Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

KHÁC BIỆT QUAN ĐIỂM


KHÁC BIỆT QUAN ĐIỂM


Chủ đề này đã gợi nhiều câu hỏi trong cộng đồng người Muslim. Vì sao tôi chọn đề tài này mà không lựa chọn một vấn đề ...
Chủ đề này đã gợi nhiều câu hỏi trong cộng đồng người Muslim. Vì sao tôi chọn đề tài này mà không lựa chọn một vấn đề khác quan trọng hơn trong Islam ?. Hiện nay, vấn đề này đã gây nên nhiều sự hoang mang trong cộng đồng và luôn cả các học sinh học về môn thần học Islam. Hơn nữa, các thông tin đại chúng lại phổ biến những ý kiến khác nhau của người này, kẻ nọ về giáo luật Islam, nhằm gây nhiễu loạn trong quần chúng, nhất là những ai không hiểu biết về nguyên nhân của sự khác biệt đó. Vì thế, mà tôi chọn chủ đề này, thiết nghĩ nó cũng không kém phần quan trọng như những vấn đề khác. Cầu xin Allah che chở và soi sáng cho tôi được hoàn thành.
Một trong những ân phúc mà Allah ban cho cộng đồng Muslim là sự bất đồng quan điểm không nằm trong nền tảng căn bản và Thông Ðiệp chính của tôn giáo Islam. Thứ đến sự khác biệt quan điểm chỉ liên quan đến những lãnh vực khác, không thể gây ảnh hưởng đến đức tin và sự đoàn kết của người Muslim. Còn các điều phụ thì khó tránh khỏi các quan điểm bất đồng khác nhau trong cộng động Muslim sinh sống ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trước khi vào chủ đề, tôi xin nhắc lại vài điều như sau : Tất cả người Muslim đều chấp nhận Thiên kinh Qur’an và Sunnah của Thiên sứ Muhammad (saw), vị mà Allah đã chọn để hướng dẫn nhân loại đến với Chân lý của Ngài. Thiên sứ (saw) đã giảng dạy một cách rõ ràng và toàn vẹn về Thông điệp của Thượng đế. Những ai phủ nhận các điểm trên đều là kẻ lầm lạc và Thượng đế sẽ không chấp nhận bất cứ sự hành đạo nào của họ. Vào thời Thiên sứ, mỗi khi có việc bất đồng quan điểm họ đều đến nhờ Người giải quyết và hướng dẫn họ đến với chính đạo. Người đã giải quyết một cách ổn thỏa mà đôi bên đều cảm thấy hài lòng,  dù lúc đó Thiên khải chưa được gởi đến để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Vì thế, trong Kinh Qur’an thường có câu: ‘‘ Chúng hỏi Ngươi về…’’. Sau đây là những câu Kinh đã được Mặc khải : « Họ hỏi Ngươi đâu là những món (thực phẩm) họ được phép dùng. Hãy bảo họ : ‘‘Các người được phép dùng các món (ăn) tốt và sạch. Và những con thú (hay chim) săn mà các con thú đi săn do các người huấn luyện theo phương cách do Allah đã dạy cho các người đã bắt được. Bởi thế, hãy ăn thịt của con vật mà chúng đã bắt được cho các người nhưng hãy nhắc tên của Allah lên nó. Và hãy sợ Allah. Quả thật, Allah rất nhanh chóng trong việc xét xử.’’ » (S. 5/4).
« Họ hỏi Người về việc uống rượu và cờ bạc. Hãy bảo họ : ‘‘ Trong hai điều đó vừa có một tội lớn vừa có một vài mối lợi cho nhân loại, nhưng tội của hai thứ đó lớn hơn mối lợi của chúng. ’’ Họ lại hỏi Ngươi phải chi dùng cái gì để (làm việc thiện). Hãy bảo họ : ‘‘Vật còn lại sau khi chi dùng những nhu cầu cần thiết. ’’ Allah trình bày cho các ngươi những Lời Mặc khải của Ngài đúng như thế để cho các người suy nghĩ lại. » (S. 2/219).
« Họ hỏi Ngươi về chiến lợi phẩm (thu tại chiến trường). Hãy bảo họ : ‘‘Chiến lợi phẩm đó thuộc về Allah và Sứ giả (của Allah). Bởi thế, hãy sợ Allah và giải quyết ổn thỏa (việc tranh chấp) giữa các người với nhau ; và nếu các người là những người  có đức tin thì hãy tuân lệnh Allah và Sứ giả của Ngài’’ ». (S.8/1).
« Họ hỏi Ngươi về những vầng trăng lưỡi liềm. Hãy bảo họ : ‘‘ Chúng là những thời điểm cho nhân loại (ghi đếm thời gian) và (cho) việc làm Hajj. Ðạo đức không phải là đi vào nhà bằng cửa sau, mà đạo đức là ai sợ Allah. Và hãy đi vào nhà bằng những cửa chính (của nó), và hãy sợ Allah để cho các người có thể thành công’’ ». (S.2/189).
« Họ hỏi Ngươi (Muhammad) về việc chiến đấu trong những tháng cấm kỵ. Hãy bảo họ : ‘‘Chiến đấu trong những tháng cấm kỵ là một (vi phạm)trọng đại. Nhưng dưới cái nhìn của Allah thì việc cản trở thiên hạ không cho theo chính đạo của Allah, việc phủ nhận Ngài, và việc (cấm thiên hạ đến thờ phụng tại) thánh đường Linh thiêng (ở Makkah) cũng như việc trục xuất dân cư của nó ra khỏi (Thánh địa) (tất cả điều đó) còn trọng đại hơn (việc chiến đấu trong tháng cấm kỵ). Bởi vì (dùng bạo lực để) quấy nhiễu nghiêm trọng hơn việc giết chóc. Và chúng sẽ không ngưng đánh các ngươi cho đến khi nào chúng làm cho các ngươi bỏ đạo của các ngươi nếu có khả năng. Và ai trong các ngươi bỏ đạo và chết trong tình trạng không có đức tin thì là những người mà việc làm sẽ trở thành vô nghĩa ở đời này lẫn đời sau. Và họ sẽ là những người bạn của Lửa (Hỏa ngục), nơi mà họ sẽ vào đó ở đời đời’’ ». (S.2/217).
Sau khi Thiên sứ (saw) tạ thế, cộng đồng Muslim đã có những quan điểm bất đồng về một số giáo luật. Còn riêng về các điều căn bản của Islam hoặc Thông điệp Qur’an thì không một ai vi phạm đến cả. Ngoài ra, chúng ta cũng khẳng định rằng không có vị học giả uyên bác nào mà dám nói trái lại những giáo luật căn bản của tôn giáo. Thật vậy, những ai biết về kiến thức và sự hiểu biết của họ thì chắc chắn sẽ nhận thấy mục đích của họ là đi tìm sự thật. Như Allah đã phán : «  Và TA đã làm cho Qur’an dễ hiểu và dễ nhớ. Thế có ai nhớ chăng ? ».(S.54/17). 
Mặc dầu thế, những nhà học giả cũng không thể tránh khỏi vài điều sơ sót về giáo luật của Allah. Nhân bất thập toàn như Allah đã đề cập trong Kinh Qur’an :« …Con người được tạo ra vốn yếu đuối ». (S. 4/28). Con người yếu kém về mặt lý trí và sự hiểu biết thì giới hạn. Cho nên, một ngày nào đó, tất nhiên họ cũng bị vấp phải sai lầm trên một lãnh vực nào đó. Những ai thường quan tâm đến những ý kiến của các vị học giả thì nên biết đến bảy lý do sau đây :
1. Một học giả có thể đưa ra một quan niệm hay phán đoán sai lầm, vì ông chưa biết đến bằng chứng liên quan đến vấn đề mà ông muốn đề cập đến. Sau đây là hai dẫn chứng cho vấn đề này.
a) Sau khi Thiên sứ (saw) qua đời, vào thời mà ông Umar Ibn Al-Khattab (r) làm lãnh tụ cộng đồng Muslim. Trong một chuyến lữ hành đi đến xứ Syrie, thì ông được báo tin là nơi ông muốn đến đang xãy ra bệnh dịch hạch. Ông ra lệnh phái đoàn dừng lại và tham khảo ý kiến với các vị Shahabah (bạn đồng tâm với Thiên sứ (saw)). Những vị Shahabah Mouhajiroun thì có ý kiến ngược lại với các vị Shahabah Ansar. Ý kiến có thể chấp nhận được trong việc này là quay trở về.Ông Abdurrahman Ibn Awf  (r) vắng mặt khi cuộc họp bắt đầu, đến khi hiện diện thì ông nói : « Tôi biết được câu trả lời có liên quan đến vấn đề này. Tôi từng nghe Thiên sứ (saw) dạy : ‘‘Nếu các ngươi được thông báo cho biết một nơi nào đó đang bị bệnh dịch, thì các ngươi không được đi vào nơi đó. Nếu các ngươi ở một nơi đang bị bệnh dịch thì các ngươi không được rời khỏi địa phương đó để trốn tránh’’ ». (Hadith do Imam Al-Bukhary ghi lại). Các vị Shahabah và luôn cả ông Umar Ibn Al-Khattab (r) cũng không biết đến Hadith này cho đến khi ông Abdurrahman Ibn Awf (r) đề cập đến.
b). Ali Ibn Abi Talib và Abdullah Ibn Abbas (r) nghĩ rằng thời gian phải chờ đợi lâu hơn cho một người goá chồng đang mang thai, với hai dạng thức như sau : Một là phải chờ đợi bốn tháng mười ngày, hai là sau khi sanh đẻ. Có nghĩa là nếu bà ta sanh đẻ trước thời gian 4 tháng 10 ngày kể từ ngày chồng qua đời, thì thời gian chờ đợi vẫn chưa chấm dứt, và bà phải chờ đến hết 4 tháng 10 ngày. Ngược lại, nếu thời hạn 4 tháng 10 ngày đã qua mà bà ta vẫn chưa sanh thì thời gian kiêng cữ sẽ tiếp tục cho đến khi bà sanh đẻ. Ðây là ý kiến riêng của hai ông. Nhưng Allah, Ðấng Tối Cao đã phán : « …Và bà (vợ) nào mang thai thời hạn ấn định của họ kéo dài cho đến khi hạ sanh. Và ai sợ Allah, thì Ngài sẽ làm mọi việc được dễ dàng cho y ». (S.65/4).
Và Ngài phán thêm : « Và những ai trong các ngươi chết bỏ vợ lại, các goá phụ này vì quyền lợi của bản thân sẽ phải ở vậy (iddah) bốn tháng mười ngày. Do đó, khi họ hoàn tất thời hạn ở vậy, các ngươi không có tội về việc họ tự giải quyết bản thân họ một cách biết điều. Và Allah Hằng Quen thuộc với những điều các ngươi làm ». (S.2/234).
Giữa hai câu Kinh trên, có sự tổng quát và một qui định rõ ràng. Trong trường hợp này phải tìm ra một biện pháp phối hợp giữa hai giáo luật. Chỉ có một phương cách là chấp nhận ý kiến của Ali và Abbas (r). Nhưng Sunnah của Thiên sứ (saw) vượt trên ý kiến của hai ông bởi Thiên sứ đã cho phép bà Sabi Al-Aslamiya (r) có quyền tái giá sau khi chồng vừa mới qua đời được vài ngày thì bà đã hạ sanh. Vậy, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận câu Kinh (S.65/4) là một qui định rõ ràng, còn câu Kinh (S.2/234) cho trường hợp tổng quát. Tôi nghĩ chắc chắn rằng nếu ông Ali và ông Ibn Abbas biết đến hai câu Kinh trên và  Sunnah của Thiên sứ thì họ đã không  đưa ra ý kiến ngược lại. (Còn tiếp)
Hữu Hòa phiên dịch. Từ : ‘‘Les divergences d'opignons’’  của : Cheikh Ibn Otheymin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét