Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Trào lưu chống Hồi giáo lan rộng ở phương Tây


Trào lưu chống Hồi giáo lan rộng ở phương Tây


Từ một nhóm cực hữu ở Anh đến phong trào đảng Trà (Tea Party) ở Mỹ cho đến hàng loạt chính đảng cực hữu ở châu Âu đang nuôi dưỡng tư tưởng bài xích Hồi giáo và tung ra hàng loạt hành động quyết liệt về mặt chính trị lẫn xã hội để chống lại cái gọi là “Hồi giáo hóa” các xã hội Âu - Mỹ ngày nay.

Liên minh chống Hồi giáo xuyên lục địa
Theo tờ báo Anh The Observer, một nhóm cực hữu ở Anh có tên gọi là English Defence League (Liên đoàn Phòng vệ Anh - EDL) đang nổi lên mạnh mẽ với các cuộc biểu tình phản đối người Hồi giáo và người nhập cư châu Á rầm rộ nhất nước Anh. Đây là một nhóm có tổ chức chặt chẽ, có người lãnh đạo và người phát ngôn, mỗi đợt biểu tình phản đối đều có nhà tổ chức hẳn hoi.
Thành lập vào tháng 3/2009, EDL xuất thân từ phong trào chống lại các nhóm Hồi giáo biểu tình chống chiến tranh Afghanistan đầu năm 2009. Từ đó đến nay, EDL đã tổ chức đến 16 cuộc biểu tình phản đối Hồi giáo và người nhập cư đến từ các nước Arập theo đạo Hồi. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập, EDL đã thu hút được hàng ngàn thành viên và những cuộc biểu tình của nhóm này ngày càng có đông người tham gia.
Ngày 9/10, EDL đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ ở Leicester để phản đối dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Hồi giáo ở New York City, Mỹ, bất chấp lệnh cấm của Bộ Nội vụ Anh. 13 đơn vị cảnh sát Anh đã được huy động để giữ trật tự.
Và EDL không chỉ chống Hồi giáo ở Anh. Cũng theo tờ The Observer, gần đây EDL đã bắt đầu móc nối quan hệ với thành phần cực đoan chống Hồi giáo trong phong trào Tea Party ở Mỹ. Đầu tháng 10/2010, EDL đã mời giáo sĩ Do Thái Nachum Shifren - một nhà hoạt động Tea Party - sang London để nói chuyện về Luật Sharia (Luật Hồi giáo) đồng thời cũng để vận động quyên góp tài chính. Trong các mối quan hệ giữa EDL với Tea Party, Pamela Geller là nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong Tea Party, từng nổi đình đám trong vụ tranh cãi quanh dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Hồi giáo vừa qua. Geller đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa EDL và Tea Party, và chính cô ta là người đã truyền bá tư tưởng chống Hồi giáo từ EDL ở Anh sang Tea Party ở Mỹ.
Sau vụ Trung tâm Văn hóa Hồi giáo, Geller đã "thăng tiến" mạnh mẽ trong hàng ngũ Tea Party. Giới chuyên môn dự báo, với việc Tea Party đang thắng thế trên sân khấu chính trị Mỹ, nhiều khả năng phong trào này sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Lưỡng viện Mỹ, ngày 2/11/2010. Khi đó, tư tưởng chống Hồi giáo sẽ càng có cơ hội bành trướng rộng rãi hơn nữa ở Mỹ.
Mục sư cực hữu Terry Jones - người gây ra vụ "Đốt kinh Koran" gây phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo đầu tháng 9 vừa qua.
Tư tưởng chống Hồi giáo không chỉ bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ khá lâu, chỉ có điều nó không được nhiều người ủng hộ nên không có cơ hội lan truyền rộng rãi. Đến nay, khi mà cuộc chiến chống khủng bố ngày càng phức tạp và những mối đe dọa khủng bố cũng ngày càng nhiều hơn trước, tạo nên hình ảnh xấu về đạo Hồi, thì tư tưởng đó bắt đầu có cơ hội lan truyền nhanh hơn, nhất là khi nó được nuôi dưỡng một cách đắc lực bởi tư tưởng hữu khuynh, dân tộc cực đoan chủ nghĩa.
Và sự liên kết giữa EDL và Tea Party cho thấy "chống Hồi giáo" đã trở thành một trào lưu mới, và trào lưu đó đã bắt đầu có sự liên kết xuyên lục địa. Sự liên kết đó hứa hẹn sẽ tạo điều kiện sinh sôi mạnh mẽ hơn nữa cho EDL - nhất là khi cả 2 bên cùng có lợi: Tea Party thì quyên góp được thêm nhiều tiền từ các tổ chức cực hữu, còn EDL thì được tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhiều thành viên, mở rộng phạm vi ảnh hưởng hơn nữa.
Trên thực tế, Tổ chức Liên minh Tự do Công dân Quốc tế (ICLA) có quan hệ chặt chẽ với Tea Party và thông qua Tea Party đã có quan hệ sâu rộng với EDL. Và thông qua ICLA, EDL đã có cơ hội tiếp cận nhiều thành viên của các tổ chức cực đoan chống Hồi giáo quan trọng ở Mỹ.
EDL còn tận dụng cả mạng Internet để vươn dài cánh tay liên kết đến cả các diễn đàn, mạng xã hội ảo. Nhóm này đã mở hẳn một website để tạo diễn đàn, liên kết với website của các tổ chức cực hữu ở Mỹ, như website Atlas Shrugs do chính Geller điều hành, hoặc website Jihad Watch trụ sở ở Mỹ chuyên tung thông tin chống đạo Hồi.
Ngoài ra, 2 trong số các lãnh đạo của EDL là doanh nhân người Anh tên Alan Lake và một người nữa có biệt hiệu là Kinana cùng tham gia diễn đàn 4Freedoms bao gồm toàn những tay cực hữu chống nhập cư, chống Hồi giáo điên cuồng. 4Freedoms được cho là nhà tổ chức các hoạt động chống Hồi giáo ở Mỹ và có liên hệ chặt chẽ với nhóm chống Hồi giáo mang tên American Congress for Truth có nhiều thành viên thuộc Tea Party.
Nick Lowles, thành viên tổ chức chống phát xít Searchlight ở Anh nhận xét: "EDL chỉ là một mắt xích trong một mạng lưới bài xích Hồi giáo quốc tế. EDL sử dụng đường phố trong khi các mắt xích khác thì dùng các phương tiện văn hóa và chính trị để chống đạo Hồi".
Chính khách chống hồi giáo
Đầu tháng 10/2010, chính trường Hà Lan từng chứng kiến một phiên tòa khá đặc biệt: Chủ tịch đảng Tự do (PVV) Geert Wilders - một chính khách đang tỏa sáng với vai trò "dựng vua" - phải ra hầu tòa vì những phát ngôn mang tính thù hằn chống Hồi giáo. Phiên tòa gây chú ý mạnh không chỉ vì bị cáo là nghị sĩ Wilders mà còn vì tính chất nhạy cảm của vấn đề liên quan.
Wilders năm nay 47 tuổi, là chính khách hữu khuynh cực đoan nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc ở Hà Lan. Năm 2005, Wilders sáng lập đảng PVV theo đường lối cực hữu, bài ngoại, chống nhập cư và chống đạo Hồi. Kể từ đó nhân vật này luôn gây ra những chuyện rắc rối trên chính trường. Bản thân Wilders là người chống lại cái gọi là "Hồi giáo hóa" một cách điên cuồng.
Wilders báng bổ cả người sáng lập Hồi giáo là nhà tiên tri Mohammad, mô tả đạo Hồi là một "tôn giáo phátxít" và đòi cấm Kinh Koran. Không chỉ thóa mạ đạo Hồi và người theo đạo Hồi, Wilders còn "gây chiến" cả với những người không theo đuổi chính sách cứng rắn, thù địch với Hồi giáo như mình, chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/2010, đảng PVV của Wilders giành được 17% phiếu, trở thành đảng lớn thứ ba ở Hà Lan. Vì vậy, những lời lẽ, hành động bài xích Hồi giáo của ông Wilders chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một nước Hà Lan lâu nay nổi tiếng là cởi mở, khoan dung đối với người nhập cư và người theo các tôn giáo khác nhau, góp phần làm cho trào lưu chống Hồi giáo ở châu Âu lan rộng thêm.
Các thành viên English Defence League trong một cuộc biểu tình chống Hồi giáo.
Tháng 9/2010, Thụy Điển chứng kiến sự vùng lên của thành phần chính trị cực hữu khi đảng Dân chủ theo đường lối dân tộc cực hữu, giành được hàng chục ghế trong Quốc hội mới được bầu. Đây được xem là đảng "hậu duệ" của thành phần cực đoan theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng hồi thập niên 80 thế kỷ XX. Trong thành phần đảng Dân chủ, Kent Ekeroth, 30 tuổi, là chính khách nổi bật nhất. Ông này cũng là người nổi tiếng bài ngoại và có những hành động lẫn lời lẽ chống đạo Hồi.
Ekeroth cho rằng, "đã đến lúc người Thụy Điển phải được thoải mái sống trên quê hương mình", ám chỉ việc ngày càng có nhiều người Hồi giáo sống trong các khu đô thị kế cận nhưng không hòa nhập phong tục địa phương. Bức xúc trước tình trạng đó, Ekeroth đã sáng lập Quỹ Chống Hồi giáo (Anti-Islamic Fund) để phục vụ mục tiêu chống đạo Hồi của mình.
Đầu tháng 10/2010, Ekeroth và nhóm 20 nghị sĩ cực hữu của mình đã khởi động một kế hoạch thúc đẩy việc ban hành luật kiểm soát khắt khe việc xây mới nhà thờ Hồi giáo, cấm phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu và ngăn cấm người Hồi giáo nhập cư vào Thụy Điển. Các hoạt động chống người Hồi giáo của đảng Dân chủ và bản thân ông Ekeroth đã tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt quanh vấn đề người Hồi giáo ở nước này; đồng thời, sự vươn lên của đảng Dân chủ cũng đang gióng hồi chuông báo động đối với hình ảnh Thụy Điển - quê hương của các giải Nobel và được xem là "lương tri của thế giới" với những hành động cứu trợ người tị nạn, đi đầu về quyền bình đẳng phụ nữ và các quyền con người khác.
Châu Âu không chỉ có Wilders và đảng PVV ở Hà Lan và Ekeroth ở Thụy Điển. Toàn châu lục này hiện đang xuất hiện một làn sóng chính trị hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại và chống Hồi giáo. Có lẽ những đe dọa khủng bố, cộng với tình hình công ăn việc làm quá khó khăn do khủng hoảng kinh tế mấy năm vừa qua đã khiến cho người châu Âu quay về với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, không muốn người nước ngoài thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của họ.
Nỗi đau khổ của người châu Âu chủ yếu do làn sóng khủng bố đến từ các quốc gia Hồi giáo ở châu Á (như Pakistan, Afghanistan, Iraq, Arập Xêút...) và châu Phi (Somalia, Morocco, Nigeria...), cùng những dòng người Hồi giáo nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Somalia mang theo những tập tục không phù hợp với xã hội phương Tây, bản thân họ lại không muốn hòa nhập vào lối sống, xã hội mới nên đã gây ra không ít phiền toái. Chính điều đó đang dần tạo nên một "phản ứng" chống đối, hình thành tư tưởng bài ngoại, người Hồi giáo, tạo nên động lực giúp các đảng hữu khuynh vươn lên mạnh mẽ, nhưng sẽ không có lợi cho tương lai chính trị châu Âu nói chung.
Ở Pháp, tỉ lệ thất nghiệp cao và yêu cầu bắt buộc cắt giảm chi tiêu quốc gia do khủng hoảng kinh tế đã khiến cho Tổng thống Nicolas Sarkozy phải áp dụng chính sách hạn chế người nhập cư. Và điều này hoàn toàn có lợi cho đảng cực hữu của ông Jean Marie Le Pen. Ông Sarkozy cũng là người khá cứng rắn với lệnh cấm các hoạt động Hồi giáo ở nơi công cộng từng gây phản ứng mấy năm qua.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Thilo Sarrazin, một cựu thành viên Ngân hàng Trung ương Đức, đã gây nên một cú sốc lớn sau khi xuất bản một quyển sách bestseller trong đó phỉ báng người nhập cư Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Kurd là "có nòi giống hạ đẳng".
Không chỉ bành trướng ảnh hưởng ở Hà Lan, Thụy Điển, các đảng cực hữu cũng đang lớn mạnh ở Na Uy, Phần Lan nhờ biết lợi dụng xu hướng chống người Hồi giáo nhập cư. Tháng 9/2010, đảng cực hữu Tự do (Freedom) ở Áo đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương nhờ cương lĩnh bài ngoại và "chống Hồi giáo", đáng chú ý nhất là việc đảng này tung ra một trò chơi trực tuyến có tên gọi là "Bye Bye Mosque (Tạm biệt Thánh Hồi giáo) trong đó người chơi chỉ cần nhấn phím "stop" để "tiêu diệt" các thánh Hồi giáo.
Hiện một số nước trong Liên minh châu Âu, như Bỉ, Hà Lan... đã lên tiếng chống lại việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia theo đạo Hồi duy nhất ở châu Âu vì sợ rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến các giá trị xã hội lâu đời ở Tây Âu. Ở miền Nam châu Âu, Liên đoàn phương Bắc (NL) là đảng cực hữu hiện nắm quyền lực mạnh nhất chính trường Italia. Đảng này hiện là đại diện tiêu biểu cho đường lối dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại và chống sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là chống việc xây dựng các nhà thờ Hồi giáo ở Italia...
Phương Tây đang lên cơn sốt chống lại làn sóng di cư của người Hồi giáo và các biểu hiện văn hóa, tôn giáo của họ, nhưng cuộc chiến này sẽ không bao giờ đi đến hồi kết, cũng chẳng mang lại những kết quả nào có lợi cho chính người phương Tây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét