Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Bàn thêm về chủ nghĩa khủng bố

Về chủ nghĩa khủng bố - một tai hoạ của Loài người. Vũ Duy Phú
Bàn thêm về chủ nghĩa khủng bố
Khủng bố quốc tế là một hiện thực rất đau đầu của Nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông những thảm kịch rất đau lòng này. Nay lại nghe ý kiến từ một nhà lãnh đạo nổi tiếng mà tôi rất quý mến, khậm phục vì ý chí và những thành công trong sự nghiệp của ông. Ta có thể nêu lại những lời ông đã nói với công dân Nga trong dịp giao tiếp giữa họ gần đây nhất. Putin nói:
"Tôi muốn mọi người chú ý tới việc, tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi luôn luôn nói rằng, nguy cơ (nạn khủng bố) vẫn còn rất lớn. Ở trên khắp thế giới, thực đáng tiếc là như thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở khắp thế giới đang diễn ra cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, tại rất nhiều quốc gia chúng ta đang vấp phải những vụ việc như thế. Nước ta không chỉ không là ngoại lệ mà còn là một trong những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng ta đã làm được nhiều việc để đánh gãy xương sống của chủ nghĩa khủng bố nhưng nguy cơ vẫn chưa bị triệt tiêu. Chúng ta có thể trở nên có hiệu quả. Nhưng muốn được thế thì mỗi người trong chúng ta cần phải ý thức được nguy cơ này, cảnh giác để tiến hành những công việc phòng ngừa rộng rãi. Ngăn chặn trước những tội ác như thế, đặc biệt là ở các công trình hạ tầng cơ sở, rất khó khăn. Chúng ta cần phải hành động một cách sớm sủa hơn". Mặc dù đánh giá cao hoạt động chống khủng bố của các cơ quan an ninh nội vụ Nga nhưng ông Putin vẫn cho rằng, "cần phải đẩy mạnh công việc". Và "cần phải xử lý cực kỳ cứng rắn với những tên tội phạm gây nên các vụ khủng bố sát nhân".
 Ông Putin thừa nhận về nguy cơ khủng bố rộng khắp nhiều nơi trên thế giới; về sự cố gắng và cương quyết của các lực lượng an ninh, của chính quyền các nước, nhưng nguy cơ vấn chưa bị triệt tiêu; ông cho rằng cần phải cảnh giác cao độ, cần tiến hành công việc phòng ngừa rộng rãi, và cần phải xử lý cực kỳ cứng rắn với những tên tôi phạm.
Có thể tôi liệt kê chưa thật đầy đủ ý kiến của ông Putin. Tuy nhiên, đấy cũng có thể coi là phần lớn những ý kiến chung của các nhà lãnh đạo của các nước đã và đang đứng trước những nguy cơ  của nạn  khủng bố. Chưa nói đến thái độ hết sức găy gắt, quyết liệt của các nhà lãnh đạo nước Mỹ ngay sau vụ tấn công của Alkeda “ngày 11 tháng 9” trước đây.
Theo quan điểm của tôi, những chủ trương và biện pháp mà các nước có liên quan, những nước là đối tượng của nạn khủng bố quốc tế, đã làm lâu nay, phải được coi là rất cần thiết và đã có nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo tôi, dường như chúng ta vẫn còn thiếu một điều gì đó, mà tôi vẫn linh ảm thấy, trong cách giải quyết vấn nạn quốc tế, nói đúng hơn là trong tai hoạ này của Loài người.
Vấn đề đặt ra là, tại sao “khủng bố lại trở thành nguy cơ rộng khắp trên thế giới ?”, tại sao rất nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em, những người có học, được đào tạo bậc cao ở phương tây . . , cũng trở thành những kẻ khủng bố, cũng tham gia đánh bom liều chết. Vì vậy, để giải quyết tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố mang “tính hoang dại”, mang “tính loài vật “ của nó, thì đồng thời với việc ngăn chặn, tiêu diệt kịp thời, hãy nghiên cứu làm rõ, nguồn gốc của tư duy khủng bố là cái gì, làm rõ nguyên nhân sâu sa, mang “tính người” của nó. Tôi có thể dùng phương  pháp suy diễn tương tự, mặc dầu về một số ý nghĩa nào đó là không đúng lắm, nhưng ta hãy chỉ vận dụng cái phần tương tự gần đúng của ví dụ sau đây để diễn đạt cho nhanh cái tư duy muốn nói. Hiện nay chúng ta đang bị vấn nạn môi trường đe doạ nghiêm trọng. Nhiều người đã nói: Đó là sự phẫn nỗ và trừng phạt của thiên nhiên đối với các hành động sai lầm của con người tích tụ từ hàng trăm năm nay. Chúng ta có lẽ không thể tiêu diệt các thảm hoạ thiên nhiên, mà chỉ có thể cùng tìm ra nguyên nhân để khắc phục, để xử sự hợp lý và chung sống hoà bình với thiên nhiên mà thôi. Còn đối với con người, Trung hoa cổ đã có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Khi con người đã từ “bản thiện” trời sinh, đã  trở thành kẻ ác, là có nguyên nhân gì đó sâu sa của nó. Vì vậy, muốn giải quyết tận gốc có hiệu quả nạn khủng bố quốc tế, ta hãy nghiên cứu xem nguyên nhân gì đã làm những người này trở thành những kẻ ham muốn liều chết giết người vô nhân đạo như vậy. Mặt khác, nếu để chống lại những kẻ giết người, ta cũng lại dùng mọi phương tiện giết người còn hiện đại hơn, thì đây lại trở thành một việc “cực chẳng đã”, việc của hai thực thể sinh vật chống chọi lại nhau trên cái “luật rừng” mà thôi. Loài người đã dường như thống nhất một ý niệm cao thượng: “Con người sinh ra có quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc”. Phải chăng ở đâu đó, tại thời điểm nào đó, do một nguyên nhân (hoặc có lý, hoặc vô lý) chưa được phát hiện và làm rõ nào đó, người ta có thể đã  vô tình chống lại cái quyền thiêng liêng ấy của con người, và vì vậy đã đẩy con người vốn “tính bản thiện’ thành những kẻ tàn sát. Cũng không thể phủ nhận khả năng ngộ nhận của những kẻ khủng bố về sự bị vi phạm đến quyền này của họ. Mặc dầu vậy, sự ngộ nhận không thể biến thành tai hoạ kéo dài, nhiều khi dường như đã được biến thành một sự không phải ngộ nhận.
Như trên đã nói, rất nhiều kẻ khủng bố là có giáo dục, thậm chí đã từng được đào tạo tại các trường danh tiếng ở phương Tây, đã giác ngộ về quyền con người của phương Tây, thậm chí có cả phụ nữ, và trẻ em. Khi những kẻ khủng bố đã liều chết (cả phụ nữ và trẻ em tham gia) thì biện pháp “trừng phạt nghiêm khắc “ liệu có làm họ nản lòng, run sợ ?  LHQ đã không thể thống nhất được định nghĩa về khái niệm “khủng bố”, bởi sự khủng bố phần nào thể hiện sự phản kháng mãnh liệt của những người yếu thế, có thể là của những kẻ xấu, cũng có thể là của những người lương thiện bị chà đạp nhân phẩm, có thể là nguyên nhân tranh dành quyền lợi, đất đai, cả do đói nghèo, thất vọng và thất  thế trong xã hội, cũng có thể nữa là do người ta đã làm xúc phạm, từ xa xưa, lâu rồi, đến mức mọi người không phải nạn nhân đã quên đi, quên những điều mà họ - những người theo chủ nghĩa khủng bố - coi là rất thiêng liêng của họ, hay của cả dân tộc của họ
Tóm lại, song song với việc dùng sức mạnh bạo lực chính đáng để ngăn chặn bạo lực khủng bố phi pháp và vô nhân đạo, cộng đồng thế giới nên mở ra thêm một con đường mới (CĐM) để giải quyết tận gốc tai hoạ này của Loài người. Đó là con đường hoà giải, là con đường chung sống hoà bình một cách thông minh hơn nữa trên cơ sở công bằng, bình đẳng, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, tôn trọng nhân quyền, bác ái và nhân đạo. Hà Nội, 10-1-2010.
Vũ Duy Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét