Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

HỒI GIÁO CỦA NGƯỜI CHĂM Ở VIỆT NAM – NHỮNG YẾU TỐ BẢN ĐỊA


HỒI GIÁO CỦA NGƯỜI CHĂM Ở VIỆT NAM – NHỮNG YẾU TỐ BẢN ĐỊA

NGUYỄN THỊ THANH VÂN

Tóm tắt
Người Chăm là dân tộc duy nhất ở Việt Nam theo Hồi giáo. Hồi giáo thế giới có những luật lệ khắt khe nhưng khi du nhập vào cộng đồng người Chăm nó đã bị biến đổi rất nhiều và mang đậm tính nhân văn tộc người bởi sức sống mãnh liệt của truyền thống văn hóa bản địa. Đó chính là đặc trưng văn hóa Chăm – Nền văn hóa gắn liền và bị chi phối một cách mạnh mẽ bởi sự đan xen và dung hòa của tín ngưỡng và tôn giáo.


  
1.1. Người Chăm ở Việt Nam
Người Chăm hiện nay cư trú khá tập trung trong các palei (hoặc puk) thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, họ còn sinh sống ở một số tỉnh Tây Nguyên nhưng không nhiều. Dân số Chăm hiện nay có 145.235 người*.
Về nguồn gốc, người Chăm được xếp vào nhóm Malayo-Polynesian (Nam Đảo). Có giả thuyết cho rằng các dân tộc này là con cháu của cư dân đến từ thế giới đảo. Có ý kiến cho rằng đó là cư dân đến từ phía Nam Trung Quốc (1). Những phát hiện về khảo cổ học những năm gần đây đưa ra một giả thiết rằng chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung có thể là tổ tiên của người Chăm và các dân tộc Malayo-Polynesian khác ở Việt Nam hiện nay (2).
Do đặc điểm cư trú và bản sắc văn hóa mang tính địa phương, người Chăm ở Việt Nam được chia thành ba nhóm cộng đồng: Chăm Hroi (Chăm theo tín ngưỡng cổ truyền), Chăm Panduranga (ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Hồi giáo đã bị bản địa hóa), Chăm Nam Bộ (ảnh hưởng Hồi giáo chính thống). Sự phân hoá người Chăm thành 3 nhóm đã chứng tỏ ở cộng đồng này vấn đề dân tộc gắn bó chặt chẽ với vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng. Đồng thời, bản sắc dân tộc cũng được biểu hiện thông qua từng cộng đồng tôn giáo với những mức độ khác nhau.
Hồi giáo (tiếng Ả Rập: الإسلام al-'islām), là một tôn giáo độc thần. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo, và là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất về số lượng tín đồ.Được ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đảo Ả Rập, do Muhammad sáng lập, đạo Hồi chỉ tôn thờ Allah Đấng tối cao, Đấng duy nhất (tiếng Ả Rập: الل Allāh). Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên Kinh Qu'ran (còn viết là Koran) qua Thiên sứ Gabriel. Hồi giáo trong tiếng Ả Rập là Islam nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thiên Chúa". Hồi giáo truyền sang Trung Quốc, được người Hồi Hồi (có nơi gọi là Hồi Hột) tiếp nhận. Người Trung Quốc thấy người Hồi Hồi theo tôn giáo lạ nên mới gọi là "Hồi giáo".
Đối với người Chăm, đặc biệt là người Chăm Nam Bộ ở Việt Nam thì vai trò của Hồi giáo rất lớn trong đời sống văn hoá và tâm linh. Trong lịch sử, vương quốc Chămpa tôn sùng Hindu giáo và đặc biệt là một nhánh của Hindu giáo (Shivaism). Điều này thể hiện trên hàng trăm đền tháp Hindu giáo và hàng trăm pho tượng và ngẫu tượng Siva, thần chủ Srisana Bhadresvana (Siva hai lần linh thiêng) còn được lưu giữ đến hiện nay hay được ghi chép trong bi ký.
Vậy Hồi giáo thâm nhập Chămpa vào lúc nào?
P. Ravaisse (1922) công bố hai bản chữ Arab do một viên sĩ quan hải quân Pháp phát hiện ở “gần bờ biển miền Trung Việt Nam”. Bản dập thứ nhất chỉ dẫn ngôi mộ của một người tên là Abu Kamil có niên đại 21-11-1039. Bản thứ hai “nét chữ thô xấu và sứt sát hơn” cho biết về một thông báo cho cộng đồng người Arab, Ba Tư cần phải cư xử như thế nào đối với dân bản địa trong giao tiếp và giao dịch. Bản dập thứ hai không có niên đại song cả hai cùng thời, có nét chữ “thuần khiết Arap Phatimit”. Điều đó dẫn tới đoán định của P. Ravaisse về sự hiện diện của cộng đồng thương nhân Hồi giáo vào thế kỷ XI ở vương quốc Chămpa. Sự hiện diện của cộng đồng này chưa có căn cứ chắc chắn để khẳng định, mà hơn thế nữa nó cũng không ảnh hưởng hay có vai trò gì trong vương quốc cũng như triều đình Chămpa.
Đầu thế kỷ XIV, một nhà du lịch Hồi giáo người xứ Tanger (Ma Rốc) có tên là Ibn Batutah đi sang Trung Quốc có ghé qua một số nơi trên Biển Đông, qua xứ Tawalisi, được đoán định là Chămpa. Theo ông, ở đó Công chúa nói được tiếng Thổ và viết thạo chữ Arab. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng sự hiện diện của Hồi giáo nhưng chưa có gì là chắc chắn cả. Trước khi đó, thế kỷ XIII, Marco Polo đã đến Chămpa và sau đó một chút, vào thế kỷ XIV, Odiric de Pordenone đều cũng có nhận xét khi dừng chân ở nước này, yết kiến nhà vua. Ở đây, vua và cả nhân dân đều sùng kính ngẫu tượng - muốn nhấn mạnh phong tục tôn thờ Hindu giáo.
Tống sử cũng nói tới một cộng đồng thương nhân Hồi giáo sống ở Nam Trung Hoa từ thế kỷ XIII. Thư tịch Trung Hoa thường dùng từ Bồ (trong bồ liễu), Bố (trong bố cáo) dùng để chỉ người Arab Hồi giáo. Thực ra đây là cách gọi tắt của Abu-I-Hassan, tên sứ giả đầu tiên của người Arap tới Trung Hoa. Thư tịch Trung Hoa cũng cho biết có nhiều phái bộ sứ giả Chiêm Thành đến đất nước họ, trong đó có sứ giả họ Bồ. Chămpa nằm trên đường mậu dịch hàng hải Đông - Tây, cũng có một cộng đồng Arap Hồi giáo sinh sống trong khoảng trước- sau thế kỷ X, đóng vai trò tiếp xúc thương mại và ngoại giao (phiên dịch). Có thể đoán định đạo Hồi được truyền bá vào Java vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đều xuất phát từ Chămpa và gắn liền với một số nhân vật hoàng tộc Chămpa. Nhưng thời gian này, ở Chămpa phần lớn triều đình và thường dân vẫn theo Hindu giáo.
Quá trình người Việt tiến xuống phía Nam (đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn - Đàng Trong), xã hội Chăm ngày càng bị đẩy sâu về phía Nam. Một bộ phận người Chăm di cư vào An Giang, một bộ phận khác đến Compong Cham trên trung lưu sông Mê Công thuộc Campuchia ngày nay (Khoảng 70.000 người được gọi là Khơmer Islam). Bộ phận này chủ yếu là người Chăm theo đạo Hồi, hoặc có quan hệ buôn bán với vùng đất phía nam từ trước, còn nhân dân và hoàng tộc cơ bản vẫn ở lại quê hương.
Đạo Hồi là một tôn giáo xuất hiện khá sớm ở Việt Nam nhưng không phổ biến mà chỉ trong một phạm vi nhỏ, chủ yếu của người Chăm ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Sự quá ngặt nghèo của nghi lễ Hồi giáo, sức sống trường tồn của văn hóa bản địa, sự ảnh hưởng sâu rộng của đạo Phật, đạo Hindu từ Ấn Độ và Trung Quốc, đạo Thiên chúa giáo với sự bảo trợ của các thuyền buôn và thực dân phương Tây… là những nguyên nhân cản bước đạo Hồi thâm nhập vào Việt Nam, thậm chí những khu vực đạo Hồi đã thâm nhập cũng biến đổi khá nhiều để phù hợp với văn hóa truyền thống của cư dân bản địa (đặc biệt là người Chăm Bàni ở Ninh Thuận và Bình Thuận).
1.3. Đặc điểm Hồi giáo của người Chăm  ở Việt Nam
Nguời Chăm theo đạo Hồi ở Việt Nam chia thành hai nhánh: Chăm Bàni (một bộ phận Chăm Islam) ở miền Trung và Chăm Islam ở Nam Bộ.
Người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Thuận và Bình Thuận là những người “Hồi sớm”, tức là đến sớm mà không sâu, căn bản vẫn là Chăm, lưu giữ và pha trộn nhiều tập tục Hindu trong tín ngưỡng và cấm kị Hồi giáo. Họ không theo đầy đủ, không đúng quy tắc và không liên hệ gì với thế giới Hồi giáo cũng như với những đồng đạo của mình ở miền Nam. Họ không biết giáo lý Hồi giáo, không biết chữ Arab, không thông hiểu kinh Coran (chỉ một vài người đứng đầu có thể đọc được kinh Coran bằng tiếng Arab nhưng không phải tiếng Arab hiện đại).
Cộng đồng người Chăm ở miền Trung hình thành hai thực thể khác nhau, sống bên cạnh nhau. Người Chăm theo tôn giáo truyền thống (Hindu giáo) tự gọi mình là Chăm Bàlamôn hay chăm Jat (tiếng Phạn Jati = gốc, nguồn gốc), còn người Chăm theo Hồi giáo tự gọi mình là Chăm Bàni (tiếng Arab thì Beni = con, tức là con cháu của thánh Allah) và gọi người Chăm Jat là Chăm Kaphir “vô đạo”… Mỗi nhóm theo những phong tục, tập quán, quy tắc khác nhau… Tuy nhiên, họ không có thái độ kỳ thị nhau, cùng tổ chức và tham dự lễ hội cổ truyền: lễ Kate, Chabun và các nghi lễ truyền thống khác.
Còn lại người Chăm ở Nam Bộ là những tín đồ Hồi giáo nhiệt thành. Mỗi làng hay mỗi cụm làng là một giáo khu, có một thánh thất, nhiều khi chỉ là một căn nhà lớn hơn nhà bình thường một chút. Cả vùng có một thánh đường và một lớp học xây gạch. Mỗi khu có một trưởng giáo khu, một số phó giáo khu (kalik) và một số giảng sư (hadii), chừng 10 người, còn gọi là Guru (vốn là cách gọi pháp sư Hindu giáo đã được chuyển nghĩa, mà âm địa phương gọi là Ong Khù). Những vị này được đào tạo cẩn thận, học tại Kelantan (Malaysia) hay Mecca (Arap Seut), trở thành những người Monomat Koruan, thông thuộc và giải thích được kinh Coran. Ngoài ra, có một số vị tư tế (Imân) và một số vị phó tư tế (Ketip/Katip) là những người trông coi tín đồ trong phạm vi hẹp hơn, cũng có thể theo dõi và hướng dẫn nghi lễ Hồi giáo.
Người Chăm Hồi giáo Nam Bộ còn giữ được nhiều nghi lễ và quy tắc của đạo Hồi chính thống hơn so với đồng đạo của họ ở miền Trung, đặc biệt là những kiêng kị và tâm nguyện hành hương đến thánh địa Mecca. Hiện nay họ có khuynh hướng giao lưu với các tín đồ Hồi giáo chính thống ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonexia, Malaixia… và có quan hệ khá gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới.
Đạo Hồi được đánh giá là một tôn giáo khắc nghiệt, với hàng loạt các điều kiêng kỵ và quy tắc đối với các tín đồ, đòi hỏi họ phải thực hiện triệt để. Tuy nhiên, đạo Hồi du nhập và tồn tại trong cộng đồng người Chăm đã bị cải biến và đơn giản hoá rất nhiều để dung hoà với văn hoá của cư dân sở tại. Do vậy, đạo Hồi của người Chăm ở Việt Nam mang nhiều yếu tố bản địa. Nó thể hiện ở các điểm sau:
Giáo lý và các quy định của đạo Hồi rất nghiêm ngặt cho toàn thể tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Đối với một tín đồ Hồi giáo thì “năm hành vi tôn giáo” có tính bắt buộc để mỗi tín đồ chứng minh mình là người Hồi giáo - người có niềm tin duy nhất vào thánh Alla. Năm hành vi tôn giáo bắt buộc đó là: Lễ nguyện Salat (Mỗi tín đồ cầu nguyện 5 lần một ngày); Tháng chay Ramanda; Zakah (Bố thí); Haji (Hành hương về thánh địa Mecca); Jihad (Thánh chiến để bảo vệ Hồi giáo)
Người Chăm Hồi giáo ở Việt Nam, kể cả những tín đồ Chăm Hồi giáo nhiệt thành ở Nam Bộ, do ảnh hưởng truyền thống chuộng hoà bình của dân tộc và các chính sách phù hợp đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên việc thực hiện năm hành vi tôn giáo đã được cải biến:
-Tin tưởng Thượng đế Allah là tối cao duy nhất, và Muhammad là sứ giả cuối cùng của Allah, là người khai sáng Islam.
- Mỗi ngày đêm phải cầu nguyện đủ 5 lần.
- Phải ăn chay trọn tháng Ramadan.
- Phải bố thí để giúp đỡ người khó khăn hơn mình.
- Nếu có khả năng thì ít nhất một lần trong đời hành hương về thánh địa Mecca (Saudi Arabia) để làm lễ Haji (4).
 Người Chăm Hồi giáo ở Việt Nam đặc biệt là những người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ tuân thủ khá chặt chẽ những giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống. Họ đã thay đức tin “Thánh chiến để bảo vệ Hồi giáo” bằng đức tin “Tin tưởng Thượng đế Allah là tối cao duy nhất, và Muhammad là sứ giả cuối cùng của Allah, là người khai sáng Islam”.
Khác với người Chăm Islam ở Nam Bộ, người Chăm Bàni ở Ninh Thuận và Bình Thuận tin vào Allah như một đấng tối cao nhưng không phải là duy nhất. Họ vẫn tôn thờ các vị thần trong tín ngưỡng truyền thống như Thần Mưa, Thần Núi, Thần biển... Họ vẫn thực hiện các nghi lễ nông nghiệp theo tín ngưỡng dân gian như lễ cầu xin thần Mẹ Xứ Sở (Rija Nưgar), lễ cầu mưa (Yor Yang), lễ cầu thần Sóng Biển (Plao Pasah), lễ chặn dầu nguồn (Kap Hlâu Krong)... Người Chăm Bàni cầu nguyện 3 lần/ ngày; không nhịn ăn ban ngày vào tháng Ramưwan mà chỉ có giáo sĩ nhịn ăn ba ngày đầu tháng mà thôi. Họ cũng không hành hương tới thánh địa La Mecque.Tính bản địa trong Hồi giáo của người Chăm ở nước ta được xuất phát và gìn giữ bởi nền tảng văn hoá truyền thống Chămpa cổ.
Giáo lý Hồi giáo giành quyền ưu thế tuyệt đối cho đàn ông trong quan hệ hôn nhân. Kinh Koran xác nhận uy quyền của đàn ông đối với đàn bà: "Đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Chúa sinh ra đàn ông cao quí hơn đàn bà…. Đối với những phụ nữ không biết vâng lời, đàn ông có quyền ruồng bỏ, không cho nằm chung giường và có quyền đánh đập" (Koran 4:34). Đàn ông có quyền lấy nhiều vợ nhưng đàn bà chỉ được lấy một chồng. Người đàn bà ngoại tình sẽ bị đem ra nơi công cộng để mọi người ném đá đến chết. Một quy định khác của Hồi giáo thường được các tín đồ hết sức coi trọng và tuân thủ nghiêm ngặt là hôn nhân đồng đạo. Không có hôn nhân ngoài Hồi giáo. Nếu có xảy ra cuộc hôn nhân này thì người ngoại đạo phải cải theo đạo Hồi trước khi cử hành hôn lễ.
Tuy nhiên, trong xã hội Chăm truyền thống cũng như hiện tại ở nước ta vấn đề hôn nhân và gia đình của người Chăm Hồi giáo (đặc biệt là Chăm Bàni ở miền Trung Việt Nam) có rất nhiều cải biến để phù hợp với truyền thống dân tộc và luật pháp Việt Nam, thập chí có những tác động để cải biến các giáo lý Hồi giáo khắt khe.
Người Chăm ở Việt Nam theo mẫu hệ, con cái tính theo dòng mẹ, người phụ nữ trong nhà nắm giữ nhiều của cải, quyết định mọi hình thức cưới hỏi. Đạo Hồi đã đem phụ hệ, phụ quyền vào đời sống Chăm nhưng đã dung hoà với phong tục truyền thống Chăm:
+ Trong hôn nhân có sự bình quyền tương đối giữa nhà trai và nhà gái, cho tự do tìm hiểu giữa nam nữ trước hôn nhân.
+ Cho phép kết hôn con chú, con gì.
+ Cho phép con mang cả họ mẹ và họ cha.
Chú rể – chồng bắt buộc phải ở lại nhà vợ 2 - 3 tháng (ở nông thôn) hay 3 - 4 ngày ở thành thị sau ngày cưới. Người Chăm theo mẫu hệ, họ chỉ có tục đưa rể chứ không đón dâu. Chú rể được đưa sang nhà cô dâu và mọi thủ tục, nghi lễ được thực hiện bên nhà gái.
+ Con trai có thể đi hỏi vợ nhưng phải mang theo 2, 3 bà chị hoặc bạn của mẹ.
+ Khi ly hôn, theo luật pháp người đàn ông được chia tài sản nhưng phần lớn họ ra đi tay không.
+ Người đàn ông có quyền lấy 4 vợ nhưng rất hiếm trường hợp người đàn ông Chăm lấy hơn một vợ (6) (Luật pháp Việt Nam không cho phép).
+ Người Chăm có thể tục huyền khi vợ hoặc chồng chết, tuy nhiên người đàn bà phải ở vậy trong 10 tháng để xác định dòng máu của đứa con sau này (có nơi người ta chỉ bắt buộc người phụ nữ ở vậy trong 3 tháng để xác định có thai hay không). Mặc dù có sự ngự trị của chế độ phụ hệ nhưng gia đình mẹ vợ (nếu như có điều kiện kinh ế) giúp đỡ người con gái xây dựng nhà cửa bên cạnh nhà mình, nhất là với người con gái út (huyết thống theo dòng mẹ và theo đằng con gái út).
Đối với người Chăm Bàni, trước đây họ cũng tuân thủ nguyên tắc hôn nhân đồng tôn giáo. Những năm gần đây, người Chăm Bàni ở Bình Thuận đã có những cuộc hôn nhân không cùng tôn giáo, được cộng đồng và các chức sắc chấp nhận. Tuy nhiên, trong những cuộc hôn nhân như thế, người ngoại đạo không phải cải thành đạo Hồi nhưng phải đáp ứng 3 điều kiện: phải biết tiếng và chữ Chăm cổ truyền; phải chịu lễ Katat (nếu là đàn ông) hoặc lễ Karơh (nếu là phụ nữ) và phải tuân thủ đầy đủ các nghi lễ Hồi giáo Bàni; khi chết không được chôn chung vào nghĩa địa của dòng họ mà phải chôn riêng.
Giáo lý Hồi giáo có những quy định khắt khe đối với phụ nữ trong hôn nhân và vai trò của họ trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, giáo lý Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam đối với người phụ nữ khá dung hoà trong quan hệ giới và quan hệ xã hội.
Tùy theo luật pháp và phong tục tập quán của mỗi dân tộc, cũng như do sự biến chuyển của lịch sử, số phận của phụ nữ Hồi Giáo cũng thay đổi nhưng đạo Hồi vẫn quyết định phần lớn số phận của họ. Họ phải che kín toàn thân khi ra đường, chỉ được hưởng ½ tài sản so với đàn ông, giá trị phụ nữ trước pháp luật chỉ bằng ½ so với đàn ông, không được ngoại tình …. Tuy nhiên phụ nữ Chăm theo Hồi giáo ở Việt Nam không bị những quy định quá ngặt nghèo chi phối như phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo khác, kể cả là những người Chăm ở Nam Bộ được coi là những người Chăm Hồi giáo chính thống.
Trong gia đình, người phụ nữ lớn tuổi vẫn rất được coi trọng. Nó thể hiện truyền thống mẫu hệ còn ảnh hưởng khá mạnh đến đời sống tộc người. Ở đây, người phụ nữ không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong quản lý kinh tế và điều phối các hoạt động trong gia đình mà còn có vai trò trụ cột trong đời sống tâm linh và tinh thần nói chung. Người phụ nữ Chăm Hồi giáo ở thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là người nội trợ mà còn là người buôn bán rất giỏi, là công nhân, ca sĩ, giáo viên, giảng kinh Qur,an ở thánh đường và nhà riêng. Họ không phải cấm cung, được học hành và giao tiếp rộng rãi, không phải mang mạng che mặt, mặc áo dài tay hay có người lớn đi kèm khi ra đường... như phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo khác (7). Các quy định của giáo lý Hồi giáo trong người Chăm ở Việt Nam đã bị bản địa hoá nhiều, có hướng mở cho phụ nữ Chăm trong quan hệ gia đình và xã hội.
Đại diện nổi bật của kiến trúc Hồi giáo trước hết là các thánh đường. Điều mà mọi người để ý đến đầu tiên ở một thánh đường Hồi giáo là các ngọn tháp cao với mái vòm bên cạnh thánh đường, thường gắn một ngôi sao và vành trăng lưỡi liềm vốn là biểu tượng của đạo Hồi, vào trong là một cái sân cầu nguyện rộng rãi. Ở đó thường có một bể nước để dùng vào việc thanh tẩy trước khi cầu nguyện, và đó cũng là nơi hội họp ưa thích của cộng đồng. Nội thất thánh đường đơn giản. Với kiến trúc như vậy, thánh đường Hồi giáo thể hiện rất rõ hai định hướng của đạo Hồi, hướng đến Thượng đế và hướng đến cộng đồng tín đồ, được biểu tượng bằng Mecca là trung tâm trên trần thế. Tất cả mọi kiến trúc thánh đường đều hướng về thánh địa Mecca.
Trong khu vực sinh sống của người Chăm Bàni ở miền Trung, mỗi làng cũng có một thánh đường (tiếng Chăm là Thang Mưgik – nhà làm lễ cầu nguyện, Thang Pô - nhà thánh hay thánh đường, Thang Dhat – nhà phước), Tuy nhiên, kiến trúc thánh đường Bàni khác với Islam. Thánh đường Bani gọi là Chùa, có kiến trúc gần với nhà tục (thang Yơ) truyền thống nhưng mở ở đầu hồi hướng đông (hướng thần thánh trong tín ngưỡng của Hindu giáo) và không xuất hiện tháp đỉnh vòm trên nóc thánh đường. Thánh đường của người Chăm không chỉ nơi cầu nguyện mà còn là nơi hội họp các việc làng, là nơi tấn phong của các tu sĩ…
Một số nghi lễ tôn giáo Hồi giáo của người Chăm ở Việt Nam đã bị bản địa hoá, giản lược và mang nhiều yếu tố tín ngưỡng cổ truyền:
2.5.1. Nghi lễ thành niên
Hồi giáo quy định nghi lễ thành niên đối với mọi thành viên trong xã hội. Nghi lễ này nhằm chứng nhận một người đã đến tuổi trưởng thành hay có quyền kết hôn. Đối với nam giới phải thực hiện nghi lễ làm cuộc tiểu phẩu ở bộ phận sinh dục là cắt bao quy đầu bằng dao sắc (lễ Khotan), đối với nữ giới cũng phải chịu lễ rạch màng trinh bằng dao sắc có sát trùng (lễ Karơh). Tuy nhiên, khi đạo Hồi truyền bá vào người Chăm ở Việt Nam nó đã bị giản lược đi nhiều, chỉ còn mang tính tượng trưng kể cả với cộng đồng người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ gần gũi với Islam chính thống.
Người Chăm theo Hồi giáo ở Việt Nam quy định con trai, con gái đến 15 tuổi là coi như bước vào tuổi trưởng thành. Họ phải thực hiện nghi lễ thành đinh. Khi thực hiện nghi lễ Khotan cho nam giới (Nghi lễ này đã được dịch là Katat đối với người Chăm Bani ở Bình Thuận), nhiều chàng trai thực hiện một lần. Họ phải dựng một chiếc lều đơn giản ở khu vực khuất nẻo trong làng, trải chiếu trên đó bày một bộ đồ pha trà, một ít trà khô và thuốc lá, một tô to đầy nước và trứng vịt để thày Achar làm lễ. Đến giờ hành lễ, các chàng trai phải tập trung trước cửa lều, thầy Achar gọi lần lượt từng người vào làm lễ. Ông cầu kinh, một tay cầm bao quy đầu của chàng trai, một tay cầm thanh tre cật đã được chuốt mỏng hoặc một con dao đưa qua đưa lại ở đầu dương vật của người chịu lễ. Sau đó, thày Achar lấy một quả trứng vịt xoa vào chỗ vừa giả vờ cắt. Đây chỉ là nghi lễ tượng trưng, mô phỏng động tác thực sự cắt bao quy đầu của người chịu lễ Khotan truyền thống Hồi giáo. Qua nghi lễ này, có thể thấy quá trình đạo Hồi chính thống bị pha loãng trong xã hội truyền thống của người Chăm để trở thành Hồi giáo Bani, nghi lễ Khotan hà khắc của Hồi giáo chính thống (cắt da bao quy đầu thật sự) đã thích nghi với xã hội Chăm và trở thành một nghi thức mang tính tượng trưng (8).
Nữ giới cũng phải tham gia nghi lễ thành niên gọi là Karơh. Nghi thức này đối với nữ giới cũng mang tính tượng trưng so với các quốc gia Hồi giáo chính thống. Lễ này cũng được làm tập thể cho các cô gái trong vùng. Họ phải làm hai cái rạp: Cái lớn thờ thánh Allah, cái nhỏ để các cô gái chịu lễ thay quần áo và ở đó trong suốt thời kỳ làm lễ. Các thiếu nữ không được ra ngoài với bất kỳ lý do gì. Người làm lễ này gồm có thầy chính gọi là Po Grù, hai thầy phụ gọi là Imưn. Sau một đêm trôi qua, các cô gái mặc quần áo chỉnh tề mới bước ra rạp nhỏ. Họ sang rạp lớn chờ các thầy ban phép. Chỗ các thầy làm lễ ban phép có một cái bát lớn đựng nước phép và một cành lá thơm, một cái kéo. Đến giờ làm lễ, các thầy đọc kinh, rồi ra hiệu cho từng người một vào quỳ đối diện với thầy chính (Pô-Grù). Thầy để vào lưỡi người thiếu nữ vài hạt muối, rồi lấy kéo cắt một ít tóc trên đỉnh đầu và cho uống một ngụm nước phép. Sau đó người nhà dâng lễ ăn sáng cho các thầy. Khi vào dâng lễ, người nhà và họ hàng phải mặc toàn đồ trắng tượng trưng cho sự trinh bạch đến chào người thiếu nữ vừa chịu lễ xong.
2.5.2. Tục thờ cúng tổ tiên
Người theo Hồi giáo chỉ có một niềm tin duy nhất là: “Tin tưởng Thượng đế Allah là tối cao duy nhất, và Muhammad là sứ giả cuối cùng của Allah, là người khai sáng Islam”. Tuy nhiên, người Chăm ở Việt Nam (đặc biệt là người Chăm Bàni ở miền Trung Việt Nam) vẫn còn lữu giữ và coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Họ quan niệm những người trong gia đình, khi mất đi vẫn có ảnh hưởng rất nhiều tới những người còn sống. Trách nhiệm này người Chăm giao cho người đàn ông đã thành niên (đã trải qua lễ Katat). Cùng với những người anh em trai của mình và những người đàn ông là anh em ruột của mẹ mình, họ chịu trách nhiệm chăm lo đời sống tâm linh và xử lý mọi công việc của gia đình cha mẹ và gia đình những người chị gái ruột đã tách hộ ở riêng nhưng vẫn giữ việc thờ cúng tổ tiên chung tại gia đình mẹ. Người đàn ông thành niên chịu trách nhiệm trình báo, xin phép tổ tiên của gia đình mẹ mình khi có những việc lớn trong nhà như làm nhà, dựng vợ gả chồng, ma chay hay trong các dịp lễ tết cổ truyền. Cho dù sau này lập gia đình, sang ở nhà vợ thì người đàn ông Chăm Hồi giáo Bani vẫn phải có trách nhiệm với việc cúng tế tại gia đình mẹ và gia đình các chị em gái mình mỗi khi có việc cần.
Lễ Tảo mộ là một trong 5 nghi thức của chuỗi lễ hội Ramưwan, nó giống như tiết thanh minh của người Việt.
Lễ hội tảo mộ diễn ra trước tháng ăn chay Ramưwan 3 ngày, bắt đầu từ ngày mùng Một tháng Chín của lịch Hồi giáo. Tảo mộ là nghi thức cúng viếng ông bà, tổ tiên. Trước đó từ ngày 25 tháng 8 lịch Islam, các làng Chăm Bani bắt đầu đi rãy mả (tảo mộ), rước vong linh ông bà tổ tiên về nhà, lập bàn thờ tạm, tổ chức lễ cúng ông bà trước khi đưa lên Chùa (Thánh đường Hồi giáo). Tháng Ramưwan kết thúc bằng lễ ra chùa, còn gọi là lễ xả chay. Từ nghi lễ tưởng nhớ trong đạo Hồi, đến với cộng đồng người Chăm, nó trở thành nghi lễ tưởng nhớ và thờ cúng tổ tiên mạng đậm văn hoá truyền thống bản địa Đông Nam Á.
Dưới mức độ ảnh hưởng đậm hay nhạt của văn hoá Hồi giáo ở hai cộng đồng người Chăm Bàni ở miền Trung hay Chăm Islam ở Nam Bộ, văn hoá bản địa và Bàlamôn giáo của người Chăm vẫn được lưu truyền trong nhiều trạng thái của nghi lễ Hồi giáo. Nó thể hiện sức sống dẻo dai và mãnh liệt của văn hoá truyền thống của người Chăm, tạo dựng nền văn hoá Việt Nam hiện đại thống nhất trong đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Kết luận
Trong quá trình lịch sử, sự hoà trộn các yếu tố văn hoá nội sinh và ngoại sinh đã hình thành một nền văn hoá Chămpa phong phú về nội dung và đa dạng về diện mạo. Tại mỗi vùng cư trú của người Chăm, quá trình giao lưu, tiếp xúc với yếu tố văn hoá bên ngoài (văn hoá Ấn Độ và Hồi giáo) đã hình thành những sắc thái văn hoá đặc thù mang đậm tính bản địa.
Hồi giáo truyền bá vào Việt Nam đã đem những văn minh và cả những giáo luật khắt khe đến với cộng đồng Chăm nước ta. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc với văn hoá bản địa, Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm đã bị phân hoá làm hai bộ phận tách biệt là Chăm Bàni và Chăm Islam với những đặc trưng tôn giáo và văn hoá riêng. Xét về bản chất Hồi giáo của người Chăm, chúng ta thấy rõ sự tác động và vai trò của tín ngưỡng

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Trung Đông - Bắc Phi: “chiến trường” trực tiếp của Mỹ


Trung Đông - Bắc Phi: “chiến trường” trực tiếp của Mỹ
Nguyễn Nhâm - Tạp chí Đảng Cộng sản
Hiện nay, Mỹ xác định hai chiến trường quan trọng cần giải quyết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - Bắc Phi. Trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu dài hạn, còn Trung Đông - Bắc Phi mà trực tiếp là vấn đề I-ran, Xy-ri đang là mục tiêu trước mắt.


Những thách thức
Hiện I-ran đang nổi lên như một cường quốc ở khu vực Trung Đông bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Đồng thời nước này đang đe dọa đến nền kinh tế Mỹ và phương Tây, khi mà những giao dịch tài chính sẽ không được thực hiện bằng đồng USD hay ơ-rô.
Nhận thức rõ những quan tâm của Mỹ đối vớiI-ran và Xy-ri, một số cường quốc mong muốn hình thành một liên minh chiến lược với I-ran như một biện pháp nhằm che chắn khỏisự xâm lấn địa - chính trị của Mỹ. Đó là lý do tại sao một số nước lớn đều không chấp nhận một cuộc chiến tranh chống I-ran, vì nếu I-ran sụp đổ sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến an ninh của họ.
Sự cạnh tranh nêu trên đang hình thành mặt trận quốc tế gồm: một bên là các nước Mỹ, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, Gióc-đan-ni; bên kia là các vương quốc dầu lửa trong vùng Vịnh; và bên thứ ba là I-ran, Xy-ri liên kết với một số cường quốc khác. Vì thế, những nỗ lực của Mỹ cho đến nay là nhằm làm suy yếu hoặc thay đổi chính thể cầm quyền hiện nay của I-ran và Xy-ri.
Để cô lập kinh tế và giảm mối đe dọa của I-ran, Mỹ đã và đang tiếp tục kêu gọi các nước ngừng nhập khẩu dầu từ nước này. I-ran là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới với tổng sản lượng vào khoảng 4 triệu thùng một ngày. Chỉ riêng doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã đóng góp 80% tổng doanh thu quốc gia của I-ran. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang tìm cách cấm vận nhằm làm mất 80% nguồn thu của I-ran, đồng thời gây sức ép lớn
lên nền kinh tế và người tiêu dùng nước này, với mục tiêu tạo sức ép kinh tế sẽ khiến người dân I-ran phát động phong trào phản đối chính quyền nước họ.
Quyết định cấm vận I-ran mặc dù được các nước đồng minh của Mỹ ủng hộ thực hiện nhưng cũng nảy sinh những tác dụng phụ đe dọa đến phát triển kinh tế không chỉ của châu Âu mà của ngay chính nước Mỹ. Theo nhà phân tích Oây-bơ (Weinberg) của Commerzbank, các chính sách của Mỹ đang ở thế bất lợi, đặc biệt là khi các mục
tiêu xung đột lẫn nhau và một số trường hợp cho thấy, việc trừng phạt I-ran sẽ khó có thể tránh khỏi làm tổn thương chính nước Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh.
Trên thực tế, nếu kế hoạch hạn chế nhập khẩu dầu của I-ran thành công thì các đồng minh của Mỹ sẽ là những đối tượng chịu tác động trước tiên. Theo đó, một số nền kinh tế vốn đang rất mong manh như Hy Lạp sẽ bị thiếu hụt dầu trầm trọng. Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên hiện mỗi ngày nhận từ I-ran 450.000 thùng dầu (tương đương khoảng 18% lượng dầu xuất khẩu của I-ran).
Mặc dù A-rập Xê-út đã bù vào chỗ thiếu hụt, nhưng các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng với tốc độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay thì nguồn cung này sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn, khiến giá dầu có thể tăng cao trở lại. Nền kinh tế các nước châu Âu hiện đang quá phụ thuộc vào nguồn cung từ I-ran cũng sẽ nguy kịch. Ngay cả với Mỹ, nếu giá dầu tăng cao cũng sẽ gây phương hại nghiêm trọng cho nền kinh tế đang “ốm” hiện nay.

Và quyết tâm của Mỹ
Ảnh hưởng to lớn của năng lượng dầu mỏ đến sự phát triển kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay là nguyên nhân trực tiếp khiến Mỹ quyết tâm thúc đẩy biện pháp kiểm soát Trung Đông - Bắc Phi. Xét trên góc độ địa - chính trị, ai kiểm soát được nguồn cung cấp dầu này sẽ kiểm soát được thế giới. Điều đó đã được chứng minh qua việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC đã từng làm khuynh đảo kinh tế thế giới thông qua việc tạo ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973 và 1979. Tương tự Nga cũng đã từng sử dụng vũ khí này để ép các nước châu Âu không được can thiệp vào công việc của các nước SNG - khu vực ảnh hưởng của Nga.
Mặc dù Mỹ là một trong 15 quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng sở hữu mỏ dầu lớn nhất có tên Piceance & Uinta Basins với trữ lượng khoảng 2.855 tỷ thùng. Trong khi Mỹ là nước tiêu thụ lượng dầu chiếm 25% sản lượng dầu thế giới, thì quốc gia này chỉ khai thác 9% và tích trữ khoảng 2% còn lại lấy từ các nguồn cung cấp bên ngoài. Với phương cách tiêu thụ và khai thác dầu như trên phần nào phản ánh ý đồ chiến lược của Mỹ là sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị giúp nước này duy trì vị thế lãnh đạo thế giới.
Vì vậy, “Đề án Trung Đông Lớn” đã được triển khai cách đây 30 năm và nay Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã đổi tên là “Đề án Trung Đông Mới”. Theo đề án này, Trung Đông được coi là khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới
bao gồm các nước A-rập Xê-út có trữ lượng 262,79 tỉ thùng, I-rắc 143 tỷ thùng, I-ran 115 tỉ thùng. Đứng thứ 4 là Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất với 97,8 tỷ thùng và thứ 5 là Cu-oát 96,5 tỉ thùng. Vì thế, Trung Đông trở thành tiêu điểm trong chiến lược năng lượng toàn cầu của Mỹ. Bằng cách này hay cách khác, Mỹ xác định cần phải kiểm soát được Trung Đông vì đây là nguồn năng lượng của thế giới. Cách mạng “Mùa xuân A- rập” ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi… về mặt động thái xuất phát có vẻ như từ tình trạng khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng thực chất nằm trong kịch bản “Đề án Trung Đông Lớn” nhằm nhanh chóng thay đổi chế độ cầm quyền, thiết lập ảnh hưởng trong thời kỳ “hậu cách mạng” theo Mỹ. Theo kịch bản này, hiện tại chỉ còn hai nước “dầu mỏ” đó là Xy-ri và I-ran chưa chịu tác động bởi đề án trên. Do đó, mục tiêu thay đổiChính quyền Xy-ri và I-ran là mục tiêu chiến lược mà Mỹ sẽ phải thực hiện.
Ảnh hưởng của các cường quốc lớn ngày càng gia tăng khiến Mỹ nóng lòng thúc đẩy giải quyết vấn đề Trung Đông - Bắc Phi càng sớm, càng tốt. Đây là con bài để Mỹ loại bỏ vai trò, ảnh hưởng và kiềm chế các đối thủ cạnh tranh. Đối với các nước mới nổi hiện đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi thời gian gần đây đã gây quan ngại lớn cho Mỹ, buộc Mỹ phải có những bước đi ngăn chặn.
Trong những năm tới, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực cả về không gian, địa lý và khi nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào năng lượng... thì vai trò của Trung Đông - Bắc Phi sẽ càng quan trọng, và cuộc cạnh tranh tại đây sẽ ngày càng gay gắt hơn nhiều. Vì vậy, kiểm soát khu vực này sẽ phá vỡ tổng thể những thành quả của các đối thủ của Mỹ đã đầu tư, gây dựng được tại đây.
Ngoài ảnh hưởng trên, Mỹ không chỉ muốn kiểm soát dầu mỏ I-ran cho mục tiêu kinh tế, mà còn muốn thiết lập một vành đai xung quanh đối thủ bằng cách kiểm soát an ninh năng lượng và kiểm soát giao dịch xuất khẩu dầu của nước này bằng đồng USD để đảm bảo việc tiếp tục sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế. Vì thế, các chiến lược gia cho rằng, dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới thì “Đề án Trung Đông Mới” vẫn là mặt trận trực tiếp quan quan trọng mà nước Mỹ quyết tâm theo đuổi./.

Thách thức Trung Đông và Bắc Phi


Thách thức Trung Đông và Bắc Phi

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã quyết định thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu và Trung Đông, trong khi người tiền nhiệm của ông, bà Clinton lại coi châu Á là khu vực được quan tâm hàng đầu. Với sự khác biệt này, giới quan sát quốc tế nhận định những thách thức ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ chi phối nghị trình chuyến thăm, đồng thời cho thấy một nét mới trong chính sách đối ngoại tới đây của Nhà Trắng.
Chuyến công du Trung Đông đầu tiên của ông Kerry không thiếu những thử thách. Phong trào nổi dậy “Mùa xuân Ảrập” đã tạo ra những khoảng trống quyền lực, trong bối cảnh các chính phủ mới thành lập gặp khó khăn trong việc dẹp bỏ tham nhũng và mang lại những cơ hội kinh tế và an ninh mà những người biểu tình yêu cầu. Ai Cập đang đứng trước nguy cơ phá sản khi chỉ còn đủ tiền dự trữ để chi trả cho việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu trong 3 tháng nữa. Nước này cũng đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% và lạm phát giá tiêu dùng đã ở ngưỡng 6,3%. Với những khó khăn về kinh tế, các cuộc biểu tình triền miên và thế bế tắc chính trị, Ai Cập đã trở thành một đối tác không ổn định đối với Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton
Trong khi đó, gần 70.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến tại Syria, và bạo lực đã tràn sang Lebanon và Jordan khiến 850.000 người phải đi tị nạn. Nền quân chủ thân phương Tây của Jordan vốn giúp Israel có được một đường biên giới an toàn, đang phải đối mặt với bất ổn chính trị do liên quan tới tốc độ tiến hành cải tổ như đã cam kết trước đó. Chính phủ dân chủ non trẻ của Tunisia đang bị xáo trộn sau khi một quan chức chính trị của phe đối lập bị ám sát. Libya đã khôi phục sản lượng dầu mỏ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau vụ lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Dù vậy, chính phủ mới còn non yếu không thể kiểm soát toàn bộ đất nước, dẫn tới việc kho vũ khí của Gaddafi rơi vào tay những quân nổi dậy Hồi giáo tại khu vực Sahel.
Quyết định của ông Kerry lựa chọn công du Trung Đông - vốn là nơi có nhiều các căn cứ quân sự Mỹ, là tuyến đường vận tải biển quan trọng, đồng thời là khu vực cung cấp khoảng 30% lượng dầu mỏ của thế giới - đã được các chuyên gia hoan nghênh. Nhà phân tích Michele Dunne - Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương và là người từng cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi Mỹ rút khỏi khu vực này - nói: “Tổng thống Obama đã thể hiện rất rõ rằng ông sẽ rút khỏi Trung Đông, và những thay đổi căn bản tại khu vực này có vẻ như không làm ông đổi ý. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng việc không hành động sẽ gây ra nhiều tổn thất và đẩy các lợi ích Mỹ đứng trước nhiều rủi ro lớn”. Giới phân tích cho rằng việc Syria sụp đổ có thể dẫn tới sự sụp đổ theo dây chuyền ở hàng loạt các quốc gia khác buộc chính quyền Obama phải can dự nhiều hơn, đặc biệt khi điều này có thể gây ra thêm các vụ xung đột sắc tộc tại Iraq.
Tại hai chặng dừng chân đầu tiên lần lượt ở Anh và Đức, Ngoại trưởng Kerry đã hội đàm với các nước đồng minh về vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Mali, tình hình kinh tế ngày càng xuống dốc của Ai Cập, cuộc nội chiến tại Syria đe dọa ổn định của khu vực và chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Ông cũng thể hiện mong muốn khẳng định vai trò nổi trội của Mỹ bằng cách làm ấm lại các cuộc đàm phán Israel-Palestine và giúp thương lượng một lối thoát cho Tổng thống Syria Basharal-Assad.
Chuyến công du này đã thể hiện chính sách ngoại giao mới của Washington, đó là khéo léo chuyển sự quan tâm khỏi châu Á và ngày càng tăng cường hướng tới châu Âu. Tyson Barker làm việc tại Quỹ Bertelsmann nói rằng sau nhiệm kỳ đầu tiên tập trung vào các mối quan hệ với các nước Thái Bình dương, Tổng thống Obama đang hy vọng có thể “củng cố và tăng cường một số mối quan hệ truyền thống”. Michael O’ Hanlon, một chuyên gia kỳ cựu chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng, làm việc tại Viện Brookings, cho rằng ông Kerry đã quyết định đúng khi tập trung vào khu vực Trung Đông - nơi hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng hơn so với châu Á.
Huỳnh Vũ

Putin công du Trung Đông - củng cố vị trí của Nga tại khu vực


Putin công du Trung Đông - củng cố vị trí của Nga tại khu vực

Nội dung chính trong chuyến công du của ông Putin sẽ tập trung vào các vấn đề nóng của khu vực này.  
Ngày 25/6, Tổng thống Nga Putin bắt đầu chuyến thăm tới một số nước Trung Đông và sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Jordan.
Tại Israel, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… và các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm như chương trình hạt nhân của Iran, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine.
Các quan chức ngoại giao hai nước đều cho rằng, có thể hai nước còn một số bất đồng về các vấn đề quốc tế, song cuộc gặp này là rất quan trọng để hai bên trao đổi quan điểm ở cấp cao và hiểu biết lẫn nhau hơn. Năm 2011, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 3 tỉ USD và đang có nhiều triển vọng để tiếp tục tăng mạnh. Israel cũng là cường quốc công nghệ mà Nga đang hướng tới nhằm thực hiện chương trình phát triển nền kinh tế sáng tạo, cụ thể là dự án khu công nghệ cao Skolkovo đang bắt đầu được triển khai.

Ngay sau chuyến thăm tới Israel, ông Putin sẽ tới Palestine và hội đàm với Tổng thống Abbas. Nội dung chính mà hai bên cùng quan tâm sẽ là tình hình kiểm soát xung đột giữa Palestine và Israel, vai trò của “Nhóm bộ tứ” (gồm Nga, Mỹ, EU và LHQ) cũng như cộng đồng quốc tế đối với tình hình phức tạp hiện tại Trung Đông, Bắc Phi… Điểm cuối cùng trong chuyến công du 2 ngày tới Trung Đông của Tổng thống Nga là Jordan.
Trong cuộc gặp với quốc vương Abdalla II, hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nóng hiện nay của khu vực, nhất là tình hình Syria, Iran và triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Bên cạnh các vấn đề quốc tế sẽ được thảo luận với các nhà lãnh đạo 3 nước Trung Đông trong chuyến thăm này, Tổng thống Nga Putin cũng sẽ tham dự nhiều hoạt động văn hóa, nhân văn nhằm củng cố quan hệ và vị trí của Nga tại khu vực quan trọng này./.

Tại sao Trung Đông lại quan trọng đối với Obama?


Tại sao Trung Đông lại quan trọng đối với Obama?



Trong khắp vùng này, các ngọn gió thay đổi đem lại cả sự hứa hẹn lẫn hiểm nguy. Vì vậy, ông Obama coi chuyến thăm này như một cơ hội để tái khẳng định mối liên kết không gì phá vỡ được giữa hai quốc gia Mỹ – Israel.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đi qua hàng quân danh dự cùng Tổng thống Israel Shimon Peres trong chuyến công du Trung Đông của ông, tại phi trường quốc tế Gurion gần Tel Aviv, Israel, hôm 20.3. Ảnh: Getty Images
Ngày 20.3, ông Barack Obama bắt đầu chuyến công du đầu tiên kể từ 2008, kéo dài bốn ngày tại Trung Đông trên cương vị tổng thống Mỹ. Chặng dừng chân trước tiên dĩ nhiên là Israel, rồi tới Palestine và sau đó đến Jordan vào cuối tuần. Giới quan sát cho rằng, chuyến đi mang tính “thăm dò” này sẽ tái thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình hoà bình Israel – Palestine. Chiến sự ở Syria và vấn đề hạt nhân của Iran cũng là những chủ đề chính trong các cuộc hội đàm.
Nhưng những mục tiêu bao quát hơn là ông Obama muốn được nhớ đến như một vị tổng thống đã chấm dứt hai cuộc chiến tranh, khôi phục hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, khai triển chiến lược Á tâm, tiêu diệt đầu não của al-Qaeda và xây dựng nền tảng cho một kỷ nguyên không phổ biến hạt nhân.
Hãng AFP đánh giá, di sản toàn cầu mà Tổng thống Obama muốn để lại sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2017 sẽ được định hình trong chuyến công du nước ngoài này.
Một cuộc thăm dò dư luận của tờ The Jerusalem Post cho thấy có đến 36% cho rằng ông Obama thiên về phía Palestine hơn là Israel, chỉ có 26% suy nghĩ ngược lại. Chương trình nghị sự giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Israel Shimon Peres và Thủ tướng Netanyahu bao gồm các hồ sơ lớn: Iran, Syria và tranh chấp Israel – Palestine.
Cho dù Mỹ và Israel vẫn khẳng định là công cuộc hợp tác an ninh, kinh tế, tình báo giữa hai nước đã được tăng cường hơn bao giờ hết, nhưng người dân Israel vẫn tỏ ra nghi kỵ đối với ông Obama. Nhiều người đánh giá ông không có cảm tình với Israel như các vị tiền nhiệm Bill Clinton hay Jimmy Carter. Trong nhiệm kỳ hiện nay, tổng thống Mỹ thường nhấn Trung Đông được theo dõi kỹ, không chỉ ở Israel mà cả ở Mỹ. Ông bị chỉ trích là đã không đi thăm Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên. Với chuyến đi này, ông muốn đánh bạt dư luận cho rằng ông không đủ thân thiết với Israel.
Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat từ chối bình luận về chuyến công du của ông Obama, song ông cho biết Palestine sẽ trình bày ngắn gọn các đề nghị của họ đối với ông Obama. Ông Erekat cho rằng Tổng thống Obama và thế giới cần gây áp lực để Israel thừa nhận giải pháp hai nhà nước theo đường biên giới 1967. Một nguồn thạo tin Palestine cho biết, chính quyền Mỹ đã nói với đoàn đại biểu Palestine rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc tìm hiểu tình hình các bên và chuẩn bị cơ sở thích hợp để tái khởi động các cuộc đàm phán hoà bình vốn đang giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cố làm giảm trông đợi rằng Tổng thống Obama sẽ cố đạt được tiến triển trong việc tái khởi động tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine. Những người ủng hộ các khu định cư của người Do Thái là lực lượng lớn trong chính phủ liên minh của Israel hiện nay.
Cuối cùng thì ông Obama và các nhà lãnh đạo Israel đã tái khẳng định sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ – Israel. Tổng thống Obama giải thích lý do ông chọn Israel làm chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài này: “Trong khắp vùng này, các ngọn gió thay đổi đem lại cả sự hứa hẹn lẫn hiểm nguy. Vì vậy tôi coi chuyến thăm như một cơ hội để tái khẳng định mối liên kết không gì phá vỡ được giữa hai quốc gia chúng ta, và một lần nữa nói lên cam kết bất di bất dịch của Mỹ đối với nền an ninh của Israel và nói chuyện thẳng với nhân dân Israel và các nước láng giềng của các bạn”. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông có một thông điệp chủ yếu gửi cho ông Obama và nhân dân Mỹ: “Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn đã sát cánh cùng Israel vào thời điểm thay đổi lịch sử ở Trung Ðông. Cảm ơn các bạn đã khẳng định dứt khoát quyền của Israel được tự vệ, một mình, chống lại mọi mối đe doạ”.
Trần Hiếu Chân

Chiến lược của Trung Quốc tại Trung Đông


Chiến lược của Trung Quốc tại Trung Đông
(ĐNĐT)- Trung Quốc sẽ hợp tác và cạnh tranhnhưng sẽ tránh đối đầu với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông.
Theo giới chuyên gia phân tích, kể từ thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu lấp khoảng trống mà Liên Xô để lại và không ngừng cải thiện quan hệ với các nước Trung Đông, đặc biệt là Iran, Syria và Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng, chính phủ của họ vẫn thiếu các đòn bẩy mạnh để tạo ảnh hưởng trực tiếp cho các vấn đề Trung Đông và lâu nay vẫn đóng vai trò quan sát nhiều hơn.
Trong thập kỷ tới, Trung Quốc có khả năng tăng cường đầu tư của mình và do đó, đòi hỏi tiếng nói lớn hơn ở Trung Đông. Trung Quốc có thể là người đến trễ so với thế lực chính trị toàn cầu, nhưng vì sự tương tác sâu sắc với các nước lớn khác nên sẽ yêu cầu sự chú ý nhiều hơn ở Trung Đông.
Trung Quốc có khả năng tăng cường đầu tư của mình và do đó đòi hỏi tiếng nói lớn hơn ở Trung Đông
Trung Quốc có khả năng tăng cường đầu tư của mình và do đó đòi hỏi tiếng nói lớn hơn ở Trung Đông
Trung Đông là một khu vực nóng bỏng nhất với các vấn đề gây tranh cãi và căng thẳng đấu tranh ngoại giao. Do đó, cho phép Trung Quốc một cơ hội để truyền bá các nguyên tắc ngoại giao của mình là tôn trọng chủ quyền của các nước khác và phản đối bên ngoài can thiệp công việc nội bộ của một quốc gia, cũng như tăng cường quyền lực mềm.
Ngoài việc cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội đảm bảo nguồn cung năng lượng, Trung Đông sẽ tiếp tục làm chậm tốc độ của sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược về phía Đông của Hoa Kỳ vì các vấn đề phức tạp của nó.
Ngoài ra, các nước trong khu vực sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong thập kỷ tới khi trung tâm quyền lực toàn cầu tiếp tục dịch chuyển về phía Đông. Các nước Trung Đông coi Trung Quốc như là một đối tác quan trọng, có thể giúp họ mở rộng không gian quốc tế, cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc trước đây và thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, thập kỷ tới có thể chứng kiến chiến lược "hướng Đông" của các nước trong khu vực được đưa vào thực hiện.
Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc ở Trung Đông sẽ tăng dần để không làm xáo trộn sự cân bằng địa chính trị và kinh tế của khu vực này. Vì vậy, chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với những thách thức của Trung Đông như thiếu an ninh và các thỏa thuận về tài chính.
Trung Quốc hiểu rằng các yếu tố bên ngoài khác cũng ảnh hưởng đến tình hình ở Trung Đông. Ví dụ, Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về cuộc khủng hoảng Syria được ba nước phương Tây ủng hộ, một phần vì những gì đã xảy ra tại Libya và sự chuyển dịch chiến lược về phía đông của Mỹ.
Trung Quốc sẽ hợp tác và cạnh tranh, nhưng sẽ tránh đối đầu với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông. Quan hệ Trung-Mỹ không nên, và không thể “trắng tay” ở Trung Đông. Việc Mỹ sẽ mất vị trí thống trị của mình trong khu vực đang ngày càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, đầu tư chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông sẽ không nhằm mục đích chấm dứt tầm ảnh hưởng truyền thống của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc chỉ vừa đặt chân ở Trung Đông và sự tham gia này không nhằm chấm dứt sự thống trị của Mỹ. Vì Trung Quốc không có lợi ích cốt lõi ở Trung Đông nên họ có thể đạt được một thỏa hiệp với Hoa Kỳ về các vấn đề khu vực.
Trung Đông sẽ tiếp tục gặp bất ổn và các cường quốc khu vực sẽ cạnh tranh để thiết lập quyền bá chủ trong thập kỷ tới. Trung Quốc sẽ cố gắng tạo sự khác biệt trong các vấn đề như vậy.
Vĩnh Thụy (tổng hợp)

Ngoại trưởng Nga thảo luận các vấn đề Trung Đông


Ngoại trưởng Nga thảo luận các vấn đề Trung Đông


Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov đã có mặt tại Ai Cập. Hôm 1/12, ông gặp Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Abul-Gheit và một số nhà lãnh đạo cao cấp của nước này để cùng thảo luận về mâu thuẫn Israel-Palestine và những vấn đề khác tại Trung Đông.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynincho biết, chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới Ai Cập lần này chủ yếu nhằm mục đích hòa giải mâu thuẫn giữa Israel và các nước Ả Rập.

Ngày 1/12, ông Sergei Lavrov sẽ hội đàm với người đồng cấp Ahmed Abul-Gheit và được hội kiến cùng Tổng thống Ai cập Hosni Mubarak.

Ông Izaat Saad el-Sayed, Đại sứ Ai Cập tại Nga nhận định: “Đây sẽ là cuộc gặp thứ 2, củng cố đối thoại chiến lược song phương Nga-Ai Cập. Mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước chỉ mới bắt đầu vào tháng 10/2005.”

“Chính phủ Ai Cập hi vọng nhân chuyến thăm Ai Cập lần này, hai nước sẽ tìm ra biện pháp tháo gỡ mâu thuẫn về lãnh thổ Palestine, triển vọng thành lập một nhà nước Palestine độc lập và giúp đỡ chính phủ nước này vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên”, Đại sứ Saad el-Sayed nói.

Ngoài ra, những vấn đề đáng quan ngại tại Trung Đông khác như Li Băng, Iran và Iraq cũng nằm trong lịch trình thảo luận.



Khủng hoảng Syria khơi mào chiến tranh giáo phái Trung Đông


Khủng hoảng Syria khơi mào chiến tranh giáo phái Trung Đông

(VOV) - Cuộc khủng hoảng Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni.
Cuộc khủng hoảng Syria kéo dài cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa nước này và Thổ Nhĩ Kì đang tác động không nhỏ đến cục diện khu vực Trung Đông. Theo đó, sự xung đột mới nảy sinh giữa hai nước vốn được coi là “láng giềng thân thiện” này có thể làm sâu sắc hơn những tư tưởng phe phái và sắc tộc đã tồn tại bấy lâu nay tại khu vực Trung Đông. Các vụ bạo loạn mới đây ở Lebanon là minh chứng rõ nhất.
Các tay súng Hồi giáo Lebanon khiêng quan tài của 1 trong 4 nạn nhân trong vụ đụng độ sắc tộc ở miền Bắc Tripoli ngày 9/12 (Ảnh: Reuters)
Chính phủ của Tổng thống Assad nhận được sự ủng hộ từ các nhóm bộ lạc Alawite - một nhánh của cộng đồng người Shiite, đang tăng cường mối quan hệ với Iran và chính phủ của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kì lại liên minh với một số nước quân chủ tại Trung Đông do người Sunni đứng đầu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni tại Trung Đông.
Những tác động này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc bạo loạn mới đây tại Lebanon. Cuộc khủng hoảng Syria đang gây nên tình trạng chia rẽ trong xã hội Lebanon do người Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria, còn người Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ phe đối lập. Một quan chức an ninh Lebanon cho biết, đụng độ sắc tộc tại nước này liên quan tới tình hình Syria đã xảy ra ở thành phố miền Bắc Tripoli ngày 9/12 làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Những người Hồi giáo Sunni ở thành phố cảng này đã bắn súng máy và rocket vào những người Hồi giáo dòng Shiite. Quân đội Lebanon đã được triển khai để kiểm soát tình hình. 

Alastair Crooke - Cựu hòa giải vấn đề Trung Đông của Liên minh châu Âu nhận định, cuộc nội chiến Syria đang có nguy cơ làm gia tăng một cuộc chiến giáo phái tại các nước láng giềng: “Cuộc khủng hoảng tại Syria đang tác động không nhỏ đến những nước láng giềng. Thậm

Trung Quốc muốn đắc lợi ở Trung Đông


Trung Quốc muốn đắc lợi ở Trung Đông

Giới quan sát nhận định với những động thái liên quan đến Trung Đông gần đây, Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.
Trung Quốc được cho là đang tận dụng căng thẳng giữa phương Tây với Syria và Iran để trở thành một đối tác có ảnh hưởng trong khu vực với những hoạt động liên tục. Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao Địch Tuyển đến Syria trong 2 ngày 17 và 18.2 để bàn về cuộc khủng hoảng ở đây. Trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo công du Ả Rập Xê Út, Qatar và UAE trong tháng 1. Theo báo The New York Times, đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc đến Qatar và UAE từ trước đến nay. Cũng phải sau 2 thập niên mới lại có một người đứng đầu chính phủ Trung Quốc thăm Ả Rập Xê Út.
Mới đây, trang tin China.org.cn dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Lâm Lương Tường nhận định: “Trung Đông là nơi chúng ta có thể chứng tỏ vai trò một siêu cường có trách nhiệm”.
Tạo dựng ảnh hưởng
Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc không ngừng cải thiện quan hệ với các nước Trung Đông, đặc biệt là Iran và Ả Rập Xê Út. Hiện Iran là nước cung cấp dầu lớn thứ 3 cho Trung Quốc, sau Ả Rập Xê Út và Angola. Đổi lại, Trung Quốc xuất khẩu vũ khí cho 2 đối tác trên, theo tạp chí Middle East Quarterly.
Ngoài ra, ngay từ thời Trung cổ, Trung Quốc đã có quan hệ với Syria thông qua Con đường tơ lụa, theo Giáo sư Stephen Zunes tại Đại học San Francisco (Mỹ). “Ngày nay, Trung Quốc muốn dựng lại con đường thương mại này và đang tăng cường hướng tới Trung Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng”, ông Zunes nhận định trên chuyên trang về Trung Đông Middleeastvoices.com.
Trong bài bình luận đăng trên báo Los Angeles Times, 2 chuyên gia David Schenker và Christina Lin tại Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington cho hay từ thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu lấp khoảng trống mà Liên Xô để lại ở Syria bằng cách cung cấp tên lửa cho nước này. Nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng Trung Quốc hiện không chỉ là nguồn cung vũ khí ổn định mà còn đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa ngành năng lượng của Syria.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng chính phủ của họ vẫn thiếu các đòn bẩy mạnh để tạo ảnh hưởng trực tiếp cho các vấn đề Trung Đông và lâu nay vẫn đóng vai trò quan sát nhiều hơn.
 
Tổng thống al-Assad (phải) tiếp Thứ trưởng Địch Tuyển tại Damascus - Ảnh: AFP
Thời cơ đã đến?
Theo 2 nhà quan sát Schenker và Lin, bối cảnh tình hình mới ở Trung Đông và Bắc Phi do chính biến được Bắc Kinh xem là cơ hội “vàng” để giành chỗ đứng trong khu vực. Trung Quốc và Nga đã phủ quyết các dự thảo nghị quyết của LHQ kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Đây là một trong những lần hiếm hoi nước này sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ. Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Địch Tuyển phát biểu tại Damascus kêu gọi tất cả các bên chấm dứt tình trạng bạo lực và ủng hộ lộ trình cải cách của chính phủ Syria.
Ngoài ra, hồi tháng 10.2011, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, một thế lực đang lên trong khu vực, đã nâng quan hệ song phương lên tầm chiến lược. Theo AFP, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Ankara vào cuối ngày hôm qua để thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria và thương mại song phương. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc chọn Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm tâm điểm cho chiến lược Trung Đông của mình vì những nước này có quan hệ phức tạp hoặc có vấn đề với Mỹ.  Để bổ sung cho nhóm 3 nước này, Trung Quốc dường như đang nhắm tới Iraq và hiện là nhà đầu tư về năng lượng hàng đầu ở đây.
Bên cạnh đó, tuy Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm về các vấn đề nóng bỏng hiện nay ở Trung Đông nhưng Moscow có thể sẽ khó chịu khi thấy Bắc Kinh muốn tăng ảnh hưởng ở đây. Hồi năm ngoái, trang tin WhatDoesItMean.com dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nhắc đến một thỏa thuận quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan với giọng điệu lo ngại. Theo ông, với thỏa thuận này, Pakistan sẽ cho phép bộ binh Trung Quốc dùng đường cao tốc Karakoram để tiến thẳng vào Trung Đông khi cần thiết.
Trung Quốc chỉ trích phương Tây
Trong bài bình luận trên Nhân Dân nhật báo ngày 20.2, Giám đốc Khúc Hưng của Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhận định quan điểm của một số nước về Syria “chủ yếu dựa trên các toan tính địa chính trị” và “nếu phương Tây tiếp tục hỗ trợ lực lượng đối lập Syria, cuộc nội chiến sẽ bùng nổ”. Trong khi đó, báo The New York Times dẫn lời 2 thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham tuyên bố Mỹ nên cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syira khi chính phủ nước này vẫn mạnh tay trấn áp người biểu tình.
Văn Khoa

Các Giáo hội Kitô tại Trung Đông: Những chuyển động hướng đến hiệp nhất


Các Giáo hội Kitô tại Trung Đông: Những chuyển động hướng đến hiệp nhất
Linh mục Frans Bouwen

Các Giáo hội Kitô tại Trung Đông: Những chuyển động hướng đến hiệp nhất
WHĐ (21.01.2013) – Một trong những nơi trên thế giới được đặc biệt chú ý trong Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu, đó là Thánh địa Giêrusalem và vùng Trung Đông.
Nhà báo Christophe Lafontaine, chuyên về các vấn đề liên quan đến Kitô giáo tại Trung Đông, đặc biệt về đối thoại đại kết và về sự hiệp nhất các Kitô hữu, đã có cuộc phỏng vấn linh mục Frans Bouwen, thuộc Hội Thừa sai Phi châu (quen gọi Các cha Áo trắng), về cái nhìn của ngài về tiến trình đại kết tại Thánh địa và vùng Trung Đông.
Cha Frans Bouwen là một chuyên gia về các Giáo hội Đông phương và cuộc đối thoại với các Giáo hội Kitô phương Đông.
Bài phỏng vấn được đăng tại Trang tin điện tử của Tòa Thượng phụ Công giáo latinh Giêrusalem ngày 18-01-2013, mở đầu tuần Cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.
* * *
– PVXin Cha cho biết cái nhìn tổng quát về vấn đề đại kết tại Thánh địa.
– Lm Frans Bouwen: Đại kết là một thực tại sống động, có thăng có trầm như cuộc sống con người và mọi tổ chức xã hội hiện có, vì thế khó mà đưa ra “bản kiểm kê” hoặc “bản tổng kết”. Điều chúng ta cần biết là hiện nay điểm nổi bật trong quan hệ giữa các Giáo hội tại Giêrusalem là tình huynh đệ và mối quan hệ này còn mang tính tự phát. Đây là một thực tế đang diễn ra ở cấp độ các vị lãnh đạo như giáo chủ, giám mục cũng như cấp độ các tín hữu. Nhìn chung, nhiều sáng kiến gần đây do các linh mục, mục sư cũng như giáo dân đề xướng đã cho thấy vấn đề đại kết đã bén rễ tốt tại cơ sở.
Giữa lúc có nhiều biến động đang diễn ra tại vùng Trung Đông, thì điều vừa nói có ý nghĩa rất quan trọng. Các tín hữu Kitô ý thức rõ, chỉ khi biết cộng tác với nhau mới kiến tạo được tương tai cho vùng đất này, và thật đáng khích lệ khi được biết có rất nhiều linh mục, giám mục đã mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của các Kitô hữu. Nhiều người trong chúng ta mong mỏi và hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác mang tính đại kết này trong lĩnh vực mục vụ, dù biết vẫn còn nhiều trở ngại trên hành trình đại kết.
– PVThưa Cha, những quyết định của Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông (tháng Mười 2010) liên quan đến đối thoại đại kết hiện đã được áp dụng chưa?
– Lm Frans Bouwen: Đầu tháng Mười Hai vừa qua đã diễn ra cuộc họp quy tụ đông đảo các thượng phụ giáo chủ, giám mục vùng Trung Đông, diễn ra tại Beirut, nhằm nghiên cứu và cổ võ việc áp dụng những phương hướng chính đã được THĐ về Trung Đông đề ra, và được hướng dẫn từ Tông huấn hậu THĐ Ecclesia in Medio Oriente (Giáo hội tại Trung Đông) do ĐTC Bênêđictô XVI gửi cho các Giáo hội tại vùng này, trong chuyến tông du của ngài đến Liban vào tháng Chín năm ngoái. Còn tại Giêrusalem, chúng tôi nhận được một số thông tin liên quan đến những quyết định cụ thể đã được thông qua. Mặt khác, hầu hết những quyết định đối với toàn khu vực Trung Đông cũng đã đề ra những tiên liệu khi áp dụng, do có những khác biệt, đôi khi khá lớn, về hoàn cảnh cụ thể tại địa phương.
Do đó trong khi chờ đợi, mọi người, từ giám mục, linh mục đến các tu sĩ nam nữ và giáo dân đều được mời gọi tìm hiểu thấu đáo tinh thần đại kết đã được ĐTC nhấn mạnh trong Tông huấn. Sẽ rất ích lợi nếu mọi người đều suy gẫm số 12 của Tông huấn: “Dựa trên những chỉ dẫn trong văn kiện Hướng dẫn thực hiện Đại kết (được HĐTT Cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu ban hành năm 1993 – T.T. chú thích), các Kitô hữu Công giáo có thể cổ võ tinh thần đại kết tại các giáo xứ, đan viện và tu viện, các trường phổ thông và đại học, các chủng viện. Các mục tử cần giúp các tín hữu quen với việc làm chứng cho sự hiệp thông trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chắc chắn sự hiệp thông không phải là điều mơ hồ. Việc làm chứng đích thực đòi phải nhìn nhận và tôn trọng tha nhân, sẵn sàng đối thoại trong sự thật, biết lấy kiên nhẫn làm thước đo yêu thương, biết sống tinh thần đơn sơ và khiêm nhường của người nhìn nhận mình là kẻ có tội trước mặt Chúa và người lân cận, biết tha thứ, biết làm hòa và thanh tẩy ký ức trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn”.
– PVCác Kitô hữu đang chuẩn bị sẵn sàng mừng lễ Phục sinh vào một ngày thống nhất, theo lịch Giulianô. Phải chăng đây là bước đầu tiên sẽ đưa đến những việc cụ thể khác nữa?
 Lm Frans Bouwen: Từ nhiều năm nay, các tín hữu Kitô tại Thánh địa không ngừng đề nghị được cùng mừng Chúa Phục sinh vào một ngày thống nhất. Đặc biệt đối với các gia đình theo các Giáo hội Kitô khác nhau, nhất là Công giáo và Chính thống giáo, họ cảm nhận rất cụ thể những phiền toái do sự khác biệt về lịch mừng lễ giữa Đông và Tây phương, có khi khác nhau đến 5 tuần lễ như trường hợp năm nay. Phần đông các tín hữu Kitô cho rằng: không thể cùng nhau mừng Chúa Phục sinh thì đã là một phản chứng rồi. Từ 15 năm nay, tại khu vực Ramallah, các giáo xứ Công giáo, Anh giáo và Tin lành Luther đều cùng mừng Chúa Phục sinh vào một ngày thống nhất, dựa theo lịch phương Đông. Vì vậy nên vui mừng khi thấy phẩm trật Công giáo quyết định tích cực đáp lại những mong mỏi của các tín hữu và phối hợp các sáng kiến. Còn quá sớm để đánh giá quyết định này tác động ra sao đối với tiến trình đại kết, hơn nữa phẩm trật Chính thống giáo Hy Lạp thường tỏ ra rất dè dặt về việc này. Chúng ta cầu nguyện và hy vọng sẽ có được kinh nghiệm tốt nhất trong năm nay, để trong một tương lai gần, sẽ thực hiện được việc phối hợp đại kết tốt nhất.
(fr.lpj.org, 18-01-2013)
 
Thành Thi chuyển ngữ