Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Lo ngại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ AN NINH HẠT NHÂN
Lo ngại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân
Kêu gọi giảm tối đa sử dụng uranium độ giàu cao vào cuối năm 2013.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin sau hai ngày làm việc, ngày 27-3, 53 nước tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ hai ở Seoul (Hàn Quốc) đã thông qua Thông cáo chung Seoul.
Thông cáo nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố hạt nhân là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc tế. Trên cơ sở đó, Thông cáo chung Seoul đưa ra 13 điểm:
- Ghi nhận những đóng góp từ hội nghị lần thứ nhất về các sáng kiến và quy trình quốc tế như Sáng kiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và Đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí và hóa chất hủy diệt hàng loạt.
- Ghi nhận tầm quan trọng của các công cụ đa phương và tầm quan trọng của LHQ nhằm giải quyết an ninh hạt nhân.
- Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giữ vai trò trung tâm về củng cố khung pháp lý về an toàn hạt nhân quốc tế. Khuyến khích IAEA tiếp tục hỗ trợ nâng cao hạ tầng an ninh hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong hội nghị. Ảnh: AP
- Bảo quản đặc biệt đối với uranium có độ giàu cao và plutonium tách từ nhiên liệu hạt nhân đã hết sử dụng, kịp thời loại bỏ vật liệu hạt nhân hết sử dụng.
- Các quốc gia tự nguyện giảm tối đa sử dụng uranium độ giàu cao vào cuối năm 2013.
- Bảo vệ an toàn các nguồn phóng xạ. Khuyến khích hợp tác quốc tế để thu hồi các nguồn phóng xạ bị thất lạc, bị mất cắp và kiểm soát các nguồn phóng xạ không còn sử dụng.
- Các biện pháp an toàn và an ninh hạt nhân phải được thiết kế, thực hiện và quản lý ở các cơ sở hạt nhân một cách đồng bộ và nhất quán. Duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại trong tình huống khẩn cấp.
- Nâng cao an ninh trong vận chuyển vật liệu phóng xạ và hạt nhân.
- Phát triển năng lực quốc gia để ngăn ngừa, phát hiện, đối phó và truy tố các hành vi vận chuyển hạt nhân trái phép.
- Các kỹ thuật điều tra về hạt nhân là công cụ hiệu quả để truy tìm nguồn gốc hạt nhân và vật liệu phóng xạ và cung cấp bằng chứng để truy tố.
- Đầu tư xây dựng nhận thức con người là yếu tố cơ bản để thúc đẩy và duy trì văn hóa an ninh hạt nhân.
- Ngăn ngừa các chủ thể phi quốc gia nắm thông tin, công nghệ, kiến thức để thu thập, sử dụng vật liệu hạt nhân vào mục đích xấu. Củng cố các biện pháp quản lý thông tin.
- Cộng đồng quốc tế cần nâng cao tinh thần hợp tác, cung cấp hỗ trợ theo yêu cầu của các nước có nhu cầu về bảo vệ và quản lý vật liệu hạt nhân, về khả năng ứng phó trong tình huống khẩn cấp và khung pháp lý.
Mặc dù chương trình nghị sự và thông cáo chung không đề cập đến CHDCND Triều Tiên nhưng trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã lên tiếng phê phán kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên là hình thức phóng tên lửa trá hình.
Theo thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên), ngày 27-3, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định CHDCND Triều Tiên sẽ không hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh vì đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Bộ Ngoại giao phê phán Mỹ đánh đồng kế hoạch phóng vệ tinh vì hòa bình với phóng tên lửa tầm xa.
LÊ LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét