Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Vấn đề Islam giáo trong đời sống chính trị - xã hội Pakistan

Vấn đề Islam giáo trong đời sống chính trị - xã hội Pakistan

Pakistan là một quốc gia nằm ở vùng Nam Á với tên đầy đủ là Cộng hòa Islam giáo Pakistan (Islamic Republic of Pakistan).

Với diện tích 796.000 km2, Pakistan có đường biên giới tiếp giáp với các nước Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và biển Arập thuộc Ấn Độ Dương. Theo số liệu năm 2000, dân số Pakistan là 141,6 triệu người, trong đó người Punjab chiếm 48,2%, người Pashto chiếm 13,1%, người Sind chiếm 11,8%, người Saraiki chiếm 9,8% và người Urdu chiếm 7,6%. Về tôn giáo, số người theo Islam giáo chiếm 95% dân số Pakistan, còn các tôn giáo khác như Ấn Độ giáo chiếm 1,8%, Kitô giáo chiếm 2% ([1]). Theo một số liệu khác, tính đến năm 2010, dân số nước này là 180 triệu người, trong đó số người theo Islam giáo chiếm tới 96-97%([2]). Tháng 8 năm 1947, Pakistan được thực dân Anh trao trả độc lập và đến năm 1956 nước này thông qua bản Hiến pháp đầu tiên. Cộng hòa Islam giáo Pakistan ra đời từ bản Hiến pháp 1956 này và đây là nước cộng hòa Islam giáo đầu tiên trên thế giới. Cho tới nay đã có 4 nước cộng hòa Islam giáo, trong đó Cộng hòa Islam giáo Iran là điển hình hơn cả. Ở nước này thủ lĩnh tinh thần của Islam giáo (rahbar) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước([3]). Đối với Pakistan, giới tăng lữ Islam giáo không có được một vai trò như vậy. Chế độ nhà nước ở một mức độ đáng kể mang tính thế tục, mặc dù theo Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 1973) có điều khoản quy định Islam giáo là tôn giáo chính thức của nước này. Hiến pháp cũng quy định Nhà nước phải đáp ứng những nhu cầu tinh thần của Islam giáo và chỉ có các tín đồ Islam giáo mới có thể trở thành tổng thống và thủ tướng của nước này.


Ở Pakistan cùng tồn tại hai giáo phái chính của Islam giáo là Sunni và Shiite. Nhưng những người theo giáo phái Sunni chiếm tuyệt đại đa số, tới 80% tổng số tín đồ Islam giáo của nước này. Số tín đồ còn lại thuộc giáo phái Shiite và một số nhánh khác của Islam giáo. Mặc dù cộng đồng Islam giáo ở Pakistan về cơ bản không coi những đại diện của các nhánh Islam giáo khác là tà giáo, bội giáo, nhưng cá biệt có một vài nhóm vẫn bị coi là dị giáo, lạc đạo. Thí dụ, năm 1974, Quốc hội nước này đã ra quyết định coi cộng đồng những người theo giáo lí của Mirza Ghulam Ahmad Kadiani (1835-1908) là dị giáo. Mặc dù cho đến nay những người này vẫn tự coi mình là các tín đồ Islam giáo và tuân thủ những giáo điều và nguyên tắc cơ bản của Islam giáo, nhưng ở Pakistan họ vẫn bị xếp vào đội ngũ các tôn giáo thiểu số cùng với Kitô giáo, Ấn Độ giáo, Shikh giáo, Bái Hỏa giáo (Parsis-zoroastrians). Theo Hiến pháp Pakistan, cộng đồng Ahmad hay còn gọi là cộng đồng Kadiani([4]) vẫn được giành cho một ghế trong Hạ viện của nước này (Majlis-e Shura).
Quá trình tách cộng đồng Ahmad ra khỏi Islam giáo là do những sự khác biệt về giáo điều đối với phong trào cấp tiến chính trị dưới ngọn cờ Islam giáo. Những làn sóng đầu tiên chống cộng đồng Ahmad đã bao trùm đất nước này ngay từ năm 1953. Những làn sóng đó được kích động bởi hai tổ chức nhiệt tâm của “Islam giáo thuần khiết”, đó làJamaat-i Islami (Hiệp hội Islam giáo) và Majlis-i Ahrar (Đại hội những người tự do). Cả hai tổ chức chính trị này đều không có quan hệ gì với cuộc đấu tranh giành độc lập cho Pakistan từ tay thực dân Anh. Trong khi đó nhiều người thuộc cộng đồng Ahmad giàu có của Ấn Độ lại tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nhà nước Pakistan và chiếm những vị trí cao trong giới thượng lưu chính trị của đất nước này. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Pakistan sau khi tách khỏi Ấn Độ năm 1947 là Zafrulla Khan Chowdhury, một người thuộc cộng đồng Ahmad.
Những người tổ chức các cuộc thảm sát chống lại Cộng đồng Ahmad năm 1953 đã bị đưa ra tòa và phải nhận những bản án nghiêm khắc. Người sáng lập tổ chức Jamaat-i Islami (Hiệp hội Islam giáo) là Syed Abul Ala Maudoodi (1903-1979) đã bị kết án tử hình. Nhưng sau đó ông ta lại được ân xá và được tiếp tục hoạt động chính trị và truyền giáo.
 
Phong trào cấp tiến chính trị dưới ngọn cờ Islam giáo ở Pakistan diễn ra dần dần từng bước trong vòng 20 năm kể từ khi những người chống đối cộng đồng Ahmad bị kết án. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ dưới thời Zulfikar Ali Bhutto lãnh đạo đất nước Pakistan (1971-1977). Ông là người đã cố gắng kết hợp hệ tư tưởng Islam giáo với chủ nghĩa xã hội, dựa vào khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Ông cũng là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan năm 1967. Tháng 7 năm 1977 giới quân sự Pakistan đã thực hiện cuộc đảo chính nhà nước, chính quyền về tay tướng Muhammad Zia ul-Haq và từ đây bắt đầu quá trình Islam giáo hóa mạnh mẽ mọi mặt đời sống xã hội của đất nước này. Hai năm sau đó, năm 1979, Zulfikar Ali Bhutto đã bị kết án tử hình.
Quá trình Islam giáo hóa đời sống chính trị - xã hội Pakistan cũng là quá trình nảy sinh mâu thuẫn giữa hai giáo phái lớn của Islam giáo ở nước này, mâu thuẫn giữa dòng Sunni với dòng Shiite. Như đã nói ở trên, số tín đồ dòng Sunni ở Pakistan chiếm tới 80% tổng số tín đồ Islam giáo của nước này. Quá trình Islam giáo hóa Pakistan được tiến hành theo những nguyên tắc của dòng Sunni và điều này đã dẫn tới sự bất bình của các tín đồ Islam giáo dòng Shiite. Phong trào phản đối mạnh mẽ của những người theo giáo phái Shiite đã dẫn tới sự thành lập những tổ chức xã hội đầu tiên của giáo phái này. Từ đây nảy sinh cao trào phản kháng của những người theo giáo phái Shiite trên toàn thế giới, dẫn đến cuộc cách mạng Islam giáo ở đất nước Iran láng giềng vào năm 1979. Đối với những tín đồ dòng Shiite ở Pakistan, những sự kiện xảy ra ở Iran có một ý nghĩa rất quan trọng bởi vì lãnh tụ tinh thần của cách mạng Iran, Giáo chủ Ruhollah Musavi Khomeini có tổ tiên là những người đến từ Kashmir, một vùng đất có ý nghĩa đặc biệt đối với Pakistan, vùng đất đang có tranh chấp với Ấn Độ.
 
Mâu thuẫn giữa các nhánh chính của Islam giáo đã dẫn tới sự xuất hiện ở Pakistan những nhóm chiến binh Islam giáo có tư tưởng cực đoan như nhóm Sunni Sipahi - Sahaba và nhóm Shiite Sipahi Muhammad. Sự xung đột giữa các nhóm chiến binh này rất dai dẳng và khốc liệt. Lúc đầu chúng làm cho mối quan hệ giữa Pakistan và Iran trở nên phức tạp, nhưng đến giữa những năm 80 thế kỉ XX mối quan hệ này đã bớt căng thẳng, có lẽ bởi vì do tác động của việc Pakistan bí mật ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran, tiếp sau đó vào cuối những năm 90 thế kỉ XX mối quan hệ này lại một lần nữa trở nên phức tạp khi Iran không còn nhận được sự giúp đỡ từ phía Pakistan.
 
Một nhân tố bên ngoài khác tác động tới phong trào cấp tiến Islam giáo ở Pakistan dựa trên cơ sở của sự đối đầu giữa dòng Sunni với dòng Shiite, đó là tình hình ở Afghanistan. Các tín đồ dòng Shiite ở Afghanistan cũng chiếm một tỉ trọng tương tự trong cư dân địa phương như ở Pakistan, nhưng họ chủ yếu chỉ thuộc nhóm tộc người Hazaras. Vào nửa sau những năm 90 thế kỉ XX chính quyền của Taliban đã được thiết lập trên phần lớn lãnh thổ Afghanistan dựa vào sự ủng hộ của Islamabad. Việc chính quyền Taliban ở Afghanistan truy đuổi những người Hazaras theo dòng Shiite đã làm nảy sinh những sự phức tạp mới trong các quan hệ giữa Pakistan với Iran và đẩy quá trình cấp tiến chính trị Islam giáo ở Pakistan tiếp tục phát triển.
 
Cuộc xung đột giữa những người theo giáo phái Sunni với những người theo giáo phái Shiite ở Pakistan diễn ra đặc biệt nghiêm trọng vào những năm 1997-1998 tại tỉnh đông dân nhất của nước này là Punjab. Sự việc xảy ra sau cái chết của Zia ul-Haq trong một tai nạn máy bay năm 1988, trong cái gọi là triển vọng của nền dân chủ, nghĩa là giai đoạn hoạt động của chế độ nghị viện giữa các chế độ quân sự.
 
Đội quân Taliban người Afghanistan thiết lập chính quyền ở Kabul phần lớn là những sinh viên của các trường Islam giáo (Madrassas) nằm trong các trại tị nạn trên lãnh thổ Pakistan. Đại bộ phận những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Afghanistan là những người thuộc bộ tộc Pashtun. Đây là nhóm tộc người có số dân đông nhất và chiếm vị trí quan trọng nhất ở nước này, nhưng so với những người Pashtun anh em của họ ở Pakistan, thì số lượng của họ chỉ bằng một nửa. Họ được những người Pashtun ở Pakistan giúp đỡ trong thời gian sống tị nạn ở nước này. Các trại tị nạn thường được xây dựng ở những vùng giáp biên giới của hai nước, do vậy họ ít quan tâm đến vấn đề tôn trọng đường biên giới giữa các quốc gia.
 
Hệ tư tưởng cấp tiến dựa vào Islam giáo đã giúp cho lực lượng Taliban giành thắng lợi trước các đối thủ của mình trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Afghanítan. Tại Pakistan những quá trình tương tự như vậy cũng đã xảy ra. Nhưng vào những năm 90 thế kỉ XX, Islam giáo với tư cách là hệ tư tưởng và thực tiễn của hoạt động chính trị cấp tiến đã bắt đầu suy giảm.
 
Ngoài nhân tố Afghanistan, vấn đề Kashmir cũng góp phần tác động tới phong trào cấp tiến ở Pakistan. Trên phần lãnh thổ Ấn Độ thuộc công quốc Jammu trước đây và vùng Kashmir thuộc Ấn Độ mà Pakistan đang tranh chấp vào những năm 1980 – 1990 đã nổ ra cuộc bạo loạn chống chính phủ. Cuộc bạo loạn này đã được Islamabad ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài những phương tiện của nhà nước ủng hộ cuộc đấu tranh của các phần tử li khai ở Kashmir, các quỹ xã hội được thành lập với sự giúp đỡ của các tổ chức Islam giáo cũng đã được huy động.
 
Cuối tháng 12 năm 1999 các phần tử khủng bố ở Pakistan đã thành công trong việc bắt cóc chiếc máy bay chở khách của Ấn Độ và buộc nó phải hạ cánh xuống sân bay ở Kabul. Để giải thoát các hành khách khỏi bọn khủng bố trên chiếc máy bay này, New-Delhi đã đồng ý thả 4 thủ lĩnh của các phiến quân bị bắt trước đó tại Kashmir. Việc thả những người này được coi là thắng lợi lớn của phong trào Islam giáo cấp tiến ở Pakistan, Afghanistan và tăng cường địa vị của phong trào này ở cả hai nước.
 
Cuộc tấn công của Taliban vào miền bắc Afghanistan, đẩy đối phương của chúng là Liên minh miền Bắc tới gần biên giới với Tajikistan và Uzbekistan đã tạo mối nguy cơ thực sự do sự bùng phát của phong trào Islam giáo cấp tiến từ “trái tim châu Á”, như người ta thường gọi Afghanistan, sang phía đông tới Pakistan và lên phía bắc tới Trung tâm Đại lục Á - Âu. Chính thời gian này đã xảy ra các vụ khủng bố ở Uzbekistan, cuộc tấn công của người Vahhabi ở Bắc Kavkaz. Nguy cơ thực sự cũng đã đe dọa những nền tảng nhà nước của Pakistan.
 
Làn sóng cuồng tín tôn giáo đã tràn ngập tỉnh Punjab của Pakistan, trước hết là các vùng trung tâm và thủ phủ của tỉnh này là thành phố cổ Lahore. Tại cuộc tập hợp của phong trào truyền giáo Tablighi Jamaat (Hội Kêu gọi) ở thị trấn Muridke gần thành phố Lahore trong giai đoạn này có tới 2 - 3 triệu người tham gia. Cuộc tập hợp diễn ra mỗi năm một lần. Các tuyên truyền viên của phong trào này, mặc dù gặp trở ngại về mặt ngôn ngữ, nhưng vẫn xâm nhập vào vùng Trung Á và thậm chí vào cả một số khu vực của nước Nga.
 
Phong trào Islam giáo cấp tiến ở vùng Trung tâm Đại lục Á - Âu đã đi vào thóai trào sau khi các nhóm Islam giáo cực đoan bị tiêu diệt ở Chechnya và Dagestan thuộc Liên bang Nga và sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ. Việc Liên quân Anh - Mỹ và Liên minh miền Bắc tiêu diệt quân đội Taliban đã dẫn tới việc thay thế chính quyền Taliban ở Afghanistan bằng chính quyền của giới thượng lưu đối lập với Taliban mà thành phần chủ yếu là người Pashtun. Việc bảo vệ chính quyền ở Kabul của người Pashtun sở dĩ có thể thực hiện được là do một phần đáng kể nhờ vào lập trường của Islamabad khi Pakistan cuối cùng cũng đã đồng ý cắt đứt quan hệ với chế độ Taliban và lợi dụng vị trí địa lí của mình dành cho người Mỹ sự giúp đỡ quý báu về mặt hậu cần. Để đáp lại Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho việc những thủ lĩnh Taliban và hàng nghìn binh lính của tổ chức này vượt qua biên giới với Pakistan. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm Pakistan vẫn luôn là hậu phương chủ yếu của lực lượng Islam giáo cấp tiến Afghanistan, còn trên biên giới của nước này với Afghanistan, trong những vùng rừng núi hiểm trở luôn là chỗ ấn náu an toàn cho các thủ lĩnh của tổ chức Al-Qaeda. Việc các thủ lĩnh của Al-Qeada và phong trào Taliban của Afghanistan chạy vào ẩn náu trong các vùng rừng núi hiểm trở không phải diễn ra ngay sau khi chúng bị truy đuổi khỏi Afghanistan. Trước đó, trong một số năm chúng còn ẩn náu trong những điều kiện đầy đủ tiện nghi ở các thành phố của Pakistan, đặc biệt là vùng vành đai Pashtun tại hai thành phố Peshawar và Quetta. Sự kháng cự của lực lượng Taliban phục hồi sau năm 2003 nhận được sự hưởng ứng ở Pakistan, nhất là của các bộ tộc người Pushtun ở vùng núi của nước này. Từ năm 2004 tại Pakistan xuất hiện các nhóm chiến binh của tổ chức Tehreek-e Taliban Pakistan (Phong trào Taliban Pakistan).
 
Tuy nhiên, trong thập niên cuối cùng của thế kỉ XX vấn đề Kashmir vẫn là một vấn đề cực kì căng thẳng. Cuộc chiến tranh mini ở Kashmir do giới quân sự phát động đã xảy ra trước cuộc đảo chính nhà nước tiếp theo ở Pakistan vào tháng 10 năm 1999. Không loại trừ khả năng giới lãnh đạo quân sự nước này phát động cuộc chiến tranh nhằm mục đích chính là tạo điều kiện để lật đổ chính phủ của Nawaz Sharif vì đảng của ông đã giành thắng lợi một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử năm 1997 và đang cố gắng gạt các tướng lĩnh ra khỏi bộ máy quản lí của nước này. Khi đạt được mục đích, giới quan sự Pakistan đứng đầu là tướng Pervez Musharraf đã đặt hi vọng vào những lực lượng chính trị Islam giáo ôn hòa.
 
Phổ chính trị - tôn giáo của Pakistan gồm ba tầng. Tầng thứ nhất (tầng thượng) gồm các đảng Islam giáo hay các đảng theo khuynh hướng Islam giáo kiểu nghị viện. Những người Islam giáo hợp pháp không đứng trên lập trường cấp tiến. Phụ thuộc vào khuynh hướng và môn phái đã hình thành bốn nhóm tổ chức, trong đó ba nhóm là các tổ chức thuộc Islam giáo dòng Sunni. Nhóm thứ nhất là nhóm cải cách tôn giáo Jamaat-e Islami (JI), nhóm thứ hai là đảng Jamiat-e Ulama-e Islami (JUI – Hiệp hội các giáo sĩ Islam giáo). Nhóm thứ ba là môn phái chính thống của giáo sĩ (ulama) Deobandi, mang tính chất khắt khe, đặc biệt là có tư tưởng chống giáo phái Shiite và từ lâu môn phái này đã chia làm hai phe, thực chất là hai tổ chức riêng biệt, một phe do Fazlur Rohman lãnh đạo, còn phe kia do Sami ul-Haq lãnh đạo. Ba tổ hức nói trên gồm JI, JUI và môn phái chính thống của ulama Deobanđi đã liên kết với nhau trong chiến dịch bầu cử năm 2002 và đã giành được thắng lợi lớn. Khối Muttahida Majlis-e Amal (MMA – Mặt trận thống nhất hành động) đã thu được 11% phiếu bầu của cử tri và nhờ hệ thống bầu cử đa số và số người ủng hộ cư trú đông ở miền Tây - Bắc của Pakistan, vùng của các bộ tộc Pashtun, nên khối này đã có được hơn 20% số ghế ở Hạ viện Liên bang và hơn một nửa số ghế của cơ quan lập pháp tỉnh biên giới Tây - Bắc Pakistan. Trong suốt 5 năm cầm quyền của giới quân sự ở nước này, những người Islam giáo đã thành lập chính quyền riêng rẽ ở tỉnh biên giới Tây - Bắc Pakistan và lãnh đạo chính quyền liên minh ở tỉnh Baluchistan lân cận.
 
Ngoài ba đảng nêu trên là thành viên của khối MMA (Mặt trận thống nhất hành động) còn có tổ chức của những người theo giáo phái Sunni với tên gọi Jamiat-e Ulama-e Pakistan (JUP - Hiệp hội các giáo sĩ Pakistan) liên quan tới môn phái của giáo sĩ Barelvi và đảng của những người theo giáo phái Shiite với tên gọi Tehreek-e Nizam-e Fiqh Jafariya (Phong trào Jafariya - một dòng thần học theo giáo phái Shiite).
 
Tầng thứ hai gồm các tổ chức xã hội như: Liên hiệp sinh viên, công đoàn, các tổ chức giáo dục, các phong trào từ thiện, các công ti tài chính, các trường học tôn giáo và các sở y tế. Tổ chức sinh viên nổi tiếng nhất trước đây cũng như hiện nay là Jamaat-e Islami Tulaby (Hội sinh viên Islam giáo) trực thuộc JI (Jamaat-e Islami). Phong trào truyền giáo lớn nhất là Tablighi Jamaat Deobandi đã được nhắc tới ở trên.
 
Nhưng cấu trúc quan trọng nhất của tầng thứ hai này cần phải tính đến hiện nay là tổ chức giáo dục từ thiện của nhóm salafi (Neovahhabi) xuất hiện vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX tại Lahore nói tên gọi Markaz-e Ahl-e Hadith (Trung tâm của các môn đồ truyền thuyết). Vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX lãnh đạo tổ chức này là Hafiz Saeed, cựu giảng viên Đại học công nghệ Lahore. Nhân vật này đối với một số người này được coi là một thiên tài, nhưng đối với một số người khác, ông ta lại được mệnh danh là cha đẻ của tổ chức cực đoan bao gồm các nhóm vũ trang gây ra các vụ tấn công khủng bố.
 
Đó là tổ chức vũ trang có tên gọi là Lashkar-i Toyiba (LT - Đội quân thuần khiết) đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công vào thành phố Mumbai (Bombay) ở Ấn Độ cuối tháng 11 năm 2008. Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan phải trừng phạt Hafiz Saeed, nhưng Islamabad đã từ chối đòi hỏi này với viện dẫn rằng Tòa án Lahore đã không tìm được những bằng chứng chống lại ông ta.
 
Đối tượng hành động chủ yếu của tổ chức vũ trang LT là Ấn Độ. Tại vùng Kashmir do Ấn Độ quản lí tổ chức Hezb-e Mujahedin (Đảng Mujahedin) đã tích cực hoạt động trong một thời gian dài. Đây là tổ chức gắn với tổ chức JI (Tổ chức cải cách tôn giáo - Jamaat-e Islami). Ngoài ra hoạt động ở khu vực này còn có tổ chức Harkat-e Mujahedin (Phong trào Mujahedin) và một số tổ chức khác được thống nhất trong cái gọi là Mặt trận Islam giáo Jihad.
 
Các tổ chức thuộc tầng lớp thứ ba của phổ chính trị - tôn giáo hoạt động chủ yếu ở Pakistan bao gồm nhóm Sipahi - sahaba thuộc phái Sunni mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên và tổ chức Jaish-e Mohammad (Đội quân của nhà Tiên tri Mohammad).
 
Vào giữa năm 2000 tại vùng biên giới Pakistan - Afghanistan đã xuất hiện các tổ chức Taliban người địa phương. Các tổ chức này xuất hiện tại vùng của các bộ tộc người Pashtun với tên gọi Tehrik-e Taliban Pakistan do Neck Muhammad đứng đầu. Sau khi Neck Muhammad bị chết, Beytulla Masood lên thay. Người ta cho rằng chính Beytulla Masood là người đã tổ chức vụ ám sát bà Benazir Bhutto vào năm 2007 khi bà trở về nước sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài. Benazir Bhutto là con gái của Zulfikar Ali Bhutto, bà đã từng hai lần giữ chức thủ tướng Pakistan sau khi Đảng Nhân dân Pakistan của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở nước này, rất có thể lần thứ ba bà trở thành thủ tướng, nhưng bọn khủng bố đã cướp đi mạng sống của bà.
 
Nhưng hoạt động của bọn khủng bố đã không cản trở được quá trình thay đổi chế độ quân sự bằng chế độ dân sự ở Pakistan. Tướng Musharraf, lúc đó là tổng thống Pakistan, đã từ bỏ chức vụ quan trọng trong quân đội trước khi bà Bhutto bị ám sát với hi vọng bảo toàn được chiếc ghế tổng thống của mình. Nhưng vào tháng 8 năm 2008 ông ta cũng đã phải từ chức tổng thống để tránh việc bị luận tội. Tổng thống mới của Pakistan là ông Asif Ali Zardari, chồng của bà Benazir Bhutto quá cố. Trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 2 năm 2008 Đảng của Asif Ali Zardari đã giành thắng lợi và tháng 4 năm 2010 Pakistan đã khôi phục lại Hiến pháp 1973 bị hủy bỏ trong giai đoạn giới quân sự nắm quyền, chuyển hệ thống chính trị của nước này từ chính quyền thuộc về tổng thống sang chính quyền thuộc về Quốc hội.
 
Với động thái này đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính quyền ở Pakistan kéo dài suốt ba năm qua. Nhưng cùng với nó là sự gia tăng của các hoạt động khủng bố ở khu vực các bộ tộc Pashtun ở vùng Tây - Bắc nước này. Quân Taliban địa phương trong thời gian dài đã chiếm được nhiều khu vực thuộc vùng núi dọc theo biên giới với Afghanistan và lập chính quyền dưới sự quản lí của Taliban và từ khu vực này chúng lập kế hoạch thường xuyên gây ra những vụ tấn công khủng bố ở Pakistan. Quân đội chính quy, cảnh sát và lực lượng bán vũ trang ở nước này đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố, nhưng không đạt hiệu quả, hàng nghìn người đã chết do các cuộc khủng bố của các tổ chức Islam giáo cực đoan. Mùa xuân năm 2009 quân Taliban đã thiết lập quyền kiểm soát không chỉ ở khu vực miền núi dọc theo biên giới với Afghanistan mà cả ở một số khu vực thuộc tỉnh biên giới vùng Tây - Bắc nước này cách thủ đô Islamabad chỉ vào khoảng từ 100 đến 150 km. Chế độ hà khắc do Taliban thiết lập và ý đồ của chúng muốn tách biệt với thế giới bên ngoài đã làm cho xã hội Pakistan phải đối mặt với một nguy cơ nghiêm trọng, đó là nguy cơ Taliban hóa đất nước này.
 
Tháng 5 năm 2009 quân đội Pakistan đã mở chiến dịch kéo dài trong nhiều tháng để chống lại quân Taliban và đã thu được những thắng lợi đáng kể. Tuy nhiên các phần tử cực đoan vẫn tiếp tục các cuộc tấn công khủng bố riêng lẻ mà điển hình là cuộc tấn công vào thánh đường của cộng đồng người Ahmad ở thành phố Lahore làm chết hơn 50 người vào ngày 28 tháng 5 năm 2010.
 
Dư luận xã hội Pakistan rất bất bình với các phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo vào những mục đích vụ lợi của chúng. Theo số liệu của một cuộc điều tra mới đây, chỉ có 10% số người được hỏi có thái độ thiện cảm với tổ chức Taliban ở nước này. Tình hình Pakistan hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhất là từ khi cựu tổng thống của chính quyền quân sự ở Pakistan là tướng Musharraf sau một thời gian vắng bóng, nay tuyên bố quay trở lại hoạt động chính trị nhằm giành lại vị trí mà trước đây ông ta đã buộc phải từ bỏ khi tình hình chính trị Pakistan bất lợi đối với chính đảng của ông ta. Dư luận xã hội Pakistan đang tỏ ra lo ngại trước sự việc này. /.
 
 TS Nguyễn Văn Dũng


*. TS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
[1]. Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam. T.3, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2003, tr.369.
[2] . Xem: Viacheslav Belokrenixki. Cộng hòa Islam giáo đầu tiên. Báo Độc lập-Tôn giáo, ngày 4 tháng 8 năm 2010. http://religion.ng.ru/politic/2010-08-04/6 Pakistan.html
[3] . Xem thêm: Nguyễn Văn Dũng. Vài nét về cách mạng Islam giáo và Cộng hòa Islam giáo Iran. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 năm 2009, tr. 46-49.
[4] . Cộng đồng Ahmad hay cộng đồng Kadiani là cộng đồng những người theo giáo lí của Mirza Ghulam Ahmad Kadiani (1835-1908).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét