Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI


KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI 


TS. Bùi Nhật Quang - Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

1. KHÁI QUÁT VỀ HỒI GIÁO
1.1. Sự hình thành của Hồi giáo
Hồi giáo là một tôn giáo độc thần phát triển dựa trên nền tảng quan trọng nhất là Kinh Koran, một văn bản mà những người theo đức tin này cho rằng đã ghi nhận đúng từng lời răn dạy của Chúa Allah thông qua lời truyền đạt của Mohammed, người mà các tín đồ tin tưởng là Thiên sứ cuối cùng của Allah. Danh từ Hồi giáo (Islam) còn có nghĩa là “sự tuân phục đối với Chúa trời”, “hòa bình” và “con đường đi tới hòa bình”. Người tin tưởng vào Hồi giáo được gọi là Tín đồ Hồi giáo
Hồi giáo ra đời vào đầu thế kỷ thứ VII tại khu vực Bán đảo Arab do nhà tiên tri Mohammed sáng lập. Mặc dù là tôn giáo ra đời muộn nhất ở Trung Đông với niên đại vào khoảng đầu thế kỷ VII sau Công nguyên (trong khi đó Do thái giáo được coi là tôn giáo ra đời sớm nhất tại khu vực Trung Đông với bề dầy lịch sử phát triển tính từ năm 2000 trước công nguyên, Thiên Chúa giáo có mặt ở Trung Đông từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên) nhưng Hồi giáo đã nhanh chóng phát triển, mở rộng phạm vi ảnh hưởng và hiện nay trở thành tôn giáo có vị trí quan trọng nhất khu vực Trung Đông và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu. Lịch sử hình thành và phát triển của Hồi giáo gắn liền với bộ kinh Koran (Qur’an). Tương truyền rằng kinh Koran là sự nối kết những dòng tư tưởng về một tôn giáo độc thần khởi đầu từ tổ phụ Abraham, sau đó đến Maisen, qua Jesus và cuối cùng là Mohammed. Từ 2000 năm trước Công nguyên, người Arab đã biết đến Thiên Chúa của Abraham mà họ gọi là Allah. Điều đó có nghĩa là người Arab đã thờ Allah từ 27 Thế kỷ trước khi có Mohammed và đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ tiếp xúc với văn hoá Do Thái, người Arab rất quen thuộc với các nhân vật của Kinh thánh Cựu ước (Torah). Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, người Arab tiếp xúc với những người Thiên Chúa giáo thuộc Đế quốc Byzantine rộng lớn và từ các nước láng giềng như Syria, Ai Cập... Mặc dù có rất ít người Arab theo Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ, nhưng họ cũng bị ảnh hưởng phần nào từ Thiên Chúa giáo. Trước khi kinh Koran ra đời, sự thiếu hụt của một nền tảng văn hóa và đức tin chung làm chỗ dựa cho quá trình phát triển xã hội khiến cho các cộng đồng người Arab tại Trung Đông đã gặp nhiều khó khăn trong tạo lập sức mạnh đoàn kết chống lại các thế lực áp bức bên ngoài cũng như chống lại sự lấn át về văn hóa của các nền văn minh khác. 
Khi kinh Koran xuất hiện vào thế kỷ thứ VII, người Arab tự hào vì họ có một Thánh kinh viết riêng bằng tiếng Arab. Người Arab đã đón nhận kinh Koran và đạo Hồi với một tinh thần dân tộc và văn hoá Arab, khiến đạo Hồi sau đó được lan truyền nhanh chóng và kinh Koran trở thành chất keo gắn kết các bộ lạc Arab lại với nhau, biến khối Arab trở thành một khối đại đoàn kết. Sau khi kinh Koran và đạo Hồi ra đời, toàn vùng Trung Đông đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII và giai đoạn này được đánh giá là Thời đại hoàng kim (The Golden Age) của những người Hồi giáo Trung Đông. Vào thời điểm này, người Arab rất quan tâm học hỏi từ nền văn hoá Hy Lạp và họ chú trọng đến nghiên cứu toán học, thiên văn, khoa học thực nghiệm. Đầu thế kỷ VIII, trường Đại học đầu tiên của thế giới Hồi giáo đã được xây dựng tại Baghdad (Iraq) và thành phố này đã nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm văn hoá lớn nhất thế giới. Trong các thế kỷ sau đó, nhiều tác phẩm triết học, y khoa, toán học, văn học... của người Hy Lạp được dịch sang tiếng Arab. Người Arab cũng đã đạt được những tiến bộ lớn về khoa học, kỹ thuật và đóng góp cho nhân loại nhiều phát minh, sáng chế quý báu, đặc biệt trong lĩnh vực y khoa. Do ham chuộng khoa học, tín đồ Hồi giáo và khu vực Trung Đông nơi tôn giáo này hình thành, phát triển từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XII được đánh giá là khu vực văn minh trên thế giới.
1.2. Những giáo lý cơ bản của Hồi giáo.
Những giáo lý cơ bản của Hồi giáo được gắn liền với tên tuổi của Giáo chủ Mohammed (570 – 632) là một người thuộc gia tộc Casimu ở Mecca. Tục truyền rằng  thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho Mohammed chân lý của kinh Koran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” để tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu công cuộc truyền bá đạo Hồi. Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo, Mohammed còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo Hồi giáo. Cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Các quan điểm và giáo lý của Hồi giáo như được thể hiện trong kinh Koran cho đến nay vẫn có ảnh hưởng rất mạnh tại các khu vực có cộng đồng Hồi giáo sinh sống và là nền tảng lý luận quan trọng giúp cho thế giới bên ngoài có cách nhìn và đánh giá đúng mực về tôn giáo này.
Kinh Koran là một quyển kinh gồm có 114 chương và 6236 câu thơ (verses). Sự phân bố các câu thơ trong các chương không đều nhau, chương dài nhất có 287 câu thơ, chương ngắn nhất chỉ có 3 câu thơ. Phần lớn kinh Koran được Mohammed viết tại thánh địa Mecca, số còn lại viết tại thánh địa Medina. Mohammed viết kinh Koran trên lá cọ khô và trên những tấm da súc vật phơi khô. Cuốn kinh sau này lưu giữ được là nhờ cố gắng sao chép và phục hồi của nhiều vị vua khác nhau trị vì trên khu vực bán đảo Arab, trong đó phải kể đến công của vị vua Uthman (644-657). Khác với Kinh thánh Cựu ước (Torah), Kinh Koran ngoài việc đề cập đến những vấn đề thiêng liêng và lịch sử, còn đề cập đến những giáo lý cơ bản dành riêng cho người Hồi giáo. Đây có thể được đánh giá là bộ luật đầu tiên và cao nhất của người Hồi giáo. Ví dụ: Cấm cho vay nặng lãi (Koran, chương 2, câu 275); Cấm cờ bạc (Koran, chương 5 câu 90); Cấm săn bắn trong thời gian hành hương về Mecca (Koran, chương 5 câu 93); Phải ăn chay trong tháng Ramadan (Koran, chương 2 câu182); Phụ nữ ngoại tình bị ném đá cho chết (Koran chương 4 câu 15); Bị đóng đinh hoặc chặt hết chân tay nếu chống Thiên Chúa Alla và thiên sứ Mohammed (Koran, chương 5 câu 3).
Kinh Koran đồng thời cũng liệt kê ra 10 điều răn bao gồm: (1) Chỉ tôn thờ thiên chúa Alla; (2) Vinh danh và kính trọng cha mẹ; (3) Tôn trọng quyền của người khác; (4) Hãy bố thí rộng rãi cho người nghèo; (5) Cấm giết người trừ những trường hợp đặc biệt; (6) Cấm ngọai tình; (7) Hãy bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi; (8) Hãy cư xử công bằng với mọi người; (9) Hãy trong sạch về tình cảm và tinh thần; (10) Hãy khiêm tốn.
Ngoài những giáo lý trên, Kinh Koran còn đề ra 5 nghĩa vụ căn bản buộc mọi người Hồi giáo phải thực hiện, đó là: niệm, lễ, trai, khoá, triều. Đây được coi là 5 trụ cột cơ bản của Hồi giáo, cụ thể là:
(1) Niệm: Tín đồ phải thường xuyên tụng niệm câu Sahadah “Không có Thiên Chúa nào khác ngoài Allah và sứ giả của người là Mohammed, La ila ha il allah”.
(2) Lễ: Mỗi tín đồ hàng ngày phải hành lễ 5 lần về phía thánh địa Mecca (Salah: Turning to Mecca to pray 5 times a day);
(3) Trai: tức trai giới. Trong tháng ăn chay Ramadan, mọi tín đồ không ăn uống, quan hệ tình dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. (Sawn: Fasting during daylight hours through the month of Ramadan);
(4) Khoá: Mọi tín đồ phải tham gia hoạt động bố thí, từ thiện bằng cách trích 2,5% thu nhập của mình cho những người Hồi giáo khác (Zakat: Setting aside 2,5% of income to benifit the Muslim community);
(5) Triều: Các tín đồ phải hành hương về thánh địa Mecca ít nhất 1 lần trong đời (Hajj: A one –in-a lifetime pilgrimage to Mecca).
Nghiên cứu về Hồi giáo qua Kinh Koran cho thấy tôn giáo này có nhiều ưu điểm thể hiện rõ trong các lời răn dạy và trong 5 trụ cột của tôn giáo. Những ưu điểm này đã đưa xã hội Hồi giáo (chủ yếu ở khu vực Trung Đông) bước vào thời đại hoàng kim từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Kể từ khi kinh Koran ra đời, Hồi giáo trở thành một sức mạnh chính trị và tinh thần vô cùng quan trọng đối với toàn thể tín đồ Hồi giáo và ngay tại quê hướng của Hồi giáo là Bán đảo Arab, tôn giáo này trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân. Sự phát triển và hoàn thiện từng bước của giáo lý đạo Hồi đã đóng vai trò quan trọng giúp cho những người tin theo tôn giáo này có được chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần và sức mạnh tinh thần đó trong nhiều trường hợp đã được hiện thực hóa thành sức mạnh kinh tế, chính trị để các quốc gia Arab xây dựng các vương triều hùng mạnh. Do xuất hiện với tư cách là một tôn giáo độc thần, người Arab cảm thấy đạo Hồi dễ thuyết phục hơn các điều kiện nặng nề phức tạp của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Đạo Hồi chỉ yêu cầu các tín đồ trung thành đi theo một thánh thần duy nhất và tuân theo 5 trụ cột cơ bản. Hơn thế nữa, những luân lý của đạo Hồi đã thúc đẩy việc xây dựng xã hội Hồi giáo có những chuẩn mực đạo đức hết sức chặt chẽ. Chính những ưu điểm trên của đạo Hồi đã khiến người Arab trong những thế kỷ đầu tiên tiếp nhận Kinh Koran có ý thức xã hội, dân tộc và tinh thần đoàn kết, học hỏi không ngừng những tiến bộ của nền văn minh nhân loại.

2. KHUYNH HƯỚNG BIẾN ĐỘNG CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI
2.1. Biến động tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
            Nghiên cứu về Hồi giáo cho thấy đến giai đoạn hiện nay, tôn giáo này đã nhanh chóng trở thành một trong hai tôn giáo lớn nhất thế giới[1] với tốc độ tăng trưởng tín đồ rất cao và hiện hữu tại mọi vùng, miền, mọi châu lục. Nghiên cứu mới đây của Pew Research Center[2] đã đưa ra thông tin mang tính tổng thể về sự phát triển mạnh mẽ của Hồi giáo thể hiện ở số lượng tín đồ Hồi giáo tăng nhanh tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khảo sát tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho kết quả là tính đến năm 2009, toàn thế giới có khoảng 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo thuộc mọi thành phần dân số, mọi lứa tuổi và số lượng tín đồ này chiếm tới 23% dân số toàn cầu ước tính 6,8 tỷ người.
            Số liệu về tín đồ Hồi giáo cập nhật mới nhất cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng cũng như phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo này trên khắp thế giới khi so sánh với một số ước tính trong thập niên 1990 cho rằng tín đồ Hồi giáo giai đoạn này có dưới 1 tỷ người. Khuynh hướng biến động của Hồi giáo nhìn nhận từ góc độ số lượng tín đồ cũng cho thấy nhiều đặc điểm đáng chú ý bao gồm:
- Trong khi tín đồ Hồi giáo hiện diện ở tất cả 5 lục địa lớn trên thế giới thì có tới hơn 60% trong số họ tập trung ở châu Á và khoảng 20% sinh sống tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA)[3]. MENA cũng là khu vực tập trung cao nhất các quốc gia có Hồi giáo là quốc giáo và tín đồ Hồi giáo chiếm đa số trong dân chúng với số liệu cụ thể là hơn một nửa trong số khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tại MENA có người theo đạo hồi chiếm hơn 95% dân số.
- Một số lượng lớn tín đồ Hồi giáo, ước tính hơn 300 triệu người hoặc 1/5 tổng số tín đồ Hồi giáo trên thế giới đang sống tại các quốc gia mà Hồi giáo không phải là tôn giáo chính. Đây thường là các quốc gia có dân số rất đông, đa dạng về sắc tộc, tín ngưỡng và Hồi giáo chỉ là một trong rất nhiều tôn giáo đang tồn tại ở các quốc gia này. Có thể lấy ví dụ như Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới và cũng là nơi có cộng đồng Hồi giáo đông thứ 3 toàn cầu. Trung Quốc có nhiều tín đồ Hồi giáo hơn toàn bộ tín đồ Hồi giáo tại Syria, Liên bang Nga có đông người Hồi giáo hơn so với cả Jordan và Libya cộng lại.
Bảng 1. Phân bổ tín đồ Hồi giáo trên thế giới

Số lượng
(ngàn người)
% trong dân số
% trong tổng số tín đồ Hồi giáo
Châu Á-Thái Bình Dương
972 537
24,1%
61,9%
Trung Đông và Bắc Phi
315 322
91,2%
20,1%
Châu Phi cận Sahara
240 632
30,1%
15,3%
Châu Âu
38 112
5,2$
2,4%
Châu Mỹ
4 596
0,5%
0,3%
Toàn thế giới
1 571 198
22,9%
100,0%
Nguồn: Pew Research Center’s Forum on Religion & Public Life, Mapping the Global Muslim Population, October 2009
            Số liệu trong bảng 1 đưa ra minh họa rõ ràng về tình hình tín đồ Hồi giáo trên thế giới với tổng số ước tính trên 1,5 tỷ người. Số liệu thống kê cho thấy phần lớn tín đồ Hồi giáo (61,9%) sống tập trung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương[4] và khu vực Trung Đông – Bắc Phi (20,1%) và châu lục có ít người Hồi giáo sinh sống nhất là châu Mỹ với tỷ lệ chiếm khoảng 0,3% tổng số tín đồ. Sự phân bổ tín đồ Hồi giáo trên thế giới như vậy đã phản ánh đúng thực tế về quá trình phát triển của tôn giáo này trong giai đoạn nhiều thế kỷ trong đó Trung Đông – nơi Hồi giáo ra đời đến nay vẫn là nơi sinh sống của đa số tín đồ và hầu hết đều ở các quốc gia có Hồi giáo là quốc giáo với số lượng tín đồ chiếm đa số trong dân chúng.
            Khuynh hướng biến động của Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo trong thời gian tới được dự báo là sẽ rất mạnh với diễn biến chủ đạo là sự gia tăng nhanh về số lượng tín đồ cũng như về sự hiện diện trên mọi vùng miền của thế giới. Nghiên cứu đầu năm 2011 về Tương lai của dân số Hồi giáo toàn cầu[5] đã đưa ra nhận định rằng số lượng tín đồ Hồi giáo sẽ tăng khoảng 35% trong vòng 20 năm tới và đạt khoảng 2,2 tỷ người vào năm 2030.
Bảng 2. Dự báo số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2030

Số lượng (ngàn người)
% trong tổng số tín đồ
Châu Á – Thái Bình Dương
1 295 625
59,2%
Trung Đông – Bắc Phi
439 453
20,1%
Châu Phi cận Sahara
385 939
17,6%
Châu Âu
58 209
2,7%
Châu Mỹ
10 927
0,5%
Thế giới
2 190 154
100,0%
Nguồn: PEW Research Center, The future of the Global Islam Population, Analysis, January 27, 2011.

2.2. Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia.
Trong quá trình phát triển của mình, Hồi giáo ngày càng vươn xa tới nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới và qua mỗi thời kỳ, tôn giào này đã có những điều chỉnh nhất định để thích nghi với bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa tại các địa phương. Dù vậy, một trong những biến động lớn của Hồi giáo là sự kiện Nhà tiên tri Mohammed mất (năm 632) và các tranh cãi về quyền kế thừa đã khiến cho Hồi giáo tách thành hai dòng lớn: Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia (còn gọi là Hồi giáo Shiite). Mặc dù sự phân tách theo hai dòng Hồi giáo như trên có nguyên nhân lịch sử từ nhiều thế kỷ trước đây nhưng các khuynh hướng phát triển Hồi giáo hiện đại lại thể hiện nhiều đặc điểm mới khiến cho sự chia tách như vậy đang trở thành vấn đề sâu xa đằng sau nhiều sự kiện biến động nổi bật của giai đoạn hiện nay.
Người Hồi giáo Sunni tự coi mình là dòng chính thống và truyền thống của đạo Hồi. Từ Sunni xuất phát từ cụm từ “ahl al-Sunna”, nghĩa là con người của truyền thống. Người Hồi giáo Sunni sùng kính tất cả các đấng tiên tri được nêu trong kinh Koran, đặc biệt là Mohammed. Trong khi đó, người Hồi giáo Shia theo nghĩa đầy đủ là “Shiat Ali” tự coi mình là nhóm thừa hưởng các quyền lợi của Ali, con rể Mohammed và họ tự coi họ là những người đi theo đường lối chính trị, nối dõi trong việc lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Cả hai dòng Hồi giáo này đều tôn thờ thánh Alla và Muhammed, cùng thực hiện 5 trụ cột cơ bản của Hồi giáo. Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà tiên tri Mohammed mất, hai dòng Hồi giáo trên đã có những xung đột liên quan đến việc ai sẽ là người lãnh đạo đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ phát triển, sự khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo ngày càng gia tăng với những tranh cãi liên quan tới quan điểm chính trị, những khác biệt về lý luận logic và một số khác biệt khác về cách thức thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Bảng 3. Phân biệt giữa Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia
Hồi giáo dòng Sunni là dòng Hồi giáo lớn nhất và các tín đồ Hồi giáo Sunni thường được coi là “những người của truyền thống Mohammed và của cộng đồng”. Hồi giáo Sunni được coi là dòng chính thống và danh từ “Sunni” có từ nguyên là Sunnah để chỉ những lời răn rạy và hành động của Thánh Mohammed được ghi lại trong Sách thánh Hadith[1]. Tín đồ Hồi giáo Sunni coi Sahih al-Bukhari  Sahih Muslim là Sách thánh Hadith chính thức của mình.
Hồi giáo dòng Sunni có 4 trường phái tư tưởng chính thức (gọi là cácmadh’hab) được chấp nhận rộng rãi bao gồm: (1) Trường phái Hanafi; (2) Trường phái Maliki; (3) Trường phái Shafi’i và (4) Trường phái Hanbali. Cả 4 trường phái này đều nghiên cứu về các tập quán tôn giáo, việc thực thi các nghi lễ tín ngưỡng và về các Hadith do vị Imam[2] thứ 6 là Jaffar Al-Sadiq (cháu nội của nhà tiên tri Mohammed) kể lại. Hồi giáo dòng Sunni chỉ chấp nhận 4 vị Caliph[3] đầu tiên là người kế thừa chính trị hợp pháp của Mohammed và chấp nhận các Hadith do những Sahabah [4] của Mohammed kể lại
Hồi giáo dòng Shia là dòng Hồi giáo lớn thứ hai sau Hồi giáo Sunni. Những tín đồ Hồi giáo Shia được gọi là những người Hồi giáo Shi’ites hoặc Shias. Shia là chữ viết tắt của cụm từ Shi’atu ‘Ali có nghĩa là người tin theo Ali hoặc Trường phái Ali. Hồi giáo Shia cho rằng gia đình của Mohammed (với tên gọi Ahl al-Bayt) và một số thành viên nhất định trong số những người kế thừa của ngài (gọi là các Imam) là những người có đầy đủ thần quyền và thế quyền để cai trị cộng đồng Hồi giáo. Các tín đồ Hồi giáo Shia cũng tin rằng Ali (con rể của Mohammed) là người đầu tiên trong những Imam này và do vậy là người kế thừa chính thức của Mohammed. Điều này có nghĩa là Hồi giáo Shia phủ nhận tính hợp pháp của 3 vị Caliph khác.
Tín đồ Hồi giáo Shias coi Ali là lãnh đạo tôn giáo quan trọng thứ hai sau Nhà tiên tri Mohammed và họ cũng cho rằng Mohammed đã nhiều lần chỉ ra rằng Ali sẽ là người kế thừa vị trí lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo sau khi ngài mất. Ali với tư cách người kế thừa của Mohammed không chỉ nắm quyền lãnh đạo mà còn có quyền diễn giải Luật Sharia và những hàm ý bí truyền của luật này. Ali được coi là vị Imam đầu tiên, là người “hoàn hảo” và tín đồ Hồi giáo Shia chỉ chấp nhận các Hadith về Mohammed và các Imam (chứ không chấp nhận các Hadith của người đồng hành Sahabah như đối với Hồi giáo Sunni)
Sự khác biệt trong chấp nhận các Hadith được coi là một trong những khác biệt và mâu thuẫn lớn giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia.
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả.
Nghiên cứu năm 2009 của PEW Research Center đã đưa ra những số liệu mới nhất về thực trạng biến động số lượng tín đồ Hồi giáo Sunni và Shia trên thế giới trong đó xác định rằng đại đa số người Hồi giáo trên thế giới là thuộc dòng Sunni và chỉ khoảng 10% đến 13% là thuộc dòng Shia. Điều này có nghĩa là tổng số tín đồ Hồi giáo Shia trên thế giới là vào khoảng 154 đến 200 triệu người. Số liệu khảo sát thực tế cũng cho biết khoảng ¾ tổng số tín đồ Hồi giáo Shia đang sinh sống tại châu Á với con số từ 116 đến 147 triệu người. Một bộ phận tương đối lớn khác tín đồ dòng Shia (khoảng ¼) hiện sinh sống tại Trung Đông – Bắc Phi.
Một đặc điểm quan trọng nữa liên quan đến sự khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo là dòng Shia tuy chiếm số lượng ít hơn nhưng thường có vị trí rất quan trọng và nắm quyền lãnh đạo tại một số quốc gia Hồi giáo lớn. Số liệu nghiên cứu cho thấy phần lớn người Shia (từ 68% đến 80%) hiện sống tại 4 quốc gia là Iran, Pakistan, Ấn Độ và Iraq. Cộng hòa Hồi giáo Iran là nơi sinh sống của từ 66 đến 70 triệu tín đồ Hồi giáo Shia, tương đương với 37% - 40% tổng số tín đồ dòng Shia trên thế giới.
Sự khác biệt của hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia cho đến nay vẫn thể hiện một khuynh hướng biến động quan trọng của Hồi giáo nói chung và trở thành lý do đằng sau những sự kiện mâu thuẫn, xung đột ngay trong nội tại thế giới Hồi giáo. Một số vấn đề về Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia có thể được đề cập bao gồm:
- Kể từ khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 thành công, nhà nước Iran và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự Hồi giáo Shia cấp tiến, đặt ra thách thức về thần học và tư tưởng đối với chế độ bảo thủ của phái Sunni, đặc biệt ở khu vực vùng Vịnh Ba Tư.
- Tại Lebanon, người Hồi giáo Shia được trọng vọng và có tiếng nói chính trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở nhiều nước khác, sự xung đột giữa Hồi giáo Sunni và Shia ngày càng sâu sắc. Một số luận thuyết bảo thủ của người Sunni đã chủ trương hận thù người Shia. Tại Pakistan cũng đã từng có những giai đoạn lịch sử xung đột đẫm máu giữa người Shia và người Sunni trong thập kỷ 1980. Tại Iraq, cuộc chiến tôn giáo giữa người Shia và người Sunni vẫn đang tiếp diễn và tình hình Iraq cho tới hiện tại đang diễn biến ngày càng phức tạp với những vấn đề mâu thuẫn đan xen: mâu thuẫn giữa dân bản địa với sự hiện diện của binh lính nước ngoài, mâu thuận giữa hai dòng Hồi giáo trong quan hệ với bên ngoài và trong quan hệ với nhau.
- Kể từ đầu năm 2011, các sự kiện về bạo loạn, biểu tình chống chính phủ tại hàng loạt các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi cũng có phần liên quan tới mâu thuẫn giữa Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shia với trường hợp tiêu biểu là tại Bahrain khi người Hồi giào dòng Shia chiếm đa số nhưng nhà nước lại do dòng Sunni lãnh đạo, dẫn tới những mâu thuẫn sâu sắc cả về quyền lợi kinh tế lẫn tư tưởng, đường lối tôn giáo. Điều này khiến cho Bahrain trở thành một trong những điểm nóng của biểu tình, bạo loạn chống chính phủ.
Như vậy có thể thấy những rạn nứt giữa người Sunni và người Shia đang tạo nên một sự chia rẽ rất khó hàn gắn ngay trong nội tại đạo Hồi. Sự chia cắt giữa các dòng tôn giáo, các trường phái tư tưởng trong nội tại đạo Hồi sau khi Mohammed mất đã làm suy giảm khả năng liên kết thành một khối thống nhất mạnh mẽ của người dân Arab. Trong thời kỳ phát triển hiện đại, khuynh hướng phân tách giữa hai dòng Hồi giáo chủ yếu vẫn đang nổi lên ngày càng mạnh và được coi như một trong những lý do tạo ra những nhìn nhận tiêu cực của thế giới bên ngoài đối với các tín đồ Hồi giáo. Các vấn đề của hai dòng Hồi giáo cũng góp phần làm đẩy nhanh quá trình phân hóa bên trong tôn giáo này để tạo ra các trào lưu Hồi giáo tự do, Hồi giáo ôn hòa cũng như Hồi giáo cấp tiến, Hồi giáo cực đoan.
2.3. Biến động của các trào lưu Hồi giáo.
            Một khuynh hướng nổi bật trong quá trình phát triển của Hồi giáo hiện đại là sự biến động của đức tin Hồi giáo, sự hình thành của các trường phái tư tưởng Hồi giáo mang tính chất “cải cách” và hướng tới tạo ra cho thế giới bên ngoài nhìn nhận tích cực và thiện cảm hơn về các tín đồ Hồi giáo. Cùng lúc đó, một khuynh hướng khác cũng đang diễn ra: quá trình Hồi giáo và các luật lệ tôn giáo bị siết chặt hơn, đẩy tôn giáo này vào xu thế quay lại với trào lưu chính thống, hình thành Hồi giáo cấp tiến hoặc “cực đoan hóa” để trở thành Hồi giáo cực đoan.
* Hồi giáo tự do (Liberal Islam).
Mặc dù một trong những khuynh hướng chủ đạo của Hồi giáo trong thời kỳ phát triển hiện đại là Hồi giáo theo trào lưu chính thống (Fundamentalist Islam) nhưng trong nội tại quá trình phát triển của tôn giáo này vẫn có một số các khuynh hướng phát triển theo hướng tự do để tìm tòi cách cách thức thay thế khác nhau giúp cho đức tin Hồi giáo có thể thích ứng với bối cảnh của thế giới thời hiện đại. Các khuynh hướng phát triển này được biết tới với tên gọi Hồi giáo tự do (Liberal Islam).
Các truyền thống Hồi giáo được hình thành từ một số nguồn bao gồm: Kinh Koran, các truyện kể Hadith và diễn giải hai văn bản này (được coi là các Sách Mặc Khải) của các học giả. Trong quá trình phát triển nhiều thế kỷ của Hồi giáo, các khuynh hướng chủ đạo vẫn là sự nổi trội của trào lưu Hồi giáo chính thống với khẳng định rằng việc diễn giải các sách Mặc Khải là không thể thay đổi, ngay cả đối với những văn bản mang đặc tính tôn giáo dân gian không xác định được là có liên hệ trực tiếp tới nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, một khuynh hướng biến động đáng quan tâm trong thời hiện đại là việc nhìn nhận lại cách thức tiếp cận các sách thánh đó của Hồi giáo cũng như nhìn nhận, diễn giải về các luật lệ Hồi giáo mà điển hình là Luật Sharia. Những người đi theo khuynh hướng tiếp cận mới này được coi là theo trào lưu Hồi giáo tự do.
Hồi giáo tự do nhìn chung được xác định trong khuôn khổ việc diễn giải về tôn giáo với quan tâm đặc biệt tới các vấn đề như dân chủ, tách biệt tôn giáo khỏi hoạt động chính trị, quyền của phụ nữ, tự do tư tưởng và thúc đẩy tiến bộ của con người. Những người theo trào lưu Hồi giáo tự do cho rằng luật Hồi giáo Sharia có tính chất linh hoạt hơn rất nhiều so với những yếu tố đang được hệ thống pháp lý Hồi giáo chính thống quy định và nhiều học giả Hồi giáo hiện đại tin rằng luật này cần được đổi mới, các nhà luật học cổ điển không nên bảo lưu những thẩm quyền đặc biệt của mình. Quan điểm như vậy đòi hỏi phải tạo lập cách thức thực thi luật mới phù hợp với thế giới hiện đại và áp dụng luật trong bối cảnh phát triển mới. Trào lưu Hồi giáo tự do không tìm cách thách thức các giá trị nền tảng của Hồi giáo mà tìm cách làm rõ, xóa bỏ các diễn giải sai lầm để từ đó tạo điều kiện cho việc đổi mới địa vị của thế giới Hồi giáo với vai trò một trung tâm tư tưởng hiện đại, tự do.
Bảng 4. Đồng thuận cơ bản của Hồi giáo tự do
Các tín đồ Hồi giáo tự do về cơ bản đã thống nhất ở một số đức tin và nguyên tắc tôn giáo tạo cho họ sự khác biệt so với Hồi giáo truyền thống:
-         Phản đối chế độ nô lệ và đa thê (đây là điều được chấp nhận vào thời đại của Mohammed)
-         Quan tâm tới nhân quyền và câu truyện về Adam trong kinh Koran đôi khi được diễn giải để bảo vệ nhân quyền
-         Coi trọng nữ quyền, chỉ trích Hồi giáo truyền thống về chế độ đa thê và khẳng định rằng phụ nữ có thể giữ các chức danh lãnh đạo tôn giáo, có thể lãnh đạo nhà nước và không cần phải tách biệt khỏi nam giới trong sinh hoạt xã hội cũng như trong nhà thờ, không cần dùng mạng che mặt
-         Ủng hộ xây dựng xã hội dân chủ, hiện đại, tách biệt thần quyền khỏi thế quyền
-         Đồng thuận về việc diễn giải kinh Koran và các sách Mặc Khải khác theo cách thức có thể dễ được chấp nhận hơn trong xã hội hiện đại
-         Chống lại ý tưởng đấu tranh có vũ trang – chẳng hạn như thánh chiến Jihad và ủng hộ các biện pháp hòa bình, phi bạo lực.
-         Nghi ngờ về độ tin cậy và khả năng áp dụng các sách Hadith trong cuộc sống thực tế
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
Như vậy, trào lưu Hồi giáo tự do đang được thúc đẩy để thực hiện cải cách tôn giáo và điều chỉnh những nội dung mà họ cho là được diễn giải sai. Phương pháp cải cách về căn bản được chia thành hai loại:
(1) Cách thứ nhất là cải cách bằng phương pháp diễn giải lại văn bản sách truyền thống là nguồn để tạo lập ra bộ luật Hồi giáo[5]. Phương pháp này được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau: từ những khác biệt nhỏ so với cách thức diễn giải truyền thống đến những diễn giải tự do hơn, chỉ coi ý nghĩa của kinh Koran như một nguồn cảm xúc thần thánh trong khi từng từ ngữ của cuốn sách thánh này được tin rằng chỉ có ý nghĩa là các lời răn dạy của nhà tiên tri Mohammed, chỉ phù hợp với thời đại của ngài và bối cảnh cuộc sống lúc đó. Điều này có nghĩa là các câu thơ trong kinh Koran khi diễn giải vào thời hiện đại thì chỉ mang tính chất phúng dụ hoặc thậm chí là không cần phải diễn giải nữa.
(2) Cách thức thứ hai đặt ra nghi ngờ về tính chất xác thực của các văn bản sách thánh truyền thống của đạo Hồi, do các học giả Hồi giáo truyền thống áp dụng. Cách thức cải cách này dẫn tới kết quả là hình thành trào lưu Hồi giáo tự do ở mức độ cao nhất có tên gọi là Qur’an Alone (chỉ duy nhất kinh Koran là đúng). Đây là trào lưu Hồi giáo tự do của những tín đồ chỉ tin theo kinh Koran và coi đây là sách thánh duy nhất của Hồi giáo. Những tín đồ này không công nhận các sách Mặc Khải khác như Hadith vàSunnah[6].
Bảng 5. Sáu Đức tin Hồi giáo
Các sách viết về giáo lý Hồi Giáo đều đồng nhất tóm lược tất cả các tín điều căn bản (fundamental beliefs) thành 6 điều chính yếu được gọi là Sáu Đức tin Hồi giáo
1. Tin có một Thiên Chúa Duy Nhất (The Only God).
2. Tin có các Thiên Thần và Ma Quỉ
3. Tin các sách Mặc Khải (Books of Revelation)
4. Tin các vị Thiên Sứ (Messengers/Prophets)
5. Tin có ngày tận thế, xác kẻ chết sống lại, mọi người sẽ được Thiên Chúa xét xử trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng
6. Mọi việc đều do Thiên Chúa tiền định nhưng mọi người đểu có ý chí tự do
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
Trong giai đoạn phát triển thời hiện đại, các xu hướng phát triển tự do đã hiện hữu và được thúc đẩy mạnh mẽ ngay bên trong thế giới Hồi giáo và từ đó, kinh Koran cùng các Hadith đã được diễn giải theo bối cảnh cụ thể của mỗi nhóm dân cư, mỗi cộng đồng Hồi giáo chứ không còn dựa theo quan điểm truyền thống của Hồi giáo thời trung cổ nữa. Tín đồ Hồi giáo tự do tuyên bố rằng họ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào những giáo lý căn bản của đạo Hồi, chẳng hạn như sự thừa nhận đối với Năm trụ cột của Hồi giáo và Sáu đức tin. Dù vậy, người Hồi giáo tự do cho rằng họ đang quay trở lại với những nguyên tắc căn bản của cộng đồng Hồi giáo giai đoạn đầu tiên, trước khi các nguyên tắc này bị làm cho biến đổi vào thời trung cổ. Sự khác biệt chủ yếu của trào lưu tự do chính là ở cách nhận thức, nắm bắt và áp dụng các giá trị Hồi giáo cốt lõi vào cuộc sống thời hiện đại.
* Hồi giáo cấp tiến và Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo (Radical Islam and Islamic Extremism).
Một khuynh hướng đáng chú ý khác của Hồi giáo thời kỳ phát triển hiện đại là sự nhấn mạnh tới các giá trị được cho là “giá trị Hồi giáo chính thống” của các tín đồ và khuy hướng này được biết tới với tên gọi Hồi giáo cấp tiến. Trong khi đa số tín đồ Hồi giáo đang tin theo những dạng thức tôn giáo hòa bình thì một bộ phận nhỏ các tín đồ Hồi giáo cấp tiến muốn xây dựng một xã hội dựa hoàn toàn vào kinh Koran và sách thánh Hadith, phủ nhận cách thức diễn giải kinh sách hiện đại được coi là kết quả của nhiều thế kỷ đổi mới và điều chỉnh[7]. Các tín đồ Hồi giáo cấp tiến lập luận rằng những ảnh hưởng thế tục của ngoại bang đang làm sai lệch và đầu độc xã hội Hồi giáo và do vậy cần phải gây sức ép để tất cải phải quay lại với nhận thức ban đầu về Hồi giáo. Thánh chiến (Jihad) và đòi hỏi cải giáo theo đạo Hồi (Dawa) là cách thức để đạt tới mục đích này
Bảng 6. Jihad và các dạng thức chủ yếu
Jihad trong ngôn ngữ của đạo Hồi được hiểu là cuộc Thánh chiến, cuộc đấu tranh có vũ trang của người Hồi giáo thực hiện với 3 dạng thức chủ yếu:
- Đấu tranh nội bộ (Internal Jihad): là cuộc thánh chiến để chống lại các chế độ về hình thức là Hồi giáo nhưng bị cho là nghịch đạo, không kính Chúa và do vậy trở thành đối tượng đấu tranh, lật đổ
- Thánh chiến để phục hồi lãnh thổ (Irredentist Jihad): Đấu tranh, thánh chiến để đòi lại các vùng đất được coi là thuộc về thế giới Hồi giáo nhưng bị các thế lực phi Hồi giáo hoặc tà đạo chiếm đóng (đã và đang diễn ra tại các nơi như Afghanistan, Chechnya, Kashmir, Mindanao và đặc biệt là Palestine)
- Thánh chiến toàn cầu (Global Jihad): Đây là chủ đề của thời kỳ phát triển hiện đại khi cuộc Thánh chiến được kêu gọi để các tín đồ Hồi giáo cấp tiến chống lại phương Tây hoặc cụ thể hơn nữa là chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này (tập trung nhiều nhất là chống lại Israel). Cuộc Thánh chiến toàn cầu được coi là do tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Qaeda đi tiên phong, phát động kể từ năm 1998 và sau đó được nhiều mạng lưới Hồi giáo độc lập khác hưởng ứng, trở thành một phong trào lan rộng cho tới hiện nay.
Nguồn: Tổng hợp thông tin của tác giả
 Phong trào Hồi giáo cấp tiến đã đặt ra những yêu cầu và cách thức hành động cụ thể để tác động tới người Hồi giáo cũng như toàn thể thế giới. Các tín đồ Hồi giáo cấp tiến nhấn mạnh tới sự cần thiết phải áp dụng Luật Hồi giáo Sharia cho toàn thể xã hội hiện đại. Họ cũng phát triển ý tưởng về việc xây dựng một thế giới Hồi giáo mở rộng và xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Đối với các tín đồ Hồi giáo cấp tiến, mục tiêu cuối cùng là khôi phục Caliphate – một nhà nước Hồi giáo nhất nguyên do một lãnh đạo tối cao là Caliph cai quản. Đây được coi là nhà nước Hồi giáo có khả năng phát triển đạo Hồi ra toàn thế giới và bắt toàn bộ các quốc gia khác phải quy phục.
Một dạng thức được đẩy lên mức cao nhất của Hồi giáo cấp tiến được biết tới với tên gọi Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Khuynh hướng phát triển này của Hồi giáo đặc biệt được nhắc tới trong giai đoạn phát triển của thế giới thời hiện đại sau sự kiện khủng bổ 11/9/2001 tại Hoa Kỳ và tiếp nối sau đó là cuộc đấu tranh chống khủng bố do Hoa Kỳ phát động trên toàn cầu. Về cơ bản, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo có thể được coi như một khuynh hướng phát triển của Hồi giáo hiện đại và bao hàm hai nội dung chính:
(1) Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo thể hiện ở quan điểm bảo thủ đến mức cực đoantrong áp dụng, thực thi các giáo lý của đạo Hồi. Việc giữ quan điểm bảo thủ cực đoan không nhất thiết bao hàm các hành động bạo lực nhưng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực trong quy định về các hành vi, lối sống của các tín đồ Hồi giáo và các nhà nước Hồi giáo
(2) Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo thể hiện ở việc sử dụng các phương thức đấu tranh cực đoan và bạo lực như khủng bố, đánh bom tự sát…vv để đạt tới các mục tiêu tôn giáo.
Hồi giáo cực đoan phát triển rất mạnh kể từ năm 1996 khi Osama Bin Laden[8]đưa ra Fatwah - một quyết định tôn giáo chính thức kêu gọi những người Hồi giáo giết lính Mỹ đang đóng quân ở Saudi Arabia. Năm 1998, Fatwah viết “Giết những người Mỹ và đồng minh của chúng - cả lực lượng dân sự và quân đội – là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người Hồi giáo, những người có thể làm một điều gì đó cho đất nước của mình”; và “Tự do cho al-Aqsa Mosque và xoá sạch quân đội Mỹ và đồng minh trên những mảnh đất của người Hồi giáo[9]. Bin Laden đã thành lập tổ chức cực đoan al-Qaeda với mục tiêu “Xoá bỏ mọi ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài trong các nước Hồi giáo, và hình thành những nhà nước Hồi giáo mới”[10]. Al-Qaeda đã phát động phong trào Jihad trên khắp thế giới để chống lại phương Tây và các tôn giáo khác và gây ra nhiều vụ khủng bố lớn, chẳng hạn như sự kiện khủng bố 11/9/


Tài liệu tham khảo


[1] Hồi giáo và Thiên Chúa giáo hiện nay được xác định là hai tôn giáo lớn nhất thế giới (xét về số lượng tín đồ). Tuy nhiên, chưa có số liệu thống kê nào thực sự chính xác và đáng tin cậy để xác định đâu là tôn giáo có đông tín đồ hơn.
[2] Pew Research Center’s Forum on Religion & Public Life, Mapping the Global Muslim Population, October 2009
[3] Khu vực MENA – Middle East and Nord Africa là phân vùng riêng thường được sử dụng khi nghiên cứu về Hồi giáo và thế giới Arab bao gồm một bộ phận của châu Á và phần phía bắc của châu Phi.
[4] Châu Á – Thái Bình Dương trong nghiên cứu này bao gồm một vùng rộng lớn từ các nước phía cực Tây (Thổ Nhĩ Kỳ) đến các nước phía Đông (Trung Quốc, Nhật Bản).
[5] PEW research, The future of the Global Islam Population, Analysis, January 27, 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét