Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Tác động của Mùa xuân Arab đến tương lai mối quan hệ Ai Cập - Isarel


Tác động của Mùa xuân Arab đến tương lai mối quan hệ Ai Cập - Isarel

Những sự kiện bắt nguồn từ Tunisia trong tháng 1 năm 2011, sau đó lan rộng sang Ai Cập, Libya, Jordan, Morocco, Bahrain, Syria và một số quốc gia khác đã làm lay chuyển nền tảng chính trị, nhận thức và xã hội của khu vực Trung Đông. Biến động chính trị này cho tới nay vẫn chưa lắng hẳn và không ai dám chắc rằng khi nào nó sẽ kết thúc hay sẽ có một làn sóng biến động khác của dân chúng tiếp tục xảy ra. Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đang gia tăng quyền lực ở Ai Cập, do đó một số câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta có thể dự đoán gì về tổ chức Hồi giáo này? Vai trò nào của Hồi giáo sau sự sụp đổ của chế độ độc tài? Quan hệ của các tổ chức Hồi giáo đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Israel sẽ ra sao? Triển vọng Hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập, hoặc Hiệp định David Camp sẽ thế nào?. Trước tiên, bài viết tập trung vào phân tích về quan hệ quốc tế ở Trung Đông, sau đó sẽ thảo luận những câu hỏi đã nêu trên.
1.  Lý thuyết quan hệ quốc tế ở Trung Đông
 Tính đặc thù của khu vực Trung Đông đã khiến các phân tích không thể dựa trên một phương pháp đánh giá nào về quan hệ quốc tế (Hinnebusch, 2003, p.1). Vì vậy, cần phải bắt đầu vấn đề bằng cách xem xét khu vực này dựa trên lý thuyết quan hệ quốc tế nào và các lý thuyết này giúp gì cho chúng ta hiểu và giải nghĩa các mối quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông.
Trung Đông mặc dù có vị trí quan trọng trong bản đồ chính trị thế giới nhưng vẫn bị các học giả phương Tây thờ ơ trong việc phát triển hệ thống lý thuyết về khu vực này. Nhiều lý thuyết gia về quan hệ quốc tế cho rằng Trung Đông là khu vực quá phức tạp, không thống nhất nên không thể phát triển lý thuyết quan hệ quốc tế. Hơn nữa, theo Sasley (2011) thì đang có sự khác biệt rất lớn về tư tưởng giữa các nhà lý luận quan hệ quốc tế sử dụng Trung Đông làm trường hợp nghiên cứu và các chuyên gia quan hệ quốc tế ở Trung Đông. Ba học giả Fred Halliday, Raymond Hinnebusch và Anoushiravan Ehteshami đã thành công trong việc nghiên cứu về khái niệm quan hệ quốc tế ở Trung Đông, đều đã có những lập luận và phương pháp tiếp cận nghiên cứu khác nhau. Fred Halliday (2005) quan tâm đến hệ thống lịch sử xã hội, Raymond Hinnebusch và Anoushiravan Ehteshami (2002) xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực mới. Hinnebusch (2003) còn mở rộng cách tiếp cận nghiên cứu của mình bằng cách dùng nhiều lý thuyết khác nhau như xã hội học lịch sử, chủ nghĩa kiến tạo, cấu trúc luận và chủ nghĩa hiện thực mới để chứng minh cho phân tích của mình.
Nhưng theo Halliday, lý thuyết để có tính thuyết phục cần phải có những phân tích cặn kẽ và toàn diện, phải có bối cảnh lịch sử, phải có sự phù hợp giữa cơ sở phân tích và chương trình nghiên cứu, đồng thời phải có tính nhân văn. Ngoài ra, Halliday cho rằng nên phân loại lý thuyết quan hệ quốc tế thành các thuyết phân tích và thuyết chuẩn mực, theo đó các thuyết phân tích giải thích sự vận hành của các quan hệ quốc tế, còn các thuyết chuẩn mực đề cập đến các khái niệm và các chuẩn mực. Halliday đã chia lý thuyết phân tích quan hệ quốc tế ở Trung Đông thành 5 loại: phân tích lịch sử; phân tích chính sách đối ngoại; phân tích chủ nghĩa hiện thực hình mẫu và những biến đổi của nó; phân tích ý tưởng; xã hội học lịch sử và quốc tế. Phân tích lịch sử quan tâm đến lịch sử chính sách đối ngoại của một quốc gia và cố gắng giải thích tại sao và làm thế nào các hoạt động của nhà nước được tiến hành trong bối cảnh lịch sử đó. Những giải thích mang tính lịch sử cố gắng hướng vào các xã hội Trung Đông hơn là hướng vào những vấn đề của lý thuyết quan hệ quốc tế (Halliday, 2005, p 24).
Các học giả theo trường phái chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế thường đặt trọng tâm nghiên cứu về nhà nước, coi nhà nước là thể chế dẫn đầu và là nhân tố mà các lý thuyết phải đề cập đến, song trong trường hợp Trung Đông nhà nước đã đi ngược với các lý thuyết đó và các nhân tố phi nhà nước thường lại có vai trò kiểm soát hệ thống chính trị trong nước và khu vực (Halliday, 2005 , pp.27-30).
Hinnebusch và Ehteshami (2005) cho rằng, ở Trung Đông nhà nước là nhân tố chủ đạo trong chính sách đối ngoại và các nhà lãnh đạo có lợi trong việc tối đa hoá quyền tự trị và an ninh của nhà nước. Họ đồng ý với quan điểm của trường phái chủ nghĩa hiện thực cho rằng hệ thống nhà nước Trung Đông rất phức tạp và mang các đặc trưng riêng có. Theo Hinnebusch (2005), chủ nghĩa hiện thực mới cho rằng sự mất an ninh mang tính chất hệ thống đã dẫn đến hình thành hành vi điều tiết, cân bằng để chống lại những mối đe doạ, dẫn đến hình thành hệ thống nhà nước có chủ quyền thống nhất. Tuy nhiên, Hinnebusch cho rằng hệ thống nhà nước Trung Đông không mang tính thống nhất, các chấn động ở cấp hệ thống đã tác động lên hành vi của nhà nước.
Ông còn cho rằng, chính sách ngoại giao của các nhà nước Trung Đông được hình thành trong ba khung cảnh đã được công nhận khác nhau về mặt khái niệm. Thứ nhất là ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ này ông dựa chủ yếu vào các lý thuyết về xây dựng nhà nước. Thứ hai là cấp độ khu vực và thứ ba là cấp độ toàn cầu, ở đó ông căn cứ vào các phân tích cấu trúc luận về quan hệ quôc tế nơi các quan hệ không cốt lõi được coi là đặc trưng của các nhà nước Trung Đông. Ông cũng cho rằng hệ thống quốc tế có ảnh hưởng trái chiều đến chính sách đối ngoại của các nhà nước Trung Đông.
2. Minh chứng bằng Mùa xuân Arab
Bài viết này đánh giá cuộc cách mạng Ai Cập nơi Tổ chức Anh em Hồi giáo đóng vai trò đứng đầu cuộc cách mạng và làn sóng nổi dậy của dân chúng (Johnson, 2011). Theo Barry Rubin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về vấn đề quốc tế (GLORIA), nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng này là những sai lầm của chế độ dân tộc chủ nghĩa Arab đã thống trị thế giới Arab trong thời gian dài từ thập kỷ 1950 và đầu thập kỷ 1960. Chính quyền không còn đủ năng lực để thực hiện những lời hứa của mình, không nhanh chóng đạt được những tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế, có quan điểm hủy diệt đối với Israel, không thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây. Tham nhũng, thiếu tự do, trì trệ kinh tế đã trở nên khá rõ ràng. Mặt khác, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc cách mạng này còn do sự bất bình của giới quan chức về việc thừa kế của con trai Tổng thống Mubarak và đặc biệt là đất nước đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế.
Những người biểu tình dẫn đầu cuộc nổi dậy ở Ai Cập hầu hết là những người trẻ tuổi, tự do và cởi mở. Họ là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại Hosni Mubarak, buộc ông phải từ chức và đồng thời họ là những người luôn có mặt trên các trang web như Twitter, Facebook để kêu gọi bạn bè của họ xuống đường biểu tình. Một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình là Wael Ghonim, 30 tuổi, là người điều hành trang Google, đã tập hợp đám đông tại Quảng trường Tahrir và trước đó anh này bị Cơ quan an ninh Ai Cập bắt giữ trong 12 ngày (Trager, 2011). Các nhà hoạt động này đã bác bỏ ý thức hệ tôn giáo và truyền thống như khuyến cáo của Ayatollah Ali Khamenei, kêu gọi tự do dân chủ, bình đẳng và khoan dung tôn giáo đồng thời kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài (Dickey, 2011).
Để hạn chế sự nổi lên của các đảng Hồi giáo, phương Tây đã chấp nhận và bênh vực cho những chế độ độc tài tồi tệ nhất trong thế giới Arab, điều này đã dẫn đến xuất hiện các tổ chức Hồi giáo đối lập với họ, điển hình là Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, một phong trào lớn được thành lập từ lâu và có sức ảnh hưởng chính trị lớn (Ramadan, 2011a). Hơn 60 năm qua, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã hoạt động bất hợp pháp nhưng không bị dẹp bỏ. Tổ chức này đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong việc vận động dân chúng trong mỗi cuộc bầu cử dân chủ nơi ít nhất họ đều có một  đại diện tham gia (Ramadan, 2011b).
3.  Tư tưởng và thế giới quan của Tổ chức anh em Hồi giáo
Mùa xuân Arab đã chuyển sang mùa hè Arab, nên các phong trào Hồi giáo đã nhanh chóng thành lập các đảng phái chính trị và huy động các chiến dịch quốc gia để đưa ra hình ảnh mới của họ trước cuộc bầu cử diễn ra vào mùa thu và mùa đông tới (Ghosh, 2011). Tổ chức Anh em Hồi giáo, một thực thể chính trị quan trọng tại Ai Cập đã thành lập Đảng Tự do và Công lý. Đã nảy sinh cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa đảng và Tổ chức Anh em Hồi giáo nhưng các nhà lãnh đạo của Đảng này đã tuyên bố rằng họ là một thực thể tự thân (Trager, 2011). Quan trọng là, Tổ chức anh em Hồi giáo đang lập kế hoạch hành động cho tương lai.
Essam el-Erian, một nhà lãnh đạo hàng đầu của Tổ chức anh em Hồi giáo tuyên bố rằng những điều họ đang làm rồi sẽ qua đi, và hiện nay họ cần xem xét lại họ sẽ làm gì (Ghosh, 2011). Tổ chức anh em Hồi giáo có thể sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tái hình thành hệ thống nhà nước Ai Cập và chính sách đối ngoại của Ai Cập bởi vì tổ chức này được thành lập từ lâu và được lòng dân chúng. Tổ chức anh em Hồi giáo được thành lập vào những năm 1930 với tư cách là một tổ chức hoạt động hợp pháp, chống thực dân, là tổ chức phi bạo lực và ủng hộ kháng chiến vũ trang ở Palestine chống lại sự bành trướng của người Do Thái trước Chiến tranh Thế giới thứ II. Những bài viết vào giữa những năm 1930 và những năm 1945 của Hassan al-Banna, người sáng lập Tổ chức anh em Hồi giáo đã đề ra kế hoạch và đường lối hoạt động của tổ chức này, chống lại chủ nghĩa thực dân và chỉ trích mạnh mẽ chính quyền phát xít ở Đức và Italia (Ramadan, 2011a). Ông không chấp nhận việc sử dụng bạo lực ở Ai Cập, nhưng lại cho rằng bạo lực mang tính hợp pháp ở Palestin để chống lại chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái và các băng nhóm khủng bố Irgun (Spencer, 2011a, p.602). Ông cho rằng mô hình nghị viện Anh là kiểu gần gũi nhất với các nguyên tắc Hồi giáo (Ramadan, 2011a).
Mục tiêu của Al-Banna là thành lập "nhà nước Hồi giáo" (Ramadan, 2011a) dựa trên nền tảng cải cách dần dần, trước tiên là thực hiện cải cách giáo dục cơ bản và các chương trình xã hội trên diện rộng. Vào năm 1949, ông đã bị chính phủ Ai Cập ám sát theo yêu cầu của phía chính quyền chiếm đóng (Ramadan, 2011b).
Sau cuộc cách mạng 1952 của Gamal Abdel Nasser, Tổ chức anh em Hồi giáo bị đàn áp mạnh mẽ và họ buộc phải hoạt động ở nước ngoài. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao và nhà lý luận của Tổ chức này bị bắt và bị tù đầy trong các nhà tù của Ai Cập, đồng thời nhà tư tưởng hàng đầu là Sayyid Qutb bị hành quyết thì tổ chức này đã may mắn tìm được hai nơi để tiếp tục hoạt động (Johnson, 2011). Nhiều thành viên của tổ chức này buộc phải sống lưu vong ở Saudi Arabia và chịu ảnh hưởng nhiều của hệ tư tưởng của giới tri thức Saudi Arabia, một số khác lưu vong ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, nơi có nhiều cộng đồng người Hồi giáo cùng sinh sống. Số còn lại thì định cư ở phương Tây và được tiếp xúc trực tiếp với truyền thống tự do dân chủ của châu Âu (Rubin, 2010, trang 105-117).
Các nước phương Tây nghi ngờ về chương trình nghị sự của Tổ chức anh em Hồi giáo, một số cơ quan truyền thông thậm chí tuyên bố Tổ chức này có quan hệ với tổ chức khủng bố (Salih, 2009, pp.150-154). Ví dụ, tờ NewWeek đã công bố một hồ sơ cáo buộc Tổ chức anh em Hồi giáo sử dụng các nhà chính trị ôn hòa nhằm mục đích thực hiện trương trình nghị sự mang tính cực đoan (Dickey, 2011).
 Tuy nhiên, Tariq Ramadan, một học giả Hồi giáo xuất chúng đã bác bỏ những tuyên bố này và cho rằng phương Tây tiếp tục sử dụng chiêu bài “sự đe dọa của Hồi giáo” để biện minh cho sự thụ động của họ và nhằm tiếp tục hỗ trợ cho chế độ độc tài (Ramadan, 2011b). Tổ chức này đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không sử dụng bạo lực, lên án chủ nghĩa khủng bố và không làm việc với các phần tử thánh chiến (Trager, 2011). Ngoài ra, tổ chức này còn được đánh giá là một phong trào xã hội nhiều hơn là một thực thể chính trị. Người dân nghèo Ai Cập lâu nay đã sử dụng các dịch vụ xã hội như trường học và trạm y tế miễn phí của Tổ chức anh em Hồi giáo (Ghosh, 2011).
Điều này cho thấy cần phải có những phân tích kỹ lưỡng hơn về Hồi giáo chính trị để hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Hồi giáo, bởi thực tế Hồi giáo giữa các khu vực và trong các giai đoạn lịch sử luôn có sự khác nhau.
4.  Tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp cận quyền lực và nỗi lo của Israel
Những thay đổi cơ bản đang diễn ra ở Trung Đông ​​có ảnh hưởng đến mối quan hệ của Israel với thế giới Arab (Marshall, 2011). Các quan chức Israel bày tỏ sự lo lắng của họ trong báo cáo nói về Mùa xuân Arab, đặc biệt là cuộc cách mạng ở Ai Cập. Israel lo lắng đến sự tồn tại của Hiệp ước hòa bình năm 1979 (Seale, 2011). Các nhà bình luận phương Tây thường mô tả Hiệp ước này là “trụ cột của sự ổn định khu vực”, là “hòn đá tảng của ngoại giao Trung Đông”, là "trung tâm của ngoại giao Mỹ" trong thế giới Arab nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung. Rõ ràng cả Israel và Mỹ đều hiểu được hiệp ước này quan trọng như thế nào đối với họ (Seale, 2011). Mặt khác, Hiệp ước hoà bình Israel-Ai Cập có thể được xem là một trong những điểm chiến lược đảm bảo sự trung lập của Ai Cập, sự thống trị quân sự của Israel ở  khu vực trong ba thập kỷ tới (Seale, 2011).
Tại thời điểm này, Israel đang bị cô lập ở Trung Đông. Israel có quan hệ ngoại giao chỉ với ba nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Jordan nhưng trong những tháng gần đây, đại sứ của Israel đã bị triệu hồi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Nhà vua của Jordan là Abdullah thì chỉ trích rằng Israel "sợ chết" (Seale, 2011).
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ rằng họ đang lo lắng và cũng đang theo dõi những gì đang xảy ra ở Ai Cập và trong khu vực (Dickey, 2011). Ông này cho rằng: Hòa bình giữa Israel và Ai Cập đã tồn tại trong hơn ba thập kỷ qua và mục tiêu của Israel là nhằm đảm bảo mối quan hệ này sẽ tiếp diễn (Mitnick, 2011).
Tại Ai Cập, quan điểm chống Israel đang ngày càng gia tăng. Quan điểm này ở các cấp độ có sự khác nhau: cấp độ quốc gia, các đảng phái chính trị, giới lãnh đạo, và những người dân bình thường. Một số đảng phái chính trị cấp tiến muốn đóng cửa kênh đào Suez để ngăn chặn tàu của Israel và ngừng bán khí đốt tự nhiên cho Israel. Đảng Tự do và Công lý cho rằng Hiệp ước năm 1979 cần phải được "xét lại" (Seale, 2011).
Tổ chức Anh em Hồi giáo và đảng mới của tổ chức này có vẻ nghiêng theo hướng sẽ không cam kết thực hiện hiệp ước hòa bình với Israel, hoặc sẽ đối đầu, do đó sẽ có sự thay đổi chiến lược quan trọng ở Ai Cập (Mitnick, 2011). Đảng Tự do và Công lý hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội mới của Ai Cập. Điều này có thể đưa chính sách ngoại giao của Ai Cập thoát ra khỏi lợi ích của Mỹ (Trager, 2011). Hệ quả là, Ai Cập thời kỳ hậu Mubarak sẽ cải thiện mối quan hệ với những nước đang đối đầu với Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Iran, sẽ dèm pha Hiệp ước Trại David với Israel.
Hiện nay, chính kiến của người dân Arab về Hiệp ước Hoà bình Israel-Ai Cập hoàn toàn khác với thời các chính phủ cầm quyền trước đó trong khu vực. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hai tháng sau khi cuộc cách mạng nổ ra, 54 % dân số Ai Cập ủng hộ lệnh bãi bỏ các thỏa thuận hòa bình với Israel, trong khi chỉ có 36% dân số muốn duy trì Hiệp ước đó và số người còn lại thì chưa có quyết định (Spencer, 2011b, p.778).
Chính phủ Israel sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn trong tương lai bởi hầu hết những ứng cử viên chức tổng thống Ai Cập đều có quan điểm chống lại Israel. Ví dụ, Amr Mousa, một trong những ứng cử viên đó đã được một nhà ngoại giao phương Tây bình luận rằng sự nổi tiếng của ông ta là vì giống như một người theo chủ nghĩa dân tộc Arab chống lại Israel (Dan, 2011).
Nhìn nhận từ góc độ khác thì Sam Vaknin, biên tập viên chính của Tạp chí Chính trị Toàn cầu cho rằng cả Israel và Ai Cập đều được hưởng lợi rất nhiều từ sự hào phóng của Mỹ với số tiền từ 2-3 tỷ USD hàng năm cho mỗi nước và chắc chắn rằng quân đội Ai Cập sẽ không thích từ chối một khoản tiền viện trợ lớn như vậy. Hơn nữa, một nửa nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Israel là nhập từ Ai Cập và hiện nay còn có cả những chương trình tình báo chung giữa hai nước (KA Khidhir, 30 / 11/ 2011).
Vaknin tái khẳng định rằng, Ai Cập cần duy trì hòa bình và thắt chặt quan hệ thương mại với Israel. Ngoài ra, Ateya al-Wayishi, một nhà văn người Ai Cập cho  rằng, cuộc cách mạng có thể có ảnh hưởng hạn chế đến quan hệ Israel-Ai Cập. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng Hiệp ước hòa bình sẽ được sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo lợi ích nhiều hơn cho Ai Cập.
Ngoài những quan điểm trên, Ramadan (2011a) tin rằng, cả Mỹ và châu Âu đều không muốn chống lại Israel và đều muốn người dân Ai Cập dễ dàng biến ước mơ tự do và dân chủ của họ trở thành hiện thực. Quá trình cải cách sẽ được giám sát bởi các cơ quan Mỹ phối hợp với quân đội Ai Cập vì họ đóng vai trò quan trọng của người điều phối.
Mùa xuân Arab đã tái cấu trúc mối quan hệ chính trị, thể chế và quan hệ quốc tế của khu vực Trung Đông. Ai Cập hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi mùa xuân Arab, bởi cuộc cách mạng đã lật đổ chế độ của Tổng thống Mubaraka, và đưa những nhà Hồi giáo chính trị đến quyền lực. Đảng Tự do và Công lý được thành lập và được dẫn dắt bởi Tổ chức anh em Hồi giáo là một tổ chức chính trị có ảnh hưởng rất lớn. Đảng này hiện đang được lòng dân chúng và chiếm đa số phiếu trong các cuộc bầu cử diễn ra gần đây. Những thay đổi chính trị hiện nay đã làm Israel lo lắng. Chính phủ Israel đặc biệt quan tâm đến Hiệp định hòa bình đã được ký kết với chính quyền cũ ở Ai Cập. Israel muốn duy trì hiệp ước này, nhưng các đảng chính trị, các ứng cử viên tổng thống và dân chúng Ai Cập đang có những quan điểm khác nhau về hiệp ước này. Bài viết đã bàn đến các tranh luận về những gì đã diễn và đưa ra các dự báo về những gì có thể sẽ đến.  
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi&Trung Đông
Koshan Ali Khidhir


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét