Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Bắc Phi - Trung Đông: Một số suy nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới

Biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Bắc Phi - Trung Đông: Một số suy nghĩ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới




Nguyễn Hồng Quân(1)
TS. Viện Chiến lược Quốc phòng
(1) Những quan điểm nêu trong bài là của người viết, không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác
 


     Bắt nguồn từ Tunisia tháng 12 năm 2010, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia Trung Đông – Bắc Phi (Ai Cập, Libya, Syria, Yemen…), gây nên biến động chính trị mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong khu vực từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Sau hơn một năm, biến động chính trị đã làm cho bốn Tổng thống (Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen) phải lần lượt ra đi; các Thủ tướng Jordan, Palestine và Syria phải từ chức; chính phủ nhiều nước phải nhượng bộ, thỏa hiệp với phe đối lập. Mỹ và NATO đã tiến hành chiến tranh, lật đổ chính quyền Gaddafi tại Libya. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong mấy thập niên qua, khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đình công phản đối chính phủ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phong trào phản kháng diễn ra quyết liệt trên diện rộng với quy mô lớn.
Bài viết này tìm hiểu những đặc điểm biến động chính trị và xung đột vũ trang trong hơn một năm qua,  những hệ lụy ngắn hạn và dài hạn, trên cơ sở đó nêu lên một số suy nghĩ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong những năm tới.
1. Đặc điểm biến động chính trị ở Bắc Phi – Trung Đông
Biến động chính trị ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi vừa qua có một số đặc điểm  khác với những biến động chính trị ở Liên Xô, Đông Âu trước đây hoặc ở những khu vực khác trong thời gian qua.
Thứ nhấtlực lượng phát động, tham gia biểu tình chủ yếu là thanh niên, sinh viên, dân nghèo thành thị. Đa số những người này được đào tạo và có ý thức chính trị trong xã hội, đồng thời chính họ cũng là những người bị tước bỏ nhiều quyền lợi kinh tế - chính trị trong xã hội, phần đông trong số họ không có việc làm, lại chịu đựng nhiều bức xúc xã hội.
Thứ hai, các cuộc biểu tình ban đầu mang tính tự phát, chưa có các tổ chức, chính đảng đối lập đứng ra chỉ đạo, tổ chức, nhưng diễn ra khá nhanh chóng, bất ngờ, tốc độ lây lan rộng, có tính dây chuyền (thông qua sử dụng internet và người biểu tình sử dụng hiệu quả các mạng xã hội để tập hợp lực lượng). Tuy vậy, khi làn sóng đòi dân chủ, chống độc tài lan nhanh tại khu vực, Mỹ và phương Tây đã nắm lấy thời cơ, tích cực can dự vào nội tình Libya, Yemen hoặc Syria hiện nay, nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của họ.
Thứ ba, phản ứng của quốc tế khá bị động, chia rẽ, tùy theo diễn biến tình hình để điều chỉnh thái độ. Mỹ và phương Tây giữ thái độ thực dụng; lúc đầu, họ chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, tránh bạo lực, tìm giải pháp hòa bình, sau chuyển dần sang ủng hộ lực lượng biểu tình. Trong xử lý khủng hoảng, Mỹ gây sức ép lên các chính phủ trong khu vực này, đòi cải cách, thực thi dân chủ. Nhưng khi Mỹ công khai ủng hộ lực lượng biểu tình, kêu gọi chuyển giao quyền lực thì đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho biểu tình, chống đối lan nhanh ra khu vực. Dù là đồng minh lâu năm của chính phủ Ai Cập và Tunisia, nhưng từ lâu Mỹ và phương Tây vẫn tài trợ cho các lực lượng dân chủ đối lập thân Mỹ tại các nước này, nhằm hướng đến xây dựng một xã hội dân sự theo mô hình dân chủ phương Tây. Mỹ và phương Tây cũng sẵn sàng hy sinh “đồng minh” khi cần thiết, để bảo đảm việc chuyển sang “chế độ dân chủ”, tránh cho khu vực rơi vào tình trạng vô chính phủ hoặc chính quyền rơi vào tay các lực lượng cực đoan.
Đối với các nước không “thân thiện” với Mỹ như Libya, Syria…, làn sóng đòi dân chủ càng lên cao thì lại càng tạo cớ cho Mỹ, phương Tây kích động, cổ súy, hỗ trợ phe đối lập, công nhận lực lượng đối lập là “đại diện” cho nhân dân, tiến tới tìm cách giúp đỡ chuyên gia, cố vấn, thậm chí can thiệp vũ trang, tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm”, nhằm lật đổ các chính quyền đương nhiệm như đã diễn ra ở Libya. Ngoài ra không thể không tính đến lý do khiến Mỹ và phương Tây lợi dụng làn sóng chống đối, để “một mũi tên đạt hai đích” là ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chính trị và phân chia lợi ích tại khu vực có tầm quan trọng địa – chính trị, địa - kinh tế này.
Các nước Nga, Trung Quốc lúc đầu giữ lập trường không can thiệp, phản đối mọi áp đặt từ bên ngoài, đề cao việc giữ ổn định chính trị và trật tự xã hội tại Trung Đông – Bắc Phi để bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực; tuy nhiên khi bị sức ép, hai nước này sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết; kết cục là Hội đồng Bảo an ra nghị quyết cho phép can thiệp vũ trang vào Libya. Thế giới Arab phản ứng khá thận trọng, đôi khi thiếu nhất quán, vì lo ngại tác động tới nội bộ.
2. Những hệ lụy
Với vị trí địa –chính trị, địa – kinh tế quan trọng trên thế giới, những biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Trung Đông – Bắc Phi gây không ít hệ lụy cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Thứ nhất, cục diện Trung Đông - Bắc Phi đang thay đổi sâu sắc, khó có thể quay lại như thời kỳ trước biến động chính trị và xung đột vũ trang. Mô hình cũ đã và đang sụp đổ trong khi mô hình mới đang định hình và chịu chi phối của cả yếu tố bên trong lẫn yếu tố bên ngoài. Việc ổn định tình hình tại Ai Cập, Tunisia, Libya và nhiều nước khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài trong những năm tới.
Thứ hai, trong bối cảnh trên, việc giải quyết các điểm nóng tại khu vực, trong đó có tiến trình hòa bình Trung Đông, tiếp tục bị ngưng trệ. Tình hình tại một số điểm nóng như Yemen, Syria…tiếp tục căng thẳng, bạo lực có dấu hiệu gia tăng, trong khi phong trào đấu tranh tại các quốc gia khác như Bahrain, Morocco, Kuwait…tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn có khả năng tái phát. Trong khi đó, Israel lợi dụng bất ổn tại khu vực để tăng cường chính sách cứng rắn, tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái tại các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nội bộ khối Arab bị chia rẽ sâu sắc, tình trạng nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau giữa các nước khu vực sẽ kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang. Các nước lớn, nhất là Mỹ, sẽ điều chỉnh chính sách đối với khu vực, xác định các ưu tiên, tập hợp lại lực lượng sau khi các nhà lãnh đạo thân Mỹ phải ra đi. Mỹ và phương Tây ngày càng công khai và mạnh mẽ can thiệp vào tình hình khu vực. Đồng thời Nga, Trung Quốc phải có những tính toán nhất định để bảo vệ lợi ích và đồng minh truyền thống tại khu vực như Syria, Iran. Trong bối cảnh đó, va chạm lợi ích chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và phương Tây với Nga và Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ với phương Tây nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực là khó tránh khỏi và sẽ làm tăng thêm các nhân tố phức tạp.
Thứ ba, kinh tế thế giới chịu tác động nhất định, do giá dầu tăng cao, quá trình hồi phục sau khủng hoảng và tăng trưởng sẽ chậm lại. Kinh nghiệm cho thấy, trước 5 cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra vào các năm 1974, 1980, 1990, 2011 và 2008, đều có các “cú sốc” dầu lửa lớn. Thời gian qua, có lúc giá dầu tăng cao, tới 120 USD/thùng. Nếu khủng hoảng lan sang các nước xuất khẩu dầu lửa chủ yếu (Saudi Arabia, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất…), quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động tiêu cực; dòng người tỵ nạn sẽ tràn sang các nước phát triển nhiều hơn, tạo thêm gánh nặng cho các nước phương Tây. Các luồng đầu tư, kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu vào Trung Đông – Bắc Phi cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Do lợi ích an ninh và kinh tế to lớn trong khu vực, các nước lớn có thể sẽ cố gắng hạn chế để biến động chính trị không lan sang các quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu (Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất…) và sẽ hạn chế khả năng biến động chính trị biến thành các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn tại một số điểm nóng (như Syria, Yemen…). Nhưng những thiệt hại kinh tế, suy giảm uy tín chính trị của các nước chịu khủng hoảng trực tiếp có thể làm chậm lại tiến trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Theo ước tính, Libya thiệt hại hơn 50 tỷ USD, hoạt động khai thác dầu khí bị ngưng trệ; Tunisia thiệt hại hơn 3,5 tỷ USD, 40% nhà máy ngừng hoạt động, tăng trưởng kinh tế giảm từ 3% xuống còn 1%; trong khi đó Ai Cập bị thiệt hại 17 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế giảm từ 6% xuống 4%.
Việc tăng mạnh giá dầu mỏ, kéo theo đó là giá vàng, lương thực và một số loại nguyên vật liệu cơ bản, lạm phát tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam phần nào ảnh hưởng tới kinh tế nước ta: tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, trong khi giá cả, lạm phát tăng… ảnh hưởng bất lợi không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Có thể nói, sau nhiều thập kỷ bị đè nén cả về chính trị, lẫn kinh tế, xã hội, các biến động và xung đột vũ trang tại Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua đã bùng phát thành biến động chính trị mạnh mẽ nhất trong vòng gần 7 thập kỷ qua, không chỉ làm biến đổi cục diện, cán cân quyền lực, mà còn để lại những hệ lụy chưa thể đánh giá hết đối với đời sống chính trị, xã hội ở một khu vực địa-chính trị, địa-kinh tế quan trọng của thế giới, nơi tồn tại nhiều vấn đề tôn giáo, sắc tộc phức tạp, nơi tranh giành quyền lực, lợi ích của các nước lớn.
Thứ tư, Mỹ và NATO đã áp dụng thành công phương thức chiến tranh mới trong chiến tranh ở Libya với chi phí thấp và đặc biệt không tổn thất về binh lính của họ. Mỹ không cần trực tiếp tham chiến, nhưng vẫn giữ vai trò chỉ huy, thông qua “chiến tranh ủy nhiệm” mà lật đổ được chính quyền Gaddafi; Mỹ huy động được các đồng minh và tổ chức khu vực vào cuộc và không bị sa lầy như ở Iraq hoặc Afghanistan, do không phải giải quyết hậu quả chiến tranh. Hơn nữa, nhờ thỏa hiệp được với Nga, Trung Quốc, nên Mỹ và đồng minh NATO tiến hành chiến tranh dưới “đèn xanh” của  Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được tiếng là “bảo vệ dân thường”, “chống độc tài”.
Trên đà thắng lợi này, không ngoại trừ Mỹ và NATO sẽ lấn tới, phát động chiến tranh ở những nước không thân thiện hoặc có “thù hận” với Mỹ, nhất là những nơi có nguy cơ bất ổn cao về chính trị - xã hội.
3. Một số vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới
Hệ lụy từ biến động chính trị và xung đột vũ trang tại Trung Đông – Bắc Phi; sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực Đông Á, nhất là việc Mỹ tăng cường hiện diện tại Đông Á; cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; những yếu kém, khuyết điểm, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ta, cùng với việc các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường chống phá mối quan hệ gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân ta… đang đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm trước mắt, chúng ta đứng trước hai nguy cơ lớn: nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh trên hướng biển, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và nguy cơ xảy ra mất ổn định chính trị, có sự can dự của nước lớn, đe dọa sự tồn vong của chế độ chính trị. Hai nguy cơ trên có thể diễn tiến riêng rẽ, nhưng có liên hệ hữu cơ với nhau và càng nghiêm trọng hơn nếu các nước lớn thỏa hiệp với nhau. Nhiệm vụ của quốc phòng Việt Nam là luôn sẵn sàng để ngăn chặn, đẩy lùi cả hai nguy cơ ấy, đồng thời ứng phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề ấy, trước tiên, cần tập trung giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ; củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, trên cơ sở xây dựng chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân; thực sự dân chủ hóa sinh hoạt xã hội, thực hiện công bằng xã hội, kiên quyết thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, hạn chế tối đa tác hại của các “nhóm lợi ích”, lạm quyền, tham nhũng, giải tỏa những bức xúc xã hội đang tích tụ nhiều năm qua, giữ vững khối đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là nền tảng để xây dựng “thế trận lòng dân”, nền tảng cho quốc phòng – an ninh. Đổi mới các chính sách dân tộc, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, tìm các biện pháp hợp lý để tăng cường quản lý các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là internet, tránh để một số phần tử bất mãn hoặc bị kích động sử dụng các mạng xã hội nhằm tập hợp lực lượng; vô hiệu hóa các lực lượng chống đối, không để chúng kịp dựng “ngọn cờ”, kêu gọi can thiệp quân sự từ bên ngoài. 
Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững. Chú trọng phát huy nội lực nền kinh tế, từ đó giải quyết tốt mối quan hệ hội nhập quốc tế với độc lập, tự chủ về kinh tế; không để nền kinh tế quá lệ thuộc vào một nền kinh tế lớn nào; không để xảy ra những rối loạn lớn trong xã hội, làm triệt tiêu âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về kinh tế của ta để kích động gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh việc dân sự hóa các hoạt động hành chính, kinh tế… trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thứ ba, phát triển đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, củng cố quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới. Nghiên cứu, xác định phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự phù hợp với xung đột vũ trang và chiến tranh biển, đảo cũng như “chiến tranh ủy nhiệm”, trong đó, địch sẽ tiến công hỏa lực đường không sử dụng vũ khí công nghệ cao, kết hợp với bạo loạn, nổi dậy từ bên trong. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức, biên chế quân đội theo hướng tinh gọn, mạnh, cơ động nhanh; trang bị vũ khí hiện đại theo hướng ưu tiên cho hải quân, không quân, đồng thời chú trọng thích đáng tăng cường khả năng hỏa lực, trình độ tác chiến hiệp đồng của lục quân; từng bước thực hiện “tin học hóa” quân đội; đồng thời nâng cao chất lượng quân dự bị, xây dựng dân quân tự vệ phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thứ tư, tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của khu vực và quốc tế, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Cần chú trọng giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, coi đây là yếu tố then chốt bên ngoài nhằm bảo đảm vững chắc quốc phòng của đất nước; không để bị hiểu lầm là đi với nước này để chống nước kia, không vì quan hệ với nước lớn này mà hạ thấp quan hệ với các nước lớn khác. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; chủ động hội nhập và giữ vai trò quan trọng trong ASEAN, giữ vững đoàn kết và liên kết chặt chẽ, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN ở khu vực, tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác, không để các nước lớn lợi dụng, sử dụng ASEAN như một công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; tăng cường đối thoại, hợp tác quốc phòng song phương với các nước và trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), tạo sự tin cậy lẫn nhau để hậu thuẫn cho việc giải quyết các vấn đề quốc phòng có liên quan. Xử lý đúng đắn mối quan hệ “đối tác’, “đối tượng” theo tinh thần Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX), trên từng vấn đề cụ thể và luôn chú ý theo dõi sự chuyển hóa quan hệ giữa “đối tượng” và “đối tác”, không để bị bất ngờ về chiến lược.Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét