ĂN - UỐNG
Tháng Ramadan đến, ngoài những nghi thức tôn giáo bắt buộc phải chu toàn, mùa chay còn là dịp để ...
Tháng Ramadan đến, ngoài những nghi thức tôn giáo bắt buộc phải chu toàn, mùa chay còn là dịp để người Muslim cải thiện cách ăn uống của mình, để mang lại lợi ích thiết thực cho sức khỏe, không những chỉ riêng trong tháng chay tịnh, mà còn phải được lưu ý thường xuyên trong cuộc sống thường ngày nữa. Thực tế cho thấy, không ít người lạm dụng tháng ăn chay, thay vì ăn uống một cách chừng mực vừa đủ, họ lại trở nên ăn uống có thể nói là quá tải, đưa quá nhiều lượng đường, chất béo vào cơ thể trong khoảng thời gian ấn định được phép ăn, vì nghĩ rằng như thế mới có đủ sức để dự bị cho ngày nhịn hôm sau !. Việc ăn uống một cách thái quá và lầm lẫn này đã khiến cho sự nhịn chay không còn mang ý nghĩa thiêng liêng nữa, nó hoàn toàn đi ngược lại với sựchỉ dạy của Thiên Sứ (saw). Nhân đây, xin ghi lại một vài sưu tầm hữu ích có liên quan đến sự ăn uống, để chúng ta có một cái nhìn khái quát hơn trong vấn đề thiết thực này.
Ăn chừng mực, vừa đủ.
Trong một quyển tự truyện, bác sĩ Kenneth Walker có viết rằng theo kinh nghiệm nghề nghiệp của ông, thì bất kỳ những gì con người ăn, một nửa thức ăn đó sẽ làm đầy cái bao tử của họ và nửa kia sẽ làm đầy cho cái dạ dày của người thầy thuốc. Nếu họ chỉ ăn một nửa những gì mà họ thường ăn thì lúc đó họ sẽ chẳng đau ốm chi cả và cũng chẳng phải cần đến thầy thuốc.
Trên thế giới, có những người đau ốm vì không đủ ăn, cũng có một số người khác lại ốm đau vì ăn quá nhiều. Có những người chết vì đói, lại có một số người khác chết vì bội thực ! Trớ trêu thay, số người chết vì bội thực lại nhiều hơn số người chết vì đói. Thậm chí nếu một người cứ nhịn đói thì anh ta không thể chết được ít nhất là ba tháng sau. Nhưng nếu có một người ăn quá nhiều trong ba tháng thì sẽ không có khả năng nào cho anh ta sống còn.
Xưa kia, ở La Mã có đại đế Nero (54 – 68, trước Tây lịch), ông này lúc nào cũng có hai thầy thuốc túc trực bên mình, chỉ với nhiệm vụ là làm cho ông ta nôn ra sau bữa ăn, để sau đó ông có thể tiếp tục thưởng thức việc ăn uống ít nhất là từ 15 đến 20 lần mỗi ngày. Khi dùng bữa xong ông liền uống thuốc gây nôn để được ăn món khác ngay sau đó. Ngày nay, suy đi ngẫm lại, cách ăn uống của chúng ta xem ra cũng không khác gì nhiều so với Nero.
Nero có sẵn thầy thuốc trong cung vì ông là một đại đế, còn chúng ta tuy không phải vậy nhưng thầy thuốc lúc nào cũng ở gần chung quanh. Nero tự làm cho mình nôn mửa mỗi ngày, còn chúng ta tự làm cho mình nôn mửa sau mỗi vài tháng. Chúng ta theo một chế độ ăn uống lệch lạc và tích lũy đủ thứ trong dạ dày, khi có biến chứng, tìm đến thày thuốc để nhờ ông kê đơn mua thuốc về làm một cuộc tẩy rửa. Xong rồi, tiếp tục ăn uống sai trái trở lại như trước.
Ngày nay người ta bắt đầu thấy rõ rằng những căn bệnh thoái hóa của thế kỷ, nhất là ung thư và tim mạch là kết quả của lối sống hiện đại. Chúng không phải do vi trùng hay vi khuẩn gây ra, mà do cách sinh sống hằng ngày, đặc biệt là từ cách lựa chọn thức ăn và cách ăn của chúng ta. Những gì mà chúng ta lựa chọn hôm nay, từ những thực phẩm bày trên bàn ăn hàng ngày, cho đến cách thức mà ta ăn, uống, đều ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta trong nay mai.
Thái độ ăn uống một cách bừa bãi và sai lạc đang trở nên nguy hiểm, nó đưa con người tới điểm dở sống, dở chết. Thực phẩm chúng ta đang dùng dường như không tạo ra sức khỏe cho ta, mà không khéo lại còn gây thêm bệnh tật nửa. Thật là một tình huống lạ lùng khi thức ăn lại là một trong những nguyên nhân làm cho con người bệnh hoạn. Nó cũng giống như là mặt trời mọc ban sáng mà lại tạo ra bóng tối, đây quả là một mâu thuẩn lạ kỳ nhưng mang ra so sánh thì không kỳ lạ chút nào.
Các y sĩ trên thế giới đều có cùng một kết luận là hầu hết bệnh tật của con người do ăn uống sai lầm và quá độ của họ mà ra. Bệnh đái đường, béo phì và nhiều bệnh khác có liên quan đến việc ăn quá tải. Chúng ta phải biết cân nhắc vì dạ dày là một cơ quan giãn nở, nó có thể chứa thức ăn gấp đôi bình thường. Thức ăn cần cho sự tồn tại và hoạt động nhưng không phải vì thế mà lạm dụng. Phải biết ngưng để thắng cơn khoái khẩu và đừng vì thèm thuồng mà hành hạ bao tử một cách vô tội vạ.
Nghĩ đến ăn uống.
Chúng ta ăn một bửa ăn, đó là nhu cầu tự nhiên, ăn là cần thiết, là tốt, là bình thường. Nhưng kẻ cứ nghĩ về ăn uống trong suốt 24 tiếng trong ngày thì đó là kẻ không bình thường. Việc này chứng tỏ trung tâm thần kinh của đương sự đã bị rối loạn, hắn ta đang sử dụng tâm trí để làm công việc của bao tử. Thức ăn không thể tới được tâm trí nên tâm trí không thể tiêu hóa nó. Tâm trí càng nghĩ ngợi nhiều về thức ăn thì công việc của bao tử càng bị suy nhược, nó sẽ trở nên rối loạn. Bao tử của chúng ta là một trung tâm vô thức, khi thức ăn vào đó thì nó tự động làm công việc tiêu hóa, ta chẳng cần phải suy nghĩ chi cả. Thử tưởng tượng : Ta đang dùng bửa, nuốt thức ăn và nó trôi từ từ xuống bao tử, nó đang được trộn với nhau để tiêu hóa, bây giờ... chắc nó đang nhuyễn ra từ từ đó, không biết nó có dễ tiêu không nữa vì mình ăn hơi vội ! đầu óc cứ tưởng hết điều này đến việc khác.., ta sẽ thấy rằng công việc tiêu hóa thức ăn trong ngày đó nó không thể tự nhiên được. Càng có nhiều suy nghĩ chen vào thì trong những diễn trình vô thức của bao tử sẽ càng có nhiều rối loạn. Những tai nạn đại loại như thế thường hay xảy ra đối với những người bị thức ăn ám ảnh.
Nếu một người nhịn đói mà không có lý do, thì dần dần thức ăn sẽ đi vào trong tư tưởng của hắn. Hắn sẽ không ăn, hắn nhịn, nhưng hắn đang nghĩ về thức ăn. Sự suy nghĩ này còn nguy hiểm hơn là chính việc ăn. Thức ăn rất cần thiết đối với đời sống, nhưng cứ nghĩ hoài về nó thì đó là bệnh. Khi một người bắt đầu nghĩ về ăn uống thì mọi chuyện khác trong cuộc sống của hắn sẽ dừng lại, hắn sẽ bị ám ảnh bởi những ý tưởng vô ích này.
Thực phẩm và quá trình tiêu hóa.
Suốt thể kỷ 20, có thể nói người ta đã dùng quá nhiều thực phẩm có chất béo và cholesterol cao, đây là nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ một số dạng bệnh ung thư trầm trọng, trong đó có ung thư ruột kết và những chứng bệnh kinh niên ngặt nghèo khác. Mối quan hệ giữa bệnh ung thư ruột kết và thực đơn chứa hàm lượng mỡ cao làm tăng mức cholesterol đã được tờ báo y khoa New England Journal of Medicine(12/86), sau khi nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng rằng khoảng 60% đàn ông có hàm lượng cholesterol quá cao, có khả năng phát triển ung thư ruột hơn những người có tỷ lệ cholesterol ở mức bình thường. Thịt, trứng, bơ, sữa sản phẩm công nghiệp... là những nguồn gốc chính sinh ra sản lượng chất béo dư thừa trong khẩu phần ăn hằng ngày của chúng ta hiện nay.
Thêm vào đó, mức tiêu thụ đường tinh chế lấy từ mía, củ cải, đường fructoza và các loại xirô tính trung bình mỗi năm mức tiêu dùng của người sinh sống ở Âu, Mỹ là 45kg. Đối với loại đường này, chúng được chuyển hóa rất nhanh, sau khi dùng, nó sẽ thấm ngay vào máu và gây hiện tượng thừa axit trong máu. Để bù lại, tụy (tuyến tiêu hóa nằm dưới dạ dày) phải tiết ra insuline, một chất làm tăng quá trình thải lượng đường thừa trong máu và làm cho đường dễ dàng đi vào các tế bào của cơ thể hơn. Bệnh đái đường là đặc trưng của tình trạng suy giảm chức năng của tụy, làm cho nó không thể tạo ra lượng insuline đủ để trung hòa lượng đường huyết thừa sau nhiều năm ăn uống quá mức cần thiết.
Gan hấp thụ một lượng đường glucose (sản phẩm cuối cùng của toàn bộ quá trình chuyển hóa) từ máu và dự trữ chúng dưới dạng glycogene, phòng khi cơ thể cần đến. Nếu gan đã tích trữ hết khả năng dự trữ của nó, khoảng 50gr đường, thì số glucose thừa có thể bị tách ra đi vào máu dưới dạng axit béo. Số axit béo này được tích trữ trước hết trong những bộ phận ít hoạt động của cơ thể như mông, đùi, bụng. Sau đó nếu tất cả các chất ngọt khác được tiếp tục đưa vào cơ thể, axit béo sẽ tác động lên các cơ quan nội tạng như tim, gan và thận, dần dần bao bọc các cơ quan này trong một lớp mỡ và nước nhầy.
Quá trình tích trữ này cũng có thể thâm nhập vào các mô bên trong, làm suy giảm chức năng hoạt động bình thường của chúng và cuối cùng tạo nên những chỗ viêm tắc, điển hình là trong trường hợp bệnh xơ vữa động mạch. Lượng mỡ tích tụ liên tục do tiêu thụ đường tinh chế quá mức cũng có thể dẫn đến nhiều dạng ung thư khác nhau, trong đó có khối u ở vú, ruột kết (ruột già) và cơ quan sinh sản. Cũng có thể xảy ra những dạng thoái hóa khác khi bộ phận cung cấp chất khoáng bên trong cơ thể được huy động để loại trừ những tác động làm suy nhược cơ thể do việc tiêu thụ đường gây ra. Chẳng hạn như chất calci trong răng có thể bị tiêu hủy để cân bằng lại với lượng kẹo, bánh, nước ngọt và các món ăn tráng miệng chứa đường ăn vào quá thừa thãi.
Trong khi với một quá trình tiêu hóa bình thường, đường có tự nhiên trong ngũ cốc, các loại rau cải, đậu, trái cây... được các loại men enzym trong miệng, dạ dày, tụy và ruột chuyển hóa một cách từ từ với tốc độ gần như cân bằng. Nó đi chậm rãi vào mạch máu sau khi đã được phân chia thành những đơn vị nhỏ hơn, tạo cho lượng axit và alcaline (kìm) trong máu không bị thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét