Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Ảnh hưởng của đạo Islam đến văn hóa, xã hội Trung Đông


Ảnh hưởng của đạo Islam đến văn hóa, xã hội Trung Đông


Vị trí địa lý đặc biệt của toàn bộ khu vực Trung Đông đã mang lại tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược cho nó trên bản đồ thế giới. Xuất phát từ tầm quan trọng này, Việt Nam cũng đang tăng cường tiếp cận và phát triển quan hệ hợp tác với khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, do hầu hết các nước này đều là Arab Hồi giáo nên để thực hiện một cách hiệu quả nhất những chính sách hợp tác với khu vực Trung Đông chúng ta cần phải nghiên cứu các đặc điểm văn hoá- tôn giáo của họ cùng những ảnh hưởng của đạo Islam đến đời sống xã hội của quốc gia.
Do khu vực Trung Đông có đến 16 nước nên cách tiếp cận của chúng tôi là tìm ra một số trường hợp điển hình để nghiên cứu, từ những trường hợp cụ thể đó sẽ chỉ ra mẫu số chung cho cả khu vực. Ảnh hưởng của đạo Islam trong các quốc gia Islam giáo là một ảnh hưởng sâu rộng và trên mọi lĩnh vực; tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực văn hoá- xã hội.
Saudi Arabia được biết đến như quê hương của đạo Islam do cả hai thành phố linh thiêng của đạo này là Mecca và Medina đều nằm tại đây. Thánh địa Mecca là nơi bất kỳ tín đồ Islam giáo nào cũng mơ ước được đặt chân đến  ít nhất 1 lần trong đời. Islam giáo tại Saudi Arabia do vậy được coi là điển hình và đặc trưng nhất trong thế giới Islam giáo và vẫn giữ nguyên tính chất khởi thuỷ của tôn giáo này. Chính vì lý do đó, khi muốn tìm hiểu ảnh hưởng của Islam giáo trong văn hoá- xã hội của các quốc gia Arab Trung Đông trường hợp điển hình cần nghiên cứu trước hết phải là Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, tại khu vực Trung Đông còn có những nước theo thể chế cộng hoà, song vì đều là những nước Islam giáo cho nên ảnh hưởng của tôn giáo này cũng vẫn rất mạnh. Trong số các quốc gia ở Trung Đông chỉ có một số ít nước như Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập được chế độ dân chủ. Vì Israel không phải là nước Islam giáo cho nên chúng tôi chọn Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp điển hình để nghiên cứu với tư cách là quốc gia Islam giáo dân chủ.
Với cách tiếp cận như vậy chúng tôi sẽ chọn hai trường hợp điển hình là Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để nghiên cứu ảnh hưởng của Islam giáo trong lĩnh vực văn hoá- xã hội của các quốc gia này, từ đó tìm hiểu những nét chung nhất của văn hoá – xã hội Trung Đông dưới ảnh hưởng của đạo Islam.
Một thánh đường Hồi giáo ở Trung Đông (Ảnh minh họa)
1- Văn hoá xã hội Saudi Arabia dưới ảnh hưởng của đạo Islam
Văn hoá của Saudi Arabia là văn hoá Arab Islam giáo. Đạo Islam là văn hoá tinh thần của mọi người dân ở đây. Do hai thành phố linh thiêng của đạo Islam là Mecca và Medina đều nằm tại Saudi Arabia nên Saudi Arabia được coi là quê hương của đạo Islam và cũng là quê hương của văn hoá Islam giáo. Nét văn hoá đặc sắc nhất và trước tiên nhất khi đến một đất nước Islam giáo chính là sự hiện diện của các nhà thờ Islam giáo hay còn gọi là các thánh đường đạo Islam.
Các thánh đường là nơi ghi dấu rất rõ nét kiến trúc Islam giáo đặc sắc. Kiến trúc điển hình ở đó được lấy cảm hứng từ ngôi nhà Arab với một sân trong rộng rãi cũng như từ các nhà thờ Thiên chúa giáo với hai hàng cột. Mặc dù được trang trí đơn giản hơn nhiều so với các nhà thờ Thiên chúa giáo nhưng các thánh đường Islam giáo vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ, phản ánh được cả sự chân phương và sự uy nghi của tôn giáo này. Điều gây chú ý đầu tiên ở một thánh đường Islam giáo là các ngọn tháp rất cao nằm liền xung quanh, có thể là 4 tháp, cũng có thể là 6 tháp. Các tháp này thường gắn một ngôi sao và vành trăng lưỡi liềm- một biểu tượng đặc trưng của đạo Islam, có nguồn gốc từ vầng trăng lưỡi liềm và ngôi sao đơn độc đã chiếu sáng con đường của nhà Tiên tri Mohammad trong cuộc tị nạn từ Mecca đến Medina. Trước khi vào thánh đường để cầu nguyện các tín đồ nhất thiết phải dùng nước để thanh tẩy tại một nơi chuyên dùng cho việc này (thường là bể nước hay các vòi nước ở một khu vực thuộc sân trong của thánh đường). Nội thất thánh đường là một không gian mở rất đặc trưng với bầu không khí rất sạch sẽ và mát mẻ. Trang trí thường chỉ là những hình vẽ arabesque hoặc những bức thư pháp viết các đoạn trong kinh Qur’an ở trên tường và trên trần. Không có bất kỳ đồ đạc gì ngoài một bục giảng kinh ở trên cùng của cầu thang. Có một hốc tường gọi là mihrab để chỉ hướng Mecca cho các tín đồ cầu nguyện. Với kiến trúc như vậy thánh đường Islam giáo thể hiện hai định hướng của tôn giáo này là hướng đến Thượng đế và hướng đến cộng đồng tín đồ.
Nghĩa vụ bắt buộc đối với các tín đồ đạo Islam là phải đến các thánh đường để bái lạy và tụng niệm cho nên thánh đường trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của các tín đồ Islam giáo. Hoạt động thờ phụng theo nghi lễ của đạo Islam cũng là nhu cầu tinh thần của tất cả người dân theo đạo Islam nói chung và người dân Saudi Arabia nói riêng. Điều này cũng làm nên một nét văn hoá riêng của cộng đồng Muslim.
Saudi Arabia rất tự hào về Thánh địa Mecca. Mecca nằm tại một thung lũng cát rất nóng ở miền trung tây của Saudi Arabia- một thung lũng án ngữ trên tuyến đường lạc đà chính từ vùng miền nam bình nguyên Arab đến Syria và là nơi cung cấp nước cho các thương đoàn đi qua sa mạc; nơi đây đã từng là trung tâm thương mại. Từ khi trở thành trung tâm tâm linh của thế giới Islam giáo, Mecca thành nơi diễn ra các cuộc hành hương. Trong thời gian đó chỉ có các tín đồ đạo Islam mới được vào thành phố linh thiêng này. Sinh hoạt văn hoá của các Muslim tại đây do vậy cũng thấm đậm chất tôn giáo.
Đạo Islam không cho phép vẽ hình và tạc tượng trong các thánh đường và lâu đài, nhưng chính sự cấm đoán này đã dẫn đến sự phát triển của một loại hình nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật Islam giáo gọi là Arabesque. Đây là nghệ thuật trang trí với bố cục rất phức tạp, có thể là những đường lượn xoắn của dây leo, hoa, lá; có thể là hình dạng và kiểu cách kỳ lạ của những đường thẳng hay những đường cong lượn sóng và chồng lên nhau. Đôi khi người ta cũng sử dụng hình thú để trang trí nhưng được cách điệu rất cao. Nhìn chung, nghệ thuật trang trí arabesque có rất nhiều hình thức khác nhau và có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật này trong các thánh đường và các toà lâu đài của các cộng đồng Arab đạo Islam. Các hình được chạm trên gỗ, hay được đắp bằng vữa trên các lối ra vào, tại các hốc cầu nguyện và bục giảng kinh ở các thánh đường. Ngoài ra, còn có những loại tranh ghép do gắn nhiều mảnh men nhỏ nhiều màu sắc trên tường, có các chùm đèn  được trang trí theo kiểu arabesque.
Nhìn chung, “hoa văn Arabesque hay hoa văn Arập, không chỉ là một bộ phận của nghệ thuật Arập mà còn rất đặc trưng cho nền nghệ thuật này, nó không phải là một hình tượng mà là một tiết điệu. Một sự nhắc đi nhắc lại không bao giờ ngưng chỉ một chủ đề, nó cho phép con người thoát ly thế giới vật chất, cuốn hút người ta vào một sự chiêm nghiệm kỳ ảo.
Arabesque ứng với một nhãn quan tôn giáo. Đạo Islam chống lại tranh tượng thánh thần mà chỉ sùng bái lời của thánh thần. Đối lập với tranh thờ Byzance, đạo Islam cho chảy cuồn cuộn những đường lượn arabesque trừu tượng mà ở giữa người ta viết bằng thư pháp những dòng trích trong kinh Qur’an. Đây là một kỹ thuật trang trí để tránh sự sùng bái thần tượng, là một sản phẩm được thanh lọc của tinh thần Hồi giáo… Nó không có khởi đầu và không có kết thúc, mà cũng không hướng đến sự khởi đầu hay kết thúc, bởi vì toàn bộ của nó đều là sự tìm kiếm cái mà theo Kinh Qur’an thì vừa là Khởi thủy vừa là Khánh chung. Nó được dẫn dắt một cách không mệt mỏi, nhưng vô hiệu, đến cái bất tận”.
Nghệ thuật của Islam giáo còn có một hình thức đặc biệt nữa là thư pháp. Chữ Arab có thể viết đẹp theo nhiều cách viết khác nhau: viết theo kiểu chân phương, viết theo kiểu hình học Kufic, hoặc viết lượn tròn theo kiểu sóng cuộn. Thư pháp được sử dụng để chép Kinh Qur’an thường là những kiểu thư pháp và kiểu trang trí đặc biệt đẹp. Các mái vòm của thánh đường và các bức tường trắng là những nơi thể hiện các kiểu thư pháp và trang trí đặc biệt này của người Arab Islam giáo.
Ngoài ra, nghệ thuật trang trí arabessque còn được sử dụng để minh hoạ cho các cuốn sách trên cơ sở kết hợp nhiều phong cách arabessque với nhau theo một kiểu rất cầu kỳ và rắc rối và chính điều này làm nên sự độc đáo rất riêng biệt của người Islam giáo Arab.
Một loại hình nghệ thuật khác cũng rất đặc biệt đó là thảm. Những tấm thảm rất đẹp và rất sang trọng được người Islam giáo làm bằng cách tết các sợi len hoặc sợi tơ từng nút một để tạo nên những hoạ tiết phức tạp. Người Islam giáo thường quỳ trên các tấm thảm để cầu nguyện nên thảm là thứ đồ dùng thường có không chỉ ở các thánh đường mà cả trong các gia đình. Cách trang trí cho các tấm thảm cũng rất đa dạng, phong phú, có thể là bằng các đường hình học và cũng có thể là bằng các họa tiết hoa lá, cây cối, các con thú cách điệu theo phong cách arabesque.
Văn hoá Arab của người Saudi Arabia Islam giáo còn được thể hiện qua điệu múa kiếm dân tộc Ardha được coi là một nghi lễ tôn nghiêm nhất. Những người đàn ông đánh trống thành nhịp điệu và các thi sĩ thì đọc các câu thơ thánh ca còn các vũ công cũng đều là đàn ông thì mang kiếm nhảy múa vai kề vai.
Trang phục của người Saudi Arabia mang tính biểu tượng, thể hiện mối liên kết chặt chẽ giữa con người với đất đai, với quá khứ và đạo Islam. Đó là áo trùm kín rộng rãi phản ánh tính thiết thực của cuộc sống trên sa mạc và sự nhấn mạnh của đạo Islam. Kèm theo là một mảnh vải vuông phủ trên đầu, nó có thể là một shimagh- mảmh vải cotton kẻ ca rô lớn được giữ bằng một sợi dây, hoặc cũng có thể là một ghutra- một mảnh vải vuông màu trắng cũng là chất liệu cotton nhưng mịn hơn và cũng được giữ bằng một sợi dây. Phụ nữ cũng mặc áo choàng phủ kín có thể được trang trí bằng những vật treo, đồng xu, đồng tiền vàng hay những mảnh kim loại và nhất thiết phải sử dụng khăn che mặt gọi là niqab.
Văn hoá ẩm thực của người Saudi Arabia phản ánh đầy đủ văn hoá Islam giáo. Người ta không ăn thịt lợn, không uống rượu. Đây là Luật Islam giáo và luật này được mọi người tuân thủ rất nghiêm ngặt. Món ăn thường thấy là bánh mỳ Arab. Người dân Islam giáo hay ăn thịt cừu nấu chín hay thịt cừu xiên nướng, gà nướng, hạt đậu xanh nấu nhừ, đậu fava cùng với tỏi và chanh. Đồ ướng thường là trà nhưng cũng có cả cà phê.
Lối sống của người Islam giáo là lối sống cộng đồng. Mối quan hệ con người gần gũi và tình cảm cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong bất kỳ xã hội Islam giáo nào. Người ta luôn giành thời gian để tiếp xúc với láng giềng của mình, đặc biệt ở các vùng nông thôn người dân sống rất gắn bó với nhau. Trong giao dịch luôn phải giành thời gian để hỏi thăm nhau, trao đổi các thông tin về gia đình của mình. Tuy gia đình Islam giáo là một không gian sống cực kỳ riêng tư, nhưng thông tin về gia đình một ai đó lại được người ta hết sức quan tâm. Khi làm quen với một người Islam giáo, câu hỏi đầu tiên cho bạn thường sẽ là “Anh có vợ chưa?” Nếu câu trả lời là rồi, thì tiếp theo sẽ là “Anh có con chưa?” và cứ tiếp tục như thế cho đến khi người ta đã hình dung ra khá rõ ràng gia đình của bạn là như thế nào mới thôi. Còn nếu câu trả lời là chưa, thì người ta thường sẽ bày tỏ thái độ thông cảm với nỗi đau khổ của bạn, bởi vì với người Islam giáo, một người không có gia đình và không có con cái thì đó là bi kịch. Những câu nói cửa miệng của người Islam giáo ở đây là “Theo ý Allah”, bộc lộ một thái độ sống mà trong đó thời gian và thời hạn là những thứ có tính chất co dãn linh hoạt.
Có thể nói, nếp sống cộng đồng của các tín đồ Islam giáo được quy định bởi giáo lý trong kinh Qur’an. Các giáo lý đó liên quan đến trách nhiệm xã hội, yêu cầu các tín đồ phải đối xử với nhau bằng lòng nhân từ và quan tâm đến người khác. Đạo Islam còn diễn giải yêu cầu đó và xác định trách nhiệm và quyền lợi của các cá nhân trong một loạt các quan hệ cụ thể khác nhau. Trong số rất nhiều quan hệ đó thì bổn phận đầu tiên của một người Islam giáo là với gia đình trực tiếp của mình, rồi đến những người họ hàng gần gũi, láng giềng, bạn bè và người quen, bà góa và con côi, những người nghèo khó trong cộng đồng, các tín đồ Islam giáo trong cùng cộng đồng địa phương, với cộng đồng tín đồ Islam giáo nói chung.
Thánh đường là nơi thể hiện rõ nét nhất lối sống cộng đồng của người Islam giáo nói chung và của Saudi Arabia nói riêng. Người ta có thể tụ họp ở sân trong của thánh đường, dưới mái vòm hay bên các bể nước để trò chuyện. Trẻ em đến thánh đường để học kinh Qur’an và để học tập nói chung nếu nơi ở của chúng không có trường học. Ngoài chức năng cầu nguyện và giáo dục, thánh đường còn có chức năng công cộng khác rất quan trọng là  hội họp. Kiến trúc theo một quần thể gắn liền liên kết chặt chẽ với nhau của thánh đường cho thấy mối liên hệ chặt chẽ của đạo Islam với đời sống chính trị, giáo dục và xã hội của một cộng đồng Muslim. Người Islam giáo nào cũng muốn sống quy tụ ở những nơi có thánh đường. Luật Islam giáo quy định các tín đồ phải cầu nguyện trưa thứ sáu tại Đại thánh đường (còn được gọi là Thánh đường ngày thứ Sáu). Như vậy, lối sống cộng đồng của người Islam giáo nói chung đều bắt nguồn từ nguồn gốc tôn giáo của họ.
Phụ nữ trong xã hội Arab Islam giáo nói chung có địa vị rất thấp kém và điều này cũng xuất phát từ những quy định của Luật Islam giáo:
- Phụ nữ nhận được số tài sản thừa kế bằng phân nửa đàn ông.
- Trong một vụ tranh chấp hay kiện tụng, lời chứng của hai người phụ nữ có giá trị tương đương lời chứng của một người đàn ông.
Phụ nữ ra đường phải che mạng, ngoài xã hội bị cấm một số ngành nghề, trong gia đình phải tuân thủ và hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông là người chồng của mình và phải chấp nhận chế độ đa thê.
Có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng và tác động của Islam giáo trong văn hoá và xã hội của các nước theo tôn giáo này, trong đó rất điển hình là Saudi Arabia bởi giáo luật đạo Islam chứa đựng nhiều nội dung và hành vi xử thế trong cuộc sống xã hội - con người có tính chất bắt buộc cao và rất khắt khe. Nó vượt ra khỏi phạm vi đức tin và những sinh hoạt tôn giáo thuần tuý và trở thành tiêu chuẩn pháp lý trong đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của người Islam giáo. 5 quy định bắt buộc (niệm, lễ, chay, khoá, triều) của đạo Islam đối với các tín đồ đã hình thành nên một nền văn hoá đặc thù, một lối sống riêng, một cách sinh hoạt tinh thần của xã hội Islam giáo mà Saudi Arabia là trường hợp rất tiêu biểu. 
Thực tiễn cho thấy, kinh Qur'an không chỉ đơn thuần là kinh sách tôn giáo mà nó còn có ý nghĩa về tính pháp lý trong xã hội, có nhiều quy định về vệ sinh, ăn ở, hôn nhân, cách cư xử trong gia đình và trong quan hệ xã hội như: quan hệ mua bán, tài chính, chính trị - có cả tội ác và hình phạt. Đây là một đặc điểm quan trọng nhất của Islam giáo, nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa đạo với đời, giữa tôn giáo với chính trị và xã hội. Saudi Arabia là nơi thể hiện rõ nét đặc điểm này, là đất nước sử dụng triệt để tính pháp lý trong xã hội của kinh Qur’an và của Luật Sharia.
2- Văn hoá xã hội Thổ Nhĩ Kỳ dưới ảnh hưởng của đạo Islam
Cũng là một quốc gia theo đạo Islam và nằm tại khu vực Trung Đông, song Thổ Nhĩ Kỳ lại là một hình mẫu rất khác với Saudi Arabia.
Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lý rất đặc biệt, nằm giữa châu Âu và châu Á, do vậy có thể cho đây là đất nước Á- Âu. Dân số Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có khoảng 75 triệu người; có 2 dân tộc chính tại đây là người Turkish (khoảng 80%) và người Kurdish (khoảng 20%). Tôn giáo chủ đạo là đạo Islam, trong đó có đến 80% dân số là tín đồ của dòng Sunni, còn ngôn ngữ chính thức là tiếng Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ có một lịch sử phát triển hào hùng với những thời đại và tên tuổi đã đi vào lịch sử nhân loại như đế chế Byzantine, đế chế Ottoman. Hoàng đế Ottoman bắt đầu từ thế kỷ XIII đã chinh phục và thống nhất các khu vực xung quanh như Đông Nam Âu, khu vực Tây Á và khu vực Bắc Phi, tạo nên một đế chế Ottoman hùng mạnh.
Từ năm 1923 sau khi các sỹ quan trẻ tuổi do Mustafa Kemal Ataturk2 lãnh đạo đã kháng chiến thành công chống lại quân đồng minh (Thổ bị quân Đồng minh chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất), nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã được thành lập thay thế cho nhà nước quân chủ Islam giáo trước đó và Ataturk là tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa này.
Mustafa Kemal Ataturk là người có tư tưởng cải cách và đã có công lao rất lớn trong việc cải cách và chấn hưng đất nước. Ông đã biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia thế tục theo kiểu phương Tây, đạo Islam không phải là tôn giáo duy nhất và không còn là quốc đạo, chữ viết Arap đã được Latinh hóa, ngôn ngữ Thổ được khôi phục và phụ nữ không bị bắt buộc phải che mặt. Luật pháp được cải cách theo phương Tây, dựa trên hệ thống luật dân sự châu Âu chứ không phải được xây dựng trên nền tảng các quy định của Islam giáo như nhiều quốc gia Islam giáo khác. Công lao to lớn của Mustafa Kemal Ataturk đã khiến ông được coi như một vị “cha già dân tộc”, được tôn vinh và sùng bái, mộ của ông hiện nay đang đang được bảo quản trong lăng đặt tại thủ đô Ankara.
Mặc dù thể chế chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ giống của các nước tư bản phát triển, song do là quốc gia Islam giáo nên về mặt văn hoá- xã hội ảnh hưởng của tôn giáo này là rất mạnh, do vậy đã làm nên một Thổ Nhĩ Kỳ với những đặc thù rất riêng biệt.
Dấu ấn đậm nét nhất về ảnh hưởng của đạo Islam đến văn hoá và xã hội tại đây chính là các thánh đường và văn hoá niệm, lễ, chay, khoá, triều của những người Muslim (tín đồ theo đạo Islam) tại Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên những quy định bắt buộc của đạo Islam. Điều này không có gì khác so với các nước Islam giáo khác. Các thánh đường ở đây vẫn mang những nét đặc trưng của một toà thánh đường Islam giáo. Có những thánh đường nhỏ và những đại thánh đường. Ở Istanbul còn có thể nhìn thấy những thánh đường với 6 cột tháp rất cổ kính đánh dấu một thời kỳ lịch sử huy hoàng của đế chế Islam giáo Ottoman. Kiến trúc, bài trí, trang trí bằng nghệ thuật arabesque trong các thánh đường ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn mang những nét phổ biến chung. Nơi đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng không chỉ phục vụ riêng cho vấn đề tâm linh mà còn là nơi tụ họp, gặp gỡ, trao đổi của cư dân và còn là điểm đến của khách du lịch thập phương.
Là một nước Islam giáo nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại là một đất nước cởi mở. Sự đa dạng về văn hoá của bản thân đất nước vừa Âu vừa Á này lại cộng thêm sự mở cửa đã làm cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ như một tấm gương thu nhỏ của thế giới.
Đến Thổ Nhĩ Kỳ người ta không bị có cảm giác lo lắng như đến các nước Islam giáo khác là mình có bị phạm vào các chuẩn mực cấm kỵ nào hay không. Đây là một đất nước tự do, là nơi hội tụ của nhiều dân tộc khác nhau, là nơi thể hiện của nhiều phong cách văn hóa văn hóa khác nhau, là nơi có thể nghe thấy nhiều loại ngôn ngữ khác nhau của thế giới.
Có thể đưa nhận xét sau đây của nhà phân tích người Italia Gigi Riva trong tạp chí “L’Espresso” để cùng chia sẻ cảm nhận về một Thổ Nhĩ Kỳ tự do, đa sắc thái và thú vị: “Người phục vụ bàn… trải dài thực đơn trên bàn, trong đó có đủ các món ăn từ truyền thống đến quốc tế, cộng thêm hàng loạt rượu địa phương và nhập khẩu hảo hạng... Những hình ảnh của châu Âu và thế giới vẫn xuất hiện ở đây. Trên con đường Istical những tòa nhà hoành tráng được xây dựng từ thế kỷ XVIII là những nhân chứng câm lặng của một quá trình chuyển hóa không ngừng nghỉ, ngày cũng như đêm. Những người phụ nữ Thổ đi trên phố, với đủ dạng trang phục và đầu tóc, từ có khăn trùm đầu, từ mặc áo choàng che cả người, đến để đầu trần, mặc váy ngắn…”.
Văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là sự pha trộn của các yếu tố văn hóa Oguz Turkic, Anatolie, Ottoman và văn hóa phương Tây. Bản thân văn hóa Ottoman đã là sự tiếp nối và pha trộn của hai loại văn hóa Hy Lạp- La Mã và Hồi giáo. Đồng thời, nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ cũng mang thêm cả sắc thái văn hóa của những người Trung Á nhập cư vào đây.
Thành công lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là họ đã chuyển đổi từ một đế chế Ottoman dựa trên nền tảng tôn giáo thành một quốc gia-dân tộc hiện đại với sự phân tách hoàn toàn nhà nước khỏi tôn giáo mà bản thân các công trình văn hóa, nghệ thuật ở đây đã nói lên tất cả những điều này. Đó là các viện bảo tàng, các nhà hát, nhà biểu diễn opera và các công trình kiến trúc. Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ như được đánh giá, là sản phẩm của những nỗ lực hiện đại hóa nhà nước theo kiểu phương Tây trong khi vẫn giữ gìn những giá trị lịch sử và tôn giáo truyền thống4.
Thành phố Istanbul là địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn. Thành phố Istabul tráng lệ là sự kết hợp tuyệt vời của những tòa nhà hiện đại cao tầng và hệ thống giao thông hiện đại với những công trình kiến trúc tháp vòm cổ kính từ thời Byzantine và nghệ thuật kiến trúc Ottoman. Giữa trung tâm thành phố có thể đến thăm Bảo tàng Hagia Sophia nơi lưu giữ các dấu ấn từ thời Byzantine; có thể vào thăm quan và mua sắm tại Grand Bazaar hay Spice Bazaar. Bản thân các công trình kiến trúc của các khu này đã là những nét văn hóa đặc sắc, đồng thời các sản phẩm thủ công được làm bằng tay được bày bán tại đây cũng vô cùng hấp dẫn bởi trình độ tay nghề và các nét hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Thổ Nhĩ Kỳ rất hấp dẫn khách du lịch, năm 2008 có 26,5 triệu người đến tham quan du lịch tại đây. Đóng góp của ngành du lịch trong năm này vào nền kinh tế quốc gia là 22 tỷ USD. Hiện nay có 66 nước và vùng lãnh thổ không cần visa vào Thổ Nhĩ Kỳ (trong đó có những nước trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếc rằng Việt Nam chưa nằm trong danh sách này).
Nhìn chung, mặc dù đa dạng về văn hoá nhưng dấu ấn của văn hoá Islam giáo đậm nét ở khắp nơi, từ các toà thánh đường đến các bức thảm, từ phong cách ăn mặc đến các lễ nghi tôn giáo. Thổ Nhĩ Kỳ rất hấp dẫn và thu hút khách nước ngoài bởi sự phong phú, đa dạng, hoà quyện và bổ sung cho nhau về văn hoá và chính sự phong phú đa dạng đó làm nên nét văn hoá riêng, đặc trưng cho một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ Islam giáo.
3- Nhận xét
Trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới là Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Islam giáo thì Islam giáo có tốc độ phát triển nhanh nhất. Uớc tính hiện nay có khoảng 1,5 tỷ người sống với niềm tin của đạo Islam. Xét về phương diện lịch sử, những tín đồ Islam giáo là những cư dân đô thị rất năng động, chủ yếu là các thương nhân làm nghề kinh doanh. Có lẽ vì qua các thương nhân luôn bôn ba thế giới như vậy mà đạo Islam lan rộng từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác. Mặc dù tồn tại trong các nền văn hoá đa dạng, song người ta cũng dễ dàng nhận thấy những nét riêng biệt của những cộng đồng Muslim. Nét riêng biệt đó chính là văn hoá Islam đặc thù của những tín đồ theo đạo này, cho dù họ sống tại quê hương gốc của nó là Saudi Arabia hay sống ở Nam Á hay sống tại Mỹ.
 Nhìn chung, lối sống cộng đồng, sự quan tâm, chia sẻ với nhau trong cộng đồng các Muslim dù ở quốc gia nào cũng đều rất rõ nét. Lối sống cộng đồng đó của các tín đồ Islam giáo sở dĩ hình thành nên là vì  được quy định bởi giáo lý trong kinh Qur’an. Các giáo lý đó liên quan đến trách nhiệm xã hội, yêu cầu các tín đồ phải đối xử với nhau bằng lòng nhân từ và quan tâm đến người khác. Một nếp văn hoá chung khác của những xã hội theo đạo Islam là sùng đạo, tín chúa (Thiên chúa Allah), bảo vệ đạo và bảo vệ niềm tin của mình thậm chí bằng cả tính mệnh cá nhân. Trách nhiệm chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau trong cộng đồng các tín đồ Islam giáo được giáo lý nâng lên thành nghĩa vụ. Sử dụng giáo lý và hô hào thực hiện nghĩa vụ này như thế nào tuỳ thuộc vào các tổ chức, giới lãnh đạo và các mục tiêu mà họ đặt ra trong các quốc gia Islam giáo khác nhau.
Trên bình diện văn hoá, sự giống nhau của các cộng đồng Muslim là sự hiện hữu của các Thánh đường. Không ai có thể nhầm Thánh đường với nhà thờ Thiên Chúa giáo hay với ngôi chùa Phật giáo. Đặc điểm của các Thánh đường là mái vòm với những chiếc cột biểu trưng cho quyền lực, là một không gian trống trải, rộng lớn, mát mẻ với duy nhất một cái hốc ẩn trong bức tường có mũi tên chỉ hướng để người cầu nguyện quay về phía Mecca và một bục giảng kinh. Không gian thánh đường khắc khổ nhưng lại rất đẹp, uy nghiêm nhưng lại gần gũi.
Nghi lễ cầu nguyện 5 lần một ngày cũng diễn ra ở bất kỳ nơi đâu khi nơi đó có cộng đồng Muslim. Tiếng gọi của Muezzin (người báo giờ cầu nguyện) vang vọng vừa trang nghiêm vừa thiết tha và cảnh các tín đồ Muslim kính cẩn, trang nghiêm cầu nguyện, cùng với những phụ nữ trùm khăn khiến bầu không khí của các thành phố của họ thấm đậm chất tôn giáo.  
Có thể khẳng định rằng các cộng đồng Muslim dù ở Trung Đông hay các khu vực khác  không chỉ đơn thuần là một cộng đồng tôn giáo mà còn mang đậm tính chất một cộng đồng chính trị- xã hội. Điều này xuất phát từ giáo lý của đạo Islam (kinh Qur'an và Hadith –cuốn sách ghi lại những lời nói, hành động và truyền thuyết về Mohammed) với những luật lệ và quy định cũng như nghĩa vụ thực hiện chúng của các tín đồ. Với ý nghĩa này Kinh Qur’an đã tạo ra một khung pháp luật cho việc tổ chức xã hội và thực hiện chính quyền chính trị. Xuất phát từ Mohammed vai trò là thủ lĩnh tôn giắo gắn liền với vai trò là thủ lĩnh chính trị vẫn tìm thấy hình hài của nó trong các thể chế chính trị phổ biến ở Trung Đông hiện nay. Chức năng xã hội của cộng đồng Muslim được thể hiện rất rõ cho dù họ ở khu vực nào trên thế giới. Bổn phận thực hiện bố thí, giúp đỡ người nghèo khó được “luật” hoá chứ không chỉ đơn giản là những lời kêu gọi, bởi vì đây là một trong năm trụ cột của giáo lý của đạo Islam. Một biểu hiện khác về tính chất xã hội của cộng đồng Muslim chính là vai trò dạy học của các Thánh đường. Các trường thế tục ở các nước Arab Islam giáo xuất hiện rất muộn. Trước kia trẻ em được dạy dỗ ngay tại Thánh đường. Ngày nay, Thánh đường tuy không phải là nơi dạy chữ  nhưng vẫn là nơi giáo dục đạo đức, tình cảm, tín ngưỡng của người theo đạo Islam.
Qua hai trường hợp nghiên cứu cụ thể ở trên cũng thấy rằng trong đời sống xã hội và văn hoá mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều nét riêng khác với Saudi Arabia nhưng nhìn chung văn hoá Islam giáo phổ quát nhất của bất kỳ quốc gia Islam giáo vẫn hiện hữu tại đây. Có thể nói ảnh hưởng của tôn giáo này đến nền văn hoá- xã hội kể cả của Thổ Nhĩ Kỳ đều rất mạnh.
Từ các mô hình Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy dù là nước Islam giáo bảo thủ hay là nước Islam giáo thế tục, dân chủ và hiện đại thì tôn giáo này vẫn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Có thể lý giải là do nền tảng và cội nguồn văn hoá Islam giáo đã tạo nên đặc thù như vậy cho tất cả các quốc gia của thế giới Islam giáo nói chung. Các quốc gia Trung Đông Islam giáo dù có sự khác biệt hay chia rẽ thì họ vẫn có chung một di sản cùng những ràng buộc thông qua tôn giáo của mình.
 Những sự kiện chính trị- xã hội xảy ra liên tục tại các quốc gia Bắc Phi- Trung Đông từ cuối năm 2010 đến nay lại một lần nữa chứng minh rằng các mô hình thể chế du nhập vào thế giới Islam giáo đều đã thất bại. Thế giới Islam giáo cần có mô hình thể chế riêng của họ và mô hình thể chế đó phải được xây trên nền văn hoá Islam giáo, phù hợp với đặc điểm lịch sử, xã hội, kinh tế của riêng mỗi quốc gia và khu vực. Hiện nay, mô hình phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ đang là một trong những mô hình được bàn luận trong quá trình tìm kiếm ấy của các quốc gia Islam giáo.
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét