Nguyên nhân thật sự của “mùa xuân A-rập”
QĐND - Cũng vào dịp xuân về cách đây một năm, khu vực Trung Ðông và Bắc Phi đã diễn ra những cơn "giông bão" chính trị, có người gọi đó là “cách mạng màu” có người gọi là “cách mạng hoa nhài”, có người gọi đó là “cách mạng truyền thông” (được hiểu là các cuộc cách mạng dựa vào các phương tiện truyền thông nhất là các mạng xã hội), còn phương Tây thì gọi các sự kiện này là “mùa xuân A-rập”. Ở đó đã diễn các cuộc biểu tình chống chính phủ, từng bước đã trở thành các cuộc xung đột bạo lực vũ trang giữa quân chính phủ với các nhóm đối lập. Ở Li-bi, cuộc nội chiến đã trở thành một cuộc chiến tranh thật sự - giữa một bên là NATO, quân nổi dậy với một bên là quân chính phủ. Hậu quả là Li-bi trở nên hoang tàn và chia rẽ, Ai Cập bị rối loạn và đổ vỡ, ở Xy-ri thì hàng ngàn người bị chết, còn I-rắc tiếp tục chìm trong mâu thuẫn và khủng bố đẫm máu chưa chấm dứt sau khi Mỹ rút quân. Sự đối đầu giữa I-ran và phương Tây hiện nay đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực… chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi các loại vũ khí, khí tài hiện đại sẽ được sử dụng ở đây.
Không phủ nhận rằng, ở những quốc gia trong khu vực, nhiều nhà lãnh đạo, bị lên án là “độc tài”, đã phải ra đi, nhiều cơ cấu chính trị mới được hình thành, nhưng những cơn dư chấn chính trị, vẫn đang tiếp diễn, không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Nghĩ về “mùa xuân A-rập" trước hết người ta nghĩ về những nguyên nhân dẫn đến sự kiện này.
Về nguyên nhân bên trong, nếu xét về kinh tế, những quốc gia trong khu vực không phải là những nước nghèo, mà là những quốc gia đang phát triển, với GDP khá cao. Li-bi từng là nước giàu nhất châu Phi, GDP bình quân đầu người năm 2010 là 12.000USD. Tuy-ni-di từng là một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng ở Bắc Phi, được xem là một điển hình kinh tế ở châu Phi. Ai Cập được lọt vào nhóm “Tám sư tử châu Phi”. Tuy nhiên, ở đây đã diễn ra sự phân cực giàu nghèo không thể chấp nhận được; điều kiện sống tồi tệ của người dân; tình trạng quan liêu tham nhũng, gia đình trị; sự hình thành và mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích, trước hết là lợi ích chính trị - giữa nhóm trung thành với tổng thống và nhóm thân phương Tây là những nguyên nhân bên trong dẫn đến cuộc khủng hoảng khó có thể kiểm soát. Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, những người lãnh đạo lực lượng đối lập vốn là những nhân vật quan trọng trong bộ máy của chính quyền cũ, thậm chí là gần gũi với tổng thống… Điều này không chỉ tồn tại ở Tuy-ni-di mà còn ở Ai Cập, Li-bi, Xy-ri, Y-ê-men…
Theo báo chí nước ngoài, giá trị tài sản của Tổng thống Ai cập H.Mu-ba-rắc và gia đình là 20 tỷ USD, của Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi lên đến 80 tỷ USD, tài sản của bà vợ thứ hai của ông này cũng lên tới 30 tỷ USD. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền thể hiện ở sự kéo dài nhiệm kỳ của chức vụ cao nhất lên tới 24 năm - trường hợp tổng thống Tuy-ni-di, 30 năm - trường hợp tổng thống H.Mu-ba-rắc, 42 năm - trường hợp tổng thống M.Ca-đa-phi… Những mâu thuẫn được tích tụ, bị dồn nén không được giải quyết dẫn đến khủng hoảng chính trị - xã hội. Đó là điều tất yếu. Nhưng các cuộc khủng hoảng không tất yếu dẫn đến chiến tranh, đến xung đột vũ trang, đến sự can thiệp, tấn công quân sự từ bên ngoài, đến sụp đổ nhà nước… nếu như đảng chính trị - cầm quyền, người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, biết hướng đến những giá trị cao quý hơn là tài sản, tiền bạc; nếu như ở đó người ta có tinh thần cảnh giác với các nguy cơ “diễn biến hòa bình” và biết cách xử lý tình huống khi sự kiện xảy ra.
Về nguyên nhân bên ngoài, sau “chiến tranh lạnh”, nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu đã ngày càng thúc đẩy các nước lớn quan tâm đến “lục địa đen”, đến nhu cầu kiểm soát các nguồn dầu lửa, nhất là túi dầu lớn Trung Đông, Bắc Phi. Lấy Li-bi là một ví dụ. Quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 7 thế giới, lại có những đặc điểm như dầu ở Li-bi là loại ngọt nhẹ, cho ra nhiều xăng hơn, chi phí khai thác ở đây lại rất rẻ khiến “chiếc bánh vàng đen” luôn làm cho các nước lớn thèm khát.
Từ hàng thập kỷ trước đây, các nước phương Tây đã vạch ra chiến lược tiếp cận khu vực này: Người ta đã truyền bá các quan điểm “dân chủ, nhân quyền” của mình; hỗ trợ cho sự ra đời và nuôi dưỡng hàng trăm tổ chức phi chính phủ (NGOs); đầu tư, phát triển các mạng xã hội; khi công khai, lúc ngấm ngầm người ta khuyến khích những phần tử đối lập nhằm chuẩn bị cho các cuộc “cách mạng màu” - lật đổ các chính phủ hiện hữu thay bằng các chính phủ thân phương Tây. Và đương nhiên, sức mạnh “cứng” (sự can thiệp bằng quân sự) cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Trong bối cảnh quốc tế hóa nhiều mặt đời sống nhân loại, hoạt động chính trị, ngoại giao, nhất là của các nước lớn và của Liên hợp quốc là một phương thức quan trọng trong việc can thiệp của phương Tây vào các nước Trung Đông - Bắc Phi. Viện cớ “dân chủ, nhân quyền” - đánh đổ các nhà độc tài, bảo vệ quyền tự do của người dân, người ta đã bỏ qua nguyên tắc “quyền dân tộc tự quyết” được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người, Hội đồng Bảo an với sự chi phối của một số nước lớn phương Tây đã thông qua Nghị quyết 1973, thiết lập “vùng cấm bay” ở Li-bi, tạo cơ hội cho liên quân Mỹ, Anh, Pháp phối hợp với quân nổi dậy tấn công quân sự Li-bi, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng chính phủ M.Ca-đa-phi. Tương tự như vậy, Nghị quyết 2014 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khiến Tổng thống A-li Áp-đu-la Xa-lê đã phải chấp nhận từ chức và chuyển giao quyền lực ở Y-ê-men.
Các sự kiện ở Trung - Đông, Bắc Phi cho thấy, một phương thức mới của chủ nghĩa thực dân thời hội nhập và toàn cầu hóa là kết hợp “sức mạnh mềm” về “dân chủ, nhân quyền”- xây dựng và hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập bên trong với “sức mạnh cứng”- hỗ trợ về quân sự và khi cần sẽ tấn công quân sự, trên cơ sở lợi dụng các cơ chế quốc tế để can thiệp, lật đổ những chính phủ hiện hữu lập nên những chính phủ thân phương Tây.
Còn nhớ khi bạo loạn ở Tuy-ni-di diễn ra, những lực lượng thù địch trong và ngoài nước như “mở cờ trong bụng”, họ đã công khai nói đến “cách mạng hoa sen”, nói đến các “kịch bản sụp đổ” của chế độ Cộng sản Việt Nam”. Những điều mà các thế lực thù địch đề cập đến cho thấy “diễn biến hòa bình” là một nguy cơ hiện hữu. “Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mội đe dọa an ninh phi truyền thống…”[1] là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay.
Bài học rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu, từ sự kiện “mùa xuân A-rập” là phải luôn luôn tỉnh táo phòng ngừa và sẵn sàng đối phó với các nguy cơ an ninh truyền thống và nguy cơ an ninh phi truyền thống; phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trước mắt cần có nhiều nỗ lực, nhiều sáng kiến thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) - "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Một trong những mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc, từng bước khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội như Cương lĩnh của Đảng đã đề ra.
BẮC HÀ
[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, HN, 2011, Tr 233
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét