Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Vài nét về Hồi giáo ở Hàn Quốc


Vài nét về Hồi giáo ở Hàn Quốc
Với khoảng gần 50.000 tín đồ hiện nay, Hồi giáo không chỉ tác động đến lối sống, văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Hàn, mà Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc còn có quan hệ mật thiết với cộng đồng Hồi giáo trên thế giới từ những hoạt động tôn giáo lớn như hành hương thánh địa, đào tạo chức sắc đến các hoạt động nghi lễ thường kỳ, và chính qua các hoạt động truyền bá Hồi giáo ấy đã làm tăng cường mối quan hệ hữu nghị thân thiết giữa Hàn Quốc và thế giới Hồi giáo.
Chỉ những năm gần đây, cộng đồng Hồi giáo nhỏ bé ở Hàn Quốc mới có tác động sâu rộng tới đời sống dân chúng ở đất nước này. Nhưng thực tế, Hàn Quốc và Hồi giáo đã có mối liên hệ cách đây trên một ngàn năm.
Những tiếp cận đầu tiên của Hồi giáo với Hàn Quốc

Vào thế kỷ 10, những nhà địa lý và sử học Hồi giáo như Ibn Khurdadbih, Sulaiman al-Tajir, và al-Mus’ŭidĭ đã đề cập tới Vương quốc Silla (57 TCN-935 CN) với ý nghĩa hướng tới Silla hay aI-Silla. Theo những cuốn sách của các tác giả này, Silla là một đất nước đi qua khỏi Vịnh Đông Trung Quốc và rất giàu khoáng sản vàng. Hơn nữa, người ta cho rằng sự du nhập đạo Hồi vào đất nước này đã mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây và Vương quốc Silla. Các sử gia này còn cho rằng, Hồi giáo đến Hàn Quốc đã góp phần thúc đẩy sự lệ thuộc của Vương triều Silla vào Hoàng đế Trung Hoa vì những mối ràng buộc về văn hóa, chính trị và tôn giáo truyền thống trước đây.

 Sử sách Ả-rập đã được ghi chép lại gần 4 hay 5 thế kỷ, trước khi có bất kỳ một cuốn sách Tây Âu nào viết về Hàn Quốc, mà không nói đến mối quan hệ của Hàn Quốc với nền văn hóa Trung Hoa. Trong suốt thế kỷ 14, các nhà địa lý Ả-rập và Ba Tư vẫn tiếp tục ghi lại những vấn đề về Hàn Quốc nhưng sau đó đã dừng lại. Biên niên sử Hàn Quốc như Goryeo-sa (Lịch sử của Goryeo), tên Vương quốc kế tục Silla (918-1392), cũng xác nhận những hoạt động của thương nhân Hồi giáo. Biên niên sử này có ghi lại rằng vào tháng 9 năm 1024, năm trị vì thứ 15 của Vua Hyeonjong, một nhóm tín đồ Hồi giáo khoảng 100 người, trong đó có al-Raza, đến Goryeo và vào năm sau đó, là một nhóm khác gồm 100 thương nhân Hồi giáo trong đó có Hassan Raza. Hơn nữa, biên niên sử cũng đề cập tới một số chuyến thăm vương quốc Goryeo của những tín đồ Hồi giáo khác. Sau đó khoảng hai thế kỷ, vương quốc này bị Mông Cổ xâm lược và đã trở thành một nước chư hầu, chế độ này duy trì trong một thế kỷ từ năm 1269 đến năm 1368. Trong suốt giai đoạn này, cả hai nước đã có nhiều cơ hội giao lưu trao đổi văn hóa và con người như lễ cưới của Vua Hàn Quốc và Công chúa Mông Cổ.

Ngoài ra, biên niên sử cũng đề cập tới sự xuất hiện của những tín đồ Hồi giáo vùng Trung Á, đó là những người được ca ngợi trong truyền thống văn hóa dân gian vào thời đại đó. Theo sử sách ghi lại, họ đã thành lập nên cộng đồng với thánh đường Hồi giáo, thánh đường này vẫn tồn tại vào thời kỳ đầu của Vương quốc Joseon (1392-1910) và Vương quốc Goryeo. Thị trường thương mại chính lúc bấy giờ dành cho các thương nhân nước ngoài, trong đó có thương nhân Trung Quốc và những thương nhân theo đạo Hồi, là Byeongnando. Đây là một hòn đảo nằm ở cửa sông Yeseong tại vịnh tây nam của thủ đô Kaesong, Vương quốc Goryeo. Các thương nhân Hồi giáo này đã mang theo thủy ngân, nước hoa, thuốc, bột cọ sagu, đồng và nho để trao đổi lấy vàng, bạc và vải vóc.

Khi Vương quốc Joseon có uy quyền mạnh hơn thì những hoạt động thương mại khu vực Trung Đông và Hàn Quốc chấm dứt. Nhưng những hoạt động văn hóa của các tín đồ Hồi giáo thiết lập trong Vương quốc Goryeo thì vẫn tiếp tục diễn ra cho đến năm 1472, khi nhà nước này ban hành quy định cấm tất cả các hoạt động giao tiếp với người nước ngoài và sự xuất hiện của y phục ngoại lai. Một trong các đóng góp từ tín đồ Hồi giáo đối với Hàn Quốc vào thời kỳ đầu của vương triều Joseon là sự giới thiệu lịch Hồi giáo để có thể biết được ngày nhật thực và nguyệt thực. Cũng phải mất gần 500 năm từ thời điểm đó, người ta mới tìm thấy bản ghi chép đầu tiên về việc các tín đồ Hồi giáo đến Hàn Quốc từ nguồn tin của Trung Đông hoặc Hàn Quốc. Trong năm thế kỷ này, các tín đồ Hồi giáo sùng đạo đã hoàn toàn hòa nhập vào dân chúng địa phương.

Năm 1909, Vua Sultan của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời đế quốc Ottoman đã cử phái viên sang Hàn Quốc tiến hành cuộc khảo sát Đế chế Nhật Bản. Vào thập kỷ 20, phái viên này đã viết bản báo cáo bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ về 200 người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi từ vùng Trung Á bị lưu đày tới Hàn Quốc sau khi cuộc cách mạng cộng sản tại Liên Xô thành công. Nhưng hầu hết những người trong số họ lại di cư sang các đất nước khác sau Chiến tranh thế giới thứ hai và không có mối liên hệ nào tới sự hình thành cộng đồng Hồi giáo gần đây tại Hàn Quốc. Sự ra đời của cộng đồng này bắt nguồn từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi đến Hàn Quốc với tư cách là một phần lực lượng Liên Hợp Quốc trong suốt thời kỳ đất nước này có chiến tranh (1950-1953).

Cộng đồng Hồi giáo gần đây tại Hàn Quốc

Vị Imam (Giáo sĩ Hồi giáo) của tiểu đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nghi lễ vào thứ Sáu hàng tuần tại khu vực gần Seoul. Một số người cải đạo Hồi giáo Hàn Quốc trở về từ Mãn Châu (Trung Quốc) đã tham dự các nghi lễ này dưới sự cho phép của các nhà chức trách quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Những người cải đạo này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khoảng một triệu người dân Hàn Quốc bị buộc phải di cư tới Mãn Châu, thuộc địa của Nhật Bản. Tại đó, họ gặp gỡ các tín đồ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Quốc và trở thành những người cải đạo. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, họ trở về Hàn Quốc và liên hệ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Họ giữ vai trò là người đỡ đầu cho sự ra đời của cộng đồng Hồi giáo gần đây tại Hàn Quốc.

Năm 1953, nghi lễ đặc biệt cho những tín đồ Hồi giáo được tổ chức tại thánh đường lâm thời của trụ sở quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lễ khai mạc Hồi giáo Hàn Quốc được tổ chức vào tháng 9 năm 1955. Tiếp theo đó là cuộc bầu cử Imam đầu tiên và tổ chức xã hội Hồi giáo Hàn Quốc. Vài tháng sau đó, một phòng nguyện lâm thời và hai văn phòng Hồi giáo được xây dựng tại Seoul với ba trại vũ trang được tặng bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 7 năm 1957, số tín đồ Hồi giáo Hàn Quốc đã lên tới 208 người.

Trong một năm từ tháng 11 năm 1959, Chủ tịch Hội Hồi giáo Umar Kim Jin-gyu cùng với Sabri Seo Jeong-gil đã đến thăm nhiều nước Hồi giáo trong đó có Ả-rập Xê-út và Pakistan. Những nước này đã khẳng định sự đóng góp hợp tác của họ đối với sự phát triển của Hồi giáo tại Hàn Quốc. Kết quả là, năm 1962, 11 sinh viên Hồi giáo, trong đó có 3 phụ nữ, tới Malaysia học tập học thuyết và các nghi thức Hồi giáo trong 6 tháng tại Trường đại học Hồi giáo Klang. Chính phủ Malaysia đã tài trợ tất cả các chi phí cho 11 sinh viên này. Tiếp tục mối quan tâm dành cho Hội Hồi giáo Hàn Quốc, vào những năm 1962 và 1963, nhiều chính trị gia lỗi lạc của Malaysia, trong đó có Phó Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm Hàn Quốc. Trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Malaysia đã gửi tới Hàn Quốc món quà trị giá 33.000 đô la đóng góp cho việc xây dựng thánh đường ở Seoul. Vì vậy, vào tháng 10 năm 1964, Hội Hồi giáo Hàn Quốc đã khởi công xây dựng thánh đường ở Seoul nhưng dự án này đã không thể hoàn thành do kinh phí hạn hẹp. Sau thất bại này, Hội Hồi giáo Hàn Quốc đã giải thể và phân chia thành các nhóm nhỏ.

Vào tháng 4 năm 1965, nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập đạo Hồi ở Hàn Quốc, một nhóm các tín đồ Hồi giáo Hàn quốc thành kính đã thiết lập Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc, là một tổ chức kế thừa Hội Hồi giáo Hàn Quốc, sau rất nhiều sự nỗ lực tái thống nhất tất cả các nhóm nhỏ bị phân tán. Cùng năm đó, nhiều tín đồ Hồi giáo từ nước ngoài đã đến Hàn Quốc để tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Hồi giáo Hàn Quốc. Năm 1966, một tín đồ Hồi giáo Pakistan, có tên Moulana Syed Mohammad Jamil, tuy đã 70 tuổi nhưng ông vẫn đến Hàn Quốc với tư cách Chủ tịch Hội Kinh Cô-ran Pakistan và ở trong văn phòng tồi tàn của Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc tại Yongsan, Seoul trong hai tháng để cống hiến mình cho hoạt động truyền giáo tại Hàn Quốc. Trước đây, ông là cán bộ cấp cao của nhà nước Pakistanvới chức vụ kế toán trưởng, sau khi nghỉ hưu, ông đã tới thăm Hàn Quốc năm lần, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Hồi giáo Hàn Quốc. Ngày nay, ông được xem như là ông tổ của các tín đồ Hồi giáo Hàn Quốc.

Liên đoàn cảm nhận sâu sắc về sự thiết yếu của Masjid (Thánh đường lớn) và đã phái Hajji Habri Seo, sau này là chủ tịch Liên đoàn và người phụ trách quan hệ đối ngoại Othman Kim đến những nước Hồi giáo từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1967 để gây quỹ xây dựng Masjid. Với sự nỗ lực như vậy, rất nhiều người có lòng hảo tâm đã quyên góp tiền bạc cho Liên đoàn, trong đó có 14.000 đô la từ Bộ Awaqf (Quỹ tài trợ Tôn giáo) của Cô-oét. Chính nhờ sự khích lệ này, tháng 3 năm 1967, Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc đã chính thức thành lập Quỹ Hồi giáo Hàn Quốc nhằm đạt hiệu quả hơn trong việc gây quỹ và quản lý quỹ thánh đường. Cùng lúc đó, chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép Quỹ này bắt đầu xuất bản hai tháng một kỳ tạp chí song ngữ (tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh) “Sứ giả Hồi giáo Hàn Quốc”, đây là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn cũng như của Hồi giáo Hàn Quốc. Năm 1970, chính phủ Hàn Quốc đã tặng 5.000m2 đất ở Seoul cho Liên đoàn xây dựng Thánh đường Trung tâm. Lúc bấy giờ, Liên đoàn cũng công bố một loạt các chiến dịch gây quỹ tại các quốc gia Hồi giáo ở vùng Trung Đông và Trung Á. Kết quả là, tháng 5 năm 1976, thánh đường trung tâm được khánh thành trong nghi lễ trang nghiêm. Tham gia nghi lễ này có 51 tín đồ Hồi giáo đại diện cho 21 quốc gia, trong đó có 3 vị chức sắc. Ngoài ra, Trung tâm Hồi giáo cũng được thành lập tại thánh đường này phục vụ cho hoạt động giáo dục và truyền bá Hồi giáo ở Hàn Quốc. Ngày nay, Trung tâm đang tổ chức giảng dạy các lớp học tiếng Ả-rập.

Năm 1976, một nhà truyền giáo được bổ nhiệm tới thánh đường này với sự hỗ trợ của Rabita (Tổ chức Hồi giáo Quốc tế) và Bộ Hajji ở Ả-rập Xê-út. Tháng 3 năm 1978, Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc thành lập văn phòng chi nhánh ở Jeddah, Ả-rập Xê-út để truyền bá thông điệp Thánh Ala trong cộng đồng các công nhân xây dựng tại đất nước này. Qua đó, nhiều công nhân Hàn Quốc đã trở thành tín đồ Hồi giáo. Vào tháng 4 năm 1976, dân chúng Ssangyongni, Gwangju-gun, tỉnh Gyeonggi-do (tiếp giáp Seoul) đều chuyển sang theo Hồi giáo và bắt đầu quan sát các nghi thức Hồi giáo tại doanh trại. Năm 1980, trại nhà nguyện này đã phát triển thành thánh đường hiện đại và cùng năm đó, thánh đường thứ ba được xây dựng tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Mùa thu năm 1980, 132 tín đồ Hồi giáo Hàn Quốc đã hành hương tới Thánh địa Mecca, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo Hàn Quốc và sau khi haji, họ đã yết kiến Thái tử Fahd, người sau này trở thành Vua của Ả-rập Xê-út. Vào tháng 5 năm 1980, Tổng thống Hàn Quốc Choi Kyu Hah tới thăm Ả-rập Xê-út. Từ đó, mối quan hệ về kinh tế, chính trị và văn hóa của Hàn Quốc với các quốc gia Hồi giáo ngày càng thắt chặt hơn.

Trong thập kỷ 80, Hồi giáo Hàn Quốc phải chịu đựng nhiều mất mát từ sự ra đi của những người sáng lập, bao gồm Umar Kim, Sabri Seo, Muhammad Yun, Yusuf Yun và Muhammad Sulayman Lee. Những môn đồ của họ sẽ ghi nhớ mãi các nghi lễ mà họ đã cống hiến trong thời kỳ xây dựng Hồi giáo Hàn Quốc. Hầu như mỗi năm trong thập kỷ 80, các khóa huấn luyện cắm trại đều được tổ chức dưới sự tài trợ của Hiệp hội Thanh Niên Hồi giáo Quốc tế.

Hơn 40 năm qua, Liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc đã đóng góp rất nhiều đối với hoạt động truyền bá Hồi giáo tại Hàn Quốc và tăng cường mối quan hệ hữu nghị thân thiết giữa Hàn Quốc và thế giới Hồi giáo. Cho tới cuối năm 2003, Hàn Quốc đã có 7 thánh đường và khoảng 40.000 tín đồ Hồi giáo.

Thật không dễ dàng để người dân Hàn Quốc cải đạo sang một tôn giáo khác, và sẽ khó khăn hơn rất nhiều để duy trì sự thay đổi ấy trong niềm tin, bởi vì Hàn Quốc là một đất nước có truyền thống văn hóa và tôn giáo hàng nghìn năm. Tại đất nước phi đạo Hồi như Hàn Quốc, thứ Sáu không phải ngày nghỉ và các thánh đường lại ở cách xa khu dân cư, thì việc tham dự Juma (buổi cầu nguyện vào thứ Sáu) là điều vô cùng khó khăn cho các tín đồ Hồi giáo. Hầu hết người dân Hàn Quốc ngày nay đều đã quen thuộc với nền văn hóa phương Tây, và họ có xu hướng coi đạo Hồi như một tôn giáo xa lạ. Thông tin chính xác về đạo Hồi ở Hàn Quốc cần phải tìm hiểu thêm. Nhưng đây là quốc gia mà dân chúng luôn tìm kiếm sự hòa bình bằng cả trái tim mình, nên tôn giáo vẫn sẽ tồn tại và thịnh vượng ở đây. Hồi giáo Hàn Quốc vẫn sẽ phát triển chừng nào dân chúng ở đất nước này còn mong muốn sự giải toả tinh thần. Cũng nên ghi nhớ rằng, mặc dù các tín đồ Hồi giáo chỉ là thiểu số nhưng đa số họ đã được giáo dục phổ cập đại học và điều này hứa hẹn sẽ đem lại một tương lai tươi sáng cho Hồi giáo Hàn Quốc./.

Yên Sơn – Tuyết Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét