Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Các lãnh đạo tôn giáo Indonesia lo lắng về cuộc khủng hoảng lương thực


Các lãnh đạo tôn giáo Indonesia lo lắng về cuộc khủng hoảng lương thực


JAKARTA (UCAN 13-5-2008) -- Các lãnh đạo tôn giáo Indonesia vừa thúc giục người dân thực hành các giá trị tôn giáo của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo hòa thượng Tadisa Paramita, đứng đầu Hội đồng Trị sự Phật giáo Indonesia, khủng hoảng lương thực hiện nay xuất phát từ thay đổi cơ bản trong cái nhìn về cuộc sống của người dân.
“Người ta không còn phấn đấu phát triển bản thân về mặt tinh thần và đạo đức nữa, nhưng lại tìm cách tích lũy của cải vật chất”, ông phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2-5 do Ủy ban Tôn giáo Hòa bình Indonesia (IComRP) tổ chức.
Hòa thượng đặc biệt đổ lỗi cuộc khủng hoảng hiện nay là do tàn phá môi trường và các chính phủ sử dụng lương thực như là một mặt hàng chính trị.
Ông nói: “Giờ đây người nghèo phải chịu khổ sở nhiều hơn”.
Các đại diện cộng đồng Ấn giáo, Công giáo, Khổng giáo, Hồi giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác đã phát biểu tại cuộc họp báo.
Cuộc họp báo nhắm công khai một cuộc họp từ ngày 14-17/5 tại Jakarta chuẩn bị cho đại hội lần bảy của Hội đồng Tôn giáo Hòa bình Á châu (ACRP). Đại hội, với chủ đề Kiến tạo hòa bình ở châu Á -- Chữa lành Quá khứ và Xây dựng Tương lai, sẽ được tổ chức tại Manila từ ngày 17-21/10.
Ngoài cung cấp thông tin về cuộc họp chuẩn bị cho đại hội sắp tới ở Jakarta, các lãnh đạo tôn giáo nhận thấy những việc họ chứng kiến như là các nguyên nhất chính của nạn khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Chủ tịch IComRP là Din Syamsuddin, cũng là chủ tịch của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai Indonesia, cho biết các thành viên ủy ban đang kêu gọi “tín đồ thực hành các giá trị đạo đức, sống hòa hợp với thiên nhiên, và đừng khai thác nó”.
Theophilus Bela, một người Công giáo làm tổng thư ký của IComRP, đổ lỗi cho giá gạo cao trong nước hiện nay là do chính phủ không thể trợ giúp nông dân, chiếm đa số dân cả nước.
Ông nói: “Chính phủ chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn xây các khu mua sắm và buôn bán bất động sản, mà không cung cấp phương tiện vận chuyển tốt hơn để giúp nông dân tiếp thị sản phẩm của họ ở các thành phố”.
Amidan, đứng đầu Hội đồng Ulama (học giả Hồi giáo) Indonesia, thừa nhận cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa ảnh hưởng nhiều đến Indonesia, nhờ trong nước được mùa lúa. “Nhưng chúng ta phải thận trọng”, ông cảnh báo. “Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến nghèo đói và gây nhiều tội ác”.
Lãnh đạo tinh thần Khổng giáo là Haksu Djaengrana đề xuất một giải pháp cụ thể bằng cách kêu gọi mọi người ăn nhiều loại lương thực hơn trong khi giảm ăn, “chẳng hạn như ăn chay ba ngày một tháng”.
Bonar Simangunsong, chủ tịch Hội đồng Kitô giáo Indonesia, nhắc lại lời của hòa thượng Paramita khi đổ lỗi cho việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên gây ra cuộc khủng hoảng này, và hiện tượng trái đất nóng lên. Ông nói các thành viên của IComRP sẽ tiếp tục thúc giục tín đồ của họ chữa lành trái đất bị tổn hại.
Nói về cuộc họp trù bị đại hội, Syamsuddin nói các lãnh đạo tôn giáo Indonesia sẽ trình bày những đóng góp của họ trong việc làm giảm những xung đột liên tôn và nội bộ tôn giáo. Ông nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều phản đối bạo lực, vốn là điều cấm kỵ trong các tôn giáo chúng ta”.
Sẽ có 35 tham dự viên đến từ các quốc gia châu Á khác nhau và 150 lãnh đạo tôn giáo Indonesia tham dự cuộc họp Jakarta.
Trả lời các câu hỏi của UCA News về xung đột tôn giáo, Syamsuddin nói rằng chuyện này vẫn còn xảy ra ở châu Á. Nhưng ông nói thêm các vụ xung đột như thế “đã giảm rất nhiều” ở Indonesia nhờ nỗ lực kiến tạo hòa bình của các lãnh đạo tôn giáo.
Các nhà tổ chức đại hội ACRP tháng 10 mong các đại diện của 22 quốc gia Á châu sẽ tham dự, cuộc họp báo cho biết.
Các chủ đề phụ trong đại hội gồm: Kiến tạo hòa bình thông qua An ninh Chung và Biến đổi Xung đột, Kiến tạo hòa bình thông qua Nhân Quyền và Giáo dục Hòa bình, Kiến tạo hòa bình thông qua các Giá trị Chung và Xây dựng Cộng đồng, Kiến tạo hòa bình thông qua Phát triển Bền vững và Công bằng Xã hội, và Kiến tạo hòa bình thông qua Chữa lành Quá khứ và Xây dựng Tương lai.
UCAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét