Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Xy-ri trong kế hoạch "Đại Trung Đông" của Mỹ


Xy-ri trong kế hoạch "Đại Trung Đông" của Mỹ


Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng vũ trang tại khu vực giáp giới Xy-ri.
Bài báo nhận định: Những gì đã và đang xảy ra trong thế giới A-rập thực chất chỉ là kết quả của một kế hoạch đã được tính toán kỹ của Mỹ dưới tên gọi "Đại Trung Đông", do các bộ não của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra sau vụ khủng bố 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ. Cùng thời điểm này, tại Mỹ ra đời cuốn sách có tựa đề "Đừng bao giờ ngừng chiến" của Ran-phơ Pi-tơ, một Đại tá Mỹ về hưu, từng nhiều năm làm việc tại Học viện Quân sự quốc gia Mỹ và một bài báo mang tên "Các biên giới đẫm máu. Trung Đông có thể tốt hơn". Thực chất, đây không phải là một bài báo hay một cuốn sách thuần túy, mà là một tài liệu mang tính lên chương trình của các nhân vật diều hâu ở Mỹ.
Bài báo viết: Ông Pi-tơ cho rằng, "các đường biên giới tự phát và vô thừa nhận nhất nằm ở châu Phi và Trung Đông". Từ các đường biên giới này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề lớn không thể giải quyết được ở tầm khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Pi-tơ đề xuất một lộ trình để thâu tóm Trung Đông. Theo ông, bất công lớn nhất ở khu vực này là cộng đồng người Cuốc dù đông đảo song không có một quốc gia độc lập của riêng mình. Ông ước tính hiện có từ 27 đến 36 triệu người Cuốc đang sinh sống ở những khu vực giáp biên giới ở Trung Đông. Với số lượng đông như vậy, người Cuốc là nhóm dân tộc hùng hậu nhất mà lại chưa có quốc gia. Vì vậy, để giải quyết vấn đề quốc gia của họ, phải chia nhỏ I-rắc, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri, lấy ở mỗi nước một phần đất để làm quốc gia cho người Cuốc. Nếu làm được điều này, một quốc gia của người Cuốc trong tương lai sẽ là nhà nước thân Mỹ và phương Tây nhất ở vùng giáp ranh đại lục địa Á-Âu.
Cũng theo kế hoạch của Mỹ, phải tách một vài tỉnh của I-rắc ra thành một quốc gia riêng của những người Hồi giáo dòng Xun-nít. Quốc gia này sau đó sẽ sáp nhập vào Xy-ri vì Xy-ri khi đó sẽ chỉ còn là một quốc gia nhỏ bé sau khi mất một phần lãnh thổ giáp Li-băng. Còn cộng đồng người Si-ít ở phía nam I-rắc sẽ thành lập quốc gia riêng của người Si-ít A-rập. Theo đó, tại vị trí thánh địa Méc-ca thuộc A-rập Xê-út hiện nay sẽ thành lập cái gọi là "Đại Va-ti-căng" của Hồi giáo. Các mỏ dầu nằm ở lân cận Méc-ca sẽ được chia cho người Si-ít A-rập, còn các mỏ phía nam sẽ chia cho Y-ê-men. Gioóc-đa-ni cũng sẽ được hưởng một phần "lộc tự nhiên". Bằng cách này, Mỹ cùng lúc ép được cả thế giới Hồi giáo cùng hướng về "Đại Va-ti-căng" ở Trung Đông bằng một niềm tin tuyệt đối.
Trong kế hoạch này, I-ran là nước bị Mỹ chia cắt nhiều nhất, I-ran sẽ mất một phần đất rộng lớn vào cái gọi là "Liên bang A-déc-bai-gian", quốc gia tự do của người Cuốc và người Si-ít A-rập. Tuy nhiên, Mỹ chưa xác định sẽ làm gì với những người A-rập di dân. Hiện có hai phương án được đưa ra là, hoặc đưa họ vào sinh sống tại "Quốc gia của người Si-ít A-rập", hoặc đưa đến Đu-bai. Kế hoạch của Pi-tơ cũng đề cập việc khơi dậy một cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc quy mô lớn ở Trung Đông, tạo cớ để quân Mỹ có mặt ở đây kiểm soát các nguồn dầu mỏ khổng lồ của khu vực. Đây mới thật sự là bản chất của mọi vấn đề.
Khi kế hoạch "Đại Trung Đông" mới được đưa ra, nhiều người nghĩ nó sẽ chết yểu vì không thể thực hiện được. Tuy nhiên, những gì diễn ra đã cho thấy người Mỹ không nói đùa. Bắt đầu là I-rắc, đến "Mùa xuân A-rập", Li-bi, hiện nay là Xy-ri và tiếp theo là I-ran... Có điểm chung là các nước này là những quốc gia trẻ, được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ 2, vì thế Mỹ cần chia nhỏ các quốc gia này ra thành các khu vực của bộ lạc và trả lại thời nguyên thủy. Bộ lạc là cấu trúc xã hội dễ quản lý nhất, không đòi hỏi các vấn đề dân tộc. Đàm phán với bộ lạc cũng dễ dàng hơn. Để chiếm được dầu mỏ và tài nguyên, chỉ cần mua chuộc thủ lĩnh bộ lạc bằng một ít tiền là có thể có được mọi thứ.
Theo tính toán của Mỹ, sau khi chia nhỏ được toàn bộ Trung Đông, Mỹ sẽ để I-xra-en đứng ra cai quản với vai trò một "nước Mỹ thu nhỏ". Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ thông tin rất rõ ràng về kế hoạch "Đại Trung Đông". Ngay từ năm 2006, tại Rô-ma, nhà cầm quyền Mỹ đã cho treo tấm bản đồ "Đại Trung Đông" mới do Pi-tơ vẽ ra để dọn đường dư luận. Lúc đó, một số quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi giận khi nhìn thấy đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trên bản đồ bị chia cắt. Tuy nhiên, người Mỹ trấn an rằng, đó chỉ là một trò đùa, một tấm bản đồ không chính thức. Và Thổ Nhĩ Kỳ lại lặng lẽ ủng hộ kế hoạch "Đại Trung Đông" của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ không có chính sách đối ngoại của riêng mình, luôn phụ thuộc vào ý chí của các đối tác ở NATO. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ là cánh tay phải của Mỹ tại Trung Đông.
VẤN đề tại Xy-ri cùng lúc khơi lên ở Thổ Nhĩ Kỳ cả sự nhầm lẫn và hoài nghi, khiến mâu thuẫn giữa giới tinh hoa chính trị và quân sự của nước này thêm sâu sắc. Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ gay gắt chống một cuộc chiến với Xy-ri, coi nhân dân Xy-ri là láng giềng chứ không phải kẻ thù, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Nga để giải quyết vấn đề Xy-ri. Ngay cả giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối một cuộc chiến tranh với Xy-ri. Họ thấy bóng dáng của một quốc gia người Cuốc đang hiện hình ở Trung Đông. Hiện nay, ở tây-bắc Xy-ri có 12 tổ chức của người Cuốc đang hoạt động, đã tạo lập được quốc hội và đòi ly khai và thành lập quốc gia tự trị. Số người Cuốc tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đòi đi theo tấm gương này. Như vậy, nếu để nổ ra một cuộc chiến tranh với Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ phải chiến đấu cùng lúc ở hai mặt trận: với Xy-ri và với cộng đồng người Cuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét