Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Bắc nhịp cầu sang các nước Hồi giáo

Bắc nhịp cầu sang các nước Hồi giáo

Thánh đường ở Qom, Iran
Văn hóa Hồi giáo có thể thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tựu trung, nó tạo ra một xã hội ổn định, trật tự và kỷ cương, mà cơ sở xuất phát là ý thức của mỗi người dân theo đạo”. Đó là nhận xét của Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Huy Thơ sau chuyến thăm và làm việc tại Iran trong khuôn khổ Đề án Nghiên cứu Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo, nhằm tham mưu cho Chính phủ mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với các nước Hồi giáo, dùng tôn giáo làm cầu nối để mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Iran có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam
Xin ông cho biết mục đích chuyến thăm Iran vừa qua?
- Năm 2009, Thủ tướng giao Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện Đề án Nghiên cứu Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo, nhằm tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với các nước Hồi giáo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chúng tôi đã thành lập một đoàn liên ngành, trong đó có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, do Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì. Chuyến thăm Iran vừa qua (từ ngày 14 – 22/12/2011) trước hết nhằm nghiên cứu sâu về Hồi giáo tại Iran - quốc gia có tới 98% dân số theo Hồi giáo. Thứ hai, chúng tôi nghiên cứu về hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến tôn giáo. Thứ ba là nghiên cứu sâu về văn hóa Hồi giáo, hay nói rộng hơn là văn hóa Iran - một quốc gia Hồi giáo. Thứ tư là trao đổi hướng hợp tác, trước hết trong lĩnh vực tôn giáo, sau mở rộng sang các lĩnh vực khác. Chúng tôi chọn nghiên cứu về Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo như một nhịp cầu để bắc sang những lĩnh vực khác rộng hơn, là văn hóa, ngoại giao và kinh tế.
Ấn tượng của ông cũng như các thành viên trong đoàn về đất nước và con người Iran như thế nào?
Trước hếtIran là đất nước có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam, cho nên trong lời phát biểu, ai cũng nói câu: “Từ sâu thẳm trái tim tôi, xin bày tỏ tình cảm và lòng khâm phục đối với nhân dân Việt Nam”. Thứ hai, mặc dù Iran đang bị bao vây, cấm vận, nhưng chúng tôi cảm nhận cuộc sống ở đây vẫn ổn định, yên bình, vững vàng và phát triển. Các bạn Iran nói, “chính chiến thắng của người Việt Nam trước các thế lực đế quốc, phong kiến là sự động viên, cổ vũ to lớn đối với chúng tôi. Sở dĩ chúng tôi bình thản như thế là vì chúng tôi nghĩ tới Việt Nam”.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước hiện nay thì sao, thưa ông?
- Hiện quan hệ giữa Iran và Việt Nam còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Như trao đổi kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm mới đạt khoảng 150 triệu USD. Cốt của vấn đề là hiện số người Việt biết tiếng Ba Tư chỉ đếm trên đầu ngón tay, từ điển tiếng Farsi và tiếng Việt cũng chưa có. Hiện một nhóm sinh viên, nghiên cứu sinh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội bắt đầu mở phòng Iran học tại Việt Nam, dạy tiếng Farsi cho sinh viên Việt Nam, làm từ điển tiếng Farsi - Việt... Hy vọng đây sẽ là động thái giúp mở rộng quan hệ giữa hai nước.
Văn hóa Hồi giáo tạo ra một xã hội ổn định, trật tự và kỷ cương
Trước Iran, chúng ta đã cử đoàn công tác tới Các tiểu vương quốc Ảrập, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ vàBrunei. Theo ông, văn hóa Hồi giáo Iran khác với các nước Hồi giáo trên ở những điểm nào?
- Cái cốt yếu của sự khác biệt giữa Hồi giáo Iran với Hồi giáo các nước ở chỗ, Iran là đất nước duy nhất trên thế giới có thể chế cộng hòa Hồi giáo. Cộng hòa Hồi giáo được hiểu là tôn giáo đã tạo lập nên một nhà nước, một chính thể. Toàn bộ hệ thống luật pháp của Nhà nước đều xuất phát từ luật lệ Hồi giáo và Kinh Koran. Người Iran rất tự hào về điều này, trong các lời phát biểu họ đều nói, họ muốn chứng minh Hồi giáo không phải là thứ tôn giáo mà các thế lực thù địch với Iran bêu riếu là cực đoan, là đánh bom tự sát... Ở Iran không có người nào tham gia vào các vụ đánh bom tự sát. Như họ nói thì Hồi giáo hoàn toàn làm những điều tốt đẹp, là cơ sở, nền tảng để tạo ra nền văn hóa dân tộc Iran đậm đà bản sắc. Văn hóa Hồi giáo dạy cho con người từ trong bào thai, đến lúc lọt lòng mẹ và trưởng thành phải hành xử theo lối sống văn hóa đượm màu sắc Hồi giáo. Ví dụ, người Hồi giáo Iran không uống bia, rượu. Một quả nho có thể ăn trực tiếp hoặc xay ra để uống nước, nhưng khi nó lên men thì không được uống. Điều này dẫn đến việc trên đường phố Iran không có người say bia, say rượu; việc cãi cọ nhau, đàn ông đánh vợ con cũng rất ít.
Đoàn thăm quần thể lăng và đền thờ Hồi giáo ở thành phố Qom
Văn hóa Hồi giáo cũng khẳng định vai trò của phụ nữ. Theo Kinh Koran, phụ nữ là phần quý giá của loài người, do Thiên Chúa tạo ra. Cho nên, phụ nữ Iran gần như không phải lao động, chỉ sinh con đẻ cái và làm công việc nhà, còn đàn ông có nghĩa vụ lao động, kiếm tiền, nuôi vợ con. Văn hóa Hồi giáo cũng dạy cho con người ta sự vâng phục, trước hết là vâng phục Chúa Trời, tiếp đến là vâng phục những người đại diện cho Chúa, vâng phục chính sách, pháp luật của nhà nước. Văn hóa Hồi giáo cũng dạy tinh thần, ý chí tự do, đoàn kết cộng đồng...
Văn hóa Hồi giáo có thể thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung, nó tạo ra một xã hội ổn định, trật tự và kỷ cương, mà cơ sở xuất phát là ý thức của mỗi người dân theo đạo. Họ đã được giáo dục từ nhỏ, từng cá nhân hợp lại tạo nên một xã hội rất văn hóa.
Sau chuyến đi vừa qua, theo ông, ngoài tôn giáo, Việt Nam và Iran còn có thể hợp tác trong những lĩnh vực nào?
- Trong quá trình tiếp xúc, các bạn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo nói rằng: “Chúng tôi rất mong Việt Nam cử đại diện các hãng thông tấn lớn sang Iran, bởi chúng tôi biết hiện thông tin của các bạn về Iran còn ít và một chiều”. Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, vì muốn phát triển quan hệ ngoại giao phải bắt đầu từ giáo dục, phải học để biết tiếng của nhau. Hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học tiếng Ba Tư rất ít. Phía bạn sẵn sàng có những gói học bổng dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam, soạn các chương trình ngắn hạn cho người Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, Iran và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng. Ví dụ, Iran cũng có Tết âm lịch giống Việt Nam, cũng chuẩn bị những món ăn ngon, thăm hỏi lẫn nhau, hay hái cành lộc. Thủ tục cưới hỏi của người Iran cũng gần giống Việt Nam, và có chi tiết vui là đi ăn cỗ cũng mang... phong bì. Vì thế,Iran rất muốn mở rộng giao lưu văn hóa với Việt Nam. Năm 2013, hai quốc gia sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với người Iran, con số 40 cực kỳ có ý nghĩa. Thứ nhất, nhà tiên tri Ali Muhammad chính thức viết cuốn Kinh Koran vào năm ông 40 tuổi, để lại cho loài người công trình văn hóa lớn. Thứ hai, với người Iran, tuổi 40 là tuổi đạt đến độ trưởng thành nhất, cả về thể xác, tinh thần, lẫn vật chất. Vì vậy, Iran rất coi trọng đợt kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và họ hy vọng sẽ có một lễ kỷ niệm hoành tráng, ý nghĩa.
Xin cám ơn ông!
      “Những thánh đường Hồi giáo ở Iran nhiều vô kể, có những cái có lịch sử tới hàng nghìn năm. Chúng tôi đến thành phố Qom, cách Tehran khoảng 200km, được coi là thánh địa của người Hồi giáo Iran. Vùng đất thiêng này rộng 20.000m2, với sức chứa có lúc lên tới 20.000 - 30.000 người cùng tham gia cầu nguyện. Điều đáng nói là dù xây cách đây 1.000 năm, nhưng nếu nhìn qua bằng mắt thường thì thấy thánh đường này gần như mới, chứng tỏ sự bảo quản tuyệt vời. Ngoài yếu tố thời tiết (khí hậu khô, ít mưa), quan trọng là ý thức giữ gìn của người dân, tín đồ, làm cho các thánh đường tồn tại gần như vĩnh cửu”

Nguyên Anh thực hiện



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét