Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Một số vấn đề của Islam giáo trong đời sống xã hội hiện đại

Một số vấn đề của Islam giáo trong đời sống xã hội hiện đại


1. Vài nét về tên gọi
Islam giáo là một trong ba tôn giáo lớn của thế giới hiện nay. Đây là tôn giáo độc thần xuất hiện ở phía Tây Arập vào đầu thế kỉ VII. Người sáng lập ra tôn giáo này là nhà Tiên tri Mohammed (tiếng Pháp - Mahomet). Trong tiếng Arập, Islam có nghĩa là "sự phục tùng”, “sự vâng lời”. Những người theo Islam giáo luôn bày tỏ đức tin tuyệt đối vào Đấng Tối Cao của mình là Allah. Họ được gọi là các muslim - các tín đồ Islam giáo. Hiện nay, ở hầu hết các nước đều dùng thuật ngữ Islam để gọi tên tôn giáo này. Riêng ở Việt Nam, cả trong ngôn ngữ đời thường, cũng như trong ngôn ngữ sách báo khoa học đều gọi tôn giáo độc thần này là "Hồi giáo" hay "đạo Hồi".
Tìm hiểu bước đầu về vấn đề này, chúng tôi được biết, tên gọi Hồi giáo hay đạo Hồi ở Việt Nam có xuất xứ từ tên gọi một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở khu tự trị Ninh Hạ của Trung Quốc và tôn giáo của họ là người Hồi (Hui). Dân tộc này hình thành từ thế kỉ V sau Công nguyên gồm nhiều yếu tố như Tuyếc, Hán, Mông Cổ, Mãn Châu, Uigua (Uighur), Duy Ngô Nhĩ, Arập, v.v… Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hồigiáo du nhập vào dân tộc Hồi từ Trung Á vào thế kỉ XV([1]). Cũng có ý kiến cho rằng, tên gọi đạo Hồi, đạo của người Hồi Hột có từ thế kỉ VIII đến thế kỉ X([2]). Ở đây, chúng tôi không có ý định đi sâu tìm hiểu xem tôn giáo này du nhập vào dân tộc Hồi từ bao giờ. Mục đích của chúng tôi là tìm hiểu xem trước khi nó du nhập vào dân tộc Hồi thì nó đã mang tên Hồi giáo hay chưa và nếu chưa thì ta phải gọi như thế nào cho đúng tên của nó.
Chúng tôi đồng ý với cách đặt vấn đề cho rằng, tên gọi đạo Hồi có từ sau khi nó du nhập vào dân tộc Hồi và dùng để chỉ tôn giáo mà người Hồi theo. Tôn giáo này được du nhập từ vùng Trung Á trong quá trình người Hồi giao thương với người Arập, người Ấn Độ theo Islam giáo. Từ cách đặt vấn đề trên đây, chúng tôi thấy, ở nước ta cần thay đổi lại cách gọi tên tôn giáo này cho chính xác, đúng với bản chất của nó và phù hợp với cách gọi của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, chúng ta đang dùng một tên gọi cá biệt để thay thế một tên gọi phổ biến, nghĩa là dùng tên gọi Hồi giáo để thay thế cho tên gọi Islam giáo. Việc gọi tên như thế chỉ theo một thói quen vốn có, nó hoàn toàn không thích hợp và không chính xác về mặt khoa học. Chúng ta có thể gọi tên tôn giáo mà người Hồi theo, Hồi giáo, là Islam giáo, nhưng sẽ không chính xác nếu chúng ta gọi một tôn giáo bao trùm không chỉ một nền văn hoá Arập mà còn bao trùm nhiều nền văn hoá của các dân tộc khác trên thế giới, Islam giáo, là Hồi giáo, tôn giáo mang tên một tộc người và nền văn hoá mà nó du nhập vào. Nếu như (ở đây chữ nếu đã không xảy ra) vùng đất mà người Hồi cư trú là nơi phát tích của tôn giáo này và từ đây lan toả đi các nơi khác thì tên gọi Hồi giáo không có gì phải bàn cãi. Hơn nữa, ngay cả ở Trung Quốc hiện nay, người ta cũng không gọi tôn giáo này là Hồi giáo mà trong các văn bản chính thức cũng như trong sách báo khoa học, nó đều được gọi bằng một tên gọi quốc tế là Islam giáo.
Do vậy, dù là một cách gọi theo thói quen đã có từ lâu (chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu xem tên gọi Hồi giáo lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta vào thời gian nào), song chúng ta cũng vẫn cần phải thay đổi thói quen đó cho phù hợp với bản chất của sự việc và nhất là trong thời đại hiện nay, khi xu thế hội nhập và toàn cầu hoá đang là một tất yếu lịch sử thì đây là một việc rất nên làm. Xuất phát từ vấn đề đã nêu, trong bài viết này cũng như các đề tài nghiên cứu tiếp theo về tôn giáo này, chúng tôi xin được dùng thuật ngữ Islam giáođạo Islam thay cho thuật ngữ Hồi giáo và đạo Hồi và coi đây là một ý kiến góp phần đính chính lại tên gọi cho một tôn giáo thế giới với hơn 1 tỉ tín đồ ở khắp các châu lục mà lâu nay ở nước ta vẫn quen gọi một cách thiếu chính xác.
2. Khái quát về tín đồ Islam giáo hiện nay
Ra đời muộn hơn hai tôn giáo khác là Phật giáo và Kitô giáo, nhưng Islam giáo có tốc độ phát triển và độ lan toả rất nhanh. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, số lượng tín đồ Islam giáo từ giữa thế kỉ XX đến nay phát triển rất nhanh: năm 1950 có 418 triệu, đến năm 1990 con số đó là 1.007 triệu, mười năm sau, năm 2000, số tín đồ đạt tới khoảng 1.200 triệu và dự kiến đến năm 2020 số tín đồ Islam giáo trên toàn thế giới sẽ đạt tới 1.745 triệu([3]). Theo một thống kê khác, vào những năm cuối cùng của thế kỉ XX, tín đồ Islam giáo chiếm 17% dân số thế giới, trong đó các nước Trung Đông là 550 triệu, các nước Châu Phi là 230 triệu, các nước cộng hoà Trung Á thuộc Liên Xô trước đây là 45 triệu, các nước châu Âu là 9 triệu, các nước châu Mỹ là 2 triệu. Nước có đông tín đồ Islam giáo nhất là Inđônêxia với 147 triệu, chiếm 82% dân số. Nước có tỉ lệ tín đồ Islam giáo cao nhất so với tổng dân số là Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 99%, tiếp đó là Pakistan chiếm 97%, Trung Đông và Bắc Phi chiếm 90%, Ai Cập chiếm 85%, Bangladesh chiếm 80%,v.v…([4]) Ở Việt Nam, số lượng tín đồ Islam giáo không đông, xếp thứ 6 sau Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hoà Hảo. Tuyệt đại đa số tín đồ Islam giáo là người Chăm. Trong tổng số hơn 64.000 tín đồ, Chăm Islam chiếm hơn 25.000 người, Chăm Bàni chiếm hơn 39.000 người([5]).
Hiện nay, theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu ở nước ta và của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hồi giáo ở Việt Nam gồm hai cộng đồng: Chăm Bàni (Hồi giáo cũ) và Chăm Islam (Hồi giáo mới). Song, cũng có một số ý kiến cho rằng, Chăm Bàni không phải là Hồi giáo. Ở đây, chúng tôi không tham gia vào cuộc tranh luận này.
Về thành phần tín đồ Islam giáo ở mỗi nước, mỗi khu vực có những sự khác biệt nhất định. Ở các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, đa số tín đồ Islam giáo là những người nông dân, thợ thủ công. Đối với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Malaysia và một số nước Đông Nam Á khác thì tín đồ Islam giáo phần đông là các cư dân thành thị và tiểu thương. Tại các nước châu Phi, tín đồ Islam giáo là những người da đen với nền kinh tế chậm phát triển. Còn tại nơi sản sinh ra Islam giáo, các quốc gia Arập, thì thành phần tín đồ của tôn giáo này gồm cả những cư dân thành thị và những người nông dân ở nông thôn có trình độ phát triển cao. Tín đồ Islam giáo ở các nước châu Âu là đội ngũ trí thức, công nhân lành nghề, các thương nhân. Họ tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Như vậy, xét về thành phần tín đồ, cộng đồng Islam giáo là một cộng đồng tôn giáo đa văn hoá, đa dân tộc với trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở các mức độ khác nhau từ rất thấp đến khá cao và trong lịch sử họ đã từng là những người đi chinh phục và những thương nhân năng động. Hiện nay, truyền thống năng động này vẫn được tiếp tục phát huy và lan toả không những sang các quốc gia chậm phát triển ở Á - Phi mà cả sang các quốc gia phát triển Âu - Mỹ. Tuy nhiên, sự đa dạng về văn hoá của Islam giáo chỉ mang tính tương đối. Sự thống nhất về đức tin tôn giáo mới là nét đặc trưng của Islam giáo. Đối với các tín đồ Islam giáo dù ở bất cứ nơi đâu, bất kì dân tộc nào, sự phục tùng Đấng Tối Cao luôn là nguyên tắc tối thượng. Đối với họ, không có Chúa Trời nào khác ngoài Allah và Đấng Tiên Tri của Ngài là Mohammed. Trong tiếng Arập, Allah không phải là tên riêng của một vị thần, mà là danh từ để chỉ Đấng Tối Cao, độc nhất, giống như Thiên Chúa (God, Divine) của người Kitô giáo và người Do Thái giáo. Tín đồ Islam giáo tin rằng, những gì mà Allah muốn làm đối với loài người đều đã được ghi trong Kinh Koran và bổn phận của họ là phải phục tùng theo ý chí của Ngài. Là tín đồ Islam giáo có nghĩa là phó thác mình cho ý muốn của Đức Allah, mọi việc đều làm theo sự chỉ bảo của Ngài. Với một đức tin bình dị như thế nên các tín đồ Islam giáo luôn tuân thủ nghiêm ngặt năm bổn phận quan trọng, thường được gọi là Năm Cột trụ của Islam giáo. Đó là:
1. Xác nhận đức tin (Shahadah). Mỗi tín đồ Islam giáo phải xác nhận rằng, chỉ có một Thượng Đế tối cao duy nhất là Đức Allah, ngoài ra không có một vị thần nào cả và xác nhận Mohammed là sứ giả của Ngài.
 2. Cầu nguyện (Salat). Hằng ngày, mỗi tín đồ Islam giáo phải cầu nguyện đủ 5 lần vào các thời gian như sau: lúc mặt trời mọc, buổi trưa, buổi chiều, lúc mặt trời lặn, buổi tối trước khi đi ngủ. Trước đây, giờ cầu nguyện được một người đàn ông (gọi là Muezzin) nhắc nhở từ các tháp cạnh thánh đường. Ngày nay, người ta dùng hệ thống phát thanh và truyền hình. Cứ đến giờ quy định, các tín đồ Islam giáo lại bỏ hết các công việc đang làm để quay sang cầu nguyện. Họ không câu nệ vào địa điểm cầu nguyện. Nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào: trong thánh đường, nơi góc phố, hay giữa sa mạc hoang vắng,v.v… Điều cốt yếu là nơi đó sạch sẽ, không có các thứ bẩn thỉu. Hướng duy nhất mà khi cầu nguyện các tín đồ hướng tới là Thánh địa Mecca. Ngay trong thánh đường là nơi uy nghiêm nhất, người Islam giáo cũng không trang trí bất kì một tranh tượng tôn giáo nào.
3. Bố thí (Zakat). Việc bố thí cho người nghèo khó là nghĩa vụ và bổn phận của tín đồ Islam giáo. Khoản đóng góp này thường chiếm khoảng 2,5% tổng thu hằng năm hay 10% lợi tức hằng năm. Người giàu có được khuyến khích đóng góp nhiều hơn. Ngày nay, ở một số nước Islam giáo, chính phủ đưa khoản Zakat này vào hệ thống đóng thuế của nhà nước và dùng cho các chương trình phúc lợi xã hội. Đây là một cách vận dụng lí tưởng của Islam giáo trong xã hội hiện đại.
4. Kiêng ăn (Sawn). Trừ trẻ em, phụ nữ có thai và người ốm, còn lại tất cả các tín đồ Islam giáo đều phải kiêng ăn từ lúc rạng sáng đến khi Mặt Trời lặn mỗi ngày trong tháng chay Ramadan (tháng 9 theo lịch Islam). Theo quy định, trong khoảng thời gian đó, họ không được phép ăn uống bất kì thứ gì ngoài nước sạch. Đây là một thử thách khắc nghiệt đối với tín đồ Islam giáo. Chỉ sau giờ xả chay, họ mới được cùng gia đình hay bạn bè ăn uống và đọc Kinh Koran cầu nguyện. Trong điều kiện của xã hội hiện đại, một số nhà cải cách tôn giáo đã cố gắng diễn giải lại những quy định này để áp dụng vào cuộc sống cho phù hợp với điều kiện mới và họ đã ít nhiều thành công.
5. Hành hương (Hajj). Hành hương về Thánh địa Mecca, thành phố quê hương của Tiên tri Mohammed, trung tâm của thế giới Islam giáo, nơi có đền Kaaba thiêng liêng là ước nguyện cả đời người của mỗi tín đồ Islam giáo và cũng là bổn phận của họ. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau như tuổi tác, sức khoẻ, tiền bạc, v.v… nên không phải tín đồ Islam giáo nào cũng thực hiện được nghĩa vụ này. Song đối với ai đã hoàn thành nghĩa vụ này thì sự tưởng thưởng đối với họ sẽ là rất lớn. Đó không chỉ là sự thoả mãn về tinh thần mà còn là uy tín và sự kính trọng trong cộng đồng Islam giáo. Hằng năm, có khoảng trên dưới 2 triệu tín đồ Islam giáo từ khắp các châu lục hành hương về nơi đất thánh này.
Ngoài năm cột trụ trên, nhiều người còn cho rằng, “Thánh chiến” (Jihad) cũng là một nghĩa vụ bắt buộc đối với tín đồ Islam giáo. Đây được coi là cột trụ thứ sáu của Islam giáo. Jihad nghĩa đen theo tiếng Arập là “cố gắng”, “phấn đấu”. Đây là viết tắt của một mệnh đề: “Phấn đấu theo con đường của Thượng Đế”. Người Islam giáo diễn giải khái niệm này như biểu tượng của cuộc đấu tranh tinh thần nhằm chống lại những điều trái với giáo lí, giáo luật Islam giáo, bảo vệ những giá trị tôn giáo và xã hội của nó. Ngày nay, Jihad còn được một số người diễn giải là các hoạt động của các nhóm vũ trang Islam giáo cực đoan trong thế giới Islam giáo chống lại các cộng đồng tôn giáo khác.
3. Quan niệm của một số tổ chức chính trị - tôn giáo thuộc I slam giáo về chính trị - xã hội và kinh tế
3.1. Những nét khái quát về các tổ chức chính trị - tôn giáo ở các nước Islam giáo
Khác với các tôn giáo thế giới khác, các cộng đồng Islam giáo trên thế giới không chỉ là những cộng đồng tôn giáo thuần tuý mà còn là những cộng đồng mang tính chất chính trị - xã hội. Trong các xã hội Islam giáo không có sự phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo với chính trị và luật pháp. Kinh Koran, sách Hadith (sách ghi chép những truyền thuyết về nhà Tiên tri Mohammed), luật Shariah (luật Islam giáo) không chỉ được thực thi trong đời sống tôn giáo mà còn được áp dụng trong cả đời sống xã hội ở các nước lấy Islam giáo làm quốc giáo. Điều này có nguồn gốc lịch sử ngay từ lúc tôn giáo này mới ra đời. Ngay từ khi còn đang phát triển cộng đồng tín đồ Islam giáo của mình tại Medina, nhà Tiên tri Mohammed không chỉ đóng vai trò một thủ lĩnh tôn giáo mà còn là một thủ lĩnh chính trị và một nhà lập pháp. Kinh Koran đã cung cấp một bộ khung luật pháp cho việc tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước và xác lập nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của các “công dân” tín đồ trong một xã hội Islam giáo. Từ đây, một mô hình tổng quát về nhà nước chính trị được xác lập theo ý đồ của Đức Allah. Trong suốt quá trình lịch sử phát triển của Islam giáo, Kinh Koran, sách Hadith, luật Shariah luôn được các học giả và giới chức Islam giáo diễn giải cho phù hợp với điều kiện xã hội mà họ đang sống.
Trong những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX, quá trình “Islam giáo hoá chính trị” và “Chính trị hoá Islam giáo” đã diễn ra rất mạnh mẽ. Kéo theo quá trình này trong đời sống chính trị, tư tưởng và văn hoá ở các nước Islam giáo đã gia tăng một cách đáng kể những ấn bản phẩm về Islam giáo. Xin lấy Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Algeria (Angiêri) làm thí dụ. Năm 1980, khối lượng sách về Islam giáo được bán ở nước này có tổng giá trị là 4.103.000 đina Algeria, đến năm 1982 giá trị này đã đạt tới 15.525.000 đina Algeria, nghĩa là trong 2 năm giá trị sách tôn giáo tăng khoảng 4 lần([6]). Phần lớn các sách Islam giáo tập trung vào các vấn đề chính trị và kinh tế xã hội. Riêng Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Kinh tế Islam giáo có trụ sở tại Arập Xêút (Saudi Arabia) trong một thời gian không dài đã xuất bản 700 cuốn sách và công trình nghiên cứu về các đề tài kinh tế - xã hội của 406 tác giả là tín đồ Islam giáo([7]).
Đại bộ phận các chế độ cầm quyền ở các nước Islam giáo đang cố gắng củng cố chính sách đối nội và đối ngoại của mình bằng các tín điều tôn giáo. Các nhà hoạt động tôn giáo đã hợp tác với nhà nước để đưa ra những khẩu hiệu chính trị dựa trên các luận cứ của tín điều Islam giáo. Nhiều khi các tổ chức chính trị - tôn giáo đối lập với chính phủ cũng đưa ra các cương lĩnh riêng của mình về cải tổ xã hội theo những nguyên tắc của Islam giáo. Trong khi đưa ra những khẩu hiệu và quan niệm Islam giáo khác nhau, các tác giả Islam giáo luôn luôn buộc tội lẫn nhau và đôi khi rất gay gắt. Đó là cuộc đấu tranh giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ với những người theo chủ nghĩa hiện đại và các nhà cải cách([8]).
Một học giả theo chủ nghĩa hiện đại tự do tư sản cho rằng, “tính vị kỉ giai cấp, lòng cuồng tín giáo điều, sự khát khao địa vị thống trị”([9]) đang ngự trị ở một loạt nước có đường lối chính sách dựa trên những nguyên tắc của Islam giáo. Một tác giả khác lại gọi các nước Iran, Pakistan và các chế độ dưới quyền của các “sultan Arập” là những nước “bạo lực chính trị, cưỡng đoạt kinh tế và không ổn định xã hội”([10]). Mỗi lực lượng chính trị Islam giáo khi đưa ra những khẩu hiệu chính trị xã hội của mình đều phê phán những lực lượng khác và cho rằng chỉ có họ mới theo đúng tinh thần của Islam giáo, chỉ có họ mới là những lực lượng Islam giáo chân chính.
Khi luận giải cho các quan điểm của mình, tất cả đều dựa vào Kinh Koran, sách Hadith và luật Shariah. Song như chúng ta đã biết, Kinh Koran được hình thành trong một quá trình khá lâu dài, nội dung đa nghĩa và có những điểm mâu thuẫn nhau. Do vậy, khi luận giải nó, tuỳ theo ý thức tôn giáo và tư tưởng của từng lực lượng chính trị mà người ta vận dụng nó sao cho có lợi nhất cho quan điểm chính trị - xã hội của mình.
Ở đại bộ phận các nước Trung Đông, Islam giáo được công nhận là “quốc giáo” và điều này được đưa vào hiến pháp hay các văn bản pháp luật khác. Đồng thời, các nhà lãnh đạo các quốc gia này thường nêu lên những quan điểm hoặc đưa ra những chương trình thuần tuý Islam giáo trong việc giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội và kinh tế .
Các chế độ phong kiến - tư sản thường dùng Islam giáo để đấu tranh với các lực lượng tiến bộ trong nước mình và trong toàn khu vực nói chung để bảo toàn và củng cố địa vị chính trị - xã hội của mình được hình thành trong quá khứ. Các chế độ dân chủ - cách mạng tiểu tư sản thì cố gắng sử dụng hệ tư tưởng Islam giáo truyền thống đang thống trị trong quần chúng nhân dân để động viên quần chúng giải quyết các nhiệm vụ phát triển. "Giới tăng lữ" Islam giáo bao gồm các giáo sĩ, các nhà thần học, các nhà luật học (kadi) là một tầng lớp rất đông và rất có ảnh hưởng ở các nước Trung Đông. Họ dựa trên các giá trị và truyền thống Islam giáo để biện giải cho chính trị. Những người này ở các hình thức và các mức độ khác nhau đảm bảo sự hoạt động của các thánh đường, các toà án Shariah, các trường tôn giáo (từ các trường học Kinh Koran thuộc các thánh đường Islam giáo đến các thần học viện Islam giáo), các trung tâm nghiên cứu và trung tâm văn hoá, các thư viện, các nhà xuất bản sách Islam giáo, các tổ chức từ thiện, các nghĩa trang Islam giáo của cộng đồng.
Theo quy chế xã hội, những người này thường là các viên chức nhà nước và họ hoạt động dưới sự kiểm soát trực tiếp của bộ máy hành chính. Họ là những người theo “chủ nghĩa xu thời”, bảo vệ lợi ích của các giai cấp khác nhau trong xã hội Islam giáo, đồng thời họ cũng bảo vệ lợi ích riêng và lợi ích của tổ chức tôn giáo của mình. Chính vì hoạt động tư tưởng - tôn giáo là nguồn mạch chính cho sự tồn tại của “giới tăng lữ”, nên họ cố gắng tìm vị trí của mình trong cơ cấu xã hội thuộc bất cứ chế độ nào. Điều này làm cho những quan điểm chính trị - xã hội mà họ nêu lên không thật rõ ràng và do đó họ có thể dễ dàng thay đổi định hướng chính trị nhưng vẫn bảo vệ được địa vị của mình cả trong trường hợp tính chất xã hội thay đổi.
Xin nêu ra lời phát biểu đáng chú ý sau đây của Tổng Biên tập Tạp chí Al - Azhar thời Tổng thống Ai Cập A. Sadat: “Một số tác giả (thời Tổng thống G.A.Naser-TG) viết hoặc nói về chủ nghĩa xã hội Islam giáo hoặc về chủ nghĩa xã hội Arập theo quan điểm Islam giáo…. nhằm sử dụng thuật ngữ hiện đại để lôi kéo những người bội giáo lầm lạc trở lại với đức tin”([11]).
Đại diện của “giới tăng lữ” Islam giáo, đại bộ phận là những người theo phái chính thống, trong mọi trường hợp họ luôn biện hộ cho nguyên trạng. Vì vậy, họ cố gắng không vượt khỏi giới hạn các thể lệ và quy định của Islam giáo truyền thống, nghĩa là tuân thủ nghiêm ngặt Năm Cột trụ của Islam giáo và những quy định trong Kinh Koran và luật Shariah.
Những người Islam giáo chính thống cho rằng, việc tuân thủ những quy định này đảm bảo sự tồn tại của “xã hội Islam”, của “kinh tế Islam” và “chính trị Islam”. Một bộ phận giáo sĩ và các nhà thần học Islam giáo đã đoạn tuyệt với tổ hợp tôn giáo “quốc doanh” và tham gia các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ. Các tổ chức này được hiểu ngầm là các liên hiệp, các nhóm phái, các đảng phái muốn gạt bỏ sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động của mình.
Nếu như lúc đầu chỉ mới có một số tổ chức như Hội Những người anh em muslim (Al-ikhwan al-muslimin-Muslim brotherhood, thành lập năm 1928) thì sau đó ở các nước Trung Đông đã xuất hiện một loạt các nhóm phái chính trị - tôn giáo khác nhau. Thí dụ, ở Syria có các tổ chức: Các Chiến binh của Thánh Allah (Junud Allah), Phong trào Giải phóng Islam giáoĐội phalangơ của Mohammed; ở Maroco có Hội Thanh niên Islam giáo và các nhóm nhỏ lấy tên từ lịch sử Islam giáo như MedinaMohammed,v.v… Ở Tuynidi có Phong trào Phục hưng Islam giáo (1979), sau đó tách ra thành Phong trào Định hướng Islam giáo (một tổ chức rất có ảnh hưởng hiện nay), nhóm Khuynh hướng Islam giáoĐảng Hội đồng IslamgiáoĐội Tiền phong Islam giáoĐảng Giải phóng Islam giáo; ở Irắc có đảng bí mật Lời kêu gọi (Ad-daava) hay Đảng Islam giáo Kêu gọi; ở Ai Cập có tổ chức Thanh niên Mohammed,Hội Huynh đệ Thánh chiến, tổ chức Thánh chiến (Jihad); ở Arập Xêút có các tổ chức Cảnh báo về một phiên toà khủng khiếp (Jamaa at-tablig), Những người kêu gọi (Ahl-ad-daava),Phong trào Cách mạng Islam ở bán đảo ArậpBình minh (Al-fad-ja), Uỷ ban Huxêin của những người tử vì đạo. Đây mới chỉ là một sự liệt kê rất chưa đầy đủ về các tổ chức, đảng phái Islam giáo phi chính phủ hình thành ở các quốc gia Arập Trung Đông tính đến những năm cuối thế kỉ XX.
Các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ nói trên, xét về thành phần giai cấp, là các tổ chức tiểu tư sản. Trong các khẩu hiệu có tính chất cương lĩnh và trong hoạt động của họ lộ rõ sự hoảng sợ của các chủ sở hữu nhỏ, sự hoảng sợ trước sự vô sản hoá và bần cùng hoá mà chủ nghĩa tư bản tất yếu đưa đến trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, họ kêu gọi sự bình đẳng về tài sản dưới sự bảo trợ của Islam giáo, đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chống lại phong cách và lối sống Phương Tây và điều quan trọng nhất là chống lại công nghệ phát triển cao, chống lại sự thống trị của hàng hoá ngoại nhập. Điều này có nghĩa là họ chống lại tất cả những gì đe doạ người sản xuất nhỏ, tiểu thương và thợ thủ công.
Nhưng mặt khác, hệ tư tưởng và hoạt động của các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ ở các nước Arập cũng nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội khoa học. Cái mà họ lo sợ về mặt kinh tế là sự tịch thu tài sản và về mặt tư tưởng là không có tín ngưỡng và vô thần. Do vậy, tư tưởng then chốt của họ là kêu gọi mọi người hãy quay trở về với Islam giáo thuần khiết và coi nó như một hệ tư tưởng truyền thống.
Về ý thức tôn giáo, các tổ chức này không đơn giản chỉ kêu gọi khôi phục lại “cái tinh thần” Islam giáo trừu tượng, mà họ đòi khôi phục lại một cách chính xác, nguyên bản những quy định, luật lệ và lối sống của tín đồ Islam giáo có từ thuở nó mới ra đời. Họ quan niệm rằng, chính sự tiếp nhận Islam giáo của người Arập đã “tự động” giải phóng các dân tộc này khỏi mọi sự áp bức và nô lệ, rằng sự quay trở về với tôn giáo thuần khiết trước đây sẽ đảm bảo giải quyết được tất cả các vấn đề hiện tại([12]).
Rất nhiều thành viên của các nhóm phục hưng Islam giáo tìm đến các loại ma thuật. Để râu, mặc trang phục dài màu trắng và sử dụng các vật dụng tôn giáo khác, đó không chỉ là vấn đề trang phục và diện mạo truyền thống mà còn là ý đồ khôi phục lại Islam giáo trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà một loạt các tổ chức Islam giáo đã khôi phục lại “Hijra” của nhà Tiên tri([13]), họ đi sâu vào các vùng sa mạc hoang vắng cách biệt với thế giới bên ngoài để đến với các đại diện của “Islam giáo thuần khiết”.
3.2. Tư tưởng chủ đạo của Saiyd Kutb thuộc hội Những Người anh em Muslim
Nhà tư tưởng của tổ chức Những Người anh em Muslim là Saiyd Kutb đã đưa ra luận thuyết và cho tới nay nó vẫn được coi là luận thuyết “kinh điển” của phong trào chấn hưng Islam giáo. S. Kutb đã bị tử hình năm 1966, nhưng các tác phẩm của ông ta thường xuyên được tái bản và là cơ sở lí luận cho hầu hết các tổ chức chính trị - tôn giáo của Islam giáo cực đoan ở các nước Trung Đông.
Phạm trù trung tâm trong học thuyết của S. Kutb là Jahiliya. Theo nghĩa đen trong tiếng Arập, Jahiliya là “sự ngu dốt”. Trong lịch sử Islam giáo, khái niệm này được dùng để chỉ giai đoạn trước khi Islam giáo ra đời trong lịch sử của người Arập. Đó là thời kì người ta chưa biết đến “Lời của Thượng Đế”, Kinh Koran. Theo S. Kutb, dần dần loài người lại bước vào một Jahiliya mới, một thời đại dã man mới. Trong cuốn sách cuối cùng của mình S. Kutb viết: “Cả thế giới-Islam giáo hay không Islam giáo, tôn giáo hay vô thần-Phương Đông hay Phương Tây đều trở về với Jahiliya. Thời đại dã man mà thế giới ngày nay đang ngập chìm trong đó ghê tởm hơn nhiều thời đại dã man trước Islam giáo”([14]).
Định nghĩa ngắn gọn về phạm trù này được đưa ra trong một cuốn sách của tổ chứcNhững Người anh em Muslim được xuất bản bí mật để kỉ niệm S. Kutb: “Jahiliya là tất cả những gì không phải là Islam giáo”([15]). “Dã man” là chủ nghĩa tư bản Phương Tây và chủ nghĩa xã hội Phương Đông cũng như những quan điểm chính trị xã hội của những người theo chủ nghĩa hiện đại trong Islam giáo. S. Kutb viết: “Tôi không chịu nổi những người bàn cãi về “chủ nghĩa xã hội Islam giáo”, về “chế độ dân chủ Islam giáo”,v.v… và đem trộn lẫn cái trật tự do Thượng Đế sáng tạo ra với cái trật tự do con người tạo nên. Islam giáo đưa ra những sự giải quyết độc lập về những vấn đề của nhân loại. Nó là phương pháp tích phân và sự thống nhất nhịp nhàng và nếu đưa bất kì một nhân tố bên ngoài nào vào thì sẽ làm hỏng nó, giống như ta đưa cái phụ tùng không cần thiết vào một cỗ máy phức tạp có thể sẽ làm cho nó bị hỏng”([16]).
“Quyền lực Islam giáo chân chính” được S.Kutb gọi là “Hakimiya”. Ông coi đây là phương thuốc chữa bách bệnh của thế giới Islam giáo. Thuật ngữ “Hakimiya” được lấy từ shahadah([17]), một biểu tượng đức tin của Islam giáo. Khi Shahadah khẳng định chỉ có một Thượng Đế duy nhất là Allah, thì nó cũng đồng thời khẳng định rằng Hakimiya trong đời sống con người chỉ thuộc về một mình Ngài. S.Kutb diễn đạt quan niệm này như sau: “Không ai có quyền lực đối với con người ngoài Thượng Đế, không ai giết chết con người và làm hồi sinh con người ngoài Thượng Đế, không ai làm tổn hại cho con người hay mang lại lợi ích cho con người ngoài Thượng Đế, không ai mang thức ăn đến cho con người trên trời và dưới đất ngoài Thượng Đế”, và “Thượng Đế chỉ có một thì chỉ tôn thờ một mình Ngài… không được tôn thờ ai khác ngoài Ngài, không ai có Hakimiya ngoài Ngài và ngoài Thượng Đế ra con người không được chọn ai khác trong giới của mình làm ông chủ của mình”([18]).
Từ cách diễn giải trên đây S.Kutb đi tới kết luận: “Con người không được phép tự mình quy định hình thức cầm quyền, đưa ra bộ luật và các điều luật”([19]). “Islam giáo có sẵn quan niệm nguyên bản và hoàn thiện mà những nguyên lí đúng đắn của nó nằm trong Kinh Koran, sách Hadith, trong cuộc đời của nhà Tiên tri và trong những lời căn dặn thiết thực của Ngài”([20]). Song cần bao nhiêu nguyên lí đúng đắn đó, lí giải và áp dụng chúng trong cuộc sống như thế nào, quyền lực đó trong xã hội thuộc về các nhà hoạt động tôn giáo.
Theo quan điểm của S.Kutb, phải dùng bạo lực để thiết lập Hakimiya. Phải đưa loài người “trở lại với Thượng Đế”([21]); “đối với những người đã rời bỏ Thượng Đế thì cho phép dùng sức mạnh”([22]). Đây là một quan điểm cấp tiến cực đoan. Để thấy rõ hơn hệ tư tưởng của Hội Những Người anh em Muslim xin trích dẫn một đoạn trong di chúc của S.Kutb. “Islam giáo cần phải phục hưng. Sự phục hưng bắt đầu được thực hiện bằng những sự nỗ lực của một thiểu số người cách li mình khỏi xã hội dã man và chống lại xã hội đó, không thừa nhận tổ quốc, gia đình, quan hệ, luật pháp và phong tục tập quán. Nó chỉ thừa nhận một điều hiển nhiên là sự phá huỷ, tiêu diệt toàn bộ, không để lại cái lớn cũng như cái nhỏ. Để cho cộng đồng tín đồ đụng chạm trực tiếp tới tận trái tim, thiểu số người đó cần phải quét sạch những trở ngại jahiliya cách biệt nó với mọi người… Trước khi tiến hành tranh luận hay thuyết phục một cái gì đó cần phải lật đổ chế độ, bởi vì nó là chế độ jahiliya và lật đổ tất cả các chế độ, bởi vì chúng là những chế độ jahiliya, thậm chí cả những chế độ mà trong các văn kiện và hiến pháp của mình ghi nhận sự trung thành với Islam giáo, thậm chí cả những chế độ, mặc dù có đức tin vào Thượng Đế, nhưng cho phép cái gọi là sự lãnh đạo chính trị và xã hội”([23]).
Thực chất quan điểm của S. Kutb là nhằm biện giải cho sự cần thiết quay trở lại với các quan hệ xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Từ quan điểm của luật Shariah, S. Kutb kể ra những phương thức hợp pháp sở hữu tài sản, nói về săn bắn và đánh bắt cá, về khai khẩn những vùng đất hoang, “khai thác những thứ dưới lòng đất” (dầu lửa, than đá, quặng sắt), chế biến nguyên liệu, buôn bán, về lao động được ban thưởng, về tập kích vũ trang, về sự ban thưởng đất đai làm điền trang, thái ấp,v.v… Nghĩa là phải quay về với thời kì Trung cổ để có được “Islam giáo thuần khiết”.
3.3. Tổ chức Jihad (Thánh chiến) với tư tưởng của Mohammed Abd-as-Saliam
Trong những thập kỉ cuối thế kỉ XX, các nhà tư tưởng phục hưng của các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ ở các nước Islam giáo quan tâm nhiều tới việc thiết lập “chính phủ Islam giáo”, “chính quyền Islam giáo” bằng con đường bạo lực([24]). Về vấn đề này được đề cập tới trong cuốn Nghĩa vụ chưa hoàn thành của một tín đồ Islam giáo do Mohammed Abd-as-Saliam viết năm 1981. Ông này là một trong những người bị kết án tử hình do tham gia vào việc ám sát Tổng thống Ai Cập A. Sadat. Cuốn sách của Mohammed Abd-as-Saliam là bản tuyên ngôn của tổ chức Jihad. Đây chính là cuốn sách đã đề cập tới “Thánh chiến”. Trong cuốn sách này, tác giả đã đặt ra nhiệm vụ phải lật đổ tất cả các chính phủ ở các nước Arập bởi vì những người cầm đầu các chính phủ này là những kẻ đầu tiên phản bội đức tin. Phương pháp duy nhất để thiết lập “quyền lực Islam giáo thuần khiết” là đấu tranh vũ trang. Giáo thuyết bạo lực này được trích dẫn từ Kinh Koran và sách Hadith, thí dụ lời của nhà Tiên tri Mohammed: “Ta đến đây với các ngươi cùng thanh kiếm”. Những người thuộc tổ chức Jihad không nêu ra một chương trình kinh tế xã hội tích cực. Họ cho rằng, khi nào “quyền lực Islam giáo thuần khiết” được thiết lập, lúc đó mọi vấn đề xã hội sẽ được tự động giải quyết.
Hoạt động của các tổ chức Jihad bị những người theo đường lối cải cách kinh tế - xã hội cực lực phê phán. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Tôn giáo của Algeria đã tuyên bố rằng, việc các tổ chức nói trên đề xuất “trở lại với luật Shariah và lối sống của những tín đồ Islam giáo đầu tiên… về thực chất là phủ định quy luật phát triển đúng đắn của các dân tộc và các xã hội, tách rời khỏi hiện thực”([25]). Mỗi khi các tổ chức theo đường lối phục hưng Islam giáo tiến hành các hoạt động khủng bố hay các hành động bạo lực khác, đôi khi chính quyền ở các nước sở tại đã áp dụng các biện pháp đàn áp trực tiếp. Thí dụ, những người theo tổ chức Những Người anh em Muslim ở Syria, tổ chức Ad-daava (Lời kêu gọi) ở Irắc luôn bị đe doạ bằng những bản án tử hình.
Các nhà hoạt động tôn giáo gần gũi với bộ máy nhà nước ở các nước Islam giáo thường giữ lập trường chờ thời. Họ không vội vã giải thích cương lĩnh của các tổ chức Islam giáo cực đoan phi chính phủ là không phù hợp với các quy định của Islam giáo. Nếu các tổ chức, đảng phái chính trị - tôn giáo phi chính phủ rút khỏi vũ đài chính trị thì “giới tăng lữ” này sẽ hoạt động trong khuôn khổ của tổ hợp tôn giáo “quốc doanh”. Trong trường hợp các tổ chức và đảng phái chính trị - tôn giáo phi chính phủ thắng thế thì trước mắt họ lại mở ra một viễn cảnh mới. Do vậy, những người này bênh vực cho tính ôn hoà của Islam giáo. Theo các nhà thần học loại này, chính Islam giáo là tôn giáo “điều độ”, tôn giáo “trung dung vàng”([26]).
3.4. Quan niệm kinh tế của Abd-al Halim Hifagi
Ở các nước Trung Đông có một nhóm khá đông các nhà tư tưởng “độc lập”. Đó là các nhà kinh tế học, nhà xã hội học, nhà chính luận Islam giáo không phải là viên chức nhà nước, không phải là các giáo sĩ và cũng không phải là thành viên các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ. Thường họ là những người theo chủ nghĩa hiện đại hoặc là những nhà cải cách. Họ kêu gọi quan tâm tới những quy định và những giá trị của xã hội tư sản nhưng không được quên việc làm cho các quan điểm của mình mang tính chất Islam giáo.
Có thể lấy quan niệm kinh tế của Islam giáo về “giá trị hợp pháp” làm thí dụ. Tác giả của quan niệm này là luật sư người Ai Cập Abd-al Halim Hifagi. Ông dựa vào các phạm trù như “lựa chọn”, “tự do”, “tự do lựa chọn”,v.v… “Lựa chọn chứng minh nét cơ bản của luật Shariah của Islam giáo. Nó là điều kiện của sự trao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm”. Định đề này cần để chứng minh rằng, hình như công cụ của sự lựa chọn, của hoạt động tự do của con người chính là sở hữu tư nhân; “sở hữu tư nhân là cơ sở mà sự lựa chọn tự do dựa vào đó trong lĩnh vực hoạt động kinh tế và tiếp đó là trong toàn bộ đời sống xã hội”([27]).
Theo tư tưởng của nhà lí luận Islam giáo này, cá nhân cần phải có ba quyền đối với của cải của mình. Đó là:
1. Quyền tiêu dùng.
2. Quyền phân chia của cải theo ý của mình.
3. Quyền đầu tư của cải vào các xí nghiệp với mục đích tăng khối lượng của cải đó lên (đây là chỗ dựa chính).
Thu nhập được chia thành hai loại: thu nhập từ lao động và thu nhập từ vốn (lợi nhuận). “Con người tăng số tài sản của mình lên hoặc là bằng lao động cá nhân, hoặc là bằng cách tham gia đầu tư vốn của mình vào lao động của người khác. Và trong trường hợp này anh ta có quyền thu nhập từ vốn của mình”([28]).
Với việc đưa ra phạm trù “tự do lựa chọn” và lí giải mối quan hệ giữa vốn đầu tư và thu nhập (lợi nhuận), tác giả của quan niệm “giá trị hợp pháp” đã tiến tới bênh vực cho sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Từ những thí dụ và phân tích của mình về lợi nhuận thông qua đầu tư vốn Hifagi đi tới kết luận: “Quan hệ sản xuất cần được xây dựng trên nền tảng sau đây: Thứ nhất, sự đánh giá lao động sống và đánh giá vốn như là lao động tích luỹ; Thứ hai, sự cùng tham gia của các yếu tố sản xuất này vào nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Và lúc đó thu nhập từ lao động và thu nhập từ vốn (lợi nhuận) sẽ là hợp pháp”([29]).
Từ những điều đã trình bày khái lược trên đây, chúng ta thấy rằng, Islam giáo không phải chỉ là một tôn giáo thuần khiết. Nó gắn kết rất chặt chẽ với các vấn đề chính trị - xã hội và kinh tế. Chính vì lẽ đó, thế giới Islam giáo là một thế giới vô cùng đa dạng và phức tạp. Nó gắn kết với nhau trên nền tảng của Kinh Koran, song cũng dựa trên các cách lí giải khác nhau về những điều được ghi trong Kinh Koran, Islam giáo phân liệt thành hàng chục giáo phái, hàng trăm tổ chức, đảng phái chính trị - tôn giáo. Việc một số đảng phái chính trị - tôn giáo theo khuynh hướng cực đoan đưa ra những quan điểm lí luận và hoạt động thực tiễn nhằm phục hưng Islam giáo, thần quyền thâu tóm thế quyền, thực ra là đẩy thế giới Islam giáo tụt hậu lại rất nhiều so với thế giới Âu - Mỹ về mọi phương diện. Còn những người theo chủ nghĩa hiện đại, những nhà cải cách Islam giáo đưa ra các quan điểm cấp tiến về phát triển kinh tế xã hội dựa trên nền tảng tôn giáo cũng còn nhiều hạn chế về mặt lí luận cũng như thực tiễn. Các quan điểm lí luận mà họ đưa ra cũng như các hoạt động thực tiễn của họ thực chất là nhằm xây dựng một xã hội tư bản chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng của xã hội Islam giáo. Do vậy, sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các nhóm phái, đảng phái, tổ chức chính trị - tôn giáo ở các nước Islam giáo đang diễn ra hiện nay là điều có thể hiểu được. Đây có thể gọi là mâu thuẫn nội bộ của thế giới Islam giáo. Mâu thuẫn này ở một mức độ nhất định kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở các nước Islam giáo. Song vào những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI, thế giới Islam giáo đã có những bước phát triển mới, mạnh mẽ và sôi động. Sự phát triển này liên quan đến việc giải quyết các mâu thuẫn giữa thế giới Islam giáo với thế giới Phương Tây.
Đây là một vấn đề lớn và phức tạp, ở một mức độ nhất định được chúng tôi giải quyết ở phần tiếp theo./.
TS Nguyễn Văn Dũng


[1] Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam. Tập 2, Hà Nội 2002, tr. 361.
[2] Xem: Lương Ninh. Hồi giáo trong thế giới hiện đạiTạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2000, tr.61.
[3] Xem: Hồi giáo ở một số nước Châu Phi qua các con số. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2002, tr. 69.
[4] Theo: Younis Tawfik. IslamLiana Levi Edit. 1997 et 2001, p. 142.
[5] Theo: Lê Nhẩm. Về Cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6/2003, tr.32.
[6]Xem: Revolution Africaine. Alger, 14-20.01.1983, p. 24.
[7]Theo: M. N. Siddiqi. Contemporary Literature on Islamic Economics. Jeddah, 1978.
[8] Xem thêm: Nguyễn Văn Dũng. Vấn đề cải cách và đổi mới của tôn giáo trong xã hội phương Đông thời Cận - Hiện đạiTạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2001, tr. 16-21, số 2/2001, tr. 21-28.
[9]Ali Merad. L’ Islam à l’horizon 2000. “Tiers Monde”. P. Octobre - Decembre 1982, t. 23, No92, p. 771.
[10] Trích theo: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. M., 1985, tr. 210 (tiếng Nga).
[11] Trích theo: Những vấn đề cấp bách của hệ tư tưởng của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi. M., 1982, tr. 220 (tiếng Nga).
[12] Xem: Abu-l-Hasan Ali al-Hasani an-Nadavi. Thông điệp về cuộc đời của nhà Tiên tri gửi con người thế kỉ XX. Angiê, 1982, tr. 11. (tiếng Arập). Đọc và dẫn theo bản tiếng Nga trong cuốn: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. M., 1985, tr.215.
[13] Hijra - cuộc di cư của Mohammed và những tín đồ Islam giáo đầu tiên từ Mecca tới Medina năm 622, mở đầu cho kỉ nguyên Islam giáo. Năm Hijra (năm 622) được tính là năm đầu tiên của Lịch Islam giáo.
[14] Saiyd Kutb. Những dấu mốc trên đường đi. Bản tiếng Arập, tr. 67. Trích theo: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỉ XX. M., 1985, tr. 215 (tiếng Nga).
[15] Tên cuốn sách là Tại sao lại giết S. Kutb và những người anh em có đức hạnh của ông. Trích theo: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. Sđd., tr. 215.
[16] Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. 1967, bản tiếng Arập, tr. 97-98. Trích theo: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỉ XX. Sđd, tr. 216.
[17] Shahadah là lời tuyên xưng đức tin của tín đồ Islam giáo: “Không có vị thần nào khác ngoài Đức Allah và Mohammed là nhà tiên tri của Đức Allah”. Đây là cột trụ đầu tiên trong năm cột trụ của Islam giáo.
[18] Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. Sđd. tr. 216 (bản tiếng Arập tr. 20, 38).
[19] Saiyd Kutb. Sđd, tr. 216 (bản tiếng Arập, tr.100).
[20] Saiyd Kutb. Sđd, tr. 216 (bản tiếng Arập, tr. 20).
[21] Saiyd Kutb. Dưới sự bảo vệ của Kinh Koran. Phần 1. Bản tiếng Arập, tr. 8. Trích theo:Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. Sđd., tr. 216.
[22] Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. Sđd., tr. 216 (bản tiếng Arập, tr.24)
[23] Saiyd Kutb. Những dấu mốc trên đường đi. Bản tiếng Arập, tr.67-68. Trích theo: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. Sđd., tr. 216.
[24] Các nhà nghiên cứu Arập cũng quan tâm đến vấn đề này. Thí dụ tác giả Abd-al-Malik Abda với tác phẩm Sự thức tỉnh của thế giới Islam giáo hiện đại, trong: Shuun Arabiya, Tuyridi; tháng 5 năm 1982, tr. 122.
[25] Ash-Shaab. Alge, 12-04-1982.
[26] Xem thêm: Iusuf al-Kardavi. Ý thức Islam giáo: Sự phủ định và chủ nghĩa cực đoan. Katar, 1982, (Bản tiếng Arập) tr. 16 . Trích theo: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. Sđd, tr. 217.
[27] Abd-al Halim Hifagi. Đối thoại với những người cộng sản trong các buồng giam nhà tù. El-Kuweit, 1974, tr. 204, 207. Bản tiếng Arập. Trích theo: Triết học và tôn giáo ở phương Đông thế kỉ XX. Sđd, tr. 218.
[28] Abd-al Halim Hifagi. Sđd., tr. 225 (bản tiếng Arập). Trích theo: Sđd., tr. 218.
[29] Abd-al Halim Hifagi. Sđd., tr. 247 (bản tiếng Arập). Trích theo: Sđd., tr. 219.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét