Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Các nước Hồi giáo: Hợp tác chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Các nước Hồi giáo: Hợp tác chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan



Có quan niệm cho rằng đang diễn ra một cuộc đối đầu giữa Mỹ và phương Tây với thế giới Hồi giáo. Thực tế, chính các nước Hồi giáo cũng đang có những nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong hai ngày 7 và 8/12/2005, các nhà lãnh đạo 57 trong tổng số 119 quốc gia có đạo Hồi trên thế giới đến thành phố thánh địa Mecca và Jiddah của Arập Xêút để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo bất thường lần thứ ba. Hội nghị thượng đỉnh này do Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) chủ trì theo lời kêu gọi của Quốc vương Arập Xêút Abdullah bin Abdulaziz nhằm “khôi phục hình tượng thực của thế giới Hồi giáo đang bị làm tổn hại bởi các hoạt động tấn công khủng bố núp dưới bóng công lý tôn giáo”.
Hội nghị Thượng đỉnh OIC lần này diễn ra trong một thời điểm khá nhạy cảm, nhiều thách thức hơn là thuận lợi. Việc gia tăng các cuộc tấn công khủng bố do những kẻ tự xưng là “chiến binh thánh chiến Hồi giáo” đã làm xấu đi quan hệ của các nước thành viên OIC với Mỹ và phương Tây và gây khó khăn cho cuộc sống của các tín đồ Hồi giáo tại chính các nước này.
Chỉ ít ngày trước đó, các quan chức cấp cao của Bộ Tôn giáo của các nước có đông tín đồ đạo Hồi ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei cũng đã có một hội nghị bàn về chủ đề chống tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Hội nghị đã kêu gọi các nước Đông Nam Á thúc đẩy nỗ lực giáo dục, bảo vệ thanh niên chống lại tư tưởng cực đoan và những giải thích sai lệch về giáo lý của đạo Hồi.
Hội nghị ra thông cáo chung phản đối bạo lực và khủng bố; bác bỏ việc giải thích, sử dụng giáo lý của đạo Hồi để biện hộ cho hoạt động bạo lực, khủng bố và nhất trí tăng cường hợp tác để ngăn chặn phổ biến tư tưởng cực đoan. Các nước dự hội nghị còn nhất trí xuất bản một cuốn sách và ra báo giải thích về “Giáo lý đạo Hồi chân chính”, đặc biệt là về “thánh chiến”. Thứ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia, ông Faisal Ismail, cho rằng “Thánh chiến trong thời đại ngày nay là cải thiện đời sống của nhân dân chứ không phải giết người khác”.
Trên một phương diện khác, mới đây một trang web trên mạng Internet đăng tải một thông điệp của một nhóm tự xưng là “Trung tâm tác chiến Mujahideen” đe dọa “tiêu diệt các chế độ không theo đạo (Hồi) ở Thái Lan, Mỹ và các đồng minh”. Thông báo này cảnh cáo những người Hồi giáo ở Philippines, Malaysia và Indonesia tránh những nơi công cộng, văn phòng ngoại giao, các đồn cảnh sát và các chốt quân sự”. Các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan đã bác bỏ thông điệp này và cho rằng đó là lời đe dọa suông nhưng có thể tác động đến những phần tử có tư tưởng cực đoan.
Ngược dòng lịch sử, biết rằng, đạo Hồi là một tôn giáo lớn ra đời khá muộn so với các tôn giáo lớn khác như Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Nó cũng có quá trình hình thành, phát triển và có sự thu hút đáng kể vì không phải vô cớ mà có tới khoảng 1,2 tỉ tín đồ trên toàn thế giới. Và đạo Hồi cũng không thuần nhất mặc dù có giáo lý chung là Kinh Koran.
Nhưng trong thế giới đạo Hồi đã xuất hiện phong trào Hồi giáo cấp tiến hay còn gọi là phái Hồi giáo chính thống (phong trào Wahabit). Chủ nghĩa Hồi giáo hay phong trào Wahabit là sản phẩm của thời đại, phản ánh một dòng tư tưởng của một bộ phận tín đồ đạo Hồi và nó chứa đựng tính chất phản kháng đến mức cực đoan.
Chủ nghĩa Hồi giáo coi việc tuân thủ tuyệt đối Luật Hồi giáo (Sharia) là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi tín đồ đạo này.
Tiếp theo đó, phong trào Hồi giáo cấp tiến thường được gọi là Hồi giáo chính thống cũng mang tính chất cực đoan được khởi xướng và phát triển từ Trung Đông. Các nước Arập mà đa số là các quốc gia Hồi giáo đứng trước ngã ba đường của các dòng tư tưởng và xu hướng phát triển của thế giới.
Ông Pedro Martinez Montavez, người Tây Ban Nha, một chuyên gia về Arập học và Hồi giáo có uy tín trên thế giới đã nhận xét rằng: Các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã có sự xuất hiện và phát triển của các phong trào Hồi giáo. Họ đã dung túng và tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào này trong một số lĩnh vực. Thực tế “gậy ông đập lưng ông” đối với Mỹ và phương Tây là phải tiến hành một cuộc chiến tranh ác liệt giữa họ với tổ chức Al-Qaeda của Osama bin Laden và Taliban hiện nay.
Đa số người theo đạo Hồi không ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhiều nước Hồi giáo như Ai Cập,IndonesiaMalaysiaAlgeria... đã phản đối những hành động cực đoan của lực lượng theo chủ nghĩa Hồi giáo, gây rối về an ninh cho đất nước họ. Hội nghị Thượng đỉnh OIC cho thấy thế giới Hồi giáo đang có những chuyển động mới, tích cực chống chủ nghĩa cực đoan

  Nguyễn Khắc Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét