Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu
Phần 1
TS. Bùi Nhật Quang
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đặc biệt quan trọng trong khu vực Á – Âu (Eurasia) với diện tích lãnh thổ lớn (783,562 km2) nằm kéo dài trên cả hai châu lục, quy mô dân số khoảng 73 triệu người (năm 2010), nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và có một nền kinh tế phát triển năng động. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thành lập nền cộng hòa lần đầu tiên vào năm 1923, quốc gia này đã xác lập quan điểm chính sách hướng về phương Tây và nỗ lực tham gia vào các tổ chức liên kết quốc tế. Có thể kể tới một số khối liên kết quan trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên chính thức như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (là thành viên sáng lập ngay từ năm 1945), Hội đồng châu Âu (1949), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo OIC (1969), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (1985), G-20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn thành lập năm 1999) và trong năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc[1]. Sự tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ khi tham gia hàng loạt các tổ chức liên kết quốc tế và khu vực đã thể hiện quan điểm tương đối cởi mở của giới lãnh đạo quốc gia và tính chất “hướng Tây” trong các đường lối, chính sách. Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định các đối tác châu Âu kế cận có vai trò đặc biệt quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của quốc gia. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ luôn cố gắng củng cố sự hiện diện của mình trong các sự kiện của châu Âu – chẳng hạn như trở thành thành viên liên kêt của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) từ năm 1964 và của Liên minh Tây Âu (Western European Union) năm 1992. Một sự kiện được coi là bước ngoặt trong chính sách hướng tới châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ là việc quốc gia này chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập EU và được công nhận tư cách đàm phán kể từ năm 2005.
1. Thực trạng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Liên minh châu Âu.
Quá trình hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia châu Âu đã có lịch sử phát triển lâu dài qua nhiều thời kỳ biến động khác nhau. Về mặt chính sách, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi các quốc gia châu Âu và các khối liên kết tại châu Âu là hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại và đã thể hiện ưu tiên này từ rất sớm với các động thái như nhanh chóng trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu[2] ngay khi tổ chức này được thành lập năm 1949 và đệ đơn xin được làm thành viên liên kết (associate membership) của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) ngay từ năm 1959, để sau đó được công nhận tư cách thành viên liên kết từ năm 1963. Trong suốt quá trình nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng vai trò rất tích cực trong các vấn đề của châu Âu và tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế, chính trị của khu vực này, thể hiện mức độ gắn kết chặt chẽ với EU mà một dấu mốc quan trọng là việc ký kết hiệp định với EU để thành lập Liên minh Thuế quan kể từ năm 1995. Hiệp định này đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác thương mại chung cho hai phía, trong đó các hạn chế song phương đối với lưu chuyển hàng hoá đã được bãi bỏ.
Mặc dù các tiến triển trong đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2005 đến nay là rất hạn chế do quan điểm và cách thức tiếp cận của hai phía còn nhiều khác biệt nhưng sự cải thiện của quan hệ hợp tác song phương là đáng ghi nhận, đặc biệt là các quan hệ ngày càng được tăng cường trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Một số dấu mốc đáng chú ý trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác Thổ Nhì Kỳ - EU có thể được kể tới bao gồm:
- Tháng 9. 1959: Thổ Nhĩ Kỳ đệ đơn xin trở thành thành viên liên kết của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và đến tháng 9. 1963, Hiệp định Ankara đã được ký kết để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh Thuế quan với EEC và trở thành thành viên liên kết của khối này.
- Nửa đầu thập kỷ 1980: Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EEC bị đóng băng sau khi đảo chính quân sự diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9. 1980.
- Tháng 9. 1986: Hội đồng Liên kết Thổ Nhĩ Kỳ - EEC họp để thảo luận về việc khôi phục lại quá trình hợp tác, liên kết giữa hai bên.
- 14 tháng 4 năm 1987: Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của EEC, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập. Đến tháng 12 năm 1989, Uỷ ban châu Âu đã đồng ý về khả năng có thể xem xét trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tạm hoãn chưa xét đơn xin gia nhập.
- Tháng 3. 1995: Hội đồng liên kết Thổ Nhĩ Kỳ - EU đã đạt được thoả thuận về liên minh thuế quan. Thoả thuận này bắt đầu có hiệu lực kể từ 1.1.1996.
- Tháng 12. 1999: Hôi nghị thượng đỉnh Helsinki đã công nhận tư cách ứng viên xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.
- Tháng 3. 2001: Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thống qua Chương trình Quốc gia về việc nội luật hoá các quy định của EU.
- Tháng 5. 2003: Hội đồng các Bộ trưởng EU quyết định về các nguyên tắc, ưu tiên, mục tiêu trung gian và các điều kiện của quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình gia nhập EU.
- 17 tháng 12. 2004: Kỳ họp của Hội đồng châu Âu quyết định sẽ chính thức đàm phán gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ 3.10.2005.
- 12 tháng 6. 2006: EU bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ, xác lập khuôn khổ đàm phán bao gồm 33 chương.
- 2007: Đàm phán về các vấn đề thống kê, kiểm soát tài chính giữa hai bên. Tuy nhiên vấn đề liên minh kinh tế và tiền tệ bị loại khỏi chương trình nghị sự.
- 2008: Đàm phán về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và luật doanh nghiệp
- 2009: Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia ký hiệp định hoà bình tại Zurich, đáp ứng một trong những điều kiện tiên quyết để gia nhập EU.
- 2010: Hội đồng liên kết cấp Bộ trưởng EU - Thổ Nhĩ Kỳ họp tại Brussels. EU kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh quá trình gia nhập.
Biểu đồ 1. Trao đổi thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với EU
(đơn vị: tỷ euro)
Nguồn: Eurostat, 2011.
Cùng với các diễn biến như đã nêu trên trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - EU suốt nhiều năm qua, các hoạt động hợp tác thực tế đã không ngừng được tăng cường. Xét ở góc độ kinh tế, EU đã nhanh chóng trở thành đối tác thương mại, đầu tư quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Xét từ góc độ quan hệ chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực, chủ động đẩy mạnh quá trình nội luật hoá các quy định luật pháp trong nước cho phù hợp với EU và đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị Copenhaghen. Trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế khác, đặc biệt là quan hệ với Hoa Kỳ và quan hệ với khu vực Trung Đông, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được điều chỉnh và thống nhất với quan điểm và cách thức ứng xử của phương Tây. Nội dung hợp tác quan trọng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ với EU có thể được xác định là hợp tác thương mại và hợp tác đầu tư.
Biểu đồ 2. Hợp tác đầu tư trực tiếp Thổ Nhĩ Kỳ - EU 27 qua các năm
(đơn vị: tỷ Euro)
Nguồn: Eurostat, 2011.
[1] “Turkey in the UN Security Council”, Insight Turkey, Vol. 11 No.4 2009.
[2] Hội đồng châu Âu (Council of Europe) là tổ chức quốc tế có mục tiêu thúc đẩy hợp tác của tất cả các quốc gia châu Âu. Hội đồng được thành lập vào 5/5/1949 với 10 thành viên sáng lập. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành thành viên của Hội đồng chỉ 3 tháng sau đó.
Phần 2:
2. Quan điểm từ hai phía về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập EU.
2.1. Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ:
Trong năm 2004, khi EU chính thức tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối thoại với khối liên kết này về khả năng gia nhập, cả nhà nước và công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đều có phản ứng hết sức tích cực, coi đó là bước ngoặt quan trọng trong quá trình nâng cấp quan hệ song phương. Các phương tiện thông tin đại chúng của Thổ Nhĩ Kỳ đều đưa tin về sự kiện quan trọng này với tờ Thời báo Sabah khẳng định “Có rồi, một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới” trong khi Nhật báo Milliyet – tờ báo có ấn bản lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng “Hôm này là một ngày tươi đẹp hơn”[1]. Nhận thức chung của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng quốc gia này đã tiến được một bước quan trọng theo hướng hoàn thành tâm nguyện của Kemal Atatürk[2] về việc tăng cường hội nhập và gắn kết với châu Âu.
Đại đa số người dân đã đồng thuận với chính sách của nhà nước trong việc xúc tiến đàm phán gia nhập EU và báo cáo của Cơ quan điều tra dư luận Eurobarometer năm 2005 đưa đến kết quả rằng có tới 73% người Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng rằng việc trở thành thành viên của EU sẽ đem lại lợi ích lớn cho nước cộng hòa[3]. Với sự khởi động tích cực như vậy, mọi diễn biến dường như rất thuận lợi đối với chính sách định hướng châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, quá trình đàm phán đã cho thấy yêu cầu của phía EU không hề đơn giản, không dễ đáp ứng và cùng với các khó khăn vướng mắc, quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này cũng thay đổi khá nhiều khi sự nhiệt tình với EU đã giảm hẳn (Biểu đồ 3)
Biểu đồ 3. Ý kiến của người Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập EU (2009)
(Ý kiến của 1000 người được phỏng vấn trực tiếp)
Nguồn: Số liệu của Eurobarometer 72, Autumn 2009.
Quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ về quan hệ với EU qua mỗi thời kỳ đã thể hiện sự thay đổi đáng kể về chính sách nhà nước cũng như về cảm nhận đối với những gì đang diễn ra trên thực tế. Một bộ phận lớn người Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rằng quá trình gia nhập EU dường như là câu chuyện không bao giờ kết thúc và rằng ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra những đòi hỏi mới, những đòi hỏi thậm chí là quá mức về đủ các loại vấn đề khác nhau mà Thổ Nhì Kỳ cần phải đáp ứng trước khi được kết nạp vào EU. Ngay cả những người Thổ Nhĩ Kỳ thế tục cũng đã bắt đầu đặt dấu hỏi về sự cần thiết và diễn tiến của quá trình đàm phán này và nhiều người đã miễn cưỡng thừa nhận rằng “việc Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng tìm chỗ đứng ở phương Tây là một sự lãng phí thời gian do châu Âu sẽ không bao giờ nhìn nhận người Thổ Nhĩ Kỳ là ngang hàng với mình”[4]. Thêm vào đó, những bình luận tiêu cực của các lãnh đạo một số quốc gia thành viên EU đối với khả năng kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng xóa đi sự nhiệt tình của quốc gia này và nhiều ý kiến đã cho thấy sự thất vọng lớn, thậm chí đã chỉ ra rằng quá trình đàm phán chỉ là cơ hội để các quốc gia thành viên EU vốn có nhiều vướng mắc lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các đòi hỏi của mình. Đơn cử như Cộng hòa Síp đã khẳng định rằng họ sẽ cản trở việc hiện thực hóa tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nào đảo Síp được thống nhất và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đất nước này. Một thành viên EU khác là Bulgaria thậm chí đưa ra yêu cầu đòi Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường 20 tỷ USD do Đế quốc Ottoman đã trục xuất khoảng 250 ngàn người Bulgaria trong thời kỳ chiến tranh Balkan năm 1913 để đổi lấy lá phiếu thuận của Bulgaria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập EU. Tất cả những điều này đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận triển vọng gắn kết với EU là không rõ ràng và việc trở thành thành viên EU là quá tốn kém với những lợi ích đem lại không thật tương xứng.
2.2. Quan điểm từ phía EU
Ở cấp độ EU và các quốc gia thành viên, hầu hết chính phủ các quốc gia thành viên EU đều ủng hộ, hoặc ít nhất là không phản đối việc Thổ Nhì Kỳ gia nhập khối liên kết. Mặc dù vậy, những nghiên cứu kỹ hơn về dư luận và ý kiến của công chúng cho thấy ở cấp độ nhận thức của công dân EU, triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên chính thức được đánh giá với nhiều loại dư luận khác nhau và mức độ ủng hộ đối với Thổ Nhì Kỳ thấp hơn rất nhiều. Số liệu của cuộc khảo sát thực tế năm 2009 cho thấy có tới 67% công dân Áo phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và số liệu tương ứng ở Đức là 66%, Pháp là 63%[5]. Hàng loạt các nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này ngay khi EU tuyên bố đồng ý đàm phán chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng các chỉ dấu từ phía người dân EU đều không thực sự tích cực đối với mong muốn hội nhập EU của quốc gia này.
Một bản báo cáo năm 2007 của học giả John Redmond[6].đã xem xét tổng thể vấn đề này sau khi hai phía đã có thời gian đàm phán chính thức 2 năm và đưa ra ý kiến đáng chú ý như sau: “Việc không nhận được sự ủng hộ của các nước lớn (ngoài Anh) và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pháp và Đức đã khiến cho việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của EU là không khả thi trong tương lai gần. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nhận được khuyến khích từ phía các thể chế của EU. Ngoài thái độ phản đối của Hội đồng các Bộ trưởng EU thì Nghị viện châu Âu cũng liên tục lên án Thổ Nhĩ Kỳ về các vi phạm nhân quyền và các vấn đề có liên quan khác. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng thể hiện sự nghi ngờ về tính khả thi của việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU”. Ngoài ra, các ý kiến đánh giá khác đều cho rằng nếu tổ chức trưng cầu dân ý tại 27 quốc gia thành viên EU về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập thì cũng không ai nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được tỷ lệ phiếu ủng hộ đủ lớn, ngay cả từ phía các công dân Anh là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất ở cấp chính phủ. Số liệu khảo sát hẹp của Eurobarometer về sự ủng hộ chung của công chúng toàn khu vực EU đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ luôn giữ ổn định ở mức thấp: 30% trong năm 2000, 28% năm 2006 và 31% trong đợt khảo sát 2008.
Các đánh giá chi tiết hơn trong thời gian gần đây cũng thể hiện xu hướng không mấy tích cực trong quan điểm của phía EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đối với một số trường hợp khác ở vị thế tương tự. Khảo sát năm 2009 của Eurobarometer cho thấy có tới 47% người dân tại các quốc gia thành viên EU tỏ ra đồng ý với nhận định “sự hiện diện của người dân từ các nhóm dân tộc khác là nguyên nhân gây bất ổn an ninh” trong khi chỉ có 37% số người được hỏi không đồng ý với nhận định này. Eurobarometer đã ghi nhận mức độ gia tăng khoảng 3% số người trả lời đồng ý so với lần khảo sát vào cuối năm 2006 [7]. Điều này cho thấy một vấn đề là các yếu tố văn hóa, dân tộc đóng vai trò rất quan trọng trong nhận thức của công chúng châu Âu về việc Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập liên minh. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từng thể hiện sự bất đồng của mình với khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành thành viên chính thức của EU và nhấn mạnh rằng tốt hơn cả là hãy dừng lại ở việc dành cho quốc gia này quy chế của một đối tác chiến lược. Tổng thống Pháp đã tuyên bố rằng “tôi không tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về châu Âu với một lý do đơn giản – đó là quốc gia trong khu vực Tiểu Á. Tôi mong muốn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ một quy chế đối tác thực sự với châu Âu chứ không phải nhất thể hoá với châu Âu” [8]
3. Một vài nhận định
Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù đã được công nhận quyền đàm phán chính thức để gia nhập EU từ năm 2005 nhưng quá trình này mới chỉ có những tiến triển rất khiêm tốn. Điều này là do quan điểm của hai phía vẫn còn nhiều khác biệt và đặc biệt là nhìn nhận từ phía người dân và lãnh đạo các quốc gia EU về Thổ Nhĩ Kỳ chưa thực sự có được đồng thuận ở mức độ hợp lý. Mặc dù vậy, vẫn có thể khẳng định một số hàm ý của quá trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU như sau:
- Trong mọi trường hợp, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU vẫn luôn được xác định là quan hệ quan trọng nhất, là vấn đề phát triển hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt lịch sử phát triển hiện đại.Mong muốn gia nhập EU, trở thành thành viên chính thức của khối này đã trở thành động lực quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ tích cực điều chỉnh, cải cách và đạt được nhiều thành công lớn trong quá trình phát triển.
- Xét từ phía EU, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn được coi như một đối tác rất quan trọng và tầm quan trọng đó sẽ không giảm đi, cho dù trong thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành thành viên chính thức của EU hay vẫn là một đối tác liên kết bên ngoài EU. Điều này là do Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa – chiến lược đặc biệt, có quy mô dân số lớn và một nền kinh tế phát triển năng động, tiềm lực an ninh, quốc phòng không ngừng được củng cố, tăng cường. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng “sức mạnh mềm” và các chiến lược, chiến thuật ngoại giao riêng của mình để góp phần tích cực trong ổn định tình hình khu vực và trở thành đối tác không thể bỏ qua của EU.
- Mặc dù tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với EU ngày càng gia tăng nhưng triển vọng để quốc gia này có thể chính thức được kết nạp vào EU là không rõ ràng do vướng phải rất nhiều trở ngại và yêu cầu của các quốc gia thành viên. Điều này khiến cho sự nhiệt tình và mong muốn của phía Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đã giảm đi. Thổ Nhĩ Kỳ đã quay lại đầu tư cho các mối quan hệ với khu vực Trung Đông và nhanh chóng dành được sự thừa nhận của nhiều quốc gia Trung Đông như một đối tác đáng tin cậy, là chỗ dựa quan trọng có thể giúp đem lại hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Thực tế đó đòi hỏi phía EU phải có điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt và cởi mở hơn trong quan hệ với quốc gia Á – Âu rất quan trọng này.
Tài liệu tham khảo
1. “A Make or Break Year for Turkey-EU ties”, Turkish Daily News, 19 December 2008.
2, Eurobarometer reports, 2005.
3. “Sarkozy: La France et l’Asie Mineure”, Turquie Européenne, 16 January 2008
4. “Turkey in the UN Security Council”, Insight Turkey, Vol. 11 No.4 2009.
5. “Turkish press jubilant over green light for EU accession talks”, Agence France Presse, 7 October 2004.
6. Wilton Park Conference, Turkey’s accession process to the European Union, 31 March – 3 April 2008
[1] “Turkish press jubilant over green light for EU accession talks”, Agence France Presse, 7 October 2004.
[2] Mustafa Kemal Atatürk (1881- 1938) là người đã lãnh đạo Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc cách mạng dành độc lập và trở thành Tổng thống đầu tiên, người sáng lập nền cộng hòa
[3] Eurobarometer reports, 2005.
[4] “A Make or Break Year for Turkey-EU ties”, Turkish Daily News, 19 December 2008.
[5] Theo số liệu khảo sát của Eurobarometer Public Opinion 71 findings, 2009
[6] Wilton Park Conference, Turkey’s accession process to the European Union, 31 March – 3 April 2008
[7] Theo số liệu khảo sát của Eurobarometer 71, Spring 2009
[8] “Sarkozy: La France et l’Asie Mineure”, Turquie Européenne, 16 January 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét