Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

OBAMA VÀ THẾ GIỚI HỒI GIÁO

OBAMA VÀ THẾ GIỚI HỒI GIÁO
(Cadn.com.vn) - Kể từ khi ông Barack Obama lên nắm quyền Nhà Trắng, đã có những thất bại, những bước tiến trong các mối quan hệ với thế giới Hồi giáo.
Hình ảnh giận dữ, quá khích chống Mỹ của những người biểu tình tại các thành phố Arab trong những ngày qua là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, thế giới Hồi giáo vẫn không hề có thiện cảm hơn với Nhà Trắng kể từ sau sự kiện cựu Tổng thống George W. Bush bị ném giày trong buổi họp báo ở Baghdad năm 2008.
“Mối tình” dang dở…
Nhưng hơn 3 năm - sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố tại Cairo (Ai Cập) sẽ tìm kiếm “một sự khởi đầu mới” với những người Hồi giáo - quan hệ hai bên vẫn chứng kiến những bước thụt lùi đáng kể.
Các cuộc cách mạng Mùa xuân Arab, được cho là bén lửa từ phương Tây, lật đổ nhiều nhà lãnh đạo các nước Hồi giáo. Hòa bình Israel-Palestine vẫn là một khái niệm xa xỉ; hạt nhân Iran vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và đặc biệt là một mối ngờ vực về người Mỹ vẫn còn sâu sắc và bùng nổ khắp thế giới Hồi giáo.
Tổng thống Obama cũng không sẵn sàng chỉ trích Tổng thống được bầu dân chủ của Iraq, Nouri al-Maliki khi ông này bác bỏ yêu cầu của Mỹ phải dừng ngay việc cho Iran sử dụng không phận chuyển vũ khí cho chính phủ Syria. Báo cáo tiết lộ mánh khóe của Iran trong việc sử dụng máy bay dân sự chuyển binh sĩ và một số lượng lớn các loại vũ khí qua không phận của Iraq đến Syria càng trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Obama sẽ đem vấn đề này lên cuộc họp Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Đây là màn biểu diễn cuối cùng của ông Obama trên sân khấu chính trị thế giới trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới.
Tổng thống Obama đang muốn có thêm một nhiệm kỳ nữa để có thể “làm hòa” với thế giới Hồi giáo. Ảnh: AP 
Vị thế của ông Obama xuống thấp đáng kể trong lòng các quốc gia Hồi giáo khi ông không thể kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất về vấn đề Syria, nơi mà một cuộc nổi dậy kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người. Trong khi đó, các vấn đề lớn khác có thể giúp xác định mối quan hệ Mỹ-Hồi giáo chính là Iran; các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine và Mùa xuân Arab. Trong đó, Iran là biểu tượng rõ ràng nhất của sự thất bại. Ngay khi vừa nhậm chức, ông Obama  chìa cành ô-liu cho các nhà lãnh đạoIran, hy vọng đàm phán giới hạn về chương trình hạt nhân của họ. Nhưng đến tháng 6-2009, ông Obama cho biết, bế tắc đạt đến “điểm quyết định” và đang đe dọa nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.
… “vẫn có thể nở hoa”
Những dấu hỏi về “mối tình dang dở” Obama – thế giới Hồi giáo bị xới lại khi 4 người Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens thiệt mạng trong một cuộc tấn công của người biểu tình hôm 11-9 nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya.
Người biểu tình xuống đường chống Mỹ và để phản đối bộ phim có tựa đề “Sự ngây thơ của đạo Hồi”, trong đó có nội dung phỉ báng nhà tiên tri Mohammad. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó chỉ là cái cớ đằng sau âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ. Ngày 21-9, Nhà Trắng cũng chính thức xác nhận, vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi là “vụ tấn công khủng bố”. Cũng trong ngày 21-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo mở cuộc điều tra độc lập về an ninh tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, để tìm hiểu rõ ràng vụ tấn công này.
Nhưng cũng từ vụ tấn công này, Tổng thống Obama lấy điểm của cử tri Mỹ khi vinh danh 4 “anh hùng của người Mỹ” và thúc giục các đối tác Hồi giáo chấp nhận trách nhiệm. “Khi họ thành lập chính phủ mới, một phần việc họ phải làm là nhận ra rằng, dân chủ không chỉ là đi bỏ phiếu bầu”, ông Obama nói trong bài phát biểu dành cho thế giới Hồi giáo. “Đó là tôn trọng tự do ngôn luận và những người có quan điểm khác nhau”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định thêm.
Obama đã thực hiện lời hứa giảm sự hiện diện của Mỹ ở các quốc gia Hồi giáo bằng cách rút tất cả quân đội ra khỏi Iraq và bắt đầu rút quân dần dần ra khỏi Afghanistan. Ưu tiên của ông Obama cũng không chỉ để hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn mà còn để làm sắc nét trọng tâm chính sách của Mỹ trong việc đánh bại Al-Qaeda. Trong cuộc chiến tham gia cùng các đồng minh NATO và Liên đoàn Arab lật đổ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, ông chủ Nhà Trắng cũng thành công khi cam kết không triển khai lực lượng mặt đất (mà chỉ là triển khai lực lượng không quân). Và khi ở cuối nhiệm kỳ của ông, ông Obama chứng tỏ một chút thiện chí với Tehran khi không ủng hộ “giới hạn đỏ” cho Iran của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tổng thống Obama thừa hưởng di sản “uy tín Mỹ giảm sút nặng nề” từ người tiền nhiệm G.W.Bush trong thế giới Hồi giáo. Vì vậy, cần thực tế nghĩ rằng, “sự khởi đầu mới” của ông Obama phải cần có thêm thời gian.
Khả Anh

CỘNG ĐỒNG HỒI GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


CỘNG ĐỒNG HỒI GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

CLI: “Hồi Giáo” là một danh từ mà những người Việt Nam ám chỉ cho những người đi theo tôn giáo Islam nói chung, riêng cộng đồng “Hồi giáo” việt nam càng ngày cũng có nhiều người quan tâm đến, nhất là về mặt chính quyền. Song song đó, có một số ít người tìm hiểu đến nơi đến chốn nên có những lời nhận xét trung thực và đúng đắn mặc dầu cách dùng “từ” chưa được chính xác lắm.
Chúng tôi xin đăng lại bài nhận xét “Về cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay” của ông Lê Nhâm hiện đang công tác trong “Ban Tôn Giáo Chính Phủ”, và bản tin của “Thông Tấn Xã Việt Nam” ra ngày 21 tháng 01 năm 2008 như sau:

v    Về cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay
Hồi giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ lớn trên thế giới khoảng trên 1 tỷ người. Ngày nay, Hồi giáo đã có mặt ở hầu hết các châu lục, trong đó có hàng chục quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo.
ở Việt Nam, Hồi giáo có 2 dòng, dòng Bàni còn gọi là Hồi giáo cũ, dòng Islam còn gọi là Hồi giáo mới; cả hai dòng số lượng tín đồ không đông (trên 64.000 người) với tuyệt đại bộ phận tín đồ Hồi giáo là người Chăm, các dân tộc khác rất ít. Địa bàn sinh sống tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, một số tỉnh thành phố khác rải rác có ít tín đồ, ở phía Bắc chỉ có duy nhất một thánh đường ở Hà Nội với vài chục tín đồ.
1. Về tín đồ: Như trên đã trình bày tuyệt đại bộ phận tín đồ Hồi giáo là người Chăm, tuy vậy, không phải người Chăm nào cũng theo đạo Hồi. Cộng đồng dân tộc Chăm theo hai tôn giáo chính là đạo Hồi (bao gồm Islam và Bàni) và đạo Bàlamôn. Người Chăm Hồi giáo hiện sinh sống ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tại hai tỉnh Nam trung bộ là Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi tập trung đông đảo người Chăm, tại Ninh Thuận có 26.327 tín đồ, trong đó tín đồ đạo Bàni là 22.745 người, Islam là 1.791 người; tại Bình Thuận có 16.428 tín đồ đạo Bàni, không có tín đồ Islam, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 4.580 tín đồ Islam, tỉnh An Giang có 12.696 tín đồ đạo Islam, không có tín đồ đạo Bàni, tỉnh Tây Ninh có 2845 tín đồ Islam, các tỉnh khác như Đồng Nai có 1679 tín đồ, Bình Dương có 300, Bình Phước có 270 tín đồ Islam.
Những người theo đạo Islam ở Việt Nam thuộc phái Safi'i dòng Sunnit có khoảng 26.000 tín đồ. Tín đồ đạo Islam luôn giữ gìn nghiêm ngặt những quy định về giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống, thể hiện qua việc thực hành nghiêm túc 5 cốt đạo. Hàng năm họ có nhiều ngày lễ khác nhau như: kỷ niệm ngày sinh của Thiên sứ Mohammad, ngày Mohammad trở về thánh địa Mecca, thánh lễ ngày thứ 6 hàng tuần, lễ trong tháng chay Rammadan, lễ hành hương về thánh địa Mecca, lễ đón năm mới theo Hồi lịch…
Những người theo đạo Hồi dòng Bàni có khoảng 39.000 tín đồ, là kết quả của sự hỗn dung giữa đạo Islam và đạo Bàlamôn và nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian khác của dân tộc Chăm. Khác với người Chăm theo đạo Islam, trong tâm thức tôn giáo của người Chăm Bàni đã có những thay đổi khá căn bản, họ không thực hiện 5 cốt đạo của đạo Hồi, thánh đường (chùa) của người Bàni chỉ mở cửa vào tháng chay Ramadan của đạo Islam mà họ gọi là tháng Ramưwan để chức sắc đến chùa thực hành nhịn chay, kinh Qur'an chép tay theo lối cha truyền con nối nên giản lược so với kinh Qur'an gốc mà tín đồ Islam vẫn sử dụng, không có mối liên hệ với hệ thống đạo Hồi quốc tế, không đi hành hương viếng thánh địa Mecca, không tổ chức những ngày lễ trọng như Hồi giáo chính thống, thay vào đó là những lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hoá Chăm. Có thể nói rằng, Hồi giáo Bàni ở Việt Nam là tôn giáo đặc trưng chỉ có ở Việt Nam, nó gắn chặt với dân tộc Chăm, là một phần tạo nên bản sắc văn hoá tôn giáo của người Chăm, mặt khác chính bản sắc văn hoá của người Chăm đã có tác động làm "mềm hoá" tính cứng nhắc của Hồi giáo, những đặc điểm ấy đã làm cho bức tranh Hồi giáo ở Việt Nam phong phú và đa dạng.
Nhìn chung, dù là người Chăm theo đạo Hồi chính thống (đạo Islam) hay theo đạo Hồi đã cải biến (đạo Bàni), hoặc người Chăm có tín ngưỡng tôn giáo khác (đạo Bàlamôn) họ đều có tinh thần đoàn kết gắn bó, hoà hợp với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đã đang và sẽ là cộng đồng dân tộc tôn giáo yêu nước Việt Nam, phấn đấu vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2. Về cơ sở thờ tự, chức sắc, tổ chức của người Chăm Hồi giáo.
2.1. Cơ sở thờ tự: Cũng như các tôn giáo khác, cơ sở thờ tự của Hồi giáo là chốn linh thiêng, là nơi chuyển tải những ước mong về tâm linh của tín đồ đối với thượng đế Allah, vì vậy, mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhà cửa chưa được khang trang nhưng cộng đồng Hồi giáo dành nhiều công sức, tiền của để tôn tạo, sửa chữa hoặc xây mới các thánh đường.
Thánh đường của người Chăm Islam có dáng dấp của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Nó tôn trọng những quy định về kiến trúc cũng như cách bài trí bên trong. Có hai loại: thánh đường (Mosqué) và tiểu thánh đường (Surau). Thánh đường xây theo hướng Đông - Tây để khi quỳ lạy tín đồ hướng về phía thánh địaMecca. Bên trong có hậu tẩm là nơi chức sắc Imâm đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ, có Minbar là nơi thầy Khotip giảng giáo lý. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ. Tiểu thánh đường còn gọi là nhà nguyện là nơi cầu nguyện và hội họp. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có 41 thánh đường, 19 tiểu thánh đường Islam, tập trung nhiều nhất ở An Giang (16 thánh đường, 8 tiểu thánh đường).
Cơ sở thờ tự của đạo Bàni gọi là chùa, nhìn chung, chùa được xây dựng khá đơn giản, hình thức bên ngoài và cách sắp xếp bên trong đều có sắc thái riêng mang tính địa phương, không giống như các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Bên trong chùa có một cây thánh là vật linh thiêng duy nhất được thờ, một cái trống lớn là nhạc cụ duy nhất để phục vụ lễ hội. Phần cuối của chùa đặt một chiếc hậu tẩm là nơi để thầy Mum Tân (người mới được tấn chức trong kỳ lễ hội xoay vòng) giảng giáo lý. Chùa Bàni chỉ được mở vào tháng chay Ramưwan - tháng vào chùa của các chức sắc Bàni. Đây còn là nơi các chức sắc trao đổi kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng tín đồ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, toàn đạo Bàni có 17 chùa (chỉ có ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).
2.2. Về chức sắc Hồi giáo.
- Chức sắc Chăm Bàni: Đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng không những trong đạo mà cả trong đời sống xã hội của cộng đồng tín đồ Bàni - hiện nay tổng số có 407 người. Chức sắc Bàni không được khuyến khích sống độc thân, họ là người am hiểu giáo lý và có kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do đó, chức sắc Bàni thường là người có uy tín cả trong đạo và đời, đặc biệt là vị Sư cả (Cả chùa).
Trong đạo Bàni chỉ có tu sĩ là học và giữ các bản kinh Qur'an. Bản kinh này được sao chép tay bằng tiếng ảRập nhưng có một số ký hiệu để đọc cho đúng có khi chua thêm chữ Chăm để hướng dẫn tu sĩ phải đọc đoạn kinh nào trong các lễ. Chức sắc Bàni đều biết kiêng kỵ những thức ăn do đạo quy định, nghĩa là họ không ăn thịt lợn, không ăn các trái cây như chuối hột, khổ qua, không uống rượu, không ăn những con vật mà không do họ trực tiếp cắt tiết.
Hiện nay, chức sắc Bàni có 4 cấp: cấp cao nhất là Sư cả (Thày Gru) người quyết định hầu hết mọi vấn đề đời sống tôn giáo của tín đồ; cấp thứ hai là Mum, thày Mum là người điều khiển các buổi lễ tại chùa Bàni, họ phải có thời gian tu hành ít nhất là 15 năm, thông hiểu Kinh Qur'an, có đạo đức tốt và có khả năng kinh tế; cấp thứ 3 là Khotip hay Tip, chỉ đảm nhận một số nghi lễ tại chùa hay tư gia mà không đảm nhận việc giao giảng giáo lý; cấp thấp nhất là thày Chang gồm những người mới nhập tầng lớp tu sĩ.
Chức sắc Bàni duy trì theo chế độ cha truyền con nối, nói chung các dòng họ đều có người làm chức sắc, vì vậy nhìn vào số lượng chức sắc của các chùa Bàni ta biết được trong làng Chăm có bao nhiêu dòng họ.
Phần lớn chức sắc Bàni là công dân tốt, tuân thủ các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ là cầu nối giữa tín đồ với chính quyền, là người đưa chủ trương chính sách pháp luật đến với tín đồ. Tuy nhiên trình độ văn hoá thấp, tuổi cao, vì vậy đội ngũ chức sắc Bàni đang thiếu lực lượng kế cận.
- Chức sắc Chăm Islam: người đứng đầu trong hàng chức sắc Islam là Hakim (giáo cả) là người am hiểu nhiều về giáo lý, giáo luật, có phẩm chất tốt, điều kiện gia đình ổn định; phụ tá cho Hakim là Naep (phó giáo cả) là người thay mặt Hakim giải quyết công việc khi Hakim vắng mặt; Ahly là người giúp việc cho Hakim về lĩnh vực xã hội; Imâm là người hướng dẫn tín đồ trong buổi lễ, Khôtip là người giao giảng giáo lý trong buổi lễ ngày thứ 6 hàng tuần; Tuân là thầy dạy giáo lý cho tín đồ.
Phần lớn chức sắc Islam có người thân ở nước ngoài, bản thân họ ít nhất một lần thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng trong đời là hành hương viếng thánh địa Meccavà trở thành Hadji. Cũng như chức sắc Bàni, họ là những công dân tốt, nhiều người trong số họ là thành viên MTTQ Việt Nam ở cơ sở hoặc tham gia Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện tại có 288 chức sắc Islam.
2.3. Tổ chức của Hồi giáo.
- Tổ chức của đạo Bàni: Chủ yếu là ở từng chùa, mỗi chùa ngoài Cả chùa và các vị chức sắc chăm lo việc đạo, họ đều tổ chức Ban cai quản chùa hoặc Ban phong tục. Ban cai quản chùa có nhiệm vụ chăm lo đời sống tôn giáo cho tín đồ, vận động tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo" đoàn kết với cộng đồng dân cư các tôn giáo khác. Tổng sư cả là người được các sư cả suy tôn, có uy tín lớn trong đạo, nhưng không bắt buộc phải có mà tuỳ vào mỗi địa phương (ở Bình Thuận suy tôn sư cả Thanh Tàu làm tổng sư cả).
- Tổ chức của người Chăm Islam: Người Chăm Islam thành lập tại thánh đường các Ban quản trị thánh đường. Đứng đầu mỗi Ban quản trị là vị Hakim sau đó là một số chức sắc như Naep, Ahly, thư ký, thủ quỹ. Bên cạnh việc chăm lo đời sống tín ngưỡng tôn giáo cho tín đồ, Ban quản trị còn là cầu nối giữa cộng đồng Hồi giáo trong Jamaah với chính quyền cơ sở.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 đã được phép thành lập Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tại số nhà 15 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận; nhiệm kỳ hoạt động cẩ Ban Đại diện là 5 năm, bao gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký, ngoài ra còn có Ban cố vấn, bộ phận văn phòng và Ban quản trị của 14 khu vực. Ban Đại diện là cầu nối giữa cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại thành phố với chính quyền, MTTQ để chăm lo lợi ích chính đáng cho tín đồ, động viên tín đồ thực hiện quyền công dân, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do vị trí thành phố là trung tâm của khu vục Nam Bộ, nên Ban Đại diện hoạt động và có mối quan hệ rộng hơn với cộng đồng Hồi giáo các tỉnh lân cận và tham gia một số hoạt động quốc tế.
3. Mối quan hệ của Hồi giáo Việt Nam với các cộng đồng Hồi giáo khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình hình thành và phát triển chỉ có cộng đồng Chăm Islam là có quan hệ quốc tế, cộng đồng Chăm Bàni không có mối liên hệ quốc tế nào. Cộng đồng Chăm Islam giữ mối liên hệ với khu vực bởi yếu tố tôn giáo và cả yếu tố hôn nhân văn hoá.
Từ khi nước ta chính thức là thành viên khối ASEAN 28/5/1995 và nhất là từ khi nước ta thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam có điều kiện để hội nhập vào khu vực Đông Nam Á, nơi có số lượng tín đồ đông đảo, có nhiều quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo. Họ tham gia vào các hoạt động như thi xướng kinh Qur'an, du học, dự các hội nghị Hồi giáo, viếng thánh địa Mecca v.v…
Những hoạt động đó góp phần hiểu biết thêm bên ngoài, đồng thời cũng làm cho bè bạn hiểu Việt Nam hơn, đặc biệt là hiểu chính sách của Nhà nước Việt Nam là luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, dù là theo tôn giáo nào nhưng là người Việt Nam thì đều có niềm tự hào về đất nước mình, về lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Lê Nhẩm
Ban Tôn giáo Chính phủ
v    Bản tin ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Thông Tấn Xã Việt Nam
Masjid Jamiul Muslimin
Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần hòa nhập và đoàn kết dân tộc. 69 đại biểu đại diện tín đồ thuộc 16 khu vực Hồi giáo tại TP Hồ Chí Minh đã tham dự Ðại hội đại biểu Cộng đồng Hồi giáo thành phố nhiệm kỳ IV (2008-2012) khai mạc sáng 21-1 tại Thánh đường Jamiul Muslimine.

Ðại hội đã thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV, khẳng định sự gắn bó và mối quan hệ bền chặt trong toàn cộng đồng cũng như tinh thần hòa nhập, đoàn kết dân tộc với cộng đồng các dân tộc, tôn giáo bạn tại TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng các phong trào quần chúng xây dựng thành phố và đất nước.
Ðại hội nhất trí tăng cường các hoạt động thiết thực, cụ thể, trực tiếp đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng của tín đồ Hồi giáo trên toàn thành phố. Ðánh giá hoạt động nhiệm kỳ III (2001-2007), Phó Ban thường trực Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh Idris Smael cho biết, chương trình hoạt động tôn giáo của toàn cộng đồng đã phát triển khá toàn diện. Các dịp lễ như Maulid (kỷ niệm ngày sinh Nabi Muhammad), Tết cổ truyền Raya Idil Adha, Tháng Ramadan, hành hương Haji tại Merca đều được tổ chức chu đáo với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền các cấp. Hoạt động phân phối, tái bản kinh sách, tổ chức các khóa học trang bị kiến thức Hồi giáo cơ bản, mở các lớp dạy chữ Chăm (Nam Bộ), dạy Kinh Koran và cơ bản giáo lý... diễn ra thuận lợi tại các khu vực.
Trong nhiệm kỳ, năm Thánh đường Hồi giáo tại các quận 10, 1, 8, Phú Nhuận và Bình Thạnh đã được xây cất mới và tu bổ khang trang với tổng kinh phí gần năm tỷ đồng; cộng đồng đã được chính quyền thành phố hỗ trợ đất và kinh phí để có được khu vực nghĩa trang riêng cho người Hồi giáo.
Với ưu thế của Cộng đồng Hồi giáo tại một thành phố lớn, Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh đã đảm đương tốt vai trò đại diện cho Hồi giáo cả nước thực hiện nhiều nhiệm vụ đối ngoại quan trọng như: tham dự Hội nghị hòa bình, hợp tác, giá trị con người tại Singapore, Hội nghị liên tôn khu vực (Philippines), Hội nghị ASEM lần thứ II (Sip) với đề tài vai trò tôn giáo trong xã hội đa văn hóa-đa dân tộc, dự các tọa đàm khoa học quốc tế...
Thông qua các sự kiện này, Cộng đồng đã giúp nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và cá nhân hiểu biết rõ hơn về tình hình sinh hoạt tín ngưỡng tại Việt Nam, chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước cũng như niềm tin, mong muốn góp sức của toàn thể tín đồ Hồi giáo Việt Nam vào sự phát triển toàn diện của đất nước trong thời kỳ mới.
Ðại hội đã suy cử chín vị là các giáo cả, I-mam, Tuan uy tín, gương mẫu vào Ban Ðại diện Cộng đồng Hồi giáo khóa IV.
Thông Tấn Xã Việt Nam



KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần III


KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần III






TS. Bùi Nhật Quang
VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU PHI VÀ TRUNG ĐÔNG
Phần III (tiếp theo)
- Nguy cơ Hồi giáo hóa xã hội: Các nhóm Hồi giáo cấp tiến tập trung vào thúc đẩyDawa - việc cải giáo theo đạo Hồi, coi đó là cách để mở rộng hệ tư tưởng Hồi giáo cấp tiến ra toàn xã hội. Việc cải giáo có thể là tự nguyện nhưng cũng có thể là cưỡng bức và một trong những trọng tâm được tín đồ Hồi giáo cấp tiến chú ý là tăng cường ảnh hưởng tại các cộng đồng Hồi giáo thiểu số đang sinh sống tại các quốc gia phương Tây, tuyên truyền về việc giúp họ thoát khỏi “áp bức” và không bị “tẩy não” bởi bàn tay của những kẻ ngoại đạo. Đây được coi như một dạng thánh chiến về văn hóa dẫn tới xu hướng “cấp tiến hóa” và “cực đoan hóa” các cộng đồng Hồi giáo thiểu số, gây ra những nguy cơ lớn tới an ninh và ổn định của nhiều quốc gia.
- Bạo lực và khủng bố: Đây là nguy cơ nhãn tiền của Hồi giáo cấp tiến và các tổ chức cực đoan Hồi giáo. Thánh chiến Jihad được thúc đẩy hết mức để các tín đồ Hồi giáo cấp tiến đấu tranh bạo lực chống lại những “kẻ thù” của đạo Hồi. Các tổ chức chủ trương thánh chiến, khủng bố, bạo lực thường được nhắc tới là al-Qaeda, Hamas…đã và đang sử dụng các biện pháp cực đoan và biến những nguy cơ lớn này trở thành sự hủy hoại thực sự trong nhiều trường hợp
 3. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ.
            Hồi giáo là một tôn giáo lớn với vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn phát triển thời hiện đại. Với số lượng tín đồ khoảng hơn 1,5 tỷ người và tốc độ tăng nhanh nhất trong tương quan với các tôn giáo khác, dự kiến trong thời gian 10 năm tới Hồi giáo chắc chắn sẽ khẳng định được vị trị là tôn giáo lớn nhất thế giới xét về số lượng tín đồ. Tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển của Hồi giáo cũng như các khuynh hướng phát triển của tôn giáo này trong thời hiện đại đã cho thấy một số nét đáng chú ý:
            - Hồi giáo là tôn giáo được biết tới nhiều nhất trong giai đoạn phát triển ngày nay do hầu hết những biến động lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trên thế giới đều có liên quan tới yếu tố tôn giáo và có sự can dự của các tín đồ Hồi giáo.
            - Trung Đông là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tôn giáo lớn trên thế giới và là nơi cả Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hình thành phát triển. Với đặc điểm là nơi khởi nguồn của các tôn giáo lớn như vậy đã khiến cho Trung Đông trở thành khu vực rất nhạy cảm về tôn giáo và trên thực tế Hồi giáo đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới các quốc gia Trung Đông, trong nhiều trường hợp Hồi giáo đã giữ vai trò kiểm soát cả về thế quyền và thần quyền tại các quốc gia này. Như vậy, mỗi biến động trong khuynh hướng phát triển của Hồi giáo đều có tác động trực tiếp tới các quốc gia Trung Đông và tác động đó có khả năng lan tỏa ra khắp cộng đồng các tín đồ Hồi giáo cũng như tới thế giới bên ngoài.
            - Khuynh hướng phát triển hiện đại cho thấy sự tách biệt giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia dường như đang mạnh hơn, rõ nét hơn và trong nhiều trường hợp những mâu thuẫn giữa hai trào lưu bên trong một tôn giáo đã là nguyên nhân của xung đột và bạo lực. Khuynh hướng phát triển này của Hồi giáo thời hiện đại khiến cho tính chất bất ổn tôn giáo có xu hướng gia tăng và cần được theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có
            - Giai đoạn phát triển thời hiện đại cũng cho thấy Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo đang chịu sức ép rất lớn từ thế giới bên ngoài với lý do cho rằng một số trào lưu phát triển của tôn giáo này đang tiềm ẩn những nguy cơ nhất định đối với an ninh, ổn định và phát triển của thế giới. Trong khi trào lưu Hồi giáo tự do với nhiều quan điểm tiến bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển mới đang được thế giới bên ngoài ghi nhận với nhiều thiện cảm thì xu hướng “cấp tiến hóa” và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, an ninh trên toàn cầu. Khuynh hướng phát triển của Hồi giáo theo hướng cực đoan đã bị cả thể giới lên án do khuynh hướng này luôn gắn với hàng loạt các sự kiện khủng bố, đánh bom tự sát, bạo lực, xung đột vũ trang…vv. Đây thực sự là một hướng biến động tiêu cực và thực tế cho thấy khuynh hướng này vẫn đang diễn ra một cách mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu bất chấp các nỗ lực của cộng đông quốc tế tìm cách ngăn chặn trào lưu cực đoan này.
- Sự phát triển tương đối nhanh của Hồi giáo cấp tiến và sự lớn mạnh của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo với các tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo…vv của nhiều quốc gia trong mọi trường hợp vẫn cần được coi là mang tính tất yếu và là một khuynh hướng phát triển không thể tránh khỏi trong môi trường quốc tế hết sức bất ổn và biến động khó dự đoán giai đoạn hiện nay. Hồi giáo cấp tiến và xu hướng cực đoan hóa cần được lý giải với các nguyên nhân sâu xa về kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử tồn tại bên trong các xã hội Hồi giáo trong đó chủ yếu có thể kể tới lý do (1) kinh tế khó khăn của một bộ phận lớn người dân tại các quốc gia Hồi giáo khiến họ mất phương hướng trong cuộc sống và dễ bị lôi kéo vào các phong trào Hồi giáo cực đoan để tìm đường giải thoát cho bản thân và gia đình và (2) sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của xã hội Hồi giáo khiến tâm lý chống phương Tây, chống Mỹ càng thêm gay gắt.
            Tóm lại, tìm hiểu về thực trạng Hồi giáo và các khuynh hướng phát triển của tôn giáo này cho thấy Hồi giáo thực sự là một vấn đề phát triển mang đủ các sắc thái kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, tư tưởng với các tác động to lớn tới mọi mặt đời sống của người dân trên toàn thế giới. Với số lượng tín đồ đang tăng rất nhanh và các tư tưởng tôn giáo đang mở rộng ra nhiều cộng đồng dân cư, rõ ràng Hồi giáo đang ngày càng bành trướng phạm vi ảnh hưởng và mở rộng tới các không gian địa lý, văn hóa, tinh thần vô cùng rộng lớn. Xét về mặt lịch sử, các tôn giáo lớn của thế giới như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo… đều có chung một nguồn gốc: được khởi nguồn từ tổ phụ Abraham, cùng có niềm tin vào Thiên Chúa. Trong kinh Koran của người Hồi giáo, hay kinh Torah của người Do Thái và Kinh Thánh của người Thiên Chúa giáo đều xác định nguồn gốc này. Tuy nhiên, khuynh hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Hồi giáo như hiện nay cùng với những tác động của hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và các quan điểm khác nhau về đức tin, lối sống khiến cho tại nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là tại khu vực Trung Đông đã có những cuộc xung đột tôn giáo lớn. Hầu hết các đánh giá đều cho rằng dường như chưa thể có giải pháp nào thực sự hữu hiệu có thể giải quyết triệt để các vấn đề mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong quan hệ giữa các nhóm tôn giáo với vai trò nổi bật của Hồi giáo.
Tìm hiểu về Hồi giáo và các vấn đề phát triển, tác động của tôn giáo này trên thế giới luôn là vấn đề phức tạp, vấn đề “nóng”, vấn đề “nhạy cảm”. Mặc dù vậy, đây là vấn đề không thể bỏ qua đối với tất cả các quốc gia đang cùng tồn tại, phát triển trong thời đại toàn cầu hóa với những mối liên hệ qua lại, ràng buộc lẫn nhau rất chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo
1.      Bùi Nhật Quang (chủ biên), “Những vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật của Trung Đông và xu hướng đến năm 2020”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2011.
2.      Omid Safi, “What is Progressive Islam?” Mar 29, 2005, www.nawaat.org
3.      Charles Kurzman, “Liberal Islam: Prospects and Challenges”, Middle East Review of International Affairs Vol. 3, No. 3, September 1999.
4.      Egdūnas Račius, “The Multiple Nature of the Islamic Da'wa”, Academic Dissertation, University of Helsinki, October 2004.
5.      Islam In The Modern World”, Religion and Spiritual Beliefs Resource, important.ca
6.      Understanding Islamism”, International Crisis Group, Middle East/North Africa Report N°37 – 2 March 2005.
7.      “Understanding Radical Islam”, Radicalislam.org, Clarion Fund, 2009.

KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần II


KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần II



TS. Bùi Nhật Quang
VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU PHI VÀ TRUNG ĐÔNG


Dự báo về biến động số lượng tín đồ Hồi giáo cho thấy trong thời gian từ nay đến năm 2030, số lượng tín đồ Hồi giáo đang và sẽ tăng với tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số không theo Hồi giáo và PEW Research Center đưa ra tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2010 - 2030 của tín đồ Hồi giáo là 1,5% so với 0,7% của dân số không theo đạo Hồi và với tốc độ tăng dự kiến như vậy thì vào năm 2030, tín đồ Hồi giáo sẽ chiếm tới 26,4% trong tổng số 8,3 tỷ dân số toàn cầu.
Các quốc gia có trên 1 triệu người Hồi giáo
Nguồn: Pew Research Center’s Forum on Religion & Public Life, Mapping the Global Muslim Population, October 2009.
 2.2. Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia.
Trong quá trình phát triển của mình, Hồi giáo ngày càng vươn xa tới nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới và qua mỗi thời kỳ, tôn giào này đã có những điều chỉnh nhất định để thích nghi với bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa tại các địa phương. Dù vậy, một trong những biến động lớn của Hồi giáo là sự kiện Nhà tiên tri Mohammed mất (năm 632) và các tranh cãi về quyền kế thừa đã khiến cho Hồi giáo tách thành hai dòng lớn: Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia (còn gọi là Hồi giáo Shiite). Mặc dù sự phân tách theo hai dòng Hồi giáo như trên có nguyên nhân lịch sử từ nhiều thế kỷ trước đây nhưng các khuynh hướng phát triển Hồi giáo hiện đại lại thể hiện nhiều đặc điểm mới khiến cho sự chia tách như vậy đang trở thành vấn đề sâu xa đằng sau nhiều sự kiện biến động nổi bật của giai đoạn hiện nay.
Người Hồi giáo Sunni tự coi mình là dòng chính thống và truyền thống của đạo Hồi. Từ Sunni xuất phát từ cụm từ “ahl al-Sunna”, nghĩa là con người của truyền thống. Người Hồi giáo Sunni sùng kính tất cả các đấng tiên tri được nêu trong kinh Koran, đặc biệt là Mohammed. Trong khi đó, người Hồi giáo Shia theo nghĩa đầy đủ là “Shiat Ali” tự coi mình là nhóm thừa hưởng các quyền lợi của Ali, con rể Mohammed và họ tự coi họ là những người đi theo đường lối chính trị, nối dõi trong việc lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Cả hai dòng Hồi giáo này đều tôn thờ thánh Alla và Muhammed, cùng thực hiện 5 trụ cột cơ bản của Hồi giáo. Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà tiên tri Mohammed mất, hai dòng Hồi giáo trên đã có những xung đột liên quan đến việc ai sẽ là người lãnh đạo đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ phát triển, sự khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo ngày càng gia tăng với những tranh cãi liên quan tới quan điểm chính trị, những khác biệt về lý luận logic và một số khác biệt khác về cách thức thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Bảng 3. Phân biệt giữa Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia
Hồi giáo dòng Sunni là dòng Hồi giáo lớn nhất và các tín đồ Hồi giáo Sunni thường được coi là “những người của truyền thống Mohammed và của cộng đồng”. Hồi giáo Sunni được coi là dòng chính thống và danh từ “Sunni” có từ nguyên là Sunnah để chỉ những lời răn rạy và hành động của Thánh Mohammed được ghi lại trong Sách thánh Hadith[1]. Tín đồ Hồi giáo Sunni coi Sahih al-Bukhari  Sahih Muslim là Sách thánh Hadith chính thức của mình.
Hồi giáo dòng Sunni có 4 trường phái tư tưởng chính thức (gọi là cácmadh’hab) được chấp nhận rộng rãi bao gồm: (1) Trường phái Hanafi; (2) Trường phái Maliki; (3) Trường phái Shafi’i và (4) Trường phái Hanbali. Cả 4 trường phái này đều nghiên cứu về các tập quán tôn giáo, việc thực thi các nghi lễ tín ngưỡng và về các Hadith do vị Imam[2] thứ 6 là Jaffar Al-Sadiq (cháu nội của nhà tiên tri Mohammed) kể lại. Hồi giáo dòng Sunni chỉ chấp nhận 4 vị Caliph[3] đầu tiên là người kế thừa chính trị hợp pháp của Mohammed và chấp nhận các Hadith do những Sahabah [4] của Mohammed kể lại
Hồi giáo dòng Shia là dòng Hồi giáo lớn thứ hai sau Hồi giáo Sunni. Những tín đồ Hồi giáo Shia được gọi là những người Hồi giáo Shi’ites hoặc Shias. Shia là chữ viết tắt của cụm từ Shi’atu ‘Ali có nghĩa là người tin theo Ali hoặc Trường phái Ali. Hồi giáo Shia cho rằng gia đình của Mohammed (với tên gọi Ahl al-Bayt) và một số thành viên nhất định trong số những người kế thừa của ngài (gọi là các Imam) là những người có đầy đủ thần quyền và thế quyền để cai trị cộng đồng Hồi giáo. Các tín đồ Hồi giáo Shia cũng tin rằng Ali (con rể của Mohammed) là người đầu tiên trong những Imam này và do vậy là người kế thừa chính thức của Mohammed. Điều này có nghĩa là Hồi giáo Shia phủ nhận tính hợp pháp của 3 vị Caliph khác.
Tín đồ Hồi giáo Shias coi Ali là lãnh đạo tôn giáo quan trọng thứ hai sau Nhà tiên tri Mohammed và họ cũng cho rằng Mohammed đã nhiều lần chỉ ra rằng Ali sẽ là người kế thừa vị trí lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo sau khi ngài mất. Ali với tư cách người kế thừa của Mohammed không chỉ nắm quyền lãnh đạo mà còn có quyền diễn giải Luật Sharia và những hàm ý bí truyền của luật này. Ali được coi là vị Imam đầu tiên, là người “hoàn hảo” và tín đồ Hồi giáo Shia chỉ chấp nhận các Hadith về Mohammed và các Imam (chứ không chấp nhận các Hadith của người đồng hành Sahabah như đối với Hồi giáo Sunni)
Sự khác biệt trong chấp nhận các Hadith được coi là một trong những khác biệt và mâu thuẫn lớn giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia.
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả.
Nghiên cứu năm 2009 của PEW Research Center đã đưa ra những số liệu mới nhất về thực trạng biến động số lượng tín đồ Hồi giáo Sunni và Shia trên thế giới trong đó xác định rằng đại đa số người Hồi giáo trên thế giới là thuộc dòng Sunni và chỉ khoảng 10% đến 13% là thuộc dòng Shia. Điều này có nghĩa là tổng số tín đồ Hồi giáo Shia trên thế giới là vào khoảng 154 đến 200 triệu người. Số liệu khảo sát thực tế cũng cho biết khoảng ¾ tổng số tín đồ Hồi giáo Shia đang sinh sống tại châu Á với con số từ 116 đến 147 triệu người. Một bộ phận tương đối lớn khác tín đồ dòng Shia (khoảng ¼) hiện sinh sống tại Trung Đông – Bắc Phi.
Một đặc điểm quan trọng nữa liên quan đến sự khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo là dòng Shia tuy chiếm số lượng ít hơn nhưng thường có vị trí rất quan trọng và nắm quyền lãnh đạo tại một số quốc gia Hồi giáo lớn. Số liệu nghiên cứu cho thấy phần lớn người Shia (từ 68% đến 80%) hiện sống tại 4 quốc gia là Iran, Pakistan, Ấn Độ và Iraq. Cộng hòa Hồi giáo Iran là nơi sinh sống của từ 66 đến 70 triệu tín đồ Hồi giáo Shia, tương đương với 37% - 40% tổng số tín đồ dòng Shia trên thế giới.
Sự khác biệt của hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia cho đến nay vẫn thể hiện một khuynh hướng biến động quan trọng của Hồi giáo nói chung và trở thành lý do đằng sau những sự kiện mâu thuẫn, xung đột ngay trong nội tại thế giới Hồi giáo. Một số vấn đề về Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia có thể được đề cập bao gồm:
- Kể từ khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 thành công, nhà nước Iran và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự Hồi giáo Shia cấp tiến, đặt ra thách thức về thần học và tư tưởng đối với chế độ bảo thủ của phái Sunni, đặc biệt ở khu vực vùng Vịnh Ba Tư.
- Tại Lebanon, người Hồi giáo Shia được trọng vọng và có tiếng nói chính trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở nhiều nước khác, sự xung đột giữa Hồi giáo Sunni và Shia ngày càng sâu sắc. Một số luận thuyết bảo thủ của người Sunni đã chủ trương hận thù người Shia. Tại Pakistan cũng đã từng có những giai đoạn lịch sử xung đột đẫm máu giữa người Shia và người Sunni trong thập kỷ 1980. Tại Iraq, cuộc chiến tôn giáo giữa người Shia và người Sunni vẫn đang tiếp diễn và tình hình Iraq cho tới hiện tại đang diễn biến ngày càng phức tạp với những vấn đề mâu thuẫn đan xen: mâu thuẫn giữa dân bản địa với sự hiện diện của binh lính nước ngoài, mâu thuận giữa hai dòng Hồi giáo trong quan hệ với bên ngoài và trong quan hệ với nhau.
- Kể từ đầu năm 2011, các sự kiện về bạo loạn, biểu tình chống chính phủ tại hàng loạt các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi cũng có phần liên quan tới mâu thuẫn giữa Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shia với trường hợp tiêu biểu là tại Bahrain khi người Hồi giào dòng Shia chiếm đa số nhưng nhà nước lại do dòng Sunni lãnh đạo, dẫn tới những mâu thuẫn sâu sắc cả về quyền lợi kinh tế lẫn tư tưởng, đường lối tôn giáo. Điều này khiến cho Bahrain trở thành một trong những điểm nóng của biểu tình, bạo loạn chống chính phủ.
Như vậy có thể thấy những rạn nứt giữa người Sunni và người Shia đang tạo nên một sự chia rẽ rất khó hàn gắn ngay trong nội tại đạo Hồi. Sự chia cắt giữa các dòng tôn giáo, các trường phái tư tưởng trong nội tại đạo Hồi sau khi Mohammed mất đã làm suy giảm khả năng liên kết thành một khối thống nhất mạnh mẽ của người dân Arab. Trong thời kỳ phát triển hiện đại, khuynh hướng phân tách giữa hai dòng Hồi giáo chủ yếu vẫn đang nổi lên ngày càng mạnh và được coi như một trong những lý do tạo ra những nhìn nhận tiêu cực của thế giới bên ngoài đối với các tín đồ Hồi giáo. Các vấn đề của hai dòng Hồi giáo cũng góp phần làm đẩy nhanh quá trình phân hóa bên trong tôn giáo này để tạo ra các trào lưu Hồi giáo tự do, Hồi giáo ôn hòa cũng như Hồi giáo cấp tiến, Hồi giáo cực đoan.
2.3. Biến động của các trào lưu Hồi giáo.
            Một khuynh hướng nổi bật trong quá trình phát triển của Hồi giáo hiện đại là sự biến động của đức tin Hồi giáo, sự hình thành của các trường phái tư tưởng Hồi giáo mang tính chất “cải cách” và hướng tới tạo ra cho thế giới bên ngoài nhìn nhận tích cực và thiện cảm hơn về các tín đồ Hồi giáo. Cùng lúc đó, một khuynh hướng khác cũng đang diễn ra: quá trình Hồi giáo và các luật lệ tôn giáo bị siết chặt hơn, đẩy tôn giáo này vào xu thế quay lại với trào lưu chính thống, hình thành Hồi giáo cấp tiến hoặc “cực đoan hóa” để trở thành Hồi giáo cực đoan.
* Hồi giáo tự do (Liberal Islam).
Mặc dù một trong những khuynh hướng chủ đạo của Hồi giáo trong thời kỳ phát triển hiện đại là Hồi giáo theo trào lưu chính thống (Fundamentalist Islam) nhưng trong nội tại quá trình phát triển của tôn giáo này vẫn có một số các khuynh hướng phát triển theo hướng tự do để tìm tòi cách cách thức thay thế khác nhau giúp cho đức tin Hồi giáo có thể thích ứng với bối cảnh của thế giới thời hiện đại. Các khuynh hướng phát triển này được biết tới với tên gọi Hồi giáo tự do (Liberal Islam).
Các truyền thống Hồi giáo được hình thành từ một số nguồn bao gồm: Kinh Koran, các truyện kể Hadith và diễn giải hai văn bản này (được coi là các Sách Mặc Khải) của các học giả. Trong quá trình phát triển nhiều thế kỷ của Hồi giáo, các khuynh hướng chủ đạo vẫn là sự nổi trội của trào lưu Hồi giáo chính thống với khẳng định rằng việc diễn giải các sách Mặc Khải là không thể thay đổi, ngay cả đối với những văn bản mang đặc tính tôn giáo dân gian không xác định được là có liên hệ trực tiếp tới nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, một khuynh hướng biến động đáng quan tâm trong thời hiện đại là việc nhìn nhận lại cách thức tiếp cận các sách thánh đó của Hồi giáo cũng như nhìn nhận, diễn giải về các luật lệ Hồi giáo mà điển hình là Luật Sharia. Những người đi theo khuynh hướng tiếp cận mới này được coi là theo trào lưu Hồi giáo tự do.
Hồi giáo tự do nhìn chung được xác định trong khuôn khổ việc diễn giải về tôn giáo với quan tâm đặc biệt tới các vấn đề như dân chủ, tách biệt tôn giáo khỏi hoạt động chính trị, quyền của phụ nữ, tự do tư tưởng và thúc đẩy tiến bộ của con người. Những người theo trào lưu Hồi giáo tự do cho rằng luật Hồi giáo Sharia có tính chất linh hoạt hơn rất nhiều so với những yếu tố đang được hệ thống pháp lý Hồi giáo chính thống quy định và nhiều học giả Hồi giáo hiện đại tin rằng luật này cần được đổi mới, các nhà luật học cổ điển không nên bảo lưu những thẩm quyền đặc biệt của mình. Quan điểm như vậy đòi hỏi phải tạo lập cách thức thực thi luật mới phù hợp với thế giới hiện đại và áp dụng luật trong bối cảnh phát triển mới. Trào lưu Hồi giáo tự do không tìm cách thách thức các giá trị nền tảng của Hồi giáo mà tìm cách làm rõ, xóa bỏ các diễn giải sai lầm để từ đó tạo điều kiện cho việc đổi mới địa vị của thế giới Hồi giáo với vai trò một trung tâm tư tưởng hiện đại, tự do.
Bảng 4. Đồng thuận cơ bản của Hồi giáo tự do
Các tín đồ Hồi giáo tự do về cơ bản đã thống nhất ở một số đức tin và nguyên tắc tôn giáo tạo cho họ sự khác biệt so với Hồi giáo truyền thống:
-         Phản đối chế độ nô lệ và đa thê (đây là điều được chấp nhận vào thời đại của Mohammed)
-         Quan tâm tới nhân quyền và câu truyện về Adam trong kinh Koran đôi khi được diễn giải để bảo vệ nhân quyền
-         Coi trọng nữ quyền, chỉ trích Hồi giáo truyền thống về chế độ đa thê và khẳng định rằng phụ nữ có thể giữ các chức danh lãnh đạo tôn giáo, có thể lãnh đạo nhà nước và không cần phải tách biệt khỏi nam giới trong sinh hoạt xã hội cũng như trong nhà thờ, không cần dùng mạng che mặt
-         Ủng hộ xây dựng xã hội dân chủ, hiện đại, tách biệt thần quyền khỏi thế quyền
-         Đồng thuận về việc diễn giải kinh Koran và các sách Mặc Khải khác theo cách thức có thể dễ được chấp nhận hơn trong xã hội hiện đại
-         Chống lại ý tưởng đấu tranh có vũ trang – chẳng hạn như thánh chiến Jihad và ủng hộ các biện pháp hòa bình, phi bạo lực.
-         Nghi ngờ về độ tin cậy và khả năng áp dụng các sách Hadith trong cuộc sống thực tế
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
Như vậy, trào lưu Hồi giáo tự do đang được thúc đẩy để thực hiện cải cách tôn giáo và điều chỉnh những nội dung mà họ cho là được diễn giải sai. Phương pháp cải cách về căn bản được chia thành hai loại:
(1) Cách thứ nhất là cải cách bằng phương pháp diễn giải lại văn bản sách truyền thống là nguồn để tạo lập ra bộ luật Hồi giáo[5]. Phương pháp này được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau: từ những khác biệt nhỏ so với cách thức diễn giải truyền thống đến những diễn giải tự do hơn, chỉ coi ý nghĩa của kinh Koran như một nguồn cảm xúc thần thánh trong khi từng từ ngữ của cuốn sách thánh này được tin rằng chỉ có ý nghĩa là các lời răn dạy của nhà tiên tri Mohammed, chỉ phù hợp với thời đại của ngài và bối cảnh cuộc sống lúc đó. Điều này có nghĩa là các câu thơ trong kinh Koran khi diễn giải vào thời hiện đại thì chỉ mang tính chất phúng dụ hoặc thậm chí là không cần phải diễn giải nữa.
(2) Cách thức thứ hai đặt ra nghi ngờ về tính chất xác thực của các văn bản sách thánh truyền thống của đạo Hồi, do các học giả Hồi giáo truyền thống áp dụng. Cách thức cải cách này dẫn tới kết quả là hình thành trào lưu Hồi giáo tự do ở mức độ cao nhất có tên gọi là Qur’an Alone (chỉ duy nhất kinh Koran là đúng). Đây là trào lưu Hồi giáo tự do của những tín đồ chỉ tin theo kinh Koran và coi đây là sách thánh duy nhất của Hồi giáo. Những tín đồ này không công nhận các sách Mặc Khải khác như Hadith vàSunnah[6].
Bảng 5. Sáu Đức tin Hồi giáo
Các sách viết về giáo lý Hồi Giáo đều đồng nhất tóm lược tất cả các tín điều căn bản (fundamental beliefs) thành 6 điều chính yếu được gọi là Sáu Đức tin Hồi giáo
1. Tin có một Thiên Chúa Duy Nhất (The Only God).
2. Tin có các Thiên Thần và Ma Quỉ
3. Tin các sách Mặc Khải (Books of Revelation)
4. Tin các vị Thiên Sứ (Messengers/Prophets)
5. Tin có ngày tận thế, xác kẻ chết sống lại, mọi người sẽ được Thiên Chúa xét xử trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng
6. Mọi việc đều do Thiên Chúa tiền định nhưng mọi người đểu có ý chí tự do
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
Trong giai đoạn phát triển thời hiện đại, các xu hướng phát triển tự do đã hiện hữu và được thúc đẩy mạnh mẽ ngay bên trong thế giới Hồi giáo và từ đó, kinh Koran cùng các Hadith đã được diễn giải theo bối cảnh cụ thể của mỗi nhóm dân cư, mỗi cộng đồng Hồi giáo chứ không còn dựa theo quan điểm truyền thống của Hồi giáo thời trung cổ nữa. Tín đồ Hồi giáo tự do tuyên bố rằng họ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào những giáo lý căn bản của đạo Hồi, chẳng hạn như sự thừa nhận đối với Năm trụ cột của Hồi giáo và Sáu đức tin. Dù vậy, người Hồi giáo tự do cho rằng họ đang quay trở lại với những nguyên tắc căn bản của cộng đồng Hồi giáo giai đoạn đầu tiên, trước khi các nguyên tắc này bị làm cho biến đổi vào thời trung cổ. Sự khác biệt chủ yếu của trào lưu tự do chính là ở cách nhận thức, nắm bắt và áp dụng các giá trị Hồi giáo cốt lõi vào cuộc sống thời hiện đại.
* Hồi giáo cấp tiến và Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo (Radical Islam and Islamic Extremism).
Một khuynh hướng đáng chú ý khác của Hồi giáo thời kỳ phát triển hiện đại là sự nhấn mạnh tới các giá trị được cho là “giá trị Hồi giáo chính thống” của các tín đồ và khuy hướng này được biết tới với tên gọi Hồi giáo cấp tiến. Trong khi đa số tín đồ Hồi giáo đang tin theo những dạng thức tôn giáo hòa bình thì một bộ phận nhỏ các tín đồ Hồi giáo cấp tiến muốn xây dựng một xã hội dựa hoàn toàn vào kinh Koran và sách thánh Hadith, phủ nhận cách thức diễn giải kinh sách hiện đại được coi là kết quả của nhiều thế kỷ đổi mới và điều chỉnh[7]. Các tín đồ Hồi giáo cấp tiến lập luận rằng những ảnh hưởng thế tục của ngoại bang đang làm sai lệch và đầu độc xã hội Hồi giáo và do vậy cần phải gây sức ép để tất cải phải quay lại với nhận thức ban đầu về Hồi giáo. Thánh chiến (Jihad) và đòi hỏi cải giáo theo đạo Hồi (Dawa) là cách thức để đạt tới mục đích này
Bảng 6. Jihad và các dạng thức chủ yếu
Jihad trong ngôn ngữ của đạo Hồi được hiểu là cuộc Thánh chiến, cuộc đấu tranh có vũ trang của người Hồi giáo thực hiện với 3 dạng thức chủ yếu:
- Đấu tranh nội bộ (Internal Jihad): là cuộc thánh chiến để chống lại các chế độ về hình thức là Hồi giáo nhưng bị cho là nghịch đạo, không kính Chúa và do vậy trở thành đối tượng đấu tranh, lật đổ
- Thánh chiến để phục hồi lãnh thổ (Irredentist Jihad): Đấu tranh, thánh chiến để đòi lại các vùng đất được coi là thuộc về thế giới Hồi giáo nhưng bị các thế lực phi Hồi giáo hoặc tà đạo chiếm đóng (đã và đang diễn ra tại các nơi như Afghanistan, Chechnya, Kashmir, Mindanao và đặc biệt là Palestine)
- Thánh chiến toàn cầu (Global Jihad): Đây là chủ đề của thời kỳ phát triển hiện đại khi cuộc Thánh chiến được kêu gọi để các tín đồ Hồi giáo cấp tiến chống lại phương Tây hoặc cụ thể hơn nữa là chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này (tập trung nhiều nhất là chống lại Israel). Cuộc Thánh chiến toàn cầu được coi là do tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Qaeda đi tiên phong, phát động kể từ năm 1998 và sau đó được nhiều mạng lưới Hồi giáo độc lập khác hưởng ứng, trở thành một phong trào lan rộng cho tới hiện nay.
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
 Phong trào Hồi giáo cấp tiến đã đặt ra những yêu cầu và cách thức hành động cụ thể để tác động tới người Hồi giáo cũng như toàn thể thế giới. Các tín đồ Hồi giáo cấp tiến nhấn mạnh tới sự cần thiết phải áp dụng Luật Hồi giáo Sharia cho toàn thể xã hội hiện đại. Họ cũng phát triển ý tưởng về việc xây dựng một thế giới Hồi giáo mở rộng và xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Đối với các tín đồ Hồi giáo cấp tiến, mục tiêu cuối cùng là khôi phục Caliphate – một nhà nước Hồi giáo nhất nguyên do một lãnh đạo tối cao là Caliph cai quản. Đây được coi là nhà nước Hồi giáo có khả năng phát triển đạo Hồi ra toàn thế giới và bắt toàn bộ các quốc gia khác phải quy phục.
Một dạng thức được đẩy lên mức cao nhất của Hồi giáo cấp tiến được biết tới với tên gọi Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Khuynh hướng phát triển này của Hồi giáo đặc biệt được nhắc tới trong giai đoạn phát triển của thế giới thời hiện đại sau sự kiện khủng bổ 11/9/2001 tại Hoa Kỳ và tiếp nối sau đó là cuộc đấu tranh chống khủng bố do Hoa Kỳ phát động trên toàn cầu. Về cơ bản, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo có thể được coi như một khuynh hướng phát triển của Hồi giáo hiện đại và bao hàm hai nội dung chính:
(1) Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo thể hiện ở quan điểm bảo thủ đến mức cực đoantrong áp dụng, thực thi các giáo lý của đạo Hồi. Việc giữ quan điểm bảo thủ cực đoan không nhất thiết bao hàm các hành động bạo lực nhưng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực trong quy định về các hành vi, lối sống của các tín đồ Hồi giáo và các nhà nước Hồi giáo
(2) Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo thể hiện ở việc sử dụng các phương thức đấu tranh cực đoan và bạo lực như khủng bố, đánh bom tự sát…vv để đạt tới các mục tiêu tôn giáo.
Hồi giáo cực đoan phát triển rất mạnh kể từ năm 1996 khi Osama Bin Laden[8]đưa ra Fatwah - một quyết định tôn giáo chính thức kêu gọi những người Hồi giáo giết lính Mỹ đang đóng quân ở Saudi Arabia. Năm 1998, Fatwah viết “Giết những người Mỹ và đồng minh của chúng - cả lực lượng dân sự và quân đội – là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người Hồi giáo, những người có thể làm một điều gì đó cho đất nước của mình”; và “Tự do cho al-Aqsa Mosque và xoá sạch quân đội Mỹ và đồng minh trên những mảnh đất của người Hồi giáo[9]. Bin Laden đã thành lập tổ chức cực đoan al-Qaeda với mục tiêu “Xoá bỏ mọi ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài trong các nước Hồi giáo, và hình thành những nhà nước Hồi giáo mới”[10]. Al-Qaeda đã phát động phong trào Jihad trên khắp thế giới để chống lại phương Tây và các tôn giáo khác và gây ra nhiều vụ khủng bố lớn, chẳng hạn như sự kiện khủng bố 11/9...