Vụ khủng bố Bali, Indonesia khiến 200 người thiệt mạng.
- Bin Laden, với hiện thân là các tư tưởng và hành động cực đoan, sẽ còn ảnh hưởng lâu dài trong thế giới Hồi giáo trong đó có vùng Đông Nam Á.
Chỉ hơn một tuần sau khi lực lượng Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden, các quốc gia chống khủng bố dường như muốn nhìn thấy sự chấm dứt của “Chủ nghĩa Bin Laden”. Nhưng thực tế điều này không thể xảy ra trong “một sớm một chiều”.Từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9, tư tưởng của bin Laden đã có những ảnh hưởng nặng nề đến các nước Hồi giáo khắp thế giới trong đó không thể không kể đến hai quốc gia ở vùng Đông Nam Á là Philippines và Indonesia.
Bin Laden và al-Qaeda đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á như thế nào?
Vào những năm 1990, Philippines đã là một nơi mà những nhân vật rất có ảnh hưởng trong al-Qaeda muốn truyền bá tư tưởng như: làm thế nào trốn tránh được lực lượng an ninh, làm thế nào để tạo ra bom, cách thức tổ chức các âm mưu khủng bố...
Al-Qaeda đã thành lập nhiều tổ chức từ thiện và rót tiền vào thế giới Hồi giáo Philippines đồng thời xây dựng các mối quan hệ thân thiết với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á.
Một trong những tổ chức khủng bố khét tiếng trong khu vực có liên hệ với al-Qaeda là Jemaah Islamiah ra đời vào thập kỷ 1990, do Riduan Isamuddin (một giáo sĩ quá khích người Indonesia có bí danh Hambali) và Abubakar Baasyir, cũng là một giáo sĩ Indonesia, thành lập.
Trong đó, Hambali là thủ lĩnh và đóng vai trò cầu nối giữa các môn đệ nhiệt tình ở châu Á với ban lãnh đạo al-Qaeda ở Afghanistan và Trung Đông. Mục tiêu chính của tổ chức này là lật đổ các chính phủ trong khu vực và thiết lập Nhà nước Hồi giáo nối Malaysia, Indonesia và phần lãnh thổ phía Nam Philippines với đa số dân cư là người Hồi giáo. Tuy nhiên, một quan chức Singapore cho biết Hambali và Baasyir sau đó, đã đưa nhóm thành “một phần của al-Qaeda”. Đối với quan chức Malaysia, Hambali chính là nhân vật được al-Qaeda chỉ định ở Đông Nam Á.
Hậu quả của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực
Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới và cũng là nơi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chủ nghĩa khủng bố mà hiện thân của nó là tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah.
Từ khi thành lập vào năm 1993, Jemaah Islamiah đã tiến hành hàng chục vụ đánh bom đẫm máu khiến hàng trăm người chết, tiêu biểu nhất là vụ đánh bom khủng bố năm 2002 ở khu nghỉ mát Bali, “thiên đường” du lịch của Indonesia khiến hơn 200 người thiệt mạng và 209 người bị thương.
Không riêng Indonesia bị hoành hành bởi nạn khủng bố, tại các tỉnh miền nam Thái Lan, Chính phủ cũng bất lực trước nạn khủng bố. Các phần tử khủng bố tấn công vào công sở, dân thường và các vụ ám sát, bắt cóc xảy ra gần như là hàng ngày.
Ở miền nam Philippines, hoạt động của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), đặc biệt là của mạng lưới Abu Sayyaf, đã và đang là nỗi kinh hoàng của người dân.
Bin Laden chết, chủ nghĩa khủng bố được kiềm chế?
Có thể coi cái chết của bin Laden là một "thắng lợi về tinh thần"? Liệu cái chết của hắn có kiềm chế được chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á?
Hiện lực lượng an ninh trong khu vực đang làm mọi cách để triệt hạ các tổ chức khủng bố. Thời gian qua, mạng lưới khủng bố ở Đông Nam Á ít nhiều cũng đã bị tấn công gây thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng Indonesia đã có 600 thành viên của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah và các nhóm liên kết bị bắt giữ từ năm 2002 và 500 tên đã bị truy tố sau vụ đánh bom Bali.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạt nhân được sử dụng để thực hiện các vụ tấn công và truyền bá tư tưởng. Ví dụ, Abu Bakar Bashir tiếp tục truyền bá tư tưởng cực đoan và có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong việc thiết lập các cơ sở khủng bố trong đó tầng lớp thanh niên Hồi giáo là những đối tượng chính được chiêu mộ.
Bin Laden, dù đã chết, vẫn là nguồn cảm hứng cho các tín đồ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tư tưởng bạo lực của hắn vẫn hiện diện rộng rãi trong khu vực.
Gốc rễ của nạn khủng bố
Nghèo đói, thất nghiệp, thất học đồng thời lại bị truyền bá các tư tưởng Hồi giáo cực đoan là mảnh đất làm nảy sinh chủ nghĩa khủng bố trong tầng lớp dân nghèo, trong đó có không ít thanh thiếu niên. Chính phủ lại thiếu những biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt, ngăn chặn nạn khủng bố, là những nguyên nhân sâu xa làm cho vấn nạn này trong khu vực phát triển.
Động lực lớn của rất nhiều kẻ khủng bố bắt nguồn từ cảm giác rằng họ bị đối xử bất công và những điều mà họ coi là chống lại đạo Hồi. Do đó, các cuộc xung đột liên quan đến Hồi giáo kéo dài và chưa thấy hồi kết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á liên kết lại với nhau sẽ là một thảm họa khôn lường đối với an ninh khu vực. Vì vậy, xóa bỏ nạn khủng bố, nhổ sạch tận gốc rễ những mầm mống nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố là yêu cấp cấp thiết hiện nay của các nước trong khu vực.
Quang Minh
Theo Time, Washington Post, Reuters
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét