Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Vấn đề Trung Đông và Bắc Phi đang nóng lên

Vấn đề Trung Đông và Bắc Phi đang nóng lên


Các cuộc gặp về Iran và Syrie bên lề phiên họp Đại Hội đồng LHQ được dự báo là không để lại nhiều đột phá. Ảnh: Press TV 

Mặc dù chỉ là những phát biểu bên lề cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhưng những "nhân vật chính" đã cho thấy những "điểm nóng" thực sự của thế giới.
Vẫn là lập trường cứng rắn của Ahmadinejad
Hôm 24-9, phát biểu ngay trước thềm phiên họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ tại thành phố New York của Mỹ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã mạnh miệng cho rằng "Israel không có rễ gốc gì tại Trung Đông nên cần phải bị loại bỏ".
"Iran đã tồn tại suốt 7-10 ngàn năm qua. Họ (Israel) chiếm những vùng đất chỉ mới 60-70 năm gần đây, với sự trợ giúp và thúc đẩy từ phương Tây. Chúng tôi tin rằng họ nhận thấy đoạn kết và họ đang tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới để có thể thoát khỏi cái kết thê thảm trên. Iran sẽ không bị tổn hại bởi những quả bom từ bên ngoài"- Tổng thống Ahmadinejad phát biểu tại khách sạn Manhattan.
"Trên cơ bản, chúng tôi không lo sợ các mối đe dọa từ những người Do Thái. Chúng tôi có tất cả mọi vũ khí phòng thủ để sử dụng và sẵn sàng tự vệ"- Tổng thống Ahmadinejad nhấn mạnh.
Phản ứng trước những phát biểu trên, phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Vietor đã lên tiếng phê phán: "Những bình luận của Tổng thống Ahmadinejad với tính chất ghê tởm, khó chịu và vô nhân đạo".
Cũng trong phát biểu tại New York, Tổng thống Ahmadinejad lập luận: "Chương trình hạt nhân không phải là chuyện lớn. Cái cách tiếp cận của Mỹ đối với Iran mới là điều quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp căn cơ cho những vấn đề trên nhưng phải dựa trên sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi không mong đợi nút thắt tồn tại 33 năm giữa Washington và Tehran sẽ được mở ra chỉ bằng một giải pháp chóng vánh. Không gì ngoài con đường đối thoại".
Tổng thống Ahmadinejad cho rằng Tehran vẫn sẵn sàng thương lượng về điều mà ông khẳng định là chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhưng chính Mỹ đã "bỏ lỡ" các cơ hội để cải thiện quan hệ với Iran.
Sau đó, nhà lãnh đạo Iran quay sang chỉ trích các lệnh cấm vận đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran khi cho rằng các quốc gia sẽ không nhượng bộ trước những quy luật của "những kẻ bắt nạt". Tổng thống Iran cho rằng Tehran, vốn đang bị kiềm kẹp bởi các lệnh cấm vận của LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh chương trình hạt nhân của nước này, đã không đến nỗi tệ như một số nước nghĩ và Tehran vẫn có thể tồn tại mà không cần thu nhập từ dầu mỏ.
"Bắt nạt" cũng là từ ngữ mà ông Ahmadinejad dùng khi nhắc đến quan hệ giữa Mỹ với Israel trong vấn đề Iran. Ông Ahmadinejad cho rằng Israel đang "bắt nạt" Mỹ xung quanh những cáo buộc về mối đe dọa hạt nhân từ Iran, Tel Aviv luôn "dọa" Mỹ sẽ phát động cuộc chiến tấn công Iran với hy vọng đồng minh này sẽ tiếp tay họ.
Gần đây, Tel Aviv liên tục thúc giục Washington lập ra "ranh giới đỏ" đối với Iran, vốn có thể kéo theo cuộc tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định chỉ đề cập đến cuộc chiến một khi không còn giải pháp nào để ngăn cản Iran "phát triển vũ khí hạt nhân".
Obama với bài toán Trung Đông
Hôm 24-9, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Tổng thống Obama sẽ tận dụng bài phát biểu chủ đạo trước Đại Hội đồng LHQ vào ngày 25-9 để đối phó với làn sóng biểu tình chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo xung quanh đoạn phim báng bổ đạo Hồi, vốn do một người Mỹ sản xuất, gây phẫn nộ trong những ngày qua, đồng thời ông Obama nhân đây cũng khẳng định sẽ không thay đổi viện trợ và ủng hộ cho một số quốc gia Trung Đông vì cái gọi là "Mùa xuân A-rập".
"Đây cũng sẽ là thời điểm để Mỹ khẳng định các giá trị và sự lãnh đạo của quốc gia này trong giai đoạn chuyển tiếp ở những nền dân chủ đang nổi lên tại Trung Đông"- ông Carney nói thêm.
Trong bối cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn khoảng 6 tuần nữa là đến, ông Obama phải cân bằng nhu cầu ngoại giao để phát đi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế bằng một nhu cầu chính trị để hạ nhiệt bầu không khí chỉ trích tại Mỹ xung quanh làn sóng chống Mỹ trên thế giới.
Cũng theo ông Carney, Tổng thống Obama sẽ lặp lại việc chính quyền Mỹ phản đối đoạn phim báng bổ đạo Hồi, nhưng cũng sẽ phàn nàn về tình trạng bạo lực nổ ra theo sau đoạn phim trên.
"Bất ổn tại Syrie là mối đe dọa cho toàn khu vực"
Một trong những thử thách lớn mà nguyên thủ các nước tham dự cuộc họp Đại Hội đồng LHQ lần thứ 67 phải đối mặt là tình trạng bất ổn kéo dài 18 tháng qua tại Syrie. Trong một phát biểu hôm 24-9, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Lakhdar Brahimi nhấn mạnh: "Nội chiến tại Syrie đang trở nên tồi tệ hơn và không có dấu hiệu nào cho thấy một cái kết nhanh chóng đối với tình trạng bạo lực tại quốc gia Trung Đông này".
Tuy nhiên, ông Brahimi cũng tiết lộ về một kế hoạch mới mà ông đang soạn thảo với hy vọng có thể phá vỡ thế bế tắc bấy lâu nay. Mặc dù Tổng thống Syrie Bashar al-Assad bác bỏ việc từ chức, nhưng một vài hy vọng lóe lên từ giải pháp trên vẫn còn, ông Brahimi nói thêm.
"Tôi nghĩ không có bất cứ phủ nhận nào về tình cảnh tại Syrie, vốn đã cực kỳ xấu và ngày càng trầm trọng thêm. Đây là mối đe dọa với toàn khu vực Trung Đông và thậm chí đối với nền hòa bình và an toàn cho cả thế giới"- ông Lakhdar Brahimi nhấn mạnh.
THANH BÌNH
(Theo Reuters, Washington Post, Guardian, AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét