Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần III


KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI - Phần III






TS. Bùi Nhật Quang
VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU PHI VÀ TRUNG ĐÔNG
Phần III (tiếp theo)
- Nguy cơ Hồi giáo hóa xã hội: Các nhóm Hồi giáo cấp tiến tập trung vào thúc đẩyDawa - việc cải giáo theo đạo Hồi, coi đó là cách để mở rộng hệ tư tưởng Hồi giáo cấp tiến ra toàn xã hội. Việc cải giáo có thể là tự nguyện nhưng cũng có thể là cưỡng bức và một trong những trọng tâm được tín đồ Hồi giáo cấp tiến chú ý là tăng cường ảnh hưởng tại các cộng đồng Hồi giáo thiểu số đang sinh sống tại các quốc gia phương Tây, tuyên truyền về việc giúp họ thoát khỏi “áp bức” và không bị “tẩy não” bởi bàn tay của những kẻ ngoại đạo. Đây được coi như một dạng thánh chiến về văn hóa dẫn tới xu hướng “cấp tiến hóa” và “cực đoan hóa” các cộng đồng Hồi giáo thiểu số, gây ra những nguy cơ lớn tới an ninh và ổn định của nhiều quốc gia.
- Bạo lực và khủng bố: Đây là nguy cơ nhãn tiền của Hồi giáo cấp tiến và các tổ chức cực đoan Hồi giáo. Thánh chiến Jihad được thúc đẩy hết mức để các tín đồ Hồi giáo cấp tiến đấu tranh bạo lực chống lại những “kẻ thù” của đạo Hồi. Các tổ chức chủ trương thánh chiến, khủng bố, bạo lực thường được nhắc tới là al-Qaeda, Hamas…đã và đang sử dụng các biện pháp cực đoan và biến những nguy cơ lớn này trở thành sự hủy hoại thực sự trong nhiều trường hợp
 3. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ.
            Hồi giáo là một tôn giáo lớn với vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn phát triển thời hiện đại. Với số lượng tín đồ khoảng hơn 1,5 tỷ người và tốc độ tăng nhanh nhất trong tương quan với các tôn giáo khác, dự kiến trong thời gian 10 năm tới Hồi giáo chắc chắn sẽ khẳng định được vị trị là tôn giáo lớn nhất thế giới xét về số lượng tín đồ. Tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển của Hồi giáo cũng như các khuynh hướng phát triển của tôn giáo này trong thời hiện đại đã cho thấy một số nét đáng chú ý:
            - Hồi giáo là tôn giáo được biết tới nhiều nhất trong giai đoạn phát triển ngày nay do hầu hết những biến động lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trên thế giới đều có liên quan tới yếu tố tôn giáo và có sự can dự của các tín đồ Hồi giáo.
            - Trung Đông là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tôn giáo lớn trên thế giới và là nơi cả Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hình thành phát triển. Với đặc điểm là nơi khởi nguồn của các tôn giáo lớn như vậy đã khiến cho Trung Đông trở thành khu vực rất nhạy cảm về tôn giáo và trên thực tế Hồi giáo đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới các quốc gia Trung Đông, trong nhiều trường hợp Hồi giáo đã giữ vai trò kiểm soát cả về thế quyền và thần quyền tại các quốc gia này. Như vậy, mỗi biến động trong khuynh hướng phát triển của Hồi giáo đều có tác động trực tiếp tới các quốc gia Trung Đông và tác động đó có khả năng lan tỏa ra khắp cộng đồng các tín đồ Hồi giáo cũng như tới thế giới bên ngoài.
            - Khuynh hướng phát triển hiện đại cho thấy sự tách biệt giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia dường như đang mạnh hơn, rõ nét hơn và trong nhiều trường hợp những mâu thuẫn giữa hai trào lưu bên trong một tôn giáo đã là nguyên nhân của xung đột và bạo lực. Khuynh hướng phát triển này của Hồi giáo thời hiện đại khiến cho tính chất bất ổn tôn giáo có xu hướng gia tăng và cần được theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có
            - Giai đoạn phát triển thời hiện đại cũng cho thấy Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo đang chịu sức ép rất lớn từ thế giới bên ngoài với lý do cho rằng một số trào lưu phát triển của tôn giáo này đang tiềm ẩn những nguy cơ nhất định đối với an ninh, ổn định và phát triển của thế giới. Trong khi trào lưu Hồi giáo tự do với nhiều quan điểm tiến bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển mới đang được thế giới bên ngoài ghi nhận với nhiều thiện cảm thì xu hướng “cấp tiến hóa” và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, an ninh trên toàn cầu. Khuynh hướng phát triển của Hồi giáo theo hướng cực đoan đã bị cả thể giới lên án do khuynh hướng này luôn gắn với hàng loạt các sự kiện khủng bố, đánh bom tự sát, bạo lực, xung đột vũ trang…vv. Đây thực sự là một hướng biến động tiêu cực và thực tế cho thấy khuynh hướng này vẫn đang diễn ra một cách mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu bất chấp các nỗ lực của cộng đông quốc tế tìm cách ngăn chặn trào lưu cực đoan này.
- Sự phát triển tương đối nhanh của Hồi giáo cấp tiến và sự lớn mạnh của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo với các tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo…vv của nhiều quốc gia trong mọi trường hợp vẫn cần được coi là mang tính tất yếu và là một khuynh hướng phát triển không thể tránh khỏi trong môi trường quốc tế hết sức bất ổn và biến động khó dự đoán giai đoạn hiện nay. Hồi giáo cấp tiến và xu hướng cực đoan hóa cần được lý giải với các nguyên nhân sâu xa về kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử tồn tại bên trong các xã hội Hồi giáo trong đó chủ yếu có thể kể tới lý do (1) kinh tế khó khăn của một bộ phận lớn người dân tại các quốc gia Hồi giáo khiến họ mất phương hướng trong cuộc sống và dễ bị lôi kéo vào các phong trào Hồi giáo cực đoan để tìm đường giải thoát cho bản thân và gia đình và (2) sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của xã hội Hồi giáo khiến tâm lý chống phương Tây, chống Mỹ càng thêm gay gắt.
            Tóm lại, tìm hiểu về thực trạng Hồi giáo và các khuynh hướng phát triển của tôn giáo này cho thấy Hồi giáo thực sự là một vấn đề phát triển mang đủ các sắc thái kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, tư tưởng với các tác động to lớn tới mọi mặt đời sống của người dân trên toàn thế giới. Với số lượng tín đồ đang tăng rất nhanh và các tư tưởng tôn giáo đang mở rộng ra nhiều cộng đồng dân cư, rõ ràng Hồi giáo đang ngày càng bành trướng phạm vi ảnh hưởng và mở rộng tới các không gian địa lý, văn hóa, tinh thần vô cùng rộng lớn. Xét về mặt lịch sử, các tôn giáo lớn của thế giới như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo… đều có chung một nguồn gốc: được khởi nguồn từ tổ phụ Abraham, cùng có niềm tin vào Thiên Chúa. Trong kinh Koran của người Hồi giáo, hay kinh Torah của người Do Thái và Kinh Thánh của người Thiên Chúa giáo đều xác định nguồn gốc này. Tuy nhiên, khuynh hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Hồi giáo như hiện nay cùng với những tác động của hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và các quan điểm khác nhau về đức tin, lối sống khiến cho tại nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là tại khu vực Trung Đông đã có những cuộc xung đột tôn giáo lớn. Hầu hết các đánh giá đều cho rằng dường như chưa thể có giải pháp nào thực sự hữu hiệu có thể giải quyết triệt để các vấn đề mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong quan hệ giữa các nhóm tôn giáo với vai trò nổi bật của Hồi giáo.
Tìm hiểu về Hồi giáo và các vấn đề phát triển, tác động của tôn giáo này trên thế giới luôn là vấn đề phức tạp, vấn đề “nóng”, vấn đề “nhạy cảm”. Mặc dù vậy, đây là vấn đề không thể bỏ qua đối với tất cả các quốc gia đang cùng tồn tại, phát triển trong thời đại toàn cầu hóa với những mối liên hệ qua lại, ràng buộc lẫn nhau rất chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo
1.      Bùi Nhật Quang (chủ biên), “Những vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật của Trung Đông và xu hướng đến năm 2020”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2011.
2.      Omid Safi, “What is Progressive Islam?” Mar 29, 2005, www.nawaat.org
3.      Charles Kurzman, “Liberal Islam: Prospects and Challenges”, Middle East Review of International Affairs Vol. 3, No. 3, September 1999.
4.      Egdūnas Račius, “The Multiple Nature of the Islamic Da'wa”, Academic Dissertation, University of Helsinki, October 2004.
5.      Islam In The Modern World”, Religion and Spiritual Beliefs Resource, important.ca
6.      Understanding Islamism”, International Crisis Group, Middle East/North Africa Report N°37 – 2 March 2005.
7.      “Understanding Radical Islam”, Radicalislam.org, Clarion Fund, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét