SUNNAH & HADITH
ATIKA BINT SULAYMAN
« … Và những gì mà Sứ Giả ban cho các người thì hãy nhận nó và những gì mà Sứ Giả cấm thì hãy khước từ nó. Và hãy sợ Allah bởi vì, quả thật, ...
« … Và những gì mà Sứ Giả ban cho các người thì hãy nhận nó và những gì mà Sứ Giả cấm thì hãy khước từ nó. Và hãy sợ Allah bởi vì, quả thật, Allah rất nghiêm khắc trong sự trừng phạt.» (Qur’an 59 :07).
Danh từ Sunnah có nghĩa là con đường, là lối sống, cách hành xử trong cuộc đời của Thiên Sứ Muhammad (saw). Sunnah bao gồm những hành động cụ thể, những lời khuyên dạy hoặc cấm đoán phát xuất trực tiếp từ nơi Thiên Sứ (saw). Sunnah là nguồn tài liệu quan trọng của Islam sau Thiên Kinh Qur’an. Chính vì thế trong việc hành đạo của người Muslim, Qur’an và Sunnah lúc nào cũng phải đi đôi với nhau.
Danh từ Hadith (số nhiều là Ahadith), tuy có cùng đặc điểm với Sunnah (cách sống, cách hành xử, lời nói… ) nhưng ý không giống nhau, vì Hadith là sử ký viết lại cuộc sống liên quan đến việc hành đạo của Thiên sứ (saw) do những vị Sahabah sống cùng thời với Người, ghi nhớ và truyền lại cho hậu thế.
Sự phát triển của Islam vào các thế kỷ thứ VII và thứ VIII, đã làm chonhững học giả Muslim phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có việc bảo tồn kiến thức Sunnah của Thiên Sứ Muhammad (saw), và cũng từ thời điểm này người ta thấy xuất hiện bộ môn ‘Khoa học Hadith’.
Ahadith gồm có 3 phần:
1- Matn : Văn bản.
2- Isnad : Chuổi liên tục về xuất xứ của người kể lại.
3- Taraf : Ðại ý của 1 Hadith qua lời tựa. (Bắt đầu bằng hành động hay cách ứng xử của Thiên Sứ).
Theo Abdullah bin Mubarak (mất năm 181 niên lịch Islam), một trong những học giả nổi tiếng thời bấy giờ và là thầy của Imam al-Bukhari, thìcho rằng : “ Isnad là một phần trong tôn giáo của chúng ta, sẽ không còn là isnad nữa, khi bất cứ ai cũng có thể tùy tiện áp đặt điều mình muốn vào trong đó ”.
Dưới thời của Thiên Sứ (saw), các Sahabah thường tìm đến sự chỉ đạo trực tiếp của Người lúc vấp phải những vấn đề nan giải, Tabi‘un (thế hệ sau Sahabah) là những người tiếp nối con đường của Thiên Sứ, họ tuân thủ theo những gì Người để lại, và được sự xác nhận là đúng của các vị Sahabah tiền bối. Tuy vậy bên cạnh đó vẫn có một số người không chấp nhận sự hội ý của những Sahabah có uy tín, bởi cho rằng Hadith thuộc về những gì đã qua và lổi thời.
Ðiều này cho thấy vì sao mỗi Isnad cần phải được thẩm tra cẩn thận. Theo Imam Malik (mất năm 179, niên lịch Islam) thì người đầu tiên áp dụng Isnad là ông Ibn Shihab al-Zuhri (mất năm 124, niên lịch Islam).
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là các tay ngụy giáo cố ý viết lại bằng cách thêm, bớt vào Hadith, để tạo thành những cấu trúc mâu thuẫn, có nội dung đối chọi nhau. Ý đồ của họ là tung rối loạn, gieo nghi ngờ, khúc mắc và làm đình trệ trong việc truy cứu tìm hiểu.
Ibn Sirin (mất năm 110, niên lịch Islam), người tiếp nối con đường truyền đạo của Thiên Sứ (saw) đã nói:
“ Nhưng khi fitnah ( lúc khó khăn, rối loạn, chiến tranh, phân hóa) xảy đến, người ta sẽ đòi hỏi tên và xuất xứ của người kể. Vì thế chỉ có những gì của Ahl al-Sunnah (những người sống với Sunnah) là được chấp nhận, ngoài đó ra là những người chủ trương ngụy tạo, phải bị đào thải”.
Các học giả chuyên khoa đã nêu lên 4 loại Hadith tiêu biểu sau đây:
1- Hadith Qudsi : Siêu phàm. (Khải Thị của Allah (gợi ý) qua lời nói củachính Thiên Sứ).
2- Hadith Marfu : Cao nhã. (Nội dung câu chuyện được người kể nghe trực tiếp từ Thiên Sứ (saw)).
3- Hadith Mauquf : Ngưng động. (Nội dung câu chuyện được người kể nghe lại từ các vị Sahabah).
4- Hadith Maqtu : Tách biệt (Được những người kế tiếp thế hệ Sahabah kể lại).
Vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, sang đầu thế kỷ thứ hai, sau Hijra (niên lịch Islam), đã có vài trăm quyển sưu tập Hadith nhỏ được lưu hành ở các vùng có người Muslim sinh sống. Hầu hết các quyển sưu tập nhỏ này chưa được xắp xếp hay phân loại theo từng chủ đề.
Khoảng giữa thế kỷ thứ hai (sau Hijra), xuất hiện một số sưu tập có phần cải cách hơn như quyển sưu tập Al-Muwattaâ, của Imâm Malik(rahimahullah). Al-Muwattaâ là một sưu tập giữa các Ahadith (số nhiều của Hadith) của Thiên sứ Muhammad (saw) và những ý kiến của các Sahabah (những người Bạn đạo của Thiên Sứ) hay của những người sau đó kế nghiệp con đường truyền đạo của Người. Nó được xắp xếp theo chương, bao gồm các luật về nghi thức Salah, Zakat, Hajj, Hôn nhân, Mậu dịch… .Mãi cho đến cuối thế kỷ nói trên mới thấy xuất hiện vài quyển sưu tập mới, được phân loại nhưng nội dung chỉ bao gồm Hadith của Thiên SứMuhammad (saw).
Cho đến nay tuy có nhiều bộ sưu tập Hadith, nhưng nổi tiếng chính xác và có giá trị nhất phải kể đến sáu bộ của các bậc thầy chuyên khoa như : Imâm al-Bukhari (rahimahullah), Imâm Muslim (rh.), Imâm Abu Dawud (rh.), Imâm al-Tirmidhi (rh.) Imâm al-Nasa’i (rh.) và Imâm Ibn Majah (rh.). Song song với sáu bộ Hadith nói trên, Al-Muwattaâ của Imâm Malik (rh.) cũng được các học giả Muslim đánh giá cao.
SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ CỦA CÁC NHÀ SƯU TẦM HADITH.
1. IMÂM AL-BUKHARI (194 – 256).
Imâm Al Bukhari (rh) đã tổng hợp các tinh hoa Hadith truyền thống của Islam bằng tất cả sức lực và năng khiếu tuyệt vời mà Thượng Ðế đã dành riêng cho ông. Ðược biết đến như một học giả nghiên cứu nổi danh, ông đã đúc kết và truyền lại cho hậu thế một gia tài đồ sộ, chuẩn và chính xác nhất về bộ môn Hadith.
Tên, họ của Imâm al –Bukhari là : Abu Abdullah Muhammad Ibn Ismael Ibn Ibrahim Ibn al – Mughira al – ja’fi al –Bukhari. Ông sinh vào ngày thứ sáu, 13 tháng Shawwal, năm 194 (niên lịch Islam), tại Bukhara (một thành phố cổ ở xứ Uzbekistan ngày nay). Thân phụ của ông cũng là một học giả về Hadith và mất sớm, ông ở với mẹ cùng người anh lớn tên là Ahmad.
Tiếp nối sự nghiệp của cha, Bukhari bắt đầu học về Hadith khi chưa đầy 10 tuổi. Ở tuổi 16, ông học thuộc lòng nhiều quyển sưu tập Hadith nổi tiếng như các quyển sưu tập của Ibn al-Mubarak, Waki, … Ngoài việc học thuộc lòng, ông còn nghiên cứu thêm về tiểu sử của những người thuật lại. Ông du hành đến nhiều nơi, ở Hijaz sáu năm, đến Baghdad tám lần để học về Hadith.
Ông biên soạn trên 20 quyển và được biết đến nhiều nhất là bộ sưu tập Sahih al – Bukhari với 9.082 Ahadith, nếu trừ đi sự lập lại cho mỗi tiêu đề thì chỉ còn 2602 Ahadith. Trong quá trình biên soạn bộ Sahih Al-Bukhari, ông tham khảo với trên một ngàn học giả đương thời và mất tổng cộng 16 năm để hoàn thành. Có nguồn tài liệu ghi rằng ông bắt đầu biên soạn bộ sưu tập này tại thánh đường Al-Haram ở Makkah và hoàn thành bản thảo cuối cùng tại thánh đường của Thiên Sứ Muhammad (saw) ở Médina. Bukhari nghiên cứu rất kỷ cho từng Hadith một, ông thường dâng lễ nguyện Istikhara, cầu xin sự soi sáng của Allah trước khi chính thức hạ bút ghi vào bộ sưu tập. Các học giả Islam cho rằng, Sahih al-Bukhari là nguồn kiến thức tôn giáo sau Thiên Kinh Qur’an.
Bukhari gặp nhiều khó khăn, rắc rối trong những ngày cuối đời, chỉ vì có lần ông đã từ chối đến nhà riêng dạy học cho con cháu của viên thống đốc Bukhara. Ông cho rằng : Người phải đi tìm kiến thức chứ không phải kiến thức tìm đến người. Ông bị trục xuất ra khỏi Bukhara và di cư đến vùng Khattank, gần Samarquand. Bukhari định cư tại nơi này và mất năm 256 (niên lịch Islam), thọ 62 tuổi. Cầu xin Allah ban cho ông nhiều phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau. Bukhari không những là một học giả đại tài, một người năng động, một tín đồ sùng đạo mà ông còn là người rất kính sợ Thượng Ðế và được Ngài hướng dẫn theo con đường của Thiên Sứ Muhammad (saw).
Con người đạo hạnh này đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho cộng đồng Muslim, dù ở chân trời, góc biển, không ngày nào không có người nghiền ngẫm Ahadith do ông sưu tầm ghi lại để hành đạo theo đúng mẫu mực của Thiên Sứ (saw) trong cung cách thờ phụng Thượng Ðế. Chính vì sự cẩn trọng trong sưu tầm và quyết tâm bảo lưu Hadith, tên tuổi của Bukhari đãgắn liền với bộ môn này, khiến nhiều học giả, trong đó có Abu Ammar al-Husayn Ibn Huraith phải thốt lên rằng : « Tôi chưa từng thấy một ai như Bukhari, dường như ông ta được sinh ra chỉ để sưu tầm Hadith. ».
2. IMÂM MUSLIM (204 – 261).
Imâm Muslim (rh) là một học giả nổi tiếng không kém so với Imâm Al-Bukhari. Ông đã hiến trọn cuộc đời cho việc nghiên cứu và biên soạn trên 20 quyển Hadith. Trong các biên sọan của ông, thành công nhất là bộ sưu tập Sahih Muslim với 3033 Ahadith. Ông thực hiện bộ sưu tập này trong vòng 15 năm.
Tên, họ của Imâm Muslim là : Abul Husain Muslim Ibn al-Hajjaj al-Nisapuri. Ông sinh năm 204 (niên lịch Islam), tại Nisapur, Iran. Trưởng thành tại thành phố này và bắt đầu chú tâm học về Hadith ở tuổi 15. Ông đặt chân đến hầu hết các trung tâm giảng dạy về Hadith để học hỏi và tham khảo. Chuyến du hành đầu tiên, ông đến Makkah để hành hương (Hajj) vào năm 220 (niên lịch Islam). Tiếp đó ông đến Iraq, Hijaz, Syria, Egypt và lần cuối cùng ông dừng chân ở Baghdad năm 259 (niên lịch Islam). Imâm Muslim học về Hadith với nhiều học giả đương thời, trong đó có Imâm Al-Bukhari. Là học trò của Bukhari, Muslim đã ảnh hưởng khá nhiều về phương pháp sưu tầm nhưng cách biên soạn thì có phần khác biệt, đó là không lập lại các Ahadith cho mỗi tiêu đề. Một đặc tính nổi bật trong phương pháp sưu tầm của Imâm Muslim là ông chỉ hạ bút ghi vào bộ sưu tập Hadith nào đã được nhiều học giả đồng chấp thuận về tính xác thực của nó.
Imâm Muslim mất năm 261 (niên lịch Islam) tại thành phố Nasarabad, gần Nisapur, thọ 57 tuổi. Ông đã để lại những bộ Hadith quan trọng, hữu ích, có thể nói đã góp phần hoàn thiện nhân cách và củng cố niềm tin cho mỗitín đồ Muslim. Cầu xin Allah ban cho ông những gì tốt đẹp nhất ở Ngày Sau.
3. IMÂM ABU DAWUD (202-275).
Imâm Abu Dawud (rh) là mẫu người trung thực, có lối suy nghĩ chính xác và nổi tiếng là người uy tín. Ông là một luật gia, một nhà nghiên cứu sưu tầm về Hadith, và đồng thời là một người bình phẫm có tư cách tài giỏi trên lĩnh vực này.
Tên, họ của Abu Dawud là : Abu Dawud Sulaiman Ibn al-Aash’ath Al-Azdi as-Sijistani. Sinh năm 202 (niên lịch Islam) tại Sajistan (Iran), Imâm Abu Dawud học Qur‘an và tiếng Ả rập từ nhỏ, về sau ông học thêm về văn chương Ả rập. Với kiến thức sẵn có, ông bắt đầu du hành đến nhiều nơi để tìm hiểu về Hadith, khi đang còn ở tuổi đôi mươi, Abu Dawud đã từng dừng chân học hỏi tại các thành phố lớn như : Khurasan, Rayy, Harat, Kufa, Baghdad, Damas, Cairo, Basra và Tarsus, hành trình trau dồi kiến thức này kéo dài suốt 20 năm.
Trong thời gian ở Tarsus, ông hoàn thành bộ sưu tập nổi tiếng mang tựa đề ‘Sunan Abu Dawud’, đây là tập trung các Ahadith chuyên đề về giáo luật (tuyệt đối không đề cập đến các đề tài khác như Tawheed, Iman…), với khoảng 5000 Ahadith. Tuy nhiên, không phải tất cả các Ahadith trong bộ sưu tập của ông đều là Sahih (có tính xác thực cao). Ông xác nhận điều này và cho rằng, một Hadith được xem là Da‘if (không có tính chính xác cao) có thể được ví như là một học sinh có khả năng trung bình, nếu áp dụng nó vẫn còn tốt hơn là nghe theo ý kiến riêng của các học giả.
Gần cuối cuộc đời, Abu Dawud chấp nhận lời mời của thống đốc Basra, đến sinh sống và mở trường dạy học tại đây. Sự có mặt của ông đã thu hútnhiều học giả nổi danh khắp nơi tụ về thành phố này ngày càng nhiều hơn, Basra cằn cỗi, vắng vẻ ngày nào bỗng chốc trở thành tụ điểm của các sinh viên, học sinh quy về đông đảo, từ đó Basra trở thành một thành phố văn hóa có nhiều trường học nổi tiếng ở miền nam Iraq.
Abu Dawud mất năm 275 (niên lịch Islam) tại Basra, thọ 73 tuổi. Cầu xin Allah chấp nhận những cố gắng của ông và ban cho ông phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau.
4. IMÂM AL-TIRMIDHI (209-279).
Imâm Al-Tirmidhi (rh) cũng là một học giả chuyên khoa Hadith và nổidanh là người thuộc lòng rất nhiều Ahadith. Ông cũng là học trò của Imâm Al-Bukhari, Imâm Ahmad Ibn Hanbal, Imâm Abu Dawud và nhiều học giả khác.
Tên, họ của ông là : Muhammad Ibn ‘Isa Ibn Saura Ibn Musa Ibn al Dahhak at-Tirmidhi. Sinh năm 209 (niên lịch Islam), tại Tirmidhi, một thành phố ở Transoxiana thuộc miền Trung Á. Cũng như các học giả khác, ông thường đi đến Khurasan, Iraq, Hijaz và nhiều nơi khác để nghiên cứu về Hadith. Học được nhiều kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước. Năm 270 Tirmidhi soạn và cho ra mắt bộ sưu tập lấy tên là Al-Jami’ hay còn gọi là As-Sunan at-Tirmidhi. Ðây là bộ Ahadith bao gồm nhiều đề tài, được chia thành 50 chương với 3956 Ahadith. Trong đó, mỗi Hadith được giải thích tỉ mỉ về xuất xứ, giá trị xác thật, bao gồm ý kiến của các học giả, các luật gia và cả ý kiến riêng của ông. Sở dĩ bộ sưu tập này được mang hai tên, Al-Jami’ hay Al-Sunan vì nó là một bộ sách hỗn hợp và hầu hết các Ahadith đều liên quan đến giáo luật Shariah nên rất hữu ích cho các luật gia khi mang ra nghiên cứu và áp dụng. Nó được đánh giá là bộ sưu tập Al-Sunan đầy đủ, chi tiết và hoàn hảo nhất so với các bộ sưu tập Sunan khác.
Ngoài bộ sưu tập nói trên, còn có nhiều quyển nổi tiếng khác do ông biên soạn như là : Kitab-al Shama’il al-Nabawiyyah, Asma as-Sahabah, ….Những ngày cuối đời, Imâm Tirmidhi bị mù và mất năm 279 (niên lịch Islam), thọ 70 tuổi. Cầu xin Allah ban cho ông nhiều phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau.
5. IMÂM AL-NASA’I (215-303).
Imâm Al-Nasa’i (rh) là một học giả uy tín trong giới trí thức, ông có biệttài nhận định chính xác và mang đầy tính thuyết phục. Từng dự chiến ở Egypt và nổi tiếng là người rất gan dạ.
Tên, họ của ông là : Abu Abdur Rahman Ahmad Ibn Shu’aib Ibn Ali Ibn Sinan Ibn Bahr al-Khurasani an-Anasa’i. Sinh năm 215 (niên lịch Islam), tại Thành phố Nasa ở Khurasan. Bắt đầu du hành để học về Hadith khi vừa 15 tuổi. Ông từng lưu lại Iraq, Arabia, Syria, Al-Jazira và Egypt để hoàn thành quyển sưu tập nổi tiếng có tên là As-Sunan al-Mujtaba. Ðây là quyển Ahadith được tuyển chọn lại từ bộ sưu tập As-Sunnan al-Kubra của chính ông. Tuy nhiên, không phải tất cả các Ahadith trong quyển sưu tập này đều có giá trị xác thực cao, vì thế nó không được đa số học giả chú ý. Về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 10 (niên lịch Islam), Imâm Suyuti, một luật gia, có viết bài phân tích và bình luận về quyển As-Sunnan Al-Mujtaba với tựa đề là Zahrur Raba ‘Ala Al –Mujtaba.
Vào những ngày cuối đời, Imâm Nasa’i định cư ở Damascus và mất tại đây ? năm 300 (niên lịch Islam), thọ 88 tuổi. Các nguồn tài liệu ghi lại không giống nhau về nguyên nhân cái chết và nơi chết của ông.
Cầu xin Allah chấp nhận những cố gắng của ông và ban cho ông nhiều phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau.
6. IMÂM IBN MAJAH (209-273).
Imâm Ibn Majah (rh) là một học giả uyên bác và đầy uy tín. Tên, họ của ông là : Abu Abdullah Muhammad Ibn Yajid ar-Rab’i. Sinh năm 209 (niên lịch Islam) tại Qazwayn. Cha của ông thường được người ta gọi một cách quý mến là Majah, vì thế ông cũng được mọi người gọi qua tên Ibn Majah Al-Qazwini.
Với tập tục địa phương thời ấy, trước khi học chuyên sâu về Hadith, Ibn Majah bắt buộc phải học qua Qur’an từ nhỏ. Sau năm 230, ông du hànhđến Basra, Makkah, Iraq, Hijaz, Syria, Egypt và nhiều nơi khác để sưu tầm Hadith. Trong quá trình sưu tầm, ông biên soạn được ba quyển, Tafsir, Al-Tarikh, và Al-Sunan Ibn Majah. Tiếc thay, hai quyển đầu tay của ông đã bị thất thoát, chỉ còn Al-Sunan Ibn Majah với 4341 Ahadith. Trong số 4341 Ahadith này thì 3002 Ahadith đã được ghi lại từ năm bộ sưu tập của năm tác giả trước, chỉ có 1339 Ahadith còn lại là do chính ông sưu tầm.
Về phương pháp sưu tầm, Ibn Majah được xếp vào hàng thấp nhất so với các học giả cùng thời với ông. Không kể hai bộ sưu tập Sahih công phu nhất, nhì của Imâm Bukhari và Imâm Muslim, ba bộ Sunan còn lại của Imâm Abu Dawud, Imâm Al-Tirmidhi, Imâm Al-Nasa’i, tuy có một số Ahadith kém phần chính xác hơn nhưng tác giả có ghi lại những lời lý dẫn. Riêng Ahadith của Ibn Majah thì hoàn toàn không có lời bình giải hay chú thích chi cả. Vì thế phương pháp sưu tầm của ông không được đánh giácao, các học giả đương thời đã phân loại tổng số 1339 Ahadith của Ibn Majah như sau :
- 428 Ahadith Sahih (chính xác).
-199 Ahadith Hasan (giá trị chuẩn).
- 613 Ahadith Da‘if (yếu, kém).
- 99 Ahadith Munkar (không có thật).
Mặc dù phương pháp sưu tầm của Ibn Majah không được đắnh giá cao nhưng các học giả đều thừa nhận rằng, Sunan Ibn Majah là bộ sưu tập được sắp xếp có hệ thống và các Ahadith ít khi lập lại ở mỗi tiêu đề.
Ibn Majah mất trong tháng Ramadan, năm 273 (niên lịch Islam), thọ 64 tuổi. Cầu xin Allah chấp nhận những cố gắng của ông và ban cho ông nhiều phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau.
Trích dịch từ quyển : STUDIES IN HADITH METHODOLOGY AND LITERATURE. Tác giả : M.M AZAMI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét