Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Vụ khủng bố 11/9 - Mười năm nhìn lại


Vụ khủng bố 11/9 - Mười năm nhìn lại

Xuất bản: 13:58, Thứ Hai, 12/09/2011, [GMT+7]
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng sáng ngày 11/9/2001 làm chấn động nước Mỹ, song cho đến nay, chưa ai có thể quên đi những cảnh tượng ám ảnh của sự kiện này. Các cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ ngày 11/9/2001 đã phần nào tạo nên những thay đổi lớn lao đối với một cường quốc hùng mạnh như nước Mỹ.
 Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy sau khi bị tấn công ngày 11/9/2001.
Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy sau khi bị tấn công ngày 11/9/2001.

Sáng ngày 11/9/2001, các chuyến bay định mệnh American Airlines 11, United Airlines 175 đâm sập Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới cao 110 tầng ở thành phố New York; American Airlines 77 đâm nổ tung phần sườn phía Tây Lầu Năm Góc gần thủ đô Washington; United Airlines 93 đâm xuống ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pensylvania. Vụ tấn công đẫm máu đã khiến 2.996 người thuộc 70 quốc gia bị thiệt mạng, 18.000 doanh nghiệp nhỏ ở thành phố New York bị phá sản hoặc mất trụ sở; cổ phiếu chứng khoán bị mất giá 1.400 tỷ USD trong tuần đầu tiên và hơn 40 tỷ USD chỉ riêng cho bồi thường bảo hiểm. Hậu quả còn kéo dài và dai dẳng. Một năm sau thảm kịch, một tháp tưởng niệm đã được dựng lên tại Lầu Năm Góc, nhưng việc xây dựng lại khu tòa tháp đôi ở New York vẫn ngổn ngang. Đến tháng 8/2011, các nhóm nhân chủng học mới chỉ nhận dạng được di hài và tư trang của 1.631 người, số nạn nhân xấu số chưa được nhận dạng chiếm đến 41%. Chưa kể hàng nghìn người trong 40.000 công nhân và tình nguyện viên dọn đống đổ nát tòa tháp đôi ngày ấy, nay đã bị chết vì bệnh hoặc đang khiếu kiện vì quỹ bồi thường của chính phủ không công nhận bệnh ung thư mà họ mang trên mình là do nhiễm phải trong quá trình dọn đống đổ nát tòa tháp đôi.

Cho đến nay, các cuộc tranh cãi vẫn chưa dứt xung quanh con số hơn 1 triệu người đã và đang bị liệt vào danh sách tình nghi khủng bố cần phải theo dõi. Người dân Mỹ cũng cảm thấy bị xâm phạm riêng tư khi các cơ quan chức năng, dưới danh nghĩa chống khủng bố, thực thi Đạo luật Yêu nước, thường xuyên nghe lén điện thoại và đọc thư điện tử của những ai tình nghi.

Một thập kỷ đã trôi qua, nước Mỹ hiện vẫn đang bị sa lầy vào hai cuộc chiến hao người tốn của tại Iraq và Afghanistan, trong khi đó, xét về cục diện chung, cuộc chiến chống khủng bố mà nước Mỹ đang theo đuổi vẫn chưa mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều nhà phân tích cho rằng, lực lượng Hồi giáo al-Qaida đã thành công trong việc lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến chống khủng bố nhằm suy yếu sức mạnh của một siêu cường hàng đầu trên thế giới.

Vai trò suy yếu

Đưa ra phản ứng trực tiếp trước các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào nước Mỹ hôm 11/9/2001, chính quyền cựu Tổng thống George Bush thời bấy giờ đã phát động một “cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu”. Sau quyết định trên của Chính phủ Mỹ, Afghanistan và Iraq đã nhanh chóng trở thành hai “chiến trường để Mỹ tiến hành truy đuổi và loại bỏ những trùm khủng bố khét tiếng”.

Trong bản thông điệp trình bày trước một phiên họp chung của Quốc hội và Chính phủ Mỹ ngày 20/9/2001, cựu Tổng thống Bush đã tuyên bố “cuộc chiến chống khủng bố được bắt đầu từ lực lượng al-Qaida, tuy nhiên mọi việc sẽ không chấm dứt ở đó”. “Cuộc chiến này sẽ không kết thúc cho đến chừng nào tất cả mọi tổ chức khủng bố trên quy mô toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và bị đánh bại”, ông Bush nói.

Thực tế từ một thập kỷ sau chứng minh cho thấy, mục tiêu mà ông Bush đề ra thời bấy giờ là một đòi hỏi quá cao đối với nước Mỹ. Thậm chí, những cuộc chiến “chống khủng bố” mà nước Mỹ theo đuổi đã khiến hình ảnh và sức mạnh của cường quốc này bị suy yếu. Những vụ bê bối liên quan tới việc áp dụng các biện pháp giam cầm, tra tấn, ngược đãi tù nhân đã khiến nước Mỹ không ít lần vấp phải ý kiến phản đối từ phía cộng đồng thế giới. Không những thế, những khoản chi phí quốc phòng “cao ngất ngưởng” cũng đã làm tăng thêm gánh nặng thâm hụt và các khoản nợ quốc gia của Mỹ.

Phát biểu trước báo giới, ông Martin Indyk, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Chính sách đối ngoại tại Viện cố vấn Brookings cho rằng, thảm kịch hôm 11/9 và những cuộc chiến chống khủng bố “dài hơi” đã ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trên thế giới. Trong khi đó, ông Ted Galen Carpenter – một nhà nghiên cứu lâu năm về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện cố vấn Cato cũng chia sẻ quan điểm trên và cho rằng, nước Mỹ đã phát động hai cuộc chiến “không cần thiết và có vẻ dài vô tận” (tại Iraq và Afghanistan) song song với việc đổ hàng trăm tỷ USD để áp dụng các biện pháp an ninh mạnh tay nhưng kém hiệu quả trong nội bộ nước Mỹ. “Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng, nếu như al-Qaida đưa ra một dự báo chiến lược về cách thức phản ứng của Mỹ trước các vụ tấn công 11/9 theo một cách làm tiêu hao sức mạnh của Mỹ thì Washington đã làm chính xác theo cách mà al-Qaida mong muốn”, ông Carpenter nói.

Những kết quả xáo trộn

Tròn 10 năm kể từ thảm họa 11/9, nước Mỹ vẫn phát triển và có nhiều đổi thay, an ninh đã được bảo đảm tốt hơn, nhưng đan xen ngổn ngang những việc phải làm là mối lo chưa dứt.

Trong 10 năm qua, thành công lớn nhất của nước Mỹ là không để xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào. Nước Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu khủng bố như vụ mùa Hè năm 2002, một nhóm khủng bố định cướp máy bay đâm vào tòa tháp US Bank Tower ở thành phố Los Angeles; vụ đưa chất nổ lỏng lên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trước đêm Noel 2006 hoặc âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010. Thế nhưng, trên toàn thế giới, trong 10 năm qua, các hành động khủng bố quy mô nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của các tổ chức theo dõi chống khủng bố, riêng trong 8 tháng đầu năm nay, đã xảy ra ít nhất 110 vụ khủng bố trên khắp các châu lục và riêng tại Pakistan từ năm 2003 tới nay, đã có hơn 36.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực và khủng bố.

Không thể phủ nhận được một thực tế rằng, cuộc chiến chống khủng bố dài hơi mà nước Mỹ đang theo đuổi và trở thành mối quan tâm của cộng đồng thế giới đã thu được một số kết quả như việc tiêu diệt được các lãnh đạo hàng đầu của al-Qaida là Osama bin Laden và Atiyah Abd al-Rahman…Các thành tích trên cũng đã phần nào khiến hình ảnh của Mỹ được cải thiện trong con mắt cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, ngay cả ông Obama, trong bài phát biểu tung hô chiến tích này vẫn phải thừa nhận "chắc chắn al-Qaida sẽ còn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công". Và trong chiến lược chống khủng bố mới công bố ngày 29/6 vừa qua, Chính quyền Obama tuy vẫn xác định nhóm al-Qaida là mối đe dọa lớn nhất, nhưng lần đầu tiên xác định nội địa là khu vực trọng tâm, các nhóm và phần tử khủng bố trong nước đang dần trở thành nguy cơ thực sự.

Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (GAO) công bố ngày 7/9 ghi nhận 10 năm sau thảm kịch 11/9, Chính phủ Mỹ đã tăng cường và cải thiện đáng kể lĩnh vực an ninh nội địa. Một Bộ mới là DHS đã được thành lập tháng 3/2003 với chức năng bảo vệ an ninh dân sự trong và ngoài lãnh thổ nước Mỹ, ngăn chặn và đối phó với các vụ tấn công khủng bố ở trong nước. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo vẫn còn "những lỗ hổng và điểm yếu" trong hệ thống an ninh, đặc biệt là an ninh hàng không.

Về phần mình, ông Indyk đồng ý rằng, nước Mỹ đã thành công trong việc tạo nên các rào cản đối với hoạt động của al-Qaida, đặc biệt nhằm chống lại nước Mỹ-một trong những mục tiêu chính của lực lượng Hồi giáo này.

“Tình thế đối với al-Qaida hiện giờ khá khó khăn, sức mạnh chống lại chủ nghĩa khủng bố của Mỹ ngày nay đã lớn mạnh hơn nhiều…Tuy nhiên, cái giá mà nước Mỹ phải trả cho điều này là quá lớn trong khi lại chỉ đạt được những mục tiêu có giới hạn…”, ông Indyk nói.

Trong suốt thập kỷ qua, al-Qaida đã lớn mạnh thành một phong trào toàn cầu với việc mở rộng và ngày càng ăn sâu trong ý thức của những người Hồi giáo cực đoan, trong khi đó, sự trỗi dậy của Iran trong phạm vi khu vực Trung Đông cũng trở thành một “vấn đề đau đầu” đối với nước Mỹ.

Theo quan điểm của ông Indyk, đáng lẽ ra, nước Mỹ nên đưa ra phản ứng khác sau vụ 11/9. Cụ thể, cường quốc này nên tập trung vào gốc rễ của vụ tấn công này chứ không nên coi các vụ tấn công, hành động chiến tranh là “một lời bào chữa” cho các mục tiêu xa hơn của mình. “Nếu nước Mỹ tập trung vào Afghanistan và loại bỏ Taliban, để mắt đến lực lượng al-Qaida và không chuyển hướng sang cuộc chiến tại Iraq thì có lẽ kết quả thu được sẽ tốt hơn…Đây là một bài học cơ bản…”, ông Indyk nói.

Trong khi đó, ông Carpenter cũng cho rằng, phản ứng tối ưu của nước Mỹ trước vụ 11/9 là không nên tiêu một lượng tiền khổng lồ để đối phó với một “mối đe dọa vốn vẫn được coi là ở mức thấp” và đặc biệt là không nên phát động các cuộc chiến tại thế giới Hồi giáo – vốn gây phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo và vô hình chung đây sẽ trở thành một “điều kiện lý tưởng” cho các hoạt động của al-Qaida và các phong trào Hồi giáo cực đoan khác.

Đề cập tới các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, ông Carpenter cho rằng, Washington nên theo đuổi một chính sách đối ngoại vốn đã được cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson nêu lên từ hai thế kỷ trước đó là - - hòa bình, thương mại và tình hữu nghị với tất cả các quốc gia, song không liên minh với bất kỳ quốc gia nào. Theo quan điểm của chuyên gia này, muốn thực hiện được tiêu chí trên, nước Mỹ cần tôn trọng xã hội Hồi giáo và không gây nên những vấn đề gây chia rẽ với các “phần còn lại của thế giới”.

Tiêu chuẩn mới của nước Mỹ?

Dòng tít lớn trên trang đầu của tờ “Washington Post” số xuất bản ngày 5/9 đã viết: “Xung đột hậu 11/9 đã trở thành tiêu chuẩn của nước Mỹ, không có sự thay đổi trong cách nhìn nhận”.

Trong khi đó, bản đánh giá mới đây nhất về an ninh toàn cầu do Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 2/2010 cũng thừa nhận, “những hệ tư tưởng cực đoan trong khu vực, công nghệ mới và vũ khí rẻ, có sức công phá cao đã đẩy thể giới vào một giai đoạn xung đột dai dẳng…Không ai nên theo đuổi một ảo tưởng rằng, thế giới phát triển ngày nay có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này ở một tương lai gần”.

Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan song lại tăng cường các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và sử dụng các lực lượng đặc nhiệm tại một số quốc gia khác như: Yemen và Somalia. Theo nhận định của tờ Washington Post, nếu cứ tiếp tục theo chiều hướng này, chính quyền Mỹ sẽ phụ thuộc nặng nề vào Bộ Chỉ huy hỗn hợp hành quân đặc biệt (Joint Special Operations Command - JSOC) – một lực lượng vốn đã lớn mạnh gấp 10 lần ở Mỹ chỉ riêng trong thập kỷ qua.

Cuối tháng 6/2011, Nhà trắng công bố chiến lược quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó tập trung vào các nỗ lực giúp đánh bại al-Qaida và các phần tử khủng bố trong nước. Thậm chí hồi tháng trước, ông Obama cũng tuyên bố rằng “al-Qaida đã đi vào lối mòn dẫn đến sự thất bại và nước Mỹ sẽ không lùi bước cho đến khi nào hoàn tất công việc của mình”.

Về phần mình, ông Carpenter cảnh báo rằng, tâm lý hậu 11/9 của người Mỹ là coi việc sử dụng lực lượng một cách tổng lực là cách thức duy nhất để gỡ bỏ một cuộc tấn công nguy hiểm. Điển hình như cuộc chiến Iraq bởi trên thực tế, cuộc chiến này không có liên quan gì tới sự việc 11/9. “Một trong những mối nguy khi phải đối mặt với kẻ thù nguy hiểm là bạn trở nên quá sợ hãi đến mức bắt đầu bắt chước những chiến thuật do chính kẻ thù của mình đang áp dụng…Những chiến thuật nước Mỹ đang áp dụng trong cuộc chiến chống khủng bố thậm chí đã tỏ ra phản tác dụng”, ông Carpenter cảnh báo./.

Theo ĐCSVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét