Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

OBAMA VÀ THẾ GIỚI HỒI GIÁO

OBAMA VÀ THẾ GIỚI HỒI GIÁO
(Cadn.com.vn) - Kể từ khi ông Barack Obama lên nắm quyền Nhà Trắng, đã có những thất bại, những bước tiến trong các mối quan hệ với thế giới Hồi giáo.
Hình ảnh giận dữ, quá khích chống Mỹ của những người biểu tình tại các thành phố Arab trong những ngày qua là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, thế giới Hồi giáo vẫn không hề có thiện cảm hơn với Nhà Trắng kể từ sau sự kiện cựu Tổng thống George W. Bush bị ném giày trong buổi họp báo ở Baghdad năm 2008.
“Mối tình” dang dở…
Nhưng hơn 3 năm - sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố tại Cairo (Ai Cập) sẽ tìm kiếm “một sự khởi đầu mới” với những người Hồi giáo - quan hệ hai bên vẫn chứng kiến những bước thụt lùi đáng kể.
Các cuộc cách mạng Mùa xuân Arab, được cho là bén lửa từ phương Tây, lật đổ nhiều nhà lãnh đạo các nước Hồi giáo. Hòa bình Israel-Palestine vẫn là một khái niệm xa xỉ; hạt nhân Iran vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và đặc biệt là một mối ngờ vực về người Mỹ vẫn còn sâu sắc và bùng nổ khắp thế giới Hồi giáo.
Tổng thống Obama cũng không sẵn sàng chỉ trích Tổng thống được bầu dân chủ của Iraq, Nouri al-Maliki khi ông này bác bỏ yêu cầu của Mỹ phải dừng ngay việc cho Iran sử dụng không phận chuyển vũ khí cho chính phủ Syria. Báo cáo tiết lộ mánh khóe của Iran trong việc sử dụng máy bay dân sự chuyển binh sĩ và một số lượng lớn các loại vũ khí qua không phận của Iraq đến Syria càng trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Obama sẽ đem vấn đề này lên cuộc họp Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Đây là màn biểu diễn cuối cùng của ông Obama trên sân khấu chính trị thế giới trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới.
Tổng thống Obama đang muốn có thêm một nhiệm kỳ nữa để có thể “làm hòa” với thế giới Hồi giáo. Ảnh: AP 
Vị thế của ông Obama xuống thấp đáng kể trong lòng các quốc gia Hồi giáo khi ông không thể kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất về vấn đề Syria, nơi mà một cuộc nổi dậy kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người. Trong khi đó, các vấn đề lớn khác có thể giúp xác định mối quan hệ Mỹ-Hồi giáo chính là Iran; các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine và Mùa xuân Arab. Trong đó, Iran là biểu tượng rõ ràng nhất của sự thất bại. Ngay khi vừa nhậm chức, ông Obama  chìa cành ô-liu cho các nhà lãnh đạoIran, hy vọng đàm phán giới hạn về chương trình hạt nhân của họ. Nhưng đến tháng 6-2009, ông Obama cho biết, bế tắc đạt đến “điểm quyết định” và đang đe dọa nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.
… “vẫn có thể nở hoa”
Những dấu hỏi về “mối tình dang dở” Obama – thế giới Hồi giáo bị xới lại khi 4 người Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens thiệt mạng trong một cuộc tấn công của người biểu tình hôm 11-9 nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya.
Người biểu tình xuống đường chống Mỹ và để phản đối bộ phim có tựa đề “Sự ngây thơ của đạo Hồi”, trong đó có nội dung phỉ báng nhà tiên tri Mohammad. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó chỉ là cái cớ đằng sau âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ. Ngày 21-9, Nhà Trắng cũng chính thức xác nhận, vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi là “vụ tấn công khủng bố”. Cũng trong ngày 21-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo mở cuộc điều tra độc lập về an ninh tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, để tìm hiểu rõ ràng vụ tấn công này.
Nhưng cũng từ vụ tấn công này, Tổng thống Obama lấy điểm của cử tri Mỹ khi vinh danh 4 “anh hùng của người Mỹ” và thúc giục các đối tác Hồi giáo chấp nhận trách nhiệm. “Khi họ thành lập chính phủ mới, một phần việc họ phải làm là nhận ra rằng, dân chủ không chỉ là đi bỏ phiếu bầu”, ông Obama nói trong bài phát biểu dành cho thế giới Hồi giáo. “Đó là tôn trọng tự do ngôn luận và những người có quan điểm khác nhau”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định thêm.
Obama đã thực hiện lời hứa giảm sự hiện diện của Mỹ ở các quốc gia Hồi giáo bằng cách rút tất cả quân đội ra khỏi Iraq và bắt đầu rút quân dần dần ra khỏi Afghanistan. Ưu tiên của ông Obama cũng không chỉ để hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn mà còn để làm sắc nét trọng tâm chính sách của Mỹ trong việc đánh bại Al-Qaeda. Trong cuộc chiến tham gia cùng các đồng minh NATO và Liên đoàn Arab lật đổ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, ông chủ Nhà Trắng cũng thành công khi cam kết không triển khai lực lượng mặt đất (mà chỉ là triển khai lực lượng không quân). Và khi ở cuối nhiệm kỳ của ông, ông Obama chứng tỏ một chút thiện chí với Tehran khi không ủng hộ “giới hạn đỏ” cho Iran của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tổng thống Obama thừa hưởng di sản “uy tín Mỹ giảm sút nặng nề” từ người tiền nhiệm G.W.Bush trong thế giới Hồi giáo. Vì vậy, cần thực tế nghĩ rằng, “sự khởi đầu mới” của ông Obama phải cần có thêm thời gian.
Khả Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét