LÀN SÓNG NỔI DẬY TẠI BẮC PHI VÀ TRUNG ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN, TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM
PGS.TS. Đỗ Đức Định
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
1. Lược điểm lại những diễn biến chính của làn sóng nổi dậy tại Bắc Phi - Trung Đông và thực chất của làn sóng nổi dậy tại đó
Bắt đầu từ vụ một thanh niên thất nghiệp tự thiêu, ngọn lửa căm phẫn đã bùng lên thành một cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra tại Tunisia ngày 17 tháng 12 năm 2010 dẫn đến cuộc ra đi tị nạn của Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali tại Arập Xêút ngày 14-1-2011 sau gần 30 năm cầm quyền và gần một tháng chống đỡ không nổi; tiếp đến áp lực của quần chúng nhân dân đã buộc vị của Tổng thống lâu năm của Ai Cập Hosni Mubarak không muốn nhượng quyền cũng phải thoái vị vào ngày 11-2-2011, chuyển quyền quản lý đất nước cho quân đội sau 30 năm tại vị; kế nữa là hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi khác như Algeria, Jordan, Yemen, Quốc đảo Bahraihn, Libya, Moritani, Arập Xêút, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Marocco, thậm chí lan sang cả các nước ngoài thế giới Arập như Anbani, Bangladesh, Bolivia, Cyrus, Gabong và Cộng hoà Hồi giáo Iran... Đến nay các điểm nóng ban đầu là Tunisia và Ai Cập đã dịu bớt, nhưng các điểm nóng mới lại xuất hiện và ngày càng trở nên nóng hơn, đó là Libya và Iran. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã thực sự trở thành một làn sóng nổi dậy của dân chúng, nó không những lan nhanh, lan rộng, mà còn có thể kéo dài, dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng và cơ bản ở các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi vốn tồn đọng nhiều bất trắc tiềm ẩn kéo dài đã từ lâu.
Có người gọi những biến động trên đây là cách mạng hay “cách mạng đường phố” nhưng thực chất đây không phải là cách mạng vì nó không bắt đầu từ sự giác ngộ, từ các đảng phái lãnh đạo, khởi đầu là tự phát, không có tổ chức.
Đối với những người cầm quyền ở các nước nổ ra biểu tình, kể cả một số người đứng đầu các thánh đường Hồi giáo, thì những cuộc biểu tình này là các cuộc bạo loạn, nhưng đối với đa số dân chúng ở các nước sở tại thì đây là những cuộc nổi dậy đòi chấm dứt các chế độ độc tài, xây dựng các xã hội dân chủ, nâng cao đời sống và phúc lợi của nhân dân. Yêu sách cụ thể mà những người biểu tình đòi hỏi là phải có sự thay đổi chính phủ, phải tổ chức bầu cử có sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, thực thi các cuộc cải cách kinh tế - xã hội theo hướng kinh tế thị trường đi đôi với giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, chống tham nhũng... Chính vì đó là những cuộc nổi dậy của dân chúng nên các chính phủ dù không muốn, thậm chí tìm cách đáp lại bằng những biện pháp cứng rắn, kể cả dùng bạo lực đàn áp, cuối cùng cũng phải nhượng quyền, nếu không muốn bị lật đổ.
Xét về thời điểm và diễn biến đột ngột cùng mức độ lan toả nhanh chóng khiến chính phủ nhiều nước không kịp trở tay thì những cuộc xuống đường này là một sự bất ngờ; nhưng xét về những cội nguồn, nguyên căn âm ỉ từ lâu thì đây là những kết quả của những sai lầm có tính hệ thống. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về những cội nguồn, nguyên căn chính của những cuộc biểu tình nổi dậy đó.
2. Nguyên nhân của các cuộc biểu tình nổi dậy
Có hai loại nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông thời gian qua, đó là những nguyên nhân xuất phát từ bên trong và những yếu tố tác động từ bên ngoài, trong đó các nguyên nhân bên trong là cơ bản, đóng vai trò quyết định.
Nguyên nhân thứ nhất và cơ bản nhất là sự bất cập của thể chế, bao gồm cả thể chế chính trị và thể chế kinh tế.
Bây giờ nhìn lại, ai cũng thấy rõ là phần lớn các chế độ chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đều đã được thiết lập từ cách đây trên dưới 30 năm, và từ đó đến nay hầu như không có thay đổi gì đáng kể, thậm chí một số nhà nước do một người, một dòng họ, một nhóm thân hữu, một thế lực, hay một giáo phái trị vì quá lâu. Điển hình là là Nhà nước Ai Cập do Tổng thống Hosni Mubarak, năm nay 82 tuổi, một sỹ quan không quân lên nắm quyền thay thế hai sỹ quan quân đội trước đó là Nasser và Sadat; Nhà nước Tunisia do Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali nắm quyền gần 30 năm; Nhà nước Lybi do Tổng thống Gadhafi lãnh đạo suốt 42 năm liền kể từ năm 1969 đến nay; và Nhà nước Iran do Giáo chủ Khômêni cùng với một chế độ liên kết các giáo lý đạo Hồi cố hữu với chính quyền chuyên chế kéo dài dai dẳng 30 năm, bất chấp những thay đổi diễn ra nhanh chóng trên thế giới trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức được trang bị bởi công nghệ thông tin hiện đại khó kiểm soát.
Nhìn rộng ra, người ta thấy không chỉ ở Bắc Phi và Trung Đông, mà cả ở một số nơi khác cũng diễn ra tình hình tương tự như vậy: Không thay đổi kịp thời thì rơi vào khủng hoảng; thay đổi kịp thời thì vừa tránh được khủng hoảng, vừa đạt được các mục tiêu phát triển mong muốn. Như ở Zimbabwe chẳng hạn, Tổng thống Mugabe nắm quyền binh hơn 30 năm, đến 85 tuổi vẫn còn thách thức đối thủ 45 tuổi và thách thức công luận bức xúc lúc đó rằng “chúa còn cho tôi sống, tôi còn trị vì”! Ý chí quyết tâm cầm quyền đến hơi thở cuối cùng đó của vị Tổng thống già nua Mugabe đã đẩy đất nước Zimbabwe từ một trong những tấm gương sáng ở châu Phi trở thành một nước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng nhất cách đây không lâu (năm 2010) với tỷ lệ lạm phát lên tới hàng triệu phần trăm mỗi năm, chỉ riêng chi phí in đồng tiền có mệnh giá thay đổi thường xuyên đã trở thành một gánh nặng trong các khoản chi công của đất nước, và đến đỉnh điểm đồng tiền mệnh giá 100 tỷ đôla Zimbabwe chỉ mua được 3 quả trứng! Kết cục thảm hại trên đây khác hẳn so với tình hình diễn ra tại những quốc gia đẩy mạnh cải cách, kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của dân chúng như ở Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Một trong những ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy nhất trong thế giới Hồi giáo đã đặt tôn giáo nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, và tôn giáo mà họ lựa chọn là đạo Hồi ôn hoà, chứ không phải đạo Hồi cực đoan. Tại những nước thực thi các cuộc cải cách kịp thời này không những không xảy ra tình trạng nổi dậy đòi lật đổ chính quyền, trái lại nhà nước còn được dân chúng ủng hộ, bảo vệ.
Nói vậy không có nghĩa là tại các nước Bắc Phi và Trung Đông không có thay đổi. Trong thực tế, họ đã tiến hành một số cải cách, nhưng những cải cách đó không căn bản và không đồng bộ, chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của tầng lớp cầm quyền hơn là quyền lợi của dân chúng. Từ thập niên 1990, các nước Bắc Phi và Trung Đông đã triển khai một số cải cách, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, kết quả đã mang lại một số thành công đáng kể như tăng trưởng kinh tế tới 5-6%/năm ở Ai Cập, Libya, Iran. Nhưng đáng tiếc, những thành quả của cải cách kinh tế không được hoặc chỉ được sử dụng rất ít cho mục tiêu giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như nghèo đói, bệnh dịch, giáo dục, y tế... Nói cách khác, rất ít những lợi ích của cải cách kinh tế đến được tay đa số dân chúng, trái lại phần lớn lọt vào tay các quan chức cầm quyền tham nhũng.
Một bất cập nữa là sự thiếu đồng bộ giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Trong số các nước Bắc Phi và Trung Đông mà dân chúng đã nổi dậy đòi lật đổ chính quyền, một số cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do đã được triển khai, nhờ đó một tầng lớp những người giàu có đã hình thành, họ đòi hỏi phải có tiếng nói chính trị tương xứng, nhưng sự đè nén, kìm hãm về chính trị đã không đáp ứng được những nhu cầu của họ, vì thế họ ủng hộ những cuộc đấu tranh đòi thay đổi hệ thống chính trị cho phù hợp với những thay đổi về kinh tế.
Nguyên nhân lớn thứ hai là sự cách biệt giữa tầng lớp quan chức thống trị và người dân bị trị, giữa các thế hệ và các luồng tư tưởng, giữa các ý thức hệ khác nhau
Có người gọi loại nguyên nhân thứ hai này là những nguyên nhân về xã hội và nhân chủng học. Bằng chứng họ đưa ra là một thế hệ của những người dân trẻ ở các nước này có nguy cơ bị bỏ rơi, cho nên họ phải đứng lên đấu tranh đòi quyền phát triển. Như ở Ai Cập chẳng hạn, gần 65% dân số ở độ tuổi dưới 30, trong số đó 25% những người ở độ tuổi 18-29 bị thất nghiệp, chỉ 1% thanh niên tham gia các đảng phái chính trị, 99% thờ ơ với giới lãnh đạo vì lãnh đạo không quan tâm đến họ thì đáp lại họ cũng không quan tâm đến lãnh đạo, họ hầu như không biết về chiến tích của ông Mubarak khi ông nổi lên như một nhà lãnh đạo không quân tài ba trong cuộc chiến chống Israel năm 1973, mà chỉ biết qua các nguồn thông tin đại chúng giờ đây bản thân ông, gia đình ông và dòng họ của ông nắm quyền tối thượng ở đất nước, hầu như không ai ngoài những người thân cận và phe cánh của ông toàn quyền thống trị đất nước, tha hồ vơ vét của cải và trở nên cực kỳ giàu có với số tài sản của gia đình ông trị giá hơn 70 tỷ USD.
Mẫu thuẫn ở Ai Cập dâng lên thành cao trào vì đó là sự xung đột giữa hai luồng tư tưởng, một bên là dân chúng muốn thoát khỏi chế độ độc đoán kìm kẹp họ quá lâu, đòi xây dựng một xã hội dân chủ, bên kia là chế độ chuyên quyền do Tổng thống Mubarak lập nên chỉ quan tâm tới việc xây dựng quyền lực, sản phẩm của cái mà nhiều người gọi là sự “ám ảnh về ổn định và an ninh”, họ tưởng duy trì được ổn định là kiểm soát được đất nước, nhưng họ đã lầm, ổn định mà không quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng, bỏ lỡ nhiều cơ hội thực hiện các cuộc cải cách dân chủ và hiện đại hoá đất nước, thì đó là một sự ổn định trong sóng ngầm. Chính những luồng sóng ngầm đó giờ đây đã góp lại thành những cơn sóng thần nhấn chìm họ.
Còn ở Iran thì giới trẻ và dân thường cho rằng tôn giáo và chính quyền phải làm theo nguyện vọng của dân, không chỉ dựa vào quyền lực mà bất chấp lòng dân.
Tại Libya cũng vậy, chủ thuyết Gadhafi chỉ có ảnh hưởng lớn trong giới cầm quyền, thậm chí còn nhằm xây dựng một xã hội cha truyền con nối, quản lý bằng quân đội, song không được lòng dân.
Trong các trường hợp trên thì Tổng thống Mubarak của Ai Cập và Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia không được quân đội ủng hộ nên đành phải từ chức và nhượng quyền, mặc dù không muốn, còn Tổng thống Gadhafi của Libya và phính phủ Iran được quân đội hỗ trợ nên đã đáp trả lại các lực lượng nổi dậy bằng những biện pháp cứng rắn, kể cả dùng vũ lực gây đổ máu. Như vậy, trong sự cách biệt giữa chính quyền và dân chúng có vai trò rất quan trọng của quân đội: Nếu quân đội ủng hộ dân thì chính quyền phải nhượng bộ, tránh được bạo lực và đổ máu; ngược lại, nếu quân đội ủng hộ chính quyền thì cuộc đấu tranh trở nên gay go, ác liệt, có thể dẫn đến bạo lực, đổ máu, và trong thực tế đã diễn ra bạo lực, đàn áp đẫm máu ở Libya và Iran làm hàng vạn người phải li tán và hàng ngàn người bị tiêu diệt (riêng tại Libya tính đến 25 tháng 2 năm 2011 đã có hơn 1000 người bị giết chết).
Đi liền với sự cách biệt về thế hệ còn là sự cách biệt về tư tưởng. Tại các nước Bắc Phi và Trung Đông người ta thấy rất rõ những xung đột giữa một bên là các tư tưởng thần học của Hồi giáo, nhất là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điển hình là chủ nghĩa dân tộc Nasser (Nasserism) hình thành từ các thập kỷ 1950-1960 gắn kết tôn giáo với chủ nghĩa dân tộc để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp cầm quyền mà cho đến nay hầu như không có thay đổi cho phù hợp với tình hình mới của toàn cầu hoá, tin học hoá và kinh tế tri thức, với bên kia là những trào lưu tư tưởng mới về tự do, dân chủ, nhân quyền ngày càng phát triển rộng rãi và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Tất cả những khác biệt và đối lập này được phản ánh hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiên thông tin đại chúng được công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ, và được giới trẻ tiếp cận nhanh chóng, cập nhật thường xuyên. Hiện nay ở các nước Ảrập có trên 700 kênh vệ tinh, trong đó gần 70% số kênh không do chính phủ các nước Arập quản lý. Đối với các nhà lãnh đạo Arập, đây là một lỗ hổng lớn nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ, đến mức như ở Ai Cập, chính quyền đã coi “lớp trẻ facebook không phải là lớp trẻ người Ai Cập thực sự”!
Thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới từ năm 2008 đến 2010 đã đổ thêm dầu vào lửa, làm cho những bức súc âm ỉ lâu nay có cơ hội bùng phát, biến thành biểu tình, bạo động lan toả khắp nơi
Cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới từ năm 2008 đến 2010 làm cho những vấn đề xã hội như tình trạng nghèo đói, lạm phát, bệnh dịch, phân biệt đối xử, thất học, tham nhũng, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp đã cao càng tăng nhanh, lên đến trên 30% ở Libya và 50% ở Ai Cập. Những vấn đề này ở các nước Trung Đông - Bắc Phi vốn đã rất bức xúc và nhức nhối từ lâu nay trở nên căng thẳng, chuyển hoá từ những vấn đề đời sống dân sinh thông thường thành những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng, từ những cuộc đấu tranh về quyền lợi cụ thể thành một phong trào đấu tranh đòi lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ. Ngược lại, những xung đột này càng làm cho những thành quả kinh tế bị mất dần đi, đời sống người dân càng thêm khốn khó, cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, cái vòng luẩn quẩn càng trở nên luẩn quẩn, muốn cải thiện mà không được, tình hình càng ngày trở nên xấu đi.
Thứ tư, sự tác động của các lực lượng từ bên ngoài và bên trong khu vực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Iran... góp phần khuấy động tình hình, làm cho tình trạng rối ren càng trở nên rối ren, phức tạp hơn.
Tác động từ bên ngoài thường rất phức tạp do mỗi nước, nhất là các siêu cường, đều có những lợi ích riêng, bất chấp lợi ích của nước sở tại. Trước những diễn biến xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông, thái độ và cách ứng xử của các nước trong và ngoài khu vực có những điểm giống nhau, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác nhau. Giống nhau là về cơ bản cho đến nay các nước đều ủng hộ phong trào dân chủ, đòi chính quyền các nước sở tại chuyển giao quyền lực. Khác nhau là mỗi nước có cách ứng xử riêng nhằm đảm bảo lợi ích và khu vực ảnh hưởng riêng của mình. Điều này thể hiện rất rõ khi nhìn vào cách ứng xử của các nước và nhóm nước cụ thể, nhất là những nước và nhóm nước lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc... thậm chí cả nước không lớn như Iran.
EU ngay từ đầu đã ủng hộ các cuộc nổi dậy, đòi chính quyền nước sở tại chuyển giao quyền lực. Điều này là phù hợp với lợi ích của EU vì lâu nay các nước Trung Đông và Bắc Phi ít thực hiện những cải cách về dân chủ và nhân quyền là những thứ EU luôn nêu điều kiện mỗi khi cung cấp viện trợ.
Cách ứng xử của Mỹ lúc đầu không dứt khoát như EU, mà tỏ ra lúng túng, vì Mỹ gặp khó khăn khi phải lựa chọn giữa một bên là đồng minh tin cậy và bên kia là phong trào dân chủ, một mẫu hình phát triển mà Mỹ luôn theo đuổi. Cái khó của Mỹ là nếu chấp thuận yêu sách của dân chúng về dân chủ thì phải loại bỏ đồng minh tin cậy là Tổng thống Mubarak; ngược lại nếu Mỹ quyết tâm bảo vệ Tổng thống Mubarak thì sẽ mất phong trào dân chủ ở Ai Cập, thậm chí mất cả thế giới Arập, đó chính là lý do đằng sau sự lúng túng của Mỹ. Cuối cùng, xét vẻ bề ngoài, Mỹ đã phải công khai lựa chọn giải pháp đánh đổi: Hy sinh Tổng thống - đồng minh Mubarak, ủng hộ phong trào dân chủ đòi chuyển giao quyền lực; nhưng bên trong Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn tới giới quân nhân do lực lượng quân đội hàng năm nhận tới 1,3 tỷ trong tổng số 1,5 tỷ USD viện trợ của Mỹ cho Ai Cập. Đối với Libya thì Mỹ đã chính thức tuyên bố cấm vận và trừng phạt, đồng thời tiếp tục trừng phạt Iran.
Giải pháp của Trung Quốc khác hẳn so với cả Mỹ và EU. Trung Quốc tỏ ra không nghiêng hẳn về bên nào, không hoàn toàn ủng hộ chính quyền đương nhiệm, cũng không ủng hộ mạnh phong trào nổi dây, mà tuyên bố theo đuổi chính sách “cân bằng hoà bình”, thực hiện đối sách ngoại giao mềm dẻo được giới bình luận gọi là “chiến lược cân bằng mềm”, lựa chiều hưởng lợi. Trước đây Trung Quốc đã gây được ảnh hưởng lớn đối với Iran thông qua những biện pháp nhẹ tay với Iran trong vấn đề hạt nhân, không phản đối, cung như không tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc do phương Tây chi phối để trừng phạt nặng Iran, nhờ đó đã dành được phần lớn thị trường thương mại, nguồn dầu lửa và thị trường vũ khí lớn của Iran (Trung Quốc đã bán cho Iran khoảng trên 4 tỷ USD vũ khí). Nay Trung Quốc tiếp tục chính sách ngoại giao mềm dẻo này để dành ảnh hưởng và kiếm lời ở các nước có phong trào dân chúng nổi dậy. Nhờ chính sách cân bằng mềm đó, Trung Quốc tranh thủ được niềm tin của cả hai bên, từ đó dù bên nào thắng thì Trung Quốc vẫn mở rộng được ảnh hưởng, vẫn giành được lợi ích lớn. Đây chính là con đường để Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quan hệ với các nước châu Phi và Trung Đông trong hai thập kỷ qua.
Không chỉ các nước ngoài Bắc Phi và Trung Đông, mà cả các nước trong khu vực cũng có những cách ứng xử riêng đối với các cuộc nổi dậy. Nếu như Israel luôn luôn dựa vào Mỹ, thực hiện những chính sách giống như Mỹ, thì ngược lại Iran là một ví dụ điển hình về cách làm đối nghịc với Mỹ, nhưng đáng tiếc trong vụ việc này đã theo đuổi một cách làm “dùng gậy ông tự đập lưng ông”. Điều này xảy ra khi lúc đầu chính phủ Iran ủng hộ phong trào biểu tình của người dân Iran chống lại chính quyền Ai Cập, nhưng chớ trêu thay ngay sau đó chính những người Iran biểu tình chống chính phủ Ai Cập được chính phủ Iran cổ vũ lại quay sang chống chính phủ Iran, dẫn đến đàn áp, xung đột, đổ máu.
3. Dự báo tình hình Bắc Phi và Trung Đông trong thời gian tới
Từ cuộc nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ diễn ra mấy khả năng sau đây:
Về thời gian, có ba khả năng. 1- Nếu các chính quyền chấp nhận thoái vị và chuyển giao quyền lực thì các cuộc nổi dậy có thể tiếp diễn từ nay đến giữa hoặc cuối năm 2011. Cho đến nay, đây mới là giai đoạn khởi đầu, mang nặng tính tự phát, chưa có thời gian chuẩn bị, kể cả đối với các lực lượng trong nước và các lực lượng bên ngoài, do các lực lượng đó cũng bị bất ngờ nên chưa kịp tính toán các kịch bản riêng của họ. 2- Nếu không có chuyển giao quyền lực mà xảy ra nội chiến thì thời gian xung đột có thể kéo dài vài năm. 3- Khi các nước chấp nhận chuyển giao quyền lực, nhưng để có đủ thời gian cho việc hình thành những thể chế mới đòi hỏi phải mất vài năm.
Về không gian, cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục lan rộng ở các vùng trong nước của những quốc gia không chịu đáp ứng nguyện vọng dân chúng, và có thể lan sang một số nước khác có tình hình tương tự như các nước Trung Đông - Bắc Phi ít có thay đổi phù hợp với trào lưu dân chủ, toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Sự lan rộng này có khả năng tràn sang cả một số nước khác ngoài khu vực Trung Đông - Bắc Phi có nhiều yếu tố tiểm ẩn tương tự như ở các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Về giải pháp, có thể sẽ diễn ra 3 loại kịch bản. Một là tại một số nước sẽ diễn ra tiến trình dân chủ, kể cả dân chủ trong khuôn khổ của chủ nghĩa dân tộc và giáo lý đạo Hồi, nhưng là chủ nghĩa dân tộc đã có cải cách, mở cửa hội nhập quốc tế, và Hồi giáo ôn hoà. Thứ hai, có thể sẽ tiếp tục diễn ra một số cuộc bạo lực đẫm máu ở một số nước thiếu dân chủ, độc tài và Hồi giáo cực đoan. Thứ ba, có thể sẽ diễn ra thêm một số cuộc nổi dậy ở một số nước khác trong và ngoài khu vực Trung Đông - Bắc Phi, nhất là ở những nước lâu nay ít có thay đổi, cải cách, đời sống dân chúng bị o ép, cơ cực.
4. Đánh giá ảnh hưởng của tình hình nổi dậy tại Bắc Phi - Trung Đông tới Việt Nam và đối sách của Việt Nam
Ảnh hưởng của tình hình nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông đối với Việt Nam có thể diễn ra dưới hai loại ngắn hạn và dài hạn, vì thế trong cách ứng xử chúng ta cũng cần có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
- Xét ngắn hạn, sẽ có tác động trực tiếp tới những hoạt động hợp tác của nước ta với các nước trong khu vực này, trước hết là những tác động tới hoạt động xuất khẩu lao động, đầu tư của Việt Nam vào nước họ và đầu tư của họ vào nước ta, hợp tác khai thác, mua bán dầu khí, quan hệ thương mại... Ngoài những tác động trực tiếp đó, còn có những tác động gián tiếp thông qua việc tăng giá dầu lửa thế giới, giảm nguồn tiền thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa, tăng nguồn tiền nhập khẩu các sản phẩm từ dầu lửa, làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng...
Về thị trường của các nước đang rơi vào khủng hoảng, do biến động xã hội, kinh tế sa sút, chắc chắn quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng giảm. Chẳng hạn như Ai Cập, trong năm nay mức tăng trưởng GDP dự báo có thể giảm từ 5,3% xuống 3,7%, các nguồn thu chính từ du lịch (13 tỷ USD), thị trường chứng khoán (12 tỷ USD), cước phí cho thuê vận tải qua kênh đào Suez (4,7 tỷ USD), tất cả đều sẽ giảm, sự giảm sút đó chắc chắn có tác động bất lợi đến quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam. Các thị trường lao động của Việt Nam ở Libya, Qatar và các nơi khác trong khu vực cũng sẽ giảm mạnh, thậm chí bị dừng hẳn trong một thời gian không ngắn.
Về dầu lửa, trong các nước xảy ra xung đột, Libya tuy không nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng cũng xếp thứ 12 và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi với lượng dầu xuất khẩu 1,6 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 2% tổng lượng dầu xuất khẩu trên thế giới. Thêm vào đó lượng dầu sản xuất tại Ai Cập chiếm khoảng 0,8% sản lượng dầu thế giới với 740.000 thùng/ngày năm 2010. Tổng lượng dầu xuất khẩu của cả hai nước Ai Cập và Libya chiếm gần 3% tổng lượng dầu xuất khẩu của thế giới. Nếu sản xuất và xuất khẩu dầu của hai nước này đình trệ, cùng với kênh đào Suez không lưu thông được làm cho việc vận chuyển dầu phải đi vòng xa kéo theo giá cước vận chuyển tăng lên, cộng thêm tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường dầu thế giới sẽ không nhỏ, chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá dầu giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu và tăng chi ngoại tệ cho nhập khẩu dầu và sản phẩm từ dầu. Không những thế, nếu xung đột lan sang các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn khác ở Trung Đông như Arập Xêút thì tác động tiêu cực sẽ còn lớn hơn nhiều.
Xét dài hạn, cần chú ý tới những ảnh hưởng do thay đổi chính quyền, hoạt động tôn giáo, đấu tranh sắc tộc, tình trạng di dân... Trước những yếu sách thiết thân và chính đáng của các lực lượng dân chúng nổi dậy đòi dân chủ, nhân quyền, cải thiện đời sống, chính quyền các nước sở tại không thể làm ngơ, dù muốn hay không họ cũng phải quan tâm hơn tới việc đáp ứng nguyện vọng của dân chúng, vì thế xu hướng dân chủ, cải cách ở châu Phi và Trung Đông chắn chắn sẽ được tăng cường, mức độ độc đoán, chuyên quyền, quân phiệt sẽ giảm bớt. Các hoạt động tôn giáo có thể cũng sẽ có sự điều chỉnh, hai xu hướng đối lập giữa ôn hoà và cực đoan trong đạo Hồi có thể sẽ đều hoạt động mạnh hơn, số người theo xu hướng ôn hoà sẽ tăng lên, nhưng những người theo xu hướng cực đoan tuy không tăng nhiều về số lượng, nhưng hoạt động có thể sẽ cực đoan hơn. Trong thực tế, có nhiều nước đạo Hồi theo xu hướng ôn hoà, nhưng cũng có những nước, như Iran chẳng hạn, suốt hơn 3 thập kỷ qua kể từ cuộc cách mạng năm 1979 đã theo đuổi đường lối của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Cuối năm 2010 trong một cuộc Hội thảo về hợp tác vùng vịnh Persian tổ chức tại Iran, một giáo sư người Indonesia đã đề xuất thành lập môt liên minh các quốc gia Hồi giáo. Theo ông, đạo Hồi là một tôn giáo lớn, chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới và có một khối lượng tiền của lớn thu hút được nhờ bán dầu lửa và các nguồn thu khác, nếu thành lập liên minh, đây sẽ là một lực lượng lớn trên thế giới. Liên minh này đến nay chưa được thành lập, nhưng đề xuất đó là một lời kêu gọi rất đáng chú ý. Bên cạnh các quốc gia theo đạo Hồi ở Trung Đông và Bắc Phi, tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á, số lượng các tín đồ theo đạo Hồi hiện nay cũng rất đông, nhất là ở những quốc gia đông dân lấy đạo Hồi làm quốc giáo như Indonesia, Malaysia, Pakistan và Afganistan, đây là những nước có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam. Nếu nhóm đạo Hồi cực đoan hoạt động mạnh lên thì mặc dù số lượng của họ không đông, nhưng những hoạt động khủng bố và chống khủng bố sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Trước những tác động ngắn hạn và dài hạn trên đây chúng ta cần có những giải pháp vừa cấp thiết, trước mắt, vừa lâu dài.
Về giải pháp cấp thiết trước mắt, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa người lao động Việt Nam về nước an toàn, việc này chúng ta đã và đang làm rất tích cực và đã hoàn thành tốt trong những ngày qua. Ngoài ra, chúng ta cũng cần rà soạt lại và có phương án để khắc phục những tác động tiêu cực đối với các hoạt động đầu tư, khai thác, mua bán dầu khí, trao đổi thương mại và các quan hệ hợp tác khác với các nước châu Phi - Trung Đông.
Về lâu dài, chúng ta cần xem xét lại quan hệ với các nước đối tác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói riêng, trên toàn bộ lục địa châu Phi và Trung Đông nói chung, trong đó cần ưu tiên trước hết phát triển quan hệ với những nước đã có những thay đổi thể chế theo hướng cải cách dân chủ, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập quốc tế và khu vực, giảm bớt các chính sách và tư tưởng cực đoan, cố hữu. Trong số các nước đã có những thay đổi theo xu hướng tiến bộ và tích cực đó có thể kể tới Nam Phi, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ... Thực tiễn thời kỳ vừa qua cho thấy hợp tác với những nước này có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội và mang lại hiệu quả cao hơn. Đối với những nước khác, vẫn có thể phát triển quan hệ hợp tác, nhưng rủi ro nhiều hơn, do đó cần thận trọng hơn.
Trong các quan hệ quốc tế, bên cạnh những nguyên tắc độc lập, tự chủ, có lẽ tuân thủ nghị quyết của các cơ quan quốc tế phổ biến như Liên hợp quốc là hợp lý nhất đối với nước ta, tránh nghiêng theo một cường quốc hay nhóm nước riêng lẻ nào, vì mỗi nhóm hoặc cường quốc đó đều có những mục đích và lợi ích riêng của họ, nếu ta nghiêng theo họ, rất có thể ta sẽ mắc sai lầm, dễ bị bài bác, cô lập bởi đa số các nước khác trong cộng đồng quốc tế.
Trong tiến trình hợp tác, bên cạnh việc giành các điều kiện ưu tiên về thuế, tín dụng, cần lập một quỹ chung hoặc các quỹ riêng hoạt động trong các lĩnh vực như hỗ trợ hợp tác, xúc tiến thương mại và dự phòng rủi ro cho các công ty, cơ quan và các cá nhân người Việt Nam tham gia phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và Trung Đông.
Điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là làn sóng nổi dậy cùng những hiệu ứng lan toả dây truyền của nó đang diễn ra hiện nay ở các nước Trung Đông và Bắc Phi, giống như những gì đã xảy ra trước đây khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ vào thập niên 1990, một lần nữa cảnh báo và khẳng định một sự thật là những nước cố hữu không chịu thay đổi, ít thay đổi, hoặc chỉ thay đổi một cách hình thức, giả hiệu, nửa vời, chắc chắn sẽ phải trả giá cho những sự cố hữu đó.
Riêng đối với Việt Nam, chúng ta cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời đưa vào thực thi những chính sách đổi mới phù hợp, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tế mới đang diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hoá, kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ thông tin. Hơn 20 năm qua Việt Nam đã triển khai thực hiện một số chính sách đổi mới mang lại một số thành quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng những đổi mới đó chưa đủ. Khi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những thập niên 1970-1980 đã lùi về phía sau, những khó khăn nặng nề kinh tế đã giảm bớt, Việt Nam đã rút được tên ra khỏi danh sách những nước thu nhập thấp, đặt chân lên được nấc thang đầu tiên của nước thu nhập trung bình, đời sống vật chất được cải thiện phần nào, thì người ta sẽ có những đòi hỏi cao hơn về tinh thần. Trong bối cảnh mới đó, ổn định là chưa đủ nếu trong sự ổn định còn hàm chứa nhiều sự trì trệ cố hữu. Ổn định đi đôi với năng động sẽ tốt hơn rất nhiều so với ổn định mà trì trệ.
Tài liệu tham khảo
1. Các trang web trên mạng bằng tiếng Anh và tiếng Việt liên quan đến châu Phi và Trung Đông từ tháng 12 năm 2010 đến nay.
2. Các bản tin TTXVN từ tháng 12 năm 2010 đến nay.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Số tháng 3. 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét