Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

CHIẾC KHĂN CHOÀNG ĐẦU.


CHIẾC KHĂN CHOÀNG ĐẦU.


Tôi còn nhớ những ngày đầu của thập niên 80, khi mà các đề tài nói về Islam bắt đầu rộ lên và tràn ngập trên các phương tiện truyền thông của phương Tây, ...
Tôi còn nhớ những ngày đầu của thập niên 80, khi mà các đề tài nói về Islam bắt đầu rộ lên và tràn ngập trên các phương tiện truyền thông của phương Tây, thì dường như vấn đề chiếc khăn choàng cũng đã cùng lúc được họ mang ra đồng hóa một cách nhanh chóng, với nào là dấu hiệu của sự nhốt kín, là biểu tượng của thân phận cá chậu, chim lồng trong một không gian bưng bít, mà phụ nữ Muslim là các nạn nhân chịu trận !...  
Thậm chí người ta còn cho rằng chiếc khăn chng lệ thuộc vào cái vòng kiềm tỏa của Islam. Nhưng họ lại quên rằng cái vòng kiềm tỏa ấy nó muốn bảo vệ những gì nếu đó không phải là đạo đức và luân lý, mà đạo đức và luân lý chẳng phải là những điều tối cần bao trùm cả nhân loại hay sao ? Dẩu cho có lệ thuộc mà lại lệ thuộc vào luân thường đạo lý thì vẫn là việc tốt cho con người, cho xã hội.
Rồi từ đó những câu hỏi về chiếc khăn choàng  đã bị lèo lái suy diễn một cách khác, chủ ý là theo những biểu hiện bên ngoài mà người ta đã gán, để cho nó không còn mang cái ý nghĩa luân lý đạo đức nguyên thủy nữa.
Riêng tại Pháp chiếc khăn choàng đầu dần dần trở thành đề tài tranh luận và trở nên sôi nổi, nhất là khi người ta phát hiện ngày càng có nhiều nữ sinh Muslim choàng khăn tại các trường công. Trớ trêu thay ! việc cấm này lại xảy ra ở một đất nước mà xưa nay vẫn luôn tự hào về tự do cá nhân, bình đẳng xã hội. Thậm chí có một số nữ sinh bị cấm đến trường chỉ vì lý do này.
Cho đến cuối năm 2003, chính tổng thống Pháp Jacques Chirac là người đã chỉ định cho thanh tra nhà nước Bernard Stasi thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu về vấn đề chiếc khăn choàng đầu và để tránh tiếng nhắm riêng vào Islam, người ta lại đưa thêm vào đó chiếc mũ của người Do Thái và cây thập giácủa người Ki tô giáo để cho đủ bộ. Có điều đặc biệt là cái ủy ban đặc biệt này chẳng hề hội ý làm việc trước với các đối tác xã hội đại diện cho các cộng đồng Hồi giáo tại Pháp. Sau vài tháng hấp tấp làm việc, chỉ thấy ngài thanh tra nhà nước lên diễn đàn thanh minh trấn an bàng dân thiên hạ rằng :
Ủy ban này không phân biệt đối xử với những người Muslim Pháp mà để mọi tôn giáo có chổ bình đẳng .
Trong khi trước đó cũng chính ngài thanh tra nhà ta thay mặt cái ủy đặc biệt này phán một câu rất hiểm như sau :
Dự luật này nhằm duy trì nền móng lâu đời của nước Pháp và chống lại những thế lực muốn làm cho đất nước này bất ổn.
 Nền móng lâu đời của nước Pháp : ấy là nền Cộng Hòa, mọi người đều biết.
Nhưng : Những thế lực muốn làm cho đất nước này bất ổn ? Ấy là những thế lực nào chẳng nghe ông nói rõ ? Quả là cái lối nói yết hậu, chiết hạ, để cho ai muốn hiểu sao thì hiểu của ngài thanh tra đã đạt tới một nghệ thuật…hóm vô cùng.
Thế rồi căn cứ vào các đề nghị của Bernard Stasi, ngày 17/12/2003, tổng thống cộng hòa Pháp, ông Jacques Chirac đã đưa tay tháo bỏ chiếc khăn choàng trên đầu của người phụ nữ Muslim. Phát biểu trên đài truyền hình ông cho biết ý kiến và lập trường của ông là dứt khoác cấm người phụ nữ Muslim choàng khăn cũng như bất cứ các biểu tượng của một tôn giáo nào khác. Bản văn của tổng thống đã mập mờ khi dùng câu ‘cấm những biểu tượng rõ ràng ’ đã để lộ sự bối rối và không rõ ràng của ông. Những biểu tượng rõ ràng ấy nó có kích thước như thế nào ? Chẳng ai biết, mà ngay cả tổng thống cũng… mù tịt, có điều theo ông thì nó phải nhỏ, kín đáo để người khác không nhìn thấy ! ?
Những phát biểu nêu trên của giới lãnh đạo cho thấy đường lối bất nhất và lúng túng của đảng cầm quyền, họ đang lèo lái con thuyền nước Pháp mà chẳng biết tương lai của nó rồi sẽ trôi về đâu !
Chiếc khăn choàng đầu chẳng phải là hình ảnh tiêu biểu gì riêng của người phụ nữ Muslim mà nó đã được xem như là trang phục kín đáo tự thuở xa xưa của người đàn bà Do Thái cũng như của người đàn bà theo đạo Thiên Chúa. Ðó là một hình thức tinh tế, hồn nhiên và phổ biến của người phụ nữ đạo hạnh, giá trị của nó trong Thiên Kinh là Luật của Thượng Ðế. Cho nên không gì phản tự nhiên bằng nhân danh luật thế tục để mà thay đổi Luật của Thượng Ðế.
Tưởng cũng nên nói rõ rằng bản chất của một nhà nước thế tục, đầu tiên là phải tôn trọng nhân bản, thực hiện một cuộc sống hài hòa, bình đẳng giữa các cộng đồng trong xã hội. Với một kinh nghiệm lập pháp, nhà nước ấy đề ra những đạo luật mà khi áp dụng sẽ tránh được sự nghi kỵ giữa những người dân cùng sống trong xã hội đó.
Đây mới thật sự là một báo động đáng ngại cho tiền đồ nước Pháp. Trong chương trình học của nước này đã từ lâu chẳng một thầy, cô nào còn biết đến môn đức dục là gì nữa ! thì làm sao mà giáo dục được thế hệ tương lai. Giới mô phạm ngày nay dễ dàng chấp nhận hoặc cố tình làm ngơ trước những tệ trạng học đường. Các nhà giáo ấy vẫn mở thao láo cặp mắt mô phạm đễ thu nhận cho thật rõ những hình ảnh nữ sinh phấn son lòe loẹt, đầu tóc bù xù nhuộm xanh, nhuộm đỏ, áo quần hở hang khoe đùi khoe rốn. Nam sinh thì đầu cạo trọc, xâm mình, xâm mặt, xỏ tai, xỏ mũi, đeo khoen…  Thành phần này tự do nhún nhẩy đến trường mà chẳng thấy có một nhà trách nhiệm giáo dục nào tỏ ra phiền hà chi cả. Nếu học sinh cứ được giáo dục theo cái kiểu tự do tác quái này thì chẳng biết sau này thế hệ thầy cô tức những người nối nghiệp cái thiên chức giáo dục chắc là sẽ… để lộ rõ hơn nữa cái… chân tướng… nhã nhặn lắm vậy.
Thử hỏi, là phụ huynh bà con sẽ cảm thấy và nghĩ thế nào khi con em của chúng ta phải học chung trường với những quái thai thời đại như thế ? Và như vậy thì việc quét dọn phải bắt đầu từ đâu ? Hay đó là quyền tự do cá nhân mà nền cộng hòa phải tôn trọng ?
Khi mà đường phố đã vang lên những câu :‘Khăn choàng đầu là lựa chọn của chúng tôi.’ Thì đó là tiếng kêu, báo động rằng quyền tự do cá nhân đang bị tước đoạt, và… ‘…, khăn choàng đầu của chúng tôi không phải là một cuộc tấn công vào nền Cộng Hòa’….Thì những thế lực muốn làm cho đất nước này bất ổn chính là những người chủ trương chà đạp quyền tự do cá nhân ấy.
Ngày 10/02/04, Hạ viện của quốc gia có đông người Muslim nhất Âu châu đã thông qua dự luật,  bất chấp những lời cảnh cáo của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo. Cuối cùng nó đã được Thượng viện biểu quyết chấp thuận trong tháng 03/2004 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 09, nghĩa là mang ra áp dụng cho niên học sắp tới. Biện pháp cấm đoán này không áp dụng cho các học sinh trường tư và những trường của Pháp ở nước ngoài.
Theo tường thuật của tờ The Guardian ở Anh trích lời người đứng đầu Liên hiệp các Tổ chức Hồi giáo Pháp, ông Lhaj-Thami Breze nói rằng dự luật vừa được thông qua là một hành vi bức bách người Hồi giáo .Một nhà xã hội học ở Pháp, ông Farhad Khosrokhavar cho biết: chỉ có khoảng 20% trong số 5 triệu tín đồ Hồi giáo ở Pháp được xem là những người ngoan đạo, nhưng ngay cả những người vốn không muốn mang khăn choàng đầu cũng cảm thấy bị xúc phạm, vì lệnh cấm này chính là một hành vi tước đoạt quyền tự do cá nhân. Giáo hoàng cũng đã lên tiếng tố cáo Chủ nghĩa thế tục Pháp. Tường thuật của hãng thông tấn AP trích lời phó chủ tịch Nghị hội Do thái Thế giới, ông Greville Janner nói rằng: quyết định của Pháp là một quyết định đáng buồn. Theo ông Janner, các công dân trong một xã hội đa văn hóa có quyền được ăn bận hay đeo những biểu tượng tôn giáo thích đáng mà họ muốn.
Bên cạnh các nhân vật lãnh đạo tôn giáo, một số chính khách ở Âu châu cũng bày tỏ quan tâm đối với lệnh cấm khăn choàng đầu ở Pháp. Một nhà lập pháp của quốc hội Âu châu, ông Claude Moraes cho biết: ông đã yêu cầu Ủy hội Liên hiệp Âu châu và Hội đồng Âu châu nghiên cứu xem dự luật của Pháp có mâu thuẫn với hai chỉ thị về sự bình đẳng trong công ăn việc làm và bình đẳng chủng tộc mà Liên hiệp này đã đưa ra hồi năm rồi hay không. Ngoài ra, thị trưởng London, ông Ken Livingstone cũng đã viết thư cho thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin để yêu cầu cứu xét lại điều luật mà ông cho là có thể tạo ra nhiều mối căng thẳng chẳng những ở Pháp mà còn lan rộng khắp Âu châu. Ngạc nhiên hơn nữa là cả Hoa kỳ và Anh quốc đều cùng lên tiếng biểu lộ sự quan ngại trước dự luật này của nhà cầm quyền Pháp.
Việc mà mọi người đều thấy rõ là chuyện chiếc khăn choàng đầu ở đây nó mang một kích thước khác. Chúng ta không bao giờ phủ nhận truyền thống bảo lưu và dung hòa những giá trị tự do, nhân bản xưa nay của nước Pháp, nhưng ngày nay hình như mảnh đất này đã quá tải và như thế thì những giá trị tích cực phải được xóa đi để nhường chổ những giá trị tiêu cực có chổ sống ! 
Người Muslim tuân hành luật pháp trên đất nước mình cư ngụ, họ đồng ý tiến bộ nhưng tiến bộ trong vòng trật tự, không xóa bỏ, không phá vở. Bởi Islam là tôn giáo Sùng Thiên Mệnh, nên người Muslim ý thức phận làm người là phải tuân theo lẽ Trời và rằng thân thể chúng ta là những tạo vật thiêng liêng của Thượng Ðế, sự quý giá của nó không gì có thể so sánh ngang bằng được và chiếc khăn choànglà một trong những biểu tượng bảo bọc vừa tự trọng vừa kín đáo, nó còn tạo cho phái yếu một sự an lòng như nắm chắc một bảo đảm vô giá mà Thượng Ðế đã ban cho họ.Từ xưa đến nay, thời đại nào cũng thế, khi thể hiện một niềm tin chân chính thì chẳng bao giờ là việc dể dàng và suôn sẻ cả, phải chăng tất cả đều là thử thách và nếu thế thì hãy xem đó như là phương tiện đo lường để củng cố đức tin vậy.
VYN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét