Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Mùa xuân Arab, triển vọng các lợi ích của Mỹ và hợp tác an ninh trong thế giới Arab


Mùa xuân Arab, triển vọng các lợi ích của Mỹ và hợp tác an ninh trong thế giới Arab

Mùa xuân Arab đang diễn ra sâu rộng tại Trung Đông hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với chính phủ Mỹ. Nhìn chung, sự nhân rộng các chính phủ ít tham nhũng và dân chủ hơn tại khu vực Trung Đông sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ, bởi vì các chính phủ đó sẽ không còn theo đuổi đường lối chính trị cấp tiến, trở nên ôn hòa hơn, ổn định hơn và tư duy rộng mở hơn. Tuy nhiên, mỗi nước trong phong trào  Mùa xuân Arab cần phải được nghiên cứu một cách riêng biệt, và cần phải hiểu rằng dân chủ không phải là một kết quả tất yếu cho bất cứ quốc gia nào tham gia vào phong trào nổi dậy hiện nay. Nhiều cuộc cách mạng bắt đầu rất suôn sẻ nhưng kết thúc lại thất bại. Do đó, những đánh giá về lợi ích của Mỹ trong vòng xoáy của các sự kiện này cần phải được đưa ra một cách thận trọng. 


Mùa xuân Arab khiến chúng ta liên hệ đến cuộc Cách mạng Iran ở một số điểm, tuy nhiên hai cuộc cách mạng này có nhiều khác biệt hơn là tương đồng. Năm 1979, Cách mạng Iran được châm ngòi, nuôi dưỡng và củng cố về cơ bản là do có những thế lực chống đối Mỹ và đặc biệt là do những hoạt động của quân đội Mỹ tại Iran. Cho đến nay, hầu hết những biến động rầm rộ của Mùa xuân Arab hoàn toàn xuất phát từ những vấn đề nội tại của các quốc gia này và Mỹ không có vai trò trung tâm hoặc quan trọng trong việc giải quyết những bất đồng giữa lực lượng chống đối và chính phủ. Hơn thế, mối quan tâm hiện nay của Mỹ chủ yếu vẫn là nghèo đói, tham nhũng, thất nghiệp và sự thiếu hụt các tổ chức dân chủ. Thêm vào đó, trong giai đoạn 1979-1980, Iran với tư cách là một nhà sản xuất dầu mỏ lớn, có đủ khả năng phá vỡ quan hệ với Mỹ mà vẫn có thể bảo đảm các khoản trợ cấp để trấn an tầng lớp dân nghèo thành thị đang đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ vua Shah. Trái lại, những chính phủ hậu Mùa xuân Arab đã sai lầm khi theo đuổi chủ nghĩa  thực dụng để kêu gọi viện trợ và đầu tư quốc tế, điều đặc biệt sống còn đối với những nền kinh tế không có hoặc có ít dầu mỏ. Nói một cách thẳng thắn, giới lãnh đạo chính trị mới sẽ không có ảnh hưởng chính trị hay khả năng trấn áp để yêu cầu dân chúng hy sinh nhiều hơn nữa nhằm thách thức phương Tây. Nhân dân không thể ăn bằng những lời nói suông của chính phủ và sẽ lại nổi dậy nếu các chính phủ thời kỳ hậu cách mạng tiếp tục thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất cơ bản của họ.
Trở lại với những trường hợp cụ thể, Mỹ hiện tại đang duy trì quan hệ tốt với những chính phủ cách mạng mới tại Ai Cập và Tunisia. Trong cả hai trường hợp, đặc biệt là Ai Cập, có những lý do thuyết phục để hai bên tiếp tục hợp tác trong các vấn đề kinh tế và quốc phòng. Cairo có thể trở nên độc lập và quyết đoán hơn trong tương lai, nhưng lợi ích của nó vẫn phụ thuộc vào việc duy trì mối liên hệ chặt chẽ với phương Tây. Lợi ích của Tunisia cũng nằm trong mối quan hệ hợp tác với các quốc gia phương Tây nếu quốc gia này muốn tránh sự sụp đổ kinh tế và đương đầu với mối nguy hiểm của hoạt động khủng bố trong nước. Cả hai chính phủ đều nhận thức được rằng họ phải cố gắng tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế do chính quyền cũ để lại và theo đuổi một chính sách đối ngoại không được bỏ qua các nhà tài trợ nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài và ngành thương mại du lịch vốn có vai trò quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Tại Libya, chính quyền Gaddafi có thể bị lật đổ là sự phát triển rất có lợi đối với Mỹ, châu Âu và hầu hết các quốc gia Arab, nhưng vẫn cần chú ý tới những diễn biến sau đó nhằm tránh những sai lầm thời kỳ hậu cách mạng. Khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ, bất cứ chính phủ kế nhiệm nào cũng sẽ tìm giải pháp dễ dàng và khôn ngoan nhằm duy trì quan hệ với phương Tây và các quốc gia Arab vùng Vịnh. Tuy nhiên, mối nguy hiểm vẫn tồn tại khi một lượng lớn những người cực đoan mang khuynh hướng bạo lực đã trốn khỏi hệ thống các nhà tù của Gaddafi hoặc  sống bất hợp pháp ngay tại thời điểm cuộc nổi dậy bắt đầu. Những người dân Libya có ít kinh nghiệm với dân chủ, và sự ra đi của Gaddafi có thể không dẫn tới việc hình thành một chính phủ dân chủ. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc, châu Âu và Liên đoàn Arab trong việc tái xây dựng Libya, nhưng Mỹ sẽ không nhúng tay quá sâu trong việc định hình tương lai của Libya. Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ xem xét một cách thận trọng bất cứ yêu cầu nào của chính phủ mới thời kỳ hậu Gaddafi trong việc hỗ trợ chống khủng bố.
Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm tại Bahrain, đồng minh quan trọng của Mỹ, nhưng đồng minh này lại không thể kiểm soát được mối quan hệ giữa cộng đồng người Sunni và Shite. Sự có mặt của hải quân Mỹ tại Bahrain khiến Mỹ khó tránh khỏi bị can dự trong khủng hoảng, giới lãnh đạo Mỹ rõ ràng đã lo lắng về mối quan hệ phân cực quá sâu giữa người Sunni và người Shite tại quốc gia này. Thái độ khoan dung của Mỹ đối với sự đàn áp của chính phủ Bahrain có thể vì thế sẽ làm mất lòng cộng đồng người Shite ở ngoài Bahrain và sẽ khiến cộng đồng người Shite tại Bahrain trở nên quá khích, thậm chí sẽ khiến nhiều người trong số họ coi Iran như một vị cứu tinh tiềm năng. Trái lại, phá vỡ tất cả quan hệ của Mỹ với Bahrain, bao gồm cả quan hệ quân sự sẽ là một sự rút lui mang tính chiến lược đối với Mỹ và điều này rất có lợi cho Iran. Nói chung, tình hình tại Bahrain và đặc biệt là bạo động đã làm tổn hại lợi ích của Mỹ, cải thiện vị trí của Iran, nhưng tình trạng này có thể thay đổi được nếu Mỹ quan tâm tới những yêu cầu của người Shite tại Bahrain.
Những biến động quy mô lớn tại Syria sẽ không kết thúc nhanh chóng và dễ dàng vì mối quan tâm tập trung vào quyền lãnh đạo của người Alawite và đại đa số những người Hồi giáo dòng Sunni. Đa phần những người theo giáo phái Alawite luôn kiên định, trung thành với chính quyền, nhưng cộng đồng này chỉ chiếm 8-10% dân số, trong khi cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni chiếm hơn 70% dân số và đang bất mãn sâu sắc với chính phủ đương nhiệm. Không có cơ sở chắc chắn nào để nhận định quốc gia này duy trì được sự thống nhất hay chia rẽ trong thời kỳ hậu xung đột. Người Alawite mong muốn thiết lập một nhà nước riêng (chẳng hạn như quanh Latikiya) trước khi đầu hàng các nhóm vũ trang người Sunni bởi một nhà nước như thế có thể duy trì được những lợi ích kinh tế. Lợi ích của Mỹ chắc chắn sẽ không bị tổn hại bởi sự ra đi của chính quyền Syria, và việc thiết lập một đất nước Syria dân chủ sẽ là đồng minh quan trọng trong tiến trình hòa bình giữa Arab – Israel và cuộc đấu tranh chống khủng bố. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền Assad vẫn là điều chưa chắc chắn.
Yemen hiện đang chìm sâu trong các cuộc nổi dậy của dân chúng, đôi lúc quốc gia này có nguy cơ đứng bên bờ vực của nội chiến. Từ tháng 2 năm 2011, chính phủ Yemen đã không thành công trong việc xử lý hay dập tắt những cuộc bạo động chính trị, nhưng nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân đội tiếp tục rời bỏ theo phe đối lập. Hơn nữa, Yemen là quốc gia cần sự giúp đỡ từ những nước láng giềng giàu có hơn và cộng đồng quốc tế nếu quốc gia này muốn tồn tại như một thực thể chính trị thống nhất và thậm chí có thể tránh được nạn đói trên diện rộng. Với nhu cầu cần rất nhiều viện trợ nước ngoài, không chính phủ nào của Yemen lại theo đuổi đường lối cấp tiến một cách cảm hứng để bỏ qua những nguồn viện trợ tiềm năng. Nguy hiểm thực sự tại Yemen là quốc gia này có thể bị kiểm soát hay ảnh hưởng bởi những tổ chức khủng bố như Al-Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP). Khả năng này cho thấy một nguy cơ lớn đối với những lợi ích của Mỹ, lợi ích mà cả chính phủ và phe đối lập đã hứa sẽ giải quyết, mặc dù không ai trong số họ tập trung vào điều đó vì hiện nay các cuộc tranh giành quyền lực vẫn diễn ra tại thủ đô Sana’a. 
Algeria trải qua những cuộc biểu tình lớn trong tháng 1 năm 2011 khi những người biểu tình yêu cầu phải giảm giá thực phẩm (giá thực phẩm đã tăng nhanh chóng trong những năm qua) và kêu gọi phải nỗ lực để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Chính phủ đã phản ứng bằng cách ra lệnh giảm giá các mặt hàng thiết yếu bao gồm dầu ăn, đường và bột mỳ. Phản ứng này đã làm giảm sự chống đối, mặc dù những cuộc biểu tình nhỏ hơn vẫn tiếp tục trong năm 2011. Chính quyền Algeria không bị đe dọa vào thời điểm này, và Algeria thành công hơn rất nhiều so với Tunisia trong việc triệt tiêu, phá vỡ và kiềm chế những cố gắng của phe đối lập nhằm tổ chức các cuộc biểu tình lớn hơn. Dân chúng Algeria cũng đặc biệt nhận thức được những nguy hiểm của nội chiến kéo dài. Vì điều đó, không có người Algeria nào cho rằng thay đổi chính quyền là việc dễ dàng. Những vấn đề cơ bản đang diễn ra tại Algeria hiện nay trùng hợp với cuộc nổi dậy tại Tunisia nhưng đất nước này đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn một thập kỷ qua. Lợi ích của Mỹ tại Algeria sẽ không bị những người biểu tình cũng như chính phủ nước này đe dọa.
Jordan đôi lúc được đánh giá là sắp nổ ra cuộc cách mạng, nhưng những quan ngại này đã bị thổi phồng. Phần lớn dân chúng rất trung thành với chính quyền Hashemite, trong khi những người theo phe đối lập lại không thể đưa ra một phương án thay thế khả thi. Jordan là một trong những quốc gia nghèo tài nguyên nhất trong thế giới Arab, mặc dù quốc gia này có khả năng xây dựng cuộc sống tương đối ổn cho hầu hết người dân dựa vào các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Người Palestine với tư cách công dân Jordan ít nhất chiếm đến một nửa dân số Jordan, và một Jordan dân chủ trong đó những người Palestine chiếm đa số liên tục bị đặt dưới áp lực phải từ bỏ hiệp ước hòa bình với Israel và bình thường hóa quan hệ với Phong trào kháng chiến Palestine (Hamas). Những chính sách đó chắc chắn sẽ làm cho Mỹ dừng viện trợ và có thể châu Âu cũng sẽ làm như vậy. Khi rất nhiều người Palestine-Jordan muốn có một chính phủ dân chủ thì họ cũng nhận thức được rằng những chính sách phục vụ quyền lợi của dân thường rất có thể sẽ hủy hoại đất nước họ trên phương diện kinh tế vì sự thiếu hụt nguồn viện trợ. Thêm vào đó, Jordan là một đồng minh hữu ích với Mỹ khi quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại Al-Qaeda. Bất cứ chính phủ nào kế nhiệm chính quyền  Hashemite có thể sẽ không thân thiện và mang tính thù địch với Mỹ bất chấp những hậu quả kinh tế trầm trọng có thể ảnh hưởng đến người dân Jordan. Vì thế Mỹ sẽ bị mất mát lợi ích nếu để chính quyền Hashemite bị lập đổ. Hơn thế, người Mỹ vẫn có thể tương đối hài lòng nếu nền dân chủ dân túy được thiết lập tại Jordan bởi vì sự sụp đổ của đất nước này sẽ đẩy dân chúng Jordan tới vực thẳm của sự nghèo đói, bất ổn định chính trị và như vậy Jordan sẽ tiếp tục mâu thuẫn căng thẳng với Israel.
Tại Morocco, một bản Hiến pháp mới đã được xây dựng, trong đó duy trì quyền lực của nhà vua nhưng chuyển giao một số quyền lực của nhà vua cho thủ tướng. Vua Mohammed vì thế có thể sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại thông qua những điều chỉnh chính trị khôn ngoan. Bên cạnh đó, phe đối lập tại Morocco không bị chi phối bởi Hồi giáo và không coi những chính sách đối ngoại của Morocco là một phần quan trọng trong sự bất mãn của họ. Mỹ đã duy trì một mối quan hệ có lợi với Morocco qua nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục duy trì phương thức cũ khi quan hệ với vua và chính phủ mới vì một tương lai có thể dự đoán trước. Hiện nay, Mỹ dường như không quá lo lắng về phe đối lập không quá khích và phân tán ở Morocco. Kết cục tốt nhất sẽ là việc nhà vua tiếp tục thực hiện cải cách, chống tham nhũng, xây dựng một thể chế dân chủ hơn. Những nỗ lực cố gắng này sẽ ngăn chặn những cuộc nổi dậy trong tương lai nếu như dân chúng không hài lòng với tiến bộ hiện tại.
Oman đã gặp nhiều vấn đề với các đoàn biểu tình trong Mùa xuân Arab, nhưng những khó khăn này đã được kiểm soát và sẽ không là mối đe dọa đối với chính quyền. Qua quá trình đấu tranh với chính phủ, những người biểu tình không yêu cầu sự ra đi của quốc vương Qaboos, nhưng họ đã đạt được thỏa thuận là buộc quốc vương phải thiết lập một cơ quan lập pháp đủ mạnh để có thể làm đối trọng với quyền lực chuyên chế. Đòi hỏi chính của họ tuy nhiên vẫn là kinh tế. Quốc vương Qaboos phản ứng nhanh chóng với cuộc nổi dậy trong tháng 2 bằng việc cách chức 12 bộ trưởng, tăng mức lương tối thiểu, và hứa sẽ tạo ra 50.000 việc làm mới. Những cố gắng này đã giúp ổn định tình hình. Hiện tại, chính phủ Oman không gặp phải nguy cơ bị lật đổ và những người chống đối cũng không quan tâm đến quan hệ giữa Oman với Mỹ. Không có lợi ích nào của Mỹ bị đe dọa tại thời điểm này.
Kuwait hiện đang gặp phải tình trạng rối ren chính trị trong nghị viện khi nghị viện của họ bị bôi xấu bởi cuộc xâm chiếm Barhrain do người Saudi cầm đầu cũng như việc người dân đứng lên yêu cầu chính phủ phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Kuwait là quốc gia giàu có và không vấp phải những vấn đề liên quan đên đói nghèo như tại Tunisia hay Ai Cập, người dân Kuwait cũng không tham gia vào những cuộc nổi dậy hàng loạt. Các biện pháp khuyến khích kinh tế vốn được coi là nguyên tắc sống còn của hệ thống chính trị đã không được trao cho nhóm người tham gia biểu tình, khiến họ cảm thấy họ bị gạt ra khỏi những lợi ích kinh tế và những sự ràng buộc kinh tế của đất nước. Vấn đề nội tại lớn nhất của quốc gia này là chủ nghĩa bè phái giữa người Sunni và người Shite, mặc dù tham nhũng cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến người dân không hài lòng. Những vấn đề này vẫn có thể kiểm soát được tại thời điểm hiện tại. Hơn nữa, kinh tế Kuwait không phụ thuộc vào phương Tây, nhưng vẫn có lý do để Kuwait thắt chặt quan hệ với Mỹ và những đồng minh khác. Hầu hết người dân, bao gồm cả những người ít hài lòng nhất với chính phủ tiếp tục lo ngại về sự kiện Iraq ngay cả khi Saddam Hussein đã bị lật đổ. Cũng vậy, nhiều người đặc biệt quan tâm đến chính sách của Iran đối với đất nước của họ. Việc khám phá ra một ổ gián điệp của Iran tại đây đã kéo hồi chuông báo động ở Kuwait, và một số người cũng thể hiện quan ngại về những phần tử ẩn danh của Iran mà từ đó Tehran có thể kích hoạt trong một cuộc khủng hoảng.
Lebanon gần đây cũng gặp phải tình trạng rối ren chính trị và một cuộc nội chiến lần thứ hai không phải là không thể, mặc dù những diễn tiến này là kết quả của sự  khác biệt chính trị và sự can thiệp không ngừng của Syria tại Lebanon hơn là một sự phản ứng theo Mùa xuân Arab. Chính phủ do Hezbollah lãnh đạo ở Lebanon đã yêu cầu Quốc hội Mỹ ngay lập tức chấm dứt viện trợ quân sự cho quốc gia này. Hành động cảm tính này là rất dễ hiểu, và áp lực thực hiện chính sách như thế là tất yếu bởi Mỹ phản đối chủ nghĩa khủng bố Hezbollah. Vì chính phủ Lebanon rất không ổn định, có thể Mỹ sẽ tiếp tục giữ quan hệ với quân đội Lebanon ở mức độ nhất định, nhưng nhìn chung sự dính líu của Mỹ ở Lebanon sẽ là rất nhỏ.
Dù là quốc gia ít khi thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế, Mauritania cũng bị ảnh hưởng bởi Mùa xuân Arab. Một nhóm đối lập có tên là “Phong trào 25 tháng 3” được thành lập lấy cảm hứng từ Tunisia và Ai Cập và đã cố gắng tổ chức các cuộc biểu tình giống như các cuộc biểu tình đang thách thức hệ thống chính trị tại Ai Cập và Tunisia. Phong trào này đã tổ chức các cuộc biểu tình và phản đối từ tháng 1 năm 2011, yêu cầu phải có cải cách chính trị và cải cách xã hội, đặc biệt trong vấn đề quyền lợi của người nghèo. Ở Mauritani, giống như ở các quốc gia khác, chính quyền đã đáp lại bằng việc phối hợp hứa hẹn cải cách với trấn áp. Thủ tướng đã hứa sẽ thực hiện cải cách hàng loạt, nhưng cảnh sát quốc gia nước này vẫn sử dụng dùi cui và hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình. Phe đối lập không yêu cầu chính phủ  thay đổi chính sách đối ngoại nhưng yêu cầu chính phủ mới phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn. Mỹ chắc chắn sẽ làm việc với một chính phủ Mauritani tập trung vào các vấn đề cải cách và sẽ giúp đỡ họ kiềm chế các hoạt động mạnh mẽ của Al-Qaeda trong Nhóm Hồi giáo Maghreb (AQIM). Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắc chắn về sự thành lập của một chính phủ như thế. 
Tại thời điểm này, những người thuộc phe đối lập Saudi còn quá ít và không có tổ chức, do vậy chưa thực sự là mối nguy hiểm đối với chế độ quân chủ. Hơn thế, giới lãnh đạo Saudi đã chi những khoản tiền lớn để cải thiện phúc lợi cho người dân của họ với hy vọng đảm bảo cho nhân dân những lợi ích kinh tế để họ ủng hộ chính phủ, tuy nhiên về mặt chính trị, giới cầm quyền không có bất kỳ sự khoan nhượng nào. Những người theo phe đối lập Saudi nên giành một chỗ đứng quan trọng để yêu cầu cải cách Saudi Arabia hoặc là thay thế gia đình hoàng gia Saudi bằng một kiểu chính phủ khác; họ có thể đổ lỗi cho Mỹ vì đã hỗ trợ duy trì sự cai trị của chế độ quân chủ trong nhiều năm. Những gánh nặng như thế là có thật, cho dù phe đối lập đã hướng về mô hình cải cách của phương Tây và có thể sẽ tiếp tục ủng hộ quan hệ thân thiện với Mỹ. Bất cứ thay đổi nào tại Saudi Arabia đều khiến Mỹ phải quan tâm đặc biệt. Hơn thế, nếu những người cấp tiến nắm được quyền kiểm soát Saudi Arabia trong trường hợp lực lượng tham gia Mùa xuân Arab lại nổi dậy, nhưng nếu  sau đó họ lại bị đẩy ra ngoài rìa thì điều này sẽ là một vấn đề lớn đối với Mỹ. Những cá nhân này có thể dễ dàng từ chối Mỹ mà không quan tâm những hậu quả kinh tế của những hành động như thế.
Bất cứ chính sách nào Mỹ áp dụng đối với các quốc gia thuộc nhóm Mùa xuân Arab đều là sự mạo hiểm bởi tương lai không chắc chắn của họ. Tình thế này yêu cầu một số các quốc gia (bao gồm Ai Cập, Tunisia, và có thể là Yemen và Libya dưới những chính quyền mới) được đối xử như những đồng minh khi họ đang trong quá trình chuyển đổi, miễn là họ có một cơ hội thích hợp để xây dựng được một chính phủ cải cách. Các nhà lãnh đạo bản địa sẽ có những liên hệ đồng minh với Mỹ như một tuyên bố tiến tới nền dân chủ. Dưới những điều kiện đó, các chương trình như Chương trình đám phán của Bộ tham mưu quân sự Mỹ (US.Army Staff Talks Program), những cuộc thảo luận song phương về các vấn đề chiến lược với các quốc gia đối tác nên được tiếp tục thực hiện nếu không các quốc gia này sẽ không còn là những đồng minh tin cậy lâu dài. Sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao trong các cuộc hội nghị khu vực vẫn là một việc làm hiệu quả khi đối tượng thảo luận vẫn là những vấn đề tương tự đã tồn tại trước khi có Mùa xuân Arab. Cũng có một số vấn đề khó xử nhạy cảm phải được xem xét. Các tướng lĩnh quân đội Mỹ sẽ phải quan tâm tới việc tham gia các cuộc diễn đàn đa phương nơi xuất hiện các đại diện của các phong trào chống đối mà Mỹ không công nhận.
Các tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng nên tiếp tục có mối liên lạc với các tùy viên từ Tunisia và Ai Cập, cũng như từ các quốc gia đồng minh khác bao gồm cả Bahrain. Quan hệ tiếp xúc với Syria sẽ phải được giảm thiểu đến mức tối đa, đó không phải là một chính sách khó khăn để áp dụng vì chính phủ Syria đã tài trợ cho một nhóm vũ trang tấn công Sứ quán Mỹ. Việc Mỹ quyết định công nhận Hội đồng dân tộc lâm thời (TNC) và sự sụp đổ được dự đoán trước của chính quyền Gaddafi đều sẽ là hữu ích cho những người đứng đầu quân đội Mỹ khi tham dự các cuộc thương thuyết hiện nay với chính phủ Libya mới về những vấn đề chiến lược. Mỹ không quan hệ nhiều với Libya trong 41 năm qua và bất cứ nỗ lực nào để hiểu được những lo lắng của một chính phủ mới sẽ có giá trị và thậm chí có thể được đánh giá cao bởi những người đứng đầu quân đội Lybia.
Trong hoàn cảnh như vậy, Mỹ sẽ cần phải duy trì Chương trình Giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế (IMET) đối với Ai Cập và Tunisia và tiếp tục những hình thức hỗ trợ quân sự khác. IMET không nên được xem xét như là lựa chọn tối ưu đối với các phong trào nổi dậy cho đến khi Mỹ chính thức công nhận những chính phủ mới thuộc phe đối lập được thành lập (ngay cả khi đang nội chiến). Nếu giới lãnh đạo Mỹ có tham vọng công nhận những chính phủ đó như đã lên kế hoạch với Libya, không có lý do gì để ngăn cản các chính phủ đó tham gia vào chương trình IMET vì xung đột vẫn đang diễn ra. Mỹ cũng có thể cung cấp vũ khí cho phiến quân tại Libya sau khi công nhận chính thức TNC, mặc dù điều này có thể không cần thiết. Pháp và Qatar hiện đang cung cấp vũ khí và các chuyên gia huấn luyện cho phiến quân Libya, những người họ công nhận như một chính phủ hợp pháp, còn vai trò của Mỹ trong những nỗ lực như thế là không lớn; điều đó chắc chắn sẽ không được ưa chuộng tại Libya. Vũ khí và các khóa huấn luyện cho phiến quân Syria tại thời điểm này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, sẽ tạo thuận lợi cho chính phủ Damascus có cách bào chữa khi xóa bỏ tất cả những cản trở trong việc thảm sát người dân mà cán cân quân sự vẫn không nghiêng về phía những người biểu tình. Mỹ nên tiếp tục tham gia vào các cuộc tập trận đa quốc gia bao gồm Ai Cập và Tunisia cũng như những đồng minh khác của Mỹ tại khu vực.
Jordan có thể được đánh giá là một đồng minh hữu ích giúp Mỹ phản ứng với Mùa xuân Arab. Hỗ trợ quân sự cho Jordan nên được duy trì miễn là chính phủ nước này không quá lạm dụng nhân quyền để chống lại những người biểu tình. Jordan là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực, và sự ổn định của đất nước này là rất quan trọng đối với những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Hủy bỏ tập trận hay huấn luyện hoặc không đồng ý với tiến trình cải cách sẽ là một sai lầm khủng khiếp. Trong trường hợp của Jordan, sẽ là khôn ngoan khi mở rộng hợp tác quân sự, để những thiết bị của Jordan có thể được sử dụng vào việc huấn luyện quân đội chuyên nghiệp hóa và chống khủng bố phục vụ cho các chính phủ mới. Mở rộng hợp tác Mỹ - Jordan trong việc lập kế hoạch an ninh quốc gia, kế hoạch đột xuất và phát triển học thuyết là một cách cực kỳ hữu hiệu để tiến về phía trước. Trung tâm huấn  luyện hoạt động đặc biệt của vua Abdullah II (KASOTC) là hết sức quan trọng. Trung tâm này của Jordan được xây dựng bằng vốn của Mỹ, có thể cung cấp những khóa huấn luyện đặc biệt cho quân đội Libya thời kỳ hậu Gaddafi. Nó cũng rất giá trị trong việc giúp quân đội Yemen sau khi chấn động tại quốc gia này chấm dứt. Trên khía cạnh này, quân đội Yemen có thể phải xây dựng lại để đối phó với nguy cơ khủng bố. Cung cấp vốn để tăng cường hoạt động tại KASOTC sẽ là chi tiêu đúng đắn của Mỹ. Các đội huấn luyện di động được gửi tới KASOTC để làm việc với những người huấn luyện sẽ cũng là một bước tiến đáng ghi nhận.
Cũng có những vấn đề đặc biệt liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Như đã nói ở trên, xung đột trong lòng Yemen đang tạo cơ hội cho những tổ chức khủng bố và đặc biệt là AQAP. Mỹ đã nhận được những đảm bảo rằng cả chính phủ lâm thời Yemen và lực lượng chống đối Mùa xuân Arab sẽ sẵng sàng kết hợp với Washington để chống lại khủng bố, nhưng không ai tại Yemen xem đây là ưu tiên hàng đầu. Bất cứ can thiệp quân sự nào của Mỹ tại Yemen bằng bộ binh sẽ là thảm họa vì người dân Yemen rất không thiện cảm với sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ và gần như mỗi người Yemen có thể làm để chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ, không quan tâm tới lý do tại sao. Tuy nhiên, Mỹ có thể đạt được sự cho phép không công khai từ cả phía chính phủ lẫn những lực lượng chống đối để tiếp tục các cuộc không kích, bao gồm cả những cuộc không kích bằng máy bay không người lái chống lại AQAP. Phe đối lập tại Yemen cần phải biết rằng những quan hệ trong tương lai với Mỹ phụ thuộc vào sự hợp tác của họ trong việc chống lại khủng bố. Cũng như vậy, cả Arab Saudi và Jordan có thể đóng vai trò quân sự quan trọng trong việc hỗ trợ chống khủng bố, thậm chí nếu họ phải hợp tác với những chỉ huy địa phương và những thủ lĩnh của các bộ lạc để làm điều đó. Amman và Riyadh căm thù Al-Qaeda và những tổ chức nhánh của nó hơn phần lớn người Mỹ. Những nỗ lực của họ sẽ là rất cần thiết.
W. Andrew Terrill
Trần Anh Đức lược dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét