Sự thực về mối đe dọa khủng bố đường biển ở Đông Nam Á
Trong những năm gần đây, Đông Nam Á là một vùng đặc biệt đáng được lưu ý về hoạt động khủng bố trên đất liền. Nhưngnhà nghiên cứu Alexandre Besson, Viện quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), cho rằng hiện nay cũng cần coi trọng khía cạnh tiềm tàng của mối đe dọa này trên biển. Trích lược bài viết “Questions maritimes en Asie du sud-est: Réalités de la menace terroriste” phần nào làm sáng tỏ thực trạng mối đe dọa khủng bố ở vùng biển này.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Niu Yoóc, các cuộc điều tra đã nhanh chóng đưa các điều tra viên đến Đông Nam Á và thực tế cho thấy nhiều kẻ khủng bố tham gia vụ này đã từng sống, đặc biệt là được huấn luyện tại đây. Các điều tra viên đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa Al-Qaeda và các phong trào khủng bố ở đây như Abu Sayyaf (ASG) hoạt động ở miền Nam Philíppin, hay Jemaah Islamiyah (JI) có mặt ở nhiều nước, cụ thể là ở Xinhgapo, Malaixia và Inđônêxia.
Như vậy, Đông Nam Á được Chính quyền Bush xem là một cơ sở hậu phương của khủng bố quốc tế và là "chiến tuyến thứ hai" của cuộc chiến chống khủng bố. Điều đó thúc đẩy Mỹ tái can dự vào vùng này và tìm kiếm đồng minh hàng đầu để chống lại các mạng lưới khủng bố địa phương. Xinhgapo và Malaixia là những nước đầu tiên đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ và đề ra biện pháp mà không đợi Mỹ phải yêu cầu. Như vậy, Mỹ đã lại đặt chân vào Philíppin sau khi quân Mỹ rút khỏi đây vào năm 1992. Còn Xinhgapo xắn tay giải quyết vấn đề, đưa đấu tranh chống khủng bố trở thành một yếu tố cấu thành chính sách an ninh nội địa, đồng thời tăng cường nỗ lực truy lùng các mạng lưới tài chính cung cấp tiền cho khủng bố và can dự vào cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan. Quan điểm của Chính phủ Xinhgapo rất rõ ràng: quân đội Xinhgapo tham gia cuộc chiến này cũng là trực tiếp góp phần bảo đảm an ninh của nước mình. Nhờ đó bằng chứng về việc lên kế hoạch đánh bom hệ thống tàu điện ngầm của Xinhgapo được phát hiện tại Cabun năm 2001.
Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành huy động được các đồng minh trung thành nhất trong vùng như Xinhgapo và Philíppin, song thái độ của Mỹ về vấn đề này - và sau này là quyết định can thiệp vào Irắc - lại khiến các nước trong vùng khó chịu. ASEAN không đưa ra được một lập trường chung về vấn đề này và không làm gì hơn ngoài việc lên án khủng bố. Các nước đưa ra lập trường khác nhau vì không muốn đụng chạm đến dân chúng theo đạo Hồi ở nước mình hay chỉ đơn giản là cảm thấy khó chịu trước việc Chính quyền Bush đánh đồng giữa đạo Hồi, Hồi giáo cực đoan và khủng bố.
Đặc điểm riêng của Đông Nam Á là vùng có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới. Ngoài Inđônêxia, nước Hồi giáo lớn nhất thế giới với hơn 188,6 triệu tín đồ, các nước khác trong vùng (Malaixia, Xinhgapo, Philíppin,Thái Lan) cũng có đông dân là tín đồ Hồi giáo, tuy không chiếm đa số. Ngoài việc đã từng là thành trì của vụ khủng bố vụ 11/9, Đông Nam Á còn là lãnh địa của nhiều phong trào chiến tranh du kích Hồi giáo hoạt động mạnh và ở nhiều nước: miền Nam Thái Lan, miền Nam Philíppin (Mindanao) và ở Inđônêxia (Molusques và Sulaweisi). Đấy là chưa kể đến các vụ gây rối ở Timo Leste hay Aceh (Inđônêxia).
Đông Nam Á có nhiều mục tiêu tiềm tàng
Hơn nữa, Xinhgapo, một đồng minh trung thành của Mỹ và cũng là bộ mặt của phương Tây ở Đông Nam Á, đặc biệt bị đe dọa bởi hoạt động của nhóm Jemaah Islamiyah. Inđônêxia cũng từng là nạn nhân của các vụ đánh bom (ở Bali vào các năm 2002 và 2005, Giacácta vào các năm 2003 và 2004), hay Thái Lan (ở Băngcốc năm 2006). Mối quan hệ giữa các tôn giáo (đặc biệt giữa tín đồ Thiên chúa giáo và tín đồ Hồi giáo) không phải lúc nào cũng phẳng lặng ở một số nước trong vùng, như Philíppin, Inđônêxia hay thậm chí Malaixia. Tại Cuala Lămpơ, một số người lo ngại đạo Hồi ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chính trị, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa các tôn giáo xung quanh việc cả cộng đồng Hồi giáo lẫn Thiên chúa giáo đều sử dụng thuật ngữ "Allah". Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa cách hiểu về tình hình ở Đông Nam Á và yếu tố khiến vùng này trở thành thành trì của khủng bố quốc tế chống phương Tây.
Thực tế là phần lớn các hang ổ khủng bố trong vùng gắn liền với các cuộc chiến tranh du kích mang tính ly khai và chiến lược gây bất ổn định Nhà nước trung ương, và mối liên hệ với các phong trào khủng bố quốc tế như Al-Qaeda thường chỉ giới hạn ở vấn đề tài trợ, đào tạo và huấn luyện. Đây là sự hợp tác hơn là sự cộng tác thực sự. Cho dù các vụ đánh bom có thể nhằm vào lợi ích của phương Tây như ở Bali (lợi ích của Ôxtrâylia) cũng chứa đựng động cơ gây bất ổn định đối với chính quyền nước sở tại hơn là muốn chuyển một thông điệp cho một phương Tây không trung thành nào đó.
Tình hình cũng tương tự ở miền Nam Thái Lan, nơi bản sắc văn hóa của đất nước bị hủy hoại bởi một cuộc nổi dậy vũ trang do nhiều nhóm khác nhau tiến hành. Một số ý kiến cho rằng các nhóm này hoạt động từ cuối những năm 1960 (chủ yếu là phong trào ly khai Pattani và trào lưu dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo-Mãlai). Tuyệt đại đa số mục tiêu của chúng là các biểu tượng của Nhà nước hay "sự thống trị mang tính chất Thái" như nhân viên chính quyền, trường học hay chùa chiền. Nhà nước Thái Lan một mặt duy trì cuộc chiến chống những kẻ nổi dậy, mặt khác thực hiện chính sách cải thiện tình hình kinh tế-xã hội cho dân chúng người Mãlai ở miền Nam, từ đó làm giảm mạnh phong trào kháng chiến mặc dù các vụ đánh bom vẫn thường xuyên xảy ra. Làn sóng di cư của một số tín đồ đạo Phật và các phong trào ly khai ở miền Nam đến nay không còn là vấn đề ưu tiên đối với chính phủ nữa.
Vấn đề ly khai ở miền Nam và hoạt động khủng bố như vậy gắn liền với việc một thiểu sổ người do cảm thấy mình bị áp bức về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị mà phản đối hình mẫu duy nhất về bản sắc Thái Lan được chính quyền trung ương đưa ra. Đúng là những kẻ cực đoan (cụ thể là của nhóm Jemaah Islamiyah) hoạt động ở vùng này và tham gia thường xuyên vào cuộc xung đột (đặc biệt trong thời kỳ 2003-2005), song điều quan trọng là cần phân biệt rõ "chủ nghĩa cực đoan" mang tính tôn giáo địa phương với "phong trào thánh chiến" do các chiến binh nước ngoài mang vào nhưng không phản ánh bản chất sâu xa của cuộc xung đột.
Tại Philíppin, tình hình ở miền Nam (quần đảo Sulu và Mindanao) cũng giống như ở Thái Lan với nạn khủng bố chỉ là công cụ của một thiểu số người Hồi giáo ở các vùng trước đây độc lập về chính trị và nay được sát nhập vào một Nhà nước phi Hồi giáo, nhưng do không thuần phục chính quyền trung ương mà tiến hành kháng chiến ly khai vũ trang. Cuộc đấu tranh đó có cội rễ lịch sử sâu xa, từ thời cuộc kháng chiến của Mặt trận Hồi giáo giải phóng Môrô (MILF) chống chính quyền thực dân Bồ Đào Nha rồi Mỹ, cũng như chính sách của họ nhằm đồng hóa và Thiên chúa giáo hóa các tỉnh này và dân chúng ở đây. Số tín đồ Hồi giáo, trước đây chiếm đa số, nay chỉ còn khoảng 17% dân số miền Nam . Chỉ khi "Rajah Solaiman Movement" (RSM) của Ahmad Santos và "Abu Sayyaf", hai phong trào chống cuộc thương lượng với các phong trào ly khai khác, ra đời vào đầu những năm 1990 thì mới xuất hiện mối liên hệ trực tiếp và chặt chẽ với Al Qaeda, thường là thông qua nhóm Jemaah Islamiyah. Dưới sự thúc đẩy của thủ lĩnh phong trào là Abdurajak, chiến binh tại Ápganixtan, Abu Sayyaf mở rộng tầm hoạt động ra quốc tế dưới dạng quyên góp tài chính ở nước ngoài và tuyển mộ chiến binh quốc tế đến từ Arập Xêút, Libi, Pakixtan hay Ai Cập. Đích thân Khalifa, anh rể của Bin Laden, tham gia quá trình thành lập phong trào này. Abu Sayyaf tiến hành nhiều chiến dịch biệt kích trong vùng với nhiều vụ bắt cóc con tin và đòi tiền chuộc, từ đó dần dần biến thành một tổ chức tội phạm hơn là một phong trào nổi dậy với mục tiêu chính trị. Khi viên thủ lĩnh này chết năm 1998, phong trào không còn sung sức và nay gần như không hoạt động gì nữa.
Ngoài các nguyên nhân sắc tộc-tôn giáo, một số yếu tố kinh tế (cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998) và chính trị (Tổng thống Suharto thất sủng năm 1998 và rối loạn chính trị sau đó khiến một số người tin đạo Hồi là con đường đi thay thế để giành chính quyền chính trị) cũng có thể giải thích hoạt động tích cực của một số phong trào khủng bố ở một vài thời điểm nào đó. Chỉ có phong trào Jemaah Islamiyah, với hoạt động chủ yếu ở Malaixia và Xinhgapo, bị triệt hạ nặng nề sau các vụ bắt bớ năm 2001-2002, dường như thực sự có tầm hoạt động quốc tế với việc lên kế hoạch đánh bom vào lợi ích của Mỹ. Mối liên hệ giữa một số kẻ khủng bố Inđônêxia, các phong trào MILF và JI dường như đã được xác định sau các chiến dịch triệt phá đầu những năm 2000, nhưng hiện nay không biết mối liên hệ đó có còn liên tục và chặt chẽ nữa không.
Như vậy, mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á trước hết là một mối đe dọa chỉ ở mức địa phương và gắn rất chặt với các vấn đề ở địa phương mang tính chính trị, sắc tộc và tôn giáo, hay với một số trường hợp tự cực đoan hóa qua Internet của một số cá nhân đơn lẻ.
Khủng bố đường biển: thực tế là như thế nào?
Về phương diện lịch sử, khủng bố đường biển có thể nói được phong trào Những con hổ giải phóng Tamil phát minh cách đây gần 20 năm khi chúng dùng xuồng cảm tử tấn công tàu chiến, 10 năm trước vụ tấn công tàu chiến USS Cole của Mỹ.
Vụ khủng bố đường biển nghiêm trọng nhất xảy ra ở Đông Nam Á. Đó là vào năm 2004, một trái bom đã nhấn chìm chiếc phà chở khách trong vịnh Manille (Philíppin) làm 116 người chết. Một năm sau, một quả bom khác đặt trong một chiếc phà làm 30 người bị thương và Abu Sayyaf được cho là thủ phạm của vụ này. Trước đó, vào tháng 12/2001, phong trào Jemaah Islamiyah bị nghi lên kế hoạch tấn công một tàu chiến Mỹ ở Xinhgapo cùng lúc với các vụ tấn công vào căn cứ hải quân Changi và các Đại sứ quán Mỹ và Ixraen. Như vậy, khủng bố đường biển xem ra là một mối đe dọa thực sự chưa được khai thác trên quy mô lớn, nhưng rất có hiệu quả, với một loạt phương tiện được sử dụng tùy theo bối cảnh: xuồng cảm tử, người nhái cảm tử, mìn và thậm chí tàu ngầm tự tạo.
Ngoài khủng bố nhằm tác động tâm lý và gây hoảng loạn trong dân chúng (khủng bố đám đông) và thể hiện một hành động tượng trưng (khủng bố biểu tượng), còn có khủng bố chiến lược với mục đích làm rối loạn lợi ích sống còn của nước bị đặt trong tầm ngắm. Giao thông hàng hải và các phương tiện được sử dụng để bảo vệ hiện nay có thể trở thành mục tiêu của các hành động khủng bố ngoạn mục nhất, và hiệu ứng tạo ra gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới có tính chất quyết định.
Ở Đông Nam Á, khủng bố đường biển là một mối đe dọa thực sự, nhưng ít xảy ra. Do có nhiều đường hàng hải có tầm quan trọng sống còn đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Mỹ…) chạy qua và cũng do có lợi ích kinh tế và tài chính lớn của các cường quốc phương Tây, chủ yếu tập trung ở Xinhgapo, Đông Nam Á là một mục tiêu ưu tiên và được cả chính quyền các nước trong vùng cũng như các nhóm khủng bố xác định như vậy. Hơn nữa, sự có mặt về quân sự của Mỹ ở Xinhgapo và mối liên hệ giữa nước này với Mỹ về quốc phòng càng làm cho vùng này trở thành mục tiêu tượng trưng tiềm tàng của khủng bố. Điều đó đúng không những với loại hình khủng bố truyền thống thường nhằm vào các Đại sứ quán, sân bay, tàu chiến và tàu điện ngầm, mà cả khủng bố đường biển đến nay vẫn là ẩn số trên quy mô lớn. Cũng có thể Xinhgapo nằm trong danh sách mục tiêu ưu tiên của tấn công khủng bố đường biển vì mọi yếu tố đều hội tụ ở đây: dễ bị đánh quỵ, tầm quan trọng chiến lược về kinh tế-tài chính cũng như thương mại, nơi tập trung lợi ích của phương Tây, sự có mặt về quân sự và dân sự của Mỹ…
Tuy mối đe dọa này cho dù là có thực, song ít được sử dụng. Lợi ích của cướp biển Đông Nam Á không phải là để đi cùng với khủng bố. Cướp biển trước hết là một nguồn thu nhập đối với chính cướp biển và thường là khi có cơ hội. Trái lại, khủng bố làm cướp biển để lấy tiền phục vụ cho sự nghiệp của mình hay làm rối loạn giao thông hàng hải và lợi ích của mục tiêu mà chúng nhắm tới, không phải là không thể xảy ra. Nhưng cho đến nay, chưa có vụ việc trên thực địa nào chứng minh điều đó.
Bởi lẽ Đông Nam Á vừa có mục tiêu, vừa mở ra cơ hội cho khủng bố tấn công, 5 kịch bản đối với khủng bố đường biển ở vùng này có thể là: dùng khủng bố đường biển để hỗ trợ khủng bố trên đất liền, tấn công tàu chiến, tổ chức đánh bom phương tiện vận chuyển đường biển chở nhiều người, tổ chức đánh bom các tuyến đường có nhiều tàu chở hàng đi qua, tổ chức đánh bom các tàu chở dầu./.
Theo Iris-france
Hương Trà (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét