Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Thách thức Trung Đông và Bắc Phi


Thách thức Trung Đông và Bắc Phi

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã quyết định thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu và Trung Đông, trong khi người tiền nhiệm của ông, bà Clinton lại coi châu Á là khu vực được quan tâm hàng đầu. Với sự khác biệt này, giới quan sát quốc tế nhận định những thách thức ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ chi phối nghị trình chuyến thăm, đồng thời cho thấy một nét mới trong chính sách đối ngoại tới đây của Nhà Trắng.
Chuyến công du Trung Đông đầu tiên của ông Kerry không thiếu những thử thách. Phong trào nổi dậy “Mùa xuân Ảrập” đã tạo ra những khoảng trống quyền lực, trong bối cảnh các chính phủ mới thành lập gặp khó khăn trong việc dẹp bỏ tham nhũng và mang lại những cơ hội kinh tế và an ninh mà những người biểu tình yêu cầu. Ai Cập đang đứng trước nguy cơ phá sản khi chỉ còn đủ tiền dự trữ để chi trả cho việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu trong 3 tháng nữa. Nước này cũng đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% và lạm phát giá tiêu dùng đã ở ngưỡng 6,3%. Với những khó khăn về kinh tế, các cuộc biểu tình triền miên và thế bế tắc chính trị, Ai Cập đã trở thành một đối tác không ổn định đối với Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton
Trong khi đó, gần 70.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến tại Syria, và bạo lực đã tràn sang Lebanon và Jordan khiến 850.000 người phải đi tị nạn. Nền quân chủ thân phương Tây của Jordan vốn giúp Israel có được một đường biên giới an toàn, đang phải đối mặt với bất ổn chính trị do liên quan tới tốc độ tiến hành cải tổ như đã cam kết trước đó. Chính phủ dân chủ non trẻ của Tunisia đang bị xáo trộn sau khi một quan chức chính trị của phe đối lập bị ám sát. Libya đã khôi phục sản lượng dầu mỏ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau vụ lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Dù vậy, chính phủ mới còn non yếu không thể kiểm soát toàn bộ đất nước, dẫn tới việc kho vũ khí của Gaddafi rơi vào tay những quân nổi dậy Hồi giáo tại khu vực Sahel.
Quyết định của ông Kerry lựa chọn công du Trung Đông - vốn là nơi có nhiều các căn cứ quân sự Mỹ, là tuyến đường vận tải biển quan trọng, đồng thời là khu vực cung cấp khoảng 30% lượng dầu mỏ của thế giới - đã được các chuyên gia hoan nghênh. Nhà phân tích Michele Dunne - Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương và là người từng cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi Mỹ rút khỏi khu vực này - nói: “Tổng thống Obama đã thể hiện rất rõ rằng ông sẽ rút khỏi Trung Đông, và những thay đổi căn bản tại khu vực này có vẻ như không làm ông đổi ý. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng việc không hành động sẽ gây ra nhiều tổn thất và đẩy các lợi ích Mỹ đứng trước nhiều rủi ro lớn”. Giới phân tích cho rằng việc Syria sụp đổ có thể dẫn tới sự sụp đổ theo dây chuyền ở hàng loạt các quốc gia khác buộc chính quyền Obama phải can dự nhiều hơn, đặc biệt khi điều này có thể gây ra thêm các vụ xung đột sắc tộc tại Iraq.
Tại hai chặng dừng chân đầu tiên lần lượt ở Anh và Đức, Ngoại trưởng Kerry đã hội đàm với các nước đồng minh về vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Mali, tình hình kinh tế ngày càng xuống dốc của Ai Cập, cuộc nội chiến tại Syria đe dọa ổn định của khu vực và chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Ông cũng thể hiện mong muốn khẳng định vai trò nổi trội của Mỹ bằng cách làm ấm lại các cuộc đàm phán Israel-Palestine và giúp thương lượng một lối thoát cho Tổng thống Syria Basharal-Assad.
Chuyến công du này đã thể hiện chính sách ngoại giao mới của Washington, đó là khéo léo chuyển sự quan tâm khỏi châu Á và ngày càng tăng cường hướng tới châu Âu. Tyson Barker làm việc tại Quỹ Bertelsmann nói rằng sau nhiệm kỳ đầu tiên tập trung vào các mối quan hệ với các nước Thái Bình dương, Tổng thống Obama đang hy vọng có thể “củng cố và tăng cường một số mối quan hệ truyền thống”. Michael O’ Hanlon, một chuyên gia kỳ cựu chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng, làm việc tại Viện Brookings, cho rằng ông Kerry đã quyết định đúng khi tập trung vào khu vực Trung Đông - nơi hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng hơn so với châu Á.
Huỳnh Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét