Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

TRIẾT LÝ ĐẠO HỒI TẠI TRUNG ĐÔNG VÀ BƯỚC TIẾP CẬN CỦA VIỆT NAM


TRIẾT LÝ ĐẠO HỒI TẠI TRUNG ĐÔNG VÀ BƯỚC TIẾP CẬN CỦA VIỆT NAM / TS.Bùi Nhật Quang / Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Tạp chí Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông


1. Tầm quan trọng của Trung Đông.
Trung Đông là khu vực có vị trí chiến lược và nhiều tiềm năng phát triển, đang là điểm nóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều nước lớn trên thế giới. Trong một thời gian dài, Trung Đông đã chịu các tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của những diễn biến toàn cầu xuất phát từ các trung tâm quyền lực hàng đầu trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu, Trung Quốc, Nga...vv. Sự gắn kết có tính nhạy cảm như vậy của Trung Đông với các trung tâm quyền lực của thế giới khiến cho các quốc gia khu vực này nhanh chóng bị lôi kéo vào các diễn biến mới của quá trình phát triển toàn cầu, trở thành địa bàn phát huy ảnh hưởng của rất nhiều nước lớn.
 Đối với Việt Nam, Trung Đông đang trở nên ngày càng quan trọng, được coi như một trong những hướng chiến lược mới trong tiến trình đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã thấy được tầm quan trọng của Trung Đông và đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với khu vực này, xác định đây là hướng đột phá chiến lược với lý do:
- Trung Đông bao gồm nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (đặc biệt là tiềm năng dầu khí).
- Các quan hệ quốc tế tại Trung Đông đang diễn ra hết sức đa dạng với nhiều tầng nấc, nhiều loại đối tác trong đó Việt Nam có lợi thế là duy trì được quan hệ chính trị rất tốt đẹp với hầu hết các quốc gia Trung Đông.
- Nếu khai thác tốt quan hệ với khu vực này thì lợi ích mang lại cho cả ViệtNam và các quốc gia đối tác tại Trung Đông là rất lớn. Ngoài ra, các bài học rút ra từ quá trình phát triển của các quốc gia này cũng có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
            Từ những nhận định như vậy, một cách tiếp cận rất đáng quan tâm khi tìm hiểu về Trung Đông đã được đặt ra: nghiên cứu về Trung Đông qua lăng kính của triết lý đạo Hồi.
2. Hồi giáo và Triết lý đạo Hồi.
Đạo Hồi (Hồi giáo, phiên âm theo tiếng Arab là al-'islām) được xác định là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo có nguồn gốc từ Abraham [1] . Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo, và là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất, với số tín đồ ước tính hiện đã lên tới 1,3 tỷ người tập trung chủ yếu tại các quốc gia Trung Đông. Các nghiên cứu về tôn giáo của khu vực Trung Đông cho thấy rằng khu vực bán đảo Arab mà cụ thể là Saudi Arabia chính là quê hương của Đạo Hồi, nơi tôn giáo này xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng Thế kỷ thứ VII. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của đạo Hồi nhưng hầu hết các học giả đã gắn sự ra đời của tôn giáo này với hàng loạt các nguyên nhân kinh tế, xã hội, tư tưởng của khu vực Trung Đông trong quá trình chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp của các tộc người khác nhau sinh sông trong khu vực. Thực tế phát triển thời kỳ đó cho thấy sự cần thiết của đạo Hồi trong việc góp phần thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Arab thành một nhà nước phong kiến thần quyền và đạo Hồi với tư cách một tôn giáo độc thần đã ra đời để thay thế những tôn giáo đa thần tồn tại từ trước đó.
Triết lý đạo Hồi được gắn liền với tên tuổi của Giáo chủ Mohammed (570 – 632) là một người thuộc gia tộc Casimu ở Mecca. Tục truyền rằng  thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho Mohammed chân lý của Kinh Coran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” để tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu công cuộc truyền bá đạo Hồi. Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo Mohammed còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo đạo Hồi. Cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Các quan điểm và triết lý của đạo Hồi cho đến nay vẫn có ảnh hưởng rất mạnh tại khu vực Trung Đông và là nền tảng lý luận quan trọng giúp chúng ta có cách nhìn và đánh giá đúng mực về khu vực này. Có thể tiếp cận một số nội dung triết lý quan trọng của đạo Hồi bao gồm:
- Đã có nhiều nghiên cứu của các học giả phương Tây về đạo Hồi và các đánh chung cho rằng giáo lý của đạo Hồi được xây dựng với những nguyên tắc tương đối đơn giản, dễ hiểu để phù hợp với đại bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, các luật lệ và lễ nghi liên quan lại rất phức tạp và ở chừng mực nhất định được cho là rất nghiêm khắc, nhiều khi vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo và trở thành một chuẩn mực pháp lý của xã hội. Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là Kinh Coran ghi lại các lời nói do thánh Allah thông qua thiên sứ Gabrien “khải thị” cho Mohammed. Kinh Coran được thống kê bao gồm 30 quyển, 114 chương và hơn 6200 tiết với nội dung vô cùng phong phú đề cập tới những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi. Đó là những ghi chép về tình hình xã hội trên bán đảo Arab đương thời cùng với những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức…
- Tiếp cận triết lý của đạo Hồi cho thấy sự khẳng định về các nội dung cơ bản coi Allah là đấng tối cao sinh ra trời đất, sinh ra muôn loài trong đó có con người. Con người là bình đẳng trước Allah nhưng số phận và tài năng tạo nên sự khác nhau giữa những con người. Tín đồ đạo Hồi phải luôn có thái độ đúng: trong cộng đồng (Hồi giáo) thì phải kiên nhẫn chịu đựng, phục tùng Allah, đối với người ngoài thì phải kiên quyết bảo vệ mọi lợi ích của đạo Hồi và phải có tinh thần thánh chiến.
- Quan điểm triết lý đạo Hồi cũng đưa ra một hệ thống các nghĩa vụ Hồi giáo, coi đó là nền tảng trong hành vi và sự phát triển của xã hội Arab với 5 nghĩa vụ chủ yếu dành cho các tín đồ là niệm, lễ, trai, khoá, triều. Đây là 5 trụ cột của tôn giáo được giải thích cụ thể là (1) Niệm: tín đồ phải thường xuyên tụng niệm thành tiếng các tín điều cơ bản; (2) Lễ: tức là lễ bái. Các tín đồ mỗi ngày hành lễ 5 lần (sáng, trưa, chiều, tối, đêm). Thứ 6 hàng tuần thì làm lễ tại thánh đường 1 lần vào buổi trưa; (3)Trai: tức là trai giới. Tháng 9 theo lịch Hồi là tháng trai giới của Hồi giáo. Trong tháng này mọi tín đồ không ăn uống, quan hệ tính dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn; (4) Khoá: các tín đồ có nghĩa vụ đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Sự đóng góp đó có thể là tự nguyện, nhưng cũng có khi là bắt buộc dựa vào tài sản của tín đồ; và (5) Triều: Các tín đồ có nghĩa vụ hành hương về Mecca ít nhất 1 lần trong cuộc đời, để triều bái Kabah trong tháng 12 theo lịch Hồi (hành hương Haji). Cuộc lễ triều bái kéo dài trong 10 ngày. Ngày cuối cùng tín đồ sẽ hiến lễ là một con cừu hoặc lạc đà, hoặc một con vật có sừng. Triều bái Mecca trong dịp này là chính triều. Còn phó triều thì diễn ra trong thời gian bất kỳ của năm và ít nghi lễ hơn.
            Thực tế cho thấy đạo Hồi hiện nay là một trong những tôn giáo quan trọng nhất ở Trung Đông và các quan điểm triết lý của đạo Hồi cùng một hệ thống các giáo lý, các quy định bắt buộc…đã có ảnh hưởng quan trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia Trung Đông. Trong tiếp cận nghiên cứu về các vấn đề kinh tế của Trung Đông, hệ thống lý luận Kinh tế học hồi giáo [2] cũng được xây dựng với những luận điểm khoa học riêng tạo ra nét đặc thù khi nghiên cứu về nền kinh tế của các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Trung Đông. Kinh tế học Hồi giáo phản ảnh các quan điểm chủ đạo của triết lý đạo Hồi áp dụng trong lĩnh vực kinh tế và các nguyên tắc kinh tế, tài chính vẫn đang trong quá trình được xây dựng và phát triển bởi các học giả đạo Hồi. Các điểm nổi bật của triết lý đạo Hồi trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế bao gồm:
- Xác định phải nghiên cứu kinh tế hồi giáo với tư cách là khoa học xã hội về các vấn đề kinh tế của những nhóm cư dân mà hành vi của họ gắn với tư tưởng Hồi giáo [3]
            - Triết lý Hồi giáo gắn chặt với quan điểm của đạo Hồi về phát triển kinh tế với ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo phúc lợi và công bằng kinh tế - xã hội của tất cả loài người (quan điểm có tên gọi là falah về phúc lợi và công bằng theo triết lý đạo Hồi).
            - Đạo Hồi có quan tâm đồng đều tới cả khía cạnh vật chất lẫn khía cạnh tinh thần của của sống con người. Điều này trái ngược với quan điểm nặng tính duy vật của thế giới đang thống trị các học thuyết kinh tế đương đại. Triết lý đạo Hồi cho rằng sự phát triển về mặt vật chất chưa đủ để đem lại phúc lợi cho con người và vẫn cần phải có sự ôn hoà trong tư tưởng và hạnh phúc trong nội tâm để có thể phát triển được một nền kinh tế thịnh vượng, vì lợi ích của con người.
3. Cách tiếp cận phù hợp từ phía Việt Nam.
            Trung Đông đang ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam quan tâm tới khu vực này với tư cách một thị trường lớn phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam, và cũng đánh giá rằng các quốc gia Trung Đông có thể trở thành những đối tác phù hợp, đáng tin cậy, có tiềm lực tài chính dồi dào có thể hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Một trong những hành động cụ thể và thiết thực nhất của Việt Nam là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Đông giai đoạn 2008 – 2015” vào ngày 9/9/2008. Trên thực tế, quan hệ Việt Nam – Trung Đông đã được mở ra trên nhiều lĩnh vực và bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác lao động.
            Trong quan hệ hợp tác với Trung Đông, đặc biệt là với các quốc gia Hồi giáo Arab, cách tiếp cận của Việt Nam cần được điều chỉnh theo hướng nhìn nhận đạo Hồi hiện nay là tôn giáo lớn và quan trọng nhất trong khu vực và triết lý Hồi giáo đã hình thành từ rất lâu đời, góp phần điều tiết cách thức ứng xử của người dân với ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của các quốc gia trong khu vực này. Các quan điểm của Hồi giáo về phát triển và những triết lý liên quan có thể coi là nền tảng quan trọng để Việt Nam có bước tiếp cận phù hợp tới khu vực Trung Đông, tìm kiếm những khâu đột phá chiến lược có thể tạo ra bước phát triển có tính bước ngoặt trong hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa hai bên.
Tài liệu tham khảo.
1.      The Jewish History Resource Centre, The Hebrew University of Jerusalem, 2009.
2.      Haque, Zial: “Nature and Methodology of Islamic Economics: An Appraisal”paper presented to the Eighth Annual General Meeting of the Pakistan Society of Development Economists, January 7-10, 1992, Islamabad.
3.      Mannan, Abdul, “Islamic Economics. Theory and Practice”, The Islamic Academy Cambridge, 1986.
4.      Thông tin từ Từ điển bách khoa mở Wikipedia.




[1] Abraham theo kinh Cựu ước được coi là tổ phụ của người Do Thái và người Arab. Các tôn giáo có nguồn gốc từ Abraham chủ yếu bao gồm Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Nhiều đánh giá cho rằng các tín đồ của những tôn giáo này chiếm tới hơn một nửa số người có đạo trên thế giới.
[2] Theo nghiên cứu của Haque, Zial: “Nature and Methodology of Islamic Economics: An Appraisal” paper presented to the Eighth Annual General Meeting of the Pakistan Society of Development Economists, January 7-10, 1992, Islamabad.
[3] Mannan, Abdul (1986), “Islamic Economics. Theory and Practice”, The Islamic Academy Cambridge.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét