Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Obama thăm Trung Đông: Chuyến đi ít kỳ vọng


(Toquoc)-Tổng thống Obama đến Trung Đông với hy vọng hàn gắn những rạn nứt với Israel trong vấn đề hạt nhân Iran và phần nào làm giảm căng thẳng giữa Palestine và Israel trong vấn đề các khu định cư tại Bờ Tây.
Khi Tổng thống Barack Obama đến Cairo cách đây 4 năm, ông được ca ngợi là một người con của châu Phi, một người mà cái tên đệm “Hussein” gợi ý một biến chuyển cơ bản trong quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo và Ả Rập. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của người dân Trung Đông đã không được đáp ứng. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã liên tục tìm kiếm hòa bình cho Israel và Palestine, song các nỗ lực của ông vẫn thất bại. Người ta không hy vọng chuyến thăm Trung Đông sắp tới có thể tạo ra bước đột phá, nhưng riêng với Tổng thống Obama, chuyến đi lần này của ông sẽ định hình cho những di sản mà ông sẽ để lại sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017.
Bản thân Nhà Trắng cũng hạ kỳ vọng vào chuyến thăm này khi phát đi thông cáo cho rằng, Tổng thống Obama cũng chỉ hy vọng giúp các nhà lãnh đạo đến gần nhau để mang lại hòa bình và dân chủ cho khu vực. Dự kiến, hai vấn đề chính được đề cập trong chuyến “trở lại” Trung Đông của Obama bao gồm: vấn đề hạt nhân Iran và hòa bình Israel - Palestine.

Liệu ông Obama có thuyết phục được Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây?
Về vấn đề hạt nhân Iran
Tổng thống Obama dự kiến sẽ tới Israel vào ngày 20/3 và tới thăm Bờ Tây vào ngày 21. Ông sẽ có các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực trên cương vị Tổng thống. Trong đó, một hoạt động trọng tâm của ông tại Israel là cuộc nói chuyện với giới trẻ, chủ yếu là sinh viên Israel tại Jerusalem. Phóng viên Hãng tin AP cho rằng, đây là một phần nỗ lực của Tổng thống nhằm thu hút công chúng Israel, đặc biệt là giới trẻ.
Về vấn đề hạt nhân Iran, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes từng  nói rằng, Iran đang trở thành một vấn đề chính sách đối ngoại then chốt đối với Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai và Mỹ có trách nhiệm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo giới phân tích, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông là Israel, ông Obama cũng sẽ tiếp tục ngăn cản Thủ tướng nước này không vội tấn công quân sự nhằm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ vẫn kiên định với lập trường, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua ngoại giao cho đến khi cảm thấy đã “hết cánh cửa ngoại giao với Iran”.
Chuyến công du của ông Obama tới Israel đúng vào thời điểm Thủ tướng nước này Netanyahu vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với muôn vàn khó khăn, do quyền lực ông bị suy yếu sau cuộc bầu cử tháng 1/2013. Ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã thành lập một chính phủ liên minh sau khi đạt được thỏa thuận với 6 đảng đối lập. Chuyến thăm của ông Obama cũng là cơ hội để “giảng hòa” với Israel sau một thời gian không tìm được tiếng nói chung về vấn đề hạt nhân Iran.
Israel đã nhiều lần đe dọa có hành động quân sự đối với Iran nếu nước này phát triển bom hạt nhân. Còn Mỹ lại thiên về sử dụng các giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế để hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran.  Mặc dù trong các cuộc trao đổi ngoại giao, phía Mỹ luôn khẳng định hành động quân sự là một lựa chọn nếu cần thiết, nhưng Israel luôn đòi hỏi Mỹ phải cam kết ủng hộ và hỗ trợ nước này tấn công quân sự.
Phương Tây luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm mục đích phát triển công nghệ vũ khí. Còn phía Iran lại khẳng định hoạt động hạt nhân của mình vì mục đích dân sự và nói rằng nước này “có quyền” làm như vậy. 
Ông Michael Oren, đại sứ Israel tại Mỹ phủ nhận mọi thông tin mâu thuẫn giữa 2 nước vì vấn đề hạt nhân Iran. Ông khẳng định: "Mỹ và Israel chia sẻ các quan điểm về chương trình hạt nhân của Iran và rút ra nhiều kết luận tương đồng".
Khởi động đàm phán hòa bình Israel - Palestine
Khác với không khí chuẩn bị chào đón Obama ở Israel, người Palestine dường như thờ ơ với chuyến viếng thăm của lãnh đạo Mỹ.
Khalil Shahin - chuyên gia nghiên cứu Trung Đông cho rằng, phía Palestine không nên vội vàng đánh giá chuyến thăm của ông Obama sẽ thất bại: "Chuyến thăm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách quản lý khủng hoảng của Tổng thống Obama, đặc biệt sau khi ông tái đắc cử. Chuyến thăm là một hình thức trở lại bàn đàm phán".
Người dân Palestines hiểu rằng chuyến thăm này sẽ không tạo ra bất kỳ bước đột phá nào đối với tiến trình hòa bình tại khu vực, song họ hy vọng có thể nhìn thấy những kết quả cụ thể sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama.
Bản thân Tổng thống Obama cũng không quá kỳ vọng vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Israel và lãnh thổ Palestine. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái tại Mỹ trước chuyến thăm, ông Obama đã đưa ra tín hiệu rằng sẽ không có sáng kiến hòa bình Trung Đông lớn nào được đưa ra thảo luận, đồng thời cho biết ông không đặt ra mục tiêu giải quyết bất kể vấn đề chính trị cụ thể nào trong chuyến thăm này.
Tuy nhiên, Palestine lại tỏ ra lạc quan về những vấn đề khác như vấn đề tù nhân Palestine đang bị giam giữ ở các nhà tù của Israel. Ông Saeb Erakat - Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine cho biết, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mahmud Abbas trong chuyến thăm của ông Obama là đảm bảo rằng hơn 1.000 tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ sẽ được phóng thích. Ngoài ra, những vấn đề then chốt về các khoản viện trợ của Mỹ dành cho Palestine cũng hy vọng sẽ được giải quyết trong chuyến thăm này.
Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người sẽ tháp tùng ông Obama lần này, cho biết ông có ý định viện trợ 700 triệu USD cho chính quyền Palestine. Phần lớn số tiền này đã bị QUốc hội Mỹ trì hoãn trong nhiều tháng qua. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên ngày 15/3 rằng “một chính quyền Palestine có thể đứng vững về kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân người Palestine mà còn cho an ninh và hòa bình của toàn khu vực. Tôi tin rằng vấn đề này sẽ được đề cập tới trong chuyến thăm của Tổng thống Obama”.
Nimr Hammad, Cố vấn chính trị của ông Abbas, bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ tiếp tục thực hiện những vấn đề đã được ông nêu ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Hammad nói rằng ông Obama phải “thực hiện những điều ông ấy đã hứa hẹn trong bài phát biểu tại Đại học Cairo, đó là ngừng xây dựng các khu định cư dưới mọi hình thức, điều vốn trở ngại đối với một nhà nước Palestine trong tương lai”. Theo Hammad, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cần hiện thực hóa “hy vọng của ông về việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ” như ông từng đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 9/2010.
Cuối cùng, Tổng thống Obama cũng dự kiến dành 24 giờ thăm Jordan, một đồng minh quan trọng của Mỹ, với mối quan tâm tập trung vào tình trạng cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Syria. Hiện có hơn 450.000 người Syria đã chạy tỵ nạn sang Jordan. Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Obama không có kế hoạch đến thăm trại tỵ nạn trong thời gian ở Jordan, song ông sẽ thảo luận về khả năng tăng cường viện trợ cho người tỵ nạn./.
Võ Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét