Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Iran


Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Iran


Việt Nam và Iran đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8 năm 1973. Sau hai ngày cách mạng Hồi giáo Iran thắng lợi, Thủ tướng Việt Nam đã gửi điện mừng và công nhận nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngày 22 tháng 01 năm 1991, Iran khai trương sứ quán tại Hà Nội.
Quan hệ hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa Việt Nam và Iran phát triển tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn thăm viếng lẫn nhau. Đặc biệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Iran tháng 5 năm 1994, Tổng thống Iran A.H. Rafsanjani thăm Việt Nam tháng 10 năm 1995, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Iran tháng 7 năm 1999 và nhiều đoàn dẫn đầu là các bộ trưởng đã trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau. Năm 1993, hai nước đã ký thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Một loạt các hiệp định hợp tác sau đó đã ra đời, ví dụ Hiệp định thương mại có điều khoản Tối huệ quốc năm 1994; Hiệp định hợp tác văn hóa năm 1999; Hiệp định vận tải biển năm 2002; Biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác kinh tế thương mại năm 2007.
Những năm gần đây Việt Nam và Iran đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hợp tác trong bối cảnh Iran đang bị các nước phương Tây bao vây cấm vận. Ngày 21 tháng 12 năm 2007, tại buổi tiếp của phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm với thứ trưởng ngoại giao Cộng hòa Hồi giáo Iran Mehdi Safari, hai bên đều nêu rõ quan điểm muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Điều này cũng được Ủy ban liên chính phủ của hai nước khẳng định trong biên bản ghi nhớ của kỳ họp thứ 5 của Ủy ban về kinh tế thương mại tại Iran vào ngày 31 tháng 12 năm 2007. Đặc biệt, cả hai bên nhất trí mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác, phát huy năng lực hiện có của cả hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khai thác dầu khí, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, giáo dục và thể thao.
1. Quan hệ thương mại và đầu tư
Trong các biên bản hợp tác, Iran luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất xi măng, phân bón, trồng chè và chế biến cao su. Đây là những lĩnh vực Iran có lợi thế so sánh, đồng thời mong muốn nhập khẩu những mặt hàng nông sản từ Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường Iran tăng liên tục trong thời kỳ 2001 - 2008. Sau năm 2008, Iran bị bao vây, cấm vận, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Iran giảm sút. Khảo sát thị trường Iran, có thể thấy thị trường này có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su, quần áo, giầy dép, phụ tùng xe máy, xe đạp của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như nhựa đường, đồng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất.

Bảng 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Iran (2001-2010)
Đơn vị tính: triệu USD
Năm
Xuất khẩu
Nhập khẩu
Tổng kim ngạch
2001
0,40
6,00
6,50
2002
3,50
8,10
11,60
2003
14,50
22,10
36,60
2004
19,80
40,90
60,70
2005
81,50
24,30
105,80
2006
16,4
55,30
71,70
2007
30,21
39,10
69,31
2008
79,03
92,45
171,48
2009
27,68
84,84
112,52
2010
44,28
100,42
144,7
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2010
Nhìn vào bảng thống kê trên, chúng ta thấy gạo không phải là mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang Iran. Trong thập niên 1990, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Iran. Mỗi năm Việt Nam xuất hàng trăm tấn gạo, nhưng sau đó do vướng mắc giữa tổng công ty Vinafood 2 do việc tranh chấp tiền phạt giữa công ty này với Iran, nên Iran đã ngừng nhập khẩu gạo của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2005, vướng mắc đã tháo gỡ và Iran đã nhập 280.000 tấn gạo của Việt Nam. Từ năm 2006, do lệnh cấm vận và khó khăn trong việc thanh toán, Việt Nam đã không xuất khẩu gạo sang thị trường Iran.
Quan hệ thương mại của Việt Nam với Iran trong những năm qua còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do hai bên chưa thống nhất được phương thức thanh toán và giá cả các mặt hàng. Mặt khác, các đối tác hai bên chưa quen làm việc với nhau, do đó thiếu tin tưởng lẫn nhau. Iran bị bao vây cấm vận cũng là cản trở lớn cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Về đầu tư, hai nước đã có nhiều cam kết đầu tư. Iran đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam một dự án trong lĩnh vực hóa dầu với số vốn đăng ký 82 triệu USD, nhưng đến nay vẫn không thực hiện. Ngược lại vào năm 2008, Petro Việt Nam cũng cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD để khai thác mỏ dầu Darkhovin của Iran với trữ lượng 5 tỷ thùng được phát hiện vào năm 1965. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, Petro Việt Nam đã có nhiều thay đổi, việc chuyển vốn vào Iran đang gặp khó khăn. Do đó, dự án khai thác dầu của Petro Việt Nam tại Iran đang bị đình hoãn chờ cơ hội thuận lợi để triển khai.

Bảng 2. Top ten mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực trong quan hệ thương mại Việt Nam - Iran
Đơn vị tính: triệu USD
TT
Xuất khẩu của Việt Nam sang Iran
Mặt hàng
Khối lượng
Giá trị USD
1
Hàng hóa khác
11.982.666
2
Thủy sản
10.549.066
3
Phụ tùng máy móc
3.340.797
4
Hạt điều
28 tấn
2.279.802
5
Cà phê
1.536 tấn
2.021.720
6
Cao su
696 tấn
1.990.689
7
Sắt thép các loại
951 tấn
1.904.520
8
Sản phẩm chất dẻo
1.794.102
9
Chè
914 tấn
1.764.433
10
Sản phẩm từ cao su
1.729.481

Nhập khẩu của Việt Nam từ Iran
Mặt hàng
Khối lượng
Giá trị USD
11
Chất dẻo nguyên liệu
34.823 tấn
42.522.294
12
Kim loại thường
11.673 tấn
27.014.844
13
Sản phẩm từ dầu mỏ
11.856.577
14
Phân Ure
33.990 tấn
10.967.831
15
Sản phẩm hóa chất
3.054.277
16
Cao su
802 tấn
1.517.538
17
Hàng hóa khác
2.983 tấn
1.180.963
18
Lúa mỳ
848.504
9
Nguyên liệu dệt, da giầy
536.736
10
Sản phẩm điện tử, linh kiện
506.550
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2010
2. Những khó khăn trong quá trình hợp tác
Kinh tế của Iran đang gặp nhiều khó khăn. Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách những nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới vào năm 2011, Iran nằm trong danh sách đó. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ, với 2/3 nguồn thu quốc gia từ dầu. Bất ổn chính trị, lệnh cấm vận của Mỹ kéo dài đối với Iran, luật pháp lỏng lẻo; rườm rà là lực cản cho đầu tư nước ngoài đang gây tác động tiêu cực lớn cho nền kinh tế Iran. Nỗ lực tư nhân hóa của chính phủ rất ít thành công làm cho tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng cao. Chương trình hạt nhân của Iran đang là nguyên nhân chính gây nên bất đồng giữa Iran với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, làm cho kinh tế Iran tăng trưởng chậm lại. Ngày 15-10-2011, Mỹ cáo buộc Iran chủ mưu giết hại đại sứ Saudi Arabia làm cho không khí chính trị của hai nước căng thẳng hơn. Giáo chủ Khamenei cực lực phản đối Mỹ và cho rằng đây là âm mưu của Mỹ nhằm cô lập Iran. Trong bối cảnh đó, Mỹ nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế siết chặt hơn lệnh cấm vận kinh tế Iran. Một số nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan ủng hộ Mỹ, trong khi Nga, Trung Quốc và Nhật Bản có thái độ ủng hộ Iran.
Sau khi chính quyền Libya bị lật đổ, tiếp theo có thể là Syria, Yemen, Mỹ sẽ tập trung vào việc khuyến khích lực lượng đối lập chống đối lại chính quyền Iran. Một kịch bản tương tự như đối với Iraq, lệnh cấm vận kéo dài, xuất khẩu dầu bị hạn chế, kinh tế rơi vào khó khăn. Phong trào đối lập mạnh dần lên, chính quyền bảo thủ Iran có nguy cơ bị lật đổ.
Trong hoàn cảnh hiện tại, việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Iran gặp nhiều trở ngại. Hợp tác qua đường chính phủ khó thực hiện bởi vì Mỹ và phương Tây đang cấm vận. Trao đổi thương mại hai nước có thể thực hiện được nhưng việc thanh toán tiền bị phong tỏa ngăn chặn. Đó cũng là nguyên nhân mà Petro Việt Nam không thể chuyển vốn để thực hiện dự án khai thác dầu đã ký với Iran. Việc hợp tác kinh tế phải chuyển hướng theo các dự án dựa trên cơ chế hợp tác của các tổ chức hiệp hội hữu nghị, hiệp hội doanh nghiệp.
3. Triển vọng kinh tế của Iran đến năm 2025
Theo Cơ quan tình báo kinh tế của Mỹ (EIU), nếu như Iran không bị tấn công bằng quân sự, thì kinh tế của Iran vẫn tăng trưởng chậm, do doanh thu từ dầu mỏ giảm sút, buộc chính phủ phải thắt chặt việc kiểm soát tài chính trên diện rộng. Mặc dầu vậy, tỷ lệ tăng trưởng của Iran vẫn dương, các mức tăng được dự báo ở như sau:

Bảng 3. Dự báo tăng trưởng kinh tế Iran tầm trung hạn
Các chỉ số kinh tế
2008
2009
2010
2011*
2012**
- Tăng trưởng thực tế %
4,0
3,7
3,5
3,4
3,5
- Lạm phát tiêu dùng %
15,5
15,0
15,0
14,8
14,8
- Cán cân ngân sách công % GDP
-9,6
-9,8
-9,4
-8,8
-8,2
- Cán cân tài khoản vãng lai % GDP
5,5
2,9
1,0
0,8
0,7
- Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại
11,5
11,0
11,0
11,0
11,0
- Tỷ giá hối đoái giữ IR/USD
9,88
10,574
11,475
12,508
13,633
Nguồn: Economic Intelligent Unit, USA 2010
(*) (**) Dự báo
Tỷ lệ tăng trưởng những năm tiếp theo không cao, nhưng ở mức ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát và thâm hụt ngân sách còn ở mức cao. Trước tình hình đó, chính phủ đã phải cắt giảm các khoản hỗ trợ cho người dân như bánh mỳ, dầu ăn, xăng và xăng hiện tại không phải là mặt hàng rẻ như trước đây. Trước đây, Iran là một nền kinh tế có tiềm lực ngoại tệ đáng kể và có hệ thống ngân hàng độc lập, có khả năng chống đỡ được các tác động tiêu cực trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thời điểm mà Tổng thống Ahmadinejad thông báo về kế hoạch cải tổ kinh tế vào tháng 12 năm 2010 cho thấy Iran đã phải trải qua sức ép nặng nề của lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và châu Âu áp đặt. Sự lạnh nhạt và thù địch của Mỹ, châu Âu đã tước đi hàng chục tỷ đô la đầu tư mỗi năm. Các công ty Total (Pháp), Shell (Anh và Hà Lan), Statoi (Nauy) và ENI (Italia) đình chỉ đầu tư là cú sốc khiến cho nền kinh tế Iran đình trệ kéo dài.
Năm 2010, vốn FDI còn hiệu lực tại Iran là 33 tỷ USD, trong đó FDI trong lĩnh vực công nghiệp là 22 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Iran sang các thị trường lớn thế giới đạt 110 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là 48 tỷ USD, thặng dư thương mại 62 tỷ USD. FDI đã tạo động lực cho tăng trưởng công nghiệp 11,8% và tăng trưởng trong lĩnh vực khai khoáng là 13,5%. Với số dân khoảng 70 triệu người, lực lượng lao động chiếm 34% dân số, GDP đứng thứ 13 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 58/193 nước được quan sát, Iran được đánh giá là một quốc gia giàu tài nguyên, có năng lực khoa học công nghệ. Điều kiện đó chứng tỏ Iran là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Mặc dầu hiện tại Iran còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chính phủ Iran đã đề ra kế hoạch phát triển cho tới năm 2025 với mục tiêu cần đạt được như sau:
- Trong 20 năm tới, Iran phải trở thành một quốc gia phát triển, đứng trong hàng ngũ các quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ tại khu vực Trung Đông, vùng Tây - Nam Á. Đồng thời là một quốc gia thiết lập được quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế hiệu quả với tất cả các quốc gia trên thế giới.
- Phát triển nền văn hóa nhiều bản sắc làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Hồi giáo. Chú ý tới việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của con người, tiến tới một xã hội pháp quyền được quản lý bởi hệ thống luật pháp nghiêm minh.
- Mọi người được hưởng các hỗ trợ của xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tạo ra các cơ hội cho mọi người phát triển, tăng thu nhập, giảm chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó làm giàu thêm nguồn vốn nhân lực, vốn xã hội, nâng cao hơn nữa mức thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
- Về lĩnh vực công nghiệp, tới năm 2025 sẽ xây dựng những khu công nghiệp cực lớn, thí dụ khu sản xuất thép với sản lượng sản xuất hàng năm là 55 triệu tấn/năm, chiếm 3,5% tổng sản lượng thép thế giới, khu công nghiệp sản xuất đồng sản lượng 800 ngàn tấn/năm, khu công nghiệp sản xuất nhôm sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, khu công nghiệp hóa dầu sản lượng 51 triệu tấn/năm chiếm 34% sản lượng hóa dầu tại Trung Đông và 6,5% tổng sản lượng các sản phẩm hóa dầu của cả thế giới. Tại các khu công nghiệp này sẽ sử dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và liên kết với mạng lưới sản xuất khu vực và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chiến lược công nghiệp sẽ tập trung vào việc hiện đại hóa các lĩnh vực như công nghiệp sử dụng công nghệ cao, khai thác mỏ, chế tạo máy, công nghiệp nhẹ (dệt may, chế biến nông sản), công nghiệp đường sắt, ôtô, công nghiệp hóa dầu.

Bảng 4. Mục tiêu phải đạt được về các lĩnh vực công nghiệp ở Iran đến năm 2025
TT
Lĩnh vực công nghiệp
Tăng trưởng hàng năm %
Giá trị
(triệu USD)
1
Công nghiệp sử dụng công nghệ cao
19,9
11.630
2
Chế tạo máy móc, thiết bị
12,9
10.080
3
Phương tiện vận chuyển
11,4
27.913
4
Công nghiệp năng lượng
11,3
51.960
5
Công nghiệp chế biến nông sản
11,2
15.973
6
Khai thác dầu khí
18,0
137.311
7
Khai thác tài nguyên (không thuộc dầu khí)
14,0
191.075
Tổng cộng

445.942
Nguồn:Iran Outlook Plan for 2025

Để đạt được các mục tiêu trên, công nghiệp Iran còn đưa ra các mức phấn đấu cho từng ngành công nghiệp cụ thể. Thí dụ, sản xuất thép phải đạt 11 triệu tấn/năm, khai thác mỏ 200 triệu tấn/năm, sản xuất ôtô 1,1 triệu chiếc/năm, sản lượng điện 5.500MW/năm, khai thác dầu 1,3 triệu tấn/năm.
Iran vẫn cố gắng duy trì hợp tác kinh tế với các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp, Italia, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản mặc dầu bị bao vây cấm vận kinh tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2025, Iran tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Á như Azerbaijan, Tajikistan, Turkey, Kazakhstan, Turkmenistan, và thị trường các nước Mỹ Latinh trong đó có Venezuela, Bolivia. Rất nhiều dự án lớn cần tới hàng trăm tỷ USD đầu tư tại Iran như hiện đại hóa hệ thống đường sắt cần hơn 40 tỷ USD, xây dựng đường ống dẫn khí qua Trung Á cần hơn 15 tỷ USD, khai thác các mỏ dầu mới, cung cấp nước sạch… Iran đang mời gọi các nhà đầu tư.
Biến động tại Trung Đông - Bắc Phi đã làm cho cục diện chính trị, xã hội của khu vực này có nhiều thay đổi lớn. Tuy nhiên, phe đối lập tại Iran không tìm cách đưa cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" đến đường phố của Iran mặc dầu sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái tại quốc gia này đã nảy sinh từ lâu, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình chống chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Iran Ahmadinejad, đánh dấu cuộc bạo loạn tồi tệ nhất kể từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979. Phong trào bị dập tắt do giáo chủ Khamenei lên tiếng ủng hộ kết quả bầu cử.
Những nỗ lực yếu ớt để hồi sinh các cuộc biểu tình trên đường phố liên tục thất bại trong thời gian qua. Phe đối lập tại Iran đang nhìn "Mùa xuân Arab" trôi qua với vẻ hối tiếc, bởi vì phe đối lập không tìm được một lãnh đạo có chiến thuật. Chính phủ Iran ngày càng quyết liệt hơn với những hành động chống đối. Nguy cơ xảy ra một cuộc cách mạng như Tunisia, Ai Cập, Libya có khả năng không xảy ra đối với Iran khi mà phe cầm quyền và phe chống đối đều bảo vệ nền tảng chế độ của họ. Những nhà lãnh đạo đối lập chỉ có những tham vọng khiêm tốn là cải cách nhưng không lật đổ chính phủ, luôn trung thành với các giá trị của cách mạng Hồi giáo năm 1979 và các nguyên tắc mà giáo chủ Khamenei đề ra. Nói cách khác, Iran có thể đi theo con đường cải cách mà  Khamenei đã vạch sẵn.
Thực chất thì phong trào đối lập vẫn tồn tại lâu dài, do nền kinh tế Iran đang sa sút. Mặt khác sự chia rẽ trong nội bộ giới lãnh đạo Iran ngày càng sâu rộng. Yếu kém kinh tế đã làm cho đời sống của người lao động khó khăn hơn, đầu tư nhỏ giọt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng cao. Về khía cạnh chính trị, nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống đang bị tầng lớp giáo sĩ và vệ binh cách mạng chỉ trích. Giáo chủ đã tìm cách kìm hãm vây cánh của Tổng thống Ahmadinejad bằng cách phục chức cho Bộ trưởng Tình báo Heydar Moslehi. Lãnh tụ  Khamenei là một nhà chính trị khôn ngoan, sợ Iran bị cô lập hơn nữa với cộng đồng quốc tế, ông đã lên kế hoạch hình thành một nhóm các nhà lãnh đạo mới, nhóm lãnh đạo này sẽ xuất hiện trước cuộc bầu cử quốc hội Iran vào năm 2012. Họ sẽ thực hiện kế hoạch cải cách chính trị, xã hội và kinh tế theo phong cách của giáo chủ để bảo vệ chế độ. Khác với phong trào thanh niên các nước Arab tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình, thanh niên Iran sẽ không tích cực tham gia đối đầu với chính quyền mà họ chọn con đường rời bỏ tổ quốc, đến sinh sống tại các quốc gia phương Tây. Bởi vì cái giá của sự đối đầu là quá đắt.
4. Hợp tác kinh tế Việt Nam - Iran trong bối cảnh Iran bị bao vây, cấm vận
Iran là một quốc gia hơn 70 triệu dân, với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng không đòi hỏi quá nghiêm ngặt, Iran sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với Việt Nam. Trong nhiều năm, quan hệ thương mại giữa hai nước đã được mở rộng và có mức tăng đáng kể về kim ngạch. Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu về nông sản của Việt Nam như lúa gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre và các sản phẩm khác như dệt may, giày dép, đồ gỗ.
Iran cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt lĩnh vực Iran có thế mạnh là khai thác dầu khí. Luật Đầu tư nước ngoài của Iran cho phép các nhà đầu tư chuyển 100% lợi nhuận về nước hoặc ra nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện và cơ hội tốt để đầu tư tại Iran. Iran là một thị trường lớn đang phát triển, Việt Nam có thể sử dụng thị trường này làm nơi trung chuyển hàng hóa tới các nước tại Trung Đông như UAE, Saudi Arabia. Iran cũng cam kết rằng ngân hàng xuất khẩu sẽ tạo điều kiện bảo lãnh vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Iran.
Về phía Việt Nam, trong tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản giảm do các nước này gặp khó khăn về kinh tế, Việt Nam cần mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với Iran. Để thực hiện các chiến lược xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ các nước khác. Iran có nhiều mặt hàng có lợi thế so sánh mà Việt Nam đang cần nhập khẩu, đồng thời Việt Nam cũng là thị trường lớn để các doanh nghiệp Iran khai thác, đầu tư. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quan hệ hợp tác hai nước cần mở rộng thêm các lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, thể thao.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, thiếu thông tin về thị trường, cách thức thanh toán, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu và vốn đầu tư, thuế... Do Iran bị cấm vận, Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ cấm các ngân hàng của các nước thanh toán, giao dịch với Iran bằng đồng USD và Euro. Trung Quốc, Nga vẫn buôn bán với Iran được vì hai nước này chấp nhận thanh toán với Iran bằng đồng tiền nội địa. Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước khác để tham gia các dự án đầu tư lớn tại Iran nhưng có thể mở rộng quan hệ hợp tác thương mại trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp và nông nghiệp. Giải pháp để tháo gỡ các khó khăn theo chúng tôi cần tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, Iran bị cấm vận kinh tế lâu dài, nếu Mỹ không phát động một cuộc chiến tranh, thì Iran vẫn ở trong tình trạng khó buôn bán với các nước khác. Các đối tác đầu tư khai thác dầu khí xuất nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu bị cấm vận và các ngân hàng của Iran bị Mỹ và Tây Âu bao vây. Giống như chính sách được Liên hợp quốc ủng hộ là đổi dầu lấy lương thực được thực hiện tại Iraq trước đây, kinh tế Iran sẽ gặp khó khăn, nhu cầu về lương thực hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trở nên cấp thiết. Việt Nam cần tạo lập các cơ hội để xuất khẩu các hàng hóa nông sản, hàng hóa tiêu dùng. Ngược lại, Việt Nam cũng tìm cách nhập khẩu các hàng hóa của Iran có sức cạnh tranh cao và chất lượng tốt để phục vụ cho các nhu cầu công nghiệp hóa.
Thứ hai, để phá bỏ rào cản trong việc thanh toán qua đồng USD hoặc Euro, hai nước nên thiết lập hệ thống buôn bán thông qua các đồng nội tệ, giống như Trung Quốc, Nga đã từng thực hiện với Iran.
Thứ ba, buôn bán theo đường chính ngạch, qua đường nhà nước còn khó khăn, hai nước nên động viên nguồn lực của các doanh nghiệp buôn bán theo phương thức đổi hàng hóa lấy hàng hóa. Doanh nghiệp hai nước cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu các thông tin về thị trường, tạo lập niềm tin và thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.
Thứ tư, có thể sử dụng Dubai làm nơi giao dịch trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Các phí tổn giao dịch, hiện tại còn lớn chiếm tới 18-20% tổng giá trị các đơn hàng xuất nhập khẩu. Chính phủ và các doanh nghiệp của hai nước nên tìm cách giảm thiểu các chi phí giao dịch trung gian đó.
Ngoài hợp tác kinh tế, Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa, giáo dục, thể thao du lịch và khoa học công nghệ. Giáo dục đại học Iran có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, nhiều đại học đứng vào top các trường có chất lượng cao trên thế giới. Các trường đại học y - dược đã tạo ra công nghệ dược phẩm chất lượng, cung cấp 93% nguyên liệu dược phẩm xuất khẩu. Các loại thuốc của Iran có sức cạnh tranh cao, không thua kém các sản phẩm cùng loại của các quốc gia phương Tây và Ấn Độ. Iran và Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác khoa học trong nhiều lĩnh vực, trước hết là trong lĩnh vực đào tạo về y - dược và sản xuất dược phẩm và năng lượng, công nghiệp hóa dầu.
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông
Trần Văn Tùng – Trần Việt Dung




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét