Tổ chức anh em Hồi giáo Ai Cập và cuộc chiến Hồi giáo – Thế tục vì quyền lựcPGS.TS Nguyễn Thanh Hiền
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
1. Một số nét khái quát về Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập
Tổ chức Anh em Hồi giáo là một lực lượng chính trị lâu đời tại Ai Cập do Hassan al-Banna sáng lập. Tổ chức này được thành lập từ năm 1928, nhưng đến năm 1940 bị giải thể. Vì vậy, nó bị coi là tổ chức bất hợp pháp, đặc biệt bị truy đuổi rất gắt gao dưới thời Tổng thống Nasser trong những năm 1950- 1960. Phương châm của tổ chức được cho là phải làm hồi sinh đạo Hồi, đưa ngọn cờ của nó đến toàn thể nhân loại; các tín đồ có sứ mệnh giáo dục thế giới theo nguyên lý của Hồi giáo, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sứ mệnh đó. Vì phương châm mang nặng màu sắc chính trị - tôn giáo như vậy nên tổ chức này bị các chính quyền thế tục ở Ai Cập coi là đối thủ cần phải loại bỏ. Sau thời Tổng thống Nasser, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã bí mật được khôi phục lại vào những năm 1970 dưới thời Tổng thống Anouar el-Sadate. Sang thời Tổng thống Mubarak, tổ chức này vẫn bị cấm ra ứng cử với tư cách là một tổ chức, tuy nhiên những thành viên của nó có thể ra ứng cử với tư cách độc lập nhưng số lượng ứng cử viên luôn bị giới hạn. Để ngăn chặn ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong lĩnh vực chính trị, chính quyền thời Mubarak cho phép nó được hoạt động chỉ trong lĩnh vực xã hội với các hướng chính là làm từ thiện, quyên góp giúp đỡ trẻ em và người nghèo khó trong y tế, giáo dục và trong sinh hoạt hàng ngày.
Chính các hoạt động trong lĩnh vực xã hội của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã làm cho nó là tổ chức chính trị duy nhất cắm rễ sâu trong nhân dân, có uy tín nhất đối với các tầng lớp nghèo trong xã hội. Một đặc điểm của tổ chức này là đa phần thành viên của nó lại xuất thân từ các tầng lớp trung lưu, nhiều người trong số họ thuộc giới trí thức, được học tập, đào tạo và có địa vị nhất định trong xã hội.
Có những nhận xét cho rằng Tổ chức Anh em Hồi giáo là chuẩn mực tư tưởng đối với nhiều nhóm Hồi giáo chính trị, kể cả Al-Qaeda. Tại Ai Cập, Tổ chức đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập. Xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc, chính những người trí thức nhận được nền giáo dục phương Tây lại có tư tưởng chống lại mạnh nhất ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Vì có sức mạnh lan toả nên ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát triển trong khắp khu vực, nhất là ở Bắc Phi (Ai Cập, Sudan, Algeria, Libya, cả ở Tunisia và Morocco với mức độ thấp hơn).
Nhìn lại lịch sử cận hiện đại Ai Cập có thể thấy cuộc đấu tranh giữa phe thế tục và phe Hồi giáo kéo dài âm ỉ và liên tục. Khi lực lượng quân đội Ai Cập - đại diện cho tư tưởng thế tục, giành quyền kiểm soát nhà nước quân chủ Ai Cập từ tay vua Farouk năm 1952 cũng là lúc đẩy mâu thuẫn thế tục- Hồi giáo lên cao bởi mong muốn giành quyền lực của lực lượng Hồi giáo lúc đó đã bị thất bại. Tướng Nasser trở thành tổng thống được lòng dân của Ai Cập nhưng lại trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Hồi giáo và của cả phương Tây bởi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông. Tư tưởng Nasser là các dân tộc Arab phải đoàn kết với nhau trên cơ sở cùng dân tộc để chống lại kẻ thù của mình là nhà nước Israel theo thể chế phương Tây đang ngự trị ngay trong lòng thế giới Hồi giáo. Song tư tưởng này của Nasser lại mâu thuẫn với tư tưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo là dựa trên nền tảng tôn giáo là đạo Hồi để thống nhất lực lượng nhằm chống lại tư tưởng thế tục nói chung. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến đấu rất quyết liệt của Tổ chức Anh em Hồi giáo chống lại chính quyền Nasser cũng như chính quyền Mubarak sau này.
Tuy nhiên, chính quyền Mubarak đã có những biện pháp khôn khéo đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo khi cho hoạt động giới hạn trong không gian xã hội và văn hoá, cho họ một số hợp đồng kinh tế có lợi, đồng thời mọi hành động “chệch hướng” của tổ chức này đều bị chấn chỉnh ngay lập tức.
Nhằm tìm hướng thoát khỏi kìm kẹp, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tham gia hoạt động chính trị với tư cách là lực lượng đối lập trong quốc hội. Nhằm tìm được tiếng nói hoà đồng hơn trong thời đại hiện đại, nhiều thành viên của Tổ chức đã chuyển sang sử dụng Âu phục, đồng thời họ tăng cường công tác tuyển mộ trong giới trí thức, những người tốt nghiệp các trường đại học danh giá.
Bị thăng trầm song cuộc chiến Thế tục - Hồi giáo ở Ai Cập chưa bao giờ kết thúc. Kể từ khi nhà nước Cộng hoà Ai Cập ra đời cho đến nay cuộc chiến này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho phe thế tục: Tổng thống Sadat bị một tín đồ Hồi giáo ám sát và Tổng thống Mubarak bị lật đổ bởi Phong trào Mùa xuân Arab, trong đó có không ít những người thuộc phe Hồi giáo chính trị.
Có thể nói rằng Mùa xuân Arab diễn ra trên đất nước Ai Cập đã mang lại cơ hội mới cho Tổ chức Anh em Hồi giáo. Trước tiên là việc các thủ lĩnh của tổ chức này bị giam cầm bấy lâu trong nhà tù đã được phóng thích sau khi Mubarak bị lật đổ. Trong số này có những tên tuổi như Khairat al-Shater hay About al-Zoummor và Tareq, là những lãnh đạo của Tổ chức và đã tham gia ám sát Tổng thống Sadate. Thứ hai là tạo cơ hội cho tổ chức này tham gia vào sân chơi chính trị.
Cũng như ở các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi khác, Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập không phải là người khơi mào cho phong trào nổi dậy, không trực tiếp tham gia từ đầu phong trào này. Họ là những người quan sát và chớp lấy thời cơ để thực hiện giấc mơ quyền lực chính trị từ bấy lâu nay.
Họ có những lợi thế không thể không nhắc đến. Thứ nhất, trong số những người xuống đường biểu tình có rất nhiều người là tín đồ Hồi giáo, rất nhiều thanh niên thất nghiệp và người nghèo. Đây sẽ là các cử tri ủng hộ cho họ. Thứ hai, tổ chức này tỏ ra là một chính đảng có tổ chức và tham vọng chính trị rõ nét nhất trong bối cảnh biến động của phong trào Mùa xuân Arab. Họ có mạng lưới chân rết lâu đời và rộng khắp các địa phương trong cả nước. Thứ ba, họ lợi dụng đựơc mục tiêu lật đổ chế độ của những người biểu tình không phù hợp với mục tiêu thay đổi chế độ của Mỹ. Có những ý kiến cho rằng việc họ lên nắm quyền lực có thể coi như là một sự thay đổi chế độ ở Ai Cập và điều này trùng hợp với ý đồ của Mỹ và phương Tây.
Tại Ai Cập, Hồi giáo chính trị đã có một bước tiến ngoạn mục khi giành được quyền lực nhà nước. Ai Cập cũng là nước Trung Đông duy nhất tuyên bố cuộc nổi dậy và lật đổ Tổng thống Mubarak là một cuộc cách mạng. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành thắng lợi lớn tại cuộc bầu cử quốc hội năm 2011- 2012 tại Ai Cập. Đảng Tự do và Công lý được thành lập và dẫn dắt bới Tổ chức Anh em Hồi giáo đã đạt 47% phiếu bầu khi chiếm 235/489 ghế. Bên cạnh đó Đảng Salafis Al-Nour cũng giành khoảng 28% phiếu và 123 ghế. Nhìn chung, phe Hồi giáo chính trị đã bước lên vũ đài chính trị Ai Cập một cách ngoạn mục và cho dù thế nào thì sự kiện này đã để lại một dấu ấn lịch sử đặc biệt.
2. Cuộc chiến Hồi giáo - Thế tục quyết liệt tại Ai Cập
Bối cảnh lịch sử Ai Cập thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử trong năm 2012 hết sức phức tạp. Sau khi Mubarak bị lật đổ, dường như chế độ cũ vẫn còn tồn tại do cơ quan quân sự chính của đất nước là Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) tiếp tục tồn tại và tiếp tục duy trì quyền lực nhà nước cho đến ngày bầu cử quốc hội và tổng thống mới. Trên thực tế, quân đội trở thành một lực lượng chính trị quan trọng sau khi Mubarak bị phế truất; họ tổ chức và giám sát tiến trình chuyển tiếp, bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên chính phủ để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2012, đồng thời tiếp tục bảo đảm an ninh trong nước.
Tuy nhiên, trong một bối cảnh chung của cả khu vực Trung Đông là Hồi giáo chính trị đang nổi lên sau cuộc cách mạng, lực lượng quân đội Ai Cập vẫn luôn mong muốn có một hiến pháp đảm bảo cho họ quyền bảo vệ tính thế tục của Ai Cập. Ở đất nước này, thế tục là một lập trường chính trị được nhiều người Ai Cập ủng hộ. Quân đội Ai Cập luôn khẳng định rằng không muốn Ai Cập trở thành một nước thần quyền. Tổng thống Morsi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập, nhưng trong bối cảnh lực lượng quân đội mạnh như vậy thì chẳng có gì đảm bảo rằng ông này có thể thực sự nắm quyền. Tiếp quản một đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, ông Morsi muốn điều hành được đất nước để thoát khỏi tình trạng này thì phải thương lượng với các lực lượng chính trị, đặc biệt là với quân đội. Người ta cho rằng nội dung của những thoả thuận và thương lượng chí ít là quân đội phải nhận đựơc sự bảo đảm rằng lực lượng Anh em Hồi giáo không can thiệp vào các khoản đầu tư, các hợp đồng kinh tế và ngân sách của quân đội; thêm vào nữa quân đội vẫn được quyền thực hiện chức năng trấn áp và bảo vệ an ninh cho quốc gia. Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) sau khi cai trị đất nước Ai Cập gần 1 năm rưỡi (từ khi Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011 đến khi bầu cử tháng 6 năm 2012) đã trao lại quyền hành cho Tổng thống đắc cử Morsi.
Về phía mình, Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tìm cách phát triển lực lượng của mình và từng bước củng cố quyền lực chính trị. Khó khăn đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo là không gian chính trị ở Ai Cập là không gian mang tính chất đa nguyên. Thời kỳ chuyển tiếp ghi nhận sự tồn tại của nhiều lực lượng chính trị và nhiều trào lưu chính trị khác nhau: thế tục, tự do, Hồi giáo bảo thủ, Hồi giáo ôn hoà, quân đội, người muốn bảo vệ chế độ cũ… Có 4 khối chính trị đang cố gắng vượt lên trên chính trường: Lực lượng Hồi giáo chính trị, lực lượng thế tục, thanh niên cách mạng, tàn dư của chế độ cũ. Họ xác định mục tiêu cho mình và để đạt được các mục tiêu đó họ tìm cách thoả hiệp và liên minh tạm thời với các nhóm còn lại. Nếu Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo không thương lượng, thoả hiệp và tôn trọng sự đa nguyên này thì rất khó duy trì quyền lực lâu dài. Hơn nữa, cuộc đấu tranh giữa quân đội/thế tục với Anh em Hồi giáo/ Hồi giáo chính trị là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và dai dẳng. Lực lượng quân đội có nhiều lợi ích, nhiều đặc quyền về tài chính, kinh tế và quân sự trong chế độ cũ; chế độ đó bảo vệ các lợi ích và ảnh hưởng đó của họ. Còn đối với Tổng thống Morsi và Đảng Hồi giáo của ông này về lâu dài cũng không thể cam chịu mãi thực trạng này nên khi ý thức đựơc mong muốn và các toan tính của giới quân đội, phe Hồi giáo sẽ phải có những nước cờ riêng cho mình.
Cuộc đấu Thế tục- Hồi giáo đã làm cho tất cả rơi vào cuộc khủng hoảng tại quốc hội. Tháng 3 năm 2012 quốc hội do phe Hồi giáo chiếm đa số quyết định thành lập Hội đồng Lập hiến với nhiệm vụ dự thảo hiến pháp mới. Nhưng sau đó, Toà án Hiến pháp tối cao đã ban hành sắc lệnh giải tán Hội đồng Lập hiến. Tháng 5/ 2012 các đảng phái đồng ý xây dựng tiêu chuẩn để thành lập Hội đống Lập hiến lần thứ hai. Phe thế tục kiên quyết bảo vệ quan điểm xây dựng tỷ lệ tương xứng 1 thế tục - 1 Hồi giáo trong Hội đồng Lập hiến lần này. Sau đó, cả hai viện quốc hội đã chỉ định 100 thành viên vào Hội đồng Lập hiến mới và Hội đồng này có chức năng soạn dự thảo hiến pháp mới trong vòng 6 tháng. Phe quân đội thế tục tiếp tục tấn công phe Hồi giáo của Tổng thống Morsi bằng cách: vào đầu tháng 6 năm 2012 SCAF đã ra lệnh giải tán Hạ viện và tuyên bố cuộc bầu cử có các ứng viên độc lập là bất hợp pháp; sau đó họ ban hành Sắc lệnh Hiến pháp, nắm quyền lập pháp và trao quyền tự chủ cho chính mình.
Để thể hiện quyền lực tổng thống của mình, chỉ khoảng 2 tháng sau đó, tức là vào tháng 8/2012 Tổng thống Morsi và chính quyền của ông đã tước bỏ quyền lực của quân đội khi cho nghỉ hưu hầu hết các sỹ quan cao cấp trong SCAF, sa thải một số sỹ quan an ninh cao cấp nhân sự kiện một số nhóm chiến binh Ai Cập bị giết hại tại biên giới với dải Gaza. Đi xa hơn nữa, phe Hồi giáo của tổng thống đã đối mặt với cuộc khủng hoảng Hiến pháp và bản thân ông Morsi đã giải quyết được khó khăn này. Khi phe thế tục gây áp lực đòi tăng hơn nữa đại diện của mình trong Hội đồng Lập hiến không được, họ đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi Hội đồng kề cận ngay trước thời điểm Hiến pháp mới phải hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2012. Tổng thống Morsi vào ngày 22/11/2012 đã lập tức ban hành Tuyên bố hiến pháp với một số điểm cơ bản: Thứ nhất, hạn chế việc bổ nhiệm Trưởng Công tố trong nhiệm kỳ 4 năm bằng việc áp dụng Luật Hồi tố, đồng thời cho phép Tổng thống thay thế Trưởng công tố viên khác là người không ủng hộ Mubarak. Thứ hai, huỷ bỏ các phán quyết tuyên bố trắng án đối với các quan chức thời Mubarak, đồng thời sẽ thiết lập phiên toà mới để xét xử. Thứ ba, tuyên bố Hiến pháp kéo dài thời hạn làm việc của Hội đồng Lập hiến thêm 2 tháng buộc lực lượng thế tục phải quay trở lại bàn đàm phán; ban hành lệnh cấm xem xét các quyết định của Toà án Tối cao về tính hợp hiến của các thành viên trong Hội đồng lập hiến. Thứ tư, cấm xem xét, cấm bãi bỏ và cấm sửa đổi mọi phán quyết về Tuyên bố Hiến pháp và các quyết định của Tổng thống cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua và quốc hội mới được bầu; Tổng thống được quyền tự hành động khi thấy đất nước bị đe doạ.
Nước cờ đã tung ra rồi thì không thể làm lại. Sự lạm quyền quá mức của Tổng thống Morsi đã đẩy ông này vào thế bất lợi khi phe thế tục nhân cơ hội này đã đoàn kết tất cả các phe phái còn lại để chống lại lực lượng Hồi giáo. Từ thế tấn công, Tổng thống Morsi và phe Hồi giáo trở thành những người bị động, trở thành mục tiêu phê phán và trở thành động lực gây nên một cuộc nổi dậy mới. Hàng nghìn người Ai Cập lại đổ xuống đường đòi lật đổ Tổng thống Morsi và phế truất chế độ của Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Trước áp lực của những người biểu tình, cuối cùng ông Morsi đã buộc phải huỷ bỏ Tuyên bố Hiến pháp, song chính quyền của ông này cũng kịp thời thông qua dự thảo hiến pháp tại quốc hội sau khi Hội đồng Lập hiến thông qua nó vào hạn chót là đêm 29 rạng sáng ngày 30/11/2012. Mặc dù Hiến pháp đã được thông qua với 66% phiếu, song trên thực tế số lượng cử tri đi bỏ phiếu chỉ có chưa đến 33% dân số. Điều này cho thấy số người tán thành hiến pháp mới chỉ là thiểu số nhỏ trong toàn bộ cư dân của Ai Cập. Một lần nữa, tính đa nguyên về chính trị tại Ai Cập đã được thể hiện rõ nét qua sự kiện bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới nói trên.
Nội dung của Hiến pháp mới lại làm dấy lên sự tranh luận. Phe Hồi giáo cho rằng Hiến pháp mới là hiến pháp của một nhà nước Ai Cập hiện đại, dân chủ, mở rộng các quyền tự do cá nhân, bảo vệ phụ nữ và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phe thế tục, tự do lại phản đối những vấn đề liên quan đến Luật Hồi giáo mà trong Hiến pháp mới đã đề cập đến, cụ thể là ở Điều 2 và Điều 219, bởi vì Hiến pháp dựa trên cơ sở cho rằng nguyên tắc Luật Hồi giáo phải là nguồn gốc của các luật khác thì đối với họ là không thể chấp nhận. Hơn nữa, sự lo ngại là ở chỗ ngôn ngữ trong Hiến pháp có thể bị lợi dụng sau đó để một nhóm có thể dùng quyền lực của mình áp đặt mọi thứ theo tính toán riêng của họ.
Thực tế cho thấy Tổ chức Anh em Hồi giáo đã không có kinh nghiệm và nghệ thuật để giữ được quyền lực sau khi đã giành được nó. Các sự kiện xảy ra đã dẫn dắt họ đến với thất bại. Chính trường Ai Cập ngày càng trở nên rối ren, cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng Thế tục/Quân đội với Hồi giáo chính trị/Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày càng quyết liệt. Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ theo hai hướng đối lập nhau: một bên biểu tình dưới sự điều hành của Mặt trận Cứu quốc thuộc phe thế tục để phản đối hiến pháp, phản đối chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống Morsi; bên kia Đảng Salafist Nour thúc dục các tín đồ của mình xuống đường biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ đối với hiến pháp mới và chính quyền của lực lượng Hồi giáo. Kết quả cuối cùng là ngày 3 tháng 7 năm 2013 Tổng thống Morsi đã bị bắt giam, kết thúc giai đoạn cầm quyền của những người Hồi giáo chính trị. Vụ đàn áp đẫm máu những người biểu tình ngày 14/8/2013 của quân đội đã đặt ra những câu hỏi như: vai trò của lực lượng quân đội trong tương lai sẽ thế nào? Việc ông Morsi bị loại khỏi quyền lực có phải là đảo chính hay không?... Lên nắm quyền trở lại từ ngày 3 tháng 7 năm 2013 giới lãnh đạo quân đội Ai Cập đã buộc phải sử dụng các biện pháp cứng rắn chống lại những người theo phe Hồi giáo chính trị. Tình hình này khiến sự chia rẽ đất nước thành hai hướng chính trị càng thêm sâu sắc. Phép thử về sự cầm quyền của Tổ chức Hồi giáo chính trị tại Ai Cập đã bị thất bại, từ đó cho thấy xu hướng Hồi giáo hoá lúc này chưa thể thắng thế tại Ai Cập nói riêng và tại khu vực Trung Đông nói chung.
3. Nhận xét và kết luận
3.1. Nhận xét:
- Về cuộc cách mạng Ai Cập:
Xét ở khía cạnh kết quả của cuộc nổi dậy khi không chỉ tổng thống bị lật đổ mà nhân dân còn bầu cử thành lập ra một chính quyền và tổng thống mới theo một chế độ chính trị mới thì cũng có thể cho cuộc nổi dậy ở Ai Cập là một cuộc cách mạng. Bản thân Ai Cập cũng gọi đó cách mạng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào tìm hiểu, phân tích thì thấy rằng chưa có cơ sở để kết luận rằng chế độ chính trị mới sau bầu cử ở Ai Cập là tiến bộ hơn chế độ cũ, đặc biệt nếu nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội thì cũng chưa thiết lập được phương thức và quan hệ kinh tế mới tiến bộ hơn. Hơn nữa, kinh tế còn bị trì trệ và sụt giảm đi, mức sống của người dân còn thấp hơn trước khi nổi dậy. Anh em Hồi giáo là tổ chức chính trị lớn nhất lúc đó có cố gắng để nắm lấy tất cả các quân bài chính trị nhưng không hiểu rõ động lực của cuộc cách mạng. Thực sự mà nói, cuộc cách mạng Ai Cập ngay từ đầu đã không có một ban lãnh đạo chủ trương làm cách mạng và đưa ra chủ thuyết tư tưởng chính trị để dẫn dắt cuộc cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Đây là một số trong những lý do quan trọng dẫn đến việc Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập đã bị mất quyền lực mới chỉ sau khoảng hơn 1 năm ngắn ngủi cầm quyền.
- Về nguyên nhân thành công của phe Hồi giáo chính trị
Nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công của phe Hồi giáo chính là do sự không thể thống nhất của phe đối lập. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập cử tri Ai Cập đã bị chia rẽ thành 3 khối khác nhau. Một khối muốn Tổ chức Anh em Hồi giáo thiết lập sự thống trị tôn giáo, do vậy họ đã bầu cho ông Morsi. Khối thứ hai muốn duy trì trật tự cũ cho Ai Cập nên đã ủng hộ ông Ahmed Shafiq- cựu lãnh đạo của SCAF. Khối thứ ba không ủng hộ cả hai đường lối trên. Như vậy, trào lưu ủng hộ cho Hồi giáo chính trị không thể vượt quá bán số cử tri Ai Cập nhưng họ đã chiến thắng vì họ tận dụng được sự chia rẽ, không thống nhất trong các lực lượng đối lập. Phe Hồi giáo chính trị vào những thời điểm cần thiết đã biết thống nhất lực lượng của mình mặc dù bản thân phe này cũng có sự khác biệt lớn giữa các nhóm. Cụ thể, nhóm Salafist là những người theo trào lưu Hồi giáo chính thống, lý tưởng hoá thế giới thế kỷ VII của Nhà Thiên tri và hoàn toàn không ủng hộ dân chủ. Lúc đầu chính họ là những người phản đối hiến pháp mới vì cho rằng nó không áp đặt Luật Sharia như cần thiết. Nhưng khi phe thế tục chỉ trích hiến pháp này thì họ đã hợp lực đoàn kết với cả phe Hồi giáo để bảo vệ hiến pháp mới.
- Về nguyên nhân thất bại của Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo
Những lý do dẫn đến thất bại của Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập có nhiều, song ít nhất phải kể đến những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, tổ chức này chủ yếu mới chỉ hoạt động trong một phong trào chứ chưa hoạt động thật sự trên chính trường như một chính đảng. Họ thiếu kinh nghiệm cầm quyền, thiếu tầm nhìn cũng như thiếu một nghị trình cụ thể để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đang rất nghiêm trọng tại Ai Cập. Hay như bình luận của tờ báo Al Ahram1. “Hồi giáo là một tôn giáo có thể chỉ đường trong một số lĩnh vực đựơc xác định rõ ràng. Nhưng Hồi giáo không phải là một ý thức hệ chính trị để quản lý đất nước và đề xuất các giải pháp thực tế hiện đại cho những vấn đề liên tục thay đổi của xã hội và nhà nước”. Vấn đề đặt ra là tổ chức này phải tìm ra cách thức bước lên một giai đoạn cao hơn giai đoạn chỉ là một phong trào, đó là giai đoạn xây dựng chính quyền, xây dựng chính phủ và xã hội.
Thứ hai, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã không có nghệ thuật trong việc hợp tác với các lực lượng chính trị khác trong một xã hội đa nguyên như Ai Cập để xây dựng lực lượng cho chính mình. Tổ chức này đã không dung hoà được xu hướng bất đồng chính kiến hoặc phản đối lại chương trình lãnh đạo đất nước của họ.
Thứ ba, Tổng thống Morsi lên cầm quyền trong một bối cảnh vô cùng phức tạp, khó khăn và quá nhiều áp lực cũng như thách thức. Bản thân trong nội bộ phe Hồi giáo chính trị đã không phải là một khối thống nhất; sự căng thẳng giữa các nhóm phái và giữa các thế hệ của Tổ chức Anh em Hồi giáo là một áp lực lớn đối với ông Morsi. Bên cạnh đó là những thách thức rất lớn từ phía các thế lực chính trị khác nhau trong Ai Cập cũng như trên cả khu vực Trung Đông. Thêm vào nữa là những vấn đề kinh tế xã hội đang ngày càng trầm trọng kể từ khi diễn ra phong trào Mùa xuân Arab. Khoảng ¼ dân số Ai Cập sống trong nghèo đói và cả xã hội trong tình trạng bất an.
Thứ tư, những biện pháp của Tổng thống Morsi nhằm tấn công phe quân đội thế tục song lại tự làm hại bản thân mình. Ông đã quá vội vã trong việc hạ bệ quyền lực của phe quân đội và tập trung quá mức quyền lực vào tay mình. Ông đã ký ban hành một bản hiến pháp Hồi giáo, làm suy yếu hệ thống toà án và gây khó khăn cho giới truyền thông.
Thứ năm, tại một đất nước đã có truyền thống cởi mở và tự do như Ai Cập thì những nỗ lực nhằm áp đặt quan điểm riêng về Hồi giáo và các giá trị Hồi giáo của Tổ chức Anh em Hồi giáo nói chung là không thể được chấp nhận. Xã hội này đã đánh đổ nhà độc tài Mubarak với tư tưởng thế tục để mong tạo dựng một chế độ chính trị mới dân chủ chứ không để xây dựng một chế độ chính trị với một nhà độc tài khác mang màu sắc tôn giáo. Sự thành công của phong trào Mùa xuân Arab trong các cuộc bầu cử quốc hội và bầu chọn tổng thống một cách dân chủ dường như đang lùi vào những trang giấy của quá khứ.
3.2. Kết luận:
Ai Cập là một nước có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực Bắc Phi, Trung Đông, là nước có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab Hồi giáo. Nước này nằm ở ngã ba thế giới nơi nối liền ba châu lục Á, Âu, Phi; nơi có kênh đào Suez nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải giúp thực hiện phần lớn thông thương của thế giới, đặc biệt là thương mại dầu mỏ. Ai Cập còn có đường biên giới với Israel qua sa mạc Sinai là nơi luôn tiềm tàng các mối đe doạ về an ninh khu vực. Thành công hay thất bại của Ai Cập trong các lĩnh vực luôn là một bài học kinh nghiệm rất quan trọng đối với các nước trong khu vực. Phép thử Hồi giáo chính trị lên nắm quyền tại Ai Cập nếu thành công sẽ củng cố thêm những thành công trước đó tại Tunisia hay Libya và sẽ được tiếp tục nhân rộng trong khu vực. Ngược lại, thất bại của phép thử này cũng cho thấy tính phức tạp và không thể thống nhất giữa các lực lượng chính trị khác nhau trong thế giới Hồi giáo Trung Đông.
Cuộc đấu tranh Hồi giáo chính trị - thế tục tiếp tục là một cuộc đấu tranh dai dẳng. Ai Cập đã từng là niềm hy vọng về dân chủ và đổi mới cho thời kỳ hậu Mùa xuân Arab nhưng rồi lại rơi xuống vực hỗn loạn chính trị. Từ những vấn đề của Ain Cập bài học cho tất cả các nước trong khu vực này là:
- Một sự tiến triển thực sự cho đất nước lúc này không phải là vấn đề về các cuộc bầu cử tự do, không phải là quyền lực được tập trung lại; vấn đề là cơ chế cân bằng của các tổ chức nhà nước có khả năng hoạt động mà trong đó có sự tham gia của các tổ chức chính trị và cơ chế kiểm soát sự cân bằng đó. Cụ thể trong trường hợp Ai Cập, nếu các nhà lãnh đạo (hiện nay và tương lai) của Ai Cập cho phép tồn tại những khoảng trống cho sự cạnh tranh công bằng và tự do trong các cuộc bầu cử; nếu hiến pháp của đất nước đảm bảo được quyền tự do dân chủ, đồng thời cho phép Toà án Tối cao có quyền kiểm soát và phán quyết các hoạt động không tuân thủ các nguyên tắc dân chủ của các đảng thì Ai Cập mới có thể có điều kiện bước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, tạo cơ sở để khắc phục và giải quyết các cuộc khủng hoảng khác trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
- Để đất nước rơi vào nội chiến như Syria sẽ là một thảm hoạ lớn không chỉ đối với riêng Ai Cập mà với cả khu vực Bắc Phi - Trung Đông bởi đặc thù địa-chính trị, địa-chiến lược của Ai Cập như đã nói ở trên, do vậy mối đe doạ về một cuộc xung đột phe phái tại Ai Cập kéo dài sẽ là mối đe doạ đối với an ninh của cả khu vực này. Dù là lực lượng chính trị nào lên cầm quyền đề cần phải ý thức được vấn đề nghiêm trọng này.
- Bất kỳ lực lượng và phe phái chính trị nào nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ và các nước lớn khác để giành quyền lực trong nước mình thì sẽ sớm thất vọng bởi thực tế cho thấy phe nào chiến thắng phe ấy sẽ được họ ủng hộ. Tính thực dụng và lợi ích của các nước lớn luôn quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ một phe phái hay lực lượng chính trị hay cá nhân chính trị nào của bản xứ. Vì lợi ích của dân tộc và đất nước, các lực lượng chính trị ở mỗi quốc gia trong cuộc đấu tranh giành quyền lực không nên để cho các thế lực bên ngoài tìm cớ can thiệp vào. Để đất nước và dân tộc mình rơi xuống vực thẳm chiến tranh, nội chiến thì tất cả đều thất bại.
Chú thích:
[1] TLTKĐB ngày27/8/2013, tr.12
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
1. Một số nét khái quát về Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập
Tổ chức Anh em Hồi giáo là một lực lượng chính trị lâu đời tại Ai Cập do Hassan al-Banna sáng lập. Tổ chức này được thành lập từ năm 1928, nhưng đến năm 1940 bị giải thể. Vì vậy, nó bị coi là tổ chức bất hợp pháp, đặc biệt bị truy đuổi rất gắt gao dưới thời Tổng thống Nasser trong những năm 1950- 1960. Phương châm của tổ chức được cho là phải làm hồi sinh đạo Hồi, đưa ngọn cờ của nó đến toàn thể nhân loại; các tín đồ có sứ mệnh giáo dục thế giới theo nguyên lý của Hồi giáo, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sứ mệnh đó. Vì phương châm mang nặng màu sắc chính trị - tôn giáo như vậy nên tổ chức này bị các chính quyền thế tục ở Ai Cập coi là đối thủ cần phải loại bỏ. Sau thời Tổng thống Nasser, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã bí mật được khôi phục lại vào những năm 1970 dưới thời Tổng thống Anouar el-Sadate. Sang thời Tổng thống Mubarak, tổ chức này vẫn bị cấm ra ứng cử với tư cách là một tổ chức, tuy nhiên những thành viên của nó có thể ra ứng cử với tư cách độc lập nhưng số lượng ứng cử viên luôn bị giới hạn. Để ngăn chặn ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong lĩnh vực chính trị, chính quyền thời Mubarak cho phép nó được hoạt động chỉ trong lĩnh vực xã hội với các hướng chính là làm từ thiện, quyên góp giúp đỡ trẻ em và người nghèo khó trong y tế, giáo dục và trong sinh hoạt hàng ngày.
Chính các hoạt động trong lĩnh vực xã hội của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã làm cho nó là tổ chức chính trị duy nhất cắm rễ sâu trong nhân dân, có uy tín nhất đối với các tầng lớp nghèo trong xã hội. Một đặc điểm của tổ chức này là đa phần thành viên của nó lại xuất thân từ các tầng lớp trung lưu, nhiều người trong số họ thuộc giới trí thức, được học tập, đào tạo và có địa vị nhất định trong xã hội.
Có những nhận xét cho rằng Tổ chức Anh em Hồi giáo là chuẩn mực tư tưởng đối với nhiều nhóm Hồi giáo chính trị, kể cả Al-Qaeda. Tại Ai Cập, Tổ chức đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập. Xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc, chính những người trí thức nhận được nền giáo dục phương Tây lại có tư tưởng chống lại mạnh nhất ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Vì có sức mạnh lan toả nên ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát triển trong khắp khu vực, nhất là ở Bắc Phi (Ai Cập, Sudan, Algeria, Libya, cả ở Tunisia và Morocco với mức độ thấp hơn).
Nhìn lại lịch sử cận hiện đại Ai Cập có thể thấy cuộc đấu tranh giữa phe thế tục và phe Hồi giáo kéo dài âm ỉ và liên tục. Khi lực lượng quân đội Ai Cập - đại diện cho tư tưởng thế tục, giành quyền kiểm soát nhà nước quân chủ Ai Cập từ tay vua Farouk năm 1952 cũng là lúc đẩy mâu thuẫn thế tục- Hồi giáo lên cao bởi mong muốn giành quyền lực của lực lượng Hồi giáo lúc đó đã bị thất bại. Tướng Nasser trở thành tổng thống được lòng dân của Ai Cập nhưng lại trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Hồi giáo và của cả phương Tây bởi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông. Tư tưởng Nasser là các dân tộc Arab phải đoàn kết với nhau trên cơ sở cùng dân tộc để chống lại kẻ thù của mình là nhà nước Israel theo thể chế phương Tây đang ngự trị ngay trong lòng thế giới Hồi giáo. Song tư tưởng này của Nasser lại mâu thuẫn với tư tưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo là dựa trên nền tảng tôn giáo là đạo Hồi để thống nhất lực lượng nhằm chống lại tư tưởng thế tục nói chung. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến đấu rất quyết liệt của Tổ chức Anh em Hồi giáo chống lại chính quyền Nasser cũng như chính quyền Mubarak sau này.
Tuy nhiên, chính quyền Mubarak đã có những biện pháp khôn khéo đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo khi cho hoạt động giới hạn trong không gian xã hội và văn hoá, cho họ một số hợp đồng kinh tế có lợi, đồng thời mọi hành động “chệch hướng” của tổ chức này đều bị chấn chỉnh ngay lập tức.
Nhằm tìm hướng thoát khỏi kìm kẹp, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tham gia hoạt động chính trị với tư cách là lực lượng đối lập trong quốc hội. Nhằm tìm được tiếng nói hoà đồng hơn trong thời đại hiện đại, nhiều thành viên của Tổ chức đã chuyển sang sử dụng Âu phục, đồng thời họ tăng cường công tác tuyển mộ trong giới trí thức, những người tốt nghiệp các trường đại học danh giá.
Bị thăng trầm song cuộc chiến Thế tục - Hồi giáo ở Ai Cập chưa bao giờ kết thúc. Kể từ khi nhà nước Cộng hoà Ai Cập ra đời cho đến nay cuộc chiến này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho phe thế tục: Tổng thống Sadat bị một tín đồ Hồi giáo ám sát và Tổng thống Mubarak bị lật đổ bởi Phong trào Mùa xuân Arab, trong đó có không ít những người thuộc phe Hồi giáo chính trị.
Có thể nói rằng Mùa xuân Arab diễn ra trên đất nước Ai Cập đã mang lại cơ hội mới cho Tổ chức Anh em Hồi giáo. Trước tiên là việc các thủ lĩnh của tổ chức này bị giam cầm bấy lâu trong nhà tù đã được phóng thích sau khi Mubarak bị lật đổ. Trong số này có những tên tuổi như Khairat al-Shater hay About al-Zoummor và Tareq, là những lãnh đạo của Tổ chức và đã tham gia ám sát Tổng thống Sadate. Thứ hai là tạo cơ hội cho tổ chức này tham gia vào sân chơi chính trị.
Cũng như ở các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi khác, Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập không phải là người khơi mào cho phong trào nổi dậy, không trực tiếp tham gia từ đầu phong trào này. Họ là những người quan sát và chớp lấy thời cơ để thực hiện giấc mơ quyền lực chính trị từ bấy lâu nay.
Họ có những lợi thế không thể không nhắc đến. Thứ nhất, trong số những người xuống đường biểu tình có rất nhiều người là tín đồ Hồi giáo, rất nhiều thanh niên thất nghiệp và người nghèo. Đây sẽ là các cử tri ủng hộ cho họ. Thứ hai, tổ chức này tỏ ra là một chính đảng có tổ chức và tham vọng chính trị rõ nét nhất trong bối cảnh biến động của phong trào Mùa xuân Arab. Họ có mạng lưới chân rết lâu đời và rộng khắp các địa phương trong cả nước. Thứ ba, họ lợi dụng đựơc mục tiêu lật đổ chế độ của những người biểu tình không phù hợp với mục tiêu thay đổi chế độ của Mỹ. Có những ý kiến cho rằng việc họ lên nắm quyền lực có thể coi như là một sự thay đổi chế độ ở Ai Cập và điều này trùng hợp với ý đồ của Mỹ và phương Tây.
Tại Ai Cập, Hồi giáo chính trị đã có một bước tiến ngoạn mục khi giành được quyền lực nhà nước. Ai Cập cũng là nước Trung Đông duy nhất tuyên bố cuộc nổi dậy và lật đổ Tổng thống Mubarak là một cuộc cách mạng. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành thắng lợi lớn tại cuộc bầu cử quốc hội năm 2011- 2012 tại Ai Cập. Đảng Tự do và Công lý được thành lập và dẫn dắt bới Tổ chức Anh em Hồi giáo đã đạt 47% phiếu bầu khi chiếm 235/489 ghế. Bên cạnh đó Đảng Salafis Al-Nour cũng giành khoảng 28% phiếu và 123 ghế. Nhìn chung, phe Hồi giáo chính trị đã bước lên vũ đài chính trị Ai Cập một cách ngoạn mục và cho dù thế nào thì sự kiện này đã để lại một dấu ấn lịch sử đặc biệt.
2. Cuộc chiến Hồi giáo - Thế tục quyết liệt tại Ai Cập
Bối cảnh lịch sử Ai Cập thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử trong năm 2012 hết sức phức tạp. Sau khi Mubarak bị lật đổ, dường như chế độ cũ vẫn còn tồn tại do cơ quan quân sự chính của đất nước là Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) tiếp tục tồn tại và tiếp tục duy trì quyền lực nhà nước cho đến ngày bầu cử quốc hội và tổng thống mới. Trên thực tế, quân đội trở thành một lực lượng chính trị quan trọng sau khi Mubarak bị phế truất; họ tổ chức và giám sát tiến trình chuyển tiếp, bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên chính phủ để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2012, đồng thời tiếp tục bảo đảm an ninh trong nước.
Tuy nhiên, trong một bối cảnh chung của cả khu vực Trung Đông là Hồi giáo chính trị đang nổi lên sau cuộc cách mạng, lực lượng quân đội Ai Cập vẫn luôn mong muốn có một hiến pháp đảm bảo cho họ quyền bảo vệ tính thế tục của Ai Cập. Ở đất nước này, thế tục là một lập trường chính trị được nhiều người Ai Cập ủng hộ. Quân đội Ai Cập luôn khẳng định rằng không muốn Ai Cập trở thành một nước thần quyền. Tổng thống Morsi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập, nhưng trong bối cảnh lực lượng quân đội mạnh như vậy thì chẳng có gì đảm bảo rằng ông này có thể thực sự nắm quyền. Tiếp quản một đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, ông Morsi muốn điều hành được đất nước để thoát khỏi tình trạng này thì phải thương lượng với các lực lượng chính trị, đặc biệt là với quân đội. Người ta cho rằng nội dung của những thoả thuận và thương lượng chí ít là quân đội phải nhận đựơc sự bảo đảm rằng lực lượng Anh em Hồi giáo không can thiệp vào các khoản đầu tư, các hợp đồng kinh tế và ngân sách của quân đội; thêm vào nữa quân đội vẫn được quyền thực hiện chức năng trấn áp và bảo vệ an ninh cho quốc gia. Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) sau khi cai trị đất nước Ai Cập gần 1 năm rưỡi (từ khi Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011 đến khi bầu cử tháng 6 năm 2012) đã trao lại quyền hành cho Tổng thống đắc cử Morsi.
Về phía mình, Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tìm cách phát triển lực lượng của mình và từng bước củng cố quyền lực chính trị. Khó khăn đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo là không gian chính trị ở Ai Cập là không gian mang tính chất đa nguyên. Thời kỳ chuyển tiếp ghi nhận sự tồn tại của nhiều lực lượng chính trị và nhiều trào lưu chính trị khác nhau: thế tục, tự do, Hồi giáo bảo thủ, Hồi giáo ôn hoà, quân đội, người muốn bảo vệ chế độ cũ… Có 4 khối chính trị đang cố gắng vượt lên trên chính trường: Lực lượng Hồi giáo chính trị, lực lượng thế tục, thanh niên cách mạng, tàn dư của chế độ cũ. Họ xác định mục tiêu cho mình và để đạt được các mục tiêu đó họ tìm cách thoả hiệp và liên minh tạm thời với các nhóm còn lại. Nếu Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo không thương lượng, thoả hiệp và tôn trọng sự đa nguyên này thì rất khó duy trì quyền lực lâu dài. Hơn nữa, cuộc đấu tranh giữa quân đội/thế tục với Anh em Hồi giáo/ Hồi giáo chính trị là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và dai dẳng. Lực lượng quân đội có nhiều lợi ích, nhiều đặc quyền về tài chính, kinh tế và quân sự trong chế độ cũ; chế độ đó bảo vệ các lợi ích và ảnh hưởng đó của họ. Còn đối với Tổng thống Morsi và Đảng Hồi giáo của ông này về lâu dài cũng không thể cam chịu mãi thực trạng này nên khi ý thức đựơc mong muốn và các toan tính của giới quân đội, phe Hồi giáo sẽ phải có những nước cờ riêng cho mình.
Cuộc đấu Thế tục- Hồi giáo đã làm cho tất cả rơi vào cuộc khủng hoảng tại quốc hội. Tháng 3 năm 2012 quốc hội do phe Hồi giáo chiếm đa số quyết định thành lập Hội đồng Lập hiến với nhiệm vụ dự thảo hiến pháp mới. Nhưng sau đó, Toà án Hiến pháp tối cao đã ban hành sắc lệnh giải tán Hội đồng Lập hiến. Tháng 5/ 2012 các đảng phái đồng ý xây dựng tiêu chuẩn để thành lập Hội đống Lập hiến lần thứ hai. Phe thế tục kiên quyết bảo vệ quan điểm xây dựng tỷ lệ tương xứng 1 thế tục - 1 Hồi giáo trong Hội đồng Lập hiến lần này. Sau đó, cả hai viện quốc hội đã chỉ định 100 thành viên vào Hội đồng Lập hiến mới và Hội đồng này có chức năng soạn dự thảo hiến pháp mới trong vòng 6 tháng. Phe quân đội thế tục tiếp tục tấn công phe Hồi giáo của Tổng thống Morsi bằng cách: vào đầu tháng 6 năm 2012 SCAF đã ra lệnh giải tán Hạ viện và tuyên bố cuộc bầu cử có các ứng viên độc lập là bất hợp pháp; sau đó họ ban hành Sắc lệnh Hiến pháp, nắm quyền lập pháp và trao quyền tự chủ cho chính mình.
Để thể hiện quyền lực tổng thống của mình, chỉ khoảng 2 tháng sau đó, tức là vào tháng 8/2012 Tổng thống Morsi và chính quyền của ông đã tước bỏ quyền lực của quân đội khi cho nghỉ hưu hầu hết các sỹ quan cao cấp trong SCAF, sa thải một số sỹ quan an ninh cao cấp nhân sự kiện một số nhóm chiến binh Ai Cập bị giết hại tại biên giới với dải Gaza. Đi xa hơn nữa, phe Hồi giáo của tổng thống đã đối mặt với cuộc khủng hoảng Hiến pháp và bản thân ông Morsi đã giải quyết được khó khăn này. Khi phe thế tục gây áp lực đòi tăng hơn nữa đại diện của mình trong Hội đồng Lập hiến không được, họ đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi Hội đồng kề cận ngay trước thời điểm Hiến pháp mới phải hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2012. Tổng thống Morsi vào ngày 22/11/2012 đã lập tức ban hành Tuyên bố hiến pháp với một số điểm cơ bản: Thứ nhất, hạn chế việc bổ nhiệm Trưởng Công tố trong nhiệm kỳ 4 năm bằng việc áp dụng Luật Hồi tố, đồng thời cho phép Tổng thống thay thế Trưởng công tố viên khác là người không ủng hộ Mubarak. Thứ hai, huỷ bỏ các phán quyết tuyên bố trắng án đối với các quan chức thời Mubarak, đồng thời sẽ thiết lập phiên toà mới để xét xử. Thứ ba, tuyên bố Hiến pháp kéo dài thời hạn làm việc của Hội đồng Lập hiến thêm 2 tháng buộc lực lượng thế tục phải quay trở lại bàn đàm phán; ban hành lệnh cấm xem xét các quyết định của Toà án Tối cao về tính hợp hiến của các thành viên trong Hội đồng lập hiến. Thứ tư, cấm xem xét, cấm bãi bỏ và cấm sửa đổi mọi phán quyết về Tuyên bố Hiến pháp và các quyết định của Tổng thống cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua và quốc hội mới được bầu; Tổng thống được quyền tự hành động khi thấy đất nước bị đe doạ.
Nước cờ đã tung ra rồi thì không thể làm lại. Sự lạm quyền quá mức của Tổng thống Morsi đã đẩy ông này vào thế bất lợi khi phe thế tục nhân cơ hội này đã đoàn kết tất cả các phe phái còn lại để chống lại lực lượng Hồi giáo. Từ thế tấn công, Tổng thống Morsi và phe Hồi giáo trở thành những người bị động, trở thành mục tiêu phê phán và trở thành động lực gây nên một cuộc nổi dậy mới. Hàng nghìn người Ai Cập lại đổ xuống đường đòi lật đổ Tổng thống Morsi và phế truất chế độ của Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Trước áp lực của những người biểu tình, cuối cùng ông Morsi đã buộc phải huỷ bỏ Tuyên bố Hiến pháp, song chính quyền của ông này cũng kịp thời thông qua dự thảo hiến pháp tại quốc hội sau khi Hội đồng Lập hiến thông qua nó vào hạn chót là đêm 29 rạng sáng ngày 30/11/2012. Mặc dù Hiến pháp đã được thông qua với 66% phiếu, song trên thực tế số lượng cử tri đi bỏ phiếu chỉ có chưa đến 33% dân số. Điều này cho thấy số người tán thành hiến pháp mới chỉ là thiểu số nhỏ trong toàn bộ cư dân của Ai Cập. Một lần nữa, tính đa nguyên về chính trị tại Ai Cập đã được thể hiện rõ nét qua sự kiện bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới nói trên.
Nội dung của Hiến pháp mới lại làm dấy lên sự tranh luận. Phe Hồi giáo cho rằng Hiến pháp mới là hiến pháp của một nhà nước Ai Cập hiện đại, dân chủ, mở rộng các quyền tự do cá nhân, bảo vệ phụ nữ và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phe thế tục, tự do lại phản đối những vấn đề liên quan đến Luật Hồi giáo mà trong Hiến pháp mới đã đề cập đến, cụ thể là ở Điều 2 và Điều 219, bởi vì Hiến pháp dựa trên cơ sở cho rằng nguyên tắc Luật Hồi giáo phải là nguồn gốc của các luật khác thì đối với họ là không thể chấp nhận. Hơn nữa, sự lo ngại là ở chỗ ngôn ngữ trong Hiến pháp có thể bị lợi dụng sau đó để một nhóm có thể dùng quyền lực của mình áp đặt mọi thứ theo tính toán riêng của họ.
Thực tế cho thấy Tổ chức Anh em Hồi giáo đã không có kinh nghiệm và nghệ thuật để giữ được quyền lực sau khi đã giành được nó. Các sự kiện xảy ra đã dẫn dắt họ đến với thất bại. Chính trường Ai Cập ngày càng trở nên rối ren, cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng Thế tục/Quân đội với Hồi giáo chính trị/Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày càng quyết liệt. Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ theo hai hướng đối lập nhau: một bên biểu tình dưới sự điều hành của Mặt trận Cứu quốc thuộc phe thế tục để phản đối hiến pháp, phản đối chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống Morsi; bên kia Đảng Salafist Nour thúc dục các tín đồ của mình xuống đường biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ đối với hiến pháp mới và chính quyền của lực lượng Hồi giáo. Kết quả cuối cùng là ngày 3 tháng 7 năm 2013 Tổng thống Morsi đã bị bắt giam, kết thúc giai đoạn cầm quyền của những người Hồi giáo chính trị. Vụ đàn áp đẫm máu những người biểu tình ngày 14/8/2013 của quân đội đã đặt ra những câu hỏi như: vai trò của lực lượng quân đội trong tương lai sẽ thế nào? Việc ông Morsi bị loại khỏi quyền lực có phải là đảo chính hay không?... Lên nắm quyền trở lại từ ngày 3 tháng 7 năm 2013 giới lãnh đạo quân đội Ai Cập đã buộc phải sử dụng các biện pháp cứng rắn chống lại những người theo phe Hồi giáo chính trị. Tình hình này khiến sự chia rẽ đất nước thành hai hướng chính trị càng thêm sâu sắc. Phép thử về sự cầm quyền của Tổ chức Hồi giáo chính trị tại Ai Cập đã bị thất bại, từ đó cho thấy xu hướng Hồi giáo hoá lúc này chưa thể thắng thế tại Ai Cập nói riêng và tại khu vực Trung Đông nói chung.
3. Nhận xét và kết luận
3.1. Nhận xét:
- Về cuộc cách mạng Ai Cập:
Xét ở khía cạnh kết quả của cuộc nổi dậy khi không chỉ tổng thống bị lật đổ mà nhân dân còn bầu cử thành lập ra một chính quyền và tổng thống mới theo một chế độ chính trị mới thì cũng có thể cho cuộc nổi dậy ở Ai Cập là một cuộc cách mạng. Bản thân Ai Cập cũng gọi đó cách mạng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào tìm hiểu, phân tích thì thấy rằng chưa có cơ sở để kết luận rằng chế độ chính trị mới sau bầu cử ở Ai Cập là tiến bộ hơn chế độ cũ, đặc biệt nếu nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội thì cũng chưa thiết lập được phương thức và quan hệ kinh tế mới tiến bộ hơn. Hơn nữa, kinh tế còn bị trì trệ và sụt giảm đi, mức sống của người dân còn thấp hơn trước khi nổi dậy. Anh em Hồi giáo là tổ chức chính trị lớn nhất lúc đó có cố gắng để nắm lấy tất cả các quân bài chính trị nhưng không hiểu rõ động lực của cuộc cách mạng. Thực sự mà nói, cuộc cách mạng Ai Cập ngay từ đầu đã không có một ban lãnh đạo chủ trương làm cách mạng và đưa ra chủ thuyết tư tưởng chính trị để dẫn dắt cuộc cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Đây là một số trong những lý do quan trọng dẫn đến việc Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập đã bị mất quyền lực mới chỉ sau khoảng hơn 1 năm ngắn ngủi cầm quyền.
- Về nguyên nhân thành công của phe Hồi giáo chính trị
Nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công của phe Hồi giáo chính là do sự không thể thống nhất của phe đối lập. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập cử tri Ai Cập đã bị chia rẽ thành 3 khối khác nhau. Một khối muốn Tổ chức Anh em Hồi giáo thiết lập sự thống trị tôn giáo, do vậy họ đã bầu cho ông Morsi. Khối thứ hai muốn duy trì trật tự cũ cho Ai Cập nên đã ủng hộ ông Ahmed Shafiq- cựu lãnh đạo của SCAF. Khối thứ ba không ủng hộ cả hai đường lối trên. Như vậy, trào lưu ủng hộ cho Hồi giáo chính trị không thể vượt quá bán số cử tri Ai Cập nhưng họ đã chiến thắng vì họ tận dụng được sự chia rẽ, không thống nhất trong các lực lượng đối lập. Phe Hồi giáo chính trị vào những thời điểm cần thiết đã biết thống nhất lực lượng của mình mặc dù bản thân phe này cũng có sự khác biệt lớn giữa các nhóm. Cụ thể, nhóm Salafist là những người theo trào lưu Hồi giáo chính thống, lý tưởng hoá thế giới thế kỷ VII của Nhà Thiên tri và hoàn toàn không ủng hộ dân chủ. Lúc đầu chính họ là những người phản đối hiến pháp mới vì cho rằng nó không áp đặt Luật Sharia như cần thiết. Nhưng khi phe thế tục chỉ trích hiến pháp này thì họ đã hợp lực đoàn kết với cả phe Hồi giáo để bảo vệ hiến pháp mới.
- Về nguyên nhân thất bại của Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo
Những lý do dẫn đến thất bại của Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập có nhiều, song ít nhất phải kể đến những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, tổ chức này chủ yếu mới chỉ hoạt động trong một phong trào chứ chưa hoạt động thật sự trên chính trường như một chính đảng. Họ thiếu kinh nghiệm cầm quyền, thiếu tầm nhìn cũng như thiếu một nghị trình cụ thể để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đang rất nghiêm trọng tại Ai Cập. Hay như bình luận của tờ báo Al Ahram1. “Hồi giáo là một tôn giáo có thể chỉ đường trong một số lĩnh vực đựơc xác định rõ ràng. Nhưng Hồi giáo không phải là một ý thức hệ chính trị để quản lý đất nước và đề xuất các giải pháp thực tế hiện đại cho những vấn đề liên tục thay đổi của xã hội và nhà nước”. Vấn đề đặt ra là tổ chức này phải tìm ra cách thức bước lên một giai đoạn cao hơn giai đoạn chỉ là một phong trào, đó là giai đoạn xây dựng chính quyền, xây dựng chính phủ và xã hội.
Thứ hai, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã không có nghệ thuật trong việc hợp tác với các lực lượng chính trị khác trong một xã hội đa nguyên như Ai Cập để xây dựng lực lượng cho chính mình. Tổ chức này đã không dung hoà được xu hướng bất đồng chính kiến hoặc phản đối lại chương trình lãnh đạo đất nước của họ.
Thứ ba, Tổng thống Morsi lên cầm quyền trong một bối cảnh vô cùng phức tạp, khó khăn và quá nhiều áp lực cũng như thách thức. Bản thân trong nội bộ phe Hồi giáo chính trị đã không phải là một khối thống nhất; sự căng thẳng giữa các nhóm phái và giữa các thế hệ của Tổ chức Anh em Hồi giáo là một áp lực lớn đối với ông Morsi. Bên cạnh đó là những thách thức rất lớn từ phía các thế lực chính trị khác nhau trong Ai Cập cũng như trên cả khu vực Trung Đông. Thêm vào nữa là những vấn đề kinh tế xã hội đang ngày càng trầm trọng kể từ khi diễn ra phong trào Mùa xuân Arab. Khoảng ¼ dân số Ai Cập sống trong nghèo đói và cả xã hội trong tình trạng bất an.
Thứ tư, những biện pháp của Tổng thống Morsi nhằm tấn công phe quân đội thế tục song lại tự làm hại bản thân mình. Ông đã quá vội vã trong việc hạ bệ quyền lực của phe quân đội và tập trung quá mức quyền lực vào tay mình. Ông đã ký ban hành một bản hiến pháp Hồi giáo, làm suy yếu hệ thống toà án và gây khó khăn cho giới truyền thông.
Thứ năm, tại một đất nước đã có truyền thống cởi mở và tự do như Ai Cập thì những nỗ lực nhằm áp đặt quan điểm riêng về Hồi giáo và các giá trị Hồi giáo của Tổ chức Anh em Hồi giáo nói chung là không thể được chấp nhận. Xã hội này đã đánh đổ nhà độc tài Mubarak với tư tưởng thế tục để mong tạo dựng một chế độ chính trị mới dân chủ chứ không để xây dựng một chế độ chính trị với một nhà độc tài khác mang màu sắc tôn giáo. Sự thành công của phong trào Mùa xuân Arab trong các cuộc bầu cử quốc hội và bầu chọn tổng thống một cách dân chủ dường như đang lùi vào những trang giấy của quá khứ.
3.2. Kết luận:
Ai Cập là một nước có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực Bắc Phi, Trung Đông, là nước có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab Hồi giáo. Nước này nằm ở ngã ba thế giới nơi nối liền ba châu lục Á, Âu, Phi; nơi có kênh đào Suez nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải giúp thực hiện phần lớn thông thương của thế giới, đặc biệt là thương mại dầu mỏ. Ai Cập còn có đường biên giới với Israel qua sa mạc Sinai là nơi luôn tiềm tàng các mối đe doạ về an ninh khu vực. Thành công hay thất bại của Ai Cập trong các lĩnh vực luôn là một bài học kinh nghiệm rất quan trọng đối với các nước trong khu vực. Phép thử Hồi giáo chính trị lên nắm quyền tại Ai Cập nếu thành công sẽ củng cố thêm những thành công trước đó tại Tunisia hay Libya và sẽ được tiếp tục nhân rộng trong khu vực. Ngược lại, thất bại của phép thử này cũng cho thấy tính phức tạp và không thể thống nhất giữa các lực lượng chính trị khác nhau trong thế giới Hồi giáo Trung Đông.
Cuộc đấu tranh Hồi giáo chính trị - thế tục tiếp tục là một cuộc đấu tranh dai dẳng. Ai Cập đã từng là niềm hy vọng về dân chủ và đổi mới cho thời kỳ hậu Mùa xuân Arab nhưng rồi lại rơi xuống vực hỗn loạn chính trị. Từ những vấn đề của Ain Cập bài học cho tất cả các nước trong khu vực này là:
- Một sự tiến triển thực sự cho đất nước lúc này không phải là vấn đề về các cuộc bầu cử tự do, không phải là quyền lực được tập trung lại; vấn đề là cơ chế cân bằng của các tổ chức nhà nước có khả năng hoạt động mà trong đó có sự tham gia của các tổ chức chính trị và cơ chế kiểm soát sự cân bằng đó. Cụ thể trong trường hợp Ai Cập, nếu các nhà lãnh đạo (hiện nay và tương lai) của Ai Cập cho phép tồn tại những khoảng trống cho sự cạnh tranh công bằng và tự do trong các cuộc bầu cử; nếu hiến pháp của đất nước đảm bảo được quyền tự do dân chủ, đồng thời cho phép Toà án Tối cao có quyền kiểm soát và phán quyết các hoạt động không tuân thủ các nguyên tắc dân chủ của các đảng thì Ai Cập mới có thể có điều kiện bước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, tạo cơ sở để khắc phục và giải quyết các cuộc khủng hoảng khác trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
- Để đất nước rơi vào nội chiến như Syria sẽ là một thảm hoạ lớn không chỉ đối với riêng Ai Cập mà với cả khu vực Bắc Phi - Trung Đông bởi đặc thù địa-chính trị, địa-chiến lược của Ai Cập như đã nói ở trên, do vậy mối đe doạ về một cuộc xung đột phe phái tại Ai Cập kéo dài sẽ là mối đe doạ đối với an ninh của cả khu vực này. Dù là lực lượng chính trị nào lên cầm quyền đề cần phải ý thức được vấn đề nghiêm trọng này.
- Bất kỳ lực lượng và phe phái chính trị nào nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ và các nước lớn khác để giành quyền lực trong nước mình thì sẽ sớm thất vọng bởi thực tế cho thấy phe nào chiến thắng phe ấy sẽ được họ ủng hộ. Tính thực dụng và lợi ích của các nước lớn luôn quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ một phe phái hay lực lượng chính trị hay cá nhân chính trị nào của bản xứ. Vì lợi ích của dân tộc và đất nước, các lực lượng chính trị ở mỗi quốc gia trong cuộc đấu tranh giành quyền lực không nên để cho các thế lực bên ngoài tìm cớ can thiệp vào. Để đất nước và dân tộc mình rơi xuống vực thẳm chiến tranh, nội chiến thì tất cả đều thất bại.
Chú thích:
[1] TLTKĐB ngày27/8/2013, tr.12
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 1 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét