Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

QUR'AN: SỰ MẦU NHIỆM CỦA ALLAH.


QUR'AN: SỰ MẦU NHIỆM CỦA ALLAH.


HASSAN ABDUL KARIM

Ông Abu Hurayra, một Sahib (người Bạn Ðạo) của Nabi Muhammad (SAW) đã kể lại lời  Nabi như sau: « Mỗi một Nabi (Thiên Sứ) của Allah đều được ban cho Phép Mầu (I’jâz) nhờ đó dân chúng tin theo, còn Ta thì được Allah ban cho Wahy (Thiên Khải) ; Ta hy vọng tín đồ của ta sẽ đông hơn các tín đồ của những Anbiyâ’ (số nhiều của Thiên sứ) khác vào Ngày Phục Sinh. » (Bukhari, tập 6, số 504)
Theo định nghĩa thì sự Mầu Nhiệm là một điều kỳ lạ, khác thường, không tuân theo định luật tự nhiên. Gọi Kinh Qur’an là một Phép Mầu bởi vì tính độc nhất vô nhị và không thể bắt chướt được của Nó. Kinh Qur’an đã nhiều lần thách thức những ai nghi ngờ về những Lời Thiên Khải của Allah ban cho người bề tôi Muhammad (SAW) của Ngài hãy thử làm (hay sáng tác) một Surah (chương) giống như Surah của Nó và gọi những nhân chứng của họ ngoài Allah đến trợ lực nếu sự nghi ngờ của họ đúng sự thật. Nhưng nếu họ không làm được và chắc chắn họ sẽ không làm nổi thì hãy sợ ngọn Lửa (của Hỏa Ngục) mà chất đốt gồm cả con người lẫn đá tượng sẽ được chuẩn bị sẵn cho những kẻ không tin, ( xem Qur'an 2 :23-24) ; và :  
« Hãy bảo (họ hỡi Muhammad) : Các người hãy mang một Kinh Sách từ Allah xuống làm một Chỉ Ðạo tốt hơn hai quyển (Tawrah và Qur’an) để ta tuân theo nếu các người nói đúng sự thật. » ( Qur’an 28 :49).
Qur’an mạnh dạn tuyên bố dẫu cho loài người và loài Jinn có hợp tác để làm Kinh Sách thì chắc chắn sẽ không bao giờ làm được một quyển như Qur’an này (xem Quran 17 :88). Lời thách thức (Tahaddi) này từ thuở sinh thời của Nabi Muhammad (SAW) cho đến ngày nay vẫn còn đó, chưa được ai giải đáp. Ðó là một trong những yếu tố xác nhận tính độc nhất và lạ thường của Qur’an.
Ông Al-Baqillani (mất năm 403H /1013dl ) trong quyển I’jâz al Qur’an của ông đã xét qua ba đặc điểm kết thành Phép Mầu của Qur’an, đó là :
1. Một Nabi ‘ummi (Một vị đưa tin không biết chữ). Nabi Muhammad (SAW) được Allah gọi là một Nabi ‘ummi. Danh từ ‘ummi của tiếng Arập có nghĩa là mù chữ, không biết đọc biết viết. Và Nabi Muhammad (SAW) thực sự đã không theo học ở một trường học nào. Tuy  không phải là một học giả, một sử gia, một triết nhân và cũng không là một thầy tu, nhưng Người được Allah tuyển chọn để đọc ra các âyat và suwar trong Qur’an nói về các Anbiyâ’ tiền nhiệm, về các Kinh sách của thời trước, về các biến cố lịch sử một cách chính xác thì đủ thấy Qur’an là một Phép Mầu mà Allah đã đặc ân ban cho chứ không phải là tác phẩm của mộ người ‘ummi, (mù chữ, không biết đọc biết viết) nào.
2. Ðiều hay từ cõi vô hình. Qur’an chứa đựng những lời tiên tri chỉ có thể biết được do sự Thiên Khải (Mặc Khải) chứ không thể tiên đoán bởi một người mù chữ được. Qur’an ghi :
« Người La mã đã bị đánh bại tại một lãnh thổ gần kề, nhưng sau cuộc chiến bại của họ sẽ chiến thắng trở lại ít năm về sau. » (Qur’an 30 :2-3).
Lịch sử chứng minh sự thật về biến cố này. Năm 615, quân của đế quốc Ba tư đánh bại quân của đế quốc La mã, tiến chiếm Damascus và Jerusalem. Hơn bẩy năm sau, năm 623, quân của đế quốc La Mã đánh trả lại và chiến thắng quân Ba tư tại Issus đúng với lời tiên tri trong Qur’an.
Các biến cố lịch sử khác xảy ra vào sinh thời của Nabi Muhammad (SAW) cũng đã xác  nhận lời tiên tri của Qur’an chẳng hạn quân Muslim đánh bại quân của người đa thần tại Badr (xem Quran 54 :44-45). Qur’an còn tiên đoán nhiều điều khác nữa sẽ xảy ra trong tương lai. (xem Quran 9 :33 ; 24 :54 ).
3. Không mâu thuẫn. Qur’an đã được thiên khải suốt 23 năm gồm các câu ngắn đoạn dài, vào những dịp và trường hợp khác biệt nhưng không có một điều nào mâu thuẫn với nhau. Nếu Qur’an do một người phàm làm ra trong một thời gian dài như thế thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn có thể xảy ra trong cuộc đời của một người thường.
Tại sao họ không chịu nghiền ngẫm về Qur’an ? Nếu là từ một Đấng nào khác hơn Allah thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy trong đó nhiều mâu thuẫn. (xem Qur’an 4 :82)
Nhiều học giả Muslim quả quyết không có một tác phẩm văn học nào bằng tiếng Ả-rập khả dĩ sánh nổi với Qur’an về mặt văn thể, bút pháp và nội dung.
Thật vậy, Qur’an là một Phép Mầu của Allah ban cho Vị Sứ Giả của Ngài ở điểm Nó là một Chỉ đạo dẫn dắt duy nhất chưa hề tìm thấy nơi một tác phẩm nào khác. Giọng văn truyền cảm và nội dung phong phú xác thật của nó đã làm cho người nghe xúc động đến mức bật khóc. Một tay hảo hán như ‘Umar ibn Khattab xem trời bằng vung đã phải bật khóc khi nghe đến câu ‘ Các đứa bé thơ dại sẽ được hỏi lý do tại sao chúng nó bị chôn sống ?’(Qur’an 81 :8-9). Chưa có một tác phẩm nào có sức mạnh thần kỳ đã chuyển biến con người như Qur’an cả : Cả một dân tộc sống trong tâm tối tôn thờ, cúng lạy bụt tượng, cây cối, cát đá, mặt trời, mặt trăng, tinh đẩu, thần linh … chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành những người quy về tôn thờ một Thượng Ðế Duy Nhất. Mọi hình thức mê tín dị đoan hoàn toàn bị quét sạch nhường chổ một tín ngưỡng độc thần duy lý. Một dân tộc kiêu hãnh với sự mê tín của mình bổng nhiên trở thành những học giả đã mang ngọn đuốc văn minh đi soi sáng nhân loại ở khắp mọi nơi. Qur’an đã quét sạch các bại tục vô luân của người Ả-rập như việc chôn sống con gái, việc con chồng lấy mẹ ghẻ, nạn thông dâm phóng đãng, việc phủ nhận quyền thừa kế của nữ giới v.v…Qur’an theo đó đã thiết lập được một chế độ mới với việc cải cách mối quan hệ hôn nhân, tôn trọng tình bà con ruột thịt, tái lập nhân quyền, nâng cao phẩm giá của phụ nữ, công nhận quyền hưởng gia tài của nữ giới, hủy bỏ tật say sưa nghiện ngập, dẹp tan nạn chiến tranh cướp bóc lẫn nhau giữa các bộ tộc Ả-rập hiếu chiến và đoàn kết họ thành một quốc gia hùng mạnh, mở rộng định chế Islam từ Âu đến Á châu.  Qur’an tiêm vào lòng người một Ðức Tin mới, tạo một đời sống mới tác động về đủ mọi mặt của đời sống của họ : Qu’ran biến một phạm nhân thành một công dân lương thiện, biến một dân tộc không có kỷ cương nề nếp thành một dân tộc biết thượng tôn luật pháp, biến một xã hội thối nát thành một xã hội lành mạnh, biến một quốc gia vô chính phủ thành một quốc gia có tổ chức nề nếp trật tự, đưa nhân loại từ vùng tâm tối đến ánh sáng văn minh tột đỉnh. Phép Mầu của Qur’an rành rõ ở chổ đó. Nhưng Qur’an còn mang một đức tính bất hủ nữa là vào bất cứ thời đại nào, Nó vẫn sống động như thế, thích hợp mọi điều kiện cá nhân và hoàn thành xã hội của con người bởi vì đối tượng mà Nó đề cập đến là con người. Và một khi bản chất và tâm tính con người không thay đổi thì vai trò sửa đổi và cải cách của Nó vẫn thích hợp mãi mãi, không bao giờ mai một và lỗi thời.
Trích từ quyển Kinh Qur’an (Ý Nghĩa và Nội Dung) của dịch giả Hassan Abdul Karim.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét