ÂM-DƯƠNG trong ISLAM
Lời-nói của Thượng-đế
Thượng-đế Phán trong thiên-kinh Qur'an:
Thoạt đầu câu kinh có vẻ nói về kinh sách nhưng nhiều nhà thần-học xác nhận đây là khả năng tác tạo của Thượng-đế. Cũng như các kinh sách được ban cho nhân loại qua sự thiên khải, Thượng-đế tạo vũ-trụ và các dấu hiệu trong thiên-nhiên qua Lời-phán hay Thiên-lệnh: “Khi muốn tạo một sự việc, chỉ cần Ngài phán Biến thì nó sẽ thành” [2:117][16:40]. Câu 45 chương số 3 nói thêm, “Hỡi Ma-ria’, vị Thiên-thần nói,‘Thượng-đế đã chọn ngươi, trong sạch hóa cho ngươi và chọn ngươi trên tất cả mọi người đàn bà trên thế gian. Hỡi Ma-ria, Thượng-đế báo tin mừng cho ngươi về một Lời của Ngài mà tên của y sẽ là Giê-su - con trai của Ma-ria” [3:45]. Trong đoạn kinh này, Thượng-đế bảo thiên thần báo tin vui với bà Ma-ria rằng Ngài sẽ tạo một vị thiên-sứ qua Lời của Ngài mà không qua sự giao hợp của người đàn ông. Bởi vậy, Lời-nói của Thượng-đế từ thế giới vô-hình hạ xuống thành tạo vật trong thế giới hữu-hình.
Nói tóm lại, mỗi Lời-nói là một tạo vật và vũ-trụ là một cuốn sách chứa đầy Lời-nói của Thượng-đế. Chúng ta nghe và thấy Lời-nói của Ngài qua các tạo vật hiện hữu trong vũ-trụ. Bởi vậy, đối với người Muslim vũ-trụ là thế giới lớn (al-'alam al-kabir), nơi Thượng-đế đã nói hay phơi bàytất cả các thuộc tính thiêng liêng cho tạo vật của Ngài, nơi đó Kho-tàng Bí-ẩn sẽ được biểu lộ cho những ai có đôi mắt. Vì Thượng-đế là vô biên cho nên hơi thở vô biên có thể nói mãi mãi và nói điều gì cũng được.
Trong các chương trước, chúng ta nói con người là tinh túy của vũ-trụ hội tụ tất cả các thuộc-tính của Thượng-đế. Một trong những yếu tố khác với loài vật là con người có khả năng truyền đạt ý nghĩ thông qua lời nói, một đặc điểm tương tợ như Thượng-đế mặc dù lời-nói của con người hoàn toàn vô nghĩa trước Ðấng Vô-biên. Từ quan điểm tương khắc, không ai biết Thượng-đế Nói như thế nào nhưng từ quan điểm tương hợp chúng ta có thể tìm hiểu Lời-nói của Ngài thông qua con người.
Ðầu tiên, trước khi nói mọi người đều bắt đầu với ý định mặc dù ý định chỉ xuất hiện thoáng qua một cách lu mờ. Vì giới hạn của ngôn ngữ và khả năng diễn đạt, đôi lúc chúng ta không diễn tả hết ý nghĩ trong tâm tư, không biết nói ngọt như thế nào, đắng như thế nào. Ngược lại, đối với Thượng-đế thì khác hẳn. Ngài nói rất rõ ràng và chính xác nhưng người nghe lại không sáng dạ cho lắm, nghe hoài nhưng không hiểu Ngài muốn nói gì. Thượng-đế nói rất rõ nhưng con người không có khả năng hấp thụ chủ ý của Ngài.
Trong tiến trình so chiếu giữa Lời-nói của Thượng-đế và con người, chúng ta khám phá ra nhiều điểm kỳ diệu. Chẳng hạn như lời-nói và người nói là hai đối tác hoàn toàn khác biệt không có gì giống nhau giữa hai bên. Người nói thì còn đó nhưng lời-nói chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc rồi tan biến.
Vì vũ-trụ thành hình qua Lời-nói của Thượng-đế cho nên vũ-trụ là đối tác hoàn toàn khác biệt với Thượng-đế. Hơn nữa, lời-nói chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc rồi tan biến, tạo-vật trong vũ-trụ chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc đối với Thượng-đế mặc dù nó có thể tồn tại hàng vạn năm đối với con người. Như đã thảo luận trong các chương trước, sở dĩ Thượng-đế không xuất hiện trong vũ-trụ không phải vì keo kiệt hay để bảo tồn sự bí mật mà thật ra vũ-trụ không có khả năng trưng bày Thực-tại của Ngài mà thôi.
Nhiều nhà thần học so sánh vũ-trụ như một cuốn sách do Thượng-đế tạo ra (al-Kitab al-Manshur). Mỗi vật là một mẫu-tự chẳng hạn như mỗi hành-tinh hay tính-tú là một mẫu-tự. Tuy nhiên, mẫu-tự tự nó không mang ý nghĩa gì đặc biệt nhưng chỉ có nghĩa khi được xếp thành chữ, chữ chỉ có ý nghĩa khi được xếp có thứ tự “văn phạm” trong một câu chẳng hạn như khi nói “đi” thì không ai hiểu đi đâu nhưng nếu nói“Tôi đi chợ” thì người nghe sẽ lập tức hiểu ngay. Một câu nếu đứng một mình cũng không mang ý nghĩa gì đặc biệt nhưng chỉ có nghĩa khi so với câu khác, đoạn này chỉ có ý nghĩa so với đoạn khác và chương này chỉ có ý nghĩa so với chương khác. Tương tự, nhiều hành-tinh hợp lại với nhau thành một chữ (chẳng hạn như Thái-dương-hệ có thể hiểu là một chữ), nhiều hệ trở thành tinh-vân (một câu hay một đoạn), nhiều tinh-vân trở thành ngân-hà (một chương) và nhiều ngân-hà tạo nên vũ-trụ
Ở đây chúng ta lưu ý về sự tương đối của mọi vật trong vũ-trụ. Không có điều gì mang ý nghĩa nếu đứng riêng rẽ một mình mà chỉ có ý nghĩa khi so với những vật chung quanh trong khuôn khổ văn phạm của nó. Cho nên, trong thế-giới-quan của Islam sự hiện diện của con người nằm trong nhiều thế giới hàng hàng lớp lớp và Thượng-đế là Chủ-tể của mọi thế giới [1:1]. Ngay cả các nghiên cứu khoa-học cũng cho thấy, mỗi hành-tinh, mỗi hệ, mỗi tinh-vân hay ngân-hà và ngân-hà đều có quan hệ mật thiết với nhau mặc dù kiến thức của chúng ta không thấu hiểu quan hệ đó là gì. Vì sự liên quan giữa nhiều thế giới trong vũ-trụ cho nên thiên-kinh Qur’an nhắc nhở với con người nên thường xuyên nghiền ngẫm dấu hiệu của Thượng-đế để tìm hiểu ý nghĩa sâu xa mà nó đã thể hiện. Cũng như chủ đề của thiên-kinh Qur’an nói về Tawhiđ, vũ-trụ cũng mang cùng chủ đề cho những ai có mắt để suy ngẫm. Vào ngày tận thế khi Thượng-đế đem mọi vật trở về, “Ngài sẽ cuốn vũ-trụ như tấm giấy được cuộn lại” [39:67].
Trích từ cuốn “Âm-Dương Trong Islam” .
do Từ công Nhượng biên soạn, xuất bản năm 2004 tại Hoa-kỳ.
Lời thưa :
Âm Dương trong Islam là tựa đề của quyển sách do anh Habib Từ Công Nhượng biên khảo và Tủ Sách Tìm Hiểu Islam phát hành.
Sách dầy hai trăm trang, chia thành bốn tiết mục, mỗi tiết được phân làm nhiều đoạn, mỗi đoạn nói về một đề tài, thâu gồm cả thế giới vô hình và hữu hình. Ngoài ra anh Nhượng cũng đã tinh tế dành riêng một số trang cho phần phụ lục để sơ lược về tiểu sử của các vị học giả Muslim và đặc biệt là phần dịch thuật /phiên âm “ 99 Tên của ALLAH”.
Đọc Âm Dương trong Islam sẽ cảm nhận được công phu của hai năm trường soạn thảo và tất cả tâm huyết của người cầm bút đã gởi gấm vào đó. Anh đã đem hiểu biết cá nhân để đóng góp vào sự biểu dương những giá trị tinh thần của cộng đồng. Âm Dương trong Islam cũng sẽ đưa độc giả đến với những luận thuyết, tư tưởng của tiền nhân, của những vị học giả Muslim vì gặp phải những quyết đoán hồ đồ đã bị ém dấu, xuyên tạc. Nó chưa được mấy ai lưu tâm tìm hiểu, phán đoán một cách đúng đắn. Để tránh những điều bất cập có thể phạm phải, xin gởi đến quí độc giả nguyên văn “Lời mở đầu”và một ít trích đoạn ở đầu trang sách cùng với địa chỉ của “Tủ Sách Tìm Hiểu Islam” để quí bạn có thể liên lạc trực tiếp.
A.M. Farouk
Lời Mở Đầu:
“Âm-Dương trong Islam” là một công trình biên soạn chủ yếu dựa vào một số trích đoạn chuyển ngữ từ quyển “The Tao of Islam – A Sourcebook on Gender Relationships in Islamic Thought Thought” của nữ Tiến-sĩ Sachiko Murata, phát hành tại Viện Đại-học Nữu-ước vào năm 1992. Đây là đề tài mới lạ trong cộng đồng Muslim bởi lẽ chưa có một vị học giả nào đã diễn giải Islam trên quan điểm triết học Trung-hoa. Trong nội bộ Muslim, đa số sách báo đã viết về Islam thường chú trọng đến 5 rường cột và giáo luật, nhưng rất ít đã viết về xã-hội, kinh-tế, vũ-trụ hay triết-lý của Islam.
NgườiTrung-hoa diễn tả vũ-trụ từ hai nguyên lý âm/dương, trống/mái, cho/nhận, nam/nữ. Âm dương tác động với nhau một cách hài hòa tạo nên muôn vật, tức là những gì hiện hữu trong vũ trụ. Dấu ấn nổi tiếng của nhị-nguyên là Tai-chi, với hai nét âm dương biểu hiện sự thay đổi không cùng của vũ-trụ. Khi đêm đến ngày vụt tắt, khi hè đến xuân tan biến như Khổng-tử đã nói, “Toàn thể vũ-trụ trôi như giòng sông, ngày lẫn đêm không bao giờ dứt.” Cho nên, sự sống là sự biến đổi hài hòa dựa trên nguyên lý của “Đạo”.
Khi nói đến âm/dương thì hầu như người nào cũng biết nguyên lý của nó mà không cần giải thích dài dòng. Tuy nhiên, khi nói đến vũ-trụ của Islam thì không ai biết cả. Thật ra, vũ-trụ Islam mường tượng giống như của Trung-hoa cho nên chỉ cần giải thích thêm một chút nữa thì mọi điều sẽ rơi đúng vào vị trí của nó.
Các vị Sufi thường nêu lên lời dạy của Thiên-sứ Muhammad (saw), “Thượng-đế đã hiện hữu trong lúc vũ-trụ chỉ là hư không.” Trước điểm zerô, không có gì hiện hữu ngoại trừ Thượng-đế. Không ai thấy hoặc biết Ngài ở đâu cả. Tương tự, Lão-tử nói, trước khi âm/dương xuất hiện thì chỉ có Tai-chi hoặc Cái Không, “Từ cái Không xuất hiện hai đại lực, hai đại lực tạo nên bốn hình tượng, bốn hình tượng tạo nên bát quái.”
Ở đây, hai đại lực được các nhà triết học Trung-hoa gọi là âm và dương còn bốn hình tượng được giải thích nhiều lối khác nhau. Tuy nhiên, động lực đã thúc đẩy sự biến đổi âm dương là “Đạo”. Tất cả mọi vật trong vũ-trụ bắt nguồn từ cái Không và nhị-nguyên. Từ nhị-nguyên sanh ra muôn vật. Bởi thế, nếu không có nhị-nguyên và muôn vật thì không ai có thể thấu hiểu sự hợp nhất của tạo hóa tức là muôn vật sanh ra từ cái Không. Cái Không là Đấng không thể hình dung được và trong Islam đó chính là Đấng Tạo-hóa.
Trong truyền thống Islam, các học giả chuyên về kinh Qur’an được chia ra thành hai nhóm. Một nhóm giải thích nghĩa đen và nhóm kia giải thích nghĩa bóng. Sự khác biệt là một bên giải thích “thế nào” và bên kia giải thích “tại sao”.
Nhóm giải thích nghĩa đen hay theo giáo-luật Sharia thì chỉ quan tâm đến halal và haram tức là điều nên làm hay điều bị cấm nhưng không giải đáp được tại sao có điều phải nên làm và tại sao có điều bị cấm đoán. Nó không giải thích tại sao đàn bà hưởng của hồi môn ít hơn đàn ông. Cùng lắm thì các vị pháp lý (Fuqaha) cho rằng vì Thượng-đế đã phán trong kinh Qur’an cho nên chỉ có chấp nhận chứ không thể nghi vấn. Tuy nhiên, một số học giả khác thì nghĩ rằng chắc chắn phải có lý do chính đáng cho nên muốn đi sâu thêm tìm hiểu “tại sao”. Đôi lúc, những người với tầm hiểu biết nông cạn tìm biện luận thối thoát dựa trên kinh tế hay xã hội để trả lời cho một số chống đối hoặc thắc mắc mang gốc gác từ bên Tây-phương nhưng lối biện luận đó hoàn toàn không nằm trong cấu trúc của Islam. Đây chính là phạm trù “tại sao” đã đi vào vấn đề.
Những học giả không quen với vũ-trụ của Islam không thể giải thích những câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Âm/Dương. Trong khắp lịch sử Islam, các học giả uyên bác như Imam Ghazaly thường chỉ trích các nhà pháp lý vì tính đơn phương, thiếu hiểu biết và đầu óc thiển cận đối với những vấn đề đối diện với con người trong cuộc sống. Nhưng đáng tiếc là hiện nay không mấy học giả hiểu tường tận về Islam còn sống sót, bởi thế các nhà pháp lý đã lộng hành tự do phát biểu ý kiến. Một trong những lý do khác là các vị Đông phương-học (học giả Tây-phương nghiên cứu về Đông-phương) cho rằng tinh túy của Islam nằm trong giáo luật Sharia, mặc dù mọi người đều biết Sharia được ban xuống để giải quyết vấn đề đối ngoại chứ không phải đối nội hay tổng thể của Islam. Lý do thứ ba là cơ chế của Islam không còn tồn tại sau khi nền Khalifa bị truất phế vào năm 1924 (tại Thổ-nhĩ-kỳ) cho nên Islam mất hết cấu trúc cơ bản không phát huy đúng với tinh thần của nó.
Cuốn sách này là nỗ lực biên soạn những câu nghi vấn quan trọng liên quan đến âm/dương và thế-giới-quan của Islam. Ngược dòng lịch sử, các vị nghiên cứu về mặt này được xếp loại thành Sufi nhưng không phải vì thế đã trở thành Sufi thần bí mà họ chỉ muốn thông suốt ý nghĩa Qur’an vượt qua các nghĩa đen thông thường mà thôi.
Đã hơn 300 năm nay từ khi cánh cửa Ijtihađ bị đóng lại, cộng đồng Muslim mọi nơi trên thế giới đang trải qua những cơn khủng hoảng trí thức và xã hội. Điển hình nhất là những vấn đề mới lạ đòi hỏi giải pháp mới mẻ nhưng nhiều người chỉ dựa vào các truyền thống cổ xưa để giải quyết. Từ châu Phi đến châu Á, các bài thuyết giáo hàng tuần được sao chép một cách máy móc không giải quyết được hàng ngàn vấn đề đang đối diện trong xã hội. Đây là quá trình rập-khuôn mà các nhà thần học đã gọi là Taqliq, nghĩa là đi theo một cách u-mê. Hậu quả của Taqliq làm cho đầu óc người Muslim bị tê liệt mất hết tính sáng tạo cho nên đã hơn 3 thế kỷ trôi qua tại các nước Muslim không thấy xuất hiện những danh nhân nào đáng kể. Lý do đơn giản là Islam được Thượng-đế thiên khải cho nhân loại để giải quyết vấn đề tâm linh và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Cả hai phải được cân bằng thì xã hội mới thăng tiến. Nhưng Ijtihađ, được định nghĩa là phương tiện để giải quyết những bế tắt trong xã hội, bị đóng lại cho nên cộng đồng Muslim đã rơi vào cơn khủng hoảng không tìm được lối thoát.
Islam là tôn giáo trung dung [Qur’an 2:143], trong ngôn ngữ Âm/Dương có nghĩa là một tôn giáo quân bình mọi mặt. Bên cạnh những nghi thức thiên về hướng ngoại, Islam còn bao gồm những thế giới nội tâm và một khung trời triết lý đang đợi hé mở.
Chúng tôi xin đa tạ giới Tủ Sách Tìm Hiểu Islam và đặc biệt Đôhamiđ Abu Talib (Đỗ Hải Minh) đã hy sinh thì giờ quý báu, miệt mài đính chính bản thảo, và cảm tạ các anh em thanh niên Muslim tại Cali và Seattle đã giúp đỡ ý kiến xây dựng trong quá trình hoàn tất cuốn sách này. Những đoạn kinh Qur’an bằng tiếng Việt được trích ra từ “Kinh Qur’an, Ý nghĩa Nội Dung” do thân sinh tôi là Haji Hasan Karim đã xuất bản vào năm 1997 tại Hoa-kỳ.
Hy vọng công trình biên soạn này là một đóng góp khiêm nhường nhưng hữu ích trong giới Muslim trí thức, một lối suy nghĩ mới về triết lý, nhân-sinh-quan và thế-giới-quan của Islam.
Từ công Nhượng / Phố Irvine, Hoa-kỳ. Rabi al-Awal, 1425 Hồi-lịch. Tháng 5, 2004 Dương-Lịch.
Tóm lại, Thượng-đế trong Qur’an và hađith bao hàm từ tương khắc đến tương hợp. Nếu nhấn mạnh sự tương khắc quá mức thì sẽ đi đến ta’til, một khái ... Tóm lại, Thượng-đế trong Qur’an vàhađith bao hàm từ tương khắc đến tương hợp. Nếu nhấn mạnh sự tương khắc quá mức thì sẽ đi đến ta’til, một khái niệm dị biệt cho rằng Thượng-đế hoàn toàn tách rời với vũ-trụ và con người. Ngược lại, chú tâm vào sự tương hợp quá mức thì sẽ rơi vàohulul, nghĩa là Thượng-đế và con người hội tụ với nhau trở thành một. Cả hai thái cực đều bị giới Muslim chính thống bác bỏ.
Mặc dù nhiều học-giả đã chú tâm về sự tương hợp, tuy nhiên, tương khắc vẫn là khái niệm được xếp hàng đầu. Ðây là điều quan trọng để bảo tồn sự thăng bằng giữa trừng phạt và tha thứ, giữa bất an và niềm hy vọng. Hơn nữa, con người phải ý thức tất cả các tạo vật trong vũ-trụ đều có giới hạn của riêng nó. Vì giới hạn đó, sự thiêng liêng lúc nào cũng chiếm ưu thế và thế giới vô hình nào cũng quan trọng hơn hữu hình.
Ðể thấy rõ vị trí và vai trò của muôn vật trong vũ-trụ, trước hết con người phải chấp nhận mình là một tạo vật nhỏ bé và giới hạn, một sinh linh vô nghĩa so với Ðấng Thực-tại bao hàm vũ-trụ và muôn vật. Trong thực tế, điều này có nghĩa là các thành phần của sự tương khắc lúc nào cũng quan trọng hơn tương hợp và giáo luật Sharia lúc nào cũng nhấn mạnh tính Oai-nghiêm Vĩ-đại của Thượng-đế. Cho nên, qui phục và tuân theo sự hướng dẫn của Thượng-đế sẽ đưa con người đến sự Yêu-thương, Ðộ-lượng và Hồng-ân của Ngài. Quả thật, Vua chỉ hân hoan yêu thương những bề-tôi trung thành, tuân theo mệnh lệnh của Ngài. Ngược lại, không có kẻ bất tuân nào lại được chiếu cố cả.
Thiên kinh Qur’an trình bày bức hình quân bình giữa tương khắc và tương hợp như sau:
Từ quan điểm của sự tương khắc, con người mang phẩm chất âm, là một kẻ nô bộc (‘abd) và phẩm chất tuyệt đỉnh của nó là “phục tùng theo Ý-chí của Thượng-đế”, là Islam. Thế nào gọi là phục tùng theo Ý-chí của Thượng-đế? - là một người lúc nào cũng nỗ lực thi hành theo giáo luật Sharia về mọi vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ có khả năng làm đảo lộn sự quân bình trong vũ-trụ bằng cách phủ nhận luật lệ của Thượng-đế nhưng hậu quả của nó chính là địa ngục.
Từ quan điểm của sự tương hợp, con người là Phó-vương (khalifa) được Thượng-đế dạy cho tất cả các loại Tên. Chính vì được dạy cho tất cả các loại tên cho nên hội tụ những phẩm chất đó. Trong lãnh vực này con người là một dạng của Thượng-đế thay mặt Ngài cai quản vũ-trụ. Tuy ngấm ngầm biểu hiện âm tính đối với Thượng-đế nhưng trong thực tế lúc nào cũng thể hiện dương tính đối với mọi vật chung quanh. Vì được phú cho uy tín (amana) thiêng liêng, con người có khả năng trở nên thánh thiện hoặc nhơ nhuốc, có thể đạt đến chân-thiện-mỹ hoặc trở nên thấp hèn nhất trong các loại tạo vật. Cho nên, tất cả các thuộc-tính thiêng liêng lúc nào cũng tấp nập đối chọi lẫn nhau trong tâm hồn của con người.
Thượng-đế Phán trong thiên kinh Qur’an, “Ta tạo loài Jinn và loài người để tôn thờ Ta” [51:56] cho nên không cần thắc mắc hay dài dòng, con đường an toàn và đảm bảo nhất chính là tuân theo giáo luật Sharia. Tuy nhiên, một nghi vấn được đặt ra là phải chăng con người được tạo ra để làm Phó-vương? Tất cả các vị học-giả đều đồng ý, phục vụ Thượng-đế là mục đích nhưng chưa chắc đã được vinh dự làm Phó-vương. Bởi thế, phục vụ là điều kiện cần thiết trước khi Phó-vương được ban cho. Tóm lại, “tôn thờ Ta” có nghĩa là phục vụ Thượng-đế bằng cách tuân theo giáo luật Sharia.
Quả thật, Thượng-đế là dương con người là âm. Tuy nhiên, nếu có người vỗ ngực xưng tên, ta đây là Phó-vương thì sao? Phải chăng con người được tạo ra để làm Phó-vương mà không cần có tài năng hay tư cách nào hay sao? Ðiều gì có thể ngăn chận nếu y hành động vượt qua giới hạn, thể hiện dương tính ngay cả đối với Thượng-đế? Lúc đó, tôn ti trật tự chắc chắn sẽ bị đảo lộn. Vấn đề này được bàn thảo rất sâu rộng trong giới Sufi. Ðó là lý do tại sao đại học-giả Ibn al-Arabi và đồ đệ của ông nhấn mạnh làm nô-bộc và bề-tôi của Thượng-đế là phẩm chất tối cao của con người. Nếu trong thâm tâm kẻ nào có ý định làm chủ tể, dù chỉ là ý định thì y đã vượt qua giới hạn một cách nguy hiểm.
Là nô-bộc, con người cúi đầu trước Thượng-đế. Ngài là Vua, con người là bề-tôi. Ngài là Ðấng Ðộ-lượng, con người nhận sự độ-lượng. Thượng-đế Vĩ-đại, con người nhỏ bé. Ngược lại, từ quan điểm Phó-vương, con người thể hiện các thuộc-tính oai-nghiêm đối với vũ-trụ. Lúc đó, con người là chúa tể, thiên nhiên phục tùng. Con người độ lượng, vũ-trụ nhận sự độ lượng. Con người vĩ-đại và quyền uy, vũ-trụ nhỏ bé và yếu ớt. Con người khắt khe, người khác trở nên thiệt thòi vì hậu quả của nó. Cho nên, thiên kinh Qur’an Phán, “Há các ngươi không thấy Thượng-đế đã chế ngự mọi vật trong các tầng trời và dưới đất cho các ngươi hay sao?” [32:20].
Phẩm chất phục tùng nói đến tương khắc. Trong đó, con người chỉ là các bụi vô nghĩa hoàn toàn không sở hữu điều gì ngoại trừ ân sủng mưa móc do Thượng-đế ban cho. Phó-vương liên quan đến tương hợp, trong đó sự toàn diện của con người dưới dạng của Thượng-đế làm cho trở nên chúa tể của những phần kém hơn trong vũ-trụ.
Những Tên tác động lẫn nhau
Tên là danh từ riêng dùng để diễn tả phẩm chất hay thuộc tính của một vật hay cá nhân. Người tên Hiền ngụ ý nói đến một cá nhân hiền hậu hay Minh nói đến một người mang sự minh mẫn. Ðó là biểu tượng thể hiện trong tên của mỗi người. Thiên-kinh Qur’an Phán, Thượng-đế có tất cả 99-Tên. Cũng như tên dùng để diễn tả phẩm chất hay thuộc tính của một cá nhân, Tên của Thượng-đế dùng để diễn tả phẩm chất và thuộc tính của Ngài. Các học-giả Muslim hệ thống hóa Tên của Thượng-đế thành ba lãnh vực: Tênthuộc về Bản-chất, Tên thuộc về Thuộc-tính và Tên thuộc về Hành-động.
Theo trường phái của đại học-giả Ibn al-‘Arabi, Tên thuộc về Bản-chất chỉ được nói đến Thượng-đế và chỉ có Ngài mới biết rõ. Một trong những tên đó là Allah. Cho nên, Allah chỉ được quyền gọi Thượng-đế Duy-Nhất. Tên thuộc về Thuộc-tính nói đến phẩm chất vốn có của Thượng-đế. Những Tên này không có đối lập, hoàn toàn cách biệt với tạo vật và chỉ thuộc về Thượng-đế mà thôi, chẳng hạn như: Hằng-sống, Hằng-biết, Hằng-ước, Vĩ-đại, Hằng-nói, Hằng-nghe và Hằng-thấy, vân vân. Những phẩm chất đối lập không thể gán cho Ngài. Tên thuộc về Hành-động nói về mối tương quan giữa Thượng-đế và muôn vật. Nếu trạng thái của các Tên này chuyển sang âm tính hay dương tính thì cả hai sẽ được gán cho Hành-động. Chẳng hạn như Ðộ-lượng và Khắt-khe, Yêu-thương và Phẫn-nộ, Mỹ-miều và Cứng-rắn, Dẫn-dắt và Bỏ-rơi, Nâng-lên và Hạ-xuống, Tha-thứ và Trừng-phạt, Ân-huệ và Tiêu-diệt, Ban Sự-sống và Gây Sự-chết, Nới-rộng và Ép-vô.
Có những Tên thuộc về Bản-chất, Thuộc-tính và Hành-động cùng một lúc tùy theo phẩm chất của nó, chẳng hạn như Ðộ-lượng. Ðộ-lượng là Tên thuộc về Hành-động bởi lẽ đối lập của nó là Khắt-khe và cũng có thể thuộc về Bản-chất như trong câuhađith: “Nền Ðộ-lượng của Thượng-đế bao hàm cả sự Khắt-khe.”
Quả thật, đối tác của Khắt-khe trong ý nghĩa sâu xa chính là Ðộ-lượng. Nói cách khác, độ-lượng gần gũi với với Thượng-đế hơn là khắt-khe cũng như người cha khắt khe với đứa con chỉ vì yêu thương chứ không phải thù ghét. Cho nên, phẫn nộ chỉ là tạm thời nhưng yêu thương mới sâu đậm hơn. Rumi, một nhà thơ danh tiếng thuộc phái Sufi nói, yêu thương thuộc về phái nữ hay “âm-tính” và người cha cũng mang phẩm chất âm nhưng nằm dưới dạng của sự khắt-khe. Mặc dù “người mẹ lúc nào cũng mang đầy yêu thương nhưng hãy nhìn Ðộ-lượng của Thượng-đế qua sự khắt-khe của người cha.”
Tóm lại, không ai nghi ngờ sự khắt-khe và cứng rắn của Thượng-đế là hiện thân của tình thương bởi lẽ Ðộ-lượng là bản-chất thiêng liêng và thuộc-tính cơ bản của Ngài. Trường phái Ibn al-‘Arabi lý luận rằng nền Ðộ-lượng cơ bản hội tụ tất cả các sự từ bi được gọi là Ðộ-lượng nhất cấp (al-rahman). Sự Khoan-dung bao gồm tất cả các sự yêu thương là nền Ðộ-lượng phân cấp (al-rahim). Ðộ-lượng nhất cấp bao hàm tất cả mọi vật và nằm trong chính Bản-thể của Thượng-đế còn độ-lượng phân cấp thấp hơn và mang điều kiện. Bởi vậy, Thiên-đàng hay Hỏa-ngục thuộc về độ-lượng phân cấp cho nên có đối nghịch. Ngược lại, Ðộ lượng nhất cấp không có đối nghịch, vượt qua khắt-khe bao hàm cả Thiên-đàng và Ðịa-ngục.
Mối quan hệ giữa các thuộc-tính đối lập gây ra các phản ứng đối chọi lẫn nhau trong đời sống. Như đã trình bày trong phần trên, những Tên này được xếp thành hai nhóm, một bên thuộc về “thẩm-mỹ” và bên kia thuộc về “oai-nghiêm”, ví dụ như: độ lượng và trừng phạt, yêu thương và phẫn nộ, ân-huệ và công bình. Têncủa thẩm mỹ nói rằng Thượng-đế gần gũi với tạo vật và chúng cảm thấy được Ngài âu yếm. Ngược lại, Tên của oai nghiêm nói, Thượng-đế cách xa với tạo vật và chúng khiếp sợ sự trừng phạt của Ngài. Cho nên, tên thuộc loại thứ nhất mang âm tính, nhạy cảm hơn và thuộc về nữ giới. Ngược lại, tên thuộc loại thứ hai mang dương tính cho nên cứng rắn, mang áp lực và có tính cách chế ngự. Cả hai đều cần thiết cho sự sinh tồn cho nên không bên nào có thể tồn tại mà không có bên kia. Trong vẻ đẹp có cái oai nghiêm và trong oai nghiêm có vẻ đẹp. Trong trừng phạt chắc chắn có yêu thương và trong yêu thương cũng có phẫn nộ.
Habib Từ Công Nhượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét