Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo

Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo
        Trong thế giới Hồi giáo không phải là một khối đồng nhất về chính trị, xã hội, tôn giáo, mà có sự khác biệt. Sự khác biệt đó tùy thuộc vào những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa, cư dân,… của từng quốc gia.
             Trong những mảng mầu khác nhau đó nổi lên một đất nước Hồi giáo có nhiều nét đặc trưng riêng cần quan tâm tìm hiểu. Đó là nước Thổ Nhĩ Kỳ, đầy đủ hơn là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo mà chúng tôi đã thu lượm được qua chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.
1. Đôi nét về Thổ Nhĩ Kỳ
 
Có một đất nước nằm ở giữa châu Á và châu Âu với tên chính gốc là Turkish*, người Việt gọi qua Hán là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhỹ Kỳ có diện tích 779.452 km2, nhưng 32% lãnh thổ phía tây cắt qua eo biển Ma-ma-ra (eo biển này nối Địa Trung Hải với Biển Đen) thuộc châu Âu, còn lại thuộc châu Á. Vùng đất thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là cao nguyên và những dẫy núi cao. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí rất thuận lợi, phía Tây giáp Địa Trung Hải; phía Bắc giáp Biển Đen là các nước Bun-ga-ri, phía Đông và Đông Bắc giáp Gru-di-a, Ác-mê-ni; phía Nam và Đông Nam giáp với I-ran, I-rắc, Xy-ri. Thổ Nhỹ Kỳ có hai con sông chính là Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát. Chính hai con sông này khi chảy về Tây Á tạo nên nền văn minh Lưỡng Hà thời cổ đại nổi tiếng. Với vị trí địa lý này Thổ Nhỹ Kỳ rất thuận lợi cho việc giao thương, nhưng đồng thời cũng là nơi có vị trí chiến lược về quân sự và chính trị trên chính trường thế giới.
 
Thổ Nhĩ Kỳ có một chiều dài lịch sử với nhiều thăng trầm không chỉ gắn với đất nước này mà còn gắn với khu vực, thậm chí cả thế giới. Theo hiểu biết hiện nay, vào giữa thế kỷ XVII-TCN, một nhà nước được hình thành và nhanh chóng trở thành đế quốc Hi-ti-tê kiểm soát toàn bộ vùng A-na-tô-li-a (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và mở xuống phía Nam vùng đất của Xy-ri. Đến thế kỷ XIII-TCN, các bộ lạc Ấn-Âu từ phía bắc- vùng Ban-căng tràn xuống chinh phục Hi-ti-tê. Thiên niên kỷ I-TCN, vùng đất A-na-tô-li-a liên
------------------------------------------------------
* Trước đây, tên nước ngoài, ta thường gọi qua âm Hán ví dụ như: Tây Ban Nha- Spain, Bồ Đào Nha- Portuguese, Ái Nhĩ Lan- Ireland, Tô Cách Lan- Scotland, Tân Tây Lan- New Zealand, Mễ Tây Cơ- Mexico, Gia Nã Đại- Canada, Á Mỹ Lợi Gia- America,… Thậm chí tên người cũng gọi theo cách vậy, ví như: Nã Phá Luân- Napoleon, Kha Luân Bố- Colombo,…
 
 
tục bị xâm lược từ bên ngoài, khi thì người Ba Tư (I-ran) thế kỷ VI-TCN, khi thì A-lếch-xăng-đrơ năm 334-TCN, và cuối cùng là đế quốc La Mã năm 133-TCN.
 
Cuộc chinh phục và cai trị Thổ Nhĩ Kỳ của La Mã kéo dài nhiều thế kỷ. Tuy nhiên trong quá trình đó đã diễn ra nhiều biến cố quan trọng làm thay đổi tình hình chính trị, xã hội và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 330, Hoàng đế La Mã là Công-xtăng-tin (ở ngôi từ 306 đến 337) đã lập thành phố mới ở vùng đất A-na-tô-li-a và lấy tên của mình đặt cho là Công-xtăng-ti-nốp. Năm 395 khi đế quốc La Mã phân đôi thành Đông và Tây, thì Công-xtăng-ti-nốp trở thành thủ đô của đế quốc Bi-dăng-tin (Đông La Mã).
 
Một biến cố quan trọng khác diễn ra vào thế kỷ XI đã làm thay đổi tình hình của A-na-tô-li-a. Đó là việc người Thổ (còn gọi là người Tuyếc) từ vùng Trung Á theo Hồi giáo đã chinh phục phần lớn vùng A-na-tô-li-a và lập nên đế quốc Ốt-tô-man (1289) hùng mạnh. Bằng sức mạnh quân sự và tài chinh phục, đế quốc Ốt-tô-man đã nhanh chóng mở rộng, phía Bắc đến tận vùng Ban-căng, phía Nam đến tận An-giê-ri,… tổng cộng gồm 25 quốc gia lớn, nhỏ. Công-xtăng-ti-nốp trở thành thủ đô của Đế quốc Ốt-tô-man với tên gọi mới là I-xtăng-bun.
 
Đế quốc Ôt-tô-man hùng mạnh cho đến thế kỷ XVI thì suy yếu dần. Những năm cuối thế kỷ XIX, Ốt-tô-man liên tục thất bại trong các cuộc chiến tranh với Nga dẫn tới việc một số phần đất chinh phục được trước đây đã được giải phóng như Bun-ga-ri, Séc-bi-a, Mông-tê-nơ-grô. Đầu thế kỷ XX, nhất là trong chiến tranh thế giới lần thứ I, Ốt-tô-man tiếp tục thất bại trong các cuộc chiến vùng Ban-căng dẫn đến việc mất gần hết các vùng đất đã chiếm được ở châu Âu trước đây.
 
Sau thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I, Ốt-tô-man rơi vào nội chiến và đứng trước sự đe dọa chinh phục bằng quân sự từ các nước xung quanh. Một sự kiện đặc biệt quan trọng đã diễn ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 1923, sau khi lãnh đạo lực lượng kháng chiến giành chiến thắng trong cuộc nội chiến, đánh bại cuộc xâm lược của Hi Lạp, tướng Mu-xơ-ta-pha Ke-man đã làm cuộc cách mạng bãi bỏ chế độ quân chủ Hồi giáo, xây dựng nền cộng hòa theo kiểu phương Tây*. Tên gọi Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được gọi từ đây.
--------------------------------
* Người Thổ Nhĩ Kỳ gọi Mu-xơ-ta-pha Ke-man là vị Anh hùng, “Cha già dân tộc” vì những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước này.
 
Cũng cần nhắc đến một số sự kiện khác không kém phần quan trong diễn ra trong thế kỷ XX tác động đến đời sống chính trị, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1945, sau khi giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Liên Xô đòi lại các vùng đất còn lại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được. Việc này đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hẳn sang thân phương Tây, để đến sau đó năm 1952, chính thức gia nhập NATO. Những thập niên 1960 đến 1980, Thổ Nhĩ Kỳ xáo trộn vì các cuộc đảo chính quân sự. Tuy chính quyền dân sự được vãn hồi nhưng lực lượng quân đội trở thành thế lực quan trọng, chỗ dựa vững chắc cho các đảng cầm quyền.
 
Theo số liệu năm 2010, nước Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích 780.000 km2, có 75 triệu dân, trong đó người Thổ chiếm 80%, người Cuốc chiếm gần 20%, các dân tộc ít người khác khoảng 1%. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm 30%, nông nghiệp chiếm 20%, dịch vụ chiếm 50%. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 12.000 USD/ năm, đứng thứ 16 trong nhóm nước G 20.
 
2. Hồi giáo và chính sách đối với Hồi giáo
        Hồi giáo ra đời năm 622 với vai trũ của Mụ-ha-một. Sau khi xác lập được vị trí trong xã hội ả-rập, mặc dù Mô-ha-mét qua đời, mâu thuẫn nội bộ khỏ gay gắt, nhưng Hồi giáo vẫn tiến hành các cuộc viễn chinh truyền bá vào các dân tộc khác ở phía Đông như Si-ri, Ba Tư, Ai Cập, Tây Bắc ấn Độ; ở phía Tây đến các thành phố Bắc Phi, rồi vượt biển vào Tây Ban Nha, châu Âu. Và chỉ hơn một thế kỷ, giữa thế kỷ VIII, người ả-rập Hồi giáo đã làm chủ thực sự trên một vùng đất rộng lớn nối liền Đông - Tây trong khi họ đang còn là một dân tộc lạc hậu.
       Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI, Hồi giáo tiếp tục bành trướng vào sâu trong lục địa châu Phi, mở rộng sang ấn Độ, Trung Quốc, Tây á, Trung á. Thời kỳ này, trung tâm Hồi giáo chuyển từ Đa-mát sang Bát-đa, vai trò của người Ba Tư vượt lên lấn lướt vai trò của người ả-rập, Hồi giáo được bổ sung nhiều yếu tố của văn hóa Ba Tư.
       Từ thế kỷ XII, Hồi giáo phải đương đầu với hai thế lực:  phía Tây là cuộc thập tự chinh kéo dài hai thế kỷ từ năm 1096 đến năm 1270 của Giáo hội Công giáo và thế lực phong kiến châu Âu; ở phía đông là quân Nguyên Mông hùng mạnh và thiện chiến. Tuy nhiên, kết cục thế lực Hồi giáo không những không bị suy giảm mà lại được củng cố và mở rộng.
       Thế kỷ XI, XV, XVI trở đi Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên khác với các cuộc truyền giáo trước đó, Hồi giáo đến vùng Đông Nam Á chủ yếu bằng con đường hòa bình. Đến đầu thế kỷ XXI, Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới với khoảng 1,350 triệu tín đồ ở năm khu vực: Bán đảo Ả-rập, Bắc Phi, Tây Á, Trung Nam Á, Đông Nam Á. 
       Trong lịch sử phát triển Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một trong những vùng truyền giáo mang tính đặc thù. Năm 1020, những người theo Hồi giáo ở vùng Trung Á đã tràn xuống A-na-tô-li-a, lúc này thuộc đế quốc Bi-zăng-tin (Đông La Mã). Những người Tuyếc Trung Á đã theo Hồi giáo từ trước khi đến chính phục miền A-na-tô-li-a bằng vũ lực, nhưng khác với các cuộc chinh phục mở rộng nước Thánh của những đoàn quân Hồi giáo từ Bán đảo Ả-rập, họ không bắt những người tại chỗ bỏ tôn giáo của mình đang theo để theo Hồi giáo, không tàn phá hoặc chiếm lĩnh những cơ sở tôn giáo, biến nó thành cơ sở Hồi giáo, mà để cho sự chuyển biến diễn ra trong hòa bình- tự chuyển biến. Đặc điểm này rất quan trọng đến đời sống Hồi giáo, hay nói cách khác là tính cách Hồi giáo của Thổ Nhĩ kỳ sau này.
          Điều rất dễ nhận thấy khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không nhìn các Thánh đường Hồi giáo đồ sộ mái vòm tháp cao vút mang nét đặc trưng về kiến trúc Hồi giáo, thì khó có thể nhận ra đây là đất nước Hồi giáo như khi ta đến các nước Hồi giáo ở cùng khu vực. Trước hết về ăn mặc, ở Thổ Nhĩ Kỳ phụ nữ ra đường chỉ có rất ít người mặc y phục truyền thống của Hồi giáo với tấm khăn che mặt, đa số phụ nữ mặc bình thường, thậm chí họ mặc váy hoặc quần Jin, áo phông có chữ và hình vẽ trang trí. Trên đường phố, đó đây vẫn có nhà hàng, cửa hiệu, thậm chí bán cả rượu, bia, thuốc lá- điều tối kỵ đối với Hồi giáo,… Ngay cả năm cốt đạo được các nước Hồi giáo trong khu vực thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ bị phê phán, lên án, thì ở Thổ Nhĩ Kỳ đôi khi thực hiện mang tính chất tượng trưng, đại diện. Tuy hình thức thì như vậy, nhưng tín đồ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đều có niềm tin và tình cảm tôn giáo sâu đậm và mãnh liệt. Trong nhiều cuộc điều tra, khảo sát của các cơ quan chuyên môn ở trong nước và quốc tế đều đưa ra những chỉ số liên quan đến tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ không khác các nước trong khu vực.
Hiện nay, ở Thổ Nhĩ Kỳ có 98% dân số theo Hồi giáo, trong dó chủ yếu là Hồi giáo dòng Suni, với khoảng 70.000 thánh đường ở 81 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài Hồi giáo, ở Thổ Nhĩ Kỳ còn có các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, Do Thái giáo, Chính thống giáo,…
    Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận quyền tự do tôn giáo đối với mọi công dân, cộng đồng các tôn giáo đều được sự bảo vệ của nhà nước (Điều 25). Tuy là một đất nước mà Hồi giáo chiếm đa số nhưng luật pháp quy định các tôn giáo đều bình đẳng và được pháp luật bảo vệ, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Trong khi thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình, các cá nhân và tổ chức tôn giáo phải tuân thủ pháp luật và chịu sự chi phối của luật pháp.
    Do đặc trưng mang tính lịch sử của mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước, ở nhiều nước Hồi giáo, tôn giáo thường lấn lướt và chi phối nhà nước, luật lệ Hồi giáo vượt trên luật pháp nhà nước. Hiểu rõ đặc điểm này, là một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số nên khi nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập đã khẳng định thể chế nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ mới là nhà nước thế tục, tách giáo hội ra khỏi nhà nước, luật lệ Hồi giáo không ảnh hưởng và chi phối đến luật pháp nhà nước, luật lệ Hồi giáo chỉ áp dụng trong Hồi giáo. Không những thế, luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ quy định tôn giáo không được can thiệp hoặc tham gia vào các hoạt động chính trị, không được lập các đảng phái tôn giáo; đồng thời các đảng phái không được nhân danh đại diện cho một niềm tin tôn giáo nào.
    Cơ quan nhà nước về tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khác nhiều nước Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi. Sau khi bỏ mô hình Bộ Hồi giáo, nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ thành lập Cơ quan phụ trách về các vấn đề tôn giáo. Vì là đất nước Hồi giáo, vấn đề Hồi giáo là lớn nhất nên Cơ quan phụ trách về tôn giáo thực chất là Cơ quan phụ trách Hồi giáo. Người đứng đầu cơ quan này là chức danh chủ tịch (Mufy) có hàm cấp tương đương bộ trưởng. Ở các tỉnh, thành phố, thị trấn đều có Cơ quan phụ trách về tôn giáo. Cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo ở trung ương có các đơn vị chuyên trách (tương đương cấp vụ), như: giáo dục và đào tạo giáo sỹ, lễ nghi, hành hương, từ thiện xã hội, xuất bản,… Khác với các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo thường thấy ở một số quốc gia, chức năng của Cơ quan phụ trách về tôn giáo các cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo. Cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo còn có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các Thánh đường và có trách nhiệm quản lý các giáo sỹ (Imâm)- người đứng đầu tại các Thánh đường Hồi giáo.
   Hỗ trợ, đúng hơn là lồng vào trong cơ cấu của Cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo ở cấp trung ương có Hội đồng Tôn giáo tối cao (cơ chế hai trong một). Hội đồng này được thành lập đầu tiên từ năm 1966. Đây là cơ cấu quyền lực cao nhất của Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quy định, Hội đồng Tôn giáo tối cao gồm 18 thành viên là những vị giáo sỹ Hồi giáo có uy tín nhất, trong đó có 14 vị được bầu, còn 04 vị do Cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo cử với nhiệm kỳ 05 năm. Giúp việc cho Hội đồng Tôn giáo tối cao là lực lượng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về Hồi giáo (năm 2011 có 35 người, sắp tới sẽ tăng lên 48 người) và các trợ lý của chuyên gia. Hội đồng Tôn giáo tối cao có nhiệm vụ: đề xuất với chính phủ các chính sách về Hồi giáo và văn hóa hồi giáo; giải đáp các vấn đề liên quan đến Hồi giáo; nghiên cứu Hồi giáo trong nước và ngoài nước; điều hành việc biên dịch các ấn phẩm về Hồi giáo; chấp thuận việc xuất bản các ấn phẩm Hồi giáo; chủ trì các hội nghị về Hồi giáo quốc tế (đã tổ chức 4 cuộc hội nghị quốc tế về Hồi giáo với quy mô lớn), các hội thảo chuyên đề về Hồi giáo (như: đức tin, Halal, lịch sử,…); phối hợp với Cơ quan phụ trách về tôn giáo hướng dẫn về lễ nghi, hành hương, giáo dục Hồi giáo, đào tạo giáo sỹ,… Tổng số Imâm và đội ngũ chuyên trách của cơ quan phụ trách về tôn giáo các cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ là 155.000 người (trong đó Imâm là 70.000).
    Ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáo dục tôn giáo là việc bắt buộc, dưới sự giám sát của chính phủ thông qua Bộ Giáo dục. Theo quy định, từ lớp 4 trở lên phải thực hiện giáo dục tôn giáo mà chủ yếu là giáo dục Hồi giáo. Việc giáo dục Hồi giáo đến bậc trung học có chương trình nâng cao dành cho những học sinh có định hướng hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp- Imâm (gọi là Imâm Hatip School). Những học sinh tốt nghiệp các trường Imâm Hatip Schoool sẽ được lên học ở các Khoa Thần học của các trường đại học hoặc các Trường Thần học. Hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ có 500 trường Imâm hatip School, 50 khoa thần học ở các trường Đại học. Riêng số học viên, nghiên cứu sinh thần học người nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ là 71.000 người. Điểm đáng quan tâm, trong chương trình giáo dục Hồi giáo, các nhà trường còn giáo dục cho các học sinh hiểu biết về các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Phật giáo,… Ngay ở các Trường Thần học, Khoa thần học đều có cả bộ môn, thậm chí là khoa riêng về các tôn giáo khác như: Phật giáo, Ki-tô giáo, Ấn Độ giáo,...* Một số khoa thần học lớn ở Ankara, Ixtanbun thường xuyên mời các giáo sỹ cao cấp, các nhà thần học của Vatican, các nhà nghiên cứu Phật giáo, Hin-đu giáo ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,… sang trao đổi và giảng dậy.
  
Các nhà lãnh đạo Hội đồng Tôn giáo tối cao cũng như các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng chính việc giáo dục tôn giáo- Hồi giáo đã trang bị và định hướng cho người dân những giá trị dân chủ, giá trị Hồi giáo chân chính, tránh được sự thâm nhập của các luồng Hồi giáo cực đoan.
   
Một vấn đề tôn giáo liên quan đến chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ là đã nhiều lần bị các nước EU khước từ không kết nạp trở thành thành viên với lý do chưa đủ điều kiện, cho dù sau khi tuyên bố thành lập nền Cộng hòa đầu thế kỷ XX Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định đường lối “hướng Tây” (ngả sang phương Tây) và trở thành thành viên NATO. Theo một số nhà bình luận thế giới, phương Tây lo ngại khi kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ mở ra cơ hội
 
* Khoa Thần học, Trường Đại học Marmara, Ixtanbun được thành lập năm 1959, hiện có 400 giảng viên có 2.400 sinh viên, 750 học viên thạc sỹ, 200 nghiên cứu sinh tiến sỹ, thư viên của khoa có 14.000 đầu sách. Trong chương trình giảng dậy có các bộ môn: Lịch sử, triết học, lôgic học, tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo châu Á, Ki-tô giáo,…
thuận lợi cho lực lượng Hồi giáo thâm nhập châu Âu. Mặc dù việc Thổ Nhĩ Kỳ có trở thành thành viên EU cho đến nay vẫn còn đang treo, nhưng nền kinh tế của nước này đã phát triển khá mạnh trong thời gian qua, trở thành thành viên nhóm G.20 một cách nhẹ nhàng và đang đứng vững trong cơn lốc suy thoái, nợ công của các nước EU hiện nay.
 
3. Một vài nhận xét
 
1. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có chiều dài lịch sử, có bề dầy về văn hóa. Trong thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế khá mạnh- một “nền kinh tế phi dầu mỏ”, nhưng đồng thời cũng không nằm trong Cộng đồng kinh tế châu Âu- EU mà đi theo hướng riêng, trên cơ sở khai thác các yếu tố lịch sử, tôn giáo cũng như những lợi thế về vị trí địa lý, môi trường chính trị thế giới và khu vực trong những hoàn cảnh cụ thể để phát triển.
 
2. Do những đặc điểm riêng về địa lý tự nhiên, lịch sử dân tộc và lịch sử truyền giáo, dân cư, văn hóa,… Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ mang sắc thái riêng- một Hồi giáo cởi mở, không rơi vào trạng thái khép kín, cực đoan, bảo thủ. Có lẽ đây là yếu tố tôn giáo hỗ trợ cho sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không, chí ít cũng không cản trở cho sự phát triển. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo có vai trò rất lớn trong đời sống chính trị và xã hội. Chính Hồi giáo là nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển của đất nước này.
    3. Là một nhà nước thế tục nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm và có chính sách sự nâng đỡ đối với Hồi giáo. Chính sự hỗ trợ, định hướng của chính phủ, cùng với những đặc điểm riêng về lịch sử, văn hóa,… như nói trên đã giúp cho đời sống Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ phong phú và đi theo hướng riêng, vẫn giữ mình là nước Hồi giáo nhưng lại ngăn chặn hoặc làm giảm đi sự thâm nhập của tư tưởng cực đoan như một số nước trong khu vực.
 
4. Thổ Nhĩ kỳ là một quốc gia gạch nối không chỉ về địa lý- giữa châu Á và châu Âu, gạch nối trong mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với phương Tây, mà ở đó, vừa giữ được tính truyền thống của Hồi giáo vừa thích ứng với xã hội hiện đại. Nhà nước thế tục ở một nước Hồi giáo chiếm đại đa số như Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là mô hình hướng tới của khá nhiều nước Hồi giáo. Tuy nhiên, để được như Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Hồi giáo này còn phải vượt qua quá nhiều trở ngại về tôn giáo, văn hóa và chính trị./.
 
Nguyễn Thanh Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét