Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà


Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà




Sông Nile và văn minh Ai Cập (ảnh minh họa)
Trong lịch sử của mỗi dân tộc, những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến các nền văn hóa trước hết là trình độ kinh tế, chính trị; sự phát triển xã hội, sự sáng tạo của mỗi con người…Điều kiện tự nhiên tuy không thể quyết định đến nền văn hóa Ai Cập nhưng cũng ảnh hưởng nhất định đến các đặc điểm văn hóa của đất nước này cũng như khu vực Lưỡng Hà cổ đại.
Lịch sử Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nil. Sử gia Hy Lạp cổ đại là Herodote đã từng viết: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nil”. Điều đó nói lên rằng sông Nil có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của người Ai Cập thời cổ đại. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10, nước sông Nil dâng cao gây nên những trận lụt lớn. Sang tháng 11, nước sông rút đi, để lại một lớp phù sa màu mỡ dày đặc, rất thích hợp cho việc gieo trồng các loại ngũ cốc. Vì vậy, dân cư sống từ thời viễn cổ ở hai bên bờ sông Nil đã biết nghề nông rất sớm. Dọc hai bờ sông Nil và ven các hồ, đầm mọc rất nhiều một loại cây sậy – cây papyrut. Người Ai Cập thời xưa dùng vỏ cây papyrut để làm giấy viết.
Giấy được làm từ vỏ cây Papyrut
Ở những dãy núi phía đông và phía tây dọc thung lũng sông Nil, có rất nhiều loại đá khác nhau: đá vôi, đá huyền vũ, đá hoa cương, đá vân mẫu. Đây là những vật liệu kiến trúc quan trọng nhất của người Ai Cập thời cổ đại.
Tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến việc ghi chép văn tự của người Ai Cập cổ đại. Văn tự Ai Cập cổ đại được ghi lại trên các cuốn giấy papyrut. Thân cây papyrut được người Ai Cập cổ đại dùng để làm giấy. Nhiều tờ giấy papyrut dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Chính các cuộn giấy papyrut này được lưu giữ ở các bảo tàng châu Âu(1) đã cho hậu thế biết được những trang sử, những thành tựu y học(2) và các thành tựu văn hóa khác của Ai Cập cổ đại.
Văn tự Ai Cập cổ đại còn được khắc giữ trên các tường thành, các bia bằng đá. Văn tự cổ Ai Cập về sau đã trở thành “văn tự chết”, vì đã lâu người ta không dùng thứ văn tự này nữa và cũng quên cách đọc. Nhưng việc đọc lại được văn tự cổ đó sẽ rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử Ai Cập cổ đại. Chính là nhờ phát hiện được một tượng đá bằng phún thạch, trên mặt đá có ghi đầy đủ các loại chữ Ai Cập cổ, chữ Arập, chữ Hy Lạp cổ mà Jean Franςois Champollion đã có căn cứ để tìm cách đọc lại được văn tự Ai Cập cổ đại vào năm 1822(3).
 
Bức tượng “Scribe accroupi", viên thư lại ngồi xếp bằng
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Ai Cập cổ đại rất nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ kim. Những đền đài, cung điện, kim tự tháp còn bảo tồn đến ngày nay đều chứng minh điều đó. Những công trình văn hóa ấy đều gắn liền với đá – một tài nguyên dồi dào ở Ai Cập. Để xây những kim tự tháp, người ta phải dùng một khối lượng đá rất lớn gồm hàng chục triệu khối đá. Những khối đá ấy được mài nhẵn và ghép vào nhau rất sát. Những tác phẩm điêu khắc cũng thể hiện tài năng lỗi lạc của cư dân Ai Cập. Người ta đã khắc tượng các Pharaoh bằng đá. Bức tượng “người thư lại” ngồi xếp bàn được tạc bằng đá của thời Cổ vương quốc cũng khá nổi tiếng. Vẻ sinh động của các bức tượng cũng phải khiến người đời nay thán phục. Cũng nhờ được chế tác từ đá mà rất nhiều giá trị văn hóa cổ Ai Cập còn lưu lại được cho đến ngày nay. Nhờ vậy mà người Ai Cập có thể nói: Bất cứ cái gì đều sợ thời gian, nhưng bản thân thời gian thì phải sợ kim tự tháp.
Giữa các kim tự tháp, trên cánh đồng Gize, gần Memfis, có tượng Sphinx dài 57 mét, cao 20 mét. Khi viễn chinh sang Ai Cập, Napoléon đã cho pháo binh bắn đại bác vào tượng đó, hòng mở một lối vào bên trong của tượng. Sau đó mới rõ bức tượng là một khối đá khổng lồ nguyên vẹn do các nhà điêu khắc thời bấy giờ tạc thành đầu người, mình sư tử để tượng trưng cho quyền lực Pharaoh “oai hùng và bất diệt”.
Đại nhân sư Sphinx của Giza, bức tượng khổng lồ nửa người nửa sư tử nằm bên bờ tây sông Nile, gần Cairo
Ở Ai Cập cổ đại, sự phát triển khoa học cũng gắn liền với điều kiện tự nhiên, với dòng sông Nil. Đúng như K. Marx đã nói: “Ở Ai Cập, trước hết là do sự cần thiết mới biết được mực nước sông Nil lên xuống nên đã đẻ ra thiên văn học Ai Cập…”. Vì muốn biết thời tiết và mực nước của sông Nil để sắp xếp công việc đồng áng  nên người Ai Cập cổ đã sớm chú ý quan sát thiên văn. Các nhà thiên văn Ai Cập đã phát hiện các chòm sao và đã soạn ra bản đồ thiên thể được vẽ trên các cửa đền đài cổ. Còn truyền lại cho chúng ta ngày nay là bản đồ 12 cung hoàng đạo. Người ta đã vẽ chòm sao Bắc cực thành đầu một con bò. Họ cũng biết sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ và các hành tinh khác. Người Ai Cập cũng đã phát minh ra chiếc đồng hồ đo bóng mặt trời để tính thời gian trong một ngày. Họ chia một ngày ra làm 24 giờ rồi chiếu theo vị trí của bóng mặt trời ở trên đồng hồ đó mà đọc giờ, phút.
Việc gieo trồng có quan hệ mật thiết với việc hiểu biết thời gian lên xuống của mực nước sông Nil. Muốn biết chắc chắn lúc nào nước sông Nil lên cao, người Ai Cập cổ phải quan sát bầu trời và làm lịch. Người Ai Cập nhận thấy đến một ngày nào đó, lúc sáng sớm mà có sao Lang (Sirius) mọc đúng ở đường chân trời thì đúng là lúc nước sông Nil bắt đầu dâng lên. Ở Ai Cập cổ đại, việc cần biết thời gian nào nước sông Nil lên cao, việc quan sát bầu trời để từ đó có tri thức về thiên văn học, việc làm lịch, ba việc đó có quan hệ mật thiết với nhau. Đơn vị “năm” trong lịch cổ Ai Cập là thời gian giữa hai lần lúc sáng sớm có sao Lang xuất hiện ở đường chân trời.
Điều kiện tự nhiên cũng có liên quan với sự phát triển hình học Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập cổ đại xây dựng môn hình học khá khoa học. Các tài liệu papyrut đã chứng minh điều đó. Herodote từng giải thích sự xuất hiện của môn hình học Ai Cập là do nhu cầu phải đo đạc lại ruộng đất hàng năm bị nước lụt của sông Nil đem phù sa vào xóa lấp bờ ruộng.
Lịch sử văn minh Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nil nên trong tín ngưỡng người Ai Cập cổ đã sùng bái thủy thần Osiris tức là thần sông Nil. Những lời ca tụng sông Nil đã xuất hiện rất sớm trong đời sống của văn hóa Ai Cập:
Chào người, ta chào sông Nil
Từ quả đất này Người xuất hiện
Người đến để nuôi sống Ai Cập
Người tạo ra lúa mì, lúa mạch
Khi Người trào dâng, thì mặt đất hoan hỷ
Mọi người vui mừng
Mọi cái lưng rung lên, vì những tiếng cười
Mọi cái răng cắn lấy thức ăn…(4)
 
Bản đồ văn minh Lương Hà ( phần phủ màu xanh)
Lưỡng Hà hay Mésoptamie (có nghĩa là miền đất giữa hai con sông) là khu vực do hạ lưu hai con sông Tigris và Euphrates tạo thành. Giống như miền thung lũng sông Nil, lưu vực Lưỡng Hà cũng là một khu vực phì nhiêu, rất thích hợp cho nghề nông. Ở Lưỡng Hà rất hiếm đá và các loại khoáng sản nhưng chất đất ở Lưỡng Hà chủ yếu là đất sét dùng để làm gạch và đồ gốm rất tốt. Điều đó đã tạo nên một sắc thái riêng biệt của nền văn hóa ở Lưỡng Hà.
Cách ghi văn tự và chữ số ở Lưỡng Hà cổ đại có liên quan với tài nguyên chính ở đây là đất sét. Văn tự của người Lưỡng Hà cổ đại cũng như chữ số của họ có dáng hình góc nhọn còn gọi là văn tự tiết hình. Văn tự và chữ số tiết hình ấy phù hợp với loại nguyên liệu dùng để ghi chép: đó là đất sét.
Vào giữa thế kỷ XIX các nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật được tại Niniv kinh đô của đế quốc Assyrie một thư viện đồ sộ - thư viện của Hoàng đế Assurbanipal. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 22000 bảng gạch bằng đất sét có khắc chữ. Những bảng gạch bằng đất sét có khắc chữ ấy đã giữ lại cho hậu thế những sự tích thần thoại, những tri thức khoa học và văn học nghệ thuật. Những bảng gạch bằng đất sét ấy bị chôn vùi dưới đất 2500 năm, đã được lửa làm cho rắn và…bền thêm nên đã không bị hủy hoại.
Văn tự cổ còn lưu lại của nền văn minh Lưỡng  Hà
Các nhà khảo cổ học cho rằng có thể đây là bức thư đầu tiên của nhân loại. Bức thư này hiện đang được lưu giữ tại một viện bảo tàng ở Luân Đôn. Đó là một miếng đất sét nung, đào được ở vùng Caldée, có cả phong bì nặn theo hình cái túi cũng bằng đất sét nung. Theo các nhà khảo cổ thì người viết thư đó sống cách chúng ta khoảng 7000 năm ở vào thời vua Lacdu – vị vua thứ nhất của Vương quốc Babylone. Chữ viết trên bức thư là những nét gạch bằng que nhọn, khó khăn lắm người ta mới đọc được. Bức thư nói về việc bán hay cho thuê một mảnh đất do một người tên là A-ni-ni chuyển nhượng lại cho một người tên là Sim-đi-ha (5).
Ở Lưỡng Hà vì hiếm đá nên đất sét cũng là vật liệu xây dựng chính. Ở đất nước Iraq ngày nay (thuộc vùng Lưỡng Hà xưa kia) có một địa danh hết sức nổi tiếng trong lịch sử: thành Babylone. Thành Babylone có tên trên bản đồ thế giới cổ đại vào nửa sau của thiên niên kỷ III trước công nguyên. Người Akkad đã đặt những nền móng đầu tiên cho nó vào những năm 2350 – 2150 TCN. Vào thời kỳ hưng thịnh của Babylone, Hoàng đế Nabochodonosor đã xây dựng lại trung tâm Babylone thành một đô thành nguy nga đồ sộ. Thành Babylone có mặt bằng hình chữ nhật. Toàn bộ tường thành có 9 cửa lớn. Ở phía bắc là cửa Ixta nổi tiếng ghép bằng gạch lưu ly màu, đó cũng chính là một sản phẩm độc đáo chỉ có ở vùng Lưỡng Hà. Theo nhà sử học Herodote thì Babylone “được chia làm hai phần bị cắt thẳng ở giữa bởi một con sông lớn, sâu và chảy xiết tên là sông Euphrates”.
Những điều kiện đất đai, thủy văn, vật liệu xây dựng riêng biệt đã chi phối hoạt động kiến trúc của cư dân Lưỡng Hà cổ đại. Vùng đất này gần sông, nên đất không lấy gì làm chắc chắn, xung quanh là sa mạc, chỉ thỉnh thoảng mới có một vài khóm cọ…là những yếu tố đòi hỏi người thiết kế phải suy nghĩ từ kỹ thuật cho đến nghệ thuật.
Vườn treo Babylon (cũng được gọi là vươn treo Semiramis)
Ở Lưỡng Hà cổ đại, vượt lên trên tất cả thành quách, đền đài cung điện…được xây dựng công phu và đẹp đẽ là một công trình hết sức độc đáo: “vườn hoa không trung” hay còn gọi là “vườn treo” – là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Đây là món quà của vua Nabochodonosor tặng cho vợ của ông ta.
“Vườn hoa không trung” này được xây dựng trên một quả đồi nhỏ. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát được cả thành Babylone.
Điều đáng chú ý là vật liệu xây dựng thành Babylone cũng như xây dựng ngọn đồi nhân tạo để có một “vườn hoa không trung” chủ yếu là bằng gạch dựa trên cơ sở nguồn đất sét phong phú ở Lưỡng Hà. Vườn treo Babylone ngày nay chỉ để lại dấu vết là ít phần móng của công trình làm bằng đá, một loại vật liệu ít thấy và chỉ có ở cách Babylone hàng trăm km. Chính vì vậy mà các thành tựu kiến trúc của Lưỡng Hà cổ đại khó giữ lại gần nguyên vẹn như là ở Ai Cập cổ đại. Đứng trước Babylone, du khách không có cái “rợn ngợp” triết lý về mặt thời gian mà nhiều hơn là mối cảm hoài “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Cái tráng lệ và huy hoàng của Babylone xưa kia nay chỉ còn in dấu trên những bức tường, có bức được xây bằng gạch gốm tráng men ghép lại thành hình những con thú: sư tử, bò tót và con vật thần thoại – đầu rồng, mình cá, chân phượng hoàng hoặc là những hoa văn. Nhà hát Babylone, con đường “hành lễ” cũng chỉ còn lại những mảnh tường.
Tại viện bảo tàng lịch sử Iraq hiện nay đang còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật được chế tạo bằng đất sét từ thời kỳ cổ đại.
Văn hóa là do con người sáng tạo ra trong những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Nhưng văn hóa cũng chịu ảnh hưởng của những điều kiện tự nhiên, khí hậu, tài nguyên, cảnh quan, sông núi…Những điều kiện tự nhiên ấy đã góp phần vào sự hình thành màu sắc và cả bản sắc văn hóa của một khu vực, một dân tộc…Con người sáng tạo văn hóa, dù muốn hay không cũng có mối quan hệ với hoàn cảnh tự nhiên, tìm thấy trong điều kiện tự nhiên những mặt thuận lợi và cả những mặt khó khăn, tìm thấy trong tự nhiên những gì có thể mang lại cho văn hóa những ảnh hưởng độc đáo, những nguồn cảm hứng sáng tạo.
Chú thích:
(1)Tại một viện bảo tàng ở Hà Lan có cuộn giấy papyrut ghi chép tác phẩm Lời khuyên răn của I-pu-xe; tại viện bảo tàng Saint Peterburg (Nga) còn lưu giữ cuộn giấy ghi chép tác phẩm Lời tiên đoán của Nê-phéc-ty.
(2) Nhiều thành tựu y học được ghi lại trên các cuộn giấy papyrut của Ai Cập cổ đại (Chiêm Tế (1970), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 128).
(3) Đặng Đức An chủ biên (1995), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.
(4) Trích dịch từ sách Học tập lịch sử cổ đại, trung đại ở lớp 5, 6, E.I Nhi-ca-nô-ra-vôi chủ biên (1964), Mátxcơva. Bản dịch của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.
(5) Đắc Lê, “Bức thư đầu tiên”, Báo Quân đội Nhân dân, số 5187.

Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông
Phạm Thị Hồng Vinh

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Chiến lược Trung Đông Lớn từ Dwight Eisenhower đến Barack Obama

Chiến lược Trung Đông Lớn từ Dwight Eisenhower đến Barack Obama

“Mùa xuân Arab” mở đầu từ cuộc biến động chính trị-xã hội ở Tunisia cuối năm 2010 đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria và hiện chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại ở đâu.

Chiến lược Trung Đông từ Học thuyết Dwight Eisenhower 

Ngày 9/3/1957 Quốc hội Mỹ thông qua một học thuyết mới về chính sách đối ngoại nhằm tăng cường vị trí của Washington ở Trung Đông. Hai tác giả chủ chốt của học thuyết này là Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles. Theo học thuyết này, bất kỳ nước nào trong khu vực Trung Đông một khi bị nước khác xâm lược có thể được Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự. Cũng theo Học thuyết Dwight Eisenhower, tổng thống Mỹ được toàn quyền sử dụng lực lượng quân sự trong khu vực này.


Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower-người đưa ra Chiến lược Trung Đông lần thứ nhất vào năm 1957

Học thuyết Dwight Eisenhower được dùng làm cơ sở cho Chiến lược Trung Đông của Mỹ nhằm lấp khoảng trống chiến lược ở khu vực quan trọng này sau khi thực dân Anh và thực dân Pháp bắt đầu rút lui dần ảnh hưởng của họ tại đây trước phong trào giải phóng dân tộc bùng phát ở nhiều quốc gia trong khu vực. Đây được coi là Chiến lược thứ nhất về Trung Đông. Theo chiến lược này, Mỹ sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở Trung Đông để ngăn ngừa làn sóng cách mạng từ các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cho rằng Liên Xô có ý đồ “phổ biến chủ nghĩa cộng sản” ở Trung Đông để phát huy ảnh hưởng trên toàn lục địa Á-Âu và châu Phi.

Thực hiện Chiến lược Trung Đông, ngay trong năm 1957 Mỹ viện trợ quân sự cho Jordan để chống lại "cuộc xâm lược" từ Syria; năm 1958, Mỹ can thiệp quân sự vào Lebanon; năm 1967, Mỹ viện trợ quân sự ồ ạt cho Israel để tiến hành cuộc chiến tranh chống lại các nước Arab. Năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đề xuất Chiến lược thứ hai của Mỹ về Trung Đông dựa trên cơ sở Học thuyết Guam hoặc Học thuyết Richard Nixon nhằm Trung Đông hoá sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.  

Năm 1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Cater xây dựng Chiến lược thứ ba của Mỹ về Trung Đông dựa trên cơ sở Học thuyết Jimmy Cater, mở đầu giai đoạn Mỹ tranh giành quyết liệt ảnh hưởng với Liên Xô tại đây. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan là người đề xuất Chiến lược thứ tư của Mỹ về Trung Đông nhằm thiết lập chuỗi các khu vực chiến lược trên khắp thế giới hình thành nên thế liên hoàn bao vây Liên Xô, trong đó Trung Đông có vị trí hết sức quan trọng. 


Tổng thống Mỹ G.W.Bush: người đưa ra Chiến lược Trung Đông Lớn vào năm 2004.

Đến Chiến lược Trung Đông Lớn theo Học thuyết George Walker Bush   

Sau Chiến tranh lạnh, trật tự thế giới hai cực tan rã, Mỹ trở thành một cực duy nhất có sức mạnh toàn diện vượt trội cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Do đó, năm 1996, một nhóm bảo thủ mới ở Mỹ gồm Henry Kissinger, Donald Rumsfeld, Dick Cheney, Condoleerizza Rice cùng với nhiều chính khách và quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ bắt đầu soạn thảo Chiến lược Trung Đông Mới, hoặc Chiến lược Trung Đông Lớn. Giới trí thức các nước Arab đang định cư tại Mỹ cũng được mời tham gia soạn thảo chiến lược này. Các tác giả của Chiến lược Trung Đông Lớn xuất phát từ luận điểm cho rằng, nền dân chủ Phương Tây là “khuôn vàng thước ngọc”, là “vạn năng”, tạo điều kiện để hiện đại hoá, phát triển thịnh vượng, tiến tới “công bằng” và “đối thoại giữa các nền văn minh”. 

Sau sự kiện 11/9/2001, Chiến lược Trung Đông Lớn là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới của Mỹ dựa trên cơ sở văn kiện mang tên Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11/9/2001 và Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ do Tổng thống George W. Bush trình Quốc hội Mỹ ngày 20/9/2002. Nội dung Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 2002 có thể được coi là tuyên bố chính thức của Học thuyết Bush.

Chiến lược Trung Đông Lớn nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Maroc tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á-Âu. Chiến lược Trung Đông Lớn có mấy đặc điểm đáng chú ý. Một là, các dân tộc Arab không được coi là những dân tộc có tính đặc thù về mặt địa lý cũng như đặc điểm phân loại. Hai là, đề án này bao quát một khu vực địa lý rộng lớn và hết sức đa dạng, trong đó có thế giới Arab và thế giới hồi giáo. 

Theo nhiều nhà quan sát, mục đích của việc nhào nặn văn hóa này chính là nhằm tạo ra ưu thế dẫn đầu cho Israel, biến họ trở thành đầu tàu lôi kéo các nước khác trong khu vực. Ba là, hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arab với Israel-một trong những vấn đề then chốt trong quan hệ giữa các nước của khu vực này. Bốn là, nhằm tạo cho Mỹ thế độc quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực, còn các nước châu Âu sẽ phải có trách nhiệm đầu tư tiền của cho những cải cách sẽ diễn ra tại đây. Năm là, chỉ giải thích những hiện tượng tiêu cực trong thế giới Arab như nghèo đói, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố v.v là do xuất phát từ các nguyên nhân nội bộ như thiếu dân chủ và mất công bằng xã hội. Như vậy, Chiến lược Trung Đông Lớn đặt các nước trong khu vực này trước nguy cơ từ một cộng đồng chính trị văn minh lớn trên thế giới trở thành tập hợp của những thực thể phân tán được điều khiển từ các trung tâm quyền lực ở bên ngoài. 

“Mùa xuân Arab” trên Quảng trường Tahrir  của Egypt

Tổng thống Mỹ G.W.Bush ưu tiên cao nhất để xây dựng Chiến lược Trung Đông Lớn và ông đã đích thân trình bày nội dung của chiến lược này trong bài phát biểu vào ngày 6/11/2003 tại Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy). Theo đó, chiến tranh Afghanistan năm 2001 và chiến tranh Iraq năm 2003 là giai đoạn đầu tiên trong một cuộc chiến lâu dài của Mỹ nhằm “thiết lập dân chủ” ở Trung Đông Lớn. Sau chiến tranh Iraq, Chiến lược Trung Đông Lớn cũng được Tổng thống G.W.Bush trình bày tại hội nghị G8 ở Mỹ tháng 06/2004.

Các nước Trung Đông nghĩ  gì về Chiến lược Trung Đông Lớn? 

Washington đã từng xúc tiến một chiến dịch nhằm giải thích Chiến lược Trung Đông Lớn. Đầu năm 2004, lãnh đạo các nước Trung Đông và các đối tác của Mỹ tại G8 và NATO đã được tiếp xúc nội dung của chiến lược này. Đầu tháng 3/2008, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mark Grossman đến thăm các nước hàng đầu trong thế giới Arab và Thổ Nhĩ Kỳ, gặp Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU tại Brussel để giải thích ý tưởng thực hiện Chiến lược Trung Đông Lớn.

Khi bắt đầu thảo luận Chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ, đa số các nước Arab coi đó như là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Nguyên thủ nhiều nước Arab cho rằng cải cách dân chủ phải là kết quả quá trình phát triển của các nước Arab chứ không thể áp đặt được từ bên ngoài. Họ cũng lưu ý Mỹ rằng Chiến lược Trung Đông Lớn không nhắc tới việc phải giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arab và Israel-một trong những tiền đề quan tọng để tiến hành cải cách dân chủ trong khu vực.

Đa số lãnh đạo các nước Arab đều có cách nhìn nhận tiêu cực về Chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ. Theo họ, quá trình dân chủ hoá và tái cơ cấu trong các xã hội Arab tuy đã chín muồi nhưng cần phải được thực hiện bằng nỗ lực của chính các nước trong khu vực chứ không thể do Mỹ áp đặt theo công thức từ bên ngoài và không tính đến đặc điểm của toàn bộ Trung Đông cũng như từng nước riêng lẻ. Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố rằng không thể phát triển dân chủ và cải cách trong điều kiện chiến tranh và còn tồn tại các vấn đề chính trị. Vì thế, Syria cũng nhiều nước ở khu vực này không tin vào các mực tiêu đề ra trong Chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ. Tổng thống Libya Muammar Gaddafi gọi sáng kiến của Mỹ là "phân biệt chủng tộc. Còn Thủ tướng Kuwait Al-Sabah tuyên bố rằng ông không chấp nhận các nỗ lực của Mỹ xây dựng Trung Đông Lớn theo lối áp đặt các cải cách dân chủ và xã hội. Một số giới ở các nước Arab cho rằng ý tưởng của Washington về “tái cấu trúc” Trung Đông Lớn chỉ là nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ và Israel ở khu vực này. 

“Mùa xuân Arab”-giai đoạn thực hiện Chiến lược Trung Đông Lớn dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama

Nghiên cứu các sự kiện chính trị ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông, mở đầu từ Tunisia vào cuối năm 2010 tới nay, có thể thấy, các cuộc bạo động chính trị đó xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa.Về nguyên nhân thứ nhất là tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị ở các nước đó như nạn thất nghiệp gia tăng; sự bất bình đẳng trong xã hội; sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo; chính quyền ở các nước đó bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm (Tổng thống Tunisa Ben Ali cầm quyền sau cuộc đảo chính cung đình vào năm 1987 và kéo dài trong suốt 24 năm; Tổng thống Egypt Hosni Mubarack cầm quyền trong 30 năm sau vụ đảo chính vào tháng 10/1981; Tổng thống Libya Muammar Gaddafi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1969, trong 42 năm; Thủ tướng Bahrain Khalifah bin Sulman al-Khalifah cầm quyền 40 năm và là thủ tướng lâu đời nhất trên thế giới; Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cầm quyền năm 1978 trong suốt 33 năm). Tình trạng khủng hoảng này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng phát từ Mỹ năm 2008. 
 
Chính phủ các nước Châu Phi và Trung Đông trong những năm gần đây cũng đã từng nhận thấy tình trạng khủng hoảng này và họ đã đề ra “Sáng kiến của các nước Châu Phi và Trung Đông về dân chủ hoá” với 6 nội dung cơ bản. Một là, cải cách dân chủ ở các nước Châu Phi và Trung Đông cần phải được thực hiện từ bên trong các nước đó mà không được áp đặt từ bên ngoài. Hai là, quá trình cải cách dân chủ cần phải được thực hiện từng bước để không làm tổn hại đến an ninh và sự ổn định. Ba là, quá trình cải cách cần phải phục vụ lợi ích của khu vực chứ không phải các “kẻ thù” từ bên ngoài. Bốn là, việc giải quyết cuộc xung đột giữa các nước Arab và Israel là điều kiện tiên quyết để tiến hành thắng lợi cuộc cải cách chính trị. Năm là, khi tiến hành cải cách dân chủ cần phải tính đến đặc điểm của từng nước trong khu vực chứ không thực hiện theo một công thức cố định. Sáu là, không cho phép các tổ chức hồi giáo cực đoan sử dụng thành quả của các cuộc cải cách và chính sách mở cửa. 

“Mùa xuân Arab” ở Libya.
Từ những năm 1980-1990, một số nước trong khu vực châu Phi và Trung Đông đã có những nỗ lực cải cách dân chủ dưới tác động của các quá trình toàn cầu hoá. Trong thời kỳ từ sau sự kiện 11/9/2001, ở nhiều nước Arab đã tổ chức các cuộc hội nghị quốc tế bàn về vấn đề cải cách chính trị và xã hội. Chương trình cải cách do các nước Arab đề xuất đã từng được trình bày tại Hội nghị lần thứ 16 của Liên đoàn các nước Arab ở Tunisia vào ngày 22 và ngày 23/5/2004. Khi chuẩn bị Hội nghị  này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab bị chia rẽ thành hai bên. Những ai nỗ lực phối hợp quan điểm của họ với Mỹ kết thành một bên,  còn bên khác phản đối chính sách của Mỹ và Israel ở Trung Đông. Trong khi đó, đại diện của bên thân Mỹ bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong chủ trương cải cách Trung Đông, còn bên chống đối tuyên bố rằng Chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ là sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arab. Hội nghị lần thứ 16 của Liên đoàn các nước Arab ở Tunisia thông qua nhiều văn kiện như "Xúc tiến phát triển, hiện đại hoá và cải cách thế giới Arab”,  "Trách nhiệm, sự đồng thuận và sự đoàn kết", "Tuyên bố Tunisia".  Tuy nhiên,  những văn kiện đó không đề cập tới trách nhiệm của các nước Arab thực hiện các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội. 

Về nguyên nhân thứ hai là, một số thế lực bên ngoài, trước hết là Mỹ, lợi dụng thời cơ này kích động tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị ở các nước châu Phi và Trung Đông dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới bùng phát năm 2008, tạo ra những biến động chính trị-xã hội để nhanh chóng thay đổi chế độ cầm quyền, tạo cơ hội để thiết lập chính quyền mới nhằm phát triển ảnh hưởng của họ tại đây trong thời kỳ “hậu cách mạng” trong khuôn khổ Chiến lược Trung Đông Lớn. Công cụ để Mỹ thực hiện Chiến lược Trung Đông Lớn lần này là “sức mạnh mềm” (kinh tế, ngoại giao…) như trong trường hợp Tunisia, Egpyt, Yemen…, hoặc sử dụng kết hợp “sức mạnh mềm” với “sức mạnh cứng” (sức mạnh quân sự) như trong trường hợp Libya và Syria. 

Dư luận ở Mỹ và nhiều nước phương Tây gọi các biến động chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông từ cuối năm 2010 tới nay là “mùa xuân Arab”, ngụ ý mục tiêu thực hiện Chiến lược Trung Đông Lớn là để “xúc tiến dân chủ” tại các nước trong khu vực này. Tuy nhiên, cho tới nay, các nước vừa trải qua “mùa xuân Arab” như Tunisia. Egypt, Libi, Yemen ...lại đang tiếp tục chìm sâu vào tình trạng bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội và hiện chưa có dấu hiệu thoát khỏi tình cảnh này. Trong khi đó, “mùa xuân Arab” vẫn tiếp tục tràn qua Syria, thậm chí cả Iran. Ngay sau khi chiến tranh Libyi kết thúc, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã từng cảnh báo, “mùa xuân Arab” sẽ “gõ cửa” Syria, Iran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc./. 

Ngô Quyền

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Phong trào Mùa xuân Ảrập tiêu tốn bao nhiêu tiền?


Phong trào Mùa xuân Ảrập tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Các cuộc biểu tình rộng khắp ở Bắc Phi và Trung Đông trong năm nay - được biết đến là Mùa Xuân Ảrập - đã tiêu tốn của khu vực này hơn 50 tỷ USD, theo một báo cáo mới. 


Số phận của Libya vẫn chưa rõ vì chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở các thành trì cuối cùng của đại tá Muammar Gaddafi. (Ảnh: AP)

Báo cáo của tổ chức tư vấn Geopolicity cho biết Ai Cập, Syria và Libya phải chịu chi phí về tài chính cao nhất. Tổ chức này cảnh báo rằng, nếu không có một chương trình hỗ trợ khu vực, các tác động của Mùa Xuân Ảrập có thể sẽ tụt giảm. 

Tuy nhiên, theo Geopolicity, những quốc gia dầu mỏ tránh hoặc ngăn chặn được làn sóng nổi dậy lại được lợi nhiều nhất.

Sử dụng dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Geopolicity cho hay, các nước vừa trải qua xung đột hoặc những bất ổn dân sự tăng cao trong Mùa xuân Ảrập được cho là sẽ thiệt hại nhiều nhất về ngắn hạn.

Mặc dù vậy, báo cáo nêu rõ rằng không thể thống kê được phí tổn tài chính Mùa Xuân Ảrập năm 2011 một cách chính xác. "Không có nhiều chỉ dấu kinh tế quan trọng để sử dụng và tình hình hay thay đổi", Geopolicity nhấn mạnh. 

Lợi ích tổng thể
Libya, Syria, Egypt, Tunisia, Bahrain và Yemen đã chịu tác động nặng nề về kinh tế. Tổn phí đối với GDP lên tới 20,56 tỷ USD trong khi thiệt hại đối với tài chính công là 35,38 tỷ USD. 

Ở Yemen và Libya, tiêu dùng trong dân chúng giảm mạnh cùng với thu nhập công khi chính phủ sụp đổ. Thu nhập ở Yemen giảm 77% trong khi ở Libya, con số này là 84%. 

Những con số kể trên là tách biệt với những thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, kinh doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Tuy nhiên, toàn bộ khu vực đang được hưởng lợi về kinh tế từ Mùa Xuân Ảrập. Các nước giàu dầu lửa ngăn chặn hoặc tránh được làn sóng nổi dậy được cho là hưởng lợi nhiều nhất. 

Geopolicity nêu bật thực tế rằng UAE, Kuwait, và Ảrập Xêút nói riêng, đều tăng các doanh thu công. Ở Ảrập Xêút, tác động lên các thu nhập công là rất tích cực, tăng thêm 25%. Ở UAE, con số này là 31%. 

Tình hình bất ổn hiện nay ở Libya cần được chú ý đặc biệt. Báo cáo của  Geopolicity cho hay, số phận của Libya vẫn còn chưa được định rõ. 

Trên mặt trận chính trị, Geopolicity cho rằng dù kết cục cuộc chiến ở Sirte là gì, Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia Libya vẫn phải đối mặt với một cuộc đấu tranh nhằm thuyết phục các trưởng bộ tộc và những người đòi quyền lãnh đạo.

Chỉ dẫn quan trọng
Khi đánh giá chi phí ở Libya đến thời điểm này, Geopolicity viết: "Xung đột ở Libya đã làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế với phí tổn GDP khoảng 7,67 tỷ USD. Hơn 740.000 đã rời khỏi nước này kể từ khi xung đột bắt đầu, và sự gián đoạn nghiêm trọng trong ngành dầu lửa đã tàn phá quốc gia này". 

Peter Middlebrook, giám đốc quản lý của Geopolicity, cho biết, cuộc nghiên cứu đã diễn ra trong nhiều tháng và sẽ là sự trợ giúp quan trọng, như một chỉ dẫn cho G20, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực như Liên Đoàn Ảrập, và các nước bị ảnh hưởng bởi Mùa Xuân Ảrập. 

Những tháng qua đã được mô tả là thời kỳ hỗn loạn khu vực lớn nhất trong thế giới Ảrập kể từ những năm 1950. Báo cáo khuyến nghị Liên đoàn Ảrập và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cần phải chèo lái tiến trình cải cách ở bên trong, với sự giúp đỡ phối hợp từ bên ngoài.  

Thanh Hảo (Theo BBC)

Dầu mỏ và mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập


Dầu mỏ và mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập





NangluongVietnam - 
  “Mùa xuân Ả Rập” là làn sóng biểu tình trên diện rộng của người dân các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng nổi bật nhất có lẽ phải kể đến các nước như: Ai Cập, Libya và Syrie, nơi những cuộc biểu tình quần chúng đã biến thành bạo động vũ trang. Nhằm đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới về năng lượng, đằng sau khái niệm “Mùa xuân Ả Rập” tại thế giới hồi giáo, Nangluongvietnam.vn xin giới thiệu bài phân tích của John Daly, Tổng giám đốc U.S.-Central Asia Biofuels Ltd (Hoa Kỳ) về vấn đề dầu mỏ tại chính trường Ai Cập. 

Mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập
Diễn biến chính trường Ai Cập sau “mùa xuân Ả Rập”
Cuộc bầu cử Tổng thống tại Ai Cập là một bước tiến chính trị quan trọng - thành quả của “Mùa xuân Ả Rập”.
Ngày 25/5/2012, hơn 50 triệu cử tri Ai Cập đi bầu cử để chọn ra người lãnh đạo tương lai cho đất nước. Theo kết quả thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, thì ông Mohammend Mursi, ứng cử viên của Đảng anh em Hồi giáo tự do và công bằng (hoặc được gọi là Đảng anh em hồi giáo) đã dành đa số phiếu bầu tại vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập.
Người nổi bật thứ hai trong các ứng viên tranh chiếc ghế tổng thống Ai Cập là ông Gamal Abdel-Nasser, từng là tổng thống Ai Cập giai đoạn năm 1956 - 1970, cùng với hai cựu thủ tướng Ai Cập khác là ông Ahmed Shafig và ông Hamdeen Sabahi, ông Gamal Abdel-Nasser là chính trị gia theo phe cánh tả, trung thành với chủ nghĩa dân tộc và xã hội.
Trong các ứng cử viên, thì ông Mohammend Mursi và ông Gamal Abdel-Nasser là hai ứng cử viên dành được ủng hộ nhiều nhất từ dư luận.
Theo kết quả sơ bộ thì ông Mohammend Mursi đang dành ưu thế, nhưng vòng bầu cử cuối cùng sẽ diễn ra vào 16 - 17 tháng 6/2012, sẽ quyết định ai mới là tổng thống thực sự của Ai Cập. Kết quả bầu cử sẽ được thông báo vào ngày 21/6/2012.
Đảng anh em hồi giáo được dẫn dắt bởi ông Mohammend Mursi, địch thủ của ông Gamal Abdel-Nasser là đảng phái đã có công lớn trong tiến trình lật đổ cựu tổng thống Ai Cập, ông Mubarak.
Trong cuộc bầu cử năm 2011, Đảng anh em hồi giáo đã chiến thắng khi dành được gần một nửa số ghế tại Quốc hội Ai Cập.
Đảng anh em hồi giáo mới chỉ được công khai hoạt động sau khi ông Mubarak, cựu tổng thống Ai Cập bị lật đổ. Trước kia, mọi hoạt động của Đảng anh em hồi giáo đều phải diễn ra bí mật, họ bị cấm đoán bởi cả ông Mubarak lẫn ông Gamal Abdel-Nasser. Nhưng sau khi lật đổ ông Mubarak, người dân lại ra sức ủng hộ Đảng anh em hồi giáo.
Đảng anh em hồi giáo hứa hẹn, nếu lên cầm quyền, họ sẽ làm một cuộc “cách mạng phục hưng” trên khắp Ai Cập. Họ cam kết sẽ khắc phục những hậu quả tham nhũng mà ông Mubarak để lại, giúp Ai Cập vực dậy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng, vốn bị phá hủy và tàn tạ dưới thời ông Mubarak.
Tất cả những lời hứa của Đảng anh em hồi giáo đều rất hấp dẫn với người dân, trừ việc họ cam kết sẽ sử dụng đạo luật hồi giáo khắc nghiệt Islamic Sharia làm quốc luật của Ai Cập, việc sử dụng đạo luật này khiến những người “hồi giáo ôn hòa” và những người Ai Cập theo thiên chúa giáo lo sợ.
Tương lai ngành dầu mỏ Ai Cập
Cho dù ai trở thành tổng thống đi chăng nữa, thì tương lai người đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tài chính đau đầu. Không có người đứng lên điều hành, nền kinh tế Ai Cập đã bị thả nổi suốt 16 tháng, từ khi ông Mubarak đi lưu vong. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên chóng mặt và dự trữ ngoại tệ giảm xuống thảm hại.
Một trong những thất bại lớn nhất của chính quyền của cựu tổng thống Ai Cập, ông Mubarak là chính quyền của ông đã không giải quyết được các vấn đề kinh tế đang xuống dốc của Ai Cập. Ông Mubarak đã thất bại trong việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhằm bình ổn giá xăng dầu và điện tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Ai Cập.
Nên vấn đề năng lượng sẽ là chủ đề nóng bỏng cho tân tổng thống của Ai Cập.
Xét về tiềm lực kinh tế quốc gia, Ai Cập không chỉ có dân số đông nhất Trung Đông, mà quốc gia này còn sở hữu những giếng dầu màu mỡ nhất của thế giới Ả Rập. Ai Cập cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới và là cửa ngõ thông thương hàng hóa từ cả châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Chính vì nguyên nhân trên, mà không một nhà đầu tư nước ngoài nào rời bỏ Ai Cập, bất chấp những bất ổn chính trị và bạo lực leo thang, khi chính quyền ông Mubarak bị lật đổ.
Về tiềm năng dầu mỏ, ngày 24/5/2012, Tập đoàn Dầu khí Ý, Italy’s Ente Nazionale Idrocarburi (ENI) tuyên bố phát hiện mới một mỏ dầu tại vùng sa mạc phía Tây Ai Cập, cách thành phố Alexandria, Ai Cập, 180 dặm. Mỏ dầu đạt trữ lượng 3.500 thùng dầu và khoảng 28.000 foot khối (ft³) mỗi ngày.
Tập đoàn ENI cho biết, đây mới chỉ là một phát hiện nhỏ của tập đoàn tại vùng sa mạc phía tây Ai Cập, dự kiến tổng trữ lượng dầu thô ở trong vùng có thể lên tới 150 - 250 triệu thùng dầu thô. ENI ước tính tổng trị giá lượng dầu thô dự trữ tại vùng sa mạc Tây Ai Cập có thể lên tới 800 - 1 tỷ USD. Dự đoán năng suất khai thác của Tập đoàn ENI sau năm 2012 sẽ xấp xỉ 10.000 thùng mỗi ngày.

Tập đoàn dầu khí ENI đã đầu tư vào Ai Cập từ năm 1954 thông qua hình thức góp vốn vào Công ty dầu khí quốc tế Ai Cập (IEOC), Tập đoàn ENI sở hữ 56% lãi suất từ việc khai thác dầu tại vùng sa mạc Tây Ai Cập, 24% thuộc về công ty dầu khí Lukoil của Nga và 20% thuộc về công ty dầu khí Mitsui, Nhật.
Năng suất khai thác của 5 giếng dầu của các công ty tại vùng sa mạc Tây Ai Cập vào khoảng 36.000 thùng dầu mỗi ngày.
Thách thức cho tân tổng thống Ai Cập
Sau bầu cử, để chiếm được cảm tình của người dân thì chính quyền mới lên của Ai Cập không những phải có biện pháp tức thời cải cách kinh tế mà còn phải tỏ ra trong sạch hơn chính quyền tham nhũng của ông Mubarak.
Trước diễn biến của cuộc cách mạng “mùa xuân Ả Rập”, người láng giếng của Ai Cập là Ả Rập Xê Út đang lo ngại ảnh hưởng của cuộc cách mạng có thể lan sang quốc gia mình. Ả Rập Xê Út là quốc gia có nền quân chủ chuyên chế bám rễ rất lâu đời, mà mục tiêu của cuộc cách mạng “mùa xuân Ả Rập” chính là những quốc gia có chế độ độc tài, quân chủ chuyên chế.
Trái với phản ứng e dè, thận trọng của Ả Rập Xê Út, một quốc gia trong khối OPEC khác là Quatar, lại tỏ ra rất quan tâm đến Ai Cập sau những biến cố chính trị tại quốc gia này. Quatar dự kiến sẽ đầu tư một khoản tiền lớn vào ngành dầu mỏ Ai Cập. Đầu tháng 5 vừa qua, Công ty dầu khí Quatar Petroleum đã có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với các lãnh đạo tạm thời của Ai Cập để bàn về kế hoạch xây dựng nhà máy hóa dầu tại đây.
Nhưng về lâu về dài, chắc chắn tổng thống tương lai của Ai Cập sẽ chịu áp lực nhiều từ dư luận người dân. Người dân Ai Cập đã đổ máu để lật đổ chế độ ông Mubarak, họ sẽ không muốn thấy sự hy sinh của mình là vô ích khi lại thay thế ông Mubarak bằng một kẻ độc tài khác.
Tân tổng thống Ai Cập sẽ phải cố gắng để duy trì chính sách hỗ trợ cho ngành năng lượng trong nước, duy trì mức giá xăng dầu, điện ổn định và trả các khoản nợ khổng lồ của quốc gia cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Nếu tân tổng thống Ai Cập không hoàn thành được trọng trách của mình thì ông ta sẽ lại giống như Mubarak, đối mặt với hàng chục nghìn người biểu tình hò reo phản đối tại quảng trường Tahrir Square, Cairo, Ai Cập.
Không giống vị trí tổng thống độc tài và đầy quyền lực của ông Mubarak trước kia, tân tổng thống mới của Ai Cập sẽ giống như một diễn viên xiếc khi phải khéo léo lấy thăng bằng rồi đi bộ trên sợi dây chính trường tại Ai Cập.

Hữu Quang (NangluongVietnam.vn)

Tác động của Mùa xuân Arab đến tương lai mối quan hệ Ai Cập - Isarel


Tác động của Mùa xuân Arab đến tương lai mối quan hệ Ai Cập - Isarel


Những sự kiện bắt nguồn từ Tunisia trong tháng 1 năm 2011, sau đó lan rộng sang Ai Cập, Libya, Jordan, Morocco, Bahrain, Syria và một số quốc gia khác đã làm lay chuyển nền tảng chính trị, nhận thức và xã hội của khu vực Trung Đông. Biến động chính trị này cho tới nay vẫn chưa lắng hẳn và không ai dám chắc rằng khi nào nó sẽ kết thúc hay sẽ có một làn sóng biến động khác của dân chúng tiếp tục xảy ra. Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đang gia tăng quyền lực ở Ai Cập, do đó một số câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta có thể dự đoán gì về tổ chức Hồi giáo này? Vai trò nào của Hồi giáo sau sự sụp đổ của chế độ độc tài? Quan hệ của các tổ chức Hồi giáo đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Israel sẽ ra sao? Triển vọng Hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập, hoặc Hiệp định David Camp sẽ thế nào?. Trước tiên, bài viết tập trung vào phân tích về quan hệ quốc tế ở Trung Đông, sau đó sẽ thảo luận những câu hỏi đã nêu trên.
1.  Lý thuyết quan hệ quốc tế ở Trung Đông
 Tính đặc thù của khu vực Trung Đông đã khiến các phân tích không thể dựa trên một phương pháp đánh giá nào về quan hệ quốc tế (Hinnebusch, 2003, p.1). Vì vậy, cần phải bắt đầu vấn đề bằng cách xem xét khu vực này dựa trên lý thuyết quan hệ quốc tế nào và các lý thuyết này giúp gì cho chúng ta hiểu và giải nghĩa các mối quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông.
Trung Đông mặc dù có vị trí quan trọng trong bản đồ chính trị thế giới nhưng vẫn bị các học giả phương Tây thờ ơ trong việc phát triển hệ thống lý thuyết về khu vực này. Nhiều lý thuyết gia về quan hệ quốc tế cho rằng Trung Đông là khu vực quá phức tạp, không thống nhất nên không thể phát triển lý thuyết quan hệ quốc tế. Hơn nữa, theo Sasley (2011) thì đang có sự khác biệt rất lớn về tư tưởng giữa các nhà lý luận quan hệ quốc tế sử dụng Trung Đông làm trường hợp nghiên cứu và các chuyên gia quan hệ quốc tế ở Trung Đông. Ba học giả Fred Halliday, Raymond Hinnebusch và Anoushiravan Ehteshami đã thành công trong việc nghiên cứu về khái niệm quan hệ quốc tế ở Trung Đông, đều đã có những lập luận và phương pháp tiếp cận nghiên cứu khác nhau. Fred Halliday (2005) quan tâm đến hệ thống lịch sử xã hội, Raymond Hinnebusch và Anoushiravan Ehteshami (2002) xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực mới. Hinnebusch (2003) còn mở rộng cách tiếp cận nghiên cứu của mình bằng cách dùng nhiều lý thuyết khác nhau như xã hội học lịch sử, chủ nghĩa kiến tạo, cấu trúc luận và chủ nghĩa hiện thực mới để chứng minh cho phân tích của mình.
Nhưng theo Halliday, lý thuyết để có tính thuyết phục cần phải có những phân tích cặn kẽ và toàn diện, phải có bối cảnh lịch sử, phải có sự phù hợp giữa cơ sở phân tích và chương trình nghiên cứu, đồng thời phải có tính nhân văn. Ngoài ra, Halliday cho rằng nên phân loại lý thuyết quan hệ quốc tế thành các thuyết phân tích và thuyết chuẩn mực, theo đó các thuyết phân tích giải thích sự vận hành của các quan hệ quốc tế, còn các thuyết chuẩn mực đề cập đến các khái niệm và các chuẩn mực. Halliday đã chia lý thuyết phân tích quan hệ quốc tế ở Trung Đông thành 5 loại: phân tích lịch sử; phân tích chính sách đối ngoại; phân tích chủ nghĩa hiện thực hình mẫu và những biến đổi của nó; phân tích ý tưởng; xã hội học lịch sử và quốc tế. Phân tích lịch sử quan tâm đến lịch sử chính sách đối ngoại của một quốc gia và cố gắng giải thích tại sao và làm thế nào các hoạt động của nhà nước được tiến hành trong bối cảnh lịch sử đó. Những giải thích mang tính lịch sử cố gắng hướng vào các xã hội Trung Đông hơn là hướng vào những vấn đề của lý thuyết quan hệ quốc tế (Halliday, 2005, p 24).
Các học giả theo trường phái chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế thường đặt trọng tâm nghiên cứu về nhà nước, coi nhà nước là thể chế dẫn đầu và là nhân tố mà các lý thuyết phải đề cập đến, song trong trường hợp Trung Đông nhà nước đã đi ngược với các lý thuyết đó và các nhân tố phi nhà nước thường lại có vai trò kiểm soát hệ thống chính trị trong nước và khu vực (Halliday, 2005 , pp.27-30).
Hinnebusch và Ehteshami (2005) cho rằng, ở Trung Đông nhà nước là nhân tố chủ đạo trong chính sách đối ngoại và các nhà lãnh đạo có lợi trong việc tối đa hoá quyền tự trị và an ninh của nhà nước. Họ đồng ý với quan điểm của trường phái chủ nghĩa hiện thực cho rằng hệ thống nhà nước Trung Đông rất phức tạp và mang các đặc trưng riêng có. Theo Hinnebusch (2005), chủ nghĩa hiện thực mới cho rằng sự mất an ninh mang tính chất hệ thống đã dẫn đến hình thành hành vi điều tiết, cân bằng để chống lại những mối đe doạ, dẫn đến hình thành hệ thống nhà nước có chủ quyền thống nhất. Tuy nhiên, Hinnebusch cho rằng hệ thống nhà nước Trung Đông không mang tính thống nhất, các chấn động ở cấp hệ thống đã tác động lên hành vi của nhà nước.
Ông còn cho rằng, chính sách ngoại giao của các nhà nước Trung Đông được hình thành trong ba khung cảnh đã được công nhận khác nhau về mặt khái niệm. Thứ nhất là ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ này ông dựa chủ yếu vào các lý thuyết về xây dựng nhà nước. Thứ hai là cấp độ khu vực và thứ ba là cấp độ toàn cầu, ở đó ông căn cứ vào các phân tích cấu trúc luận về quan hệ quôc tế nơi các quan hệ không cốt lõi được coi là đặc trưng của các nhà nước Trung Đông. Ông cũng cho rằng hệ thống quốc tế có ảnh hưởng trái chiều đến chính sách đối ngoại của các nhà nước Trung Đông.
2. Minh chứng bằng Mùa xuân Arab
Bài viết này đánh giá cuộc cách mạng Ai Cập nơi Tổ chức Anh em Hồi giáo đóng vai trò đứng đầu cuộc cách mạng và làn sóng nổi dậy của dân chúng (Johnson, 2011). Theo Barry Rubin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về vấn đề quốc tế (GLORIA), nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng này là những sai lầm của chế độ dân tộc chủ nghĩa Arab đã thống trị thế giới Arab trong thời gian dài từ thập kỷ 1950 và đầu thập kỷ 1960. Chính quyền không còn đủ năng lực để thực hiện những lời hứa của mình, không nhanh chóng đạt được những tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế, có quan điểm hủy diệt đối với Israel, không thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây. Tham nhũng, thiếu tự do, trì trệ kinh tế đã trở nên khá rõ ràng. Mặt khác, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc cách mạng này còn do sự bất bình của giới quan chức về việc thừa kế của con trai Tổng thống Mubarak và đặc biệt là đất nước đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế.
Những người biểu tình dẫn đầu cuộc nổi dậy ở Ai Cập hầu hết là những người trẻ tuổi, tự do và cởi mở. Họ là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại Hosni Mubarak, buộc ông phải từ chức và đồng thời họ là những người luôn có mặt trên các trang web như Twitter, Facebook để kêu gọi bạn bè của họ xuống đường biểu tình. Một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình là Wael Ghonim, 30 tuổi, là người điều hành trang Google, đã tập hợp đám đông tại Quảng trường Tahrir và trước đó anh này bị Cơ quan an ninh Ai Cập bắt giữ trong 12 ngày (Trager, 2011). Các nhà hoạt động này đã bác bỏ ý thức hệ tôn giáo và truyền thống như khuyến cáo của Ayatollah Ali Khamenei, kêu gọi tự do dân chủ, bình đẳng và khoan dung tôn giáo đồng thời kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài (Dickey, 2011).
Để hạn chế sự nổi lên của các đảng Hồi giáo, phương Tây đã chấp nhận và bênh vực cho những chế độ độc tài tồi tệ nhất trong thế giới Arab, điều này đã dẫn đến xuất hiện các tổ chức Hồi giáo đối lập với họ, điển hình là Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, một phong trào lớn được thành lập từ lâu và có sức ảnh hưởng chính trị lớn (Ramadan, 2011a). Hơn 60 năm qua, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã hoạt động bất hợp pháp nhưng không bị dẹp bỏ. Tổ chức này đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong việc vận động dân chúng trong mỗi cuộc bầu cử dân chủ nơi ít nhất họ đều có một  đại diện tham gia (Ramadan, 2011b).
3.  Tư tưởng và thế giới quan của Tổ chức anh em Hồi giáo
Mùa xuân Arab đã chuyển sang mùa hè Arab, nên các phong trào Hồi giáo đã nhanh chóng thành lập các đảng phái chính trị và huy động các chiến dịch quốc gia để đưa ra hình ảnh mới của họ trước cuộc bầu cử diễn ra vào mùa thu và mùa đông tới (Ghosh, 2011). Tổ chức Anh em Hồi giáo, một thực thể chính trị quan trọng tại Ai Cập đã thành lập Đảng Tự do và Công lý. Đã nảy sinh cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa đảng và Tổ chức Anh em Hồi giáo nhưng các nhà lãnh đạo của Đảng này đã tuyên bố rằng họ là một thực thể tự thân (Trager, 2011). Quan trọng là, Tổ chức anh em Hồi giáo đang lập kế hoạch hành động cho tương lai.
Essam el-Erian, một nhà lãnh đạo hàng đầu của Tổ chức anh em Hồi giáo tuyên bố rằng những điều họ đang làm rồi sẽ qua đi, và hiện nay họ cần xem xét lại họ sẽ làm gì (Ghosh, 2011). Tổ chức anh em Hồi giáo có thể sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tái hình thành hệ thống nhà nước Ai Cập và chính sách đối ngoại của Ai Cập bởi vì tổ chức này được thành lập từ lâu và được lòng dân chúng. Tổ chức anh em Hồi giáo được thành lập vào những năm 1930 với tư cách là một tổ chức hoạt động hợp pháp, chống thực dân, là tổ chức phi bạo lực và ủng hộ kháng chiến vũ trang ở Palestine chống lại sự bành trướng của người Do Thái trước Chiến tranh Thế giới thứ II. Những bài viết vào giữa những năm 1930 và những năm 1945 của Hassan al-Banna, người sáng lập Tổ chức anh em Hồi giáo đã đề ra kế hoạch và đường lối hoạt động của tổ chức này, chống lại chủ nghĩa thực dân và chỉ trích mạnh mẽ chính quyền phát xít ở Đức và Italia (Ramadan, 2011a). Ông không chấp nhận việc sử dụng bạo lực ở Ai Cập, nhưng lại cho rằng bạo lực mang tính hợp pháp ở Palestin để chống lại chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái và các băng nhóm khủng bố Irgun (Spencer, 2011a, p.602). Ông cho rằng mô hình nghị viện Anh là kiểu gần gũi nhất với các nguyên tắc Hồi giáo (Ramadan, 2011a).
Mục tiêu của Al-Banna là thành lập "nhà nước Hồi giáo" (Ramadan, 2011a) dựa trên nền tảng cải cách dần dần, trước tiên là thực hiện cải cách giáo dục cơ bản và các chương trình xã hội trên diện rộng. Vào năm 1949, ông đã bị chính phủ Ai Cập ám sát theo yêu cầu của phía chính quyền chiếm đóng (Ramadan, 2011b).
Sau cuộc cách mạng 1952 của Gamal Abdel Nasser, Tổ chức anh em Hồi giáo bị đàn áp mạnh mẽ và họ buộc phải hoạt động ở nước ngoài. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao và nhà lý luận của Tổ chức này bị bắt và bị tù đầy trong các nhà tù của Ai Cập, đồng thời nhà tư tưởng hàng đầu là Sayyid Qutb bị hành quyết thì tổ chức này đã may mắn tìm được hai nơi để tiếp tục hoạt động (Johnson, 2011). Nhiều thành viên của tổ chức này buộc phải sống lưu vong ở Saudi Arabia và chịu ảnh hưởng nhiều của hệ tư tưởng của giới tri thức Saudi Arabia, một số khác lưu vong ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, nơi có nhiều cộng đồng người Hồi giáo cùng sinh sống. Số còn lại thì định cư ở phương Tây và được tiếp xúc trực tiếp với truyền thống tự do dân chủ của châu Âu (Rubin, 2010, trang 105-117).
Các nước phương Tây nghi ngờ về chương trình nghị sự của Tổ chức anh em Hồi giáo, một số cơ quan truyền thông thậm chí tuyên bố Tổ chức này có quan hệ với tổ chức khủng bố (Salih, 2009, pp.150-154). Ví dụ, tờ NewWeek đã công bố một hồ sơ cáo buộc Tổ chức anh em Hồi giáo sử dụng các nhà chính trị ôn hòa nhằm mục đích thực hiện trương trình nghị sự mang tính cực đoan (Dickey, 2011).
 Tuy nhiên, Tariq Ramadan, một học giả Hồi giáo xuất chúng đã bác bỏ những tuyên bố này và cho rằng phương Tây tiếp tục sử dụng chiêu bài “sự đe dọa của Hồi giáo” để biện minh cho sự thụ động của họ và nhằm tiếp tục hỗ trợ cho chế độ độc tài (Ramadan, 2011b). Tổ chức này đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không sử dụng bạo lực, lên án chủ nghĩa khủng bố và không làm việc với các phần tử thánh chiến (Trager, 2011). Ngoài ra, tổ chức này còn được đánh giá là một phong trào xã hội nhiều hơn là một thực thể chính trị. Người dân nghèo Ai Cập lâu nay đã sử dụng các dịch vụ xã hội như trường học và trạm y tế miễn phí của Tổ chức anh em Hồi giáo (Ghosh, 2011).
Điều này cho thấy cần phải có những phân tích kỹ lưỡng hơn về Hồi giáo chính trị để hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Hồi giáo, bởi thực tế Hồi giáo giữa các khu vực và trong các giai đoạn lịch sử luôn có sự khác nhau.
4.  Tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp cận quyền lực và nỗi lo của Israel
Những thay đổi cơ bản đang diễn ra ở Trung Đông ​​có ảnh hưởng đến mối quan hệ của Israel với thế giới Arab (Marshall, 2011). Các quan chức Israel bày tỏ sự lo lắng của họ trong báo cáo nói về Mùa xuân Arab, đặc biệt là cuộc cách mạng ở Ai Cập. Israel lo lắng đến sự tồn tại của Hiệp ước hòa bình năm 1979 (Seale, 2011). Các nhà bình luận phương Tây thường mô tả Hiệp ước này là “trụ cột của sự ổn định khu vực”, là “hòn đá tảng của ngoại giao Trung Đông”, là "trung tâm của ngoại giao Mỹ" trong thế giới Arab nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung. Rõ ràng cả Israel và Mỹ đều hiểu được hiệp ước này quan trọng như thế nào đối với họ (Seale, 2011). Mặt khác, Hiệp ước hoà bình Israel-Ai Cập có thể được xem là một trong những điểm chiến lược đảm bảo sự trung lập của Ai Cập, sự thống trị quân sự của Israel ở  khu vực trong ba thập kỷ tới (Seale, 2011).
Tại thời điểm này, Israel đang bị cô lập ở Trung Đông. Israel có quan hệ ngoại giao chỉ với ba nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Jordan nhưng trong những tháng gần đây, đại sứ của Israel đã bị triệu hồi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Nhà vua của Jordan là Abdullah thì chỉ trích rằng Israel "sợ chết" (Seale, 2011).
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ rằng họ đang lo lắng và cũng đang theo dõi những gì đang xảy ra ở Ai Cập và trong khu vực (Dickey, 2011). Ông này cho rằng: Hòa bình giữa Israel và Ai Cập đã tồn tại trong hơn ba thập kỷ qua và mục tiêu của Israel là nhằm đảm bảo mối quan hệ này sẽ tiếp diễn (Mitnick, 2011).
Tại Ai Cập, quan điểm chống Israel đang ngày càng gia tăng. Quan điểm này ở các cấp độ có sự khác nhau: cấp độ quốc gia, các đảng phái chính trị, giới lãnh đạo, và những người dân bình thường. Một số đảng phái chính trị cấp tiến muốn đóng cửa kênh đào Suez để ngăn chặn tàu của Israel và ngừng bán khí đốt tự nhiên cho Israel. Đảng Tự do và Công lý cho rằng Hiệp ước năm 1979 cần phải được "xét lại" (Seale, 2011).
Tổ chức Anh em Hồi giáo và đảng mới của tổ chức này có vẻ nghiêng theo hướng sẽ không cam kết thực hiện hiệp ước hòa bình với Israel, hoặc sẽ đối đầu, do đó sẽ có sự thay đổi chiến lược quan trọng ở Ai Cập (Mitnick, 2011). Đảng Tự do và Công lý hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội mới của Ai Cập. Điều này có thể đưa chính sách ngoại giao của Ai Cập thoát ra khỏi lợi ích của Mỹ (Trager, 2011). Hệ quả là, Ai Cập thời kỳ hậu Mubarak sẽ cải thiện mối quan hệ với những nước đang đối đầu với Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Iran, sẽ dèm pha Hiệp ước Trại David với Israel.
Hiện nay, chính kiến của người dân Arab về Hiệp ước Hoà bình Israel-Ai Cập hoàn toàn khác với thời các chính phủ cầm quyền trước đó trong khu vực. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hai tháng sau khi cuộc cách mạng nổ ra, 54 % dân số Ai Cập ủng hộ lệnh bãi bỏ các thỏa thuận hòa bình với Israel, trong khi chỉ có 36% dân số muốn duy trì Hiệp ước đó và số người còn lại thì chưa có quyết định (Spencer, 2011b, p.778).
Chính phủ Israel sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn trong tương lai bởi hầu hết những ứng cử viên chức tổng thống Ai Cập đều có quan điểm chống lại Israel. Ví dụ, Amr Mousa, một trong những ứng cử viên đó đã được một nhà ngoại giao phương Tây bình luận rằng sự nổi tiếng của ông ta là vì giống như một người theo chủ nghĩa dân tộc Arab chống lại Israel (Dan, 2011).
Nhìn nhận từ góc độ khác thì Sam Vaknin, biên tập viên chính của Tạp chí Chính trị Toàn cầu cho rằng cả Israel và Ai Cập đều được hưởng lợi rất nhiều từ sự hào phóng của Mỹ với số tiền từ 2-3 tỷ USD hàng năm cho mỗi nước và chắc chắn rằng quân đội Ai Cập sẽ không thích từ chối một khoản tiền viện trợ lớn như vậy. Hơn nữa, một nửa nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Israel là nhập từ Ai Cập và hiện nay còn có cả những chương trình tình báo chung giữa hai nước (KA Khidhir, 30 / 11/ 2011).
Vaknin tái khẳng định rằng, Ai Cập cần duy trì hòa bình và thắt chặt quan hệ thương mại với Israel. Ngoài ra, Ateya al-Wayishi, một nhà văn người Ai Cập cho  rằng, cuộc cách mạng có thể có ảnh hưởng hạn chế đến quan hệ Israel-Ai Cập. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng Hiệp ước hòa bình sẽ được sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo lợi ích nhiều hơn cho Ai Cập.
Ngoài những quan điểm trên, Ramadan (2011a) tin rằng, cả Mỹ và châu Âu đều không muốn chống lại Israel và đều muốn người dân Ai Cập dễ dàng biến ước mơ tự do và dân chủ của họ trở thành hiện thực. Quá trình cải cách sẽ được giám sát bởi các cơ quan Mỹ phối hợp với quân đội Ai Cập vì họ đóng vai trò quan trọng của người điều phối.
Mùa xuân Arab đã tái cấu trúc mối quan hệ chính trị, thể chế và quan hệ quốc tế của khu vực Trung Đông. Ai Cập hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi mùa xuân Arab, bởi cuộc cách mạng đã lật đổ chế độ của Tổng thống Mubaraka, và đưa những nhà Hồi giáo chính trị đến quyền lực. Đảng Tự do và Công lý được thành lập và được dẫn dắt bởi Tổ chức anh em Hồi giáo là một tổ chức chính trị có ảnh hưởng rất lớn. Đảng này hiện đang được lòng dân chúng và chiếm đa số phiếu trong các cuộc bầu cử diễn ra gần đây. Những thay đổi chính trị hiện nay đã làm Israel lo lắng. Chính phủ Israel đặc biệt quan tâm đến Hiệp định hòa bình đã được ký kết với chính quyền cũ ở Ai Cập. Israel muốn duy trì hiệp ước này, nhưng các đảng chính trị, các ứng cử viên tổng thống và dân chúng Ai Cập đang có những quan điểm khác nhau về hiệp ước này. Bài viết đã bàn đến các tranh luận về những gì đã diễn và đưa ra các dự báo về những gì có thể sẽ đến.  
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi&Trung Đông
Koshan Ali Khidhir