Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Phụ nữ Hồi giáo và chiếc khăn choàng bí ẩn


Phụ nữ Hồi giáo và chiếc khăn choàng bí ẩn

Trương Văn Khoa



Trong một lần đi tập huấn ngành ngân hàng tại Indonesia, nơi có người Hồi giáo đông nhất thế gới (86,10% dân số là tín đồ Hồi giáo), bloger đã đến rất nhiều nơi để tìm hiểu xứ sở của kinh Koran. Có nhiều điều mới lạ nhưng hình ảnh người phụ nữ trong bộ trang phục rộng với chiếc khăn trùm kín đầu và cổ, hay với cả chiếc mạng che kín khuôn mặt đã trở thành hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Hồi giáo. Vậy tục lệ này bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ?
Có nhiều giả thiết về sự ra đời của trang phục che kín mặt của phụ nữ Hồi giáo.
Trước hết, đó là do niềm tin tôn giáo. Thông thường, theo truyền thống đạo Hồi thì việc đeo mạng che mặt là điều bắt buộc với quan niệm rằng sự tôn trọng gia đình nằm ở hành động của người phụ nữ đó. Danh dự của người phụ nữ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và dòng họ, danh dự người phụ nữ phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của mình. Nếu người phụ nữ vi phạm những điều cấm đó thì người đàn ông trong gia đình có thể bị coi là yếu ớt, hèn nhát và có thể bị xã hội tẩy chay. Do vậy, để được đàn ông coi trọng và bảo vệ thì người phụ nữ không được để mọi người thấy mặt nơi công cộng. Đồng thời, do đeo mạng, người phụ nữ cũng giúp cho người đàn ông khỏi bị nhục dục cám dỗ. Ngoài ra, việc đeo mạng là hình thức mang lại tự do cho phái yếu, vì họ sẽ yên tâm hòa mình vào đời sống cộng đồng Và một yêu cầu quan trọng nữa được kinh Koran nhắc đến là người phụ nữ phải ăn mặc hết sức giản dị, kín đáo nơi công cộng.

 " Tác giả(đứng) và các nhân viên của ngân hàng Indonesia trong trang phục Hijab"            
            Ngoài lý do nguyên tắc tôn giáo thì sự xuất hiện mạng che mặt cũng liên quan đến nhiều truyền thuyết trong dân gian. Có truyền thuyết nói rằng vua Ba Tư tài giỏi Tamerlane (1336 - 1405) có rất nhiều cung tần mĩ nữ xung quanh nhưng vua quý nhất và sủng ái nhất là mỹ nhân Bibi Khanym. Tuy nhiên, Tamerlane lại quá tham vọng, thường đi chinh phục những vùng đất mới khiến nàng cảm thây vô cùng cô đơn. Một lần, khi Tamerlane đang đi xa, nàng muốn mang lại điều bất ngờ cho nhà vua nên đã cho xây một thánh đường. Trong số những thợ tài hoa nhất có một kẻ say mê sắc đẹp của nàng và hắn đã đưa ra yêu cầu là nếu không cho hắn hôn thì thánh đường sẽ không hoàn thành đúng thời hạn. Vì quá sốt ruột nên nàng đành chấp nhận. Tuy nhiên, nụ hôn của người thợ kia trên má nàng đã không thể tẩy xoá được. Tamerlane biết chuyện, vô cùng tức giận đã ra lệnh giam gã thợ vào ngục và buộc tất cả phụ nữ trong nước phải che mặt mỗi khi ra đường hay gặp người lạ. Chỉ có người chồng mới có đặc quyền ngắm vợ mình. Tamerlane cho rằng sắc đẹp của người phụ nữ là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Tập quán đeo mạng che mặt của người phụ nữ Hồi giáo ra đời từ đấy.
Một truyền thuyết khác nữa là , tại vùng Cận Đông, các đời vua Assyrian đã buộc phụ nữ phải đeo mạng che mặt vì coi nó liên quan chặt chẽ đến sự riêng tư của người phụ nữ trong hậu cung. Tuy nhiên, gái điếm và nô lệ lại không được yêu cầu đeo mạng và sẽ bị đánh nếu vi phạm luật này. Do đó, mạng che mặt trở thành biểu tượng cho phảm giá của người phụ nữ. Còn ở thế kỉ 2 Hồi lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, mạng che mặt lại tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực của người phụ nữ quý tộc.
Việc đeo mạng che mặt còn do các quy định trong xã hội Hồi giáo. Đến khoảng thế kỉ thứ 10 thì hàng loạt các luật mới được ban hành khiến người phụ nữ gặp nhiều bất lợi hơn trong xã hội so với trước đó. Trong một số thời kỳ, chẳng hạn triều Mamluks ở Ai Cập đã liên tiếp ban hành các điều luật hết sức hà khắc buộc phụ nữ phải đeo mạng che mặt khi ra khỏi nhà và không cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội.
Còn sự phát triển mạnh mẽ thực sự của hijab xuất hiện cùng với cuộc cách mạng Iran. Phụ nữ được xem là nhân tố chính trong những thay đổi về đạo đức và các hành vi cá nhân. Những người phụ nữ không đeo mạng che mặt thường bị chế nhạo và bị gọi là "búp bê vẽ" và bị trừng phạt nếu xuất hiện nơi công cộng mà không che mặt. Còn ở các nước Hồi giáo khác, thập niên 70 thế kỉ trước, các cuộc tuần hành đã diễn ra liên tục nhằm chống lại việc yêu cầu các nữ sinh đại học và công chức ăn mặc theo phong cách phương Tây.
Tuy nhiên, phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt còn do chịu ảnh hưởng quá sâu sắc về truyền thống từ các thế hệ trước và họ coi đó như là một điều hiển nhiên, không thể thay đổi. Chẳng hạn đến đầu thế kỉ XX, các điều luật bắt buộc phụ nữ che kín mặt đựơc nới lỏng ở Thổ Nhĩ Kỳ hay những năm 1930 ở Iran, Reza Shah Pahlevi xoá bỏ tục đeo mạng che mặt nhưng phụ nữ đón chào tin này không phải với sự sung sướng mà là sự sợ hãi. Có người còn không dám ra khỏi nhà vì sợ tấm mạng che mặt của mình sẽ bị cảnh sát xé bỏ. Khi nhiều nhà lãnh đạo ở các nước Hồi giáo bắt đầu khuyến khích phụ nữ tham gia công tác xã hội và xuất hiện tự do hơn nơi công cộng thì nhiều phụ nữ Hồi giáo trí thức cũng đã bắt đầu ra khỏi nhà mà không đeo mạng, nhưng vẫn mặc Hijab. Năm 1910, lần đầu tiên một phụ nữ trẻ người Thổ Nhĩ Kỳ đã dám chụp ảnh khuôn mặt mình.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo có 7 loại với nhiều cách choàng khăn khác nhau : 

Hijab tiếng Ảrập (hay Jilbab tiếng Indonesia) có nghĩa là khăn che mặt, để chỉ các loại khăn choàng của phụ nữ Hồi giáo. Những khăn choàng này có nhiều kiểu và màu sắc khác nhau. Kiểu được sử dụng thông thường nhất tại phương Tây là khăn hình vuông, che đầu và cổ nhưng để hở mặt.
Niqab là mạng che mặt chỉ để hở mắt, có thể được dùng với một mạng che mắt riêng. Khăn này cũng có thể được dùng cùng với một khăn chùm đầu.
Burka là loại khăn chùm kín nhất trong các loại khăn choàng Hồi giáo. Khăn này chùm kín cả mặt và người và có một tấm lưới dầy che vùng mắt để người sử dụng có thể nhìn ra qua tấm lưới này. Thời Taliban ở Afghanistan, hầu hết các phụ nữ đều sử dụng trang phục này.
Al-amira là khăn phủ gồm 2 mảnh, một khăn choàng quấn vừa vặn trên đầu, thường làm bằng vải cotton hay vải pha nylon, kèm theo là một khăn choàng hình ống.
- Shayila là khăn dài rất phổ biến ở vùng vịnh. Khăn này được quấn qua đầu và được gài hay ghim để giữ qua vai
Khimar loại khăn chùm dài kiểu áo choàng xuống tại ngang hông. Khăn này che hoàn toàn tóc, cổ và vai phụ nữ.
Chador (hay Chadar theo tiếng Indonesia) được nhiều phụ nữ Iran sử dụng khi ra đường. Đây là một áo choàng kín. Nó thường được dùng cùng với một khăn quàng đầu nhỏ hơn, bên dưới.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét