Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Cộng hòa Arab Ai Cập và quan hệ hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh mới

Cộng hòa Arab Ai Cập và quan hệ hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh mới


PGS.TS Bùi Nhật Quang
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
 

Cộng hòa Arab Ai Cập là một quốc gia rộng lớn có diện tích hơn 1 triệu km2, dân số năm 2011 đạt 81 triệu người với vị trí địa lý đặc biệt kéo dài từ bán đảo Sinai (Tây Á) đến vùng đất thuộc châu thổ sông Nile (Bắc Phi). Điều này khiến cho Ai Cập trở thành quốc gia đóng vai trò kết nối hai châu lục Á – Phi và xem xét từ góc độ lịch sử, văn hóa, truyền thống cũng như quan hệ quốc tế, Ai Cập trở thành quốc gia có vai trò trung tâm trong hầu hết các sự kiện của khu vực Bắc Phi – Trung Đông.
1. Ai Cập trong khu vực Bắc Phi - Trung Đông
Trong lịch sử phát triển cận, hiện đại, Ai Cập luôn thể hiện vai trò của một nước lớn trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông (MENA). Từ thập kỷ 1950, Tổng thống Ai Cập Nasser đã thể hiện khả năng dẫn dắt các quốc gia Trung Đông khác để đấu tranh chống lại sự ảnh hưởng của phương Tây và kiềm chế Israel, hỗ trợ người dân Palestine. Năm 1970, Tổng thống Answar Sadat tiếp nối các chủ trương của người tiền nhiệm trong việc củng cố vị thế của Ai Cập trong khu vực. Động thái nổi bật thời kỳ này là Ai Cập điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng hòa giải với Israel và liên kết với Mỹ cùng thế giới phương Tây. Kết quả là Ai Cập đã ký kết Hiệp định Hòa bình với Israel năm 1979, trở thành đồng minh của Mỹ và đòi lại được vùng lãnh thổ Sinai bị chiếm đóng. Cho tới thập kỷ 2000, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã tiến hành hàng loạt các cuộc cải cách kinh tế, chính trị, thúc đẩy mở cửa và điều chỉnh chính sách đối ngoại đảm bảo sự cân bằng trong quan hệ Đông - Tây và giúp cho vai trò của Ai Cập trong khu vực Trung Đông được củng cố và phát triển trở lại. Dù vậy, khi biến động Mùa xuân Arab diễn ra từ đầu năm 2011 khiến Tổng thống Mubarak phải từ chức thì đường hướng chính sách của Ai Cập trong quan hệ với phương Tây cũng như với khu vực Trung Đông lại trở nên bất định. Tổng thống Ai Cập thời kỳ hậu Mùa xuân Arab, ông Morsi, đang trong quá trình tái thiết đất nước, củng cố các thành quả phát triển và các động thái mới nhất trong chính sách của Tổng thống Morsi vẫn thể hiện định hướng đã có từ nhiều thế hệ lãnh đạo trước đó là tiếp tục khẳng định vai trò của Ai Cập với tư cách một nước lớn trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông.
Trong thế giới Arab, vai trò của Ai Cập cũng được thể hiện khá rõ, đặc biệt khi xem xét Ai Cập với tư cách một trong các quốc gia sáng lập Liên đoàn Arab. Ai Cập là thành viên tích cực của Liên đoàn Arab và luôn nắm vai trò chi phối, có khả năng định hướng nhiều hoạt động của tổ chức này. Trụ sở của Liên đoàn đóng tại thành phố Cairo của Ai Cập, Tổng thư ký của Liên đoàn luôn là người Ai Cập (Tổng thư khí hiện nay là ông Nabil Elaraby, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của Ai Cập) và Ai Cập luôn nắm giữ vị trí chủ chốt trong các thể chế của Liên đoàn Arab như Tổ chức Khoa học, Văn hóa, Giáo dục (ALECSO), Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Đoàn kết Kinh tế Arab, v.v… Thực tế cho thấy Ai Cập đã phối hợp tương đối hiệu quả với các thành viên khác của Liên đoàn Arab để định hướng hoạt động cho toàn bộ tổ chức liên kết với trọng tâm bao gồm:
- Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các quốc gia Arab, tạo vị thế quốc tế mạnh hơn trong tương quan với phương Tây cũng như với một thế lực khu vực khác là Israel.
Giữa các quốc gia thành viên có thể chia sẻ được với nhau các giá trị của văn hóa, dân tộc Arab với lịch sử phát triển lâu dài và dựa vào Hồi giáo với tư cách một tôn giáo chung. Đây là các yếu tố luôn được Ai Cập tranh thủ để khẳng định vai trò đầu tầu trong tổ chức.
- Chính sách của Ai Cập là xác lập các nguyên tắc của Liên đoàn Arab dựa trên cơ sở thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Arab thống nhất và một quan điểm chung của các nước Arab về nhiều vấn đề quốc tế khác nhau.
Ai Cập đã thông qua Liên đoàn Arab để tăng cường vai trò khu vực trong hầu hết mọi vấn đề, từ kinh tế đến an ninh, chính trị. Theo sáng kiến của Ai Cập, các quốc gia thành viên Liên đoàn Arab đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế và phòng thủ chung kể từ năm 1950 và cho tới nay, Hiệp định đó vẫn gắn kết các quốc gia liên quan trong các biện pháp điều phối và hợp tác quân sự, quốc phòng.
Nhìn chung, vai trò của Ai Cập trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông luôn thể hiện rất rõ, chính sách của Tổng thống đương quyền Morsi đã thể hiện một số điều chỉnh quan trọng. Ngoài nỗ lực duy trì ảnh hưởng khu vực thì chính phủ Ai Cập đã chú ý hơn tới xác lập quan hệ cân bằng Đông – Tây, có một số động thái hướng tới phát triển quan hệ hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương để từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào phương Tây.
2. Quan hệ Việt Nam – Ai Cập
2.1. Quan hệ chính trị - ngoại giao
Việt Nam và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1963 và đây trở thành kênh tiếp xúc quan trọng để mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực khác. Quan hệ chính trị, ngoại giao thể hiện khá rõ ở hoạt động trao đổi đoàn cấp cao để tìm hiểu thông tin, thảo luận khả năng hợp tác. Đây là những hoạt động bước đầu để tìm hiểu thông tin và đánh giá tiềm năng hợp tác trong một số lĩnh vực mà hai phía cùng quan tâm. Các hoạt động tìm hiểu thông tin thể hiện qua các cuộc trao đổi đoàn với cấp cao nhất là cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và cấp Bộ trưởng hoặc lãnh đạo các đảng chính trị. Nội dung được hai phía quan tâm là hợp tác ngoại giao, hợp tác kinh tế và trao đổi thông tin về hợp tác trong lĩnh vực lập pháp giữa hai Quốc hội.Trong năm 2010, Việt Nam với tư cách chủ tịch của ASEAN và của AIPA (Hội đồng liên nghị viện ASEAN) đã có đoàn công tác sang tiếp xúc với Quốc hội Ai Cập, thể hiện lập trường trong một số vấn đề quốc tế và khu vực và làm rõ mong muốn tăng cường hợp tác nghị viện giữa hai nước.
Kết quả của các cuộc trao đổi tiếp xúc giữa hai nước thông qua trao đổi đoàn đã được minh chứng bằng việc ký kết hàng loạt các hiệp định, các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ. Cho đến nay Việt Nam đã ký với Ai Cập các hiệp định như: Chương trình hợp tác văn hóa các năm 1993 - 1995, 2006 - 2010; Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký năm 1996); Hiệp định hàng không (năm 1999); Biên bản hợp tác du lịch (năm 2006) và hàng loạt các hiệp định và văn bản khác trong lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, quan hệ chính trị cũng được đầu tư, thúc đẩy với các cuộc gặp gỡ các diễn đàn để thảo luận và tư vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Cho đến nay, hai phía đã tổ chức được 6 phiên họp tư vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao với cuộc gặp gần đây nhất là tại Cairo năm 2012.
Một kênh hợp tác quan trọng khác là hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Việt Nam – Ai Cập. Ủy ban này đã tổ chức được 5 phiên họp lần lượt tại Ai Cập và Việt Nam để thảo luận về các nội dung hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Phiên họp đầu tiên của Ủy ban được tổ chức vào tháng 9 năm 1997 tại Hà Nội, phiên thứ hai vào tháng 3 năm 2006 tại Cairo,  phiên thứ ba vào tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, phiên thứ 4 vào năm 2008 tại Cairo Ai Cập và phiên thứ 5 tổ chức tại Hà Nội năm 2011. Trong phiên họp thứ 5 này, ngoài việc thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế- xã hội, tình hình cải cách kinh tế và những thành tựu đạt được của mỗi nước thì hai bên đã thống nhất về việc ký kết Hiệp định miễn thị thựcđối với hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, từ đó tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi công tác của hai nước. Đánh giá của hai phía qua các phiên họp của ủy ban hợp tác cho thấy phía Ai Cập thể hiện mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ nhiều mặt với Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể như dầu khí, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp, dược phẩm với nhiều loại văn bản hợp tác đã được ký kết.
 2.2. Hợp tác thương mại, đầu tư
* Trao đổi thương mại
Quan hệ thương mại Việt Nam – Ai Cập bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại mới năm 1994. Năm 1995, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang Ai Cập với kim ngạch xuất khẩu đạt 855.000 USD và Ai Cập chưa có hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam. Đến năm 1996, hợp tác thương mại song phương bắt đầu có khởi động tích cực với tổng kim ngạch thương mại đạt 2,889 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,471 triệu USD và nhập khẩu từ phía Ai Cập 1,418 triệu USD. Quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ 1997 - 2010. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Ai Cập chính thức đạt con số trên 100 triệu USD, sau đó tiếp tục tăng lên và đạt 178,5 triệu USD vào năm 2008; 183,36 triệu USD vào năm 2009; 197,07 triệu USD vào năm 2010 và đạt 92,266 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2011.
Thực trạng hợp tác thương mại cho thấy Việt Nam liên tục xuất siêu và điều này thể hiện Việt Nam đã bước đầu khai thác được tiềm năng và lợi thế quốc gia trong lĩnh vực thương mại. Sau khi Việt Nam và Ai Cập ký kết Hiệp định thương mại năm 1994, tổng kim ngạch thương mại năm 1995 chỉ đạt 855.000 USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng gấp nhiều lần và đạt 10,637 triệu USD vào năm 1998. Đây cũng là năm mà Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Việt Nam - Ai Cập đi vào hoạt động (sau khi được thành lập vào tháng 9/1997) với việc ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật, Hiệp định hợp tác du lịch (ký tắt), Nghị định thư về hợp tác ngoại giao, Biên bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước. Đây là các văn bản rất quan trọng, góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết để điều chỉnh quan hệ hợp tác.
Trong thập niên 2000, hoạt động thương mại Việt Nam – Ai Cập tiếp tục có nhiều tiến triển. Một điều đáng lưu ý là trong nhiều năm gần đây, các mặt hàng từ Việt Nam được tạm nhập vào khu mậu dịch tự do (FTA) của Ai Cập, sau đó tái xuất sang các nước khác (chủ yếu sang các nước Bắc Phi). Chẳng hạn vào năm 2001, trong tổng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đạt 28,5 triệu USD sang Ai Cập, có tới 21 triệu USD là tạm nhập tái xuất, và chỉ có 7,5 triệu USD là xuất khẩu trực tiếp vào Ai Cập. Đến năm 2003, trong số 22,2 triệu USD xuất khẩu, có khoảng 4 triệu USD hàng tái xuất, chủ yếu là giày dép, cơm dừa, hạt tiêu, cà phê. Trong 11 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 279,48 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) là hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 74,64 triệu USD, tiếp đến là hạt tiêu 35,26 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 33,54 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 20,49 triệu USD
Ai Cập hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt khoảng 310 triệu USD, tăng 21% so với năm 2011. Nhìn chung, các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường Ai Cập đã có kim ngạch xuất khẩu tăng dần đều qua các năm và một số mặt hàng đã chiếm lĩnh được thị trường Ai Cập. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Ai Cập các mặt hàng như hóa chất, sữa và sản phẩm sữa, thảm, sản phẩm đồng, gạch xây dựng, chà là, đường, sắt thép, v.v... Trong vài năm trở lại đây, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ai Cập bắt đầu có sự đa dạng hóa về mặt hàng tuy giá trị vẫn còn rất khiêm tốn.
 * Hợp tác đầu tư
Hoạt động hợp tác đầu tư Việt Nam – Ai Cập đã được khai thông khi hai nước ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1997. Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối năm 2012, chưa có một nhà đầu tư Ai Cập nào có mặt tại Việt Nam, và có khoảng 9 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đầu tư tại Ai Cập với số vốn rất nhỏ. Trong kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ vào năm 2008, 2 bên đã nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa sáng kiến xúc tiến đầu tư giữa hai nước, đặc biệt thông qua việc trao đổi các hội thảo đầu tư để giới thiệu các chính sách và môi trường đầu tư của hai quốc gia, hình thành danh mục dự án đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng của mỗi bên.
Qua các cuộc gặp cấp cao những năm gần đây, phía Ai Cập mong muốn thúc đẩy quan hệ đầu tư với Việt Nam trong 3 lĩnh vực: dầu khí, nuôi trồng thủy sản và viễn thông. Ngày 22/10/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký với Công ty Dầu khí quốc gia Ai Cập (EGPC) Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa 2 công ty. Theo Biên bản này, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở Ai Cập, Việt Nam hoặc nước thứ 3.  Trong lĩnh vực thủy sản, Việt Nam và Ai Cập đã ký Bản ghi nhớ về phát triển nguồn lợi thủy sản giữa Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) với Bộ Nông nghiệp và Khai hoang Ai Cập (năm 2004), Biên bản thảo luận về Hợp tác nghề cá và nuôi trồng thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Khai hoang Ai Cập (năm 2010). Hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang là mục tiêu hướng tới của hai nước. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập vào tháng 8 năm 2010 và hai phía cân nhắc khả năng hợp tác đầu tư về việc xây dựng khu công nghệ cao, các trung tâm công nghệ thông tin, v.v… Ngoài ra, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam cũng đã có khảo sát bước đầu để xem xét khả năng đầu tư vào lĩnh vực thông tin và truyền thông của Ai Cập.
2.3. Hợp tác du lịch
Ai Cập là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới đối với khách du lịch quốc tế và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ được thế giới quan tâm. Năm 2006, Việt Nam và Ai Cập đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch với mong muốn “tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy sự hiểu biết về di sản văn hóa và lịch sử của Việt Nam và Ai Cập trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của du lịch trong việc phát triển quan hệ kinh tế và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước1. Văn bản này là căn cứ pháp lý bước đầu để hai phía khởi động các hoạt động hợp tác du lịch. Một loạt các sự kiện tiếp theo sau đó đã diễn ra phản ánh những bước đi cụ thể của hai bên nhằm vào mục tiêu nói trên. Ví dụ việc tổ chức sự kiện “những ngày văn hóa” của Việt Nam tại Ai Cập (năm 2006) và của Ai Cập tại Việt Nam (năm 2009). Năm 2010 đã diễn ra “Tuần văn hóa Việt Nam tại Ai Cập” là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh về đất nước, con người tại Ai Cập thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và tọa đàm văn hóa. Tháng 9 năm 2011 Bộ Du lịch Ai Cập cùng với các doanh nghiệp lữ hành và hãng Hàng không quốc gia Ai Cập đã gặp gỡ và làm việc với Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam để trao đổi ý kiến về các biện pháp hợp tác phát triển du lịch. Hiện nay, số lượng khách du lịch Việt Nam sang Ai Cập tăng lên đều đặn, đạt khoảng 1.500 khách/ năm. Phía Ai Cập có khoảng 1.000 khách/ năm đến Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng du khách như vậy còn rất khiêm tốn, nhất là khi so sánh với con số 15 triệu khách quốc tế đến Ai Cập chỉ riêng trong năm 20102 thì tỷ trọng khách du lịch Việt Nam là vô cùng nhỏ bé. Mặc dù các hoạt động du lịch vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, song thế mạnh và diễn biến thực tế cho thấy đây là lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiến triển đối với cả hai bên trong tương lai. 
2.4. Hợp tác trên các diễn đàn đa phương
Trong thời gian qua, Việt Nam và Ai Cập đều tham gia tích cực các tổ chức hợp tác đa phương như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều tổ chức đa phương và khu vực khác. Trong các tổ chức đa phương, hai nước đã phối hợp tốt với nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế vì lợi ích của cả hai phía, góp phần vào việc duy trì và xây dựng môi trường hòa bình hợp tác để phát triển. Trong khuôn khổ Phong trào Không liên kết, Việt Nam và Ai Cập đã có sự ủng hộ lẫn nhau trong việc thực hiện các mục tiêu, tuyên bố và sáng kiến của phong trào, hợp tác vì hòa bình và phát triển. Việt Nam chú trọng mở rộng quan hệ kinh tế, triển khai các hình thức giúp đỡ lẫn nhau với các nước Không liên kết, trong đó có Ai Cập, trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm phát triển, trong đó có các biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Trong quan hệ với WTO, Ai Cập đã tích cực ủng hộ việc Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và không yêu cầu đàm phán song phương. Đây là một thuận lợi lớn đối với Việt Nam khi được sự ủng hộ của Ai Cập trong các diễn dàn đa phương phức tạp như WTO.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Ai Cập cũng đã tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác khác thông qua thị trường châu Phi theo hướng hợp tác ba bên Việt Nam – Ai Cập – Châu Phi. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể sử dụng khu mậu dịch tự do của Ai Cập để tái xuất hàng sang thị trường châu Phi. Việc thiết lập hợp tác ba bên giữa Việt Nam – Ai Cập với nước tiếp nhận là các nước Châu Phi, cùng sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế như JICA, Ngân hàng Phát triển Châu Phi đang là một trong những xu hướng hợp tác tiềm năng trong quan hệ song phương Việt Nam – Ai Cập. Hiện nay, Ai Cập đã có kinh nghiệm đi đầu trong lĩnh vực này thông qua Quỹ hợp tác kỹ thuật với châu Phi của Ai Cập và quan hệ hợp tác ba bên giữa Việt Nam – Ai Cập – Châu Phi có tiềm năng phát triển tốt đẹp.
3. Một vài nhìn nhận
Ai Cập là quốc gia có dân số lớn nhất trong thế giới Arab và có vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Quá trình phát triển lâu đời của nền văn minh Ai Cập đã cho thấy những ràng buộc mang tính lịch sử của quốc gia này với khu vực Trung Đông, Bắc Phi, khiến cho Ai Cập trở thành quốc gia có vai trò đi đầu trong nhiều sự kiện quan trọng của khu vực. Từ đánh giá như vậy, phía Việt Nam cần xem xét một số cách thức để tăng cường quan hệ hợp tác với Ai Cập như sau:
- Có kế hoạch hành động và lộ trình rõ ràng để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Ai Cập. Đối với Việt Nam, Ai Cập cần được nhìn nhận như một đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Phi xét từ mọi góc độ: vị trí địa chiến lược, vị thế chính trị và ảnh hưởng trong khu vực, đối tác thương mại và tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ được xây dựng theo lộ trình với các nội dung cụ thể: đầu tư cho hoạt động ngoại giao, tăng cường vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, thúc đẩy đàm phán để ký kết Hiệp định đối tác, xúc tiến thành lập Khu vực thương mại tự do Việt Nam – Ai Cập, v.v…
- Cụ thể hóa các biện pháp chính sách để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Ai Cập gắn với các biến chuyển của tình hình mới. Việt Nam đã có Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – châu Phi giai đoạn 2004 - 2010; Đề án của chính phủ về thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Đông giai đoạn 2008-2015, có chính sách để phát triển thương mại với thị trường châu Phi, coi đây là một trong những thị trường trọng điểm mới. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đánh giá, tổng kết về các chương trình, đề án này và hiệu quả đạt được là chưa rõ ràng. Các cơ quan hữu quan cần triển khai các biện pháp mới để tạo đà khởi động lại các nỗ lực hợp tác đã đề ra từ những năm trước, cụ thể, cần sớm hoàn tất Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi giai đoạn đến năm 2025 và xác định các đối tác ưu tiên trong khuôn khổ chương trình này
 - Chú ý hơn nữa tới vai trò của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Việt Nam – Ai Cập, triển khai họp theo đúng định kỳ và cụ thể hóa các biện pháp, các nội dung hợp tác trong từng lĩnh vực. Trong các phiên thảo luận, trước mắt cần chú ý đàm phán để thực hiện quy chế Tối huệ quốc (MFN) Việt Nam – Ai Cập nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại, sau đó là các lĩnh vực khác như du lịch, hợp tác nông nghiệp, lên kế hoạch mở đường bay trực tiếp Việt Nam – Ai Cập v.v...
 - Tăng cường công tác nghiên cứu và phổ biến thông tin về Ai Cập, phát hành các ấn phẩm về chủ đề liên quan, tổ chức thường xuyên hội thảo các cấp về hợp tác Việt Nam – Ai Cập, tăng cường đối thoại trực tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước để tìm kiếm đối tác, lĩnh vực hợp tác. Cuộc đối thoại trực tuyến tổ chức ngày 21/12/2012 giữa Bộ Công thương, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Bộ Công Thương, Liên đoàn Phòng Thương mại Ai Cập kết nối hai đầu cầu Cairo và Hà Nội là một cách làm tốt, có thể nhân rộng sang các bộ, ngành khác để tăng cường trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác toàn diện. Việt Nam nên sớm đề xuất và ký kết các hiệp định hợp tác quan trọng như: Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam – Ai Cập, đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa, khoa học công nghệ, nông nghiệp, thủy sản, v.v...
- Tìm kiếm các đối tác thứ ba để nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam – Ai Cập. Trên thực tế, Việt Nam đã phát triển quan hệ ba bên với FAO và các nước châu Phi trong hợp tác phát triển nông nghiệp. Tuy các dự án hợp tác chủ yếu mới ở quy mô nhỏ nhưng kết quả bước đầu là tích cực và cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 5 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét