Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Saudi Arabia – Iran: Dầu mỏ và những vấn đề trong quan hệ quốc tế thời kỳ hậu Mùa xuân Arab

Saudi Arabia – Iran: Dầu mỏ và những vấn đề trong quan hệ quốc tế thời kỳ hậu Mùa xuân Arab 


PGS.TS Bùi Nhật Quang
Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Saudi Arabia và Iran là hai nước lớn, có vai trò và ảnh hưởng đáng kể tại khu vực Trung Đông. Vai trò đó có được là dựa trên nền tảng sức mạnh hàng đầu của cả hai quốc gia về tiềm năng dầu mỏ và chính sách, chiến lược của mỗi nước trong việc phát huy tiềm năng này, đưa nó trở thành sức mạnh của quan hệ quốc tế. Nhìn nhận về tiềm năng dầu mỏ của Saudi Arabia và Iran với tư cách hai quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu tại khu vực Trung Đông, quan hệ dầu mỏ giữa hai quốc gia này cũng phát sinh nhiều vấn đề đáng chú ý, đó là:
- Tình hình mới về kinh tế, chính trị, an ninh thời kỳ hậu Mùa xuân Arab và nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng Iran - Saudi Arabia trong khu vực Trung Đông. Trong khi Saudi Arabia chịu tác động đáng kể của Mùa xuân Arab và đã thành công trong nỗ lực phục hồi ổn định thì Iran muốn tranh thủ biến động Mùa xuân Arab để mở rộng ảnh hưởng khu vực của nhà nước Hồi giáo Shia. Bối cảnh như vậy khiến cho biến động trong quan hệ Iran - Saudi Arabia thêm khó đoán định.
- Quan hệ dầu mỏ Iran - Saudi Arabia và các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, sức ép cấm vận của Mỹ chống Iran, bao gồm cả cấm vận về dầu mỏ. Sự can thiệp của các nước lớn vào tình hình Iran liên quan tới vấn đề dầu mỏ với cách tiếp cận khác nhau và các lợi ích cũng rất khác nhau. Một số nước vẫn trông chờ Iran là nguồn cung cấp dầu mỏ, khí đốt quan trọng, trong khi một số quốc gia phương Tây (Mỹ, các nước châu Âu) muốn tăng sức ép cấm vận, cản trở nguồn cung dầu mỏ của Iran ra thị trường quốc tế và kỳ vọng vào Saudi Arabia với vai trò bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt.
1. Saudi Arabia và Iran trong bối cảnh Mùa xuân Arab và thời kỳ chuyển đổi hậu Mùa xuân Arab.
Biến động Mùa xuân Arab với khởi đầu ở Tunisia vào cuối năm 2010 đã nhanh chóng trở thành sự kiện đáng chú ý nhất của khu vực Trung Đông – Bắc Phi (MENA) trong những năm gần đây. Sau khi biến động trải qua thời điểm cao trào với sự sụp đổ của các chính phủ và sức ép cải cách toàn diện tại nhiều quốc gia khác thì toàn bộ khu vực hiện đã chuyển sang bước chuyển biến mới của thời kỳ hậu Mùa xuân Arab. Trong bối cảnh mới này, cả Saudi Arabia và Iran với vai trò hai quốc gia lớn thuộc khu vực MENA đã và đang chịu những tác động nhất định. Biểu hiện thấy rõ nhất chính là sự thay đổi về vị thế, ảnh hưởng khu vực của cả hai quốc gia gắn với các thay đổi về cấu trúc quyền lực, cấu trúc an ninh, chính trị, tôn giáo và kinh tế tại khu vực MENA thời kỳ hậu Mùa xuân Arab. Saudi Arabia và Iran tuy không trực tiếp diễn ra biến động dẫn tới lật đổ chính quyền như các trường hợp Tunisia, Ai Cập, Libya, v.v… nhưng cả hai quốc gia này vẫn chịu những tác động đáng kể của biến động, gồm cả các tác động trực tiếp và gián tiếp.
Đối với Saudi Arabia: Nhìn lại các sự kiện liên quan của biến động Mùa xuân Arab có thể thấy quốc gia này tuy không chịu tác động nặng nề, nhưng cũng xảy ra một số biểu tình vào năm 2011. Diễn biến đáng chú ý đầu tiên là việc một người đàn ông có tên Samtah Jizan đã châm lửa tự thiêu tại thị trấn Samtah, tỉnh Jizan ngày 21/1/2011 để phản đối các chính sách bất công của chính phủ. Sau đó đã có vài trăm người biểu tình phản đối tại Jeddah và các cuộc biểu tình lan rộng sang các thành phố Qatif, Al-Awamiyah và Riyadh. Ngày 11/3/2011, sự kiện biểu tình “Ngày phẫn nộ” đã được lên kế hoạch và sau đó các nhà tổ chức biểu tình đã bị lực lượng an ninh trấn an. Dù vậy, vẫn có vài trăm người tham gia biểu tình tại các thành phố Qatif, Hofuf và al-Amawiyah1.
Cho đến năm 2012, các sự kiện biểu tình phản đối chính phủ cũng diễn ra ở nhiều nơi với quy mô không lớn. Đòi hỏi của người biểu tình về cơ bản bao gồm các vấn đề như: (1) quyền bầu cử phổ thông của phụ nữ; (2) quyền được lái xe của phụ nữ, (3) thả các tù nhân chính trị; (4) trục xuất các lực lượng quân đội nước ngoài2; (5) quyền bình đẳng của các tín đồ Hồi giáo Shia; (6) xây dựng Hiến pháp và tăng quyền lập pháp cho vùng phía Đông.
Các yêu cầu của người biểu tình đặt ra với chính phủ tuy không ở mức độ tiến tới lật đổ chế độ như với nhiều quốc gia MENA khác, nhưng đối với Saudi Arabia đây đều là các vấn đề quan trọng, khiến cho nhà nước quân chủ chuyên chế phải đánh giá lại các chính sách quản lý xã hội của mình. Cũng trong các năm 2011 - 2012, sức ép quốc tế đối với Saudi Arabia trong việc cải cách, dân chủ hóa đã gia tăng, đòi hỏi quốc gia này phải nhìn nhận lại các vấn đề quan hệ quốc tế, đối ngoại và xác định lại vị thế quốc gia trong bối cảnh mới. Trước tình hình như vậy, Quốc vương Saudi Arabia đã phải đưa ra một loạt các biện pháp cải cách lớn, trong đó đáng kể nhất là tăng cường các khoản chi tiêu cải thiện cuộc sống cho người dân với gói tài chính trị giá 36 tỷ USD3 để ổn định chính trị - xã hội, kiểm soát lạm phát, đầu tư cho giáo dục, đào tạo, tạo việc làm và hỗ trợ công dân với các khoản cho vay ưu đãi. Ngoài ra, chính quyền đã có một số nhượng bộ về chính trị, kinh tế như tăng 15% lương cho công chức, cho phép phụ nữ được tham gia bầu cử kể từ kỳ bầu cử năm 2015, phụ nữ được chỉ định tham gia Hội đồng Tư vấn Quốc gia4, từng bước bãi bỏ việc giam giữ công dân mà không qua phán xét tại tòa án v.v…
Các biện pháp của chính phủ Saudi Arabia thực hiện trong các năm 2011 - 2013 đã từng bước giúp ổn định chính trị, xã hội, giúp Saudi Arabia vượt qua được cuộc khủng hoảng Mùa xuân Arab. Với vị thế được củng cố tốt hơn, Saudi Arabia tiếp tục thực hiện các chính sách đối ngoại thời kỳ hậu Mùa xuân Arab với tham vọng tăng cường ảnh hưởng khu vực, cạnh tranh với Iran tại các quốc gia chịu tác động của Mùa xuân Arab như Ai Cập, Yemen và tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Iran trong cuộc khủng hoảng Syria. Diễn biến thực tế cho thấy biến động khu vực đã đưa cả Saudi Arabia và Iran vào vị thế rất khác so với trước khi Mùa xuân Arab bùng phát với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng lên.
Đối với Iran: Biến động Mùa xuân Arab lại mang một ý nghĩa khác. Iran không thuộc thế giới Arab nhưng chia sẻ với các quốc gia Arab láng giềng nhiều giá trị chung về văn hóa, tôn giáo. Khi biến động bùng nổ với sự sụp đổ của một loạt các chính phủ Arab thân phương Tây và không có thiện cảm với Iran (Ai Cập, Tunisia, Yemen, v.v…), Iran nhìn nhận đây là cơ hội tiếp cận tốt để giới thiệu mô hình nhà nước Hồi giáo của mình cho các quốc gia thời kỳ hậu Mùa xuân Arab và từ đó tăng cường vị thế, ảnh hưởng khu vực của nhà nước Hồi giáo Shia trong tương quan với một cường quốc Hồi giáo Sunni là Saudi Arabia.
Mặc dù vậy, các diễn biến của Mùa xuân Arab không đi theo hướng mà Iran mong đợi. Minh chứng cụ thể là nỗ lực xích lại gần nhau giữa Iran và Ai Cập với sự kiện Tổng thống Ai Cập Morsi thăm Iran vào tháng 8 năm 2012. Đây được nhìn nhận như một cố gắng của Iran để gia tăng ảnh hưởng và định hướng cho các diễn biến tại Ai Cập thời kỳ hậu Mùa xuân Arab. Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo tại Ai Cập khiến cho ông Morsi bị lật đổ và quốc gia này đang tiếp tục có nhiều biến động khiến cho nỗ lực của Iran không thành công và sự lạc quan của Iran lúc đầu đã trở thành nỗi lo lắng ngày càng gia tăng. Không chỉ trong trường hợp Ai Cập, cuộc khủng hoảng và nội chiến tại Syria kéo dài nhiều năm đã tiếp tục cho thấy những vướng mắc của Iran trong phát huy vai trò khu vực thời kỳ hậu Mùa xuân Arab. Chính phủ của ông al-Assad tại Syria vẫn tồn tại được trong suốt nhiều năm là nhờ có sự hỗ trợ lớn của Iran và Nga nhưng ở phía bên kia chiến tuyến, lực lượng đối lập Syria đang nhận được sự hỗ trợ lớn của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây. Như vậy, cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành lăng kính để nhìn nhận về quan hệ cạnh tranh giữa Iran và Saudi Arabia với tư cách hai nước lớn tại Trung Đông.
Hệ quả là ảnh hưởng kinh tế, chính trị và xã hội của Iran trong khu vực MENA đang bị giảm sút. Đặc biệt, lợi thế của nguồn dầu mỏ phong phú từ trước tới nay luôn được Iran sử dụng như một vũ khí quan trọng để cạnh tranh quốc tế cũng phần nào bị mất đi trước sự nổi lên của Saudi Arabia trong quan hệ cạnh tranh. Với bối cảnh hậu Mùa xuân Arab, Hồi giáo chính trị đang nổi lên và trở thành nhân tố hưởng lợi đáng kể, nhưng bất chấp các nỗ lực của Iran, các đảng chính trị Hồi giáo trong khu vực đã không cần tới vai trò dẫn dắt của Iran hoặc ít nhất cũng không coi mô hình nhà nước của Iran là lựa chọn đáng quan tâm để xây dựng đất nước thời kỳ chuyển đổi. Những hy vọng đặt ra trong quan hệ Iran – Ai Cập đã nhanh chóng mất đi cùng với sự ra đi của ông Tổng thống Ai Cập Morsi. Đánh giá chung cho thấy Hồi giáo chính trị đang nổi lên tại các quốc gia hậu Mùa xuân Arab dường như rất khác so với mô hình nhà nước Hồi giáo của Iran. Quan trọng hơn, tại các quốc gia này, Hồi giáo chính trị đang làm tăng thêm tinh thần dân tộc chủ nghĩa Arab với nhiều tính cạnh tranh, đối kháng với nhà nước Shia kiểu Ba tư cũ đang hiện hữu tại Iran.
2. Quan hệ dầu mỏ Iran – Saudi Arabia và cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran
Gắn với bối cảnh hậu Mùa xuân Arab và tiềm năng dầu mỏ của hai quốc gia, vấn đề quan hệ hợp tác – cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran càng trở nên phức tạp, nhất là khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn chưa thể có giải pháp nào thực sự phù hợp và Iran đang chịu lệnh cấm vận ngày càng thắt chặt của Mỹ và phương Tây.
Vấn đề quan hệ quốc tế giữa Iran và Saudi Arabia được nhìn nhận từ góc độ cả hai quốc gia này đều có trữ lượng dầu mỏ rất lớn (xem Hình 1) và những thay đổi trong nguồn cung dầu mỏ của cả hai quốc gia đều có khả năng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường toàn cầu. Trữ lượng dầu mỏ lớn hàng thứ hai thế giới cho phép Saudi Arabia xuất khẩu khoảng 7,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2012. Khi so sánh khối lượng dầu xuất khẩu này với Iran có thể thấy năng lực sản xuất của Iran những năm gần đây đạt trung bình 4 triệu thùng dầu/ngày và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày được xuất khẩu5. Tuy nhiên, kể từ cuối 2011, một loạt các biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ và EU đã được áp đặt chống lại Iran với trọng tâm là cấm vận ngành dầu khí để tăng sức ép với quốc gia này trong đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Ngay sau khi bị cấm vận, sản xuất dầu mỏ của Iran đã giảm sút nhanh chóng và các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng duy trì năng lực khai thác và xuất khẩu dầu. Số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết, năm 2012 Iran chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu thùng dầu thô/ngày và sản xuất dầu giảm còn khoảng 3 triệu thùng/ngày, giảm gần 20% so với năm 2011.
Hình 1. Nhóm 10 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới (Tỷ thùng)
Nguồn: US Energy Information Administration (EIA), 2013
Việc giảm sút sản lượng dầu, khí đốt xuất khẩu do bị cấm vận là một tổn thất lớn cho Iran. Trên thực tế, Mỹ và các nước phương Tây thực hiện được lệnh cấm vận này là nhờ có sự trợ giúp của Saudi Arabia và một số quốc gia vùng Vịnh khác với vai trò nhà cung cấp dầu mỏ thay thế. Ngay trong năm 2012, khi mối lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu do cấm vận Iran được nhiều quốc gia nhập khẩu dầu nêu ra, Saudi Arabia đã nhanh chóng đề xuất khả năng thay thế nguồn cung dầu này và một số nhà lãnh đạo Saudi Arabia thậm chí đã đề xuất những biện pháp cụ thể để triển khai các động thái trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran6. Động thái này ngay lập tức làm cho quan hệ Iran – Saudi Arabia trở nên căng thẳng và phản ánh rõ thực trạng phức tạp khi hợp tác, khi cạnh tranh giữa hai quốc gia này. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho quan hệ song phương hết sức phức tạp này, đặc biệt là khi cả Saudi Arabia và Iran đều dựa vào dầu mỏ, coi đó là công cụ quan trọng để cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo. Các nguyên nhân đó bao gồm:
- Ở góc độ hợp tác, Iran và Saudi Arabia cùng chia sẻ nhiều giá trị chung và có những lợi ích nhất định để tăng cường quan hệ hợp tác:
(1) Đứng từ quan điểm của Saudi Arabia, quốc gia này nhìn nhận Iran như một nước lớn trong khu vực với dân số hơn 80 triệu người – tức là gấp 3 lần dân số của Saudi Arabia. Ngoài ra, Iran và Saudi Arabia rất gần nhau về khoảng cách địa lý, trong khi đồng minh của Saudi Arabia là Mỹ còn cách xa đất nước này nửa vòng trái đất. Như vậy, mỗi biến động trong quan hệ song phương đều có thể đem lại những tác động nhanh và trực tiếp mà  Saudi Arabia phải đương đầu và khó có thể trông chờ được sự kịp thời của Mỹ.
(2) Đứng từ quan điểm của Iran, quốc gia này cũng nhìn nhận Saudi Arabia là quốc gia Hồi giáo quan trọng, có năng lực sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong khối OPEC mà cả Iran và Saudi Arabia đều là thành viên. Ngay trong khuôn khổ của OPEC, rõ ràng Iran rất cần hợp tác với Saudi Arabia để kiểm soát nguồn cung dầu mỏ theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Ngoài ra, cả Iran và Saudi Arabia đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và đây là diễn đàn quan trọng, tạo ra khuôn khổ phù hợp để hai phía hợp tác với nhau do không ít thì nhiều, cả hai quốc gia đều chia sẻ những giá trị chung của thánh kinh Q’uran Hồi giáo và những giáo lý cơ bản, những trụ cột của đạo Hồi.
- Ở góc độ cạnh tranh ảnh hưởng, Iran và Saudi Arabia có nhiều lý do để cạnh tranh với nhau:
(1) Cả hai quốc gia đều muốn đóng vai trò lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo và đều có quan điểm khác nhau về một trật tự khu vực cũng như về cách thức phát triển quan hệ quốc tế. Iran sau Cách mạng Hồi giáo (1979) đã luôn theo đuổi chính sách chống Mỹ, chống sự can thiệp của phương Tây, trong khi Saudi Arabia luôn là đồng minh quan trọng của Mỹ.
(2) Hệ tư tưởng của hai quốc gia cũng khác nhau. Saudi Arabia là quốc gia Hồi giáo Sunni theo dòng Salafi và luôn muốn bành trướng ảnh hưởng của Hồi giáo Salafi ra toàn cầu, trong khi Iran đại diện cho quốc gia có đông người Hồi giáo Shia nhất. Ngoài ra, Iran luôn tự hào mình là một quốc gia dân chủ Hồi giáo theo chế độ tổng thống và không đồng tình với mô hình Hồi giáo quân chủ chuyên chế như ở Saudi Arabia và một số quốc gia Arab khác.
(3) Một nguyên nhân gây căng thẳng quan trọng khác là quan điểm khác biệt của hai quốc gia trong khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Iran là quốc gia đông dân và trữ lượng dầu mỏ thấp hơn Saudi Arabia nên luôn muốn duy trì sản lượng khai thác ở mức độ vừa phải và giữ giá dầu ở mức cao nhằm tối đa hóa lợi ích. Saudi Arabia có dân số chỉ bằng 1/3 dân số Iran, lại có trữ lượng dầu lớn hơn nên không chia sẻ chính sách này với Iran và luôn sẵn sàng cung cấp thêm dầu ra thị trường để duy trì mức giá vừa phải, phục vụ cho các mục tiêu chiến lược khác trong cạnh tranh ảnh hưởng quốc tế.
(4) Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng là nguyên nhân khiến cho xu hướng cạnh tranh và căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia ngày càng gia tăng. SaudiArabia luôn lo sợ Iran mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực Trung Đông để phục hồi vị thế của Đế chế Ba Tư hùng mạnh một thời và nhìn nhận việc Iran phát triển chương trình hạt nhân là một mối đe dọa lớn tới cân bằng quyền lực khu vực và rộng hơn là mối đe dọa đối với thế giới Arab. Dù đã nhiều lần được phía Iran khẳng định về tính chất dân sự và kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhưng rõ ràng Saudi Arabia và nhiều đồng minh phương Tây khác vẫn không thể chấp nhận lý giải này.
3. Vấn đề các nước lớn
Cả Iran và Saudi Arabia đều có đủ các lý do để cho quan hệ song phương trở thành mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Tuy nhiên, dường như sức ép phải cạnh tranh ảnh hưởng luôn mạnh hơn động lực hợp tác và gắn kết ngay khi các nước lớn như Mỹ, các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc thực hiện chính sách can dự vào khu vực. Sự can thiệp này khiến cho các xu hướng phát triển của quan hệ Iran – Saudi Arabia chịu nhiều tác động mạnh và tiếp tục biến động phức tạp, khó đoán định. Trong tương quan với các nước lớn này, Iran và Saudi Arabia tiếp tục bị chia rẽ trong nhiều vấn đề:
- Saudi Arabia hưởng ứng kêu gọi của Mỹ trong việc áp đặt cấm vận dầu mỏ chống Iran và sẵn sàng tăng sản lượng để bổ sung nguồn cung thiếu hụt của Iran. Cùng với đó, Trung Quốc không sẵn sàng hưởng ứng lệnh cấm vận của Mỹ do quốc gia này là nhà nhập khẩu lớn dầu mỏ Iran
- Trong một số trường hợp, khi các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng Iran còn chưa được dàn xếp thì giá dầu đã tăng và Nga với tư cách một quốc gia xuất khẩu dầu, khí đốt quan trọng lại được hưởng lợi.
- Quan hệ Iran – Saudi Arabia và các nước lớn cũng phát sinh rất nhiều bất đồng trong giải quyết khủng hoảng Syria. Trong khi Iran, Nga và một số lực lượng đồng minh khác ra sức bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria al- Assad thì Saudi Arabia, Mỹ và các quốc gia phương Tây tìm mọi cách can thiệp để lật đổ ông Assad và đẩy tình hình Syria diễn biến theo chiều hướng có lợi cho phương Tây.
Trong hầu hết các vấn đề quan trọng này, lập trường của Iran, Saudi Arabia và các nước lớn như Mỹ, các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc đã thể hiện những khác biệt đáng kể và những khác biệt này khiến cho cả khu vực Trung Đông luôn là điểm nóng của thế giới. Xét về thực chất, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguồn gốc của phần lớn các vấn đề ở khu vực MENA, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông đều xuất phát từ nguồn tài nguyên chiến lược dầu mỏ. Nếu MENA không có dầu mỏ, nếu Saudi Arabia và Iran không phải là những cường quốc xuất khẩu dầu, khí đốt, thì chắc chắn sự can thiệp của các nước lớn sẽ không trở nên căng thẳng như những gì đang diễn ra những năm gần đây, đồng thời các vướng mắc của phương Tây trong quan hệ với Iran sẽ không được chú ý nhiều. Thực tế cho thấy các nước lớn khi can thiệp vào khu vực MENA và đặc biệt là trong quan hệ với hai quốc gia dầu mỏ hàng đầu Saudi Arabia và Iran đều hướng tới nguồn tài nguyên dầu mỏ để định hướng các hoạt động sản xuất, xuất khẩu cho phù hợpvới lợi ích quốc gia của mình. Sự cạnh tranh gay gắt của các nước lớn ở một chừng mực nhất định đã làm cho cả khu vực thêm bất ổn và tiến trình phát triển kinh tế, xã hội trở nên mất cân đối. Đánh giá của David Pryce-Jones10 trong nghiên cứu về lịch sử Trung Đông cận, hiện đại cho rằng khu vực này đang ngày càng trở nên tụt hậu so với châu Âu, Trung Quốc và thậm chí so với nhiều quốc gia đang phát triển khác nếu xét về các tiêu chí sản xuất, thương mại, giáo dục, truyền thông và nhiều lĩnh vực phát triển xã hội khác. Một minh chứng cho nhận định này là giả định nếu không tính tới dầu mỏ, tổng giá trị xuất khẩu của thế giới Arab thậm chí còn ít hơn giá trị xuất khẩu của Phần Lan - một nước nhỏ của châu Âu với hơn 5 triệu dân. Dù vậy, không thể không thừa nhận rằng những khó khăn, vướng mắc của các quốc gia dầu mỏ khu vực MENA một phần là do can thiệp, cạnh tranh ảnh hưởng, tranh dành nguồn lợi dầu mỏ của các nước lớn gây ra.
Hộp: Quan hệ Saudi Arabia – Iran và Mỹ
Quan hệ giữa Saudi Arabia, Iran và các nước lớn mà đại diện là Mỹ là quan hệ phức tạp giữa cạnh tranh, hợp tác và kiềm chế lẫn nhau. Saudi Arabia và Mỹ có quan hệ đồng minh truyền thống trong suốt hơn 60 năm qua và Saudi Arabia đã là đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc can thiệp vào các vấn đề an ninh, chính trị, xung đột tại Trung Đông. Mặc dù vậy, khi đề cập về chính sách của Mỹ với Iran, quan điểm của Saudi Arabia luôn thể hiện những khác biệt với những phản ứng hết sức thận trọng. Điều này là do Saudi Arabia nhìn nhận Iran là một mối đe dọa lớn của khu vực, là một cường quốc khu vực có khả năng gây ra nhiều phiền toái cho Saudi Arabia. Do vậy, an ninh của Saudi Arabia là vấn đề luôn được đặt lên trên hết và để đảm bảo an ninh, Saudi Arabia cần một chính sách phù hợp để quan hệ với Iran tuy có thể không phải là quan hệ tốt nhưng cũng không trở nên quá mức thù địch7.
Từ yêu cầu thực tế như vậy, trong khi Mỹ luôn duy trì chính sách thù địch với Iran và áp đặt các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế để cản trở chương trình hạt nhân Iran thì Saudi Arabia tuy chia sẻ với Mỹ về vấn đề này nhưng vẫn giữ quan hệ phù hợp với Iran. Ngay từ năm 2007, Tổng thống Iran Ahmadinejad đã nhận lời mời của Quốc vương Abdullah đến thăm chính thức Saudi Arabia và truyền thông của cả hai nước đã ca ngợi quan hệ của “hai quốc gia anh em”. Lãnh đạo hai nước đã gặp gỡ và thảo luận về sự cần thiết phải bảo vệ thế giới Hồi giáo. Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Saudi Arabia - Thái tử Faisal trong cuộc họp báo chung năm 2009 với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phát biểu rằng “mối đe dọa Iran cần phải có giải pháp tức thì hơn là các lệnh trừng phạt”8. Tuyên bố này ngay sau đó đã bị các lãnh đạo Iran lên án gay gắt. Tháng 11/2011, phía Mỹ đã cáo buộc Iran về việc lên kế hoạch ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ năm 2013, Đại sứ Saudi Arabia tại Anh đã viết bài trên tờ The New York Times chỉ trích phương Tây đã “không có những hành động đủ mạnh để chống lại Syria và Iran, làm cho Trung Đông bất ổn và buộc Saudi Arabia phải trở nên cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế9.
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
3. Một số nhận định, đánh giá chung
Trong tương quan với các nước lớn và với Saudi Arabia trong vai trò một cường quốc khu vực, đồng minh của phương Tây, Iran đã và đang phải chịu sức ép nặng nề. Nếu nhìn nhận suốt chiều dài lịch sử của khu vực, quan hệ cạnh tranh Iran – Saudi Arabia không phải mới hình thành mà là vấn đề mang tính lịch sử, gắn với nhận thức của cả hai phía về chủ nghĩa dân tộc. Một bên, Saudi Arabia đại diện cho một quốc gia quan trọng của thế giới Arab với mong muốn dẫn dắt các xu hướng phát triển của cả khu vực MENA. Ở phía bên kia, Iran cũng luôn tự hào về dân tộc Ba Tư có lịch sử phát triển lâu đời và mong muốn kế thừa, phát triển các di sản của Đế chế Ba Tư hùng mạnh một thời. Xét từ góc độ cả Iran và Saudi Arabia đều là hai quốc gia Hồi giáo lớn, thì Saudi Arabia đại diện cho quốc gia “gốc” của Hồi giáo, sở hữu hai thánh địa Medina và Mecca và đang nỗ lực phát triển Hồi giáo Sunni Salafi. Iran hiện nay là nơi tập trung đông nhất của các tín đồ Hồi giáo dòng Shia và xét từ góc độ tôn giáo, không ít thì nhiều đều có quan điểm và nhận thức khác biệt so với Saudi Arabia về các vấn đề của thế giới Hồi giáo cũng như các vấn đề quốc tế khác.
Những khác biệt giữa Iran và Saudi Arabia đã và đang đẩy hai quốc gia này vào tình thế cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực dựa trên cơ sở một điểm chung của cả hai phía – đó là trữ lượng dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới. Vấn đề đặt ra là điểm chung này không giúp Saudi Arabia và Iran xích lại gần nhau mà lại làm cho quan hệ dầu mỏ của hai quốc gia thêm phức tạp do dầu mỏ được sử dụng như một vũ khí chiến lược trong chính sách đối ngoại của cả hai nước. Tiếp đó, sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực Trung Đông, đặc biệt là can thiệp của Mỹ và các nước châu Âu làm cho các vấn đề trong quan hệ dầu mỏ Iran – Saudi Arabia thêm phức tạp. Iran luôn sử dụng dầu mỏ như một công cụ gây ảnh hưởng quốc tế và như một vũ khí quan trọng để đối đầu với Mỹ và phương Tây. Ở phía bên kia, Saudi Arabia là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, đã sử dụng sức mạnh dầu mỏ của mình để hỗ trợ phương Tây trong việc giảm thiểu tác động của dầu mỏ Iran đối với thế giới, tức là đã đóng vai trò kiềm chế và ngăn chặn ảnh hưởng quốc tế của Iran.
Với sự can thiêp của phương Tây và chính sách thân Mỹ của Saudi Arabia, sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Mỹ và EU từng bước áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran như ngăn chặn quốc gia này xuất khẩu dầu, cấm đầu tư quy mô lớn vào ngành dầu mỏ Iran và ngăn chặn khả năng tiếp cận của Iran tới các nguồn tài chính cũng như các công cụ thanh toán, giao dịch khác. Trong các năm 2012 - 2013, lệnh cấm vận tiếp tục được thắt chặt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran, ngăn cản việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tái bảo hiểm dầu mỏ, đẩy Iran vào tình trạng khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Mặc dù vậy, Iran vẫn còn một công cụ ứng phó quan trọng khác là khả năng kiểm soát eo biển Hormuz ở bờ biển phía Đông Nam của quốc gia này. Eo biển Hormuz là tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược sử dụng cho xuất khẩu dầu của Iran và nhiều quốc gia vùng Vịnh khác. Điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ có 39 km và ước tính hiện có khoảng 17 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz/ngày, tương đương với 20% tổng khối lượng dầu được vận chuyển trên thế giới và 35% tổng khối lượng dầu vận chuyển đường biển11. Trong những lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, đối đầu giữa Iran và phương Tây, quốc gia này đã từng tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz và ngăn chặn dòng luân chuyển dầu mỏ qua eo Hormuz. Nếu điều này được thực hiện thì chắc chắn sẽ gây tác động nghiêm trọng tới thị trường dầu mỏ toàn cầu và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nước lớn tiêu thụ nhiều dầu mỏ cũng như cho khả năng xuất khẩu dầu của tất cả các quốc gia vùng Vịnh.
Tóm lại, quan hệ Iran – Saudi Arabia là quan hệ song phương quan trọng hàng đầu trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Khi yếu tố dầu mỏ được tính tới thì quan hệ song phương này còn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đây cũng chính là lý do mà quan hệ song phương Iran – Saudi Arabia đang bị quốc tế hóa và trở thành quan hệ đa phương hết sức phức tạp với sự can thiệp của các nước lớn như Mỹ, các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc, v.v… Ngay đối với Việt Nam, quan hệ quốc tế giữa Saudi Arabia và Iran cũng là nhân tố rất quan trọng cần được tính tới để từ đó xác lập được chính sách phù hợp giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại mở cửa, hợp tác với toàn khu vực Trung Đông – Bắc Phi.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông số 5/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét