Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Chống chủ nghĩa khủng bố - Cần nỗ lực của cộng đồng quốc tế


Chống chủ nghĩa khủng bố - Cần nỗ lực của cộng đồng quốc tế
16:42' 1/4/2010
Tổng thống Nga Đ.Mét-ve-đép đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom hôm 29-3. Ảnh: Roi-tơ.
Vụ đánh bom ngày 29/3/2010 nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow làm 39 người chết, 70 người bị thương cho thấy khủng bố tiếp tục là nguy cơ đe doạ tới an ninh, ổn định, không chỉ ở Nga, mà tại nhiều khu vực trên thế giới.

 Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, những kẻ đánh bom liều chết nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm - một trong những phương tiện giao thông chính của người dân tại trung tâm thủ đô Moscow, đều là phụ nữ, tuổi từ 18 đến 25. Chúng đều mang thuốc nổ ở thắt lưng và túi xách tay. Gắn với thuốc nổ là đinh và các mảnh vụn kim loại nhằm gây thương tích và tử vong cho số đông người. Họ đến từ Bắc Kavkaz, thành viên lực lượng Hồi giáo cực đoan và có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Hình thức, thủ phạm đều giống những cuộc khủng bố trước.         
Hơn 20 năm qua, Moscow phải đương đầu với chủ nghĩa cực đoan, ly khai tại khu vực Bắc Kavkaz thuộc Nga và đã đạt được những thành tựu tích cực trong công cuộc giữ gìn chủ quyền, thống nhất cho đất nước. Tuy nhiên, do các phần tử cực đoan và ly khai bị các lực lượng bên ngoài kích động đưa ra chiêu bài thành lập “Nhà nước Hồi giáo độc lập”, đã liên tục tiến hành các vụ tấn công khủng bố để chống phá chính quyền của Tổng thống Dmitry Medvedev. Vụ đánh bom tàu điện ngầm tại thủ đô Moscow cũng là nhằm ý đồ đó.
Đồng Chủ tịch Hội đồng chiến lược về dân tộc của Nga, ông Dikkin cho rằng: “Với vụ khủng bố này, bọn cực đoan hy vọng làm nhụt ý chí và tác động tới chính sách hiện nay của Nga tại Bắc Kavkaz”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà vụ khủng bố này xảy ra tại hệ thống tàu điện ngầm và trong giờ cao điểm của sáng 29/3 vừa qua. Ý đồ của chúng là trả thù những nỗ lực của Chính phủ Nga trong việc trấn áp các phần tử cực đoan đòi ly khai.
Trước đó, ngày 2/3, lực lượng của Cục An ninh liên bang Nga (FSB) đã tiêu diệt Said Buryatsky - thủ lĩnh của nhóm Hồi giáo cực đoan tại Ingushetia.  Trụ sở của FSB ở ngay cạnh ga tàu điện ngầm Lubyanka. Nhiều nhân viên FSB đang trên đường đến sở làm việc vào giờ đó.
Cũng chính với những ý đồ rõ ràng và được tổ chức kỹ như vậy mà cả hai vụ đánh bom tàu điện ngầm này tại Moscow trở thành vụ khủng bố dã man nhất từ gần 2 năm nay ở Nga. Nó không chỉ là một vụ tấn công chống lại Nhà nước CHLB Nga, mà còn là vụ thảm sát chống loài người, cụ thể ở đây là những người dân vô tội. Đó là một tội ác không thể dung thứ.
Tuy nhiên, sự liều lĩnh tới mức không còn nhân tính của các lực lượng Hồi giáo cực đoan là thực tế mà chính quyền Nga không thể không lưu tâm. Bởi đó là nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố. Điều này càng trở nên cấp thiết khi cảnh sát và cơ quan an ninh của Nga vừa được cảnh báo rằng, hiện nay vẫn còn 21 “goá phụ” trong nhóm gồm 30 phụ nữ tham gia vụ đánh bom liều chết tại hệ thống tàu điện ngầm vừa qua ở Moscow (9 người đã thiệt mạng), vẫn đang nhởn nhơ tại các vùng núi giáp biên giới Afghanistan và Pakistan. Cuộc sống của những phụ nữ này đều rất thấp kém và đều có chồng đã chết trong các cuộc xung đột tại khu vực Bắc Kavkaz, khiến họ dễ bị kích động và trở nên rất cực đoan. Cho nên, cuộc chiến chống khủng bố, ngoài những biện pháp mạnh, còn rất cần tới việc phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng còn khó khăn như Bắc Kavkaz.
Một điều rất thuận lợi đang ủng hộ Chính phủ Nga là, vụ khủng bố vừa qua đã không làm mất niềm tin của người dân đối với ban lãnh đạo Nga hiện nay, càng không gây nên tâm lý phản đối hay xao động trong xã hội Nga. Những hành động tàn bạo của bọn khủng bố ở Nga và sự câu kết của chúng với Al-Qaeda cho thấy, chủ nghĩa khủng bố đang tiếp tục là mối đe doạ hoà bình, an ninh trên thế giới. Và chống khủng bố không phải là nhiệm vụ của riêng lẻ một quốc gia nào, mà cần sự nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhằm tiêu diệt và ngăn chặn những tội ác của chủ nghĩa khủng bố./.
Vân Hương (Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét