Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà


Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà




Sông Nile và văn minh Ai Cập (ảnh minh họa)
Trong lịch sử của mỗi dân tộc, những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến các nền văn hóa trước hết là trình độ kinh tế, chính trị; sự phát triển xã hội, sự sáng tạo của mỗi con người…Điều kiện tự nhiên tuy không thể quyết định đến nền văn hóa Ai Cập nhưng cũng ảnh hưởng nhất định đến các đặc điểm văn hóa của đất nước này cũng như khu vực Lưỡng Hà cổ đại.
Lịch sử Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nil. Sử gia Hy Lạp cổ đại là Herodote đã từng viết: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nil”. Điều đó nói lên rằng sông Nil có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của người Ai Cập thời cổ đại. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10, nước sông Nil dâng cao gây nên những trận lụt lớn. Sang tháng 11, nước sông rút đi, để lại một lớp phù sa màu mỡ dày đặc, rất thích hợp cho việc gieo trồng các loại ngũ cốc. Vì vậy, dân cư sống từ thời viễn cổ ở hai bên bờ sông Nil đã biết nghề nông rất sớm. Dọc hai bờ sông Nil và ven các hồ, đầm mọc rất nhiều một loại cây sậy – cây papyrut. Người Ai Cập thời xưa dùng vỏ cây papyrut để làm giấy viết.
Giấy được làm từ vỏ cây Papyrut
Ở những dãy núi phía đông và phía tây dọc thung lũng sông Nil, có rất nhiều loại đá khác nhau: đá vôi, đá huyền vũ, đá hoa cương, đá vân mẫu. Đây là những vật liệu kiến trúc quan trọng nhất của người Ai Cập thời cổ đại.
Tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến việc ghi chép văn tự của người Ai Cập cổ đại. Văn tự Ai Cập cổ đại được ghi lại trên các cuốn giấy papyrut. Thân cây papyrut được người Ai Cập cổ đại dùng để làm giấy. Nhiều tờ giấy papyrut dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Chính các cuộn giấy papyrut này được lưu giữ ở các bảo tàng châu Âu(1) đã cho hậu thế biết được những trang sử, những thành tựu y học(2) và các thành tựu văn hóa khác của Ai Cập cổ đại.
Văn tự Ai Cập cổ đại còn được khắc giữ trên các tường thành, các bia bằng đá. Văn tự cổ Ai Cập về sau đã trở thành “văn tự chết”, vì đã lâu người ta không dùng thứ văn tự này nữa và cũng quên cách đọc. Nhưng việc đọc lại được văn tự cổ đó sẽ rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử Ai Cập cổ đại. Chính là nhờ phát hiện được một tượng đá bằng phún thạch, trên mặt đá có ghi đầy đủ các loại chữ Ai Cập cổ, chữ Arập, chữ Hy Lạp cổ mà Jean Franςois Champollion đã có căn cứ để tìm cách đọc lại được văn tự Ai Cập cổ đại vào năm 1822(3).
 
Bức tượng “Scribe accroupi", viên thư lại ngồi xếp bằng
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Ai Cập cổ đại rất nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ kim. Những đền đài, cung điện, kim tự tháp còn bảo tồn đến ngày nay đều chứng minh điều đó. Những công trình văn hóa ấy đều gắn liền với đá – một tài nguyên dồi dào ở Ai Cập. Để xây những kim tự tháp, người ta phải dùng một khối lượng đá rất lớn gồm hàng chục triệu khối đá. Những khối đá ấy được mài nhẵn và ghép vào nhau rất sát. Những tác phẩm điêu khắc cũng thể hiện tài năng lỗi lạc của cư dân Ai Cập. Người ta đã khắc tượng các Pharaoh bằng đá. Bức tượng “người thư lại” ngồi xếp bàn được tạc bằng đá của thời Cổ vương quốc cũng khá nổi tiếng. Vẻ sinh động của các bức tượng cũng phải khiến người đời nay thán phục. Cũng nhờ được chế tác từ đá mà rất nhiều giá trị văn hóa cổ Ai Cập còn lưu lại được cho đến ngày nay. Nhờ vậy mà người Ai Cập có thể nói: Bất cứ cái gì đều sợ thời gian, nhưng bản thân thời gian thì phải sợ kim tự tháp.
Giữa các kim tự tháp, trên cánh đồng Gize, gần Memfis, có tượng Sphinx dài 57 mét, cao 20 mét. Khi viễn chinh sang Ai Cập, Napoléon đã cho pháo binh bắn đại bác vào tượng đó, hòng mở một lối vào bên trong của tượng. Sau đó mới rõ bức tượng là một khối đá khổng lồ nguyên vẹn do các nhà điêu khắc thời bấy giờ tạc thành đầu người, mình sư tử để tượng trưng cho quyền lực Pharaoh “oai hùng và bất diệt”.
Đại nhân sư Sphinx của Giza, bức tượng khổng lồ nửa người nửa sư tử nằm bên bờ tây sông Nile, gần Cairo
Ở Ai Cập cổ đại, sự phát triển khoa học cũng gắn liền với điều kiện tự nhiên, với dòng sông Nil. Đúng như K. Marx đã nói: “Ở Ai Cập, trước hết là do sự cần thiết mới biết được mực nước sông Nil lên xuống nên đã đẻ ra thiên văn học Ai Cập…”. Vì muốn biết thời tiết và mực nước của sông Nil để sắp xếp công việc đồng áng  nên người Ai Cập cổ đã sớm chú ý quan sát thiên văn. Các nhà thiên văn Ai Cập đã phát hiện các chòm sao và đã soạn ra bản đồ thiên thể được vẽ trên các cửa đền đài cổ. Còn truyền lại cho chúng ta ngày nay là bản đồ 12 cung hoàng đạo. Người ta đã vẽ chòm sao Bắc cực thành đầu một con bò. Họ cũng biết sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ và các hành tinh khác. Người Ai Cập cũng đã phát minh ra chiếc đồng hồ đo bóng mặt trời để tính thời gian trong một ngày. Họ chia một ngày ra làm 24 giờ rồi chiếu theo vị trí của bóng mặt trời ở trên đồng hồ đó mà đọc giờ, phút.
Việc gieo trồng có quan hệ mật thiết với việc hiểu biết thời gian lên xuống của mực nước sông Nil. Muốn biết chắc chắn lúc nào nước sông Nil lên cao, người Ai Cập cổ phải quan sát bầu trời và làm lịch. Người Ai Cập nhận thấy đến một ngày nào đó, lúc sáng sớm mà có sao Lang (Sirius) mọc đúng ở đường chân trời thì đúng là lúc nước sông Nil bắt đầu dâng lên. Ở Ai Cập cổ đại, việc cần biết thời gian nào nước sông Nil lên cao, việc quan sát bầu trời để từ đó có tri thức về thiên văn học, việc làm lịch, ba việc đó có quan hệ mật thiết với nhau. Đơn vị “năm” trong lịch cổ Ai Cập là thời gian giữa hai lần lúc sáng sớm có sao Lang xuất hiện ở đường chân trời.
Điều kiện tự nhiên cũng có liên quan với sự phát triển hình học Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập cổ đại xây dựng môn hình học khá khoa học. Các tài liệu papyrut đã chứng minh điều đó. Herodote từng giải thích sự xuất hiện của môn hình học Ai Cập là do nhu cầu phải đo đạc lại ruộng đất hàng năm bị nước lụt của sông Nil đem phù sa vào xóa lấp bờ ruộng.
Lịch sử văn minh Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nil nên trong tín ngưỡng người Ai Cập cổ đã sùng bái thủy thần Osiris tức là thần sông Nil. Những lời ca tụng sông Nil đã xuất hiện rất sớm trong đời sống của văn hóa Ai Cập:
Chào người, ta chào sông Nil
Từ quả đất này Người xuất hiện
Người đến để nuôi sống Ai Cập
Người tạo ra lúa mì, lúa mạch
Khi Người trào dâng, thì mặt đất hoan hỷ
Mọi người vui mừng
Mọi cái lưng rung lên, vì những tiếng cười
Mọi cái răng cắn lấy thức ăn…(4)
 
Bản đồ văn minh Lương Hà ( phần phủ màu xanh)
Lưỡng Hà hay Mésoptamie (có nghĩa là miền đất giữa hai con sông) là khu vực do hạ lưu hai con sông Tigris và Euphrates tạo thành. Giống như miền thung lũng sông Nil, lưu vực Lưỡng Hà cũng là một khu vực phì nhiêu, rất thích hợp cho nghề nông. Ở Lưỡng Hà rất hiếm đá và các loại khoáng sản nhưng chất đất ở Lưỡng Hà chủ yếu là đất sét dùng để làm gạch và đồ gốm rất tốt. Điều đó đã tạo nên một sắc thái riêng biệt của nền văn hóa ở Lưỡng Hà.
Cách ghi văn tự và chữ số ở Lưỡng Hà cổ đại có liên quan với tài nguyên chính ở đây là đất sét. Văn tự của người Lưỡng Hà cổ đại cũng như chữ số của họ có dáng hình góc nhọn còn gọi là văn tự tiết hình. Văn tự và chữ số tiết hình ấy phù hợp với loại nguyên liệu dùng để ghi chép: đó là đất sét.
Vào giữa thế kỷ XIX các nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật được tại Niniv kinh đô của đế quốc Assyrie một thư viện đồ sộ - thư viện của Hoàng đế Assurbanipal. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 22000 bảng gạch bằng đất sét có khắc chữ. Những bảng gạch bằng đất sét có khắc chữ ấy đã giữ lại cho hậu thế những sự tích thần thoại, những tri thức khoa học và văn học nghệ thuật. Những bảng gạch bằng đất sét ấy bị chôn vùi dưới đất 2500 năm, đã được lửa làm cho rắn và…bền thêm nên đã không bị hủy hoại.
Văn tự cổ còn lưu lại của nền văn minh Lưỡng  Hà
Các nhà khảo cổ học cho rằng có thể đây là bức thư đầu tiên của nhân loại. Bức thư này hiện đang được lưu giữ tại một viện bảo tàng ở Luân Đôn. Đó là một miếng đất sét nung, đào được ở vùng Caldée, có cả phong bì nặn theo hình cái túi cũng bằng đất sét nung. Theo các nhà khảo cổ thì người viết thư đó sống cách chúng ta khoảng 7000 năm ở vào thời vua Lacdu – vị vua thứ nhất của Vương quốc Babylone. Chữ viết trên bức thư là những nét gạch bằng que nhọn, khó khăn lắm người ta mới đọc được. Bức thư nói về việc bán hay cho thuê một mảnh đất do một người tên là A-ni-ni chuyển nhượng lại cho một người tên là Sim-đi-ha (5).
Ở Lưỡng Hà vì hiếm đá nên đất sét cũng là vật liệu xây dựng chính. Ở đất nước Iraq ngày nay (thuộc vùng Lưỡng Hà xưa kia) có một địa danh hết sức nổi tiếng trong lịch sử: thành Babylone. Thành Babylone có tên trên bản đồ thế giới cổ đại vào nửa sau của thiên niên kỷ III trước công nguyên. Người Akkad đã đặt những nền móng đầu tiên cho nó vào những năm 2350 – 2150 TCN. Vào thời kỳ hưng thịnh của Babylone, Hoàng đế Nabochodonosor đã xây dựng lại trung tâm Babylone thành một đô thành nguy nga đồ sộ. Thành Babylone có mặt bằng hình chữ nhật. Toàn bộ tường thành có 9 cửa lớn. Ở phía bắc là cửa Ixta nổi tiếng ghép bằng gạch lưu ly màu, đó cũng chính là một sản phẩm độc đáo chỉ có ở vùng Lưỡng Hà. Theo nhà sử học Herodote thì Babylone “được chia làm hai phần bị cắt thẳng ở giữa bởi một con sông lớn, sâu và chảy xiết tên là sông Euphrates”.
Những điều kiện đất đai, thủy văn, vật liệu xây dựng riêng biệt đã chi phối hoạt động kiến trúc của cư dân Lưỡng Hà cổ đại. Vùng đất này gần sông, nên đất không lấy gì làm chắc chắn, xung quanh là sa mạc, chỉ thỉnh thoảng mới có một vài khóm cọ…là những yếu tố đòi hỏi người thiết kế phải suy nghĩ từ kỹ thuật cho đến nghệ thuật.
Vườn treo Babylon (cũng được gọi là vươn treo Semiramis)
Ở Lưỡng Hà cổ đại, vượt lên trên tất cả thành quách, đền đài cung điện…được xây dựng công phu và đẹp đẽ là một công trình hết sức độc đáo: “vườn hoa không trung” hay còn gọi là “vườn treo” – là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Đây là món quà của vua Nabochodonosor tặng cho vợ của ông ta.
“Vườn hoa không trung” này được xây dựng trên một quả đồi nhỏ. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát được cả thành Babylone.
Điều đáng chú ý là vật liệu xây dựng thành Babylone cũng như xây dựng ngọn đồi nhân tạo để có một “vườn hoa không trung” chủ yếu là bằng gạch dựa trên cơ sở nguồn đất sét phong phú ở Lưỡng Hà. Vườn treo Babylone ngày nay chỉ để lại dấu vết là ít phần móng của công trình làm bằng đá, một loại vật liệu ít thấy và chỉ có ở cách Babylone hàng trăm km. Chính vì vậy mà các thành tựu kiến trúc của Lưỡng Hà cổ đại khó giữ lại gần nguyên vẹn như là ở Ai Cập cổ đại. Đứng trước Babylone, du khách không có cái “rợn ngợp” triết lý về mặt thời gian mà nhiều hơn là mối cảm hoài “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Cái tráng lệ và huy hoàng của Babylone xưa kia nay chỉ còn in dấu trên những bức tường, có bức được xây bằng gạch gốm tráng men ghép lại thành hình những con thú: sư tử, bò tót và con vật thần thoại – đầu rồng, mình cá, chân phượng hoàng hoặc là những hoa văn. Nhà hát Babylone, con đường “hành lễ” cũng chỉ còn lại những mảnh tường.
Tại viện bảo tàng lịch sử Iraq hiện nay đang còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật được chế tạo bằng đất sét từ thời kỳ cổ đại.
Văn hóa là do con người sáng tạo ra trong những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Nhưng văn hóa cũng chịu ảnh hưởng của những điều kiện tự nhiên, khí hậu, tài nguyên, cảnh quan, sông núi…Những điều kiện tự nhiên ấy đã góp phần vào sự hình thành màu sắc và cả bản sắc văn hóa của một khu vực, một dân tộc…Con người sáng tạo văn hóa, dù muốn hay không cũng có mối quan hệ với hoàn cảnh tự nhiên, tìm thấy trong điều kiện tự nhiên những mặt thuận lợi và cả những mặt khó khăn, tìm thấy trong tự nhiên những gì có thể mang lại cho văn hóa những ảnh hưởng độc đáo, những nguồn cảm hứng sáng tạo.
Chú thích:
(1)Tại một viện bảo tàng ở Hà Lan có cuộn giấy papyrut ghi chép tác phẩm Lời khuyên răn của I-pu-xe; tại viện bảo tàng Saint Peterburg (Nga) còn lưu giữ cuộn giấy ghi chép tác phẩm Lời tiên đoán của Nê-phéc-ty.
(2) Nhiều thành tựu y học được ghi lại trên các cuộn giấy papyrut của Ai Cập cổ đại (Chiêm Tế (1970), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 128).
(3) Đặng Đức An chủ biên (1995), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.
(4) Trích dịch từ sách Học tập lịch sử cổ đại, trung đại ở lớp 5, 6, E.I Nhi-ca-nô-ra-vôi chủ biên (1964), Mátxcơva. Bản dịch của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.
(5) Đắc Lê, “Bức thư đầu tiên”, Báo Quân đội Nhân dân, số 5187.

Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông
Phạm Thị Hồng Vinh