được định hình trong một quá trình hoạt động liên tục của người Islam giáo, nhưng nó không phải là sự phản ánh tuyệt đối những thay đổi của xã hội. Dưới tác động của những biến động xã hội, văn hóa Islam giáo tiếp thu các giá trị mới trong những cái hiện có, thông qua đó chỉ đạo quá trình chuyển đổi xã hội tại những thời điểm cụ thể. Nói cách khác, đó là một mối quan hệ biện chứng, trong đó “văn hóa Islam giáo không chỉ phản ứng với những thay đổi xã hội mà còn trực tiếp biến đổi nó thông qua các phương tiện đổi mới văn hóa(8). Thứ ba, phải đề cập đến văn hóa Islam giáo như một hệ thống các biểu tượng văn hóa, thông qua đó người Islam giáo xem xét đánh giá thực tế và phát triển thế giới quan của họ (biểu hiện văn hóa của cá nhân tín đồ, không gian Thánh, nơi thờ tự trong gia đình, truyền thống thờ tự…). Những biểu tượng này chuyển tải quan niệm về thực tế, cung cấp giá trị quy chiếu cho người Islam giáo trong việc giải thích các hiện tượng. Hệ thống biểu tượng liên quan chặt chẽ với thực tế, nhưng không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với nó bởi quan niệm về thực tại không chỉ dựa trên cái mà người ta quan sát được mà còn dựa vào hệ thống niềm tin tiềm ẩn trong con người họ. Từ vựng Islam giáo cũng có vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình lí giải hiện tượng này. Với từ vựng, văn hóa Islam giáo đóng vai trò diễn ngôn khi tất cả các hiện tượng đều được xem xét dưới góc độ ngôn từ. Nó tạo nhịp cầu thông tin liên lạc giữa cái chủ quan của tín đồ Islam giáo với cái khách quan của thực tế xã hội, cho thấy bối cảnh thực hành xã hội của người Islam giáo. Như vậy, khái niệm tôn giáo ở đây đã thoát khỏi siêu hình để tạo những hình thức có ý nghĩa cho kinh nghiệm, trí tuệ, tình cảm, đạo đức…
Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng xem xét những đặc điểm căn bản của văn hóa Islam giáo trong cả quá trình lịch sử của nó kể từ khi thoát thai trên bán đảo Arab cho đến ngày nay.
2. Những đặc điểm của văn hóa Islam giáo (ở Trung Đông)
2.1. Đặc điểm văn hóa Islam giáo ở Trung Đông
Trung Đông, Bắc Phi, từ góc nhìn khu vực học, thuộc khu vực văn hóa Tây Á – Bắc Phi, 1 trong 6 khu vực văn hóa phương Đông (gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Bắc Á, Tây Á – Bắc Phi).
Nói về đặc điểm văn hóa, Trung Đông (bán đảo Arab nói riêng) là vùng đất của một nền văn minh cổ xưa và lâu đời nhưng nếu so sánh với Ấn Độ hoặc Trung Quốc thì văn minh Trung Đông có hai đặc điểm riêng nổi bật, đó là: tính đa dạng và tính không liên tục. Từ yếu tố tôn giáo cho đến ngôn ngữ và văn hóa tộc người đều cho thấy vùng Trung Đông không có được sự thống nhất bền vững và liên kết chặt chẽ theo dòng lịch sử như Trung Hoa và Ấn Độ. Nhiều nghiên cứu khu vực đã chỉ ra những nét đặc thù ấy như sau:
Thứ nhất, đó là một nền văn hóa mà từ khi hình thành và phát triển đã chịu những tác động to lớn của các nền văn minh lân cận, cụ thể là lần lượt trải qua quá trình Hi Lạp hóa, La Mã hóa và Kitô giáo hóa. Đương nhiên, trong cả quá trình ấy, Islam giáo đã đứng vững và giữ được căn tính văn hóa và ngôn ngữ riêng của mình cùng với sự lớn mạnh của những nhà nước Islam giáo ở Trung Đông. Văn minh Islam giáo, nói một cách khái quát hơn, là nền văn minh vắt ngang giữa truyền thống phương Đông và triết lí phương Tây.
Thứ hai, người Arab Islam giáo cùng với những chiến thắng quan trọng về quân sự, không chỉ giữ được vùng đất nguyên gốc của mình mà còn đánh chiếm được một phần khá lớn đất đai của đế chế La Mã ở Trung Đông và Bắc Phi trong các thế kỉ VII và VIII. Đồng thời với sức mạnh quân sự, người Islam giáo không ngừng khát vọng về khả năng xây dựng một nhà nước riêng, vững mạnh, “thuần chủng” với Kinh Qur’an, tiếng Arab và cấu trúc xã hội kiểu Islam giáo. Vì vậy, vấn đề bành trướng tiếng Arab có ý nghĩa xã hội, tôn giáo và văn hóa quan trọng bậc nhất. Có nhận xét rằng từ cuối thời Trung cổ, bản đồ tôn giáo của vùng Trung Đông và Bắc Phi đã định hình và giữ nguyên cho đến ngày nay (3 ngôn ngữ chính là tiếng Arab tiếng Ba Tư và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó tiếng Arab được thống nhất một cách viết chung, chuẩn hóa cao, có ảnh hưởng lớn nhất).
Thứ ba, về Luật Hình trong văn hóa Islam giáo, nét đặc biệt của nó chính là ở sự phân chia các loại tội theo giới luật tôn giáo và kèm theo những hình thức chế tài dành cho chúng. Khái niệm về tội đã khác nhiều so với quan niệm gốc rễ “Tội tổ tông” trong Kitô giáo. Với Kitô giáo thì Tội tổ tông là sự trả giá cho khiếm khuyết bẩm sinh của tội lỗi, còn với Islam giáo thì phạm trù đó mặc nhiên thuộc về “Luật Con người”. Điều này dẫn tới những quan niệm khác nhau của hai nền văn hóa trong hàng loạt vấn đề xã hội. Trong đời sống hôn nhân gia đình, người Kitô hữu giữ nguyên tắc “một vợ một chồng bất khả phân li”, coi gia đình như một “Hội Thánh tại gia” tồn tại từ khi ra đời cho đến hiện nay. Gia đình Islam giáo lại dựa trên những đặc tính văn hóa của cộng đồng ả Rập truyền thống như hôn nhân đa thê, vai trò thấp kém của phụ nữ so với đàn ông, một số phương cách li hôn (được chấp nhận trong Islam giáo)…cho đến sinh đẻ, tử tuất, quyền thừa kế, nô lệ... đều quy chiếu theo Luật Hình của tôn giáo Islam.
Thứ tư, quá trình phát triển của văn hóa Islam giáo cận đại cũng mang những nét đặc biệt so với văn hóa Kitô giáo. Với Kitô giáo, văn hóa được hình thành và biến đổi dựa trên sự chuyển đổi của những bước ngoặt lịch sử xã hội: sự giải thể của chế độ phong kiến chuyển qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bước chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp (chủ yếu do kết quả của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ nhất) và hậu công nghiệp (do kết quả của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ hai và cuộc cách mạng thông tin hiện nay), thì với cộng đồng Islam giáo, thứ văn hóa riêng biệt của họ “trước sau vẫn dựa vào việc đọc Kinh Qur’an và trung thành sử dụng tiếng Arab như một thứ ngôn ngữ có tính nghi lễ”(9). Với một “không gian văn hóa và xã hội Islam giáo” như thế, ảnh hưởng của tiến trình khoa học kĩ thuật vào văn hóa cộng đồng cũng như sự hình thành cá nhân trong cộng đồng văn hóa, cho đến thời cận đại, vẫn còn là điều xa lạ.
Trong cuốn Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây, Bernard Lewis đã cung cấp cho chúng ta một cách cắt nghĩa vấn đề mấu chốt có ý nghĩa “căn tính văn hóa” của người Islam giáo khi đối diện với hiện đại hóa phương Tây.
Trước hết, theo ông, xã hội Islam giáo hiện đại như hiện nay chỉ xuất hiện khi có yếu tố phương Tây (xâm lược, đô hộ, ủy trị hoặc khối liên hiệp). Quá trình này cũng mới chỉ bắt đầu cuối thế kỉ XIX. Ông đã mô tả về sự xuất hiện một xã hội “Islam giáo hiện đại” như sau: “Cách mạng Pháp là phong trào tư tưởng đầu tiên của châu Âu có tác động đáng kể đến Trung Đông, người dân ở đây nhờ đó mà bắt đầu có những thay đổi trong suy nghĩ và trong hành động. Lí do vì sao xảy ra điều này cũng khá rõ. Đây cũng là một cuộc xáo trộn lớn ở châu Âu mà các tư tưởng đề ra không dùng các từ ngữ của Kitô giáo, đôi khi một vài biểu hiện của nó lại có tính chất chống lại Kitô giáo(10).
Trên thực tế, từ cuối thế kỉ XIX, cùng với sự xâm lược của thực dân phương Tây, các quốc gia Islam giáo đã thực sự diễn ra quá trình “công nghiệp hóa và phương Tây hóa cưỡng bức”. Quá trình này không chỉ diễn ra trên những sự chuyển đổi của các loại hình văn hóa, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm nhất đối với Islam giáo như vấn đề lối sống và phụ nữ, mà cả đến ngôn ngữ vốn là một “tiêu chí thần linh” và thiết chế văn hóa. Nhận xét về điều này, Bernard Lewis đánh giá: “Trong đời sống văn hóa và xã hội, sự du nhập và chấp nhận văn hóa phương Tây đã có những bước tiến rất xa và tồn tại dưới những hình thức mà ngay cả những người phản đối tích cực nhất hay những người cấp tiến nhất cũng không thể hình dung hết được hay sẵn sàng chấp thuận”(11). Trong sự chuyển đổi mạnh mẽ ấy, văn hóa Islam giáo đã xuất hiện một hiện tượng văn hóa xã hội đặc biệt, đó là sự xuất hiện giới thượng lưu, trí thức mà phần lớn được đào tạo tại Âu - Mỹ. Điều này có ý nghĩa lớn, bởi xã hội Islam giáo truyền thống tôn trọng cao độ tính bình đẳng, không công nhận bất cứ sự vượt trội nào của một tín đồ so với cộng đồng của mình dù dựa trên dòng giống chủng tộc hay quốc tịch và địa vị xã hội. Từ thời cận hiện đại, khi xuất hiện tầng lớp này thì cơ cấu xã hội, tâm lí, lối sống, hệ giá trị và văn hóa của người Islam giáo ở Trung Đông nói riêng đã chứng kiến những xáo trộn mạnh mẽ với những hệ quả không hề nhỏ và được phân tích theo những xu hướng rất khác nhau như chúng tôi đã đề cập ở trên.
2.2. Đặc điểm văn hóa Islam giáo bên ngoài khu vực Trung Đông
Về phương diện văn hóa, nhìn những khu vực “Islam giáo hóa” trên quy mô toàn cầu từ thế kỉ X trở lại đây, đặc điểm nổi bật nhất có thể thấy là các cộng đồng Islam giáo mới được “cải đạo” dù ở bất cứ khu vực nào hay tộc người nào trên thế giới, về cơ bản vẫn là sự chuyển dịch của không gian xã hội và văn hóa Islam giáo.
Về điểm này, Islam giáo có một phần nào đó giống trường hợp của nền văn hóa Kitô giáo phương Tây. Từ thế kỉ XV – XVI, Kitô giáo thực sự phát triển ra các vùng đất ngoại (Nam Mỹ, châu Phi, châu Á…). Do ảnh hưởng của những quan niệm Thần học Kinh viện Trung thế kỉ, Kitô giáo cũng áp đặt một nền văn hóa, văn minh phương Tây lên các vùng đất mới được giáo hóa. Tình hình này rõ nét hơn khi phong trào thực dân phát triển từ thế kỉ XVII.
Tuy thế, điểm khác biệt của văn hóa Islam giáo là ở chỗ, khi Kitô giáo đã dần dần buộc phải chính thức tính đến những yếu tố của “hội nhập văn hóa bản địa” từng bước một, cho đến Cộng đồng Vatican II (1962-1965) đã thay đổi căn bản thì văn hóa Islam giáo, trước sau như một, vẫn hoàn toàn xa lạ với những quan niệm về hội nhập. Dĩ nhiên điều này cũng không ngăn được “màu sắc đa dạng” của thế giới Islam giáo ở các khu vực khác nhau, bởi đi đến đâu văn hóa Islam giáo cũng có xu hướng tiếp thu những điểm sáng của nền văn hóa ấy, bổ sung cho những nét văn hóa độc đáo của mình, đơm hoa kết trái những tinh túy của mình trên nền văn hóa bản địa nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên những nguyên tắc truyền thống có trong Qur’an của văn hóa Islam giáo. Bởi vậy, nhìn chung, qua nhiều thế kỉ các cộng đồng Islam giáo ở các vùng ngoại vi vẫn bền bỉ giữ được tính nguyên gốc của nó.
Một số học giả nghiên cứu về “tấm thảm văn hóa Islam giáo” ở các nước Đông Nam Á còn có nhận xét thêm rằng, bên cạnh “sự chuyển dịch của không gian xã hội và mô hình văn hóa Islam giáo” nói trên, ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nảy sinh một số nét khác biệt. Sự khác biệt ấy là ở chỗ các nghi lễ, giới luật tôn giáo… đối với cộng đồng thì không có gì thay đổi nhưng về thiết chế xã hội – văn hóa thì có những điều chỉnh nhất định. Chẳng hạn các Imam đã không còn giữ vai trò “nối dõi tinh thần đặc biệt của Mohammed” như quan niệm của giáo phái Shi’ites nữa hay Tòa án Islam giáo cũng mất đi vai trò chế tài tối thượng trong đời sống cộng đồng… và trong một chừng mực nhất định, một số quy định về hành lễ ở Thánh đường, sinh hoạt và quan hệ gia đình… được điều chỉnh rõ rệt. Có nghĩa là thiết chế xã hội – văn hóa Islam giáo đã có sự thay đổi khi kết hợp với các yếu tố của cơ sở văn hóa – xã hội bản địa. Những điều này, hiển nhiên, đưa đến những đặc tính văn hóa khác nhau của các cộng đồng Islam giáo khác nhau tùy từng khu vực và sắc tộc.
Về tổ chức, cộng đồng Islam giáo thế giới chủ yếu vẫn theo mô hình hiệp hội truyền thống (umma), có nghĩa là không có bất cứ cá nhân hoặc thể chế nào có quyền lực tổng quát trên cộng đồng Islam giáo toàn cầu. Dù có sự phân hóa thành các giáo phái, tiêu biểu nhất là Sunni và Shi’ite, nhưng các hiệp hội vẫn giữ được mối liên hệ có tính thống nhất cao với Mecca, đặc biệt là không có sự khác biệt trong quan niệm riêng của các giáo phái về Thượng đế Tối cao Allah.
3. Những thuộc tính của văn hóa Islam giáo
Các nhà thần học Islam giáo, dù có những cách diễn giải khác nhau về mặc khải trong Kinh Qur’an nhưng có một điểm chung là thường hướng đến việc đề cao văn hóa Islam giáo. Một trong những luận điểm như vậy đã chỉ ra những thuộc tính căn bản sau đây của văn hóa Islam giáo:
1- Tính vững chắc (steadiness): Văn hóa Islam giáo dựa trên nền tảng của KinhQur’an, truyền thống của tiên tri Mohammed và những chân lí liên quan đến đức tin. Nó giúp người Islam giáo rèn luyện đức tính kiên nhẫn, tuân thủ và kiên định với con đường mình đã chọn. Với niềm tin sâu sắc rằng Allah luôn hiện hữu và làm chứng cho mọi việc làm của con người trên thế gian, tín đồ Islam giáo đề cao sự công bằng, liêm chính trong đời sống đạo cũng như đời, trong thực thi công lí theo những mặc khải bất dịch trong Kinh Qur’an .
2- Tính toàn diện và bổ sung (comprehensiveness): Văn hóa Islam giáo thể hiện tính toàn diện của mỗi cá nhân và tính bổ sung giữa người với người, giữa con người với Thượng đế của họ. Mỗi cá nhân đều thực thi nghĩa vụ của cuộc sống vì bản thân mình, vì người khác và vì Đấng Allah Tối cao. Trong Kinh Qur’an và truyền thống của tiên tri Muhammed, các vấn đề đức tin thường trùng hợp với vấn đề pháp lí, đạo đức Islam giáo cũng là thứ đạo đức xuất hiện trong diễn ngôn của Mohammed, một hành động bình thường trên thế gian có thể trở nên thiêng liêng và được thờ phụng nếu nó được làm vì lợi ích của Allah.
3- Tính cân bằng (balance): Tính cân bằng trong văn hóa Islam giáo xuất phát từ quan niệm rằng con người sinh ra là để thực hiện những mong muốn của Chúa trên trái đất này, phải không ngừng nỗ lực cân bằng giữa lí trí, tinh thần và thể xác để không lầm lạc, để báo đáp công ơn của Đấng Tối Cao đã tạo nên con người họ.
4- Tính tích cực và cam kết (positiveness and commitment): Tính tích cực xuất phát từ sự nhận thức trách nhiệm và tầm quan trọng của mỗi cá nhân tín đồ trước Chúa. Mỗi tín đồ có nghĩa vụ tích cực và tự nguyện thực hiện công việc theo năng lực tự nhiên và tiềm năng sẵn có. Lười biếng và giả dối bị coi là tội lỗi. Sự xác tín (conviction) trong niềm tin Islam giáo thúc đẩy mỗi cá thể tự kiểm soát hành vi của chính mình như một sư cam kết bản năng trước Chúa, được hình thành bởi quá trình giáo dục niềm tin Islam giáo theo tinh thần của Qur’an và hệ giá trị truyền thống của người Islam giáo.
Dưới góc nhìn của một số học giả phương Tây hiện đại thì văn hóa Islam giáo có ba thuộc tính cơ bản sau:
1- Tính thực tiễn trong văn hóa (practicality): Hiện thực hóa tư tưởng tôn giáo trong đời sống là xu hướng chính của văn hóa Islam giáo.
Trước hết, ngay sự ra đời của Umma Islam giáo ở Medina vào thế kỉ VII cũng đã nói lên điều này, khi nó vừa là mô hình tổ chức tôn giáo, vừa đồng thời đóng vai trò pháp lí chính trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến thế tục như tài sản, hôn nhân, gia đình, tòa án…
Thứ hai, họ cho rằng mặc dù từ ”Islam” có nghĩa là “tuân phục” nhưng những mặc khải trong Qur’an không chỉ yêu cầu người Islam giáo hành động một cách thụ động, trông chờ vào số mệnh, mặc nhiên thụ hưởng những của cải Thượng Đế ban cho mình, mà phải nỗ lực hết sức để nhận biết chính mình và cải thiện nó theo những chiều hướng tích cực mà Đấng Tối cao đã chỉ ra. Những thành tựu trong văn hóa Islam giáo, những nỗ lực canh tân và cải cách trong văn hóa Islam giáo thời cận hiện đại ở một bộ phận tín đồ Islam giáo đã phần nào nói lên điều này.
Thứ ba, tín đồ Islam giáo tin rằng sứ mạng thực thi công bằng xã hội không thể thực hiện được nếu thiếu sự tham gia tích cực của người Islam giáo. Nhận thức về tính chất “vượt trội” của Islam giáo này mang một thông điệp hết sức quan trọng. Nó vừa là động lực giúp người Islam giáo nhiệt thành tham gia vào các hoạt động thực tiễn của đời sống với mưu cầu truyền bá lối sống Islam giáo và cứu rỗi cho chính mình, nhưng cũng chính bởi sự tự tôn mang tính chất Islam giáo truyền thống này mà nó trở thành rào cản đối với các phong trào cải cách Islam giáo hay là động lực thúc đẩy các hoạt động của trào lưu Islam giáo chính thống trong kỉ nguyên hiện đại.
2- Khuynh hướng phục cổ trong văn hóa (retrospectivity): Islam giáo là một tôn giáo có xu hướng phục cổ nổi bật nhất so với các tôn giáo khác trên thế giới. Người Islam giáo luôn có xu hướng nhìn lại thời kì vàng son đầu tiên trong lịch sử và họ tin rằng Mohammed là vị tiên tri cuối cùng, Kinh Qu’ran là sự mặc khải cuối cùng của Thượng Đế thay thế cho Cựu Ước và Tân Ước. Họ tin vào sự hoàn hảo của Islam giáo, nhìn nhậnumma Islam giáo như mô hình xã hội tốt nhất đối với xã hội Arab. Đây thực sự là rào cản cho sự hội nhập quốc tế của các xã hội Islam giáo, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, luật pháp và giao lưu văn hóa khi những vấn đề nghiêm trọng của thế giới Islam giáo luôn có xu hướng bị tách biệt như những vấn đề riêng không cần sự tham gia của luật pháp quốc tế. Xu hướng phục cổ trong văn hóa Islam giáo không chỉ bị giới chính trị gia, luật gia, giới học giả quốc tế phê phán mà còn nhận được những chỉ trích mạnh mẽ từ chính thế giới Islam giáo khi coi đó là một trào lưu tư tưởng dân tộc thái quá. Ý thức hệ về sự vượt trội của văn hóa Islam giáo làm nảy sinh rào cản tâm lí trong giáo dục Islam giáo, hạn chế tiếp thu những thành tựu mới của thế giới cũng như làm nảy sinh những khác biệt về khái niệm dân chủ nhân quyền giữa thế giới Arab với phần còn lại trong một bối cảnh toàn cầu hóa phong phú và đa diện như hiện nay.
3- Tính biểu cảm trong văn hóa (Expressivity): Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là khái niệm trung tâm của những biểu cảm nghệ thuật trong nền văn minh Islam giáo. Văn hóa Islam giáo được sinh ra từ văn hóa Arab, mang đậm dấu ấn của văn hóa Arab. KinhQur’an được viết bằng tiếng Arab và truyền tải những liên lạc thần tính từ Thiên Chúa tới con người. Trong cuốn “Thế giới Arab: Xã hội, Văn hóa, và Nhà nước, Halim Barakat, một học giả gốc Islam giáo đã mô tả xã hội Arab như một xu hướng tự phát và biểu cảm, phản ánh những xúc cảm sâu xa và niềm đam mê đặc biệt của người Arab với thơ ca, hình ảnh, ẩn dụ, và các biểu tượng. Trên phương diện chính trị, tính năng tự phát và biểu cảm của văn hóa Islam giáo đã được các lãnh tụ Islam giáo sử dụng như một chiến lược để xuất hiện và chinh phục công chúng thông qua các thuyết giảng đầy lôi cuốn của mình. Việc chú trọng vào ngôn ngữ thuyết trình trước công chúng của các chính trị gia cũng như thói quen văn hóa ít chú ý đến tính chất hợp lí của những phát ngôn đối với thực tế của những hành động theo sau lời nói khiến người Islam giáo Arab trở thành nạn nhân của chính thói quen văn hóa đó.
4. Những giá trị của văn hóa Islam giáo
Trong những biến cố chính trị xã hội mới đây tại Trung Đông, dường như yếu tố xung đột văn minh Đông - Tây đã bị lấn át trước sự bùng phát nhu cầu đòi thực thi công bằng xã hội của dân chúng. Theo sau nó là sự trỗi dậy của khát vọng hiệp nhất thế giới Arab chưa bao giờ tắt nơi những lãnh tụ một số đảng phái Islam giáo. Các học giả phương Tây đã có những tiếp cận mới mẻ về giá trị truyền thống và hiện đại của văn hóa Islam giáo như một trong những nguyên nhân chính làm nên sự hồi sinh sức mạnh Islam giáo ở Trung Đông.
Cũng tác giả Ye Qing trong một nghiên cứu về văn hóa Islam giáo và quan hệ quốc tế đã chỉ ra hai trụ cột chính của hệ giá trị tự thân Islam giáo (văn hóa Islam giáo nói riêng), đó là: Khát vọng cho sự hiệp nhất Islam giáo và Mưu cầu thực thi công lí xã hội mà chúng tôi phân tích sâu hơn dưới đây.
4.1. Khát vọng cho sự hiệp nhất Islam giáo
Hướng tới sự đoàn kết Islam giáo là nguyện vọng trung tâm của hệ thống các giá trị Islam giáo. Căn nguyên gốc rễ của nó chính là bởi hành trình thống nhất thế giới Arab xưa kia được tiến hành trước tiên thông qua sự lan rộng của Islam giáo và văn hóa Islam giáo với những căn tính đặc thù của nó.
Thứ nhất, khát vọng hiệp nhất có liên quan trực tiếp đến niềm tin của người Islam giáo vào Allah. Những tín ngưỡng đa thần nguyên thủy tồn tại trong các xã hội thị tộc bộ lạc hết sức đa dạng trên bán đảo Arab đã được người Islam giáo thay thế bằng một tôn giáo độc thần tôn thờ Đấng Tối cao duy nhất của họ. Tín điều căn bản nhất trong Islam giáo mà bất cứ người Islam giáo nào cũng có nghĩa vụ thực hiện từ khi sinh ra cho đến lúc lìa trần, đó là tuyên xưng tính duy nhất của Thiên Chúa - Thượng đế tối cao của vũ trụ (Allah): “Nhân danh Allah, Đấng rất mực độ lượng, Đấng rất mực khoan dung. Mọi lời ca ngợi và biết ơn đều dâng lên Allah. Rabb (Đấng Chủ tế) của vũ trụ…(Ôi Alla!) chúng con chỉ thờ phụng một mình Ngài và chỉ với riêng Ngài chúng con cầu xin được cứu giúp”(12). Lời tuyên xưng thường có sức hấp dẫn rất lớn, dễ dàng khơi dậy những cảm xúc tôn giáo sâu sắc nhất trong trái tim mỗi tín đồ Islam giáo.
Thứ hai, khát vọng hiệp nhất Islam giáo thông qua tôn thờ Thượng Đế tối cao với ý nghĩa các đạo hữu của Tiên tri Mohammed sẽ trở thành một gia đình thống nhất cũng mang một thông điệp văn hóa xuyên suốt dòng lịch sử. Trong Islam giáo, tình huynh đệ như một tính chất bắt buộc của đức tin. Umma, hình thức tổ chức tôn giáo đặc biệt sớm định hình từ buổi đầu, đào luyện và kiểm soát mọi thành viên theo những quy tắc và chuẩn mực tôn giáo nghiêm ngặt như: Tuyên xưng Allah là Chúa duy nhất, Nghi lễ cầu nguyện 5 lần một ngày, tháng nhịn Ramadam, Bố thí theo giới luật, Hành hương, và đặc biệt là trong tinh thầnThánh chiến Jihad vì đức tin Islam giáo. Việc thực hiện những quy định về giáo luật như thế cũng như đời sống tôn giáo “cộng sinh” gần như không tách biệt với đời sống xã hội đã tạo cho người Islam giáo một “cấu trúc văn hóa” đặc biệt gồm ba phần khó phân ranh giới: quy định tôn giáo, luật hình sự, và nguyên tắc của đời sống xã hội xoay quanh yếu tố hạt nhân là đức tin Islam giáo.
Năm 1923, Mustafa Kemal Ataturk (Thổ Nhĩ Kỳ), tiếp nối và phát triển tư tưởng thế tục Trung Đông đã bãi bỏ chế độ Caliphate đồng nghĩa với sự vắng mặt đầu tiên của biểu tượng về sự hiệp nhất Islam giáo trong xã hội dân sự ở Trung Đông. Tuy nhiên, các phong trào chính trị ủng hộ sự thống nhất của người Islam giáo trong một nhà nước Islam giáo vẫn không ngừng gia tăng ở khu vực Trung Đông và trên khắp thế giới từ đó đến nay, cho thấy lý tưởng về sự hiệp nhất này dù chưa được thực hiện nhưng vẫn luôn ảnh hưởng tới bản sắc cá nhân và cộng đồng của người Islam giáo, tới thái độ của họ đối với quốc gia dân tộc, tới niềm tin và hệ thống giá trị của họ
4.2. Mưu cầu thực thi công lí xã hội
Với người Islam giáo, Kinh Qu’ran không chỉ để đào luyện con người và nếp sống luân lí của tín đồ mà còn hơn thế nữa, nó có ý nghĩa là “Luật Thượng đế”, “Luật Con người”.
Công bằng xã hội được coi là cơ sở của hệ thống các giá trị trong xã hội Islam giáo. Nó được đặc biệt nhấn mạnh trong luật Sharia. Như đã nói ở trên, luật Sharia xuất phát từ những mặc khải thiêng liêng đến từ Thượng Đế, không có giới hạn và bao trùm lên mọi khía cạnh của đời sống, thể hiện nguyện vọng của người Islam giáo về công lí và trật tự trong xã hội Islam giáo truyền thống. Ở thời hiện đại, khi phân tích nguyên nhân gia tăng của các phong trào Islam giáo, hay còn được gọi là hiện tượng “hồi sinh Islam giáo” hiện nay, các học giả phương Tây cho rằng không thể coi đó là những hồi tưởng đơn giản của người Islam giáo về nền văn minh trong quá khứ hay thậm chí là sự phản kháng của họ trước những bất công trong xã hội hiện tại mà phải xuất phát từ ý nghĩa chân thực nhất của Islam giáo về sứ mạng thực thi công lí và công bằng xã hội mà mỗi tín đồ chân chính có nghĩa vụ phải thực hiện. Đây chính là cơ sở cho tư duy và hành động theo những cách thức khác nhau của một số nhóm phái Islam giáo cấp tiến đương đại, trong đó có chủ nghĩa khủng bố Islam giáo nhân danh công lí.
Kết luận
Từ những khía cạnh lí thuyết trên đây, chúng tôi rút ra một số nhận xét về nền văn hóa Islam giáo ở Trung Đông như sau:
Thứ nhất, dưới cái nhìn văn hóa, Islam giáo thực chất đã “không chỉ còn đơn giản là một tôn giáo và thậm chí cũng không còn là một cộng đồng như chúng ta vẫn nhìn nhận về nó, mà còn là nơi nương tựa của một nền văn minh mà nó đã thổi vào luồng sinh khí,hoặc ít ra nó đã tạo điều kiện cho những cách thể hiện tôn giáo, trí thức và nghệ thuật khác nhau. Nền văn minh này đã ngưng tỏa sáng để rồi chìm xuống từ cuối thế kỉ XVI, dưới sự đô hộ của đế chế Ottoman, trong một sự trì trệ mà chắc chắn phải đợi tới thời kì hiện đại mới được thức tỉnh”(13). Ngay trong sự thức tỉnh ấy, nền văn hóa Islam giáo cũng vẫn luôn là tâm điểm của những luồng tư tưởng trái ngược nhau, một đến từ phương Tây hiện đại, một dường như vẫn chưa bao giờ tìm cách thoát khỏi truyền thống “nông nghiệp và truyền khẩu” từ ngàn năm của mình.
Thứ hai, Islam giáo là một tôn giáo với số tín đồ đông đảo có mặt trên khắp hành tinh, vì thế văn hóa Islam giáo cũng hiện diện ở khắp các vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh những giá trị không thể phủ nhận thì cũng còn nhiều tồn tại trong văn hóa Islam giáo khiến diện mạo của nó trở nên dị biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay. Những cách diễn giải Qur’an cũng như định chế khắc nghiệt của luật Islam giáo được áp dụng ở một số xã hội Trung Đông đã tác động vào văn hóa và là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng này.
Thứ ba, trong quá trình giao thoa văn hóa, Islam giáo của bán đảo Arab (Trung Đông nói chung) thâm nhập, tiếp thu, tự loại trừ và hấp thụ những bản sắc văn hoá bản địa, những tinh hoa của tôn giáo bản địa và không còn là văn hóa Islam giáo tinh tuyền, nhưng về cơ bản vẫn bảo toàn một không gian văn hóa Islam giáo và lối sống Arab.
Thứ tư, quá trình giao thoa, truyền bá và hấp thụ văn hóa đã làm xuất hiện những yếu tố mới trong đức tin và văn hóa Islam giáo theo xu hướng cải cách hiện đại và không tránh khỏi những phản ứng mạnh mẽ từ phía những người Islam giáo chính thống làm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ người Islam giáo và các xã hội có đông tín đồ Islam giáo sinh sống ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 2 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét