Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Iran trước cuộc chiến tổng lực của phương Tây


Iran trước cuộc chiến tổng lực của phương Tây


Gần đây, báo chí các nước nói nhiều về một “cuộc chiến tranh lạnh” do Mỹ, Israel và các nước đồng minh của Mỹ phát động chống lại Iran.

Giới chuyên môn nhận định chắc chắn cuộc chiến tranh này đang diễn ra, nhưng có lẽ muốn biết được những diễn biến mới nhất của cuộc chiến này thì phải nhìn nhận nó dưới góc độ một cuộc chiến tình báo ngầm chống Iran. Quả thực, những phân tích tình báo về các sự kiện đã khẳng định cuộc chiến tình báo ngầm chống Iran đã được phát động từ đầu năm 2007, bắt đầu bằng những cuộc đào tẩu của các quan chức Iran nắm giữ bí mật về chương trình hạt nhân của Tehran chạy sang phương Tây; Iran bắt giữ các thương gia người Anh; vụ sát hại các nhà bác học hạt nhân người Iran; sử dụng sâu máy tính Stuxnet nhằm phá hoại các nỗ lực làm giàu urani của Iran và những nỗ lực của Iran nhằm chống lại sức ép từ phương Tây. Mặc dù, cuộc chiến tình báo ngầm đã diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng chỉ những tháng gần đây người ta mới nhận thấy rõ điều này do sự gia tăng của những sự kiện tình báo giữa các bên. Điều quan trọng là những sự kiện gần đây chỉ là kết quả của những nỗ lực ngầm đã được triển khai nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước. 

Con mắt của giới phân tích đều tập trung vào theo dõi cuộc chiến tình báo ngầm này ngay sau khi tờ Thời báo New York cho đăng bài viết khẳng định rằng Mỹ và Israel đã cùng nhau chế tạo và tung ra loại sâu máy tính Stuxnet nhằm phá huỷ chương trình hạt nhân của Iran. Những sự kiện sau đó liên quan đến cuộc chiến tình báo này tiếp tục gia tăng  khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố hai người đàn ông bị buộc tội ở New York do dính líu đến một âm mưu của Iran nhằm sát hại Đại sứ Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngay trên đất Mỹ. Mới đây nhất, cơ quan IAEA đưa ra một bản báo cáo chi tiết về những nỗ lực của Iran nhằm theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù, bản báo cáo không đề cập đến những tiết lộ gì đáng kể, song nó cũng chứa đựng một số chi tiết mới và thẳng thắn hơn so với những báo cáo trước đây của cơ quan này khi đưa ra kết luận rằng Iran đang tích cực theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân. Bản báo cáo của IAEA đã khiến cho Israel phát động chiến dịch ngoại giao kêu gọi cần phải có hành động mạnh mẽ hơn đối với Iran từ những biện pháp cấm vận nghiêm ngặt hơn cho đến các chiến dịch quân sự. 

Tiếp theo đó, ngày 12-11, một vụ nổ lớn đã xảy ra và san phẳng một căn cứ tên lửa đạn đạo của vệ binh cách mạng Iran (IRGC) gần Tehran, làm 17 người gồm cả người sáng lập chương trình tên lửa đạn đạo của Iran thiệt mạng. Iran thì khẳng định vụ nổ chỉ là một tai nạn, nhưng vẫn có những thông tin cho rằng vụ nổ có thể là một phần trong chiến dịch ngầm do tình báo Israel tiến hành. Cũng trong ngày hôm đó, Chính phủ Bahrain đã cho công bố một âm mưu có liên quan đến 5 người Bahrain đã qua Syria và Qatar để thực hiện những vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ngoại giao và của chính phủ ở Bahrain. Ngay lập tức Iran bác bỏ nước này có liên quan và cho rằng đó là một sự thêu dệt. Và ngày hôm sau, báo chí Iran đưa tin Ahmad Rezai, con trai của cựu chỉ huy IRGC Mohsen Rezai, bị chết tại một khách sạn ở Dubai. Ngay lập tức, tờ Thời báo Los Angeles đăng tin các quan chức tình báo Mỹ khẳng định CIA đã đình hoãn các hoạt động tại Lebanon sau vụ một số nguồn tin của cơ quan này bị bắt giữ do hoạt động tuỳ tiện của một số nhân viên CIA được cử hoạt động tại Beirut. Ngay khi tin này được đăng tải, Chính phủ Iran tuyên bố, nước này đã bắt giữ 12 nguồn tin CIA. 

Mỹ và Anh bắt đầu triển khai một làn sóng cấm vận mới chống lại Iran trên cơ sở kết quả bản báo cáo của IAEA. Những biện pháp cấm vận mới nhằm hạn chế lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Iran. Trên thực tế, Anh đã có bước đi chưa từng có tiền lệ là cắt đứt hoàn toàn giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran với lĩnh vực tài chính của Anh. Chính phủ Canada cũng đã có hành động tương tự với Ngân hàng Trung ương Iran. Không dừng lại ở đó, thêm một vụ nổ ở Esfahan, một trong những thành phố lớn nhất của Iran, và đã gây ra những thiệt hại đáng kể càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Esfahan là thành phố có nhiều cơ sở quân sự và cơ sở nghiên cứu phát triển, bao gồm cả một số cơ sở có liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Cũng ngay trong ngày xảy ra vụ nổ - 28-11, Iran đã quyết định trục xuất Đại sứ Anh tại Iran và hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày hôm sau, những người biểu tình Iran đã tấn công vào Đại sứ quán Anh tại Tehran và khu sinh sống của sứ quan Anh trong thành phố nhằm phản đối những biện pháp cấm vận đối với Iran được tuyên bố một tuần trước đó. Ngày 1-12, Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm vận mới đối với 180 cá nhân và công ty của Iran vì lý do Iran hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, EU đã không thông qua đề nghị của Pháp áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Iran. 

Và mới đây nhất, Iran đã tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên đất Iran. Tất cả những sự kiện trên đã “vạch trần” một chương trình do thám nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, và các nhà phân tích tin rằng, Mỹ và Israel đang tiến hành một cuộc chiến tranh ngầm với Iran. Và với việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, Iran tiếp tục những nỗ lực hạt nhân thì chắc chắn những hoạt động ngầm của phương Tây đối với Iran sẽ tiếp tục gia tăng. Năm 2003, sau khi tiêu diệt quân đội Iraq, quân đội Mỹ trở thành lực lượng duy nhất có thể chống lại lực lượng quân sự truyền thống của Iran trong khu vực. Song việc Mỹ rút quân khỏi Iraq trong thời gian tới đây sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Iran có thể khai thác. Khả năng Iran kiểm soát phạm vi ảnh hưởng từ Tây Afghanistan tới Địa Trung Hải là một viễn cảnh không chỉ đe dọa các nước trong khu vực như Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là mối bận tâm đối với Mỹ. 

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng những cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ không phải là câu trả lời cho mối đe doạ Iran. Sức mạnh của Iran là ở khả năng sử dụng các lực lượng truyền thống chứ không phải vũ khí hạt nhân. Vì vậy, tấn công vào chương trình vũ khí hạt nhân của Iran sẽ không ảnh hưởng đến các lực lượng truyền thống của nước này hoặc khả năng sử dụng các lực lượng truyền thống cản trở dòng dầu lửa qua eo Hormuz. Và như vậy, không thể tấn công Iran bằng một cuộc tấn công giống Israel đã làm đối với Iraq năm 1981 nhằm phá huỷ chương trình vũ khí hạt nhân của Saddam Hussein khi đó. Vì khó khăn như vậy, nên Israel, Mỹ và các nước đồng minh đã phải sử dụng đến nhiều biện pháp đối với Iran. Trước hết, họ tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran bằng nỗ lực lật đổ chế độ Syria, hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Iraq và kiểm soát lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Bên cạch đó là những cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran bằng những chiêu như ép buộc các quan chức đào tẩu, sát hại các nhà khoa học và triển khai các cuộc chiến tranh mạng.

Nguồn : anninhthudo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét