Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ TRONG HỒI GIÁO


TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ

..Và những ai có đức tin và con của họ cùng theo họ trong đức tin (Islam), TA sẽ cho con của họ đoàn tụ với họ (trong Thiên Đàng). Và TA sẽ thưởng họ không thiếu một thứ gì về những việc ...
...Và những ai có đức tin và con của họ cùng theo họ trong đức tin (Islam), TA sẽ cho con của họ đoàn tụ với họ (trong Thiên Đàng). Và TA sẽ thưởng họ không thiếu một thứ gì về những việc làm (tốt) của họ. Mỗi người là một bảo chứng cho những điều mà họ đã làm ra. (Qur’an 52 :  21).

Nói chung các bậc phụ huynh đều quan tâm, lo lắng đến việc giáo huấn con cái. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những người chểnh mảng, nếu không muốn nói là xem thường đến điều bắt buộc phải có này đối với con cái của họ.
Quan tâm đến việc giáo dục trẻ đích thực là trách nhiệm không thể thiếu mà chúng ta phải hoàn tất để hướng tuổi thơ về nẻo cao thượng ngỏ hầu gặt hái được những điều mong ước nơi thế hệ tương lai.  Trong một gia đình nề nếp, biết lấy tôn chỉ đạo đức giáo dục con cái, ắt chúng sẽ lễ phép, biết kính trên, nhường dưới, biết vâng lời ông bà cha mẹ., thấm nhuần thế nào là bổn phận của một đứa con ngoan đối với bậc sinh thành.
...Những người mất mát thực sự là những ai đã đánh mất bản thân (linh hồn) và gia đình của mình vào Ngày Phán Xử Cuối Cùng.(Qur’an 42 : 45).
Thiên Sứ Muhammad (Sallallâhu Alayhi Wasallam – Xin ALLAH ban Phúc Lành và Bình An cho Người) đã dạy: “Hãy thành kính và hiếu thảo đối với cha mẹ, con cái sẽ nhìn vào đó mà đối xử với các người”.
Sự ra đời của một đứa con phải được gia đình tiếp nhận như một tin mừng, một niềm vui lớn. Với ước mơ đã thành sự thật ấy, bậc làm cha mẹ phải cung kính tỏ lòng biết ơn sâu xa của mình hướng về THƯỢNG ĐẾ và cũng từ đấy bắt đầu một ý thức trách nhiệm không thể thiếu đối với sự thuần khiết, trong sáng, của đứa bé vừa chào đời.
Sau đây là những điều Islam luôn nhấn mạnh và bắt buộc phụ huynh quan tâm đến từng đứa con của họ.
Đọc lời gọi hành lễ khi đứa bé chào đời : Khi đứa bé chào đời, lời gọi hành lễ Adhaan được đọc vào tai bên phải của bé, tiếp đến lời gọi Iqaamah (hành lễ đã được sẳn sàng) được đọc vào tai bên trái. Như thế hài nhi sẽ được bảo vệ tránh khỏi những ám chướng phủ định.
Thật sự đối với đứa bé mới sinh, ngưới ta muốn mang đến cho nó lời gọi hành lễ, xem đây như là lời đầu tiên mà bé được nghe khi vừa ra khỏi lòng mẹ và nhân dịp này đặt tên họ trong gia đình cho em bé.
Đây cũng là thể hiện quyền mà trẻ em phải được hưởng. Đề cao giá trị bảo tồn nòi giống nhân loại qua liên hệ chính đáng và hợp pháp của cha mẹ, chọn và đặt tên riêng cho bé, một trang bị tinh thần không thể thiếu trước khi vào đời.
Làm lễ Aqiqa cho mỗi đứa trẻ : Aqiqa được xem như là lễ cầu nguyện tất cả vì THƯỢNG ĐẾ, không ngoài mục đích đặt trọn niềm tin vào việc che chở đứa bé (trai hoặc gái) nơi NGÀI , dưới sự bảo trợ của NGÀI tránh khỏi tác hại của những điều xấu.
Trong lễ này người ta thường hạ trừu, dê thết đãi những bữa ăn trong vòng bà con, họ hàng, cùng mời những người nghèo khó trong vùng đến ăn uống chung vui.
Lễ cắt da quy đầu cho các bé trai : Đây là một truyền thống đã có từ thời Thiên Sứ Ibrahim được Islam xác nhận. Theo Sunnah của Thiên Sứ Muhammad (saw.), lễ này không được xem như ngày vui, ngày hội mở tiệc linh đình, tuy nhiên vẫn không cấm việc gia đình quây quần, tặng quà như bánh, kẹo, vừa để tưởng thưởng vừa để khuyến khích lòng can đảm, hào khí của một nam nhi nơi đứa trẻ.
Hãy trìu mến và ưu ái các em : Có một câu chuyện kể : Một hôm Thiên Sứ Muhammad (saw.) ôm Al Hassan vào lòng và trìu mến hôn đứa cháu, lúc ấy có người đàn ông hiện diện thấy thế tâm sự với Thiên Sứ rằng :
- Tôi có tất cả 10 đứa con nhưng chưa từng hôn một đứa nào trong bọn chúng cả.
Thiên Sứ nhìn ông ta và nói : “Nếu ta không tỏ lòng thương yêu trìu mến ai cả thì lấy đâu mà thể hiện được lòng nhân từ”(Bukhari).
Chúng ta phải thường xuyên tỏ lòng trìu mến, yêu thương và quan tâm đến con cái một cách tích cực và rõ ràng, sự việc này cho trẻ thấy những may mắn mà chúng có được. Sự có mặt của cha mẹ là để bảo vệ các con dưới mọi hình thức, sự hiện hữu của con cháu là niềm hạnh phúc chung của gia đình, hãy tạo cho chúng cảm giác bình an trong một mái ấm, khi lớn lên chúng sẽ tin chắc chỉ có gia đình mới là điểm tựa bảo đảm vững vàng hơn cả.
Đôi khi trong gia đình, trẻ con dù ở lứa tuổi ấu thơ vẫn cảm thấy rằng chúng không được cha mẹ thương yêu đầy đủ và đồng đều, những mặc cảm tai hại này của thời thơ ấu ngấm ngầm ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tinh thần của các em. Đây sẽ là những nguyên nhân chính dẫn đến bất mãn, dối trá, ganh tỵ, nghi ngờ và lòng thù hận...kết quả như chúng ta đã thấy ở một số trẻ, vào tuổi thiếu niên chúng thường bất đầu biểu lộ những dấu hiệu bất tuân cha mẹ trong gia đình. Nổi loạn, bạo động nơi học đường và ngoài xã hội.
Hiểu rõ tâm lý các em và không quên cầu xin nơi ALLAH cho chúng ta luôn sáng suốt tránh khỏi những đáng tiếc như trên. Không nên gieo vào lòng trẻ nỗi hoang mang về tình thương dành cho chúng. Trẻ con được ví như phần thưởng quý báu, là ơn phước của ALLAH ban cho chúng ta, phải hiểu như thế mới ý thức được trách nhiệm đối với chúng. Sự an bình hồn nhiên, vô tư vui đùa của con cái cũng là hạnh phúc trong gia đình vậy.
Thiên Sứ Muhammad (saw) có dạy : “Những kẻ không biết thương yêu trẻ em, không biết kính trọng người già cả, đều không phải là những người của chúng ta.” (Abu- Da’ud & Tirmidhi) .
Chuyện kể, một hôm có góa phụ nghèo nọ dẫn theo hai con nhỏ đến nhà bà Aicha ( vợ của Thiên Sứ Muhammad.), nhìn vẻ xác xơ, tiều tụy của họ bà động lòng mang biếu 3 quả chà là để họ dùng lót dạ, người mẹ chia phần cho các con mỗi đứa 1 quả và giữ lại 1 quả cho mình. Vì quá đói hai đứa bé ăn ngấu nghiến chẳng mấy chốc hết sạch phần quà của nó, như vẫn chưa no, chúng đưa mắt nhìn phần ăn của mẹ với vẻ thèm thuồng nhưng chẳng dám xin, vốn thương con chẳng màng đến cơn đói vỡ dạ đang hành hạ, bà chia quả chà là còn lại cho mỗi đứa một nửa, nhìn chúng ăn mà bà cảm thấy như được no lòng vì sung sướng. Khi nghe bà Aicha kể lại chuyện này Thiên Sứ (saw.) vô cùng xúc động, Người nói : “ Qua câu chuyện trên mình cảm nhận được gì ? THƯỢNG ĐẾ giáng phúc cho người đàn bà này chính vì lòng yêu thương vô bờ mà bà dành cho các con ”.(Bukhari).
Thiên Sứ Muhammad (saw.) khuyên chúng ta nên dịu dàng và lúc nào cũng phải quan tâm một cách đúng mức đối với con trẻ.
Sự trìu mến của Thiên Sứ đối với trẻ được ông Jabir Ibn Abd'Allahkể lại qua câu chuyện sau:
" Một hôm tôi đến nhà Thiên Sứ trong lúc người đang nô đùa giả làm một con lạc đà để cho Al Hassan và Al Hussein cưỡi trên lưng, Người luôn miệng nói đùa : Thật là một con lạc đà tuyệt vời chở theo trên lưng nó là những chàng trai ưu tú ". (Bukhari).
Cha, mẹ cả hai người phải biết phối hợp thay phiên nhau dạy dỗ, biểu lộ tình thương, lòng khoan dung và nhân từ đến cho con cái, không phân biệt đối xử trai hay gái, hãy tạo dịp nói chuyện với chúng, kiên nhẫn nghe chúng và kể lại những câu chuyện lành mạnh cho chúng nghe, hồn nhiên vui đùa và cùng mang những nụ cười đến với chúng. Câu chuyện vừa kể của Thiên Sứ Muhammad (saw.) là tấm gương sáng cho người đời noi theo vậy.

Bạn nên nhớ không phải chỉ có thiên chức đơn thuần của người mẹ cáng đáng và chăm nom con cái trong lúc chúng còn thơ ấu. Người cha đóng một vai trò quyết định cho sự phát triển một cách hài hòa của đứa bé, phải hiểu tâm lý trẻ và thích nghi với từng lứa tuổi để hướng dẫn và dạy dỗ chúng. Thời gian không chờ đợi một ai cả, đừng để sự việc quá muộn màng, khi măng đã thành tre rồi thì khó mà uốn nắn được nữa. Dạy con từ lúc còn thơ... hẳn chúng ta vẫn luôn nhớ.
Âu yếm, dịu dàng với con cái không có nghĩa là từ bỏ uy quyền, nghiêm khắc, không có nghĩa là nuông chìu theo chúng một cách mù quáng, mà phải biết sửa chữa, uốn nắn song song với việc hướng dẫn để cho trẻ nhìn thấy đâu là đường ngay nẻo chánh. Chúng ta phải tỏ ra thành thật, cương nghị, vững vàng, tự tin, tránh không nên sai khiến các con bằng những mệnh lệnh trái ngược nhau. Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta không là người hành đạo, sống đạo, đồng thời muốn con cái phải thi hành những việc mà chúng ta xem thường, chúng sẽ nghĩ sao về bạn ? Giáo huấn phải đi đôi với chứng minh bằng hành động thì mới gặt hái kết quả tốt được.
Thiên Sứ Muhammad (saw.) có dạy rằng : " Thật sự, khi các người chăm lo đến việc giáo dục con cái, việc này tốt cho các người hơn là mỗi ngày làm được một nửa phần bố thí cho người nghèo ".
Tạo niềm hảnh diện và không ngừng giáo huấn con cái. : Chính ở tuổi ấu thơ trẻ con phải được hướng dẫn vào con đường yêu thương của THƯỢNG ĐẾ và của Thiên Sứ Muhammad (saw). Nói với chúng về việc tưởng nhớ THƯỢNG ĐẾ, dạy cho chúng biết yêu mến mọi người (việc này thể hiện qua sự hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ ). “ THƯỢNG ĐẾ hài lòng khi chúng ta được cha mẹ hài lòng. THƯỢNG ĐẾ giận dữ khi chúng ta làm cho cha mẹ giận dữ ”. ( Tirmidhi ).
Chúng ta còn phải dạy dỗ con cái biết thế nào là kính yêu Thiên Sứ, kể cho chúng về cuộc đời hy sinh tận tụy và sự nghiệp hào hùng của Người, kể về những tấm gương sáng ngời của các tiền nhân Muslim, đây là cơ hội mang đến cho chúng một sự hiểu biết tốt đẹp về Islam, từng bước và từng bước căn bản đạo đức Islam sẽ ăn sâu vào tâm hồn non trẻ của các em. Việc cấp bách là phải giảng dạy thế nào cho trẻ thấm nhuần về đức hạnh, lòng độ lượng, tính cao thượng, biết kính trọng ông bà cha mẹ, lể phép với người lớn tuổi, nhường nhịn và yêu mến bạn bè cùng trang lứa.
Ngay khi còn bé, các em phải được chỉ dẫn để phân biệt những gì được phép và những gì không được phép làm, không được vượt ra ngoài giới hạn đã ấn định, biết thế nào là vâng lời tuân phục. Giải thích với các em rằng sự cấm đoán cốt là để bảo vệ an toàn cho các em mà thôi. Một khi hiểu được thì tinh thần đạo đức của các em sẽ nhân đấy mà phát triển và cũng từ đó các em tiếp nhận được những hiểu biết đúng thời, đúng lúc, sẽ loại được tánh cứng đầu, cố chấp mà chúng ta thường thấy ở một số trẻ.
Khi chúng còn nhỏ dại, điều tốt nhất là chúng ta nên chỉ dẫn, khuyên bảo, ân cần kêu gọi các em dự vào những giờ hành lễ cùng cha mẹ để các em quen dần và rồi sẽ xem đây như là điều rất tự nhiên, đến tuổi bắt buộc thì đối với chúng việc hành lễ không còn tính cách gượng ép nữa, nên tìm phương cách chỉ dẫn từ tốn, tránh gây khó khăn vất vả cho các em. Nếu khéo chuẩn bị sau này các em sẽ không có cảm tưởng gò bó cho rằng bị ép buộc hành lễ.
Thiên Sứ Muhammad (saw.) có dạy rằng : “ Hãy khuyên bảo con cái của các người hành lễ khi chúng bất đầu 7 tuổi... ”.
Trong tháng nhịn chay Ramadan cũng thế, khuyên các em tập cho quen dần với việc nhịn chay, lúc đầu chỉ nửa buổi, sau đó một ngày, nếu có thể cuối tuần khuyến khích 2 ngày liên tiếp để có dịp cho các em lượng được sức của mình, quen dần thì các em không thấy có vấn đề trở ngại trong việc nhịn chay.
Chuẩn bị trước thường tốt và hiệu quả hơn là chờ khi các em đến tuổi mới dạy. Bên cạnh đó những thí dụ tự nhiên những việc hành đạo cụ thể của cha mẹ cùng những người lớn tuổi xung quanh sẽ gây một ấn tượng không phai nhòa trong tâm trí các em.
Không phỉnh phờ đánh lừa trẻ em. : Trẻ con lúc nào cũng hồn nhiên đặt trọn niềm tin vào cha mẹ và những người lớn tuổi gần gủi với chúng, tin vào sự bảo vệ, giáo dục và tất cả những gì chuẩn bị cho đời sống của một người Muslim trưởng thành sau này.
Trẻ tin cậy nơi người lớn sẽ mang lại những gì thoải mái về phương diện vật chất cùng cảm tình yêu thương mà chúng ta dành cho chúng. Vì thế cha mẹ phải biết duy trì và củng cố niềm tin ấy, một khi trẻ khám phá rằng bị người lớn nói dối, phỉnh lừa chắc chắn chúng sẽ cảm thấy khổ tâm, mủi lòng, từ đó bao sự tin cậy đã có bỗng chốc mất tất cả để rồi về sau dù trong tình huống nào chúng cũng tỏ ra nghi ngờ.
Như Thiên Sứ Muhammad (saw.) đã dạy :“ Khi đã hứa với trẻ em thì phải thực hiện đúng lời hứa đừng tổn thương chúng bằng sự dối trá”. ( Ibn Hanbal ).
Cha mẹ cần phải thể hiện tính công bằng với tất cả các con, không nên phân biệt dù trai hay gái, lòng khoan dung mang đến cho chúng những lợi ích đồng đều, bảo đảm cho chúng có cùng những phương tiện như nhau để chúng không mang nặng mặc cảm hầu dẫn đến thành đạt cho các em sau này.
Không nên trọng nam khinh nữ, có một câu chuyện kể của Hadith sau đây cho chúng ta thấy rõ Thiên Sứ Muhammad (saw). đánh giá thế nào về vấn đề này : Anas kể lại rằng : Có một người đàn ông cùng ngồi chung trong nhóm người của Thiên Sứ, đang lúc ấy thấy cậu con chạy về phía mình ông ôm lấy nó hôn rồi để ngồi trên đùi, nâng niu vuốt tóc con cử chỉ thật là âu yếm, thấy thế cô con gái nhỏ cũng chạy về phía ông như để mong được cha âu yếm, thế nhưng ông chỉ đón lấy cô bé rồi để nó ngồi kề bên mình tuyệt nhiên không có một cử chỉ nào khác, chẳng hôn con mà cũng chẳng đặt nó ngồi trên đùi. Nhìn thấy cảnh ấy và không chấp nhận được cách phân biệt đối xử như thế này, Thiên Sứ gọi ông đến và dạy rằng : “ Ông thực là một người cha không biết lẽ công bằng là gì cả !”.(Al.Biyaqi).
Nhìn những cụ bà, những người mẹ của ngày hôm nay, có khi nào bạn chạnh lòng nghĩ đến sự bất công trong việc trọng nam khinh nữ, những tủi hận, uất ức chan hòa nước mắt của cả một quãng đời ấu thơ mà họ đã từng âm thầm chịu đựng ! Nỗi chịu đựng triền miên tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác chẳng biết đến thuở nào mới chấm dứt. Nếu cứ tiếp tục mãi theo cái lệ này thử hỏi những người trong chúng ta có thực sự đã học và hành theo những gì ALLAH phán truyền hay chưa ? Có đi đúng theo Sunnah của Thiên Sứ hay chưa ?
Cha mẹ có trách nhiệm trong vấn đề giáo dục con cái đây là việc hiển nhiên trong cuộc sống  không ai chối cải nhưng chúng ta đừng quên rằng kết quả mà chúng ta mang lại cho con cái rồi cũng sẽ được THƯỢNG ĐẾ phán xét và nhận lãnh những thưởng phạt công minh của NGÀI ở đời sau. Hẳn là phải gánh vác một trách nhiệm nặng về tinh thần lẫn vật chất khi hết lòng lo lắng cho tương lai của các con. Nhưng bên cạnh đó còn những hứa hẹn nào tuyệt vời hơn khi cha mẹ cùng các con của mình thực hiện được những Lệnh Truyền Của THƯỢNG ĐẾ, mà phần thưởng chắc chắn sẽ là : “ Những Ngôi Vườn ‘Adn (Thiên Đàng vĩnh cửu); họ sẽ đi vào đó với ai là người lương thiện trong số cha mẹ, vợ chồng và con cái của họ; và các Thiên Thần chào họ từ mỗi cánh cửa, ”. (Qur’an 13 : 23.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét