Trung Đông - Bắc Phi: “chiến trường” trực tiếp của Mỹ
Nguyễn Nhâm - Tạp chí Đảng Cộng sản
Hiện nay, Mỹ xác định hai chiến trường quan trọng cần giải quyết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - Bắc Phi. Trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu dài hạn, còn Trung Đông - Bắc Phi mà trực tiếp là vấn đề I-ran, Xy-ri đang là mục tiêu trước mắt.
Những thách thức
Hiện I-ran đang nổi lên như một cường quốc ở khu vực Trung Đông bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Đồng thời nước này đang đe dọa đến nền kinh tế Mỹ và phương Tây, khi mà những giao dịch tài chính sẽ không được thực hiện bằng đồng USD hay ơ-rô.
Nhận thức rõ những quan tâm của Mỹ đối vớiI-ran và Xy-ri, một số cường quốc mong muốn hình thành một liên minh chiến lược với I-ran như một biện pháp nhằm che chắn khỏisự xâm lấn địa - chính trị của Mỹ. Đó là lý do tại sao một số nước lớn đều không chấp nhận một cuộc chiến tranh chống I-ran, vì nếu I-ran sụp đổ sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến an ninh của họ.
Sự cạnh tranh nêu trên đang hình thành mặt trận quốc tế gồm: một bên là các nước Mỹ, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, Gióc-đan-ni; bên kia là các vương quốc dầu lửa trong vùng Vịnh; và bên thứ ba là I-ran, Xy-ri liên kết với một số cường quốc khác. Vì thế, những nỗ lực của Mỹ cho đến nay là nhằm làm suy yếu hoặc thay đổi chính thể cầm quyền hiện nay của I-ran và Xy-ri.
Để cô lập kinh tế và giảm mối đe dọa của I-ran, Mỹ đã và đang tiếp tục kêu gọi các nước ngừng nhập khẩu dầu từ nước này. I-ran là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới với tổng sản lượng vào khoảng 4 triệu thùng một ngày. Chỉ riêng doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã đóng góp 80% tổng doanh thu quốc gia của I-ran. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang tìm cách cấm vận nhằm làm mất 80% nguồn thu của I-ran, đồng thời gây sức ép lớn
lên nền kinh tế và người tiêu dùng nước này, với mục tiêu tạo sức ép kinh tế sẽ khiến người dân I-ran phát động phong trào phản đối chính quyền nước họ.
Quyết định cấm vận I-ran mặc dù được các nước đồng minh của Mỹ ủng hộ thực hiện nhưng cũng nảy sinh những tác dụng phụ đe dọa đến phát triển kinh tế không chỉ của châu Âu mà của ngay chính nước Mỹ. Theo nhà phân tích Oây-bơ (Weinberg) của Commerzbank, các chính sách của Mỹ đang ở thế bất lợi, đặc biệt là khi các mục
tiêu xung đột lẫn nhau và một số trường hợp cho thấy, việc trừng phạt I-ran sẽ khó có thể tránh khỏi làm tổn thương chính nước Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh.
Trên thực tế, nếu kế hoạch hạn chế nhập khẩu dầu của I-ran thành công thì các đồng minh của Mỹ sẽ là những đối tượng chịu tác động trước tiên. Theo đó, một số nền kinh tế vốn đang rất mong manh như Hy Lạp sẽ bị thiếu hụt dầu trầm trọng. Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên hiện mỗi ngày nhận từ I-ran 450.000 thùng dầu (tương đương khoảng 18% lượng dầu xuất khẩu của I-ran).
Mặc dù A-rập Xê-út đã bù vào chỗ thiếu hụt, nhưng các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng với tốc độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay thì nguồn cung này sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn, khiến giá dầu có thể tăng cao trở lại. Nền kinh tế các nước châu Âu hiện đang quá phụ thuộc vào nguồn cung từ I-ran cũng sẽ nguy kịch. Ngay cả với Mỹ, nếu giá dầu tăng cao cũng sẽ gây phương hại nghiêm trọng cho nền kinh tế đang “ốm” hiện nay.
Và quyết tâm của Mỹ
Ảnh hưởng to lớn của năng lượng dầu mỏ đến sự phát triển kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay là nguyên nhân trực tiếp khiến Mỹ quyết tâm thúc đẩy biện pháp kiểm soát Trung Đông - Bắc Phi. Xét trên góc độ địa - chính trị, ai kiểm soát được nguồn cung cấp dầu này sẽ kiểm soát được thế giới. Điều đó đã được chứng minh qua việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC đã từng làm khuynh đảo kinh tế thế giới thông qua việc tạo ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973 và 1979. Tương tự Nga cũng đã từng sử dụng vũ khí này để ép các nước châu Âu không được can thiệp vào công việc của các nước SNG - khu vực ảnh hưởng của Nga.
Mặc dù Mỹ là một trong 15 quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng sở hữu mỏ dầu lớn nhất có tên Piceance & Uinta Basins với trữ lượng khoảng 2.855 tỷ thùng. Trong khi Mỹ là nước tiêu thụ lượng dầu chiếm 25% sản lượng dầu thế giới, thì quốc gia này chỉ khai thác 9% và tích trữ khoảng 2% còn lại lấy từ các nguồn cung cấp bên ngoài. Với phương cách tiêu thụ và khai thác dầu như trên phần nào phản ánh ý đồ chiến lược của Mỹ là sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị giúp nước này duy trì vị thế lãnh đạo thế giới.
Vì vậy, “Đề án Trung Đông Lớn” đã được triển khai cách đây 30 năm và nay Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã đổi tên là “Đề án Trung Đông Mới”. Theo đề án này, Trung Đông được coi là khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới
bao gồm các nước A-rập Xê-út có trữ lượng 262,79 tỉ thùng, I-rắc 143 tỷ thùng, I-ran 115 tỉ thùng. Đứng thứ 4 là Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất với 97,8 tỷ thùng và thứ 5 là Cu-oát 96,5 tỉ thùng. Vì thế, Trung Đông trở thành tiêu điểm trong chiến lược năng lượng toàn cầu của Mỹ. Bằng cách này hay cách khác, Mỹ xác định cần phải kiểm soát được Trung Đông vì đây là nguồn năng lượng của thế giới. Cách mạng “Mùa xuân A- rập” ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi… về mặt động thái xuất phát có vẻ như từ tình trạng khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng thực chất nằm trong kịch bản “Đề án Trung Đông Lớn” nhằm nhanh chóng thay đổi chế độ cầm quyền, thiết lập ảnh hưởng trong thời kỳ “hậu cách mạng” theo Mỹ. Theo kịch bản này, hiện tại chỉ còn hai nước “dầu mỏ” đó là Xy-ri và I-ran chưa chịu tác động bởi đề án trên. Do đó, mục tiêu thay đổiChính quyền Xy-ri và I-ran là mục tiêu chiến lược mà Mỹ sẽ phải thực hiện.
Ảnh hưởng của các cường quốc lớn ngày càng gia tăng khiến Mỹ nóng lòng thúc đẩy giải quyết vấn đề Trung Đông - Bắc Phi càng sớm, càng tốt. Đây là con bài để Mỹ loại bỏ vai trò, ảnh hưởng và kiềm chế các đối thủ cạnh tranh. Đối với các nước mới nổi hiện đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi thời gian gần đây đã gây quan ngại lớn cho Mỹ, buộc Mỹ phải có những bước đi ngăn chặn.
Trong những năm tới, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực cả về không gian, địa lý và khi nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào năng lượng... thì vai trò của Trung Đông - Bắc Phi sẽ càng quan trọng, và cuộc cạnh tranh tại đây sẽ ngày càng gay gắt hơn nhiều. Vì vậy, kiểm soát khu vực này sẽ phá vỡ tổng thể những thành quả của các đối thủ của Mỹ đã đầu tư, gây dựng được tại đây.
Ngoài ảnh hưởng trên, Mỹ không chỉ muốn kiểm soát dầu mỏ I-ran cho mục tiêu kinh tế, mà còn muốn thiết lập một vành đai xung quanh đối thủ bằng cách kiểm soát an ninh năng lượng và kiểm soát giao dịch xuất khẩu dầu của nước này bằng đồng USD để đảm bảo việc tiếp tục sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế. Vì thế, các chiến lược gia cho rằng, dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới thì “Đề án Trung Đông Mới” vẫn là mặt trận trực tiếp quan quan trọng mà nước Mỹ quyết tâm theo đuổi./.