Quan hệ ngoại giao tay ba Mỹ-Saudi Arabia-Iran: Những thay đổi sau mùa xuân Arab
Thời gian qua, đề tài về Mùa xuân Arab đang trở thành một vấn đề khá nóng bỏng của báo giới cũng như các nhà nghiên cứu về Trung Đông. Tuy cuộc biến động ở Bắc Phi – Trung Đông dần lắng xuống nhưng những dư âm của nó vẫn đang hiện hữu trên mọi mặt của đời sống khu vực như: chính trị, kinh tế, xã hội… và đặc biệt là ngoại giao giữa các nước. Mối quan hệ ngoại giao tay ba giữa Mỹ - Saudi Arabia - Iran có thể nhìn nhận như một điển hình về những thay đổi ngoại giao trong khu vực. Bài viết sẽ đi sâu tìm hiểu về thực trạng ngoại giao của ba nước cả ở thời kì trước cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab lẫn thời kỳ hậu Mùa xuân Arab cũng như triển vọng các mối quan hệ ba bên giữa Mỹ - Saudi Arabia – Iran.
Mối quan hệ tay ba thời kỳ trước biến cố Mùa xuân Arab
Để tìm hiểu về mối quan hệ tam giác nói trên giữa ba nước trước hết cần tìm hiểu từng cặp quan hệ song phương trong tam giác quan hệ đó, bao gồm: Mỹ - Saudi Arabia, Mỹ - Iran và Iran – Saudi Arabia.
Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: Tuy chưa tìm được nhiều tiếng nói chung về vấn đề Isarel, hợp tác quân sự, mua bán vũ khí, tự do tôn giáo, nhân quyền, ... nhưng mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia vẫn tương đối ổn định. Vì hơn ai hết Mỹ hiểu được vai trò của đất nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này. Mối quan hệ dựa trên cơ sở lợi ích này trở nên lung lay sau thảm họa ngày 11/09/2001. Để lấy lại hình ảnh của mình, bên cạnh những tuyên bố cứng rắn về việc lên án hành động cực đoan của chủ nghĩa khủng bố, Saudi Arabia đã nỗ lực tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên ấm lại sau những chuyến công du của các nguyên thủ hai nước và đặc biệt được đánh dấu bằng bản hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước được ký vào ngày 20/10/2010, trước khi sự kiện Mùa xuân Arab nổ ra gần hai tháng sau đó.
Quan hệ Mỹ - Iran: Đây là mối quan hệ mang tính chất đối đầu. Trái ngược hẳn với chính sách thân phương Tây thời kỳ vua Shah trước năm 1979, Hội đồng bảo vệ Cách mạng Iran luôn cho rằng Mỹ và các nước phương Tây có âm mưu khôi phục lại quyền lực đã mất của các vua thời kỳ trước. Đáp lại thái độ thiếu thiện chí của Tehran, Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt một lệnh cấm vận về nhiều mặt đối với quốc gia Hồi giáo này kể từ năm 1979. Nhờ sự khéo léo trong các mối quan hệ đan xen giữa nước này với các nước lớn như Nga, Trung Quốc, EU, Iran đã giảm thiểu sức mạnh của lệnh cấm vận mà Washington áp đặt.
Cho tới nay Iran vẫn đang phải hứng chịu một số lệnh cấm vận của nước Mỹ, đặc biệt sau lời tuyên bố của Tổng thống Barack Obama ngày 13/11/2009. Có thể nói mối quan hệ này trong suốt thời gian qua luôn trong tình trạng vô cùng căng thẳng và không tìm được tiếng nói chung cho vấn đề hạt nhân của Iran. Mỹ đã liên tiếp cô lập Iran không chỉ bằng các biện pháp cấm vận đơn phương mà còn sử dụng cả các biện pháp cấm vận đa phương được cụ thể hóa bằng hàng loạt các gói cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nền kinh tế Iran vốn đã khó khăn lại càng vấp phải nhiều thách thức trên con đường phát triển và hội nhập với thế giới.
Trên bình diện chính trị khu vực, theo quan điểm của Mỹ và phương Tây hiện Iran tồn tại như “một cái gai cuối cùng” tại Trung Đông và sớm muộn cũng “cần phải nhổ bỏ để đưa Iran về với quỹ đạo của thế giới tự do”. Việc sở hữu hạt nhân đối với quốc gia này sẽ là một trở ngại đối với những toan tính mà người Mỹ cũng như đồng minh Isarel của Mỹ tại Trung Đông không hề mong muốn. Việc Iran đạt được vũ khí hạt nhân sẽ là một quân bài chiến lược khiến người Mỹ luôn phải cân nhắc và thận trọng khi muốn vươn tay tới những giếng dầu của Tehran.
Đứng trước sự bao vây kinh tế và nguy cơ về một cuộc trừng phạt của nước Mỹ, Iran đã tự chủ động cứu lấy mình bằng những mối quan hệ lợi ích đan xen với nhiều nước lớn khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, EU để duy trì nền kinh tế của mình và bảo đảm ổn định. Các mối quan hệ này đều là những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả của lệnh cấm vận mà người Mỹ muốn áp đặt cho Iran. Điều này cho thấy chiến lược ngoại giao của Mỹ áp dụng đối với Iran vẫn chưa có hiệu quả như Mỹ mong muốn và dần đẩy mối quan hệ của hai bên vốn đã không êm thấm từ trước lại ngày càng trở nên căng thẳng.
Quan hệ Saudi Arabia – Iran: Do xung đột chính trị và văn hóa trong lịch sử, quan hệ giữa hai quốc gia này thường xuyên căng thẳng. Bên cạnh đó, mâu thuẫn lớn trong việc theo đuổi một chính sách về dầu mỏ cũng là một nguyên nhân khiến mối quan hệ đôi bên luôn khó tìm được tiếng nói chung. Với trữ lượng dầu mỏ lớn (khoảng 264,5 tỷ thùng) và một lượng dân số vừa phải (năm 2010 ước tính 27 triệu người), Saudi Arabia buộc phải theo đuổi một chính sách mang tính dài hạn để bảo vệ giá trị nguồn tài nguyên của mình về lâu dài. Trong khi đó, lượng dầu của Iran ít hơn (khoảng 150,32 tỷ thùng) và một lượng dân số lớn gần gấp 3 lần (năm 2010 ước tính 77 triệu người) thì việc buộc phải theo đuổi chính sách giá dầu cao trong ngắn hạn được xem là hợp lý hơn cả.
Trong lịch sử từ những năm 1980 trở lại đây mối quan hệ của hai nước đã có những lúc rơi xuống vực thẳm trong cuộc chiến Iran- Iraq khi Saudi Arabia lên tiếng ủng hộ Iraq. Nhưng đến những năm 1990, khi Iraq đột ngột đưa quân tiến đánh Kuwait thì mối quan hệ chính trị giữa hai nước dần được nối lại mặc cho những bất đồng và mâu thuẫn vẫn tồn tại dai dẳng cho đến trước thời điểm diễn ra Mùa xuân Arab.
Quan hệ ba bên Mỹ - Saudi Arabia – Iran: Trên phương diện truyền thông chính thức, mặc dù Saudi Arabia coi Iran là một mối đe dọa tiềm năng đối với họ cũng như an ninh trong khu vực và bất chấp việc là đồng minh của Mỹ, Saudi Arabia vẫn tuyên bố đứng ngoài cuộc trong những chính sách của Mỹ đối với Iran. Không chỉ vậy, Saudi Arabia còn lên tiếng phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Iran, cũng như phản đối bất kỳ động thái nào của Mỹ hay Israel nhằm sử dụng vũ lực để dừng các chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đuổi. Qua những động thái như vậy, nhiều người hoài nghi rằng Saudi Arabia vẫn mong muốn có sự tồn tại của Iran như một thế lực đối trọng để kiềm tỏa sự lớn mạnh của Isarel cũng như hạn chế sự chi phối của Mỹ tới khu vực Trung Đông nhiều bất ổn này.
Tuy nhiên năm 2010 vừa qua, theo một số nguồn tin thì thái độ của Saudi Arabia đối với vấn đề Iran đã thay đổi khi Saudi Arabia chuyển sang ủng hộ lập trường của Mỹ mặc dù không công khai tuyên bố. Như vậy, trong thời điểm trước khi xảy ra biến cố Mùa xuân Arab, có thể nói Mỹ và đồng minh Saudi Arabia đã ngầm thỏa hiệp với nhau trong vấn đề chống lại Iran, bất chấp mối quan hệ của hai nước này chỉ nằm trên cơ sở lợi ích. Còn Iran ở trong thế khó khăn khi phải duy trì quan hệ bằng mặt nhưng không bằng lòng với Saudi Arabia và quan hệ đối đầu với người lãnh đạo của thế giới tự do là Mỹ.
Những thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa ba nước sau Mùa xuân Arab
Từ ngày 18/12/2010, cuộc chính biến lớn nhất tại khu vực Bắc Phi – Trung Đông đã nổ ra. Mở đầu cho những biến động chính trị to lớn của thế giới Arab là những cuộc biểu tình nhỏ ít được chú ý. Nhưng sau đó, hầu hết các cuộc biểu tình đều phát triển về quy mô và tạo thành “hiệu ứng Domino” đối với nhiều nước trong cùng khu vực. Một số không nhỏ các chính quyền độc tài bị lật đổ và các chính quyền còn tại vị phải rơi vào thế phải nhượng bộ đối với những yêu sách của người dân. Hơn 37.000 người thiệt mạng (theo ước tính của Liên hợp quốc), khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi đã leo thang và hàng loạt những vụ việc gây bất ổn định đã diễn ra trên một phạm vi địa lý rộng lớn của khu vực trải dài từ Bắc Phi tới Trung Đông là hệ quả không nhỏ để lại sau Mùa xuân Arab.
Trong bối cảnh đó mối quan hệ tay ba Mỹ - Saudi Arabia – Iran cũng có nhiều biến chuyển lớn. Thứ nhất, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng. Ngay sau sự sụp đổ của chế độ Mubarak, một đồng minh lâu đời của Mỹ tại Ai Cập, cùng với sự xuống cấp nghiêm trọng về an ninh ở các nước láng giềng như Bahrain, Yemen, Oman…, các nhà lãnh đạo Saudi Arabia đã đặt ra những nghi ngại lớn về thực chất mối quan hệ giữa nước họ và Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Liệu rằng nước Mỹ, trong vai trò của một nước lớn bảo hộ, có thể đảm bảo được sự tồn tại của chính quyền Riyadh trước xu hướng dân chủ hóa đang phổ biến rộng trên toàn khu vực hay không. Dĩ nhiên giới cầm quyền ở Saudi Arabia không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào Mỹ, một niềm tin vốn đã mong manh và thiếu nền tảng sâu sắc từ trước giữa họ và nước Mỹ để đánh đổi sự tồn tại của cả một thể chế. Điều này được thể hiện một cách tương đối rõ qua những động thái liên tiếp vừa qua của Saudi Arabia dưới đây.
Hành động đầu tiên là việc Saudi Arabia tỏ thái độ tức giận khi chính phủ Mỹ phê phán hành động tấn công người biểu tình của chính phủ Bahrain hồi giữa tháng 2/2011 và những yêu cầu cải cách chính trị của Mỹ giành cho vua Bahrain. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Saudi Arabia từ chối tiếp Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates.
Không chỉ yêu cầu cải cách chính trị, Jeffrey Feltman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông đã tiến hành các cuộc họp với phe đối lập của chính quyền Bahrain để tìm ra những giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người Mỹ đã bị người đồng minh Saudi Arabia chặn đứng. Vì lo sợ chế độ quân chủ ở Bahrain sụp đổ sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới sự an nguy của chế độ quân chủ tại Saudi Arabia, ngày 14/03/2011, chính quyền Saudi Arabia đã kết hợp với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa 1.500 quân vào Bahrain để trấn áp các cuộc nổi dậy một cách chớp nhoáng. Cuộc can thiệp này đã làm xấu đi trầm trọng mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.
Để cải thiện mối quan hệ đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon đã có chuyến viếng thăm Saudi Arabia. Bản thân ông R.Gates đã phải thừa nhận quan hệ giữa hai nước bị nguội lạnh, thậm chí còn lâm vào tình trạng căng thẳng không cần thiết suốt thời gian qua. Tuyên bố của Mỹ về việc biết trước sự can thiệp của Saudi Arabia vào Bahrain trước đó một ngày đã có tác dụng xoa dịu mối quan hệ đang có nguy cơ đóng băng giữa hai nước.
Lý do dẫn đến mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia căng thẳng sau sự kiện Bahrain là:
Thứ nhất, Saudi Arabia đặt dấu hỏi cho Chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ. Tháng 6 năm 2004, chính quyền G. Bush đã đề ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm thúc đẩy dân chủ ở các nước Arab. Tháng 3 năm 2005, Quốc hội Mỹ thông qua Luật thúc đẩy dân chủ ở các nước Arab, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các trang website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ các phong trào dân chủ; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs) thuộc khối Arab… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1000 NGOs ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGOs ở Ai Cập. Trong đó, chỉ tính riêng tổ chức USAID của Mỹ hàng năm được tài trợ trên 70 triệu USD cho các hoạt động xã hội dân sự tại Ai Cập… Như vậy, từ việc luật hóa chiến lược Đại Trung Đông và thực tế hỗ trợ tài chính cho các tổ chức dân chủ trong thời gian qua, rõ ràng về mặt chiến lược chính trị, người Mỹ đã lộ rõ ý định muốn phổ cập tự do cho các nước trong khu vực Arab.
Sau những biến động ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông đầu năm 2011, Saudi Arabia buộc phải đặt dấu hỏi về Mỹ trong mối quan hệ của họ với Nhà Trắng. Nhà phân tích tình hình quốc tế Peter Goodspeed trong một báo cáo của mình đã chỉ ra rằng: “Vua Abdullah lo ngại trong trường hợp xảy ra bạo loạn, Obama sẽ đứng về phía những người phản kháng và yêu cầu ông phải ra đi”. Niềm tin mong manh từ trước đến nay lại được thay thế bằng sự hồ nghi và lo sợ ngày một gia tăng.
Thứ hai, sự giằng co lợi ích giữa Saudi Arabia với Mỹ và Iran. Mối quan hệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa Iran – Saudi Arabia sau biến cố Mùa xuân Arab đã có những dấu hiệu được cải thiện. Ngày 22 tháng 2 năm 2011, xuất hiện một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với mối quan hệ của hai nước là: Tàu chiến Iran đến Địa Trung Hải. Các tàu chiến này trước khi tiến vào kênh đào Suez đã thả neo hai lần, một ở Oman và một ở Djeddah, thuộc Saudi Arabia. Lần đầu tiên sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran thành công năm 1979, một cảng của Saudi Arabia chấp nhận cho tàu chiến Iran neo đậu.
Trong lúc mối quan hệ Saudi Arabia – Iran vừa mới có bước tiến triển, thì một biến cố chính trị lớn lại xảy ra. Đó là việc cơ quan an ninh Mỹ tuyên bố đã đập tan một âm mưu ám sát Đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ vào giữa tháng 10. Sự kiện này làm dấy lên một cuộc tranh cãi lớn giữa ba bên. Ở Mỹ và Saudi Arabia, dư luận và giới lãnh đạo đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về sự trả giá cho những sai lầm của Iran. Còn Tehran, thì kiên quyết phủ nhận vai trò của mình trong vụ việc và coi những cáo buộc trên là hoàn toàn vô giá trị. Đặt vấn đề trên bình diện lợi ích giữa ba bên, rõ ràng trong trường hợp này mối quan hệ bang giao giữa Mỹ và Saudi Arabia đang có vấn đề trước sự ấm lên của quan hệ giữa Saudi Arabia với Iran bất chấp những mâu thuẫn cũ và mới vẫn đang tồn tại đan xen. Mohammed Qadri Saeed, chuyên gia chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al – Ahram tại Cairo, nhận định: “Tôi không tin Iran ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, bởi họ chẳng được lợi ích chính trị nào”1. Còn về phần Mỹ, đây thực sự là một hành động có lợi cho Mỹ khi vừa giành lại được đồng minh Saudi Arabia lại vừa làm lạnh đi một mối bang giao Saudi Arabia - Iran không có lợi cho Washington. Rõ ràng lợi ích của Mỹ trong vấn đề này là cụ thể.
Việc Iran bị kết tội trong vụ ám sát Đại sứ Saudi Arabia là hoàn toàn thiếu căn cứ. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, phản ứng thái quá của Saudi Arabia trong vụ việc này trước một vấn đề chưa rõ ràng cũng làm cho giới phân tích phải lưu tâm. Sự thay đổi thái độ nhanh chóng của Saudi Arabia đối với cả Mỹ và Iran khiến nhiều người cho rằng đối với Saudi Arabia thì đồng minh hay kẻ thù đều dùng để làm cân bằng và kiềm chế trên bàn cờ tương quan lực lượng, phục vụ cho mục đích thực dụng của mình. Saudi Arabia sẵn sàng ngả theo hướng nào có lợi nhất cho họ trên cục diện chung, giống như cách mà Mỹ đã và đang sử dụng chính họ.
Xuất phát từ sự gia tăng căng thẳng trong vấn đề Iran làm giàu uranium và vấn đề Syria, Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây liên tục tạo sức ép lên Tehran thông qua việc gia tăng lệnh cấm vận. Để đáp trả động thái này, Iran đã tỏ ý định phong tỏa eo biển Hormuz và bắt đầu tiến hành ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang một số nước EU cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Trong lúc này, Saudi Arabia đã thể hiện thái độ không ủng hộ Iran khi tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường thế giới. Mối quan hệ giữa Tehran và Riyadh chưa kịp căng thẳng thì chỉ vài ngày sau đó, ngày 04/02/2012, tàu chiến của Iran lại tiếp tục được cập cảng Jeddah của Saudi Arabia. Mô hình ngoại giao ba bên vẫn tiếp tục được duy trì: Một bên là Mỹ ngày một gia tăng sức ép lên Iran cùng với những toan tính “ngầm” đối với Saudi Arabia; phía Iran thì sẵn sàng đáp trả sự chống đối của Mỹ cũng như những thế lực thù địch nhưng cũng tranh thủ mối quan hệ “không mặn mà” với Riyadh; còn Saudi Arabia với một phương thức ngoại giao “nửa mềm, nửa rắn” thì có thể ngả theo bất kì một bên nào miễn là họ có được lợi tốt hơn.
Tương lai nào cho mối quan hệ ba bên?
Cuộc chính biến trong khu vực vừa qua đã làm những bất đồng giữa ba nước vốn đã nặng nề nay lại càng trở nên sâu sắc. Quan hệ “đồng minh” giữa Mỹ và Saudi Arabia tuy có bị lung lay nhưng nó vẫn bị ràng buộc bởi rất nhiều lợi ích chồng chéo. Sự bằng mặt nhưng không bằng lòng giữa Tehran và Riyadh từ trước tới nay lại xấu đi sau sự nghi ngờ về vụ ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ. Thái độ thù địch từ trước giữa Mỹ và Iran nay lại có nguy cơ phát triển thành một cuộc chiến sau sự kết thúc của một vài cuộc chiến tranh trong khu vực Trung Đông.
Quan hệ Saudi Arabia – Mỹ bắt đầu từ sự lung lay trong mối quan hệ “đối tác chiến lược” vốn đã thiếu niềm tin từ trước, nay được “thử lửa” trong giai đoạn biến cố lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Nhưng xét trên phương diện chính trị- an ninh, thì đối với Riyadh, Mỹ với tư cách là nhà cung cấp quân sự vẫn là nước đảm bảo an ninh đáng tin cậy nhất. Ngược lại, Mỹ cũng chưa thể từ bỏ một “đối tác” quan trọng của mình tại Trung Đông như Saudi Arabia một khi thời cơ chưa chín muồi. Hiểu được bản chất mối quan hệ ấy, Riyadh phải tự tìm con đường sống cho mình bằng việc tăng cường những mối quan hệ đối với những đối tác quốc tế khác như Trung Quốc, Ấn Độvà Nga. Một số nhà phân tích, như Riad Kahwaji, Giám đốc Viện phân tích quân sự Cận Đông và vùng Vịnh, cho rằng việc các cường quốc mới nổi lệ thuộc vào vùng Vịnh sẽ khiến các nước đó nhanh chóng bảo vệ lợi ích của Saudi Arabia trong trường hợp cần thiết. Chính bởi vậy, tương lai về sự phát triển quan hệ đa phương với những cường quốc khác của Riyadh là hoàn toàn khả quan và phù hợp với thực tế an ninh không được đảm bảo trong khu vực.
Về phần Iran và Saudi Arabia, sau những bất đồng trong quá khứ và những thăng trầm trong quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua, thì những mâu thuẫn vốn đã tồn tại từ trước lại càng có lý do để phát triển. Cộng hòa Hồi giáo Iran từ trước đã bị coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Saudi Arabia. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc Saudi Arabia tăng cường quan hệ đa phương như đã phân tích ở trên, lại cộng thêm nguy cơ về một cuộc chiến với người Mỹ có thể đang tới gần với Iran, thì xu hướng cạnh tranh giữa hai nước này có thể sẽ có biến chuyển mới. Bên cạnh việc tự trang bị cho quốc gia của mình về khả năng quân sự, hai nước này sẽ dần phát triển một xu hướng cạnh tranh mới trong cuộc giành giật sự hợp tác ưu đãi với các đối tác triển vọng. Cuộc chạy đua này cũng sẽ không kém phần quyết liệt như cuộc chạy đua vũ trang vốn đã diễn ra từ lâu giữa hai nước.
Cuối cùng, về mối quan hệ căng thẳng nhất giữa Mỹ và Iran có thể thấy những mâu thuẫn từ trước tới nay lại càng lớn hơn sau những cáo buộc ám sát, đàn áp biểu tình mà Mỹ giành cho Iran. Nhưng bỏ qua tất cả những lý do đó thì mâu thuẫn chính vẫn nằm trong vấn đề hạt nhân mà Tehran theo đuổi bất chấp sự phản đối của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, về sự rời bỏ vai trò của mình trên nhiều chiến trường như Iraq, Afghanistan, Lybia, sẽ khiến Mỹ trở nên rảnh tay hơn để đối phó với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Có thể sẽ chưa phải là một cuộc chiến tranh cục bộ thực sự, nhưng chắc chắn Mỹ sẽ mạnh tay hơn đối với Iran trong thời gian tới trên nhiều phương diện và chờ đợi thời cơ để nhổ tận gốc “cái gai” Iran khó chịu nhất đối với Mỹ ở Trung Đông. Để đẩy lùi nguy cơ về một cuộc chiến, như đã phân tích ở trên, Tehran bên cạnh những nỗ lực về trang bị quân sự thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác.
Từ vấn đề tăng cường ngoại giao đa phương của Saudi Arabia, sự cạnh tranh trong vấn đề tìm kiếm hợp tác ưu đãi giữa Tehran và Riyadh và nguy cơ về một cuộc chiến giữa Iran và Mỹ, quan hệ tam giác Mỹ - Saudi Arabia – Iran trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề. Ở kịch bản xấu có thể sẽ là một cuộc bạo loạn lật đổ, hoặc một cuộc chiến tranh khu vực hay tệ nhất là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Điều gì sẽ xảy ra vẫn chưa có câu trả lời xác định.
Bùi Ngọc Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét